Một số biện pháp giúp học sinh giữ vở sạch, viết chữ đẹp

Một số biện pháp giúp học sinh giữ vở sạch, viết chữ đẹp.

I.1. Lí do chọn biện pháp:

      Chữ viết là một bình diện quan trọng của ngôn ngữ bên cạnh các bình diện khác như ngữ âm, từ vựng…Chữ viết có vai trò quan trọng trong việc tổ chức hoạt động độc lập và lĩnh hội ngôn bản, hướng dẫn học sinh nghe ,nói, đọc,viết. Chữ viết cũng là một yếu tố quan trọng để phát triển năng lực,trí tuệ,những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người học sinh.Vai trị của chữ viết trong hệ thống ngôn ngữ được qui định tầm quan trọng của dạy tập viết ở tiểu học.Vì vậy ngày đầu tiên đến trường học sinh đã bắt đầu làm quen với chữ viết. Ở đâu có tiếp nhận và sinh sản lời nói thì ở đó có dạy chữ viết.

Cố vấn Phạm Văn Đồng đã nói: “Chữ viết cũng là một biểu hiện của nét người. Dạy cho học sinh viết đúng, viết cẩn thận, viết đẹp là góp phần rèn luyện cho học sinh tính cẩn thận, tính kỷ luật, lòng tự trọng đối với mình cũng như đối với thầy và  bạn mình”.

Tiểu học là bậc học nền tảng,dạy đọcTiếngViệt và tập viết TiếngViệt là chúng ta đã trao cho các em chìa khóa để mở ra những cánh cửa bước vào tương lại, là công cụ để các em vận dụng suốt đời. Việc giữ vở sạch, viết chữ đẹp cũng rất quan trọng đối với học sinh khi làm bài thi, gây được những cảm tình với thầy cô giáo chấm bài.

Chữ viết được cả xã hội quan tâm. Nhiều thế hệ thầy cô giáo đã trăn trở, góp công, góp sức để cải tiến kiểu chữ, nội dung cũng như phương pháp dạy học chữ viết. Tuy vậy, nhiều học sinh vẫn viết sai, viết xấu, viết chậm. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến các môn học khác.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, tôi đã mạnh dạn chọn đề tài: “Một số biện pháp giúp học sinh giữ vở sạch, viết chữ đẹp” ở trường tiểu học Phú Lộc-Huyện Krông Năng-Tỉnh ĐăkLăk.

      2.Nội dung và cách thức thực hiện biện pháp

– Xây dựng cho học sinh một số nề nếp , thói quen giữ vở sạch ngay từ đầu năm học :

      “ Giữ  vở sạch –rèn chữ đẹp ” là hai việc làm phải đi đôi với nhau .Vì nếu chúng ta chỉ chú ý rèn chữ đẹp thì chưa đủ mà phải tập cho các em thói quen giữ vở sạch.Thế  nhưng để học sinh có một nền nếp, một thói quen tốt giữ vở sạch là rất khó, phải thực hiện ngay từ đầu năm, không để cho các em mắc sai sót rồi mới uốn nắn nên tôi đã tiến hành xây dựng cho các em ngay từ buổi đầu nhận và làm quen với lớp.

       Đối với vở nên dùng loại vở không dày hoặc mỏng quá vì dày quá ( loại 200 trang ) dù có cẩn thận nhưng khi dùng lâu thì vở cũng không mới và đẹp lâu được. Nếu mỏng quá sẽ làm cho vở mảnh mai dễ bị quăn mép và nhàu. Nên chọn lại giấy dày,  cứng có kẻ ô ly rõ ràng, để khi viết nếu có bị đè nặng thì cũng không bị in sang trang bên .

      Những đồ dùng đó tưởng như là lẻ thường tình nhưng nếu không có sự hướng dẫn cụ thể của giáo viên chủ nhiệm khi bước vào năm học mới , nhất định phụ huynh sẽ không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu đó, chất lượng của phong trào giữ vở sạch, rèn chữ đẹp sẽ thấp,chữ viết của học sinh sẽ bị ảnh hưởng .

      Khi có đủ đồ dùng học tập, tôi hướng dẫn học sinh phân môn cho từng vở và ghi nhãn vở để không bị nhầm lẫn. Hướng dẫn các em cách bao bọc, dán nhãn như thế nào cho đẹp. Chọn ra một số vở sách có hình thức bao bọc đẹp,cẩn thận giới thiệu cho các em xem và học tập .

      Ví dụ : Vở của một số em bao bìa bóng và dán nhãn vào góc bên phải của vở, ghi rõ họ tên, trường, lớp, tên vở : vở Toán, vở Ghi chung để ghi các môn học như Tự nhiên xã hội, Đạo đức,Thủ công,Chính tả, vở Luyện từ và câu,vở Tập làm văn, vở nháp  .. . . )

      Để nắm chắc việc thực hiện của các em, tôi kiểm tra kĩ vở,đồ dùng học tập,  của từng em. Em nào chuẩn bị chưa đủ, chưa cẩn thận chu đáo tôi yêu cầu các em làm lại ngay,hôm sau tôi kiểm tra tiếp.Tôi cũng không quên nhắc nhở cho các em chú ý khi cho sách vở vào cặp,đối với cặp có hai ngăn thì cho vở và bảng con một ngăn, ngăn còn lại cho sách .

    Để vở luôn đẹp và mới, không bị quăn mép, nhàu nát tôi hướng dẫn các em thật kĩ tư thế ngồi viết và cách để vở .

    Qua thực tế cho thấy vở hay bị nhàu nát quăn góc là do tư thế ngồi viết và cách để vở. Khi viết nhiều em để vở thừa ra ở những vị trí sát cạnh bàn, góc và mép bàn rồi tỳ tay lên khi viết, làm cho vở quăn góc và gãy. Để khắc phục nhược điểm đó,bằng thực tế tôi làm mẫu để học sinh thấy rõ. Đặt vở nghiêng so với mép bàn một góc khoảng 30 o( nghiêng về bên phải ),hướng dẫn cách để tay khi viết, tư thế ngồi viết thật thoải mái, cầm bút  nhẹ nhàng rồi yêu cầu học sinh làm theo, giáo viên kiểm tra và kịp thời uốn nắn. Để có được nền nếp, thói quen giữ gìn vở, tôi quy định các em chỉ nên viết một màu mực trong suốt năm học, không được dùng nhiều loại mực vì sẽ làm cho vở bẩn không đẹp mắt, khi viết ở mỗi vở đều có giấy lót tay ( vì tay các em hay ra mồ hồi , dễ làm bẩn vở )ở đầu mỗi buổi học tôi thường kiểm tra vệ sinh tay và yêu cầu học sinh rửa tay sạch trước khi đi học và trước khi vào lớp .

     Bên cạnh đó tôi còn hướng dẫn cho các em cách trình bày vở,cách ghi bài , cách gạch hết bài,hết một môn học, ngày học  .. .

    Ví dụ : Lùi vào một ô để ghi thứ ngày tháng, lùi vào 4 ô để ghi môn học rồi gạch chân cách một ô (vì có nhiều em thường gạch chân môn học sát vào chữ viết nên trông rất xấu), tên bài học phải tuỳ theo mức độ dài hay ngắn mà ghi vào giữa so với tên môn học, gạch hết bài học cần lùi vào3 ô và gạch chừa lại 3 ô chứ không gạch hết cả trang .

     Cách nộp vở cho giáo viên kiểm tra khi làm xong để ra đầu bàn một bạn đầu bàn mang lên,cần chồng vở  theo thứ tự ngay ngắn, em nào làm xong nộp lên bàn và úp xuống,cách lật vở,lấy vở phải nhẹ nhàng cẩn thận,không được bỏ giấy cũng như hướng dẫn học sinh làm nẹp vở để đánh dấu trang mình đang viết, tránh lật vở nhiều lần làm cho vở quăn góc, nhàu, bẩn.

      Trong quá trình viết nếu bị sai chỉ cần dùng thước gạch nhẹ, không dùng phấn hoặc bút tẩy để xoá, bôi bẩn .

     – Cùng với phụ huynh học sinh yêu cầu về cách giúp con giữ vở sạch viết chữ đẹp:

       Ngay từ đầu năm tôi gặp gỡ và hướng dẫn cụ thể đối với phụ huynh học sinh để họ đáp ứng những yêu cầu tối thiểu cho con em mình,khi bước vào năm học(tôi có thể gặp và tiếp xúc vào buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm, nếu trao đổi chưa đạt yêu cầu tôi lại trao đổi qua điện thoại  .. . ).Các điều kiện vật chất như vở ghi,phấn viết bảng con, thước kẻ, bút viết, giấy nháp . . . Tôi phổ biến cho phụ huynh biết những quy định về cách bao bọc vở, dán nhãn và chuẩn bị sẵn một bộ vở mới bao bọc, dán nhãn đúng quy định để làm mẫu. Đồng thời cho phụ huynh xem vở cũ của học sinh những năm học trước đạt tiêu chuẩn giữ vở sạch, viết chữ đẹp để phụ huynh tham khảo.

     Tôi đề nghị hàng tuần phụ huynh phải kiểm tra việc giữ vở sạch, viết chữ đẹp của con, nếu phụ huynh có điều kiện thì kiểm tra hằng ngày, nhắc nhở con em mình thực hiện.

     Có hình thức khen thưởng kịp thời khi vở của con đạt loại A trong những đợt kiểm tra việc xếp loại của cô giáo.

     – Những yêu cầu về rèn chữ viết :

      + Rèn luyện chữ viết cho học sinh trong giờ Tập viết .

Ở bậc tiểu học, nếu như học vần, tập đọc giúp việc rèn năng lực đọc thông, thì tập viết giúp cho việc rèn năng lực viết thạo.Đọc thông mở đường cho viết thạo.Viết thạo sẽ giúp cho các em ghi nhanh, ghi rõ ràng những điều giáo viên giảng và cả những điều học sinh nghĩ. Nhìn trang vở với dòng chữ đều tăm tắp không bị giây mực,quăn mép,lòng người giáo viên giấy lên một niềm vui. Nhưng muốn viết thạo, học sinh phải cố gắng rèn luyện dưới sự chăm sóc, hướng dẫn tận tình của thầy cô giáo .

     Trong chương trình Tiếng Việt lớp3 yêu cầu học sinh vừa tập viết chữ cái hoa,vừa cũng cố kĩ năng viết chữ thường đã học ở lớp 1,lớp 2 với mức độ cao hơn và chúng ta cũng biết phân môn Tập viết theo gần hết chương trình Tiểu học vì vậy nó là một môn học không kém phần quan trọng, góp phần hình thành cho học sinh tính cẩn thận, tỉ mỉ, chịu khó rèn luyện chữ viết cho học sinh trong giờ Tậpviết là điều quan trọng mang lại hiệu quả cao không chỉ cho mônTập viết mà còn cho tất cả các môn học khác. Vì thế qua mỗi giờ Tập viết tôi luôn luôn tìm ra những điểm mà học sinh thường mắc phải để uốn nắn cho các em.

     Qua thực tế tôi thấy có nhiều em viết chữ không đều về kích thước độ cao, khoảng cách con chữ, chữ viết rời rạc, đứt đoạn dẫn đến chữ viết xấu .

     Để khắc phục được các nhược điểm này khi dạy tập viết, ngoài việc cung cấp cho học sinh trọng tâm kiến thức của bài, hướng dẫn tỉ mỉ,chính xác về khoảng cách,độ cao của từng con chữ.Tôi giảng giải ngắn gọn cho học sinh dễ hiểu và minh hoạ cách viết như: đặt ngòi bút như thế nào,thứ tự nét viết ra sao và phân tích cả dấu phụ của từng con chữ cũng như dấu thanh,ước lượng khoảng cách giữa các chữ cái,giữa các chữ ghi tiếng.

     Ví dụ : Một số em hay viết chưa đúng độ cao của chữ cái : b, h, k, l , …. (chữ b : nét 1: đặt bút ở đường kẻ ngang, 2 viết nét lượn nghiêng phải , dừng bút ở giữa đường kẻ 3 và 4.Nét 2 : sổ thẳng hết đường kẻ 2 và bắt đầu lượn lên để tạo nét hất .)

     Tổ chức cho học sinh luyện viết bằng nhiều hình thức khác nhau. Khi viết nếu chữ rời rạc đứt đoạn sẽ làm cho chữ viết trở nên cứng, mất đi sự mềm mại, tính thẩm mĩ của chữ viết.Để khắc phục điều này tôi nhận thấy việc viết mẫu trên bảng lớp của giáo viên rất quan trọng, viết mẫu là thao tác trực quan của giáo viên trên bảng lớp, giúp học sinh nắm bắt được quy trình viết từng nét chữ. Khi giáo viên viết mẫu trên bảng lớp, học sinh được nhìn thấy tay giáo viên viết từng nét, từng chữ, tay đưa nét như thế nào. Do vậy khi viết mẫu tôi viết chậm, viết đúng theo quy tắc viết chữ, đối với những chữ viết khó ( hoặc nét nối )giáo viên phối hợp giảng giải về cách viết, phân tích và viết mẫu đoạn trích những nét đó ra phần bảng phụ, học sinh quan sát lại chữ mẫu và luyện tập thực hành. Từ đó giúp học sinh trau dồi kĩ năng viết chữ, học sinh tận mắt thấy tay viết, nghe tận tai cách viết và sẽ viết đúng, khi học sinh viết sai, giáo viên không viết đè lên mà viết chữ đúng ở bên cạnh để học sinh quan sát, nhận ra ưu, khuyết điểm để rút kinh nghiệm .

     Ví dụ:  Khi phát hiện ra các em : Hiền,Chi,Qúy,Trọng, Phượng,Ninh là những em viết rất chậm vì lí do các em viết rời và đứt quãng các nét viết giữa các âm vần như: tiếng “ thường” muốn viết cho nhanh, đúng các em phải viết liền các nét “thuong” rồi viết dấu phụ “ơ, dấu ư, dấu huyền”. Nhưng các em lại viết “thư, ơng,dấu huyền”.Vì thế các em viết rất chậm so với các bạn cùng lớp.Tôi đã hướng dẫn cụ thể và thường xuyên để các em sửa chữa lại cách viết liền nét cho nhanh, đúng.

     Chúng ta cũng biết, học sinh tiểu học thường hiếu động, thiếu kiên trì, khó thực hiện các thao tác đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận. Để giúp học sinh khắc phục nhược điểm trên, người giáo viên phải có đức tính kiên trì, tận tâm vì sự tận tâm nhiệt tình, chu đáo của giáo viên là một trong những yếu tố đảm bảo sự thành công của giờ dạy tập viết, kĩ năng viết của học sinh được tôi hướng dẫn theo hai mức độ: Khi viết các chữ cái yêu cầu học sinh viết đúng hình dáng: Cấu tạo quy trình viết .

     Ví dụ : Hướng dẫn viết chữ A hoa, ngoài việc hướng dẫn học sinh nắm quy trình ra tôi còn chỉ dẫn cách viết như sau: Nét 1 : đặt bút ở đường kẻ ngang3 viết nét lượn nghiêng phải, dừng bút ở đường kẻ 6.Nét 2: Từ điểm dừng bút ở nét 1,chuyển hướng bút viết nét móc ngược phải.Dừng bút ở đường kẻ 2. Nét 3 : Lia bút lên khoảng giữa thân chữ viết nét lượn ngang thân chữ từ trái qua phải .

     Khi tập viết ứng dụng : Tôi  hướng dẫn học sinh viết liền mạch các chữ cái , không nhấc bút tuỳ tiện ,viết dấu phụ , dấu thanh dưới hoặc trên các chữ cái .

     Học sinh chỉ có được kĩ năng viết chữ thật sự khi sản phẩm viết của các em đúng mẫu, rõ ràng, đúng tốc độ quy định , về tư thế ngồi viết , cách cầm bút, để vở, cách trình bày, cách rê bút ( viết đè lên theo hướng ngược lại với nét chữ vừa viết. Ví dụ khi viết chữ n, p . . .), lia bút ( để đảm bảo quá trình viết nối các chữ cái với nhau, nét bút được thể hiện liên tục nhưng dụng cụ viết (đầu ngòi bút, phấn .. .) không chạm vào mặt phẳng viết ( giấy bảng …),viết liền mạch( bút liền mạch là đưa ngòi bút liên tục từ điểm kết thúc của nét đứng trước tới điểm bắt đầu của nét tiếp sau )

     Muốn học sinh viết chữ đẹp trong vở tập viết tôi đã hướng dẫn tỉ mỉ nội dung và yêu cầu về kĩ năng viết của từng bài viết, giúp các em viết đúng. Muốn học viết một chữ ghi tiếng cho nhanh, tôi hướng dẫn cách rê bút ( nhấc nhẹ đầu bút nhưng vẫn chạm vào mặt giấy) lia bút(chuyển dịch đầu bút sang điểm đặt bút khác, không chạm vào mặt giấy).Để có thể viết liền nét tạo sự kết nối hài hoà giữa các chữ cái trong chữ ghi tiếng làm cho chữ mềm mại và đẹp hơn .

     Ngoài ra tôi còn khuyến khích và nhắc nhở các em về luyện viết thêm trong vở Luyện viết chữ đẹp ở nhà sách hoặc các quầy sách báo bán rất nhiều .

     Ví dụ : Lớp3 có bộ sách luyện chữ đẹp tập1, tập 2 gồm các kiểu chữ  hoa và từ ứng dụng phù hợp với chương trình của lớp3.

    +Đối với giáo viên:

      Mục tiêu của chương trình mônTiếngViệt và sách giáo khoa mới,là nhằm góp phần bồi dưỡng tình yêu cái đẹp,cái thiện, lòng trung thực,lòng tốt góp phần đào tạo con người Việt Nam một cách toàn diện và hiện đại theo kịp các nước phát triển. Để có được người học sinh theo yêu cầu như thế thì bản thân của mỗi giáo viên phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Mỗi việc làm của giáo viên dù nhỏ bé cũng phải hết sức mẫu mực, nếu người giáo viên chỉ giáo dục học sinh bằng lời lẽ không thì chưa đủ, mà cần phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể để các em học tập .

       Ví dụ: Ngoài việc cố gắng rèn luyện bản thân mình trong mọi giờ lên lớp, bản thân tôi còn tìm tòi học hỏi phương pháp viết chữ đẹp từ những quyển vở viết chữ mẫu của BGD-ĐT vì hiện nay dạy viết chữ đẹp là một môn học hưũ ích đó là giữ gìn và phát huy sự trong sáng của Tiếng Việt.

       Để học sinh giữ vở sạch,rèn chữ đẹp thì giáoviên phải là người thực hiện điều này trước tiên, với suy nghĩ đó nên bản thân tôi luôn gương mẫu đi đầu.Các loại hồ sơ sổ sách cũng như sách giáo khoa về hình thức, tôi bao bọc cẩn thận, đẹp.Ở giáo án tôi trình bày sạch sẽ, có hình mẫu, chữ mẫu .

      Về chữ viết tôi luôn rèn luyện chữ viết của mình để học sinh noi theo. Việc làm này thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi môn học. Khi viết bảng tôi chú ý về cách trình bày có khoa học và đẹp mắt, chữ viết rõ ràng mẫu mực về nét chữ, khoảng cách,độ cao của mỗi chữ cách đánh dấu thanh,viết đúng quy trình nắm chắc đặc điểm cơ bản của mẫu chữ viết trong trường tiểu học.

   Mẫu chữ cái viết thường được phân theo nhóm như sau:

Nhóm 1: Nhóm các chữ cái có cấu tạo nét cong phối hợp với nét móc: a, ă, â, d, đ, q.

Nhóm 2: Nhóm các chữ cái cấu tạo từ nét cong là cơ bản: c, o, ô, ơ, e, ê, x.

Nhóm 3: Nhóm các chữ cái có cấu tạo nét cơ bản là nét khuyết phối hợp với nét móc: b, h, k, l, g, y.

Nhóm 4: Nhóm các chữ cái có cấu tạo nét cơ bản là nét móc, hoặc nét móc phối hợp với nét móc: i, t, u, ư, p, m, n,

Nhóm 5: Nhóm các chữ cái có cấu tạo nét cơ bản là nét móc phối hợp với nét cong: r, s, v. `

Các chữ cái b, g, k, h, l, y được viết với chiều cao 2.5đơn vị, tức bằng 2 lần rưỡi chiều cao chữ cái ghi nguyên âm.

Chữ cái t được viết với chiều cao 1.5 đơn vị.

Các chữ cái r, s, được viết với chiều cao 1.25 đơn vị

Các chữ cái d,đ,p , q được  viết với chiều cao 2 đơn vị.

Các chữ cái còn lại : o, ô, ơ, a , ă, â, e, ê, i, u, ư, c, n, m, v, x được viết với chiều cao 1 đơn vị.

Các dấu thanh được viết trong phạm vi một ô vuông có cạnh là 0,5 đơn vị .

Mẫu  chữ cái viết hoa : Chiều cao của các chữ cái viết hoa là 2,5 đơn vị riêng hai chữ cái viết hoa Y, G  được viết với chiều cao 4 đơn vị .

Ngoài 29 chữ cái viết hoa theo kiểu 1, bảng mẫu chữ còn cung cấp thêm 5 mẫu chữ cái viết hoa theo kiểu 2 ( A, M, N, Q, V ) để học sinh lựa chọn và sử dụng . 

     Giáo viên cũng nên nắm rõ quy trình dạy học tiết Tập viết ở các lớp 1,2,3, để từ đó có cơ sở khắc phục  những sai sót ở lớp 1 và làm tiền đề cho học sinh học lớp trên như :

              Quy trình dạy học tập viết ở các lớp 1,2, 3

 

Lớp 1 Lớp 2 Lớp 3
A.Kiểm tra bài cũ

(Viết chữ cái thường, vần ,  tiếng , từ đã học ở bài kế trước)

A.Kiểm tra bài cũ

(Viết chữ cái hoa , từ ứng dụng có chữ cái viết hoa đã học ở bài kế trước)

A.   Kiểm tra bài cũ

(Viết chữ hoa và tên riêng đã học  ở bài kế trước)

B.Dạy bài mới :

1. Giới thiệu bài

B. Dạy bài mới :

1. Giới thiệu bài

B . Dạy bài mới :

1 . Giới thiệu bài

2. Hướng dẫn HS viết chữ thường (hoặc tô chữ hoa )

– Quan sát , nhận xét

– Tập viết chữ thường trên bảng con .

2. Hướng dẫn HS viết chữ hoa.

 

Quan sát , nhận xét

Tập viết trên bảng con

2 .Hướng dẫn HS luyện viết trên bảng con .

Luyện viết chữ hoa .

Luyện viết từ ứng dụng

Luyện viết câu ứng dụng .

3. Hướng dẫn HS viết vần và từ ứng dụng .

– Quan sát nhận xét .

-Tập viết vần và từ ứng dụng trên bảng .

3 . Hướng dẫn HS viết cụm từ ứng dụng .

– Giới thiệu cụm từ ứng dụng .

– Quan sát , nhận xét .

– Tập viết chữ ứng dụng

3 . Hướng dẫn HS viết vào vở Tập viết  .

– Luyện viết chữ hoa .

– Luyện viết từ ứng dụng

– Luyện viết câu ứng dụng .

4. Hướng dẫn HS viết (tô) vào vở Tập viết . 4. Hướng dẫn HS viết  vào vở Tập viết . 4. Chấm chữa bài,nhận xt bi viết của HS.

 

5.Nhận xt , chữa bài 5.Nhận xt, chữa bài . 5. Củng cố , dặn dò
6 Củng cố , dặn dò 6 Củng cố , dặn dò  

    Từ bảng so sánh trên giáo viên  có thể hình dung ra được những yêu cầu cơ bản giúp học sinh viết đúng, đẹp và thành thạo hơn trong giờ tập viết cũng như vận dụng vào viết chữ đẹp cho các giờ học khác  .

     Khi chấm bài, ghi lời phê,cần sửa chữa trong vở học sinh, trong sổ liên lạc, tôi luôn cố gắng viết cho rõ ràng cẩn thận,vì tôi nghĩ rằng chữ giáo viên viết trên bảng giúp học sinh nắm được thứ tự các nét viết của từng chữ cái trong một chữ nhằm đảm bảo yêu cầu viết liền mạch, viết nhanh. Chữ của giáo viên khi chấm bài ,chữa bài cũng được học sinh quan sát như một loại chữ mẫu vì thế giáo viên cần có ý thức rèn luyện chữ viết của mình cho ngày một đẹp hơn để học sinh học tập. Giáo viên phải luôn để lại trong lòng các em những việc làm mẫu mực, giúp các em phấn đấu noi theo. Giáo viên cần phải luôn rèn luyện chữ viết mới có thể giáo dục học sinh .

     – Rèn chữ viết cho học sinh ở tất cả các môn học:

      Đối  với học sinh, sự nghiêm khắc của giáo viên về chất lượng chữ viết ở tất cả các môn học là cần thiết, nhiều em cứ nghĩ cần viết đẹp ở vở tập viết còn các môn học khác thì không cần.

      Vì thế giáo viên phải thực hiện rèn chữ viết cho học sinh một cách đồng bộ có như thế việc rèn luyện chữ viết mới được cũng cố thường xuyên. Trong những bài tập làm văn,chính tả, toán, giáo viên đều đưa tiêu chuẩn chữ viết,cách trình bày sạch sẽ để khuyến khích động viên học sinh viết cẩn thận cẩn thận khi làm bài .

       Để học sinh thực hiện tốt việc rèn chữ viết, tôi  không những chỉ rèn chữ viết cho học sinh trong giờ tập viết, mà cần phải biết vận dụng việc viết các bài học, bài làm ở các môn học khác để học sinh tập viết.

      Ví dụ :  Trong giờ Chính tả tôi luôn nhắc nhở để học sinh có một“ quy tắc ”là phải ngồi đúng tư thế (lưng thẳng, không tì ngực xuống bàn, đầu hơi cuí, mắt cách vở khoảng 25 đến 30 cm, tay phải cầm bút, tay trái tì nhẹ lên mép vở để giữ, hai chân để song song thoải mái, cầm bút bằng ba ngón tay ngón cái, ngón  trỏ và ngón giữa, khi viết dùng ba ngón tay di chuyển bút từ trái sang phải, cầm bút nghiêng về bên phai, cổ tay, khuyủ tay và cánh tay cử động theo mềm mại, thoải mái, tuyệt đối không được cầm bút tay trái ),viết tròn vành, rõ chữ, không tẩy xoá Trong giờ Tập làm văn, tôi thường nhắc nhở học sinh chú ý viết theo “ quy tắc ” như giờ chính tả nhưng chú ý viết nháp rồi mới được viết vào vở .

      Khi chấm bài giáo viên đều có nhận xét kĩ về chữ viết và cách trình bày của học sinh để uốn nắn, động viên các em. Song cũng luôn chú ý về cách viết, cách nhận xét của mình để học sinh học tập. Chất lượng chữ viết ảnh hưởng nhiều đến kết quả và chất lượng học tập của học sinh.Vì thế việc làm này đòi hỏi người giáo viên ngoài những hiểu biết về chuyên môn , cần có sự kiên trì, nhẫn nại, cẩn thận .     Ví dụ : Khi chấm bài những em thường xuyên sai chính tả và chữ viết không đúng kích cỡ, độ cao.Tôi thường chữa lỗi cụ thể rõ ràng sang bên cạnh nhất là chữ viết của tôi phải luôn gương mẫu về mọi hình thức. Vì là lớp học hai buổi nên buổi chiều có thời gian tôi sẽ kèm thêm cho các em luyện viết lại từng con  chữ cho đúng kích cỡ.Ngoài ra tôi còn cho em về nhà luyện viết lạiở vở viết đúng viết đẹp. Hôm sau tôi chấm lại và khuyến khích động viên để em viết bài sau cho tốt hơn .

      Một số em đã viết thành thạo, đều đẹp tôi giới thiệu và dạy thêm cho các em cách viết chữ viết thường, viết hoa theo kiểu chữ viết nghiêng và nét  thanh, nét đậm(chữ viết nghiêng thì phải có độ nghiêng là 45 o tất cả các con chữ đều phải nghiêng như nhau, chữ có nét thanh nét đậm thì với nét lên cần hướng dẫn các em đi nhẹ tay và dứt khoát như là một nét hất kéo dài, nét đậm là những nét sổ xuống thì  hơi đậm tay),phần viết này đối với học sinh là rất khó nhưng tôi có thể vận dụng với một số em đã viết rất thành thạo do các em có điều kiện được cha mẹ quan tâm và kĩ năng viết của các em đã đạt được ở mức chuẩn .

    Tôi còn coi trọng cách dạy viết dấu câu trong từng bài viết .Như dấu phẩy( , ) gần như một nét thẳng biến dạng,hơi chéo về bên trái.Điểm đặt bút từ đường kẻ ngang dưới, phẩy nhẹ xuống, chéo sang trái bằng 1/3 ô, nét  phẩy kéo về phía người viết nên thường có nét thanh đậm, đậm trên nhạt dưới. Dấu chấm ( . ) viết đúng đường kẻ ngang khi kết thúc câu, cách viết giống như dấu nặng nhưng đậm hơn. Dấu chấm phẩy( ; ) trước hết viết dấu chấm ở phía trên đường kẻ ngang. Sau đó viết dấu phẩy bằng cách đặt bút từ đường kẻ ngang kéo về phía người viết như dấu phẩy. Dấu chấm hỏi ( ? )có cấu tạo một nét sang phải ở trên và một dấu chấm ở dưới. Dấu hỏi có điểm đặt bút gần đường kẻ ngang trên kéo xuống đến đường kẻ ngang dưới thì dừng lại để viết dấu chấm ở đúng đường kẻ ngang dưới. Dấu chấm than, dấu hai chấm ( : )là hai dấu chấm thẳng hàng cùng nằm trên một đường kẻ dọc.Chiều cao dấu hai chấm bằng chiều cao các chữ cái một đơn vị, khoảng cách giữa chúng bằng một đơn vị .

     Trong năm học này sỉ số lớp tôi là 25 em thì qua hai tuần đầu theo dõi, tôi thấy 19 em là cách đánh dấu câu, dấu thanh đều sai vị trí như: dấu phẩy các em đánh ngay trên dòng kẻ thứ hai từ dưới lên dài và thẳng, dấu hai chấm đánh sai ở chiều cao và khoảng cách bằng hai đơn vị, các dấu thanh huyền, sắc,  .. . đều đánh quá cao, sai vị trí và xa so với các âm vần của tiếng như:(tiếng “huyền” thanh “sắc” phải nằm trên đầu âm ê thì các em viết trên đầu âm y “huỳên”, tiếng “ quả” thanh “ hỏi” phải đánh trên đầu âm a thì học sinh lại đánh trên đầu âm u thành “ qủa”)

     Tôi cũng không quên xem trọng kĩ thuật viết chữ số. Bộ chữ số được cấu tạo bằng các nét thẳng và  nét cong thống nhất có độ cao hai đơn  vị chữ.Trừ số 1 có chiều ngang bằng 1/3 đơn vị, còn lại chữ số khác đều có chiều rộng là một đơn vị .    Ví dụ:  Trong giờ Toán, trước khi làm bài tôi thường nhắc học sinh chú ý viết các chữ số cho đúng độ cao và đúng chiều rộng của số như trên, sau khi học sinh làm bài xong, tôi chấm bài, nhận xét và viết mẫu một số chữ số mà học sinh còn sai cho học sinh về nhà luyện viết lại hôm sau tôi kiểm tra, nhận xét động viên, tuyên dương kịp thời. Các con số mà học sinh thường viết sai độ cao, chiều rộng và xấu là số: 3, 4, 6, 8, 9.

   – Luôn quan tâm chất lượng chữ viết của từng học sinh :

    Chất lượng chữ viết của học sinh trong lớp không đồng đều,để việc “giữ vở sạch –rèn chữ đẹp”có hiệu quả cao,tôi đã phân loại chữ viết học sinh nhằm có biện pháp giáo dục cho thích hợp.Ta cũng đã biết đặc điểm học sinh tiểu học  là các em còn nhỏ, hay bắt chước và học những việc làm của bạn, của người khác rất nhanh, hiểu được điều này tôi thường giới thiệu cho các em những mẫu chữ đẹp và chú ý đến việc sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh .

     Ví dụ : Những em chữ viết rất kém, tôi đã sắp xếp cho em ngồi cạnh em  viết chữ to tròn đều và đẹpvà có tính cách nhanh nhẹn cẩn thận, nắn nót và sẵn lòng giúp đỡ bạn khi em đã hoàn thành xong bài của mình. Tôi xếp các em chữ viết còn yếu vào những chỗ giáo viên dễ tiếp cận để tiện việc theo dõi và ngồi cạnh những em viết đẹp, biết bảo quản và giữ gìn vở cẩn thận để các em học tập, giao nhiệm vụ cho các em viết tốt kèm cặp cho những em còn yếu để đôi bạn cùng tiến .

     Thường xuyên kiểm tra, rèn chữ viết cho những em còn yếu, kịp thời uốn nắn các em viết sai, xấu.Thường xuyên gọi các em luyện viết chữ ở bảng lớp, bảng con, vở nháp, chữ viết của các em được tự các em, bạn bè, giáo viên đánh giá nhận xét, giúp các em sửa chữa những khuyết điểm và dần dần tiến bộ. Bạn bè, giáo viên khen ngợi kịp thời khi các em có tiến bộ. Động viên nhắc nhở khi các em lơ là không tập trung rèn luyện nâng cao kĩ năng viết. Ngoài ra tôi còn đề cử những em có chữ viết đẹp, sách vở sạch sẽ làm nòng cốt theo dõi việc thi đua “giữ vở sạch – rèn chữ đẹp ”. Nêu gương và trao quà ( nếu có ) trước lớp những em có tiến bộ để động viên các em tích cực, tự giác trong việc “giữ vở sạch –rèn chữ đẹp ” .

     -Tổ chức kiểm tra đánh giá kịp thời phong trào “giữ vở sạch –rèn chữ đẹp ”:

     Bất cứ một hoạt động nào dù lớn hay nhỏ đã phát động thi đua,thì phải thường xuyên kiểm tra đánh giá kịp thời những cố gắng nỗ lực, sự tiến bộ của các em, giống như một môn học để các em thấy được những ưu điểm, những tồn tại của bản thân mà rút kinh nghiệm. Hàng tuần giáo viên tổ chức kiểm tra vở của các em,có nhận xét cụ thể những tiến bộ, nêu gương những bạn tốt để cả lớp cùng học tập, đồng thời uốn nắn, chấn chỉnh những sai sót để học sinh khắc phục và thực hiện tốt hơn ở tuần sau. Giáoviên thường xuyên thay đổi hình thức kiểm tra đồng loạt cả lớp, giáo viên kiểm tra xen kẽ để đánh giá nhận xét, nhắc nhở, cuối tuần hoặc trong giờ Chính tả,Toán,Tập làm văn.. .Giáo viên cho học sinh kiểm tra chéo lẫn nhau, để các em tự đánh giá và chỉ cho nhau những thiếu sót về chữ viết cho bạn và cho chính mình .Ngoài ra trong giờ học Chính tả,Tập viết tôi thường cho các em thi đua với nhau xem ai viết đúng,viết đẹp,trình bày sạch sẽ, giáo viên chấm bài và nhận xét ngay sau tiết học, khen ngợi,tuyên dương kịp thời những em viết chữ đẹp có tiến bộ trong việc giữ vở và rèn chữ .

     Ví dụ : Trong tháng 11 có ngày “Hiến chương  nhà giáo “, tôi  tổ chức cho các em được thi đua xem vở của nhau và bình chọn những em có sách vở sạch đẹp(thời gian vào cuối buổi của ngày thứ 6), chọn ra tổ, bàn có nhiều bạn giữ sách vở sạch đẹp nhất, cá nhân đạt giải nhất là em được các bạn bình chọn nhiều nhất có quà để khích lệ tinh thần thi đua học tập của các em. Học sinh rất hào hứng và vui vẻ.

    – Phối hợp với phụ huynh học sinh:

     Đây là lực lượng xã hội quan trọng, vì khi trình độ dân trí ngày càng cao, nhiều phụ huynh học sinh hết sức chăm lo đến con em họ.Tôi thường xuyên gặp gỡ trao đổi để phụ huynh phối hợp nhắc nhở, tạo điều kiện tốt cho các em như : Chọn loại giấy vở, bút tốt, sắp xếp cho các em có góc học tập, kèm cặp cho các em rèn luyện thêm chữ viết ở nhà .

      Ví dụ : Những gia đình buôn bán (mẹ bán ở chợ,bố đi làm trong lô cà phê) thì dường như các cháu ăn uống thất thường, không đảm bảo chất dinh dưỡng, có khi cháu đi học buổi sáng mẹ cho tiền ăn sáng, cháu không ăn vì mãi chơi nên mua quà nọ quà kia(vì mẹ vội đi bán), học xong rất đói nhưng về nhà thì bố mẹ chưa về.Tôi đã đến nhà và trao đổi với gia đình để nhắc nhở rằng hãy quan tâm hơn đến ăn uống cho các cháu vì đó cũng chính là một phần lớn trong việc tiếp thu và rèn luyện của các cháu ở trường .

      Vì những vấn đề trao đổi với phụ huynh học sinh là cần thiết, thiết thực nên sự phối hợp với các bậc phụ huynh đã giúp ích rất nhiều cho việc nâng cao chất lượng chữ viết của học sinh lớp tôi .

  1. Kết quả khảo nghiệm, giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu:

Sau khi áp dụng những phương pháp trên vào lớp 3C, tôi đã nhận thấy có những kết quả tích cực rõ rệt:

      Số lượng học sinh giữ vở sạch,viết chữ đẹp tăng lên nhiều, đa số các em học bài nhanh hơn trước. Ví dụ trước đây tôi dạy 1 tiết chính tả hoặc tập viết mất 35-40 phút mới hoàn thành bài,có những em không hoàn thành bài viết,viết sai lỗi rất nhiều. Nhưng sau một thời gian dùng các biện pháp nói trên, thời gian viết bài nhanh hơn,chữ các em đẹp hơn và viết đúng hơn . Điều này chứng tỏ những biện pháp trên là có hiệu quả.

Tính thần học tập của cả lớp phấn chấn hơn, đồng đều hơn, nhìn nét mặt của các em trong học tập có phần rạng rỡ, vui tươi hơn. Không còn tình trạng buồn hoặc im lặng như trước. Một số em có biểu hiện chăm chỉ hơn, cùng với bạn trao đổi rất nhiệt tình những bài học làm sai ,viết sai trong giờ học để rút kinh nghiệm.

    Những kết quả trên tuy chưa phải là nhiều hoặc nâng cao toàn diện được chất lượng học tập của các em. Nhưng đây là những tín hiệu vui, đáng quan têm để thúc đẩy tôi tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu để sau này đưa ra những biện pháp mới hơn, khả thi hơn giúp cho các em học sinh biết giữ vở sạch,viết chữ đẹp và nắm được bài tốt hơn.

Kết quả khảo sát đầu năm:

Tổng số học sinh Bao bọc dán nhãn Đủ dụng cụ học tập Chữ xấu không đúng kích cỡ
25 20 22 19

Kết quả khảo sát cuối học kì I:

Tổng số học sinh Bao bọc dán nhãn Đủ dụng cụ học tập Chữ xấu không đúng kích cỡ
25 25 25 07

1.KẾT LUẬN:      

         Từ những việc đã làm và những kết quả đạt được tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

        Chữ viết của học sinh đã dần đạt đến độ chuẩn và đẹp hơn.

        Chất lượng vở sạch chữ đẹp lớp tôi tiến bộ rõ rệt, khâu bảo quản sách vở chữ viết khá tốt.Những em trước kia cẩu thả, tuỳ tiện đã có ý thức giữ  vở sạch, rèn chữ đẹp, hiện tượng xé vở, bỏ giấy, tẩy xoá trong vở không còn nữa .

       Ngoài những kết quả đạt được như vừa nêu trên, việc giữ vở sạch – rèn chữ đẹp còn góp phần tích cực, rèn luyện cho học sinh một số nề nếp như : vệ sinh, kỉ luật, cẩn thận, siêng năng, tập cho các em một số thói quen tốt trong học tập, các em bỏ được một số tính xấu như: cẩu thả tuỳ tiện . Đồng thời cũng qua việc giữ vở, rèn chữ giúp các em chăm học hơn, có nhiều tiến bộ trong học tập các môn học khác.

      Ngoài ra những em có cố gắng trong việc giữ vở-rèn chữ là những em làm nòng cốt trong mọi phong trào thi đua của lớp được các bạn học tập và noi theo . 

      Những em thường hay mắc lỗi chính tả cũng đã khắc phục được nhiều, không còn tẩy xoá trong vở, nếu các em có sai sót thì các em đã biết khắc phục và sửa chữa một cách khoa học hơn .

      Để giúp học sinh giữ vở sạch ,viết chữ đẹp, giáo viên phải tận tâm, tận tình với tinh thần trách nhiệm cao, yêu thương học sinh, kiên trì rèn cho học sinh giữ vở sạch,viết chữ đẹp ở tất cả mọi môn học. Đặc biệt cần phải kiên trì trong việc giúp đỡ học sinh yếu.

     Đầu năm giáo viên phải phân loại trình độ về chữ viết của học sinh để có những yêu cầu và biện pháp rèn luyện phù hợp.

    Phải tạo ra được sự hưởng ứng của phụ huynh học sinh.

    Tạo ra được phong trào thi đua giữ vở sạch, viết chữ đẹp trong lớp.

Bấm vào đây tải file Word

 

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng