Hoạt động ngoại khóa Vật Lí ở trường Trung Học cơ sở

  1. Hình thức thứ nhất:
  2. Hoạt động ngoại khóa mang tính chất cá nhân:

 Học sinh đọc sách, tự đọc tài liệu nghiên cứu và viết các bài có liên quan đến vật lí thông qua quá trình quan sát làm các thí nghiệm vật lí đơn giản mang tính chất cá nhân. Thực ra: Hình thức ngoại khóa này học sinh vẫn thường tiến hành có thể do yêu cầu của giáo viên hoặc do lòng say mê môn học, do sự ham hiểu biết tìm tòi của học sinh. Tạo điều kiện cho mỗi học sinh bộc lộ khả năng học tập của mình (được tự nghĩ, được làm việc một cách tích cực) nhằm đạt tới mục tiêu học tập. Hình thức học tập cá nhân thể hiện trong các hoạt động của học sinh như: Tự đọc SGK thu thập thông tin, tự tiến hành thu được kết quả thí nghiệm, tự rút ra nhận xét kết luận và vận dụng các kiến thức đã học vào tình huống mới.

Ví dụ: Lớp 6

+ Sau khi học sinh học bài “Đo độ dài”  ở trên lớp học sinh được thực hành đo bề dày của cuốn sách giáo khoa Vật lí 6 từ đó học sinh biết cách ước lượng và chọn thước có GHĐ và có ĐCNN thích hợp để đo chiều dài, chiều rộng, bề dày của sách, do đó sẽ củng cố được kiến thức kĩ năng đã học ở trên lớp, rèn luyện tính cẩn thận tỉ mỉ, chính xác của học sinh. Bên cạnh đó, còn kích thích được học sinh có mong muốn và tiến hành đo độ dài của những vật gần gũi với học sinh trong cuộc sống.

+ Sau khi học xong bài “ Đo thể tích” ở trên lớp, giáo viên khơi dậy ở học sinh mong muốn biết được thể tích của những vật thể có sẵn trong nhà có hình dạng bất kì như cái móc khóa, quả trứng, cái chén, hòn sỏi,…Nhưng ở nhà lại không có sẵn bình chia độ như ở lớp. Vậy để đo thể tích của những vật rắn không thấm nước và chìm trong nước đó, học sinh có thể tự chế tạo dụng cụ đo thể tích (bình chia độ), sau đó cùng với những dụng cụ có sẵn như bát, lon sữa, ca…(bình tràn) và đĩa, thau, chậu…( bình chứa) học sinh sẽ tiến hành đo được thể tích của một số vật thể nêu trên.

+ Sau khi học xong bài “ Sự bay hơi và sự ngưng tụ”, cá nhân học sinh có thể tự tiến hành thí nghiệm kiểm tra tốc độ bay hơi của chất lỏng phụ thuộc vào một trong ba yếu tố nhiệt độ, gió và diện tích mặt thoáng của chất lỏng. Ví dụ kiểm tra tốc độ bay hơi cuat chất lỏng phụ thuộc vào yếu tố gió: Giặt hai khăn mặt như nhau, một khăn phơi trước quạt gió, một khăn phơi ở chỗ không có gió từ kết quả học sinh rút ra kết luận tốc độ bay hơi nhanh hay chậm của chất lỏng phụ thuộc vào gió. Tương tự đối với yếu tố diện tích mặt thoáng, từ đó học sinh có ý thức áp dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, biết cách phơi quần áo chăn màn mau khô.

+  Sau khi học bài “sự nóng chảy và sự đông đặc” học sinh nắm được kiến thức sự nóng chảy và sự đông đặc là hai quá trình ngược nhau, giáo viên có thể gợi ý để cá nhân học sinh tự tiến hành thí nghiệm thực tế( ví dụ đốt nến- frafin sáp nến nóng lên, chảy ra, sau khi nguội thì đông đặc lại dần). Hay với kết luận “ trong thời gian nóng chảy nhiệt độ của chất không thay đổi” giáo viên có thể cho học sinh sử dụng nhiệt kế, quan sát sự nóng chảy của nước đá thấy rằng khi nóng chảy nhiệt độ của nước đá là 0oC, nhiệt độ này là xác định và không đổi từ đó giúp học sinh củng cố thêm kiến thức đã học ở trên lớp đó là tại sao nhiệt độ của nước đá đang tan được chọn làm mốc đo nhiệt độ.

Ví dụ : Lớp 7

+ Sau khi học xong định luật truyền thẳng ánh sáng, học sinh có thể tự làm thí nghiệm bóng tối, bóng nửa tối ở nhà, ứng dụng định luật  này để giải thích các hiện tượng ví dụ thấy bóng của mình trên tường vào ban đêm, hay tại sao có bóng cây vào ban ngày, hay khi xếp hàng thì làm ngắm làm sao để mình đứng thẳng với các bạn trong hàng…

+ Sau khi học xong bài “ Chống ô nhiễm tiếng ồn” học sinh có thêm nhận thức về vai trò của cây xanh, có ý thức bảo vệ cây xanh, có thêm những việc làm tốt cho môi trường sống của chúng ta…

Ví dụ : Lớp 8

+ Sau khi học xong bài “ Sự cân bằng lực- Quán tính” học sinh có thể nhận biết được khi có lực tác dụng vật không thể thay đổi vận tốc một cách đột ngột là do vật có quán tính, giáo viên có thể yêu cầu học sinh viết bài thu hoạch giải thích các thí nghiệm dễ thực hiện học sinh tự tiến hành ngoài giờ học ( hoặc học sinh đã trải qua) có liên quan đến quán tính. Ví dụ: Khi viết bút máy, bút bị tắc mực, vẩy mạnh, bút lại viết được; Vẩy ra sống cho ráo nước trước khi ăn; Giũ quần áo ướt trước khi phơi; Hoặc tại sao khi đang chạy, nếu bị vấp chân thì sẽ ngã về phía trước; Còn nếu bị trượt chân thì lại ngã về phái sau…

 + Sau khi học xong bài “ Lực ma sát” học sinh tự tiến hành thí nghiệm để so sánh một cách tương đối cường độ của lực ma sát trượt và lực ma sát lăn với lực kéo một vật nào đó do bản thân bỏ ra, từ đó có thêm ý thức vận dụng kiến thức đã học vào đời sống.

Ví dụ : Lớp 9:+ Sau khi học xong bài “Sử dụng hợp lí điện năng” học sinh thực hành áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện năng ngay trong việc sử dụng điện trên lớp ( ra khỏi phòng phải tắt điện, tắt quạt, tận dụng ánh sáng ban ngày để làm việc…)

+ Sau khi học xong bài “ Mắt” học sinh có thể tiến hành việc tự thử mắt xem có mắc tật không, từ đó có biện pháp bảo vệ mắt.

+ Sau khi đọc thêm bài “ Sự trộng các ánh sáng màu” học sinh có thể làm đĩa màu Newtơn gắn môtơ của quạt điện nhỏ cho đĩa quay và giải thích do hiện tượng lưu ảnh trên võng mạc nên ta quan sát được sự trộn màu ánh sáng.

Đối với hình thức ngoại khóa này sẽ chú trọng phát triển ngôn ngữ cho học sinh. Yêu cầu học sinh sử dụng ngôn từ, thuật ngữ khoa học để giải thích các hiện tượng, các quá trình, rèn luyện kĩ năng diễn đạt rõ ràng, chính xác bằng ngôn ngữ của vật lí, học thông qua việc ( thảo luận nhóm) và việc trình bày các kết quả quan sát nghiên cứu, tạo điều kiện cho học sinh được nói nhiều hơn.

  1. Hướng dẫn học sinh làm sổ tay vật lí.

 Chương trình vật lí THCS, nếu như ở giai đoạn 1 mang tính chất định tính là chủ yếu, thì giai đoạn 2 đi sâu vào cơ chế và các kiến thức cơ bản ( tính chất định lượng) với khối lượng kiến thức tương đối nhiều việc hướng dẫn học sinh viết sổ tay về môn học tạo điều kiện cho học sinh thói quen ghi chép lại có chọn lọc là điều rất cần thiết.

– Về hình thức: Học sinh tự do trang trí sổ theo ý thích.

– Về nội dung: Nội dung ghi chép trong sổ tay cũng rất phong phú đa dạng

+ Những điều học sinh thấy hay, lí thú thì ghi chép lại.

+ Tóm tắt kiến thức cơ bản đã học ở trên lớp: Có thể phân chia thành các nội dung (Cơ,  Nhiệt, Điện, Quang, Âm) có để khoảng trống giữa các phần để tiếp tục bổ xung, hoàn thiện khi học lên cấp trung học phổ thông và cấp cao hơn.

+ Một số bài toán vui về vật lí, “đố vui”.

+ Những câu hỏi liên quan đến Vật lí và câu hỏi “ Vì sao lại thế ?” học sinh có thể chưa trả lời được, hay những hiện tượng chưa giải thích được và tìm lời giải.

  1. Hình thức thứ hai: Hoạt động ngoại khóa theo nhóm, theo tổ, theo lớp.
  2. Hoạt đông ngoại khóa theo nhóm, theo tổ:

Đây là hình thức học tập được thể hiện theo phương pháp dạy học mới, hình thức học tập này có ý nghĩa quan trọng là rèn luyện năng lực tư duy của mỗi học sinh cũng được phát huy. Khi tổ chức học tập theo nhóm, giáo viên nên hướng dẫn để mỗi thành viên trong nhóm đều được tham gia vào công việc của nhóm, tránh tình trạng chỉ dồn hoạt động của cả nhóm vào một, hai học sinh khá và có ý thức tốt. Đối với những em chưa tích cực học tập giáo viên có thể yêu cầu học sinh đó làm một công việc cụ thể của nhóm. Từ đó góp phần hình thành ý thức tự giác của học sinh.

Trong một lớp, giáo viên có thể tổ chức lớp thành những nhóm nhỏ như sau:

* Tổ “ Vật lí” Sưu tầm tài liệu, viết bài về các hiện tượng vật lí, tìm hiểu tiểu sử của các nhà bác học.

– Chuẩn bị: Giáo viên giao nhiệm vụ cho nhóm trưởng, nhóm trưởng phân công công viếc cho các thành viên trong nhóm.

– Dự kiến tiến hành: Thời gian, địa điểm.

– Nội dung: Tiểu sử, hiện tượng vật lí.

– Hình thức: Học sinh viết bài, có thể đóng tập.

* Tổ “Chế tạo” Tạo ra các dụng cụ thí nghiệm phục vụ cho bài học, thay thế các dụng cụ phục vụ cho bài học, khắc phục những khó khăn của nhà trường, làm nòng cốt đi đầu trong phong trào “ Học đi đôi với hành”: Ví dụ chế tạo bộ dụng cụ kiểm tra ánh sáng truyền thẳng, mô hình khung dây dẫn quay trong từ trường của nam châm,…

* . Tổ “ Kĩ thuật” có nhiệm vụ tìm cách liên hệ giữa bài học với thực tế đời sống, giúp giáo viên làm các dụng cụ thí nghiệm. Ví dụ chế tạo dụng cụ đo thể tích chất lỏng, bộ dụng cụ  bình thông nhau…

  1. Hoạt động ngoại khóa theo lớp:

Trong một lớp, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa viết báo tường theo chủ đề: Ví dụ phân lớp thành ba nhóm với ba chủ đề Cơ học, Nhiệt học, Điện học. Đối với mỗi tờ báo sẽ gồm những chuyên mục mang đậm tính chất vừa vui vừa học, bao gồm :

– Thứ nhất :Học sinh sẽ tìm hiểu tiểu sử của các nhà bác học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực đó và trong chương trình học chính khóa có đề cập đến như cơ học ( ví dụ New tơn, Ác- si- mét, Paxcan,..), Nhiệt học ( ví dụ Jun, Galilê, xen xi ut,….) Điện học (ví dụ như Am pe, Vôn ta, Gorse. Ohm…);

– Thứ hai : Hệ thống hóa kiến thức cơ bản của phần nội dung đã học đó ( Ví dụ vẽ sơ đồ tư duy thể hiện sự liên hệ giữa các kiến thức có trong chương trình).

– Thứ ba: Mục “ Bạn có biết?” với một số câu hỏi lí thú, hiện tượng vật lí…

– Thứ tư: Trò chơi ô chữ với nội dung liên quan đến chủ đề của nhóm mình.

– Thứ năm: Những nội dung liên hệ giữa kiến thức đã học với thực tế cuộc sống của các em.

Với hình thức này giáo viên sẽ thông báo cho học sinh chuẩn bị vào đầu năm học để học sinh chuẩn bị, và thông báo chọn thời gian thu chấm báo tường  vào thời gian nhất định trong năm học. Ngoài việc chuẩn bị nội dung còn cần chuẩn bị vật liệu ( giấy Ao, bút màu…) và dự kiến thời điểm thích hợp để học sinh hoàn thành sản phẩm.

Sau khi các nhóm hoàn thành sản phẩm, giáo viên tổ chức trưng bày sản phẩm, chấm báo của các nhóm theo các tiêu chí đề ra ( Ví dụ: Khả năng sáng tạo, nội dung chính xác khoa học, phong phú đa dạng; Bố cục cân đối hài hòa, hình vẽ chính xác, đẹp; …và có thể tuyên dương trao thưởng cho các nhóm, rút kinh nghiệm nếu có.

Sản phẩm của các nhóm sẽ được trưng bày trong phòng học bộ môn, để các học sinh lớp khác có thể tham khảo, học tập chung.

Hình thức thứ hai này sẽ là hình thức hoạt động  ngoại khóa chủ yếu trong vấn đề hoạt động  ngoại khóa ở các trường phổ thông, phân làm nhiều năm, giáo viên thu thập thêm tài liệu.

  1. Hình thức thứ ba: Hoạt động ngoại khóa mang tính chất rộng rãi.

a.Tổ chức các hội vui vật lí trong toàn khối, có thể tổ chức toàn trường ( đại diện khối)

* Nội dung:  Các kiến thức vật lí đã học, kiến thức có liên quan.

* Hình thức: Dựa theo những trò chơi phát sóng trên truyền hình ví dụ như : Chiếc nón kì diệu, đường lên đỉnh Olympia, hái hoa dân chủ, ai nhanh hơn ai, phất cờ, rung chuông vàng….

* Yêu cầu người đứng ra tổ chức phải nhanh nhẹn, tháo vát, giỏi chuyên môn, vững kiến thức, biên soạn chu đáo, biết ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả.

Hình thức hoạt động ngoại khóa này tôi đã tiến hành đối với khối 7 trường THCS Nguyễn Trãi với hình thức tương tự chương trình đường lên đỉnh Olympia với tên gọi: Hội vui vật lí, mỗi lớp cử ra một đội chơi gồm ba thành viên, số học sinh còn lại làm khán giả.

Nội dung thi “HỘI VUI VẬT LÍ ”   gồm bốn phần:

– Phần một: KHỞI ĐỘNG.

+ Luật chơi: Hai đội bốc thăm để lựa chọn thứ tự trả lời phần khởi động. Mỗi đội thảo luận trả lời 6 câu hỏi vào bảng nhóm trong thời gian 60 giây. Mỗi câu trả lời đúng được 10 điểm, sai không bị trừ điểm.

+ Nội dung: Câu hỏi phần khởi động:

Đội 1:

Câu hỏi Đáp án
 1. Cái mà ta nhìn thấy trong gương phẳng gọi là gì?

 2. Điểm sáng mà ta nhìn thấy trên trời ban đêm ?

 3. Âm có tần số nhỏ hơn 20Hz là gì?

 4. Quá trình ngược của sự bay hơi?

 5. Các nguồn âm có chung đặc điểm gì?

 6. Cầu thang lên tầng hai là ví dụ về máy cơ đơn giản nào?

1.Ảnh ảo

2. Sao

3. Hạ âm

4. Sự ngưng tụ

5. Dao động

6.Mặt phẳng nghiêng.

Đội 2:

Câu hỏi Đáp án
1. Môi trường nào không truyền âm?

2. Số dao động trong một giây gọi là gì?

3. Tên ngôi sao mà ta nhìn thấy vào sáng sớm?

4. Dụng cụ nào để soi ảnh ccủa mình hàng ngày?

5. Tên vật có tính chất đàn hồi dùng để làm lực kế?

6. Hãy cho biết quá trình ngược với sự nóng chảy?

1. Chân không

2. Tần số

3. Sao Mai

4.Gương phẳng

5. Lò xo

6. Sự đông đặc.

– Phần hai: VƯỢT CHƯỚNG NGẠI VẬT

+ Luật chơi: Hai đội luân phiên lựa chọn một từ hàng ngang. Mỗi ô chữ có 20 giây suy nghi và trả lời, câu trả lời đúng được 10 điểm. Trả lời sai bỏ qua ô chữ đó; Đội nào lựa chọn và trả lời đúng ô chữ hàng dọc được 40 điểm. Sau khi tìm được ô chữ hàng dọc, những từ hàng ngang còn lại chuyển cho khán giả trả lời.

+ Nội dung: Thiết kế ô chữ có liên quan đến nội dung đã học, mỗi ô chữ có câu hỏi gọi ý học sinh. Vừa có tác dụng ôn luyện lại kiến thức đã học.

– Phần ba: TĂNG TỐC.

+ Luật chơi: Sau khi giáo viên đọc câu hỏi đội nào có tín hiệu trước sẽ được trả lời. Nếu sai đội còn lại được trả lời. Mỗi câu trả lời đúng được 10 điểm, sai không bị trừ điểm. Sau 10 giây không đội nào có câu trả lời thì chuyển cho khán giả trả lời. Lưu ý: Đội nào có tín hiệu trả lời trong khi giáo viên chưa đọc xong câu hỏi là phạm quy.

+ Nội dung: Biên soạn 8 câu hỏi ( có trình chiếu thí nghiệm ảo, hình ảnh minh họa)

Câu 1: Hiện tượng xuất hiện vùng bóng tối là do đâu mà có ?( Do ánh sáng truyền thẳng)

Câu 2: Mô tả hiện tượng xảy ra- nêu tên hiện tượng đó ? ( Hiện tượng Nguyệt thực)

Câu 3: Việc sản xuất muối liên quan đến hiên tượng vật lí nào? (Sự bay hơi của nước)

Câu 4: Trong đèn pin có sử dụng loại gương cầu nào để phản xạ ánh sáng? ( Gương cầu lõm)

Câu 5: Đây là mô hình gì? ( Mô hình cấu tạo nguyên tử)

Câu 6: Dùng sóng siêu âm để đo độ sâu của đáy biển là dựa vào hiện tượng vật lí nào?

(Hiện tượng phản xạ âm)

Câu 7: Mô tả hiện tượng xảy ra- nêu tên hiện tượng đó ? ( Hiện tượng Nhật thực)

Câu 8: Độ lệch lớn nhất của vật so với vị trí cân bằng gọi là gì? (Biên độ dao động)

– Phần bốn: VỀ ĐÍCH.

+ Hình thức: Mỗi đội sẽ tham gia thi trả lời gói ba câu hỏi về đích. Có 20 giây cho mỗi câu hỏi. Mỗi câu trả lời đúng được 10 điểm, sai bị trừ 5 điểm.

Đội tham gia thi trả lời sai thì đội còn lại được trả lời, đúng được 10 điểm, sai bị trừ 5 điểm và đội đang thi không bị trừ điểm.

+ Nội dung:

Gói câu hỏi 1: Câu 1: Một vật trung hòa về điện, sau khi được cọ sát thì nhiễm điện âm. Đó là do nguyên nhân nào?

Câu 2: Tại sao ta nghe được tiếng vo vo của con muỗi mà không nghe được tiếng vỗ cánh của con bướm?

Câu 3: Tại sao tháp Ép- fen ở Pháp về mùa hè thường cao hơn mùa đông?

Gói câu hỏi 2: Câu 1: Bầu trời ban ngày có phải là vật sáng không? Giải thích?

Câu 2: Tai ta nghe được tiếng vang khi nào?

Câu 3: Tại sao gạch xây tường nhà thường có lỗ?

Trên đây là nội dung được tôi biên soạn cho Hội vui vật lí khối 7 trường THCS Nguyễn Trãi  phù hợp với điều kiện cụ thể của trường tôi.

  1. Tổ chức kết hợp với các bộ môn khác trong nhà trường (Toán, hóa, sinh…)

Môn vật lí có mối quan hệ gắn bó qua lại với các môn học khác.Tổ chức theo hình thức này giáo viên cần lên kế hoạch từ đầu năm học và cần được sự đồng ý của ban giám hiệu nhà trường cũng như trong tổ chuyên môn.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng