Nâng cao chất lượng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên

Nâng cao chất lượng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên

I.1. Lý do chọn đề tài:

        Nền giáo dục Việt Nam đang từng bước hòa nhập với nền giáo dục Quốc tế. Hiện nay Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đã có nhiều văn bản, Nghị quyết, chỉ thị, luật cho giáo dục nói chung và giáo dục Mầm non nói riêng. Bởi mầm non có tầm quan trọng trong sự nghiệp trồng người “Mầm non tốt mở đầu nền giáo dục tốt”. Đúng vậy trẻ mầm non là viên gạch đầu tiên đặt nền tảng vững chắc cho nền móng giáo dục con người. Mà nhân tố trực tiếp ảnh hưởng đến giáo dục trẻ là đội ngũ giáo viên. Ngày nay giáo viên Mầm non được quan tâm hàng đầu. Vì thế Bộ giáo dục ra Nghị quyết hội nghị lần thứ II ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII đã nêu rõ: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh” qua đó ta có thể thấy được vai trò quan trọng của giáo viên mầm non. Vì thế việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên ở trường mầm non là vấn đề mang tính chiến lượng lâu dài. Tôi đã tìm tòi qua các tài liệu và qua lớp học quản lý, hiểu rõ muốn chất lượng giáo dục được nâng cao thì giáo viên phải có đủ các điều kiện về vật chất lẫn tinh thần và phải được bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn. Vậy để làm tốt nhiệm vụ này tôi phải làm gì và bắt đầu từ đâu đó là điều tôi luôn luôn suy nghĩ.

    Trường Mẫu giáo Hoa Sen nơi tôi công tác ngay từ những ngày đầu mới thành lập Trường gặp rất nhiều khó khăn:Về cơ sở vật chất, cán bộ quản lý mới bổ nhiệm chưa có nhiều kinh nghiệm, đội ngũ giáo viên, nhân viên thiếu nhiều, năm 2013 trường hợp đồng (11 người) giáo viên hợp đồng trường nên chưa thực sự yên tâm công tác vì thế chất lượng chuyên môn của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, chưa cao, điều đó ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ cũng như sự phát triển của nhà trường trong những năm đầu thành lập.

     Là phó hiệu trưởng quản lý về chuyên môn của trường, tôi nhận thấy việc bồi dưỡng nâng cao cho đội ngũ giáo viên là hết sức cần thiết và rất quan trọng. Giáo viên được bồi dưỡng kỹ về chuyên môn nghiệp vụ thì sẽ nắm vững phương pháp dạy của các bộ môn, có sự đầu tư cho các tiết dạy, tổ chức tiết dạy một cách sáng tạo, linh hoạt, tự tin trước phụ huynh, trước đồng nghiệp từ đó có cách truyền thụ nội dung kiến thức đến trẻ đầy đủ hơn, phối hợp, tuyên truyền với phụ huynh nhịp nhàng và có hiệu quả.Tôi đã lên kế hoạch và thực hiện bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, sau hơn 1 năm thực hiện, chuyên môn của trường tôi ngày một nâng cao, đã được cụm, Phòng, Sở về đánh giá là một trường có đội ngũ giáo viên trẻ, năng động, chuyên môn vững vàng.Tôi đã tham mưu với đồng chí Hiệu trưởng tiếp tục cho chiến lược bồi dưỡng giáo viên lâu dài.Bởi những thành công trên tôi mạnh dạn chọn đề tài sáng kiến Nâng cao chất lượng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên”  để chị em trong ngành tham khảo. Chúng ta hãy góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn. Để việc chăm sóc giáo dục trẻ ngày một đạt hiệu quả cao góp phần nhỏ vào nền giáo dục nước nhà.

  1. Nội dung và cách thực hiện các giải pháp, biện pháp

  Biện pháp thứ nhất: Nâng cao chất lượng chuyên môn.

      Để chuyên môn thực hiện tốt và có hiệu quả  trước tiên tôi kế hoạch dựa vào kế hoạch năm học của hiệu trưởng, của Phòng giáo dục như: Kế hoạch kiểm tra nội bộ trường học; kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn cho CBGV; kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ theo từng lứa tuổi; kế hoạch đánh giá trẻ 5 tuổi theo Bộ chuẩn; Quy định về hồ sơ sổ sách, phương pháp soạn giáo án của từng bộ môn phù hợp với từng độ tuổi…Mọi kế hoạch được lập ra từ đầu năm học và được thông qua hội đồng nhà trường, có sự phê duyệt của hiệu trưởng và đưa vào thực hiện. BGH phân công rõ và phù hợp với khả năng từng người để phối hợp cùng nhau trong các hoạt động một cách chặt chẽ, có hiệu quả để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Tôi chỉ đạo thực hiện và triển khai các kế hoạch như sau:

* Chỉ đạo thực hiện chương trình và đổi mới phương pháp giảng dạy:

     Chương trình giáo dục mầm non tốt là một chương trình lấy trẻ làm trung tâm. Với chương trình này sẽ tạo cơ hội cho trẻ được phát triển toàn diện, không chỉ chú trọng tới sự phát triển trí tuệ mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển thể chất và khả năng giao tiếp xã hội của trẻ.Vì vậy chương trình giáo dục mầm non mới đòi hỏi giáo viên phải có nhiều thủ thuật hấp dẫn, thu hút trẻ. Tạo nhiều tình huống làm phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của trẻ. Ngay từ đầu năm học nhà trường đã hỗ trợ tài liệu để giáo viên tham khảo. Cử giáo viên cốt cán tham gia các đợt tập huấn do các cấp tổ chức về trường để tập huấn lại cho toàn bộ giáo viên. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, hướng dẫn giáo viên cách soạn giảng, cách lập kế hoạch, xây dựng mạng nội dung, mạng hoạt động, hướng dẫn giáo viên chọn những đề tài sao cho phù hợp với từng chủ đề. Sau khi thống nhất chương trình giảng dạy, dưới sự chỉ đạo của chuyên môn các lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới trong nhà trường. Soạn giáo án 100% bằng máy vi tính phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình giảng dạy. Khuyến khích  giáo viên  trong trường học thêm vi tính để nâng cao Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

*Thực hiện nâng cao chuyên môn qua các hội thi, thao giảng.

Để nâng cao trình độ chuyên môn và đánh giá đúng thực lực giáo viên. Tôi đã tổ chức các hội thi thao giảng cấp trường. Mỗi học kỳ 2 tiết dạy ngoài ra tổ chức các hội thi học tốt dạy tốt để chào mừng các ngày lễ lớn. Không chỉ chú trọng về các bài dạy của các bộ môn mà còn thăm lớp dự giờ các hoạt động khác trong ngày như: Thể dục sáng, hoạt động ngoài trời, hoạt động góc… Mục đích của tổ chức thao giảng, dự giờ là để tạo các cơ hội cho các giáo viên được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn và khắc phục ngay những nhược điểm mắc phải.

* Tổ chức các tiết dạy mẫu.

   Theo kế hoạch đầu năm của chuyên về việc tổ chức các tiết dạy mẫu cho giáo viên trong trường. Cứ sau mỗi hội thi giáo viên cấp trường, cấp huyện thì chuyên môn và giáo viên lại rút ra được một số kinh nghiệm. Nhà trường chọn một số tiết dạy hay để dạy mẫu cho toàn thể giáo viên trong trường dự và học tập. Các tiết mẫu dạy tại trường rất cần thiết bởi tiết dạy có đề tài cụ thể là ví dụ thực tế giúp cho đội ngũ giáo viên được “mắt thấy, tai nghe” được góp ý và nghe góp ý của đồng nghiệp. Biện pháp này cũng giúp giáo viên trực tiếp dạy có thêm kinh nghiệm còn giáo viên đến dự được học tập rất nhiều qua thực tế

      Thi “Làm đồ dùng đồ chơi cấp trường” giáo viên tự làm đồ dùng bằng các loại phế thải, các nguyên vật liệu dễ kiếm nhưng đồ dùng làm ra phải đảm bảo tính khoa học, tính thẩm mỹ và có ứng dụng cao trong giảng dạy.

 Qua các hội thi giáo viên phát huy được tính sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của mình. Từ đó ban giám hiệu cũng như các khối trưởng đánh giá được năng lực của từng người và có điều chỉnh kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên một cách phù hợp hơn.

* Bồi dưỡng thông qua viết sáng kiến kinh nghiệm

        Có thể nói sáng kiến là tìm ra các biện pháp, giải pháp mới hơn, mang lại lợi ích nhanh hơn cho một đối tượng hoặc một hoạt động nào đó, khi vận dụng chúng vào thực tế thì sẽ mang lại kết quả, hiệu quả cao hơn trước. Được nhiều người học tập. Vì thế ngay từ đầu năm học theo kế hoạch của Phòng, kế hoạch của trường chuyên môn đã triển khai nội dung ý nghĩa của việc viết sáng kiến đến tất cả cán bộ giáo viên và đăng ký. Động viên giáo viên tham gia viết sáng kiến, vừa là cách để nâng cao chất lượng cho giáo viên, cũng là một trong những tiêu chí xếp loại đánh giá giáo viên cuối năm.Vì một sáng kiến hay, có hiệu quả cai đòi hỏi giáo viên phải tìm hiểu thực tế của vấn đề rất nhiều, phải có sự đầu tư, suy nghĩ, học hỏi, trao đổi  kinh nghiệm với đồng nghiệp, tham khảo các tài liệu để tìm ra cái mới vận dụng nó vào hoạt động sư phạm của mình. Thông qua việc chấm sáng kiến người quản lý cũng phát hiện được khả năng tiềm ẩn, những sáng kiến nổi bật có tính ứng dụng cao trong giáo dục.

* Khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng:

    Muốn có một đội ngũ giáo viên vừa có cả “Hồng” và “Chuyên” đáp ứng được với nhu cầu thực tế giáo dục thì việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm là một nội dung rất quan trọng như  PGS. TS Phan Trọng Ngọ đã nêu:”  Đã đến lúc cần có sự nhận thức sâu sắc và đầy đủ về vấn đề nghiệp vụ sư phạm và cần có các giải pháp mang tính cách mạng để giải quyết vấn đề này“. Để thực hiện vấn đề trên nhà trường cử cán bộ, giáo

viên cốt cán tham gia các đợt tập huấn do Sở, Phòng tổ chức để về triển khai tập huấn lại cho chị em giáo viên trong trường. Ngoài ra trường cũng luôn tạo điều kiện và khuyến khích giáo viên tự đi dự giờ trao đổi, học tập lẫn nhau và bồi dưỡng chuyên môn cho mình như: Bồi dưỡng thêm về tin học, tiếng Dân tộc… Bởi chỉ có sự phấn đấu vươn lên của chính bản thân mỗi giáo viên thì mới hoàn thành tốt những công việc được giao.

Biện pháp thứ hai: Lựa chọn phân bổ giáo viên để bồi dưỡng chuyên môn.

* Lựa chọn tổ khối trưởng:

  Tổ khối là cầu nối giữa giáo viên với ban giám hiệu, có trách nhiệm lên kế hoạch cho khối dựa vào kế hoạch của chuyên môn và tình hình thực tế của trường, của khối, lớp mình. Đôn đốc giáo viên trong khối thực hiện đúng nội quy, quy chế của trường và khối đề ra. Tham mưu với ban giám hiệu về chuyên môn cũng như các hoạt động khác trong nhà trường. Vì vậy ngay từ đầu năm tôi đã lên kế hoạch rồi chọn lựa một số giáo viên có kinh nghiệm, có năng lực, đủ đức, đủ tài có uy tín với giáo viên, với phụ huynh để giao nhiệm vụ làm khối trưởng, có quyết định để họ có trách nhiệm với công việc của mình. Hàng tuần tôi tổ chức họp giao ban triển khai công việc trong tuần để khối trưởng nắm bắt kịp thời cho các hoạt động của khối mình và triển khai tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn trong tuần đến các giáo viên khác.

* Lựa chọn giáo viên để biên chế lớp:

      Để có một đội ngũ giáo viên đồng đều về chuyên môn ngay từ đầu năm tôi đã quyết định chọn và phân công giáo viên phù hợp với năng lực của họ. Tôi phân công xen kẽ giữa giáo viên lâu năm có nhiều kinh nghiệm với giáo viên mới ra trường để giáo viên cũ kèm cặp giúp đỡ giáo viên mới. Mặc dù phân công, giao nhiệm vụ nhưng trong suốt năm học tôi luôn theo dõi sát sao các hoạt động của từng lớp để đánh giá kịp thời động viên lớp nào có tiến bộ về chuyên môn, phong trào, để tham mưu với hiệu trưởng khen thưởng kịp thời. Nhắc nhở thêm để giáo viên giúp nhau cùng tiến bộ. Với cách lựa chọn này cuối năm các khối lớp đạt tiên tiến trên 75%.

Biện pháp thứ ba: Bồi dưỡng về lý luận chính trị:

   Tâm huyết với nghề, yên tâm công tác nơi vùng sâu, vùng xa, không hoang mang giao động trước những khó khăn thách thức, đòi hỏi giáo viên phải được bồi dưỡng về lý luận chính trị, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước. Vì vậy cứ đến đầu tháng 8 đầu mỗi năm học PGD huyện Krông Năng tổ chức cho tất cả cán bộ giáo viên, nhân viên trong toàn ngành học chính trị hè trong đó trường MG hoa Sen tham gia 100 %. Giáo viên còn được bồi dưỡng thêm về chính trị qua các cuộc họp hội đồng, chuyên môn của trường. Những giáo viên là đảng viên ngoài việc học lớp chính trị hè thì còn phải tham gia đầy đủ các buổi học Nghị quyết do xã tổ chức, sinh hoạt chi bộ theo định kỳ.

   Công đoàn kết hợp với ban giám hiệu phát động các cuộc vận động và hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào ‘Giỏi việc trường, đảm việc nhà’, đăng ký đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa. Qua đó giúp giáo viên nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và ý thức tự bồi dưỡng.

 Biện pháp thứ tư: Nâng cao đời sống tinh thần cho giáo viên

    Chúng ta thường nói ‘An cư mới lập nghiệp’ đời sống giáo viên có ổn định thì chất lượng công việc cao, hoàn thành công việc một cách nhanh nhất, xuất sắc nhất.

    Công đoàn phối hợp với ban giám hiệu nhà trường để chăm lo, hỗ trợ đời sống cho giáo viên cụ thể: Cùng với nhà trường tham mưu với UBND xã xin phòng nội trú cho giáo viên ở xa mới vào trường, cùng Hội phụ huynh nhà trường sửa nhà nội trú cho giáo viên, làm hàng rào B40 lớp học ở phân hiệu Ea Bir. Vận động công đoàn viên trong trường ủng hộ công đoàn viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, rà soát và đưa danh sách công đoàn viên có hoàn cảnh lên cấp trên để được hỗ trợ trong dịp tết Nguyên đán. Hàng năm tổ chức cho công đoàn viên đi du lịch tham quan và  học hỏi các Mô hình GDMN ở các Tỉnh như; Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng và các đơn vị bạn trong tỉnh. Công đoàn tham mưu với nhà trường để luôn giải quyết đúng các chế độ lương, phụ cấp khác kịp thời, đầy đủ, bồi dưỡng cho những giáo viên có thành tích tốt trong các hoạt động. Giải quyết dứt điểm các thắc mắc, nghi ngờ trong nội bộ, động viên thăm hỏi kịp thời các công đoàn viên trong các dịp: Lễ, tết, ốm đau, thai sản…Đó cũng là một tác động lớn để giáo viên luôn nhiệt tình an tâm công tác, hoàn thành tốt công tác và nhiệm vụ được giao.

* Biện pháp thứ năm: Kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch:

  – Để các kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn có hiệu quả thì đòi hỏi người quản lý như tôi phải nắm rõ việc giáo viên thực hiện kế hoạch như thế nào? hiệu quả ra sao? tôi thiết nghĩ công tác kiểm tra thường xuyên là một việc không thể thiếu trong quản lý chuyên môn:

 – Với kế hoạch năm: Tôi tiến hành kiểm tra theo định kỳ như: kiểm tra hồ sơ 3 tháng một lần; kiểm tra kết quả cân đo; kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn của giáo viên…

 – Với kế hoạch tháng: Tôi kiểm tra theo các chủ đề như: Kế hoạch khối; kế hoạch tuyên truyền chủ đề; đánh giá trẻ 5 tuổi theo bộ chuẩn…

– Với kế hoạch tuần: Kế hoạch tổ khối, kế hoạch tuần của giáo viên… Với cách kiểm tra thường xuyên như trên tôi đánh giá được tiến trình thực hiện của đội ngũ giáo viên, động viên khuyến khích giáo viên hoàn thành kế hoạch theo đúng tiến độ.

     Qua một thời gian xây dựng và thực hiện những biện pháp mới giúp đội ngũ giáo viên bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn trong trường mẫu giáo, tôi nhận thấy trình độ chuyên môn của giáo viên được nâng lên rõ rệt cả về chất và lượng: giờ dạy đã có sự đầu tư sáng tạo, giáo viên tham gia các lớp tự bồi dưỡng cao, nắm vững chương trình chăm sóc giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non mới. Đánh giá chất lượng cuối năm đạt loại khá trở lên. Trường đạt trường tiên tiến

III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ:

III.1. Kết luận:

    Từ những kết quả đạt được như trên tôi rút ra một số kết luận sau:

Có thể nói giáo viên là người quyết định trực tiếp đến chất lượng của học sinh. Nói như vậy thì chất lượng giáo viên phải được quan tâm hàng đầu và thường xuyên bồi dưỡng bổ sung kiến thức cả về chính trị lý luận lẫn chuyên môn nghiệp vụ.

      Người phó hiệu trưởng phải nắm rõ yêu cầu của ngành, có tầm nhìn, biết tham mưu với hiệu trưởng để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn lâu dài trong từng năm, từng tháng, tuần, triển khai đúng thời điểm tới tất cả giáo viên để thực hiện có hiệu quả qua các buổi họp hội đồng, chuyên môn, hội thảo, các đợt tập huấn tại trường, tổ chức tham quan kiến tập tại trường bạn và thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, đánh giá kiểm tra sau mỗi hoạt động. Giáo viên được bồi dưỡng có trình độ nhận thức tốt có nghĩa là chúng ta đã góp phần nâng cao chất lượng cho giáo dục và sự nghiệp trồng người của đất nước .

Bấm vào đây để tải về

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng