Tạo hứng thú cho học sinh khi học môn Địa Lí 7

b.1Cho học sinh có cảm giác mình là người rất quan trọng:

 Bằng cách tôn trọng học sinh. Các ý kiến của các em đưa ra dù em có là học sinh giỏi, khá, trung bình hay yếu -kém vẫn được giáo viên tôn trọng trả lời. Giáo viên tạo cho tất cả các em có đủ thời gian để trình bày sự tìm tòi, sáng tạo của bản thân về những nội dung bài học. Giáo viên chưng cầu ý kiến nhận xét từ các học sinh khác để cùng làm rõ vấn đề. Với các biện pháp: tổ chức cho hs thực hiện kĩ thuật dạy học là thảo luận theo nhóm nhỏ hoặc kỹ thuật hỏi chuyên gia.

Ví dụ 1: ở bài 1: dân số: với nội dung tìm hiểu về cách biểu hiện các đặc điểm của dân số, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh thảo luận theo nhóm nhỏ. Học sinh ở từng nhóm nhỏ sẽ làm việc với hình 1.1 về tháp tuổi (tháp dân số). Cùng với sự trợ giúp của các thành viên trong nhóm, các em sẽ dễ dàng tìm ra được các đặc điểm của dân số được biểu hiện bằng tháp tuổi: các nhóm tuổi, giới tính, đặc điểm dân số trẻ hay già (qua hình dạng tháp)…. sau khi tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm xong, giáo viên có thể hướng dẫn để học sinh tự nêu được khái niệm tháp tuổi là gì?, em đang ở độ tuổi nào?….

b.2Lồng ghép kiến thức đã học có liên quan ở lớp 6 vào từng bài dạy:

Với giải pháp này các em vừa có điều kiện hệ thống lại những nội dung kiến thức cũ, vừa có thể khẳng định được mình là người có trí nhớ tốt trước các bạn trong lớp. Lồng ghép nội dung kiến thức đã học có liên quan với nội dung bài đang học sẽ giúp các em hiểu hơn về lí do tại sao cần phải học những nội dung kiến thức từ lớp dưới. Sự logic trong quá trình lồng ghép sẽ tạo động lực để các em chuyên tâm trong học tập.Giáo viên có thể đưa ra các câu hỏi gợi nhớ kiến thức cũ và hướng học sinh hiểu vì sao phải nhắc lại kiến thức đó.

Ví dụ 1: ở bài 5: Đới nóng-môi trường xích đạo ẩm: để giúp các em tìm hiểu về giới hạn và đặc điểm của đới nóng, giáo viên sẽ đặt ra các câu hỏi như: ở lớp 6 các em đã được học về các đới khí hậu chính trên bề mặt Trái đất, em hãy kể tên các đới khí hậu chính trên Trái đất?..,các đới này có giới hạn nằm trong khoảng từ vĩ độ nào đến vĩ độ nào?.. Đường xích đạo, chí tuyến, vòng cực là đường bao nhiêu độ?..Sau khi học sinh trả lời, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh hiểu: đới nóng có giới hạn gần trùng với đới khí hậu nhiệt đới đã học, và với việc giúp học sinh nhớ lại được đường xích đạo và đường chí tuyến là những đường có góc chiếu của ánh sáng mặt trời lớn trên bề mặt Trái đất, giáo viên có thể giúp các em hiểu ngay được kiến thức về đới nóng như: Đới nóng có nhiệt độ cao quanh năm, có gió thổi thường xuyên là Tín phong Đông Bắc và Tín phong Đông Nam…

Ví dụ 2: Khi dạy bài 23: Môi trường vùng núi. Để học sinh hiểu về đặc điểm địa hình vùng núi và đặc điểm khí hậu cơ bản của vùng núi, giáo viên có thể đặt các câu hỏi có liên quan đến nội dung kiến thức đã học ở lớp 6: Núi là gì? Nhiệt độ không khí thay đổi như thế nào theo độ cao? Với các câu trả lời mà các em đã được học như: núi là một dạng địa hình nhô cao rõ rệt trên bề mặt các lục địa, các em có thể hiểu được vùng núi là vùng địa hình cao. Và với câu trả lời: càng lên cao nhiệt độ không khí càng giảm, các em sẽ hiểu được khí hậu ở môi trường vùng núi có sự thay đổi theo độ cao…

Việc lồng ghép kiến thức cũ vào bài dạy sẽ khẳng định được tính đúng đắn của tri thức, tạo ra mối quan hệ liền mạch giữa các lớp học và cấp học.

b.3Kết hợp logic giữa việc tiếp thu kiến thức lý thuyết với tìm ra kiến thức từ kênh hình.

Việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành sẽ tạo ra mối liên hệ, sự logic trong nội dung bài học. Đây cũng là điểm nhấn của sách giáo khoa mới hiện nay so với sự bố trí chương trình của sách giáo khoa cũ. Nhiều nội dung kiến thức bài học trong sách giáo khoa hiện nay được ẩn dưới dạng kênh hình, đòi hỏi người giáo viên phải tìm tòi và đầu tư hơn vào việc soạn- giảng. Kết hợp logic giữa kiến thức lý thuyết và kiến thức từ thực hành sẽ giúp các em tự khẳng định hơn về vai trò của hệ thống tranh ảnh, bản đồ, lược đồ, biểu đồ và các bảng số liệu trong quá trình học. Với giải pháp này, người giáo viên phải chuẩn bị chu đáo hệ thống kênh hình có liên quan đến bài học, vừa phải nắm chắc kiến thức lý thuyết. Giáo viên có thể sử dụng các kĩ thuật dạy học như: thảo luận nhóm, hoạt động cá nhân, thuyết giảng tích cực…

Ví dụ 1: ở bài 7: Môi trường nhiệt đới gió mùa: với hình 7.1 và 7.2, các em có thể tự tìm ra được nội dung kiến thức:

-Giới hạn của môi trường: giáo viên hướng dẫn học sinh xác định các hướng trên bản đồ và nêu vị trí giới hạn của môi trường.

-Với kiến thức về đặc điểm khí hậu chính của môi trường (có 2 mùa gió thổi trong năm)… giáo viên có thể hướng dẫn các em dựa vào lược đồ với các mũi tên chỉ hướng gió: xác định tên các mùa gió (gió mùa mùa hạ và gió mùa mùa đông), tính chất của từng mùa gió (gió mùa mùa hạ thổi từ biển vào với hướng chính là Tây nam và Đông nam; gió mùa mùa đông thổi từ đất liền ra biển với hướng chính là hướng Bắc và Đông bắc ) và liên hệ tới những thuận lợi-khó khăn trong sản xuất và đời sống của nhân dân (Với 2 mùa gió trong năm thì nhiệt độ và lượng mưa như thế nào? Có chịu tác động bởi 2 mùa gió không?..) và với những nước có địa hình và vị trí địa lí khác nhau thì lượng mưa như thế nào? để  sau đó giáo viên có thể liên hệ tới sự phân bố hoang mạc của Việt Nam so với một số quốc gia khác có cùng vĩ độ…

Ví dụ 2: Ở bài 31: Kinh tế Châu Phi: Khi dạy về dịch vụ, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh khai thác hình 31.1 để hiểu kiến thức lý thuyết. Cụ thể là: giáo viên yêu cầu học sinh đọc phần chú giải của hình, sau đó giáo viên yêu cầu học sinh dựa vào hình để trả lời câu hỏi: Các tuyến đường sắt của châu Phi đều xuất phát từ vùng nào và đi đến đâu? (học sinh sẽ dựa vào hình trả lời: Từ vùng chuyên canh nông sản xuất khẩu, vùng khai thác khoáng sản xuất khẩu đến các thành phố cảng). Từ đó giáo viên hướng dẫn cho học sinh hiểu ngành dịch vụ ở châu Phi rất đơn giản (chủ yếu là hoạt động xuất-nhập khẩu) và giáo viên hướng dẫn học sinh nêu các mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu ở châu Phi.

b.4-Linh hoạt hơn trong khâu kiểm tra bài cũ và củng cố kiến thức từng phần của bài mới.

Trong một nội dung bài học, giáo viên không nhất thiết phải kiểm tra bài cũ vào đầu giờ và củng cố bài mới dạy vào cuối giờ. Việc làm này sẽ gây nhàm chán và tạo thành thói quen xấu đối với học sinh (với các câu nói: “lại kiểm tra” hoặc một số học sinh sẽ trốn ra ngoài với nhiều lí do khác nhau để khỏi bị kiểm tra bài cũ…). Để tránh tình trạng này, giáo viên có thể thay đổi thời gian kiểm tra bài cũ và củng cố kiến thức bài mới trong mỗi tiết học.

Cụ thể: với một số tiết có thể tiến hành kiểm tra bài cũ xen trong quá trình hướng dẫn bài mới và củng cố kiến thức ở từng nội dung hoặc từng phần của bài học.

Ví dụ 1: Khi học bài 17:Ô nhiễm môi trường ở đới ôn hòa. Trong nội dung bài học có 2 mục. Mục 1 tìm hiểu về ô nhiễm không khí: giáo viên có thể hướng dẫn học sinh dựa vào hình 17.1 kết hợp với kiến thức và thực tế nêu các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Học sinh trả lời có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản nhất là khói bụi từ các khu công nghiệp…Từ nội dung kiến thức này, giáo viên có thể hỏi học sinh về hoạt động công nghiệp và sự phân bố cảnh quan công nghiệp ở đới ôn hòa (bài 15) để học sinh có thể hiểu và lý giải được mức độ gây ô nhiễm của hoạt động công nghiệp ở đới ôn hòa khi hoạt động này phát triển ở quy mô lớn.

Mục 2: ô nhiễm nước: giáo viên cũng hướng dẫn học sinh tương tự như mục 1-đó là nêu nguyên nhân gây ô nhiễm nước. Học sinh trả lời trong đó có nguyên nhân do rác thải của các chuỗi và chùm đô thị ven biển, giáo viên sẽ kết hợp yêu cầu học sinh nhắc lại các kiến thức có liên quan từ bài 16 (như: quá trình đô thị hóa ở đới ôn hòa và những vấn đề đô thị liên quan còn để lại ). Và song song với quá trình lồng ghép nội dung kiểm tra bài cũ trong quá trình dạy bài mới, giáo viên có thể tiến hành củng cố từng mục của bài. Cụ thể: ở mục 1: ô nhiễm không khí: giáo viên có thể đặt câu hỏi: theo em ô nhiễm không khí là gì? Biểu hiện của ô nhiễm không khí ta có thể ngửi, nhìn được không? Biện pháp khắc phục hiệu quả nhất là biện pháp nào?…

Ví dụ 2: Khi dạy bài 37: Dân cư Bắc Mĩ. Ở mục 1: sự phân bố dân cư: Giáo viên hướng dẫn học sinh dựa vào hình 37.1 trình bày sự phân bố dân cư ở Bắc Mĩ. Học sinh sẽ dựa vào phần chú giải, kết hợp với hình mêu sự phân bố dân cư và kết luận dân cư Bắc Mĩ phân bố không đồng đều. Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm ra nguyên nhân và yêu cầu học sinh nhắc lại đặc điểm địa hình, khí hậu của Bắc Mĩ. Phần củng cố mục 1: giáo viên có thể treo bản đồ phân bố dân cư châu Mĩ và yêu cầu học sinh xác định các vùng đông dân, thưa dân trên bản đồ.

b.5Cho hs trải nghiệm cảm xúc mới khi thay đổi cách ghi bài (sơ đồ tư duy):

Cách ghi nội dung kiến thức vào vở như bình thường sẽ gây cho các em cảm giác giống nhau: ghi, ghi và lại ghi. Các em sẽ thụ động trước kiến thức bài học vì theo em cách dạy các tiết của quý thầy cô đều tựa tựa giống nhau. Vì vậy ở một số bài, giáo viên có thể linh hoạt thay nội dung ghi truyền thống bằng hệ thống sơ đồ liên quan để tạo không khí vui vẻ trong lớp học và bắt buộc học sinh phải theo dõi tiến trình bài học.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng