Một số biện pháp điều chỉnh lỗi phát âm cho học sinh lớp 1

Một số biện pháp điều chỉnh lỗi phát âm cho học sinh lớp 1.

1/ Lý do chọn biện pháp.

          Đất nước ta là một trong những nước luôn có ý thức coi trọng tổ tiên, dân tộc, vốn có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo và cha ông ta đã để lại cho chúng ta nhiều tư tưởng giáo dục với cốt lõi là “ lấy việc học làm gốc” ngang tầm với những tư tưởng thế giới hiện tại,  như là học để làm người , học để hành.

          Cha ông ta đã dạy “học , học nữa , học mãi;  học ăn, học nói” .Một trong những hạnh phúc lớn lao của trẻ em là quyền được đến trường , quyền được đi học, được học , được viết , biết đọc , biết viết thì tương lai rộng mở đón các em. Các em đến trường để học kiến thức, để có ước mơ, hoài bão để xây dựng tương lai, xây dựng đất nước.

Môn tiếng việt là môn học vô cùng quan trọng ở cấp tiểu học, và cũng rất quan trọng đối với học sinh lớp 1. Từ môn tiếng việt học sinh có thể tiếp cận các môn học khác một cách dễ dàng. Đối với học sinh lớp 1 việc học môn tiếng việt các em phải thành thạo 4 kĩ năng : nghe, nói, đọc, viết. Tất cả các kĩ năng đều rất quan trọng dù các kĩ năng có sắp xếp ở vị trí nào chăng nữa thì nó cũng rất quan trọng, nó hỗ trợ lẫn nhau vì nghe chính xác, thì sẽ nói chính xác, đọc đúng chính xác thì viết mới đúng và không sai lỗi. Đó là yêu cầu cơ bản cần đạt của học sinh tiểu học nói chung và học sinh lớp 1 nói riêng. Kĩ năng nói đúng, đọc đúng sẽ giúp chúng ta diễn đạt tốt các vấn đề muốn nói, giúp ta tự tin hơn trong giao tiếp. Đối với học sinh lớp 1 các em nói đúng, đọc đúng  sẽ gúp các em diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, giúp các em tự tin trước bạn bè, giúp các em viết đúng chính tả, dễ nhớ âm, phát âm chính xác.

Ngày nay với thời đại internet phát triển cao, ngôn ngữ nói được thay bởi các hình thức như nhắn tin, chát…Vì thế việc rèn luyện kĩ năng phát âm là việc làm rất cần thiết .Vì thực tế cho thấy việc rèn luyện phát âm chưa được quan tâm đúng mức , một số người khi đứng trước đám đông phát âm sai lỗi  nên gặp rất nhiều khó khăn; hay có những văn bản viết sai lỗi chính tả làm cho nội dung văn bản không được như mong muốn.

Vậy nên đối với học sinh lớp 1 ta cần xây dựng tốt nền móng ban đầu vì các em như là tờ giấy trắng còn rất bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa “ học sinh”, khả năng giao tiếp còn hạn chế.

+ Các em còn nhút nhát , sợ sệt, chưa tự tin trong lúc nói.

+ Nói chưa rõ, phát âm không chuẩn, thậm chí nói ngọng.

Đó là những khó khăn mà giáo viên nói chung, bộ phận giáo viên  giảng dạy lớp 1 nói riêng luôn băn khoăn , trăn trở.

Là một giáo viên được phân công giảng dạy lớp 1 lâu năm, tôi nhận thấy học  sinh có mắc nhiều lỗi phát âm như L – N, CH – TR, S – X, thanh hỏi – ngã. Và các em phát âm chưa chính xác nhất là những em có người thân phát âm không chuẩn. Tôi thiết nghĩ các em đã phát âm không chuẩn thì chữ viết các em cũng không  thể chính xác. Lại là năm được áp dụng môn Tiếng việt công nghệ học. Vì vậy tôi luôn suy nghĩ, mình phải tìm giải pháp nào để giúp đỡ các em phát âm được chính xác. Áp dụng công nghệ học vào hướng dẫn cho các em như thế nào cho hiệu quả.

Vì thế để khắc phục được những lỗi trên tôi mạnh dạn chọn đề tài để nghiên cứu “Một số biện pháp điều chỉnh lỗi phát âm cho học sinh lớp 1

2/ Nội dung và cách thức thực hiện biện pháp

 Vào mỗi tiết học dù là toán hay tiếng việt mỗi khi học sinh phát âm chưa chính xác thì đó cũng là những lần tôi cảm thấy nhiệm vụ của mình càng tăng lên. Tôi cũng đã lựa chọn nhiều giải pháp cho những lỗi phát âm của học sinh để làm sao cuối cùng học sinh phải phát âm được, và phát âm đúng. Vì thế tôi cũng đã tìm ra một số biện pháp cụ thể như sau:

  • Nguyên nhân dẫn đến việc phát âm chưa chuẩn của học sinh

          Trước hết tôi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc phát âm chưa chuẩn của học sinh thông qua tiếp xúc , tìm hiểu từ gia đình , bạn bè , làng xóm của học sinh thì được biết việc phát âm chưa chuẩn là do tiếng địa phương theo vùng miền, vì những học sinh phát âm chưa chuẩn là có người thân cũng phát âm không chuẩn vì thế trẻ em có bản năng bắt chước rất tốt khi các em tiếp xúc với việc phát âm không chuẩn một cách thường xuyên thì các em sẽ phát âm theo một cách tự nhiên từ khi bắt đầu được tập nói và không được điều chỉnh từ đó.

Ví dụ khi học sinh đến trường học thấy bạn mình phát âm giao tiếp các em sẽ được nghe bạn nói và tự bản thân các em sẽ có sự so sánh để thấy rằng cùng là một loại tiếng mà sao lại khác nhau “cho tớ mượn cái thước này– cho tớ mượn cái thước lày

  • Khảo sát mức độ phát âm chưa chuẩn của học sinh

Qua thời gian tiếp xúc và giảng dạy tôi nhận thấy mức độ học sinh phát âm chưa chuẩn về các phụ âm như sau:

Nội dung Số học sinh Tỷ lệ
Nhầm lẫn L-N   4/26 15,4%
Nhầm lẫn CH-TR     4/26 15,4%
Nhầm lẫn S-X      7/26 27%
Nhầm lẫn thanh hỏi/ ngã 5/26 19%
  • Điều chỉnh lỗi phát âm L-N, CH-TR, S-X, Thanh hỏi/ngã cho học sinh

          Để điều chỉnh lỗi phát âm cho học sinh một cách hiệu quả thông qua hoạt động chung nhất là trong những tiết học Tiếng Việt và tôi xác định đây là hoạt động chính giúp học sinh nhận thức đúng về cách phát âm. Tôi điều chỉnh cách phát âm cho học sinh như sau:

– Phát âm mẫu:

          Khi phát âm mẫu tôi cố gắng phát âm thật chuẩn, thật rõ ràng, tôi yêu cầu học sinh phải quan sát cô khi cô phát âm để học sinh nhận biết miệng cô khi phát âm, đồng thời tôi nêu rõ cách phát âm để học sinh biết.

          L: Khi phát âm lưỡi cong, đầu lưỡi hơi co chạm vào lợi trên và bật lưỡi ra.

          N: Khi phát âm lưỡi thẳng hơn, đầu lưỡi sát hơn với vòm lợi trên.

          TR: Khi phát âm lưỡi co vào trong và bật mạnh đầu lưỡi

          CH: Khi phát âm lưỡi không co đầu lưỡi hơi bật.

          S: Khi phát âm cong và co lưỡi để đẩy luồng hơi ra

          X: Khi phát âm lưỡi không co đầu lưỡi hơi đẩy hơi ra.

          Thanh “ hỏi” : Khi phát âm tôi dùng ngữ điệu , giọng nói để biểu thị và cho học sinh lắng nghe sự khác biệt giữa thanh hỏi và thanh nặng để học sinh tự nhận thấy sự khác biệt giữa hai dấu thanh.

          Thanh “ngã”: Khi phát âm tôi cũng dùng ngữ điệu , giọng nói để biểu thị và cho học sinh lắng nghe sự khác biệt giữa thanh ngã và thanh nặng để học sinh tự nhận thấy sự khác biệt giữa hai dấu thanh.

          Nhưng  nếu cô chỉ nêu và cho học sinh quan sát thì không thể có kết quả vậy nên tôi đã cho học sinh luyện phát âm thật nhiều, đọc nhiều lần đọc từng phụ âm với nhiều cách khác nhau.

          – Nhắc lại mẫu:

           Trước tiên tôi cho học sinh đọc đúng đọc vài lần để học sinh phát âm chưa chuẩn theo dõi bạn mình phát âm sau đó tôi cho cả lớp cùng phát âm để học sinh nhận thấy luồng hơi phát ra rồi tôi lại cho học sinh phát âm theo nhóm đôi để học sinh tự nhìn nhau phát âm để nhận xét khuôn miệng của bạn mình khi phát âm và sau đó tôi cho học sinh phát âm chưa chuẩn phát âm xen kẽ với học sinh đã phát âm chuẩn để các em sẽ tự điều chỉnh được cách phát âm của mình.

          Tôi luôn theo dõi để điều chỉnh ngay khi cần thiết.

Ví dụ: Sau khi tôi phát âm mẫu, tôi gọi em Quyền, Ly, Tuyết Nhi, … đọc lại, tôi lại cho cả lớp đọc lại, sau đó luyện đọc lại theo nhóm đôi, tôi lại cho em Quyền cùng em Trường phát âm xen kẽ nhìn miệng nhau để phát âm. Đọc đi đọc lại nhiều lần một số học sinh cũng đã tự đều chỉnh được ngay, tuy nhiên vẫn còn một số học sinh vẫn còn nhầm lần khi phát âm vì các em vẫn chưa nhớ ngay được tôi bèn xen kẽ trò chơi để học sinh có hứng thú hơn trong giờ học mà vẫn phát âm chuẩn được.

– Trò chơi: Gọi tên bạn mình

          Tôi cho một số học sinh có tên phụ âm đầu là những âm các em mắc lỗi cho các em đi trốn. Em bị mắc lỗi phát âm sẽ đứng lên và gọi ‘bán tên, bán tên’, các em trốn sẽ nêu ‘ tên gì, tên gì’, em đứng gọi sẽ nêu tên ‘ bạn Chi, bạn Lan, bạn Sơn, …’ ,nếu em phát âm đúng thì bạn Chi,  bạn Lan, bạn Sơn … sẽ chạy ra , còn nếu phát âm chưa đúng thì cả lớp nhắc ‘ sai rồi, sai rồi’ để em tự sửa lỗi phát âm và gọi lại.

          Ngoài ra tôi còn tổ chức các trò chơi khác như ô chữ bí mật, oẳn tù tì đọc chữ, …

          Với giờ học tổ chức trò chơi như vậy tôi thấy học sinh rất hứng thú học tập , các em rất vui , rất thoải mái học tập nên các em nhớ âm rất nhanh, nhớ lâu  mà lại phát âm chuẩn.

          Nhờ có xen kẽ giữa học và chơi, và có sự tương tác giữa học sinh với nhau nên số học sinh phát âm chuẩn ngày càng tăng. Nhưng để học sinh nhớ lâu hơn nữa , và khi đọc các tiếng , từ có liên quan những phụ âm khó , dễ lẫn đó tôi còn tổ chức cho học sinh luyện đọc thông qua các môn học khác như Toán, rồi học sinh tự điều chỉnh nhau khi không có giáo viên chủ nhiệm khi học  bộ môn khác.

– Giao tiếp

          Nhiều khi tôi còn tranh thủ điều chỉnh lỗi phát âm cho trẻ vào giờ nghỉ giải lao cô – trò nói chuyện với nhau luôn tiện cho học sinh tự nói ra những tiếng có lỗi phát âm, khuyến khích học sinh đọc thơ, hát … để phát hiện và sửa lỗi phát âm cho các em.

          Tuy vậy , để điều chỉnh lỗi phát âm cho trẻ luôn cần có sự quan tâm , tương tác giữa cô và trò. Giáo viên càng gần gũi với các em, tạo được sự tin tưởng cho các em thì việc điều chỉnh lỗi phát âm cho các em càng thuận lợi hơn.

            Gợi ý , hướng dẫn các em tới thư viện mượn những quyển truyện tranh có chữ to để các em rèn đọc thêm.

  • Điều chỉnh lỗi phát âm thông qua việc viết chính tả

        Đây là một trong những năm học áp dụng công nghệ học vào môn tiếng việt nên có sự thuận lợi riêng nhất là trong môn tiếng việt học sinh được quan sát thầy cô, bạn bè phát âm , sau đó tự học sinh phát âm và viết ra thành chữ ghi âm , các em thấy luôn được kết quả mình rèn luyện nên học sinh cũng rất hứng thú để học tập và rèn luyện.

          Thông qua bài viết của học sinh, giáo viên cũng đã đánh giá được phần nào viêc điều chỉnh lỗi của học sinh. Nếu còn sai lỗi tôi gạch chân dưới lỗi và gọi em nhắc ngay việc còn mắc lỗi của em và đề nghị em phát âm lại, viết lại.

  • Kết hợp với gia đình để điều chỉnh lỗi phát âm cho học sinh

Vào năm học mới khi phát hiện trong học sinh có em phát âm không chuẩn tôi đã gặp trực tiếp phụ huynh bàn bạc để có kế hoạch cụ thể:

– Tôi đã nêu cách đọc từng âm mà học sinh phát âm chưa chính xác cho phụ huynh nắm bắt được để có biện pháp rèn thêm cho các em ở nhà, động viên với phụ huynh nên trò chuyện với trẻ nhiều để phát hiện lỗi , nhắc nhở cách phát âm cho trẻ, phụ huynh nên chú ý tới lời nói , cách phát âm của mọi người trong gia đình; động viên phụ huynh nên mua những truyện tranh có nhiều lời đối thoại để đọc cho học sinh nghe; mua những băng đĩa ca nhạc thiếu nhi để các em hát theo, như vậy vừa luyện cách phát âm vừa luyện cho các em làm quen với ca múa để các em mạnh dạn hơn.

– Như vậy việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường đều tạo môi trường phát âm chuẩn mực giúp các em quen dần một cách tự nhiên.

  • Kết hợp với giáo viên bộ môn

Tôi cũng đã thống nhất với giáo viên bộ môn để phát hiện ra học sinh phát âm sai để điều chỉnh mọi lúc , mọi nơi.

  • Khuyến khích trẻ tự phát hiện và sửa lỗi phát âm cho nhau

Chọn lọc ra một số học sinh phát triển tốt về ngôn ngữ luôn phát âm chuẩn và thêm nữa là có đôi tai nghe tinh để cùng cô phát hiện ra bạn mình phát âm chưa đúng để hướng dẫn và bày lại cho bạn. từ đó bạn được sửa lỗi phát âm ngay tại thời điểm đó . Giáo viên theo dõi và kịp thời động viên khen ngợi học sinh đã phát hiện ra bạn và sửa lỗi ngay cho bạn, tiếp đó cũng khen ngợi luôn học sinh đã biết sửa lỗi.

Ví dụ: Trong giờ ra chơi học sinh chơi với nhau trò chơi “ nhảy lò cò” bất chợt em Trường nói nhầm là “nhảy nò cò” thế là em Quyền đã chỉnh ngay cho bạn là “ cậu nói lại theo tớ nhảy lò cò,… lò…vậy là em Trường đã sửa được theo bạn, các em vào khoe ngay với cô giáo , và tôi đã kịp thời tuyên dương luôn cả 2 em, các em rất thích thú. Từ đó các em cũng là thành viên tích cực cùng cô giáo trong việc giúp các bạn điều chỉnh lỗi phát âm.

Qua thời gian thí nghiệm và thực nghiệm tôi thấy những biện pháp trên rất có hiệu quả trong việc điều chỉnh lỗi phát âm , học sinh lớp tôi có tiến bộ rõ rệt trong việc phát âm. Các em đã phát chuẩn hơn, ít sai lỗi hơn. Đặc biệt là các bạn trong lớp đã biết giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát âm chuẩn. Vì thế tôi thiết nghĩ để đạt hiệu quả trong mọi lĩnh vực nhất là trong việc điều chỉnh phát âm cho học sinh cần mọi yếu tố mà quan trọng là có sự quan tâm sát sao, động viên kịp thời của giáo viên tới học sinh, của gia đình và nhà trường và cũng cần có sự tương tác, quan tâm từ bạn bè và đặc biệt hơn là phải tự bản thân mỗi học sinh cần có sự cố gắng vượt khó, luôn có tinh thần ham học hỏi .

  1. Kết quả khảo nghiệm, giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu

          Qua nghiên cứu và áp dụng  biện pháp điều chỉnh lỗi phát âm  cho học sinh lớp 1A Công nghệ học tôi nhận thấy số lượng học sinh trong lớp phát âm chuẩn tăng lên rõ rệt chiếm tỷ lệ cao so với đầu năm, học sinh học tập sôi nổi, hào hứng, tự tin khi phát âm , chú ý hơn trong việc phát âm và luyện sửa lỗi . Các em học tập hăng say, tham gia các hoạt động tích cực chủ động cả trong giờ luyện nói hay trong giờ viết chính tả các em viết đúng, tâm trạng các em phấn khởi hẳn lên. Nhờ vậy chất lượng học tập có chuyển biến rõ rệt. Kết quả thu được qua khảo nghiệm như sau:

  • KẾT QUẢ KHẢO SÁT
 

 

Nội dung

Trước khi thực hiện các biện pháp Sau khi thực hiện các biện pháp  

 

So sánh

Số học sinh Tỉ lệ Số học sinh Tỉ lệ
Nhầm lẫn L-N   6/26 23% 2/26 8% Giảm 15%
Nhầm lẫn CH-TR      4/26 15,4% 1/26 4% Giảm 11,4%
Nhầm lẫn S-X      7/26 27% 3/26 11,5% Giảm 15,5%
Nhầm lẫn thanh hỏi/ ngã 5/26 19% 2/26 8% Giảm 11%
Số HS phát âm đúng 4/26 15,4% 18/26 69% Tăng

53,6%

    Với kinh nghiệm này theo tôi không chỉ áp dụng cho học sinh lớp 1A mà tôi sẽ mạnh dạn áp dụng vào việc giảng dạy những năm tiếp theo và còn có thể áp dụng vào các khối lớp trên.

Học sinh vận dụng tốt được kĩ năng nói của mình  thì có khả năng làm chủ được tiếng nói và chữ viết của mình , các em sẽ giao tiếp một cách tự nhiên và tự tin trong cuộc sống.

.1/ Kêt luận

Phát âm chuẩn là một việc tương đối khó đối với  học sinh lớp 1 nói chung và đối với những học sinh phát âm chưa chuẩn nói riêng. Để học sinh phát âm chuẩn người giáo viên trước tiên phải là người hiểu học sinh hiểu về tâm lí học sinh nhất, người giáo viên như một người bạn đối với học sinh để học sinh sẵn sàng mở lòng với giáo viên. Vì vậy người giáo viên phải có sự học hỏi, tìm tòi sáng tạo , phải biết kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy.

Biết phối hợp giữa gia đình, cha mẹ học sinh, bạn bè làng xóm. Chính vì vậy hiệu quả trong việc điều chỉnh lỗi phát âm được nâng cao.

Bấm vào đây để tải file Word

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng