Những kĩ năng cơ bản để nâng cao chất lượng luyện đọc cho học sinh tiểu học

– Luyện đọc đúng:

– Trước khi tiến hành luyện đọc, chia văn bản thành các đoạn đọc (đơn vị chia tạm thời, không phải bao giờ cũng đồng nhất với cách chia đoạn theo bố cục của văn bản) mà giáo viên căn cứ vào trình độ đọc của học sinh trong lớp để chia văn bản thành các đoạn, sao cho các đoạn không quá dài hoặc quá chênh lệch nhau về số chữ, cách ngắt đoạn không quá chi li, gây khó khăn cho học sinh đọc theo dõi và đọc nối tiếp.

– Dựa vào số đoạn, giáo viên chỉ định trước số học sinh tham gia đọc nối tiếp ở mỗi vòng đọc. Học sinh nên đứng đọc với tâm thế sẵn sàng đọc nối tiếp.

– Để củng cố kĩ năng đọc trơn đã được rèn ở các lớp dưới, giáo viên nên hướng dẫn học sinh đọc nối tiếp qua 3 vòng:

+ Vòng 1: Qua những học sinh đọc nối tiếp, giáo viên nghe và phát hiện những hạn chế về cách phát âm, ngắt nghỉ, ngữ điệu câu, từ đó có biện pháp hướng dẫn đối với cá nhân hoặc nhắc nhở chung đối với cả lớp để học sinh đạt yêu cầu đọc đúng và đọc rành mạch.

+ Vòng 2: Học sinh đọc nối tiếp, kết hợp nắm nghĩa của từ được chú giải trong sách giáo khoa, nó có tác dụng góp phần nâng cao kĩ năng đọc hiểu, việc tìm hiểu nghĩa từ có thể xen kẽ trong quá trình đọc nối tiếp hoặc sau khi đọc hết bài. Nếu học sinh đọc sai, giáo viên vẫn tiếp tục hướng dẫn, sửa chữa.

+ Vòng 3: Học sinh đọc nối tiếp để giáo viên đánh giá sự tiến bộ, tiếp tục hướng dẫn hoặc nhắc nhở.

 Giáo viên đọc đúng giọng đọc của toàn bài để học sinh so sánh giọng đọc của thầy với giọng đọc của mình từ đó điều chỉnh giọng đọc cho phù hợp với đoạn văn, bài văn tiến dần tới đọc thật hay.

 Việc luyện đọc từng đoạn nối tiếp tạo điều kiện cho nhiều học sinh được thực hành đọc. Qua thực hành mà học sinh được giáo viên chỉ dẫn, uốn nắn hay động viên, khích lệ để đạt được vững chắc kĩ năng đọc, chuẩn bị luyện tập kĩ năng mới: Đọc diễn cảm.

– Luyện đọc nhanh:

  Đọc nhanh còn gọi là đọc lưu loát, trôi chảy là nói đến phẩm chất đọc về mặt tốc độ, là việc đọc không ê a, ngắc ngứ. Vấn đề tốc độ chỉ đặt ra sau khi đã đọc đúng.

 Mức độ thấp nhất của đọc nhanh là đọc trơn, đọc không ê a, ngắc ngứ, không vừa đọc vừa đánh vần. Về sau tốc độ đọc phải đi song song với việc tiếp nhận có ý thức bài đọc. Đọc nhanh chỉ thực sự có ích khi nó không tách rời việc hiểu rõ điều được đọc. Khi đọc cho người khác nghe thì người đọc phải xác định tốc độ nhanh nhưng để cho người nghe hiểu kịp được. Vì vậy đọc nhanh không phải là đọc luyến thoắng. Tốc độ chấp nhận được của đọc nhanh là khi đọc thành tiếng trùng với tốc độ của lời nói, khi đọc thầm thì tốc độ sẽ nhanh hơn.

  Biện pháp luyện đọc nhanh: Giáo viên hướng dẫn cho học sinh làm chủ được tốc độ đọc bằng cách đọc mẫu để học sinh đọc theo tốc độ đã định. Đơn vị để đọc nhanh là cụm từ, câu, đoạn, bài. Giáo viên điều chỉnh tốc độ đọc bằng cách giữ nhịp đọc. Ngoài ra còn có biện pháp đọc tiếp nối trên lớp, đọc nhẩm có sự kiểm tra của thầy, của bạn để điều chỉnh tốc độ. Giáo viên đo tốc độ đọc bằng cách chọn sẵn một bài có số tiếng cho trước và dự tính sẽ đọc trong bao nhiêu phút, định tốc độ như thế nào còn phụ thuộc vào độ khó của bài đọc.

– Luyện đọc hay (đọc diễn cảm)

+ Đối với loại hình văn bản nghệ thuật: Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm thông qua việc dẫn dắt, gợi mở giúp học sinh hiểu biết thể hiện tình cảm, thái độ qua giọng đọc phù hợp với sự việc, hình ảnh cảm xúc, tính cách nhân vật trong bài…(Bước đầu biết làm chủ được giọng đọc về ngữ điệu, về tốc độ, trường độ và âm sắc, diễn tả đúng nội dung). Tuy nhiên, học sinh đọc diễn cảm như thế nào còn phụ thuộc vào sự cảm nhận riêng của từng em, giáo viên không nên áp đặt học sinh một cách theo khuôn mẫu.

+ Đối với loại hình văn bản phi nghệ thuật: Giáo viên hướng dẫn học sinh xác định ngữ điệu đọc sao cho phù hợp với mục đích thông báo (làm rõ những thông tin cơ bản, giúp người nghe tiếp nhận được những vấn đề quan trọng hay nổi bật trong văn bản) khắc phục những cách đọc thiên về hình thức “diễn cảm” của học sinh.

– Các hình thức luyện đọc.

 Để hướng dẫn học sinh luyện đọc thành tiếng, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh hoạt động theo các hình thức sau:

+ Đọc cá nhân (đọc riêng lẻ hoặc nối tiếp từng đoạn, đọc trước lớp hoặc đọc theo cặp, theo nhóm).

+ Đọc đồng thanh (theo nhóm hoặc tổ, lớp) khi cần: Ví dụ: Đọc đồng thanh để khắc sâu ấn tượng về nhịp điệu của đoạn văn, bài thơ; giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ đoạn bài cần học thuộc lòng, thay đổi hoạt động, tạo không khí hào hứng cho lớp học.

+ Đọc theo cặp, hai học sinh ngồi cùng bàn một em đọc em kia nghe rồi nhận xét cho bạn và ngược lại đổi vai cho nhau.

+ Đọc theo phân vai (nhiều học sinh hợp tác đọc theo lời nhân vật mình đóng vai, tham gia các trò chơi luyện đọc).

– Khai thác giọng đọc của học sinh thông qua việc tìm hiểu nội dung bài:

 Để học sinh có cảm hứng đọc hay thích thú trong việc đọc thì người đọc phải hiểu được từ ngữ, cụm từ, nội dung chính của bài văn hay bài thơ. Học sinh đọc hiểu bài đọc trước hết phải hiểu được nghĩa của từ, cụm từ, câu, đoạn, bài tức là toàn bộ những gì được đọc. Giáo viên cần nắm rõ hiểu biết của học sinh để sẵn sàng giải đáp cho học sinh những từ khó hiểu trong bài. Từ việc hiểu nghĩa các từ, bài văn khiến cho học sinh đọc diễn cảm tốt hơn.

 Hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài nhằm trao đổi kĩ năng đọc – hiểu, góp phần năng cao năng lực cảm thụ văn học và tạo cơ sở cho luyện đọc diễn cảm.

 Nắm được nội dung chính của bài sẽ giúp các em xác định giọng đọc chung của đoạn, của bài. Ví dụ: Bài đọc với giọng nhẹ nhàng, tha thiết, vui tươi, mạnh mẽ, giọng kể chuyện, giọng trìu mến,…

 Giáo viên nêu câu hỏi để định hướng cho học sinh đọc thầm (đoạn, bài) và trả lời đúng nội dung. Có thể kết hợp cho học sinh đọc thành tiếng, những học sinh khác đọc thầm thảo luận vấn đề do giáo viên đưa ra. Ví dụ: Giáo viên yêu cầu học sinh đọc thầm đoạn 1 trong bài để trả lời câu hỏi 1 chẳng hạn.

 Tuỳ theo trình độ học sinh trong lớp, giáo viên có thể đưa ra nguyên văn câu hỏi, trong sách giáo khoa chia tách câu hỏi thành các ý nhỏ để học sinh dễ thực hiện hoặc bổ sung câu hỏi phụ có tác dụng dẫn dắt học sinh trả lời câu hỏi.

 Bằng nhiều hình thức khác nhau (làm việc cá nhân hoặc theo cặp, theo nhóm…). Giáo viên tạo điện kiện cho học sinh luyện tập một cách tích cực. Trong quá trình tìm hiểu bài, giáo viên cần rèn luyện cho học sinh cách trả lời câu hỏi, trao đổi ý kiến.

 Muốn đọc diễn cảm một văn bản, phải lựa chọn được giọng điệu, ngữ điệu phù hợp với tình huống miêu tả, thể hiện được tình cảm, thái độ, đặc điểm của nhân vật hay tình cảm, thái độ của tác giả đối với nhân vật và nội dung miêu tả trong văn bản. Sau khi tìm hiểu bài và nắm được nội dung, ý nghĩa bài đọc. Giáo viên yêu cầu học sinh đọc thật tốt một đoạn nhằm “thăm dò” khả năng thể hiện sự cảm nhận nội dung bằng giọng đọc của học sinh. Qua kết quả đọc của học sinh, giáo viên dẫn dắt, gợi ý để học sinh phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế và tự tìm ra cách đọc hợp lý. Ví dụ: Đoạn vừa rồi đọc với giọng điệu như thế nào? Để nêu đặc điểm của nhân vật, em cần chú ý nhấn giọng ở những từ ngữ nào?

Hoặc: Qua nội dung bài, em hãy xác định giọng đọc chung của toàn bài ?

Học sinh thảo luận và trả lời – Sau đó giáo viên rút ra kết luận chung.

– Giáo viên đọc mẫu diễn cảm.

 Đọc mẫu diễn cảm là sử dụng ngữ điệu để phô diễn cảm xúc của bài đọc. Phải hoà nhập tâm hồn với nội dung bài đọc, với văn cảnh thì mới có cảm xúc, mới tìm thấy ngữ điệu phù hợp.

 Đọc mẫu đòi hỏi giáo viên phải đọc đúng, rõ ràng, ngữ điệu đọc phù hợp. Đó là việc thể hiện giọng đọc, ngắt giọng biểu cảm, thể hiện tốc độ, cường độ, cao độ để biểu đạt đúng ý nghĩa và tình cảm mà tác giả đã gửi gắm trong bài đọc, đồng thời thể hiện sự thông hiểu, cảm thụ của người đọc đối với tác phẩm.

 Giáo viên đọc mẫu nhằm minh hoạ, gợi ý hoặc “tạo tình huống” cho học sinh nhận xét, giải thích, tự tìm ra cách đọc. Thí dụ: Nghe và phát hiện cách đọc của cô; ngừng nghỉ, ngắt nhịp ở chỗ nào, nhấn giọng hay cao giọng, kéo dài giọng ở từ ngữ nào?…Mỗi cá nhân có cảm thụ riêng, từ đó có cách đọc diễn cảm bộc lộ sự sáng tạo của mình.

 Muốn học sinh đọc hay, đọc đúng, đọc diễn cảm thì trước hết người giáo viên phải đọc tốt để thâm nhập, lây truyền tới học sinh nhằm gây hứng thú cho học sinh trong tiết học. Để đọc tốt thì người giáo viên luôn coi trọng việc đọc mẫu để từ đó thường xuyên rèn luyện giọng đọc của mình, có ý thức tự điều chỉnh mình đọc đúng hơn và phải có lòng ham muốn đọc hay.

 – Luyện tập thực hành đọc diễn cảm văn bản.

 Tạo điệu kiện cho từng học sinh được thực hành luyện đọc diễn cảm (theo cặp, theo nhóm, cá nhân) để rút kinh nghiệm.

Luyện đọc diễn cảm các câu tiêu biểu trong bài: Cách luyện đọc này tạo điệu kiện cho tất cả học sinh đều được đọc. Theo các bước sau:

+ Giáo viên đưa ra câu cần luyện đọc đã ghi ở bảng phụ.

+ Học sinh tìm hiểu nghĩa của câu văn đó.

+ Học sinh xác định giọng đọc của câu văn.

+ Giáo viên đọc mẫu hoặc học sinh đọc mẫu. Học sinh thảo luận, nhận xét về giọng đọc của cô, của bạn mà mình yêu thích.

+ Học sinh luyện đọc theo nhóm, tổ, cá nhân.

– Luyện đọc diễn cảm đoạn văn hoặc khổ thơ.

Giáo viên cho học sinh nhắc lại cách thể hiện giọng đọc, cách ngắt giọng, nhấn giọng ở những từ ngữ biểu cảm trong đoạn hoặc khổ thơ đó rồi cho học sinh luyện đọc theo trình tự các bước:

+ Giáo viên đọc mẫu – Học sinh thảo luận, nhận xét về giọng đọc.

+ Học sinh luyện đọc theo cặp.

+ Tổ chức cho học sinh thi đọc diễn cảm trước lớp để các em học tập lẫn nhau và được giáo viên động viên hay uốn nắn.

– Học sinh luyện đọc diễn cảm cả bài.

+ Giáo viên tiến hành các bước như trên.

+ Học sinh đọc cá nhân – Giáo viên nhận xét đánh giá.

Đối với những văn bản có từ hai nhân vật trở lên, tổ chức cho học sinh thể hiện giọng đọc theo nhân vật của văn bản hoặc cho học sinh đọc phân vai. Rèn cho các em biết thay đổi giọng đọc khi nhập vai các nhân vật trong bài đọc. Cụ thể các em phải đọc phân biệt được lời của tác giả và lời của nhân vật; phân biệt được lời của nhân vật khác. Giáo viên nên hướng dẫn như sau:

-Cho học sinh đọc bài và tìm trong bài có mấy nhân vật.

-Giáo viên giúp học sinh chỉ ra từng tính cách của từng nhân vật và xác định giọng đọc phù hợp với từng nhân vật.

-Giáo viên thực hiện đọc mẫu lời các nhân vật bằng giọng đọc của mình hoặc có thể gọi học sinh có năng lực đọc tốt thể hiện.

-Học sinh luyện tập nhiều lần theo hướng dẫn của giáo viên.

– Xây dựng không khí hào hứng, say mê học tập cho học sinh bằng cách tổ chức các trò chơi học tập trong giờ tập đọc.

 Để kích thích hứng thú luyện đọc của học sinh, giáo viên có thể tổ chức các trò chơi học tập cho học sinh. Thông qua các trò chơi kích thích hứng thú đọc; rèn tư duy linh hoạt; luyện tác phong nhanh nhẹn, tháo vát, tự tin; giáo dục tư tưởng, tình cảm tốt đẹp.

 Trò chơi học tập thường được tổ chức khi luyện đọc hoặc đọc diễn cảm, luyện học thuộc lòng. Tuỳ thời gian và điều kiện cho phép, giáo viên lựa chọn trò chơi học tập thích hợp để tổ chức cho học sinh tham gia. Ví dụ: Thi đọc nối tiếp từng đoạn (theo nhóm, tổ), đọc “truyền điện” thi tìm nhanh – đọc đúng; nhìn một từ đọc cả câu (hoặc nhìn một câu đọc cả đoạn), nghe đọc đoạn,   đoán tên bài; thi đọc truyện theo vai, thả thơ… Dưới đây tôi xin giới thiệu một số trò chơi luyện đọc như sau:

– Trò chơi “Thả thơ”:

+ Chuẩn bị: Giáo viên viết vào phiếu câu thơ đầu (hoặc giữa) ở mỗi khổ thơ, hoặc 1- 2 từ đầu của mỗi câu thơ.

+ Mỗi lượt chơi gồm 2 nhóm và số người bằng số phiếu mỗi nhóm cử nhóm trưởng, 2 nhóm trưởng bốc thăm để giành quyền  “thả thơ” trước.

 + Mỗi em trong nhóm cầm 1 tờ phiếu (giữ kín). Giáo viên hô “bắt đầu” nhóm được thả thơ trước cử 1 người thả ra một tờ phiếu cho một bạn nhóm kia. Bạn nhận được phiếu phải đọc thuộc cả khổ thơ hoặc câu thơ có câu từ ghi trên phiếu. Nếu đọc đúng được tính 1 điểm.

 + Giáo viên tính số điểm của nhóm đọc thuộc thơ. Đổi nhóm chơi tương tự như trên. Giáo viên tính điểm nhóm thứ 2.

 + Kết thúc trò chơi: Giáo viên tuyên dương nhóm đọc tốt, điểm cao.

– Thi đọc tiếp sức:

+ Chuẩn bị: 1 đồng hồ, sách giáo khoa, giáo viên dự kiến số nhóm tham gia chơi.

+ Tiến hành:

 Giáo viên yêu cầu và hướng dẫn cách chơi.

Giáo viên quy định các nhóm có số lượng học sinh bằng nhau.

Từng nhóm lên bảng đứng thành hàng ngang. Mỗi em cầm một cuốn sách giáo khoa, đã mở sẵn trong đó có bài văn sẽ thi đọc.

Giáo viên hô lệnh: “bắt đầu”, em số 1 (đầu hàng bên phải hoặc bên trái) đọc câu thứ nhất của bài, dứt tiếng cuối cùng câu thứ nhất, em số 2 (cạnh số 1) mới được đọc tiếp câu thứ hai…Cứ như vậy cho đến em cuối cùng của nhóm. Nếu chưa hết bài, câu tiếp theo lại đến lượt em số 1, em số 2 đọc…cho đến hết bài văn thì dừng lại.

 – Giáo viên tính và ghi bảng thời gian đọc của mỗi nhóm.

 – Học sinh sẽ bị trừ điểm nếu đọc sai lẫn hay thừa thiếu tiếng trong câu hoặc đọc câu sau khi người trước chưa đọc xong, đọc vượt quá một câu theo quy định.

-Giáo viên cho từng nhóm thi đọc, tính thời gian của mỗi nhóm cho điểm nhóm “đọc tiếp sức” mỗi câu văn đọc đúng cho một điểm, không cho điểm các trường hợp vi phạm.

-Giáo viên cùng cả lớp nhận xét, chọn và tuyên dương nhóm đọc tiếp sức nhanh nhất, hay nhất.

– Đọc thơ truyền điện.

 Chuẩn bị: Thời điểm chơi cuối tiết tập đọc hoặc tiết học thuộc lòng. Học sinh 2 nhóm ngồi quay mặt vào nhau.

 Tiến hành:

+ Giáo viên nêu tên bài thơ sẽ đọc truyền điện, nêu cách chơi.

+ Hai nhóm bốc thăm để giành quyền đọc trước.

+ Đại diện nhóm đọc trước là (A) đọc khổ thơ đầu tiên của bài thơ rồi chỉ định thật nhanh “truyền điện” một bạn bất kì (nhóm B). Bạn được chỉ định đọc tiếp khổ thơ thứ 2 của bài. Nếu đọc thuộc được chỉ định một bạn nhóm (A) đọc tiếp khổ thơ thứ 3…cứ như vậy cho đến hết bài.

Ví dụ: Bài  “Hạt gạo làng ta” (lớp 5 tập 1)

 -HS A­1: Đọc khổ thơ 1 ; HS B­1: Đọc khổ thơ 2 ; HS A­2: Đọc khổ thơ 3 ; HS B­2: Đọc khổ thơ 4 ; HS A­3: Đọc khổ thơ 5.

 Trường hợp học sinh được “truyền điện” chưa thuộc, các bạn nhóm đối diện sẽ hô từ 1 đến 5, nếu không đọc được phải đứng yên tại chỗ bị “điện giật” lúc đó HS A­1 chỉ tiếp HS B2­…

 Nhóm nào có nhiều người phải đứng bị “điện giật” là nhóm thua cuộc. Như vậy, ta thấy tổ chức trò chơi học tập luôn luôn làm cho học sinh hào hứng, say mê tích cực trong học tập, làm cho học sinh ham mê học hơn.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng