Những biện pháp hay bồi dưỡng học sinh năng khiếu về môn toán lớp 5

Để nâng cao phần số học cho học sinh khá, giỏi, giáo viên phải nắm được mục đích, ý nghĩa, cơ sở xây dựng, nội dung bài tập và biết cách hướng dẫn chính xác bài tập, biết lồng ghép các dạng toán vào trong mỗi bài tập để hướng dẫn cho học sinh. Trong giáo án phải ghi rõ mục đích bài tập, lời giải mẫu, những sai phạm dự tính học sinh có thể mắc phải và điều chỉnh đưa về cách giải đúng. Tuần tự công việc giáo viên cần làm trên lớp này là ra nhiệm vụ (nêu đề ra), hướng dẫn và thực hiện kiểm tra đánh giá.

1) Giáo viên cần nêu đề bài một cách rõ ràng, nên yêu cầu học sinh nhắc lại đề ra, khi cần, phải giải thích để học sinh nắm được yêu cầu của bài tập. Có nhiều hình thức nêu bài tập : Chỉ dùng lời, viết lên bảng, yêu cầu học sinh xem đề ra trong sách học sinh hoặc vở bài tập. Nhưng dù đề bài được nêu ra dưới hình thức nào cũng cần kiểm tra xem tất cả học sinh đã nắm được yêu cầu của bài tập chưa.

Có những trường hợp học sinh không nắm được bài vì đây là những dạng toán nâng cao thì giáo viên phải nhẹ nhàng hướng dẫn lại. Phải có sự điều chỉnh cho hợp lý, có thể là phải chia cắt bài tập thành những phép tính nhỏ hơn. Tuỳ thời gian và trình độ học sinh mà quy định số lượng bài tập cần tiến hành trong giờ học. Có thể lựa chọn, lược bỏ, bổ sung thêm bài tập của sách học sinh. khi giao bài tập cho học sinh cần lưu ý để có sự phân hoá cho phù hợp với đối tượng. Nhưng phải theo hướng đảm bảo chuẩn kiến thức – Kĩ năng trong từng tiết học.

2) Khi hướng dẫn học sinh làm bài tập, giáo viên phải nắm chắc trình tự của bài tập. Cần phải dự tính trước những khó khăn và những lỗi học sinh mắc phải khi giải bài tập để chữa kịp thời. Việc thực hiện bài tập cũng có nhiều hình thức : nói, đọc, viết hoặc nối, tô, vẽ, đánh dấu. Có bài trả lời miệng, có bài viết, có bài gạch, đánh dấu. Với những kiểu bài tập mới xuất hiện lần đầu giáo viên cần hướng dẫn thật chi tiết. Khi hướng dẫn thực hiện cần chia thành nhiều mức độ cho phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau, cần giúp những học sinh khá bằng những câu hỏi gợi mở. Trong quá trình tiến hành phải tăng dần mức độ làm việc độc lập của học sinh.

3) Kiểm tra đánh giá : Đây là một công việc quan trọng mà giáo viên không được bỏ qua hoặc xem nhẹ. Việc kiểm tra đánh giá là lúc giáo viên nắm bắt kết quả tiếp thu kiến thức của học sinh, cũng là lúc giáo viên tự đánh giá lại hình thức tổ chức dạy học của mình đã hợp lý chưa, phù hợp với từng đối tượng của học sinh trong lớp không. Vì thế phải có mẫu lời giải đúng và dùng nó đối chiếu với bài làm của học sinh, với những bài làm sai, giáo viên không nhận xét chung chung là sai mà phải dựa vào quy trình làm bài, chia ra từng bước nhỏ hơn để thực hiện, từ đó chỉ rõ lỗi sai của học sinh một cách chi tiết, cụ thể và có thể sửa chữa được. Phải biết cách chuyển từ một lời giải sai sang một lời giải đúng như thế nào chứ không chỉ nói “em làm sai rồi” và chuyển sang gọi em khác. Như vậy khi chữa bài tập, giáo viên không chỉ biết đánh giá thế này là sai, thế kia là đúng mà phải cắt nghĩa được tại sao như thế là sai, tại sao như thế là đúng, nghĩa là lại một lần nữa lặp lại quy trình giải bài tập khi có học sinh làm chưa đúng.

4) Cuối cùng là thông qua hệ thống trò chơi :

Tổ chức trò chơi trong giờ dạy – Học Toán là một hình thức rất bổ ích cho học sinh. Khi tổ chức thành công trò chơi trong giờ học sẽ mang lại hai tác dụng lớn:

– Củng cố kiến thức, kỹ năng tiếp thu của học sinh qua giờ học, đồng thời giúp cho giáo viên đánh giá, nhận xét kết quả học tập của học sinh một cách nhanh nhất về những kiến thức đã truyền thụ và khả năng linh hoạt trong việc tìm tòi và xử lý khi tham gia trò chơi.

– Thông qua trò chơi, tạo cho học sinh niềm vui, sự hứng khởi, thoải mái để  tiếp tục tham gia học tập tốt các môn học khác.

Chính vì vậy giáo viên cần chọn lựa những trò chơi vừa phù hợp với khả năng kiến thức của học sinh, vừa củng cố kiến thức cần thiết đã học. Cần cân nhắc về thời gian chơi cũng như về trật tự của lớp học để không ảnh hưởng đến những tiết học khác. Có rất nhiều hình thức tổ chức trò chơi cũng như rất nhiều trò chơi trong dạy-học “Luyện từ và câu”. Điều quan trọng là giáo viên phải biết nghiên cứu, tìm hiểu để lựa chọn trò chơi sao cho phù hợp với đối tượng học sinh cũng như kiến thức cần củng cố.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng