Một số biện pháp dạy từ láy cho học sinh lớp 3 khi làm bài văn viết

Một số biện pháp dạy từ láy cho học sinh lớp 3 khi làm bài văn viết .

PHẦN MỞ ĐẦU

  1. 1) Lý do chọn đề tài :

Vai trò của từ trong hệ thống ngôn ngữ quy định tầm quan trọng của việc dạy từ ngữ ở tiểu học. Không có một vốn từ  đầy đủ thì không thể nắm ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp. Việc học từ ở tiểu học sẽ tạo cho học sinh năng lực từ ngữ, giúp học sinh nắm tiếng mẹ đẻ, tạo điều kiện để học tập những cấp học tiếp theo và phát triển toàn diện. Vốn từ  của học sinh càng giàu bao nhiêu thì khả năng lựa chọn từ càng lớn, càng chính xác, sự trình bày tư tưởng, tình cảm càng rõ ràng, sâu sắc bấy nhiêu. Vì vậy số lượng từ, tính đa dạng, tính năng động của từ được xem là điều kiện quan trọng hàng đầu để phát triển ngôn ngữ. Cũng chính vì vậy, ở tiểu học, từ ngữ không chỉ được dạy trong tất cả các phân môn tiếng Việt mà nó còn được dạy trong tất cả các tiết học của các môn khác như Toán, Tự nhiên xã hội,…. Ở đâu có dạy nghĩa từ, dạy sử dụng từ, thì ở đó dạy từ ngữ.

Từ những mục đích giáo dục trên, việc dạy học phân môn “Luyện từ và câu” trong môn Tiếng Việt đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống ngôn ngữ. đây là sự kết hợp của hai phân môn riêng biệt đó là Từ ngữ, Ngữ pháp trong chương trình tiểu học trước đây. Nó phù hợp với yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới, thể hiện được quan điểm dạy học mới là gắn liền những kiến thức về lý thuyết ngôn ngữ với việc đưa chúng vào hiện thực sử dụng gắn lý thuyết với thực hành. Nội dung chương trình của phân môn luyện từ và câu ở tiểu học rất phong phú và đa dạng. Phân môn này có nhiệm vụ cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về tiếng Việt như từ loại, loại từ, cụm từ, câu, đoạn văn,… và cấu trúc của chúng nhằm giúp học sinh có hiểu biết về ý nghĩa tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt trong trình bày văn bản nói hoặc viết.

Dạy học từ láy ở tiểu học nói chung, ở lớp 3 nói riêng là một trong những nội dung quan trọng nhằm cung cấp cho học sinh có những hiểu biết cơ bản về các kiểu từ của tiếng Việt. Từ láy là một loại từ của từ phức, là sản phẩm của phương thức láy. Khi học từ láy, học sinh được tiếp thu thêm những kiến thức phong phú và đa dạng của tiếng Việt.

Để giúp các em học sinh hiểu sâu về từ láy và biết sử dụng một số từ láy để diễn đạt trong các bài tập làm văn, tôi đã lựa chọn đề tài : “Một số biện pháp dạy từ láy cho học sinh lớp 3 khi làm bài văn viết” để làm nội dung nghiên cứu sáng kiến kinh nghiệm.

I.2) Mục tiêu – nhiệm vụ của đề tài :

Dạy học từ láy ở lớp 3 nghĩa là dạy học sinh hiểu thế nào là từ láy, có mấy kiểu từ láy, sử dụng từ khi nào, mục đích của việc dùng từ láy trong văn bản. Những khái niệm này sẽ giúp học sinh nắm về từ láy một cách sâu sắc và biết sử dụng từ láy trong khi nói hoặc viết một cách có ý thức. Nhưng với mục tiêu của đề tài là dựa vào những kiến thức về từ láy các em đã học, tôi hướng dẫn các em biết sử dụng một số từ láy để viết bài văn viết được hay hơn.

Nhiệm vụ của đề tài : “Một số biện pháp dạy từ láy cho học sinh lớp 3 khi làm bài văn viết” là :

– Khảo sát thực tế việc sử dụng từ láy của học sinh lớp 3 tại trường tiểu học.

– Dựa trên những khảo sát, kết hợp với việc nghiên cứu lý luận, tiến hành xây dựng những biện pháp có tính khả thi giúp học sinh biết sử dụng một số từ láy để viết bài văn.

  1. 3) Đối tượng nghiên cứu :

– Đối tượng nghiên cứu của đề tài là tìm biểu về nội dung chương trình dạy từ láy ở lớp 3 trong sách giáo khoa hiện hành.

– Khảo sát thực tế học sinh lớp 3 trường tiểu học ………., sử dụng từ láy trong trình bày văn bản viết (tập làm văn).

  1. 4) Phạm vi nghiên cứu :

Với thời gian nghiên cứu còn hạn chế, kiến thức của bản thân chưa sâu nên đề tài chỉ nghiên cứu trong phạm vi trường tiểu học ……….,

4) Phương pháp nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu tài liệu: là một trong những phương pháp cơ bản của đề tài nhằm nghiên cứu các hướng dẫn, các lý luận của vấn đề nghiên cứu để xác định nội dung cần tiến hành.

Phương pháp khảo sát : Khảo sát thực tế từ các em học sinh lớp 3 trường tiểu học ………. về việc sử dụng từ láy

Phương pháp phân tích, tổng hợp :Sau khi có những cơ sở của nội dung đề tài từ khảo sát và lý luận. Tôi tiến hành phân tích, tổng hợp các yếu tố trong nội dung yêu cầu của đề tài và trình bày những đề xuất, kiến nghị phù hợp với nội dung nghiên cứu.

Ngoài ra tôi còn sử dụng thêm một số phương pháp khác để bổ sung cho quá trình nghiên cứu của đề tài.

 

PHẦN NỘI DUNG

1) CƠ SỞ LÝ LUẬN:

Ngôn ngữ viết trong tập làm văn tận dụng các hiểu biết về kỹ năng tiếng Việt do các phân môn khác rèn luyện hoặc cung cấp đồng thời góp phần hoàn thiện chúng. Để làm một bài văn viết, học sinh phải hoàn thiện bốn kỹ năng, nói, đọc, viết, phải vận dụng các kiến thức về tiếng việt. Trong quá trình vận dụng này, các kỹ năng và kiến thức đó được hoàn thiện và nâng cao dần. Phân môn tập làm văn rèn luyện các kỹ năng sản sinh văn bản (nói và viết). Nhờ vậy Tiếng việt không chỉ là một hệ thống cấu trúc được xem xét từng phần, từng mặt qua từng phân môn mà trở thành một công cụ sinh động trong quá trình giao tiếp, tư duy học tập. Nói cách khác. Phân môn tập làm văn đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu quan trọng bậc nhất của việc dạy và học tiếng việt trong đời sống sinh hoạt, trong quá trình lĩnh hội các tri thức khoa học… Sản phẩm của phân môn tập làm văn là các bài văn viết hoặc nói theo các kiểu bài do chương trình quy định. Để sản sinh được các bài văn này, học sinh phải có thêm nhiều kỹ năng khác ngoài kỹ năng lắng nghe, nói, đọc viết tiếng việt, kỹ năng dùng từ, đặt câu. Đó là các kỹ năng phân tích đề, tìm ý và lựa chọn ý, kỹ năng lập dàn ý, viết đoạn và liên kết đoạn…các kỹ năng này không được phân môn vào trong môn Tiếng việt rèn luyện và phát triển ngoài phân môn tập làm văn, cho nên có thể nói nhiệm vụ cơ bản và chủ yếu trong phân môn tập làm văn là giúp học sinh sau một quá trình luyện tập lâu dài và có ý thức, dần dần nắm được cách viết các bài văn theo nhiều phong cách khác nhau do chương trình quy định.

– Phân môn tập làm văn sử dụng toàn bộ các kỹ năng được hình thành và phát triển do nhiều phân môn khác của môn tiếng việt đảm nhiệm (kỹ năng viết chữ, kỹ năng viết chính tả, kỹ năng đọc, nghe, nói…). Khi sử dụng, phân môn tập làm văn cũng góp phần phát triển và hoàn thiện chúng.

– Phân môn tập làm văn còn sử dụng kiến thức và kỹ năng do nhiều môn học khác cung cấp (ví dụ các hiểu biết do môn tự nhiên và xã hội, do môn đạo đức, pháp luật, do môn hát, vẽ…cung cấp).

– Phân môn tập làm văn còn huy động toàn bộ vốn sống hoặc những mạnh vốn sống của học sinh có liên quan đến đề bài. Tả một cây đang ra hoa kết quả, tả một con mèo đánh bắt chuột hoặc một con gà đang kiếm mồi…học sinh đâu chỉ huy động vốn tri thức qua một bài học mà còn phải huy động tất cả những tình cảm, ấn tượng, cảm xúc, những ký ức còn lưu giữ được về các con vật hoặc cây cối đó. Chỉ như vậy bài văn mới trở nên sinh động và có hồn.

Việc viết bài văn có hồn theo yêu cầu nội dung như vậy, đòi hỏi học sinh phải hiểu được việc sử dụng ngôn ngữ viết, trong đó từ láy đóng vai trò quan trọng tỏng việc kể chuyện, viết thư các sự vật hiện tượng. Bài văn, kết quả học tập của phân môn tập làm văn, phản ánh trình độ sử dụng tiếng việt, trình độ tri thức và hiểu biết đời sống của học sinh. Vì thế không phải là không có lý do khi sản phẩm đó được sử dụng để đánh giá năng lực học tập môn tiếng Việt qua những kỳ thi. Khi làm bài văn học sinh thực hiện mọi hoạt động của giao tiếp. Mỗi bài văn là một sản phẩm không lặp lại được của từng học sinh trước đề bài. Do đó có thể nói trong việc học tập làm văn, học sinh được chủ động, tự do thể hiện cái tôi của mình một cách rõ ràng, bộc bạch cái riêng của mình một cách trọn vẹn. Dạy tập làm văn là dạy các em tập suy nghĩ riêng, tập sáng tạo, tập thể hiện trung thực con người mình.

2. THỰC TRẠNG CỦA VIỆC DẠY TỪ LÁY Ở LỚP 3:

  1. Thuận lợi – Khó khăn:

* Thuận lợi:

Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc viết Sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên. Do đó thường trao đổi hướng dẫn cho giáo viên nắm bắt thông tư, văn bản để viết đúng cấu trúc. Cung cấp nhiều loại tư liệu quan trọng, giúp cho giáo viên có thêm nhiều kiến thức cũng như nghiệp vụ để nghiên cứu và hoàn thành nội dung đã đặt ra từ đầu năm học.

* Khó Khăn:

Nội dung của đề tài nghiên cứu về một khía cạnh rất ít người đề câp đến, đặc biệt là rất ít văn bản, tư liệu chuyên sâu về từng đối tượng học sinh trong việc tìm hiểu từ láy và vận dụng từ láy vào trong các bài văn viết.

Đối tượng học sinh của lớp 3D không đồng đều về trình độ kiến thức dẫn đến việc phân loại và khảo nghiệm về từ láy rất khó khăn cho giáo viên. Bên cạnh đó thời gian chính khóa thường không đủ để giáo viên áp dụng nhiều về hướng dẫn học sinh vận dụng từ láy để viết các bài văn.

  1. Thành công – Hạn chế:

* Thành công

Việc giúp học sinh hiểu được nghĩa của các từ láy được sử dụng trong các đoạn văn sẽ giúp các em trình bày những bài văn viết có cảm xúc hơn, biết so sánh, ví von hơn. Giọng văn mạch lạc, súc tích và có hồn mỗi khi trình bày.

* Hạn chế :

Việc học sinh vận dụng từ láy không đúng cách sẽ làm bài văn trở nên xao lãng không có trọng tâm cũng như không làm nổi bật được nội dung cần thể hiện, nội dung thiên về lý thuyết mà không có sự mạch lạc và trôi chảy. Từ đó chất lượng của bài văn sẽ không cao và làm cho người đọc nhanh chán

3. GIẢI PHÁP, BIỆN PHÁP:

3.1. Mục tiêu của giải pháp:

Mục tiêu của giải pháp là giúp học sinh hiểu về tác dụng của một số từ láy trong văn bản và vận dụng những từ láy như vậy để trình bày một bài văn kể chuyện hoặc viết thư.

3.2. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp:

Bước 1: Giúp học sinh tìm hiểu một số từ láy được sử dụng trong các bài tập đọc để các em hiểu về tác dụng của các từ láy đó đối với đoạn văn hoặc đoạn thơ.

Ví dụ: khi học bài tập đọc “Ngày khai trường”, tôi đã nhấn mạnh từ “hớn hở” trong câu thơ:

“…Gặp bạn, cười hớn hở

Đứa tay bắt mặt mừng

Đứa ôm vai bá cổ

Cặp sách đùa trên lưng”.

Như vậy ở đoạn thơ trên tác giả đã sử dụng từ láy “hớn hở” để miêu tả thái độ rất vui mừng của bạn nhỏ khi gắp các bạn cùng đến lớp buổi khai trường.

Hoặc khi học bài tập đọc: “Những chiếc chuông reo”, tôi đã nhắc cho học sinh biết ở câu cuối bài tác giả đã sử dụng nhiều từ láy để nhấn mạnh ý nghĩa câu chuyện: “…Tết ấy, những tiếng chuông đất kêu lanh canh trên cây nêu làm sân nhà tôi ấm ápnáo nức hẳn lên.

Với những từ láy đã sử dụng trên, tác giả đã làm cho người đọc thấy được tiếng kêu của những quả chuông đất và qua đó đã làm cho tình người càng thêm ấm nồng những ngày vui đón tết.

Như vậy cứ sau mỗi bài học, tôi lại giúp các em hiểu hơn về những từ láy được được sử dụng trong các câu chuyện, bài thơ thông qua các tiết tập đọc để từ đó cac em tự xác định đúng những từ láy đã được học, tác dụng của nó đối với đoạn văn. Cứ như thế sau mỗi bài học các em lại tích lũy thêm một số vốn từ trong sự tiếp thu kiến thức của mình.

Bước 2: Tìm hiểu thêm các từ láy được sử dụng trong một số bài văn mẫu.

Sau những giờ học chính khóa, vào các tiết ra chơi, hoặc các buổi sinh hoạt ngoại khóa tôi thương cho các em dọc thêm một số bài văn mẫu để phân tích cach dùng từ đặt câu của những học sinh giỏi, qua đó giúp các em biết vận dụng một cách sáng tạo trong quá trình viết một bài văn.

Ví dụ: tôi cho các em đọc một bài văn mẫu kể về một người lao độc trí óc của một học sinh giỏi:

Chú là một họa sĩ, bạn thân của bố em. Hiện chú đang công tác ở trường Văn hóa nghiệp vụ của tỉnh. Chú vừa làm công tác quản lí và tham gia giảng dạy. Mỗi lần, sáng tác được bức họa nào, chú thường đưa cho bố em bình phẩm, góp ý. Hai người có vẻ tâm đầu ý hợp lắm. Đến nhà chú chơi, thấy những bức tranh chú vẽ hồi thời kì kháng chiến được lồng vào những cái khung nhỏ nhỏ xinh xinh treo trên tường, em rất thích. Nhiều khi thấy em chăm chú nhìn vào một bức tranh nào đó, thì chú lại đến bên cạnh, nói cho em biết thời điểm và hoàn cảnh vẽ bức tranh ấy. Bức thì vẽ rừng dừa bị bom Mĩ tàn phá, bức thì vẽ cảnh tàu địch bị bộ đội ta đánh cháy, đánh chìm trên sông Hàm Luông, bức thì vẽ cảnh sinh hoạt của đơn vị chú ở vùng giải phóng v.v… Chú là một người dễ mến, dễ gần và rất thương yêu trẻ con. Chú nói, bữa nào chú sẽ dạy cho em cách vẽ, cách tô màu, cách phóng tranh vì thấy em rất mê môn vẽ.

Như vậy qua bài văn mẫu trên, các em đã xác định được những từ láy của bạn học sinh giỏi đã sử dụng trong bài văn nhằm miêu tả vẻ đẹp của chiếc khung tranh làm tôn thêm vẻ đẹp cho cả bức tranh.

Qua những bài văn mẫu như thế, các em có dịp tham khảo cách dùng một số từ láy trong đoạn văn nhằm làm cho nội dung bài văn thêm phong phú và sống động hơn.

Bước 3: Giúp học sinh trực tiếp vận dụng những từ láy đã được nghe, được đọc để viết thành một bài văn.

Ví dụ: Tôi đã tiến hành ra một đề bài: “Em hãy viết một đoạn văn ngắn 5-7 câu kể về một người hàng xóm”.

Sau khi học sinh làm bài xong, tôi đã chấm bài và đưa một số bài văn để các em trao đổi nhận xét và rút ra kinh nghiệm cho mình.

Tôi đã đưa một bài văn của em Lương Văn Tuấn ra đọc trước lớp để cả lớp cùng thảo luận:

“Hễ nhắc đến chú Cường là ai ai cũng biết, bởi chú là thợ điện. chú có dáng người cao cao, da ngăm đen và nét mặt tươi tắn. nụ cười luôn ở trên môi. Nhà của chú Cường cạnh nhà em, chú là bạn của ba em nên mỗi buổi tối ba em và chú thường ngồi uống nước trò chuyện cùng nhau. Chu rất nhiệt tình, hễ nhà ai bị mất điện hoặc có trục trặc gì gọi chú đều đến giúp rất vui vẻ mà không lấy tiền. chú bảo chú làm điện nhà nước đã có lương nên về nhà thỉnh thoảng giúp mọi người một lát thôi. Em rất mến chú ấy”

Khi nghe xong bài văn trên, học sinh rất khâm phục cách kể chuyện của em Tuấn. Đây là một bài văn hay, biết kể lại nội dung theo thứ tự khá logic và đặc biệt em Tuấn đã biết sử dụng một số từ láy để miêu tả dáng người, nét mặt của chú Cường.

Từ bài văn trên của em Tuấn và một số bài văn khác mà tôi đã đưa ra đọc cho cả lớp cùng nghe và trao đổi nhằm giúp cho học sinh có thêm những kiến thức và vốn từ cần thiết để tiếp tục học tập cách viết văn kể chuyện.

II.4. Kết quả thu được qua khảo nghiệm, giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu:

Sau khi áp dụng những giải pháp đã nêu vào trong chương trình giảng dạy tôi thấy hiệu quả của đề tài rất rõ. Số lượng học sinh biết so sánh, phân tích sự vật và kết luận đúng mục tiêu bài học nhiều hơn trước.

Tôi đã ra một đề bài như sau:

Em hãy viết một đoạn văn ngắn từ 5-7 câu kể lại buổi đầu đi học của  mình.

Sau khi chấm bài xong, tôi đã thống kê kết quả như sau:

– Số em biết sử dụng một số từ láy trong quá trình viết văn của mình và kể chuyện logic, hấp dẫn người đọc: 8 em.

– Số em chưa biết sử dụng một số từ láy nhưng trình bày mạch lạc hơn và kể chuyện khá cụ thể: 14 em.

– Số em kể chuyện chưa thật hay: 6em

Như vậy so với kết quả trước khi khảo nghiệm thì cố học sinh viết văn hay, mạch lạc có tăng lên 4 em và số em biết kể đúng đề bài, đúng câu, đúng cách kể cũng tăng lên 6 em. Như vậy so sánh giữa quá trình trước và sau khảo nghiệm thì kết quả có tăng lên đáng kể. Tuy chưa phải là kế qua thật tốt nhưng tôi nghĩ đây cũng là một bước đi đúng hướng và có tinh khả thi nên tôi quyết định áp dụng từng bước vào trong các tiết học chính khóa cũng như ngoài giờ.

Sau học kì I, với những nỗ lực nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng vào thực tế ở các tiết học của môn Tập làm văn ở lớp 3, tôi thấy rằng chất lượng của tiết học đã thay đổi hẳn :

– Số lượng học sinh viết văn tốt hơn trước.

– Tinh thần học tập tăng lên rõ rệt, các em sôi nổi mỗi khi thảo luận và đưa ra nhận xét vài viết của bạn.

Kết quả khảo sát học kỳ I:

KẾT LUẬN

1) Kết luận của đề tài :

Qua kết quả khảo sát từ thực tế việc dạy và học từ láy ở lớp 3, trường tiểu học ………. và quá trình tự tìm tòi nghiên cứu tài liệu về việc sử dụng từ láy trong các bài học của môn tiếng Việt, tôi nhận thấy rằng việc dạy từ láy cho học sinh lớp 3 nói riêng, học sinh tiểu học nói chung là một công việc không hề đơn giản bởi vốn từ ngữ của của đất nước ta vô cùng phong phú, nghĩa của từ cũng đa dạng rất phức tạp. Bên cạnh đó, đối tượng học sinh tiểu học còn ngây thơ, vốn từ các em còn nghèo nàn, sự tiếp thu về kiến thức từ vựng, ngữ pháp còn có nhiều bất cập. Mặt khác đối với giáo viên tiểu học, vốn từ ngữ cũng còn hạn chế chủ yếu là dựa vào vốn từ trong sách giáo khoa. Đồng thời các phương pháp dạy học theo hình thức đổi mới dưới dạng lấy học sinh làm trung tâm thì giáo viên và học sinh cũng còn bỡ ngỡ. Đó chính là những nguyên nhân chính dẫn đến việc dạy và học từ láy ở lớp 3 trong trường tiểu học cho học sinh còn nhiều vấn đề cần phải xem xét một cách cụ thể hơn.

Mặt khác đối tượng học sinh lớp 3 còn quá nhỏ, trong khi đó số lượng từ láy được đưa vào sách giáo khoa là tương đối nhiều. Số lượng từ láy trong sách giáo khoa được giải nghĩa còn quá ít, trong khi đó giáo viên đa số dạy thường chỉ bám sát sách thiết kế bài dạy đồng thời một số từ láy được giải nghĩa trong sách giáo khoa chưa sát với thực tế của học sinh dẫn đến nhiều khi sử dụng từ láy của các em còn thiếu chính xác do các em hiểu nghĩa về từ .

Từ đó chúng tôi mạnh dạn đề cập đến những biện pháp thực hiện có tính khả thi và nêu lên trong đề tài. Tuy nhiên đó chỉ là những ý kiến đóng góp qua học tập nghiên cứu kết hợp với kinh nghiệm giảng dạy của bản thân sau một thời gian công tác trong trường tiểu học. Việc tổ chức dạy học bằng phương pháp nào cho đạt hiệu quả cao không phải là chuyện đơn giản chỉ nói qua lý thuyết mà cần phải có thời gian cũng như kinh nghiệm giảng dạy cộng với sự tìm tòi học hỏi không ngừng của người giáo viên thì hiệu quả của tiết dạy mới được nâng cao, chất lượng giáo dục mới đáp ứng được mục tiêu  của ngành giáo dục. Giáo viên không phải là người là hoàn hảo, nhưng cũng đóng một vai trò chủ đạo trong việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Chính vì thế người giáo viên phải biết tìm tòi học hỏi không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nhịp độ phát triển của thời đại

Đề xuất kiến nghị :

1) Đối với nhà trường :

 – Cần tổ chức thêm những buổi tập huấn về việc nâng cao chất lượng dạy – học môn tiếng Việt để giáo viên kịp thời bổ sung những phương pháp và biện pháp tổ chức dạy học mới nâng cao hiệu quả của tiết dạy.

– Tăng cường công tác kiểm tra chuyên môn để nắm bắt thực tế giảng dạy của giáo viên nhằm bổ sung, giúp đỡ cho giáo viên khắc phục những thiếu sót trong quá trình giảng dạy.

– Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia các lớp học chuyên đề, bồi dưỡng.v.v… để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cũng như nắm bắt đầy đủ các phương pháp , các hình thức tổ chức dạy học mới đáp ứng yêu cầu của nền giáo dục nước nhà trong giai đoạn hiện nay

2) Đối với giáo viên :

– Cần tích cực tham gia tập huấn nhiều về những hình thức cũng như phương pháp dạy học để củng cố trình độ nghiệp vụ của bản thân.

– Cần tăng cường tìm hiểu nhiều hơn về các hệ thống từ loại, loại từ của tiếng Việt ở các sách tham khảo, tài liệu để làm vốn ngôn ngữ cho mình.

– Quan tâm nhiều hơn đến học sinh trong lớp mình trực tiếp giảng dạy, thường xuyên theo dõi chất lượng học tập của các em, nhằm tìm ra những sai sót để có biện pháp uốn nắn kịp thời giúp cho các em có kiến thức cũng như tinh thần để học tốt môn khác.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Hữu Tỉnh (số 1/1994) Hệ thống mở của từ vựng với việc dạy từ ở tiểu học. Tạp chí NCGD
  2. Nhiều tác giả (2011). Sách giáo viên, sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 3 Nhà xuất bản giáo dục.
  3. TS Lê Phương Nga (số 8/1994) – Tìm hiểu vốn từ của học sinh tiểu học. Tạp chí NCGD
  4. TS Lê Phương Nga (số 1/1998) – Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng từ ngữ cho học sinh tiểu học: Các dạng bài tập và những vấn đề cần lưu ý.

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ TẢI FILE WORD

 

 

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng