Kinh nghiệm phụ đạo môn Toán cho học sinh yếu

    +  Sử dụng và kết hợp, hợp lý các phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh:

   – Ngay trong những tiết học Toán đầu năm, giáo viên chủ nhiệm đã lập kế hoạch, tham khảo với đồng nghiệp về việc sử dụng, kết hợp các phương pháp dạy học để giúp các em tiến bộ hơn. Ngoài ra, chủ nhật hàng tuần cần tới nhà học sinh, trao đổi với phụ huynh, quan sát góc học tập, xem thời gian biểu của các em và góp ý bổ sung. Từ đó, nhờ phụ huynh kèm thêm ở nhà, giáo viên theo dõi, kiểm tra ở lớp, nhờ đó mà các em tiến bộ rõ rệt nhất là phần đọc, viết số tự nhiên có nhiều chữ số.

    Ví dụ: Khi hướng dẫn các em cách đọc số tự nhiên có nhiều chữ số  nhiều em không đọc được, khi đó chúng ta cần nhẹ nhàng hướng dẫn kĩ cho các em cách đọc:

– Để đọc số tự nhiên có nhiều chữ số, người ta tách số đó thành từng lớp từ phải sang trái, cứ ba số hợp thành một lớp, viết cách nhau khoảng một chữ số, rồi đọc trong từng lớp.

                                                                                                                              

    –  Khuyến khích từng học sinh chủ động và tích cực hoạt động học tập đem lại kết quả cao nhất cho từng học sinh:

      Đối với những em yếu Toán, giáo viên không nên khắt khe đòi hỏi các em làm những bài tập quá sức, mà ra bài tập vừa sức các em làm được để các em có niềm tin trong học tập, lúc đó giáo viên khen ngợi kịp thời và tăng bài tập ở mức học sinh trung bình có thể làm được. Như vậy giao việc cho học sinh từ dễ đến vừa sức.

          Ví dụ: Khi dạy các em về tính diện tích hình tam giác giáo viên cần cho học sinh chuẩn bị hai hình tam giác nhỏ bằng nhau (bằng giấy) và kéo để các em cắt hình theo hướng dẫn của giáo viên:

        Lấy một trong hai hình tam giác bằng nhau.

       Vẽ một đường cao lên hình tam giác đó.

       Cắt theo đường cao, được hai mảnh tam giác ghi là 1 và 2

       Ghép hai mảnh 1 và 2 vào hình tam giác còn lại để thành một hình chữ nhật ABCD. Sau đó giáo viên gợi ý để học sinh tự nhận ra: Diện tích hình chữ nhật ABCD chính là diện tích của hai hình tam giác bằng nhau các em đã chuẩn bị. Từ đó các em tự tìm ra được quy tắc và diện tích tính hình tam giác. Sau khi các em nắm được bài, giáo viên ra bài tập cho các em từ  dễ dến vừa sức, chẳng hạn:

       Tính diện tích hình tam giác biết:

       * Độ dài đáy là 4m và chiều cao là 6m.

       * Độ dài đáy là 42,5m và chiều cao là 5,2m.

       * Độ dài đáy là 30,5dm và chiều cao là 1,2m.

          Như vậy, qua áp dung sáng kiến trên chúng ta đã tổ chức cho các em chủ động chiếm lĩnh kiến thức và sau đó chúng ta giao việc cho các em từ dễ dến vừa sức.

    –  Khơi dậy tính tò mò và năng lực của từng học sinh qua các hoạt động học tập nhằm khám phá để có được những hiểu biết theo bài học:

      Trong quá trình giảng dạy, ta cần có các đồ dùng trực quan đẹp, phù hợp với nội dung bài để học sinh hứng tú học tập, cần liên hệ thực tế  và mở rộng kiến thức để các em áp dụng vào cuộc sống hằng ngày.

          Ví dụ: Khi dạy về phân số, cần có mảnh bìa hình tròn, hình vuông hoặc quả cam để chia các phần bằng nhau.

          Khi dạy về đơn vị đo khối lượng cần có cân, các bài toán có lời văn nên có hình ảnh minh họa…

     –  Coi học sinh là nhân vật trung tâm của quá trình dạy học:

      Trong quá trình dạy học, người giáo viên tổ chức, hướng dẫn và là trọng tài khoa học. Mọi học sinh đều được hoạt động và phát triển.

     Giáo viên cần tránh nói nhiều và làm thay cho học sinh.

     Cần tổ chức cùng làm việc dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

      Ví dụ:   Khi dạy về Diện tích xung quanh và diễn tích toàn phân của hình lập phương thì giáo viên không nên áp đặt học sinh mà cần đưa mô hình trực quan, giáo viên tổ chức cho học sinh quan sát nhận xét rút  ra kết luận:  hình lập phương là hình hộp chữ nhật đặc biệt (có 3 kích thước bằng nhau). Học sinh tự rút ra kết luận về công thức tính diện tích xung quanh và diện tích toàn phần của hình lập phương sau đó áp dụng công thức để làm bài tập.

   – Kết hợp với cha mẹ học sinh, tổ chức học ở nhà cho học sinh.

    Qua các buổi họp phụ huynh học sinh, các buổi thăm nhà học sinh giáo viên chủ nhiệm cùng cha mẹ các em trang trí lại góc học tập, lên thời gian biểu cho các em học ở nhà, giáo dục cho các em tự giác học bài ở nhà.

     Ví dụ:   Chủ nhật tuần này đến thăm gia đình em A (là học sinh yếu Toán)  sau khi trao đổi, bàn bạc với phụ huynh, giáo viên cùng phụ huynh sắp xếp lại góc học tập cho các em, góc học tập là nơi  có đủ ánh sáng, không gần ti vi và nơi tiếp khách của bố mẹ, Sau đó lên lịch cho các em tự học.

   – Thường xuyên kiểm tra kiến thức cũ, truy bài đầu giờ:

     Giáo viên đến lớp trước 15 phút để kiểm tra.

     Lớp trưởng, tổ trưởng truy bài đầu giờ. Giáo viên khen thưởng khuyến khích tiến bộ của học sinh.

     Ví dụ: Giáo viên chia lớp thành nhiều nhóm, mỗi nhóm ba đến 4 em. Trước buổi  học các em tự ôn bài, truy bài . Chẳng hạn hôm nay tiết Toán học bài Phép cộng hai phân số khác mẫu số thì trước buổi  học đó các em truy bài, ôn bài về cách quy đồng mẫu số các phân số để khi tiếp thu kiến thức mới các em đã nắm vững khiến thức cũ, có như vậy các em mới hiểu bài, tiết dạy mới thành công.

   – . Chia nhóm, phân công bạn giỏi kèm bạn yếu

     “ Học thầy không tầy học bạn”. Để các em học sinh gần gũi nhau và giúp nhau cùng tiến bộ, xây dựng tập thể lớp đoàn kết, vững mạnh, giáo viên phân công, chia nhóm cho các em học tập ở lớp cũng như ở nhà. Bạn giỏi có trách  nhiệm giúp các bạn yếu tiến bộ, bạn yếu phải tiếp thu học hỏi.

  –  Dành thời gian, giảng giải kiến thức cũ mà học sinh chưa nắm vững:

     Muốn tiếp thu kiến thức mới thì học sinh phải nắm vững kiến thức cũ. Qua các buổi phụ đạo vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần giáo viên ôn tập và củng cố kiến thức cũ cho các em về đọc, viết số tự nhiên, các phép tính với số tự nhiên, phân số, số thập phân và giải toán có lời văn…

Ví dụ:  khi phụ đạo cho các em về đọc, viết số thập phân:

     Giáo viên hỏi học sinh: số thập phân gồm mấy phần? Là những phần nào? Được sắp xếp ở vị trí thế nào?

     Học sinh trả lời theo hiểu biết của các em.

     Sau đó giáo viên nói cho học sinh rõ:

     Phần nguyên cũng như số nguyên trước đây đã học: các chữ số được sắp xếp từ phải sang trái, kể từ dấu phẩy là các chữ số hàng đơn vị, hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn…

     Phần thập phân: kế từ dấu phẩy, các chữ số được sắp xếp từ trái sang phải là các chữ số phần mười, phần trăm, phần nghìn…

Ví dụ:

          Có số thập phân 123,456 thì:

       Phần nguyên gồm có: 1 trăm 2 chục 3 đơn vị.

       Phần thập phân gồm có: 4 phần mười, 5 phần trăm, 6 phần nghìn.

       Đọc là: Một trăm hai mươi ba phẩy bốn trăm linh sáu.

          Cho học sinh đọc số thập phân, nêu phần nguyên, phần thập phân và giá trị vị trí của mỗi chữ số ở từng hàng, rồi sau đó cho các em viết số thập phân.

Khi thầy đọc: Một trăm hai mươi ba đơn vị, các em viết 123. Sau số này các em đánh dấu phẩy. Khi thầy đọc tiếp 4 phần mười, các em viết số 4; 5 phần trăm các em viết  số 5; 6 phần nghìn các em viết số 6.

         Cuối cùng, ta được số thập phân 123,456.

         Sau đó cho học sinh nhắc lại cách đọc, viết số thập phân.

    –  Tổ chức cho học sinh ôn tập, củng cố kiến thức từng chương qua các trò chơi :

          Hình thức ôn tập này, giúp các em ôn tập, củng cố kiến thức một cách nhẹ nhàng, hứng thú và hiệu quả. Thời gian qua, trong khối lớp 5 đã tổ chức cho các em học Toán “ Vui – học, Học – vui” qua các trò chơi sau: Trò chơi “ Hái hoa dân chủ”, Trò chơi “ Chọn số”, Trò chơi “Xem ai nhớ nhất”…  Học Toán qua các trò chơi, học sinh tham gia sôi nổi, hào hứng và có sự tiến bộ rõ rệt.

          Ví dụ: Trò chơi “ Hái hoa dân chủ” dùng để ôn tập cho học sinh sau mỗi chương học. Hình thức ôn tập này, câu hỏi và bài tập là những kiến thức các em đã học, học sinh lần lượt lên hái hoa (có ghi nội dung câu hỏi hoặc bài tập) học sinh trả lời đúng nội dung câu hỏi, cả lớp và thầy cô vỗ tay khen ngợi. Hình thức ôn tập này giúp các em ôn tập, củng cố kiến thức một cách nhẹ nhàng, hứng thú và hiệu quả. Thời gian qua, khối 5 đã tổ chức được 9 buổi ôn. Học sinh tham gia sôi nổi, hào hứng.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng