Rèn kĩ năng đọc cho học sinh lớp 2

Rèn kĩ năng đọc cho học sinh lớp 2

I.1 Lí do chọn đề tài:

Để đáp ứng yêu cầu khoa học của thời đại trong bối cảnh Việt Nam hội nhập vào khu vực và Quốc tế. Việc đổi mới phương pháp dạy học  là yêu cầu bức thiết của thực tế  dạy học hiện nay ở các trường. Việc tìm hiểu, nghiên cứu nội dung chương trình sách giáo khoa, phương pháp và hình thức dạy học môn Tiếng Việt tiểu học là nhiệm vụ bắt buộc của người giáo viên tiểu học, bởi Tiếng Việt là môn học có vị trí đặc biệt quan trọng, môn học chiếm trên 40% quỹ thời gian dạy học của toàn cấp, môn học góp phần tích cực vào rèn các kĩ năng giao tiếp là chìa khoá để học tập và chiếm lĩnh tri thức của loài người… và trong các phân môn học Tiếng Việt thì tập đọc lại là phân môn cơ sở, trọng yếu, phân môn chiếm nhiều số tiết dạy, không chỉ tập trung rèn kĩ năng đọc cho học sinh mà còn giúp các em được tiếp xúc một thế giới mới để nâng cao tầm hiểu biết, nâng cao về những xúc cảm, tình cảm với cuộc sống con người, phân môn tập đọc cung cấp cho học sinh những hiểu biết về thiên nhiên, xã hội và con người, cung cấp vốn từ, vốn diễn đạt, hơn nữa phân môn tập đọc với loại hình mới đa dạng phong phú phù hợp với môi trường lứa tuổi của các em.

Như vậy việc tìm hiểu nội dung chương trình, phương pháp dạy học môn tập đọc mới là vấn đề không thể không chú trọng đối với người giáo viên tiểu học, nhất là nội dung chương trình tập đọc lớp 2, phần đông giáo viên  băn khoăn, thiếu định hướng khi dạy tập đọc: cần đọc bài với giọng như thế nào? Làm thế nào để sửa lỗi phát âm cho học sinh, làm thế nào để các em đọc nhanh hơn, hay hơn, diễn cảm hơn, làm thế nào để các em hiểu văn bản được đọc, làm thế nào để phối hợp đọc thành tiếng và đọc hiểu, làm thế nào để cho  những gì đọc được tác động vào chính cuộc sống của các em… Đó là những trăn trở của bản thân trong mỗi giờ tập đọc và cũng là lí do khiến tôi chọn đề tài “Rèn kĩ năng đọc cho học sinh lớp 2”.

  1. Nội dung và cách thực hiện:

Để học sinh học tốt môn Tiếng Việt người giáo viên dạy lớp 2 cần có những giải pháp thích hợp để giúp học sinh của mình đọc tốt, học tốt hơn. Giáo viên xin đưa ra một số giải pháp sau:

* Phương pháp luyện đọc mới:

Trước kia khi dạy luyện đọc, thông thường giáo viên có thể chọn hình thức luyện đọc cá nhân hoặc cả lớp một nội dung luyện đọc nào đó (một số từ ngữ, tiếng khó hoặc một vài câu văn dài…) nhưng ở dạy tập đọc lớp 2 hiện nay không thể dạy luyện đọc theo phương pháp, hình thức như vừa nêu mà phải tổ chức luyện đọc với phương pháp, hình thức mới mà cụ thể là:

– Luyện đọc từng câu:

Yêu cầu học sinh phải đọc tất cả các câu trong bài nối tiếp nhau (mỗi em một câu) theo một quy định lần lượt, chứ không phải giáo viên ngẫu nhiên chỉ một vài em đọc một, hai câu khó trong bài. Như vậy căn cứ vào số câu của bài mà có số em luyện đọc nối cho phù hợp. Giáo viên cần chú ý hướng dẫn học sinh luyện đọc một cách linh hoạt, không thể quan niệm máy móc.

Ví dụ 1: Khi luyện đọc bài “Bàn tay dịu dàng” (Tiếng Việt 2-tập 1 trang 67) ở lượt thoại của Thầy giáo, chúng ta không thể tách từng câu riêng lẻ mà phải đọc trọn vẹn cả lời thoại này “Tốt lắm! Thầy biết em nhất định sẽ làm!

Lời thoại gồm 2 câu, thông thường phải có 2 em đọc, song như thế không thể hiện trọn vẹn ý nghĩa lời thoại nên chỉ để một em đọc.

– Luyện đọc đoạn trước lớp:

Hình thức này cũng có thể chia nhóm theo bàn cố định hoặc có thể thay đổi… Giáo viên phải theo dõi sát sao, hướng dẫn học sinh đọc đúng chứ không nên cho học sinh đọc một cách hình thức.

Ví dụ: Khi học sinh đọc bài: “Con chó nhà hàng xóm” (Tiếng Việt 2-tập1, trang 128).Giáo viên hướng dẫn cách ngắt nghỉ hơi và nhấn giọng ở một số câu (gạch một gạch thì ngắt hơi, gạch hai gạch thì nghỉ hơi) để học sinh đọc tốt hơn:

+ Bé rất thích chó / nhưng nhà Bé không nuôi con nào. //

+ Cún mang cho Bé / khi thì tờ báo hay cái bút chì, / khi thì con búp bê… //

+ Nhìn Bé vút ve Cún, / bác sĩ hiểu / chính Cún đã giúp Bé mau lành. //

Giáo viên hướng dẫn học sinh thể hiện đúng tình cảm của các nhân vật qua giọng đọc: Lời người dẫn chuyện đọc với giọng chậm rãi; câu hỏi của mẹ (Con muốn mẹ giúp gì nào? ) đọc với giọng âu yếm, lo lắng; câu trả lời của Bé (Con nhớ Cún mẹ ạ! ) đọc với giọng buồn bã.

– Luyện đọc đoạn trong nhóm:

Đây là một hình thức tổ chức dạy học tập đọc mới. Khái niệm nhóm (nhóm có thể là hai em, một bàn, một tổ…).

Ví dụ: Học sinh đọc bài “Mẫu giấy vụn” (Tiếng Việt 2, trang 48). Mỗi em đọc một đoạn đến hết bài. Trong quá trình đọc nếu bạn nào đọc sai lỗi chính tả, các bạn trong nhóm hỗ trợ. Luyện đọc trong nhóm nhằm tạo cho các em được cùng luyện, cùng bổ sung và nhanh chóng hiểu nội dung bài, sau đó học sinh tự nhận xét lẫn nhau, để nhóm học tập của các em ngày càng học tốt hơn.

– Luyện đọc lại bài:

Luyện đọc tổng thể bài là khâu không thể không chú trọng, vấn đề ở đây điểm mới của luyện đọc bài chính là hình thức luyện đọc cá nhân, nhóm, luyện đọc phân vai… Giáo viên tổ chức cho học sinh các nhóm đọc phân vai, sẽ tạo hứng thú học tập cho các em.

Ví dụ: Khi đọc bài: “Ông Mạnh thắng Thần Gió” (Tiếng Việt tập 2, trang 13)

Giáo viên hướng dẫn học sinh thể hiện đúng tình cảm của các nhân vật qua giọng đọc: Lời của Thần Gió thể hiện sự hống hách. Lời của Ông Mạnh thể hiện thái độ giận dữ (đoạn 2), sự quyết tâm chống trả Thần Gió (đoạn 3), thể hiện sự kiên quyết không khoan nhượng (đoạn 4), (đoạn 5) nói về sự hòa thuận giữa Thần Gió và Ông Mạnh đọc với giọng kể chậm rãi, nhẹ nhàng.

Một trong những hình thức dạy học mới trong dạy tập đọc lớp 2 là khâu hướng dẫn học thuộc, đối với văn bản thơ tổ chức không cứng nhắc, máy móc, có thể học thuộc bằng các cách khác nhau, một trong hai cách mới là tổ chức luyện đọc theo nhóm.

Như vậy phương pháp dạy học tập đọc ở tiểu học và nhất là rèn kỹ năng đọc cho học sinh lớp 2 mà đề tài đã trình bày như trên là những phương pháp tổ chức dạy học mới, cơ bản nhất của dạy học tập đọc lớp 2. Đó là những phương pháp dạy học mà người học là trung tâm để tiếp nhận những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo đọc và hiểu văn bản. Giáo viên chỉ là người tổ chức điều khiển các hoạt động của học sinh như: Cá nhân, nhóm, lớp. Phương pháp dạy học tập đọc mới nhất là kỹ năng đọc huy động tối đa, tổng hoà các phương thức dạy học đã có để hướng đến tích cực hoá hoạt động của học sinh.

* Đọc mẫu:

– Đọc toàn bài: Giáo viên đọc mẫu toàn bộ bài văn, bài thơ nhằm giới thiệu  gây cảm xúc tạo hứng thú và tâm thế học đọc cho học sinh. Căn cứ vào trình độ của học sinh, giáo viên có thể  đọc một hoặc hai lần  theo mục đích đề ra.

– Đọc câu, đoạn: Việc đọc câu, đoạn nhằm hướng dẫn, gợi ý hoặc tạo tình huống để học sinh nhận xét, giải thích tự tìm ra cách đọc…

– Đọc từ, luyện từ: Nhằm  sửa phát âm sai  và rèn cách đọc đúng cho học sinh.

* Hướng dẫn tìm hiểu nghĩa của từ trong bài và nội dung  bài đọc.

Đây là một nội dung rất quan trọng trong các biện pháp dạy học chủ yếu của phân môn tập đọc. Nội dung này  bao gồm :  hướng dẫn tìm hiểu  nghĩa của từ trong bài  và hướng dẫn tìm hiểu  nội dung bài đọc, giúp học sinh hiểu được các từ khó, từ phổ thông chưa quen trong bài đọc.  

Mặt khác nó còn giúp cho học sinh  hiểu được  nội dung bài đọc. Trong khi dạy tập đọc giáo viên  cần hướng dẫn học sinh tìm hiểu những từ ngữ khó đã được nêu ở trong bài đọc, những từ ngữ phổ thông mà học sinh địa phương chưa quen và một số từ ngữ đóng vai trò quan  trọng để hiểu nội dung bài đọc.

Giáo viên có thể  hướng dẫn tìm hiểu nghĩa của từ ngữ  bằng cách đọc phần giải nghĩa trong sách giáo khoa, bên cạnh đó giáo viên cũng có thể  dựa vào vốn từ  đã có để giải nghĩa, giải nghĩa bằng đồ dùng dạy học ( hiện vật, tranh vẽ, mô hình…) hoặc cho học sinh làm những bài tập nhỏ để nắm nghĩa của từ ngữ.

Điều cần chú ý là dùng giải nghĩa từ ngữ  theo cách nào  cũng chỉ nên  giới hạn trong phạm vi nghĩa cụ thể ở bài đọc, không mở rộng ra những nghĩa  khác, nhất là những nghĩa xa lạ với học sinh lớp 2.

Hướng dẫn tìm hiểu nội dung bài đọc thường xuyên chứa đựng một nội dung nhất định  nhiệm vụ của người giáo viên là hướng dẫn cho học sinh hiểu được nội dung, ý nghĩa của bài đọc đó. Để tìm hiểu nội dung bài đọc giáo viên có thể hướng dẫn học sinh như sau:

Trả lời các câu hỏi sau mỗi bài đọc, đầu tiên là câu hỏi tái hiện nội dung sau đó là câu hỏi suy luận. Dựa vào hệ thống câu hỏi và bài tập trong sách giáo khoa, giáo viên tổ chức sao cho mỗi học sinh đều được làm việc và để tự mình nắm được bài. Để giúp học sinh hiểu bài, giáo viên cần có thêm câu hỏi phụ, những yêu cầu, những lời giải bổ sung. Trong quá trình tìm hiểu bài, giáo viên cần chú ý rèn cho học sinh cách trả lời câu hỏi, diễn đạt ý bằng câu văn  ngắn gọn, rõ ràng.

* Hướng dẫn đọc và học thuộc lòng:

– Luyện đọc thành tiếng:

Bao gồm các hình thức sau: từng em đọc, một nhóm đọc đồng thanh, cả lớp đọc đồng thanh. Việc đọc đồng thanh của học sinh giúp cho các em phát triển được tư duy ngôn ngữ nói, khuyến khích các em tự nhiên  và nhận thấy những chỗ được và chưa được của bạn mình để rút kinh nghiệm đọc tốt hơn.

– Luyện đọc thầm:

+ Giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh đọc thầm  đoạn hoặc cả bài. Việc luyện đọc thầm  có tác dụng giúp cho học sinh rèn luyện kỹ năng đọc, hiểu, khắc sâu kiến thức bài học. Tuy nhiên, giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh đọc thầm đoạn hoặc cả bài. Việc luyện đọc thầm có tác dụng giúp cho học sinh rèn luyện kỹ năng đọc – hiểu, khắc sâu kiến thức bài học. Giáo viên phải lưu ý tình trạng học sinh đọc thầm một  cách hình thức để đối phó.

+ Luyện học thuộc lòng: Với những bài đọc  có yêu  cầu học thuộc lòng thì giáo viên phải cho học sinh luyện đọc kỹ hơn, luyện đọc thuộc lòng giúp cho học sinh nhớ được toàn bộ nội dung bài đọc. Giáo viên có thể  hướng dẫn học sinh học thuộc lòng như sau:  Ghi bảng một số từ làm “điểm tựa” cho học sinh dễ nhớ và đọc thuộc, sau đó xoá dần  hết “từ điểm tựa” để học sinh tự nhớ và đọc thuộc toàn bộ, hoặc tổ chức cuộc thi hay trò chơi luỵên đọc thuộc lòng một cách nhẹ nhàng hứng thú cho học sinh.

Ví dụ: Hướng dẫn học sinh học thuộc bài: “Gọi bạn” (Tiếng Việt 2 tập1, trang 28). Bài thơ gồm có 3 khổ, giáo viên ghi các từ:

+ Khổ thơ 1: Tự xa xưa…

+ Khổ thơ 2: Một năm…

+ Khổ thơ 3: Bê Vàng…

 * Ghi bảng:

– Nội dung ghi bảng nói chung cần ngắn gọn xúc tích bảo đảm tính khoa học và tính sư phạm. Hình thức trình bày cần mang tính thẩm mĩ, có tác dụng giáo dục học sinh.

 * Các hình thức luyện tập:

Luyện tập nhằm củng cố lại nội dung bài đọc. Luyện tập là một vấn đề không thể thiếu được trong dạy học bất kì môn học nào. Bởi chỉ thông qua luyện tập thì học sinh mới hình thành kỹ năng, kỹ xảo về môn học. Trong Tiếng Việt môn học mang tính chất thực hành, chỉ qua thực hành học sinh mới có thể hình thành được các kĩ năng sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp… từ đó học sinh mới có khả năng tiếp nhận Tiếng Việt vào môi trường lứa tuổi.

Chính vì thế việc luyện tập trong dạy học tập đọc là vấn đề không thể không chú trọng. Vậy thực chất của luyện tập trong dạy học tập đọc là gì?

Thực chất của luyện tập trong dạy tập đọc là: Luyện đọc và luyện cách trả lời câu hỏi để tìm hiểu nội dung bài đọc. Vậy nội dung luyện  đọc  là:

– Luyện đọc câu, đoạn, cả bài:

+ Luyện cá nhân:

Được dạy trong tất cả đối tượng học sinh, trong cả lớp, là cơ hội để luyện đọc từng em.

+ Luyện đọc trong nhóm:

Học sinh từng cặp đọc,từng em đọc  và trao đổi với nhau về cách đọc. Giáo viên theo dõi hướng dẫn các nhóm đọc.

Các nhóm nối tiếp nhau đọc từng đoạn: nhóm này đọc nhóm kia theo dõi nhận xét.

+ Luyện đọc đồng loạt: Hình thức này chủ yếu được luyện với những từ, những câu, những đoạn khó để qua đó học sinh nắm được cách đọc (nhấn giọng, ngắt  giọng trong bài văn, ngắt nhịp trong bài thơ).

– Trả lời câu hỏi, tìm hiểu bài :

+ Để hướng dẫn học sinh trả lời các câu hỏi  nhằm tìm hiểu được nội dung, nhằm tái hiện các chi tiết để tìm hiểu được nội dung bài đọc chúng ta có thể vận dụng các hình thức dạy học linh hoạt như: từng cá nhân học sinh xung phong  học giáo viên chỉ định trả lời câu hỏi, nhóm cùng nghiên cứu một nội dung câu hỏi và cử đại diện trả lời.

Như vậy thực hiện các hình thức luyện tập trong dạy học tập đọc lớp 2 chúng ta cần phải chú trọng  lựa chọn đến những đồ dùng, thiết bị phù hợp cho mỗi hình  thức luyện tập sao cho phù hợp với những nội dung dạy học Tiếng Việt.

* Giúp học sinh khó khăn đọc tốt hơn:

Đối với môn tập đọc, nhất là rèn kỹ năng đọc cho học sinh dân tộc, học sinh bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ địa phương. Người giáo viên nên tổ chức cho học sinh tự kèm cặp lẫn nhau như: Học sinh khá kèm học sinh yếu đọc; học sinh người kinh phát âm chuẩn kèm cho học sinh người dân tộc, học sinh nói ngọng do tiếng địa phương..

* Phương pháp tổ chức trò chơi học tập:

Trò chơi học tập là một phương pháp cung cấp kiến thức hoặc củng cố khắc sâu nội dung kiến thức của bài thông qua một trò chơi. Có thể tận dụng trò chơi học tập để luyện đọc cho học sinh.

Trò chơi học tập là hình thức hoạt động rất phù hợp với tâm lí lứa tuổi của học sinh tiểu học. Trò chơi phù hợp, gắn với nội dung bài, hấp dẫn sẽ có tác dụng tốt với việc luyện phát âm,luyện đọc của học sinh. Trong việc đổi mới phương pháp dạy học, trò chơi học tập được coi là một nội dung học tập.

Các trò chơi học tập nhằm luyện phát âm, luyện đọc rất phong phú đa dạng sinh động.

Ví dụ:

    – Trò chơi nghe và đọc tiếng, từ, câu theo giai điệu: cao, thấp, nhanh, chậm…

    – Nghe và nhận biết các vần có trong tiếng, từ, câu và đọc lại.

    – Tìm bạn có từ cùng vần với mình và đọc.

    – Dùng tranh, hình vẽ che từ có nghĩa tương ứng trong bài đọc ứng dụng cho học sinh đoán từ và đọc.

* Dùng những trò chơi, cuộc thi để học đọc tốt.

Để thực hiện được hoạt động đọc thành tiếng một cách hấp dẫn, tránh sự nhàm chán ở học sinh, giáo viên cần tổ chức các trò chơi xen vào các hoat động tự học.Trò chơi luyện đọc thành tiếng có thể là các trò chơi sau :

  1. a) Đọc truyền điện : Đầu tiên, một học sinh đọc đúng một từ, sau đó em này chỉ định một bạn đọc từ tiếp theo. Cứ như vậy, có bao nhiêu từ thì có bấy nhiêu em đọc. Các em có thể chơi nhiều vòng để mỗi em có cơ hội đọc nhiều từ. Cách chơi tương tự khi giáo viên tổ chức cho học sinh đọc câu.
  2. b) Bắt thăm đọc bài: Trò chơi này thường được tổ chức ở các bài ôn tập. HS lần lượt bốc thăm. Từng em đọc thành tiếng bài khóa ghi trong tờ thăm.

Ví dụ: Giáo viên ghi tên bài vào bông hoa (giáo viên chuẩn bị đồ dùng) rồi cài lên cây hoa. Tổ chức cho học sinh thi hái hoa dân chủ, em nào hái bông hoa có bài đọc nào thì thi đọc bài ấy. Khi đã thi xong học sinh bình chọn bạn đọc hay nhất, cả lớp cùng tuyên dương. Cô cùng các bạn động viên, khuyến khích những bạn đọc chưa được tốt sẽ cố gắng hơn. 

  1. c) Thi đọc: Các cuộc thi đọc thường được tổ chức thành hoạt động tương tác toàn lớp. Hình thức thi có thể là bắt thăm để thi đọc giữa các cá nhân, từng nhóm đọc một đoạn của bài khóa nêu trong từng tờ thăm. Cũng có thể là thi đọc tiếp sức: mỗi nhóm đọc một đoạn của bài khóa, các nhóm nối tiếp đọc đến hết bài. Sau khi thi xong học sinh đưa ra nhận xét của mình về bài đọc thi của từng nhóm. Sau mỗi lần thi, HS có thể bình chọn nhóm có bài thi đọc tốt, có bạn đọc tốt nhất để cả lớp khen.

III.1 Kết luận:

Trong quá trình thực hiện đề tài “Rèn kĩ năng đọc cho học sinh lớp 2” tôi đã tham khảo các tài liệu dạy học của phân môn và một số tài liệu khác  cũng như học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè đồng nghiệp và dạy thực nghiệm ở khối lớp 2.

* Các nội dung mà đề tài đã nghiên cứu:

– Nắm được nội dung chương trình, phương pháp dạy học tập đọc lớp 2.

– Đề xuất được các giải pháp dạy học tập đọc lớp 2.

– Bồi dưỡng thêm những hiểu biết cần thiết, cập nhật về dạy học tập đọc ở tiểu học.

  * Kết quả của nội dung nghiên cứu:

Qua khảo sát thực tế cho thấy khi vận dụng các giải pháp mà đề tài đưa ra:

– Giáo viên nắm bắt được nội dung chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức dạy tập đọc lớp 2.

– Các giải pháp dễ vận dụng vào việc dạy học tập đọc lớp 2  nói riêng và ở Tiểu học nói chung.

– Học sinh yêu thích môn học (tập đọc…) và cảm nhận tốt hơn về văn bản được đọc.

Nếu đề tài được xem xét chấp nhận thì đó sẽ là căn cứ làm đường hướng cho việc đề xuất phương pháp, hình thức tổ chức dạy học môn tập đọc cụ thể ở trường tiểu học nhằm đạt được hiệu quả như mong muốn. Song đề tài cũng không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được sự đóng góp ý kiến của các đồng chí lãnh đạo cũng như các bạn bè đồng nghiệp để đề tài có tính khả thi hơn.

Bấm vào đây để tải về

 

 

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng