Một số biện pháp tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc

*  Tạo không khí  tiết học sôi nổi, nhẹ nhàng, hấp dẫn

 Học sinh là người dân tộc thiểu số vốn dĩ rất nhút nhát, ngại giao tiếp với bạn bè người Kinh và thầy cô giáo. Nhiều em khi thầy cô gọi đứng dậy trả lời chỉ đứng và im lặng vì hoặc là không hiểu được câu hỏi hoặc là không tự tin với những câu trả lời bằng tiếng phổ thông của mình do vốn tiếng Việt của các em còn hạn chế. Trong khi chương trình sách giáo khoa quá tải, chưa thật sự phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số; giáo viên thì ôm đồm, “tham”, chạy đua với thời gian, tìm mọi cách để làm sao truyền đạt, chuyển tải hết những kiến thức trong sách giáo khoa trong thời gian của 1 tiết học. Do đó tiết học thường rơi vào tình trạng hối hả nhưng trầm lặng, nặng nề, khô khan và thường diễn ra theo hướng một chiều. Vì vậy, muốn tiết dạy đạt hiệu quả cần tạo ra một không khí thật nhẹ nhàng, hấp dẫn. Đây là giải pháp đặc trưng trong quá trình giảng dạy đối với học sinh dân tộc thiểu số ở tất cả các Bậc học đặc biệt là bậc Mầm non.

Hiểu được tâm lý của học sinh dân tộc thiểu số, trường tiểu mẫu giáo Hoa Tang Bi đã có những chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh và nhiều giáo viên ở trường  mẫu giáo Hoa Tang Bi đã áp dụng những phương pháp phù hợp tùy theo các môn học nhưng đều chú trọng đến những yếu tố vừa truyền đạt kiến thức của bài học đồng thời tăng cường tiếng Việt bằng những trò chơi ở tất cả các môn học (chủ yếu là các trò chơi về ngôn ngữ, trò chơi trí tuệ sử dụng ngôn ngữ) như:  Đọc thơ luyện phát âm cho trẻ…

* Tạo điều kiện bồi dưỡng cho giáo viên học tiếng Êđê

Cán bô, giáo viên, nhân viên trong nhà trường có rất nhiều thuận lợi để học tiếng Êđê để phục vụ cho việc giao tiếp với trẻ, vì ở trường chiếm 50% là giáo viên người Êđê, tiếp xúc và trao đổi những câu từ đơn giản và thông dụng nhất, nhà trường cũng tạo điều kiện và khuyên khích chị em đi học lớp học tiếng Êđê và tìm hiểu thêm về bản sắc và phong tục tập quán của người Êđê.

* Kết hợp với hội cha mẹ học sinh là người Êđê

Nhà trường và Ban chấp hành hội phụ huynh cùng nhau kết hợp để tham gia tổ chức các phong trào của nhà trường cũng như của ngành đưa ra. Tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các khối lớp với nhau, tổ chức các ngày lễ hội như ngày 8/3, Gia đình dinh dưỡng trẻ thơ…để có dịp giao tiếp giữa cô trò và cả phụ huynh gần gũi thân mật, tự tin hơn.

 * Kết hợp với Ban tự quản thôn, Buôn, tổ dân phố

Ban giám hiệu nhà trường cùng kết hợp với Ban tự quản, thôn, Buôn, tổ dân phố tổ chức họp dân trong Buôn để tuyên truyền rộng rãi các mặt hoạt động tổ chức của nhà trường và có ích cho nhân dân, như đưa con em đi học đầy đủ khi đến tuổi đi học, để trẻ nhanh tiếp xúc và giao tiếp với bạn bè ở trường bằng tiếng phổ thông, trẻ được học, được chơi sạch sẽ. Tham gia đầy đủ các phong trào của trường tổ chức cũng như của thôn, Buôn tổ chức.

Thời gian hè đề nghị đoàn thanh niên của Buôn phải tổ chức những trò chơi có ích cho trẻ, được giao lưu học hỏi từ bạn bè, giao tiếp với bạn bè bằng tiếng phổ thông. Tạo sự mạnh dạn cho trẻ khi đi học tốt hơn, trẻ sẽ không bị nhút nhát hoặc kì thị phân biệt  ngôn ngữ của tiếng mẹ đẻ.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng