Một số phương pháp phát huy hứng thú của học sinh trong học Lịch sử ở THCS

  1. Phương pháp chuẩn bị của giáo viên và học sinh cho mỗi tiết học:

– Sự chuẩn bị của học sinh:

   Việc chuấn bị bài là quan trọng và cần thiết, giúp học sinh hệ thống lại kiến thức cũ, nắm được các ý chính của bài mới trước khi học do đó khi lên lớp các em sẽ chủ động tiếp thu kiến thức và tham gia vào bài học tích cực, tự giác như mình cùng trao đổi với thầy cô chứ không thụ động ngồi tiếp thu kiến thức một chiều nên dể nắm được kiến thức cơ bản của bài học, nhớ lâu, nhớ kĩ nội dung hơn và thích thú học bộ môn lịch sử hơn… Giáo viên cần hướng dẫn học sinh thực hiện như sau:

+ Ôn lại kiến thức đã học: học sinh xem vở ghi chép để ôn thật kĩ lại những kiến thức đã học một cách có hệ thống, phần nào, ý nào chưa hiểu hoặc hiểu chưa rõ học sinh có thể xem lại sách giáo khoa, các sách tham khảo hoặc hỏi bạn bè, thầy cô giải đáp.

+ Làm bài tập: Sau khi đã nắm vững kiến thức đã học các em đem sách giáo khoa và sách bài tập ra làm, cách làm bài tập như sau: các em đọc câu hỏi và tự trả lời các câu hỏi ở mức độ nhớ và hiểu, không cần ghi ra vở bài tập. Học sinh chỉ làm ra vở các bài tập mà giáo viên giao (bài tập vận dụng) có dạng câu hỏi như: Giải thích vì sao…? Tại sao nói…? Lập bảng thống kê…

+ Chuẩn bị bài mới: Học sinh lật sách giáo khoa ra đến bài cần chuẩn bị: trước khi đọc bài các em đọc đề bài và các đề mục rồi tự đoán xem bài này nói về nội dung gì? Sau đó đọc kĩ nội dung bài trong sách giáo khoa, tìm ý quan trọng, từ chủ chốt trong bài, rồi tóm tắt các ý chính của từng mục, của bài, sau đó tự đặt ra các câu hỏi có liên quan đến nội dung bài và tìm câu trả lời cho các câu hỏi đó (các em có thể học theo nhóm: cùng đọc bài rồi tự đặt ra các câu hỏi, sau đó lần lượt trả lời các câu hỏi theo phương pháp Đọc hợp tác). Hoặc các em trả lời các câu hỏi có trong sách giáo khoa không cần ghi ra vở, chỉ ghi ra vở trả lời câu hỏi mà giáo viên yêu cầu. Câu nào chưa trả lời được hoặc trả lời được rồi nhưng thấy hay, muốn chia sẻ với các bạn, thầy cô trong lớp, các em có thể ghi lại để đến lớp nêu ra chia sẻ cùng thầy cô, bạn bè, cùng hiểu rõ hơn về vấn đề các em quan tâm… Kế đến các em sưu tầm tranh ảnh, tài liệu liên quan đến bài học do giáo viên yêu cầu hoặc do các em tự thắc mắc và muốn tìm câu giải đáp…

– Sự chuẩn bị của giáo viên:

    Để có một tiết dạy thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó cần thiết phải có sự chuẩn bị rất kĩ của giáo viên, cụ thể như sau:

+ Giáo viên phải xác định mục tiêu bài học, phù hợp với Chuẩn kiến thức, kỹ năng về kiến thức, về kĩ năng và về tư tưởng tình cảm.

+ Giáo viên phải xác định được các phương pháp dạy học phù hợp với đặc trưng của bộ môn, phù hợp với nội dung bài sao cho việc truyền thụ kiến thức đến học sinh dể dàng nhất, cần chú ý sử dụng các phương pháp dạy học tích cực như: hỏi- đáp, thảo luận nhóm, đóng vai, tổ chức trò chơi… nhằm phát huy tính chủ động, tự giác học tập của học sinh để giờ học thật sự sinh động, hấp dẫn, vui vẻ, thỏa mái, lôi cuốn học sinh tích cực học tập.

+ Giáo viên xác định được các tài liệu, đồ dùng, tranh ảnh, sơ đồ, lược đồ, các câu thơ, các bài hát, các nhân vật lịch sử hay các câu nói của các danh nhân… có liên quan đến bài đồng thời sưu tầm, tìm kiếm hay tự làm đầy đủ để phục vụ cho giờ học sinh động nhất. Những phương tiện dạy học này giáo viên phải chuẩn bị trước khi diễn ra giờ học và cần xác định xem nên sử dụng tài liệu nào, đồ dùng nào vào nội dung nào cho phù hợp nhằm đạt hiệu quả sử dụng cao nhất…

+ Giáo viên tiến hành thiết kế bài dạy: việc thiết kế một bài dạy, một tiết dạy là việc làm thường xuyên của mỗi giáo viên, trong quá trình thiết kế giáo án, giáo viên thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình của một tiết soạn giáo án. Tuy nhiên, cần chú ý một số điểm như sau:

Một là: Bám sát Chuẩn kiến thức kĩ năng để thiết kế bài giảng đạt được mục tiêu bài dạy, dạy học không lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa, việc khai thác sâu kiến thức, kĩ năng phải phù hợp với khả năng của học sinh.

Hai là: Giáo viên cần xác định được kiến thức trọng tâm, cơ bản của bài, kiến thức truyền đạt phải đảm bảo tính chính xác, khoa học.

Ba là: Thiết kế các hoạt động học tập, các dạng câu hỏi, bài tập nhằm phát triển tư duy, rèn luyện kĩ năng cho học sinh với các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với bài học, với đối tượng học sinh và với điều kiện của trường, lớp…

Bốn là: Thiết kế rõ ràng mục tiêu cần đạt được của từng phần, từng mục; nhiệm vụ cụ thể của học sinh, của giáo viên và thời lượng của từng phần khoảng bao nhiêu phút, tránh sa đà, mất nhiều thời gian cho mục này còn mục khác do hết thời gian nên chỉ dạy qua loa…

Năm là: Sử dụng các phương pháp, phương tiện, tài liệu, thiết bị… có chọn lọc một cách hợp lí, linh hoạt, phù hợp với nội dung, tính chất, thời lượng của bài học…

  1. Phương pháp sử dụng tư liệu lịch sử:

– Tư liệu về các nhân vật lịch sử:

  Việc dạy và học lịch sử trong trường phổ thông hiện nay, học sinh dùng sách giáo khoa là phương tiện chủ yếu để học tập, tuy nhiên sách giáo khoa lịch sử hiện nay rất ít đề cập đến các nhân vật lịch sử có liên quan đến các sự kiện hoặc đôi lúc có đề cập đến nhưng rất sơ sài do đó đa số học sinh ít biết đến các anh hùng dân tộc hoặc nhầm lẫn nhân vật này với sự kiện khác vì thế giáo viên cần yêu cầu học sinh sưu tầm, tìm hiểu về các nhân vật lịch sử hoặc giáo viên cung cấp thêm thông tin để các em hiểu được các nhân vật đó xuất thân như thế nào? Có tài năng gì? Có những cống hiến gì cho đất nước… điều đó sẽ khắc sâu trong tâm trí các em sự ngưỡng mộ, lòng kính phục, biết ơn các nhân vật lịch sử tiêu biểu. Qua đó giáo dục tình cảm, đạo đức cho các em, làm cho giờ học sống động hơn, gây được cảm xúc cho học sinh, học sinh hứng thú học tập hơn, tự hào được là con cháu của một dân tộc anh hùng và cố gắng kế thừa, phát huy các truyền thống tốt đẹp của đất nước.

   Ví dụ: Khi dạy bài 14 Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông- Nguyên (thế kỉ XIII), giáo viên cho học sinh tìm hiểu về Trần Hưng Đạo:

   Trần Hưng Đạo (1231? – 1300), tên thật là Trần Quốc Tuấn. Hiệu là Hưng Đạo Vương là một danh tướng kiệt xuất của dân tộc ta thời Trần. Quê quán: làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). Ông có dung mạo khôi ngô, tài trí cả văn lẫn võ, lại là tôn thất nhà Trần, do đó trong cả ba lần quân Nguyên- Mông tấn công Đại Việt, Ông đều được vua Trần cử làm tướng ra trận. Đặc biệt ở kháng chiến chống Nguyên- Mông lần thứ hai và ba, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc Công Tiết Chế, thống lĩnh quân đội cả nước. Dưới tài lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt đã lập nên nhiều chiến công vang dội ở Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng, Vạn Kiếp đuổi quân Nguyên- Mông ra khỏi đất nước.

   Trần Hưng Đạo là nhà văn hóa lớn, Ông có cống hiến trên nhiều lĩnh vực: Ông là nhà chiến lược, nhà chỉ huy xuất sắc, Ông có công khai sinh ra nền khoa học quân sự nước ta, là tác giả của các bộ binh thư nổi tiếng: Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư. Ông còn là tác giả của Hịch tướng sĩ…

    Một số câu nói nổi tiếng của Trần Hưng Đạo:

– Bệ hạ muốn hàng xin trước hãy chém đầu thần đi đã.

– Khoan thư sức dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước.

   Trần Hưng Đạo mất ngày 20 tháng 8 năm Canh tý (1300). Sau khi Ông mất, triều đình phong tặng là Thái sư Thượng Phụ Quốc công Nhân vũ Hưng Đạo Vương. Nhân dân vô cùng thương tiếc người anh hùng dân tộc đã lập đền thờ Ông trên nền Vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc. Người dân Đại Việt kính trọng vinh danh Ông là Đức thánh Trần…

– Tư liệu về các địa danh lịch sử:

   Trong các bài giảng lịch sử, khi nói đến một sự kiện lịch sử nào đó thì không thể không gắn với địa điểm – nơi xảy ra các sự kiện lịch sử trước đây – Di tích lịch sử. Tuy nhiên do nhiều sự kiện đã diễn ra lâu lắm rồi nên di tích không còn nguyên vẹn nữa hoặc do các di tích ở xa địa phương học sinh ở, các em khó có thể hình dung được nên giáo viên cần giới thiệu, mô tả lại cho học sinh hiểu quan cảnh nơi diễn ra các sự kiện lịch sử để các em  đang học mà như đang chứng kiến sự kiện lịch sử đã diễn ra, cảnh tượng hào hùng, bi tráng được hiện về trong kí ức các em, giúp giờ học có hồn, học sinh hứng thú theo dõi bài học, từ đó giáo dục học sinh lòng yêu nước, yêu Chủ nghĩa xã hội, cố gắng học tập để sau này góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

   Ví dụ: Khi dạy về Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 (Bài 27, sử 6), giáo viên kết hợp mô tả vị trí diễn ra trận đánh: Sông Bạch Đằng có tên Nôm là sông Rừng vì hai bên bờ sông toàn là rừng rậm nên rất thuận lợi cho việc dấu quân mai phục. Sông có hải lưu thấp, độ đốc không cao do đó thủy triều lên – xuống chênh lệch nhau lớn. Khi thủy triều lên lòng sông rộng mênh mông đến hàng nghìn mét, sâu hơn chục mét. Dựa vào địa thế hiểm yếu của sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã xây dựng trận địa cọc ngầm, bố trí hai đạo quân bộ mai phục hai bên bờ. Từ cửa sông ngược lên phía trên có đạo thủy quân mạnh mai phục  do Ngô Quyền trực tiếp chỉ huy. Khi nước triều từ từ dâng lên cũng là lúc quân Nam Hán kéo vào vùng biển nước ta, Ngô Quyền cho một đội binh thuyền nhẹ ra đánh nhử quân Nam Hán vào trận địa phục kích có bãi cọc, sau đó vờ thua, giặc đuổi theo vượt qua bãi cọc ngầm mà không biết. Khi nước triều bắt đầu rút, Ngô Quyền chỉ huy đại quân ta từ ba phía đổ ra đánh. Quân Nam Hán rối loạn tháo chạy ra biển, thuyền giặc to, cồng kềnh, nặng nề phải chèn nhau xít lại theo luồng nước chảy xiết, các hàng cọc như những mũi chông khổng lồ ngăn cản chúng, nhiều chiếc lao vào cọc vỡ tan tành. Đạo quân thủy của Ngô Quyền gồm những chiếc thuyền nhỏ, nhẹ nhàng luồn lách xông ra tấn công vào đội hình giặc ở giữa sông, tất cả các đạo quân thủy bộ của ta xông ra tiêu diệt địch. Quân Nam Hán không còn lối thoát, phía trước bị chặn bởi hàng cọc, phía sau bị quân ta tấn công mạnh. Chỉ trong một thời gian giao chiến ngắn cả đoàn thuyền giặc vỡ tan tành. Quân địch phần bị giết, phần chết đuối, thiệt hại đến quá nửa. Lưu Hoằng Tháo cũng bị thiệt mạng trong đám loạn quân… Trận Bạch Đằng kết thúc hoàn toàn thắng lợi.

– Một số tư liệu khác:

   Giáo viên có thể sử dụng nhiều loại tư liệu lịch sử để dạy học như: các Văn kiện, các Hiệp ước, Tuyên ngôn, tài liệu trích trong các tác phẩm của C.Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Hồ Chí Minh… để làm phong phú các sự kiện lịch sử đang học; để phân tích, chứng minh cho học sinh hiểu một sự kiện lịch sử, một quá trình lịch sử… Tuy nhiên cần trích dẫn, sử dụng cho phù hợp với nội dung và mục tiêu của bài; tránh quá tải, ôm đồm; Cần động viên, khích lệ học sinh tích cực trong việc sưu tầm và sử dụng tư liệu để gây hứng thú và nâng cao hiệu quả học tập.

  1. Phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan:

   Khác với các bộ môn khoa học tự nhiên, có thể tính toán bằng các số thực, làm các thí nghiệm trực tiếp… môn khoa học lịch sử tìm hiểu những gì đã xảy ra trong quá khứ nên học sinh không thể trực tiếp quan sát các sự kiện lịch sử đó đã diễn ra hay đang diễn ra. Vì vậy sử dụng giáo cụ trực quan trong dạy học lịch sử sẽ góp phần tạo nên biểu tượng lịch sử cho học sinh, giúp giờ học sinh động hơn, gây hứng thú học tập cho học sinh. (học sinh rất thích được quan sát các đồ dùng trực quan, có em không chỉ quan sát mà còn xin cô cho em sờ các hiện vật phục chế trong bộ đồ dùng phục chế- lịch sử lớp 6). Qua các đồ dùng trực quan học sinh dể hình dung ra cái “Ngày xưa xa”, “Ngày xưa gần” như thế nào? Tránh “hiện đại hóa” lịch sử. Có nhiều loại đồ dùng trực quan trong dạy học lịch sử như:

– Đồ dùng trực quan tạo hình: tranh ảnh, phim nhựa, đĩa CD, video, đồ dùng phục chế… giúp học sinh phát triển khả năng quan sát, óc tưởng tượng, có xúc cảm mạnh mẽ đối với nội dung đang học.

    Ví dụ: Khi dạy về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 (Bài 27, sử 9), giáo viên cho học sinh xem phim tư liệu, hoặc quan sát một số tranh ảnh học sinh sẽ thấy được sự tài trí của người chỉ huy Võ Nguyên Giáp, sự đoàn kết đồng lòng của quân và dân ta trong kháng chiến, tinh thần dũng cảm chiến đấu, sự gian khổ, mất mát, hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh chúng ta mới đem lại chiến thắng vẻ vang, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Các em có thể tự hào về quá khứ của dân tộc, càng yêu hơn giang sơn gấm vóc của mình, căm ghét chiến tranh, yêu hòa bình và có ý thức giữ gìn hòa bình, an ninh đất nước…

– Đồ dùng trực quan quy ước: lược đồ, sơ đồ, đồ thị, niên biểu. Trong đó, lược đồ giúp học sinh xác định địa điểm các sự kiện trong thời gian không gian nhất định, giúp các em hiểu rõ các sự kiện, hiện tượng lịch sử; Niên biểu hệ thống lại các sự kiện quan trọng theo trình tự thời gian; Sơ đồ, đồ thị hệ thống lại kiến thức cơ bản, nêu mối quan hệ giữa các sự kiện…   

Ví dụ: Khi dạy về Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 (bài 14, sử 7):

– Giáo viên trình bày: Biết giặc sẽ rút về nước theo 2 đường thủy, bộ: quân bộ theo đường Lạng Sơn, quân thủy theo đường Sông Bạch Đằng. Vậy Trần Hưng Đạo có kế hoạch gì?

– Học sinh dựa vào sách giáo khoa trả lời: Nhận thấy thời cơ tiêu diệt quân Nguyên, giải phóng đất nước đã tới vua Trần và Trần Quốc Tuấn đã quyết định mở cuộc phản công và bố trí trận địa mai phục ở sông Bạch Đằng.

– Giáo viên hỏi: Vì sao Trần Hưng Đạo đã chọn và mai phục ở sông Bạch Đằng?

– Học sinh trả lời: Sông Bạch Đằng có địa thế hiểm trở; Mực nước lên xuống cao rõ rệt; Tại đây, Ngô Quyền đã lãnh đạo quân dân ta chiến thắng quân Nam Hán năm 938.

– Giáo viên dựa vào lược đồ giới thiệu về sông Bạch Đằng, địa điểm bố trí trận địa phục kích, vị trí bãi cọc, trên bãi cọc có phủ cỏ để ngụy trang… và tường thuật diễn biến trận đánh trên sông Bạch Đằng hoặc yêu cầu học sinh khá- giỏi (có chuẩn bị trước) dựa vào lược đồ trình bày diễn biến trận Bạch Đằng tháng 4. 1288.

– Học sinh nêu kết quả và ý nghĩa của chiến thắng Bạch Đằng? (Kết quả: cuộc kháng chiến lần thứ ba chống quân Nguyên kết thúc thắng lợi vẻ vang; Ý nghĩa: chiến thắng Bạch Đằng là dấu son tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ ba, tô thêm truyền thống đấu tranh mưu trí dũng cảm trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.)

   Như vậy, giáo viên có thể sử dụng các đồ dùng trực quan hiện có trong sách giáo khoa, trong thư viện của nhà trường hoặc các loại đồ dùng do giáo viên và học sinh tự làm, tự sưu tầm được, kết hợp với lời giảng sinh động của giáo viên để giờ học hấp dẫn hơn, học sinh lĩnh hội kiến thức tốt hơn đồng thời rèn luyện các kĩ năng, kĩ xảo cho học sinh, giúp học sinh nâng cao trình độ tư duy, khả năng thực hành, tránh “dạy chay”, “học vẹt”, biết sự kiện mà không hiểu lịch sử.

  1. Phương pháp tích hợp các kiến thức liên môn trong dạy học lịch sử:

   Dạy học liên môn có vai trò quan trọng trong dạy học, kiến thức các môn học bổ sung cho nhau, giúp học sinh hứng thú, say mê học tập, góp phần nâng cao hiệu quả bài học. Sử dụng kiến thức liên môn vào trong giờ học lịch sử đòi hỏi người giáo viên phải có sự hiểu biết rộng về các lĩnh vực có liên quan đến bài học, học sinh phải tích cực sưu tầm các nguồn tài liệu có liên quan đến kiến thức lịch sử để bổ sung thêm nguồn kiến thức liên môn, đồng thời rèn luyện kĩ năng thực hành cho học sinh.

   Vận dụng phương pháp tích hợp các kiến thức liên môn trong quá trình dạy học lịch sử ở trường THCS giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các sự kiện đang học. Giáo viên có thể vận dụng kiến thức của nhiều môn như: văn học, địa lý, giáo dục công dân, âm nhạc và các môn khoa học tự nhiên nếu có liên quan và phù hợp với nội dung bài dạy.

   Ví dụ: Khi dạy bài 27 (sử 9) mục II.3. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, giáo viên có thể tích hợp với kiến thức môn địa lý, văn học, âm nhạc để dạy như:

+ Giáo viên kết hợp kiến thức địa lý để giới thiệu cho học sinh ví trí địa lý, địa hình, đặc điểm của vùng Tây Bắc nước ta, mô tả cho học sinh biết vị trí chiến lược quan trọng của tập đoàn cử điểm Điện Biên Phủ: Pháp- Mĩ xây dựng mạnh nhất Đông Dương, chúng cho rằng đây là “Pháo đài bất khả xâm phạm”…

+ Sau khi trình bày diễn biến, giáo viên tích hợp kiến thức văn học: yêu cầu học sinh nhắc lại bài thơ “Một chiều hè lịch sử” đã học thuộc lòng ở tiểu học, qua bài thơ học sinh sẽ nhớ sâu hơn thời gian, sự kiện chiến thắng vang dội của dân tộc ta ở Điện Biên Phủ, bài thơ như sau:

               “Một chiều hè lịch sử

                 Bố kể chuyện Điện Biên

                 Bộ đội mình chiến thắng

                 Lũ Tây bị bắt sống

                 Ta giải đi từng đàn

                 Tướng Đờ- cát xin hàng

        Bốn đồn đều sang phẳng

        Cờ quyết chiến quyết thắng

        Tung bay trên nóc hầm

        Chiều mồng bảy tháng năm

        Một chiều hè lịch sử”.  

 + Khi dạy đến đoạn kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, giáo viên cho học sinh nghe bài hát: Giải phóng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận để học sinh hòa vào niềm vui chung của dân tộc, cảm nhận được niềm vui sướng, niềm tự hào của nhân dân ta khi chào đón bộ đội chiến thắng trở về “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui…”

   Tương tự như vậy giáo viên có thể vận dụng các kiến thức liên môn để dạy rất nhiều bài học lịch sử để giúp học sinh hiểu sâu hơn các sự kiện đang học, qua đó giáo dục tình cảm, đạo đức cho học sinh, giúp học sinh hứng thú hơn, học tập tích cực hơn như:

– Khi dạy bài 24 (sử 8), mục 1. Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, giáo viên sử dụng bài thơ Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu để khắc họa bức tranh loạn lạc của nhân dân ta do chiến tranh và sự hèn nhác của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn lúc đó…

– Khi dạy bài 2 (sử 6): Cách tính thời gian trong lịch sử giáo viên và học sinh sưu tầm, tìm hiểu về kiến thức địa lý để giải thích các hiện tượng tự nhiên, sự mọc, lặn, di chuyển của Mặt Trời, Mặt Trăng và làm ra lịch của người xưa. Đồng thời sử dụng kiến thức toán học để tính khoảng cách thời gian (theo thế kỉ và theo năm) của các sự kiện lịch sử đã xảy ra trước đây so với năm nay…

  1. Phương pháp sử dụng Bản đồ tư duy trong dạy học lịch sử:

    Bản đồ tư duy là hình thức ghi chép theo mạch tư duy của mỗi người nhằn tìm tòi, đào sâu, mở rộng một ý tưởng, tóm tắt những ý chính của một nội dung, hệ thống hóa một chủ đề… bằng cách kết hợp nét vẽ, màu sắc, hình ảnh, chữ viết. Bản đồ tư duy là “sơ đồ mở” nên mỗi người có thể vẽ một kiểu khác nhau, có thể sử dụng hình ảnh, màu sắc, từ ngữ khác nhau, có thể thêm hoặc bớt các nhánh theo cách riêng của mỗi người nên việc sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học lịch sử sẽ phát huy được tối đa khả năng sáng tạo của học sinh, giúp học sinh ghi nhớ kiến thức một cách khoa học.

    Giáo viên có thể vận dụng bản đồ tư duy vào hỗ trợ dạy học bài mở đầu (giới thiệu cả chương trình lịch sử sẽ học); có thể vận dụng bản đồ tư duy vào dạy kiến thức mới (từng bài, từng mục); dùng trong tiết ôn tập (Hệ thống kiến thức cả chương); Hoặc có thể sử dụng bản đồ tư duy để củng cố, hệ thống hóa kiến thức, kiểm tra kiến thức cũ… Có thể vẽ bản đồ tư duy trong vở, trên bảng phụ, trên giấy khổ lớn, trên phần mềm powerpoin… Giáo viên hướng dẫn học sinh dùng từ khóa và ý chính; viết cụn từ ngắn gọn, dùng màu sắc, hình ảnh, số, mũi tên… để thể hiện. Không nên ghi dài dòng, không để mất quá nhiều thời gian vào việc vẽ bản đồ tư duy…

   Hướng dẫn học sinh sử dụng bản đồ tư duy trong dạy – học lịch sử từng bước như sau:

+ Cho học sinh quan sát, làm quen với một số bản đồ tư duy do giáo viên chuẩn bị đầy đủ, hoặc còn thiếu một số từ, một số nhánh yêu cầu học sinh điền vào theo gợi ý của giáo viên.

+ Tập cho học sinh có thói quen tự ghi chép một nội dung, một chủ đề đã học theo cách hiểu của các em dưới dạng bản đồ tư duy.

+ Cho học sinh tập đọc nội dung và tự vẽ bản đồ tư duy sau mỗi bài học.

+ Cho các em vẽ tự do bằng cách cho từ khóa, tên chủ đề hoặc một hình ảnh của chủ đề vào vị trí trung tâm rồi gợi ý, hướng dẫn để các em vẽ ra các nhánh cấp1, cấp 2, cấp 3…

+ Giao cho học sinh tự vẽ bản đồ tư duy theo nhóm (trước khi nghiên cứu tài liệu mới, kiến thức mới về một chủ đề hoặc hệ thống kiến thức đã học một phần, một chương…). Sau khi vẽ xong, đại diện mỗi nhóm trình bày, để các bạn khác nhận xét, góp ý, bổ sung…

    Phương pháp kể chuyện lịch sử:

    Lịch sử với vô vàng các sự kiện, có nhiều sự kiện thường gắn liền với các nhân vật lịch sử tiêu biểu trong quá trình dựng và giữ nước. Kết hợp phương pháp kể chuyện lịch sử trong dạy học giúp học sinh nắm chắc kiến thức lịch sử đã và đang học trong chương trình sách giáo khoa lịch sử phổ thông, các em hình dung được chân dung, tính cách của các nhân vật lịch sử, những con người rất đời thường, gần gũi, bình dị mà có những hành động, suy nghĩ, việc làm, phẩm chất cao cả, phi thường. Qua các câu chuyện lịch sử, với lời kể hấp dẫn, lôi cuốn của giáo viên, với những chi tiết li kì, hấp dẫn học sinh rất dể hiểu, dể nhớ kiến thức lịch sử, sẽ tạo nên một bức tranh giàu màu sắc, kích thích sự say mê, thích thú của học sinh trong học tập lịch sử, qua đó giáo dục lòng yêu nước, ý thức cống hiến, tinh thần hăng say học tập, lao động sáng tạo, hết lòng vì dân, vì nước để học sinh noi gương, học tập.     

    Có rất nhiều câu chuyện lịch sử hấp dẫn để kể cho học sinh như: Yết Kiêu dùi đắm thuyền giặc, Trần Quốc Toản – Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Ngô Quyền – Bãi cọc Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh – Cờ lau tập trận, Lý Công Uẩn – Thăng Long… Giáo viên có thể chọn lựa các mẫu chuyện phù hợp với nội dung và thời lượng của bài học nhằm nâng cao hiệu quả giờ dạy. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh kể chuyện nếu các em biết…

    Ví dụ: Khi dạy bài Phong trào cách mạng Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất (bài 15, sử 9), mục II. Phong trào dân tộc dân chủ công khai. Sách giáo khoa có nội dung: “Tháng 6.1924, tiếng bom của Phạm Hồng Thái tại Sa Điện (Quảng Châu- Trung Quốc) đã cổ vũ, thúc đẩy phong trào tiến lên, mở màng cho thời đại đấu tranh mới của dân tộc”. Như vậy để giúp học sinh hiểu rõ được vấn đề, nắm được nội dung bài và hứng thú học tập, giáo viên bằng cách kể chuyện lịch sử cuốn hút, kể cho các em nghe câu chuyện như sau:

    Tháng 6. 1924 tổ chức Tâm Tâm xã (trí thức Việt Nam yêu nước ở Quảng Châu) cử Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Sơn giết toàn quyền Méc-lanh (tên trùm thực dân) ở Sa Điện (Quảng Châu).

    Biết được Méc-lanh lúc bấy giờ đang trên chuyến công du sang Nhật để điều đình việc trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam. Trên đường từ Nhật về Đông Dương Méc-lanh dừng lại thăm khu tô giới của Pháp ở Quảng Châu và định dự tiệc đêm 18.6.1924.  Tổ chức Tâm tâm xã muốn giết viên thực dân này để gây thanh thế. Phạm Hồng Thái, được sự hỗ trợ của Lê Hồng Sơn, đã nhận nhiệm vụ thực hiện sứ mạng này. Sau khi viết bảng cáo trạng tố cáo tội ác của thực dân Pháp đem đến cho nhân dân toàn thế giới, Phạm Hồng Thái giả dạng kí giả vào Khách sạn Victoria tại tô giới Sa Điện ở Quảng Châu để ám sát Méc- lanh. Trong bữa tiệc ông đã quăng một quả lựu đạn được ngụy trang trong một chiếc máy ảnh vào giữa bàn tiệc. Vụ mưu sát không thành, Méc-lanh chỉ bị thương nhẹ và thoát chết, có năm doanh nhân Pháp chết. Phạm Hồng Thái thoát được khỏi khách sạn nhưng bị truy nã nên phải nhảy xuống dòng sông Châu Giang tự tử khi chỉ mới 28 tuổi. Sự kiện này đã làm chấn động thời sự trong vùng…

  1. Phương pháp tổ chức trò chơi trong giờ học:

    Học sinh THCS ở độ tuổi thiếu niên (khoản từ 11 đến 15 tuổi), các em rất hiếu động, thích thú khi được vui chơi. Nếu giáo viên biết cách tổ chức các trò chơi thì có thể biến một số nội dung thành “học mà chơi, chơi mà học”, làm được điều này sẽ giúp các em yêu lịch sử hơn, hứng thú học tập hơn, có một số cách tổ chức trò chơi trong dạy học lịch sử như sau:

– Đóng vai các nhân vật lịch sử: Có rất nhiều câu chuyện lịch sử viết về các nhân vật lịch sử liên quan đến các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, liên quan đến nội dung bài học. Để giúp giờ học sinh động hơn, giáo viên có thể cho học sinh sưu tầm, chuẩn bị trước để khi thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

   Ví dụ: Khi dạy Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (Bài 30, sử 8), giáo viên có thể phân công cho một nhóm học sinh đóng vai câu chuyện “Hai bàn tay”: một bạn đóng vai Nguyễn Tất Thành, một bạn đóng vai anh Lê, một bạn dẫn chuyện. Với những nhân vật, những lời thoại sôi nổi, lời dẫn chuyện truyền cảm, sâu lắng giúp học sinh dể dàng hình dung ra được Người thanh niên yêu nước ấy dù khó khăn, gian khổ vẫn quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước…

   Khi dạy bài 14 (sử 7), mục IV. Nguyên nhân thắng lợi của ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông- Nguyên: giáo viên cho học sinh tìm hiểu nhiều nguyên nhân đồng thời liên hệ cho các em thấy được bên cạnh vua Trần Nhân Tông, các tướng giỏi như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư… còn có những người dân yêu nước, đánh giặc giỏi như Yết Kiêu. Giáo viên cho học sinh đóng vai truyện “Yết Kiêu dùi đắm thuyền giặc”: một em đóng Yết Kiêu, một em đóng vua Trần, vài em đóng giặc Nguyên Mông và một em dẫn chuyện… Qua đó giúp học sinh thấy được tinh thần yêu nước nồng nàng, ý chí kiên cường, bất khuất của các tầng lớp nhân dân ta trong chiến đấu chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc…

– Trò chơi “Ô chữ”: Đây là trò chơi được giáo viên sử dụng khá phổ biến, chủ yếu là để củng cố bài học, ôn tập, hệ thống hóa kiến thức đã học… Trò chơi này rất đơn giản, có thể kẻ ô chữ lên bảng, lên giấy khổ lớn hoặc trên powerpoint. Giáo viên nêu lên chủ đề, lần lược nêu lên các gợi ý, học sinh lần lượt trả lời nhanh và có tín hiệu xin trả lời từ chìa khóa khi đã tìm ra. Nếu xin trả lời từ chìa khóa mà không trả lời đúng thì dừng cuộc chơi, ai trả lời đúng từ chìa khóa nhanh nhất thì thắng cuộc… giáo viên có thể phân ra các nhóm và quy định số điểm, thời gian cho mỗi câu hỏi… nhóm nào trả lời đúng nhiều câu hỏi sẽ được nhiều điểm, tổng kết trò chơi nhóm nào điểm cao nhất sẽ thắng cuộc. Với trò chơi này sẽ thu hút được đông đảo học sinh tham gia, gây được hứng thú học tập cho các em đồng thời hệ thống lại được các kiến thức đã học…

– Trò chơi  “Tiếp sức”: Đây là trò chơi mang tính tập thể cao, thu hút học sinh tham gia tích cực, rèn luyện sự nhanh nhẹn của các em… cách chơi như sau: giáo viên chia lớp ra thành các tổ (hoặc các nhóm), chia bảng ra thành các phần, mỗi phần ghi tên mỗi tổ (nhóm), sau đó đưa ra một yêu cầu về một chủ đề hay một nội dung. Mỗi tổ (nhóm) lần lượt cử một thành viên lên bảng ghi ra một ý liên quan đến yêu cầu trên, người này về chỗ, người tiếp theo mới được lên ghi ý tiếp theo, cứ liên tục như vậy trong một thời gian quy định, tổ (nhóm) nào có nhiều ý đúng nhất thì sẽ thắng cuộc. Kết thúc trò chơi giáo viên nhận xét, tuyên dương, khen thưởng động viên các em để lần sau các em tham gia tích cực hơn.

– Trò chơi “Bắt sâu cho lá”: Giáo viên chuẩn bị một cây có nhiều nhánh, rồi gắn lên các cành cây một số mẫu giấy ghi nội dung kiến thức có liên quan đến một chủ đề của giáo viên đưa ra “lá xanh” và một số mẫu giấy ghi nội dung không liên quan gì đến chủ đề trên “lá sâu”, sau đó yêu cầu học sinh lên tìm những “lá sâu” loại khỏi cây để có được một cây xanh phát triển khỏe mạnh (có thể thiết kế trò chơi này trên powerpoint). Với trò chơi này giáo viên có thể tiến hành như một bài tập trắc nghiệm nhanh nhưng hình thức phong phú hơn, có thể cùng lúc mỗi tổ cử một em lên thực hiện, tổ nào bắt được nhiều “lá sâu” hơn sẽ chiến thắng, tổ nào hái nhầm “lá xanh” sẽ bị thua…

– “Sân chơi lịch sử”: Có thể tiến hành trong tiết bài tập lịch sử, tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp hình thức như “Rung chuông vàng”: giáo viên chuẩn bị các câu hỏi, các bài tập có liên quan đến chủ đề, kiến thức đã học để cả lớp cùng tham gia trả lời các gói câu hỏi được sắp xếp theo cấp độ từ dễ đến khó, ai trả lời sai thì dừng bước trước, ai trả lời đúng sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi tiếp theo. Người nào trả lời được nhiều câu hỏi nhất sẽ chiến thắng. Với cách làm như vậy học sinh sẽ rất hào hứng tham gia nhiệt tình…

    Với việc tổ chức các trò chơi như trên sẽ giúp học sinh hứng thú học tập, góp phần rèn luyện các kĩ năng cho học sinh. Sau mỗi lần tổ chức trò chơi, giáo viên để các em tự nhận xét, đánh giá và động viên, khích lệ các em bằng những tràng pháo tay, bằng những lời tuyên dương hoặc bằng hiện vật có giá trị tinh thần… Tuy nhiên cần chú ý đến mục tiêu, thời gian, nội dung, không sa đà, mất quá nhiều thời gian…

  1. Phương pháp sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học lịch sử:

    Công nghệ thông tin là các phương pháp, phương tiện, công cụ kĩ thuật hiện đại như máy vi tính, máy chiếu, viễn thông, mạng Internet, các phần mềm như powerpoint, Violet, LectureMaker… hỗ trợ việc dạy và học của giáo viên và học sinh.

    Qua mạng Internet giúp học sinh, giáo viên  thu thập thêm nhiều thông tin liên quan đến bài học một cách nhanh chóng; Máy vi tính, các phần mềm hổ trợ dạy học giúp giáo viên soạn giảng các bài giảng trình chiếu rõ ràng hơn, có thể đưa vào bài giảng tranh ảnh minh họa, sơ đồ, lược đồ, video, âm thanh… sinh động, giúp học sinh tiếp thu bài học tích cực hơn. Sử dụng máy vi tính, máy chiếu trong dạy học lịch sử giúp học sinh phát huy được các kĩ năng về nghe, nhìn, đọc, viết, nói… học sinh chủ động học tập hơn, hứng thú học tập hơn.

    Hiện nay tại trường THCS Trần Hưng Đạo và các trường trong huyện nhiều giáo viên đã ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào soạn- giảng, nâng cao hiệu quả dạy học. Đa số học sinh rất thích được học những tiết dạy tại phòng máy chiếu. Tuy nhiên cần khắc phục một số hiện tượng như: Giáo viên trình chiếu quá nhanh- học sinh theo dõi không kịp nên không thể nắm được kiến thức cơ bản của bài; Sử dụng quá nhiều tranh ảnh, sơ đồ, video… mất nhiều thời gian lại chi phối sự tập trung của học sinh vào bài học; Kết hợp chưa tốt giữa giảng và ghi nên cùng một lúc đưa ra nhiều thông tin, học sinh phải nhìn- chép (lặp lại cách dạy truyền thống đọc- chép trước đây)…

  1. Nghệ thuật của giáo viên trong dạy học lịch sử:

– Tạo không khí vui vẻ trong lớp học: Để giúp học sinh hứng thú học tập giáo viên cần phải tạo không khí thật sự vui vẻ, thỏa mái để học sinh có điều kiện học tập tốt nhất, tiếp thu bài hiệu quả nhất. Giáo viên cần thực hiện linh hoạt các hình thức hoạt động học tập phong phú, đa dạng để học sinh tích cực, chủ động tham gia vào quá trình học tập.

– Bài giảng truyền cảm, thu hút sự chú ý của học sinh: Môn lịch sử là môn học có tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm của học sinh do đó giáo viên phải làm cho giờ dạy có hồn. Điều này phụ thuộc rất lớn vào lời nói, cử chỉ của giáo viên. Lời nói của giáo viên rõ ràng mạch lạc, ngắn gọn, dễ hiểu, trôi chảy, xúc cảm, cuốn hút, cử chỉ thân thiện… có lúc trầm, lúc bỗng, lúc sâu lắng, lúc sôi nổi, lúc giận dữ, có lúc lại hài hước… khơi dậy trong tâm hồn học sinh lòng tự hào dân tộc, sự biết ơn sâu sắc, tình yêu quê hương đất nước, yêu hơn những trang sử hào hùng của dân tộc… tránh giảng bài đều đều, khô khan, vô hồn, vô cảm gây sự nhàm chán cho học sinh.

– Giải thích thuật ngữ rõ ràng, dể hiểu: Trong sách giáo khoa có nhiều khái niệm, nhiều thuật ngữ khó hiểu đối với học sinh, nếu giáo viên không giải thích rõ thì học sinh sẽ không hiểu, hiểu mù mờ hoặc hiểu sai vấn đề. Vì thế từ đầu năm học, giáo viên nên hướng dẫn cho học sinh cách tra cứu thuật ngữ trong bảng ở những trang cuối của sách giáo khoa, đồng thời đến mỗi đơn vị kiến thức có liên quan, giáo viên yêu cầu học sinh trả lời các khái niệm, các thuật ngữ liên quan đến bài học giúp các em hiểu rõ, khắc sâu kiến thức đã học.

– Quan tâm đến học sinh: Giáo viên tìm hiểu, quan tâm đến học sinh trong lớp, nắm được tâm sinh lý lứa tuổi học sinh để có sự ứng xử cho phù hợp, biết lắng nghe và thấu hiểu các em. Giáo viên phải quản lý lớp trong giờ dạy của mình. Biết khen đúng lúc để kích thích sự ham học của các em, tránh gây áp lực cho các em…

– Liên hệ thực tế giáo dục học sinh: Mỗi bài dạy là một nội dung, một sự kiện, một nhân vật lịch sử, cũng có thể là nhiều nội dung, nhiều sự kiện lịch sử, qua các sự kiện lịch sử giáo viên nên liên hệ thực tế để giáo dục học sinh, gắn học đi đôi với hành, giúp học sinh hiểu rõ hơn nội dung bài. Ví dụ như Trần Hưng Đạo đã từng nói “Khoan thư sức dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”, Bác Hồ cũng từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Ngày nay, Đảng và nhà nước ta kế thừa kinh nghiệm của các bậc tiền bối “Lấy dân làm gốc”, luôn sâu sát với quần chúng nhân dân, thực hiện nhà nước của dân, do dân và vì dân…

– Không ngừng làm mới bản thân: Học sinh ở tuổi mới lớn, tò mò, ham học hỏi… nếu giáo viên lúc nào cũng một phong cách thì rất dể gây nên sự nhàm chán đối với học sinh vì thế người giáo viên phải không ngừng làm mới mình, gây sự ngạc nhiên, sự bất ngờ, hứng thú cho học sinh, giúp học sinh khám phá những điều mới lạ, thú vị… tạo không khí vui vẻ, thân thiện để các em thấy được mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

– Kích thích sự tò mò của học sinh: Mỗi bài học lịch sử là một câu chuyện hấp dẫn, nếu không biết khơi gợi sự chú ý của học sinh thì nó như một quyển sách cất kĩ trên giá sách, nếu có người giới thiệu sẽ thu hút được sự chú ý của học sinh nhất là ở cuối bài giảng giáo viên hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài tiếp theo. Ví dụ: Khi dạy xong bài 9 (sử 7), giáo viên cho học sinh biết sau thời Đinh- Tiền Lê là sự thành lập nhà Lý, Vì sao Lý Công Uẩn được tôn lên làm vua? Vì sao Ông dời đô về Thăng Long (Hà Nội ngày nay)? Hoặc khi dạy xong bài 13 (sử 7), giáo viên yêu cầu học sinh về tìm hiểu bài 14, mục I. Cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân xâm lược Mông Cổ (năm 1258), giáo viên giới thiệu qua: quân Mông Cổ rất mạnh, hiếu chiến, đã xâm lược nhiều nước từ châu Á đến châu Âu, lần này chúng đến xâm lược nước ta- một nước nhỏ bé ở khu vực Đông Nam Á, nhưng Vì sao quân Mông Cổ mạnh mà vẫn bị quân ta đánh bại?… với cách giới thiệu và nêu câu hỏi có vấn đề như vậy sẽ kích thích sự tò mò của học sinh, về nhà các em sẽ chủ động xem bài để thỏa mãn sự tò mò đó…

– Hướng dẫn cho học sinh tự học: Để giúp học sinh tích cực, chủ động hơn trong học tập, giáo viên nên hướng dẫn cho học sinh tự học theo kiểu “Thầy thiết kế, trò thi công”, học sinh đào sâu, suy nghĩ tự tìm ra câu trả lời thì các em mới nhớ kĩ, nhớ lâu kiến thức đã học, tránh cách học truyền thụ một chiều, kém hiệu quả như trước đây “Thầy giảng, trò nghe, thầy đọc, trò chép”. Có thể hướng dẫn cho học sinh tự học một số nội dung trên lớp, tự học ở nhà, tự học trên sách, báo, trên Internet, trên các phương tiện thông tin đại chúng… vì môn lịch sử là một môn khoa học xã hội nên nguồn thông tin rất phong phú. Tuy nhiên cần hướng dẫn các em tiếp thu có chọn lọc các thông tin chính xác, khoa học.

– Phối hợp các phương pháp dạy học: Trong quá trình dạy học giáo viên cần phối hợp các phương pháp phù hợp với đặc trưng bộ môn để nâng cao hiệu quả giáo dục. Giáo viên cần nêu các câu hỏi có vấn đề để kích thích sự tích cực, đào sâu suy nghĩ của các em. Tổ chức cho các em làm việc theo nhóm để phát huy hiệu quả học tập. Sử dụng các câu hỏi đa dạng (cả tự luận và trắc nghiệm) phù hợp với các đối tượng học sinh. Giáo viên cần phải linh hoạt kết hợp các kỹ năng: hỏi – đáp, diễn giải, trình bày bảng, sử dụng các phương tiện, thiết bị dạy học, nhận xét, phân tích, tổng hợp… trong giờ dạy. 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng