NHẤT BÊN TRỌNG, NHẤT BÊN KHINH..
Một anh thờ mộc hay chữ vào làm cho nhà một ông quan hưu trí. Ông quan thấy anh ta lanh lợi, nói năng hoạt bát, mới hỏi:
– Trước kia anh có học hành được chữ gì không? Anh ta trả lời:
– Bẩm có ạ! Ông quan liền chỉ con ngựa bạch quí của mình đang đứng ăn ở góc sân, bảo:
– Anh thử làm bài thơ vịnh con ngựa xem, hay thì ta sẽ thưởng. Anh thợ mộc ứng khẩu đọc:
Bạch mã mao như tuyết (Ngựa trắng lông như tuyết) Tứ túc cương như thiết (Bốn chân cứng như sắt) Tướng công kỵ bạch mã (Ngài cưỡi ngựa trắng) Bạch mã tẩu như phi (Ngựa trắng chạy như bay) Quan gật gù khen hay, rồi thưởng cho một thúng thóc, một quan tiền.
Anh thợ ra về, gánh bên thúng thóc, bên đồ lề, thất bên nặng bên nhẹ, liền nói chữ: “Nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Quan nghe nói liền cho thêm một thúng thóc nữa để gánh cho cân. Anh ta về nhà kể lại câu chuyện cho mọi người nghe.
Có anh hàng xóm, dốt đặc cán mai, nhưng thấy được lắm tiền, lắm thóc như thế, nổi tính tham, liền bảo anh thợ mộc dạy cho bài thơ và câu nói chữ nọ. Học thuộc rồi, anh ta cũng sắp một đôi quang gánh và một ít dụng cụ vào dinh quan xin việc. Quan cũng hỏi như lần trước và anh này hí hửng đáp mình là học trò. Quan nhìn ra sân, thất bà cụ quét sân bèn bảo anh ta làm thơ vịnh bà cụ. Anh này đã hơi lúng túng, vì chỉ thuộc mỗi bài thơ vịnh con ngựa, bây giờ biết vịnh bà cụ thế nào? Nhưng đã trót thì phải trét cũng ứng khẩu đọc:
Bà cụ mao như tuyết… Quan gật đầu: – ừ, được đấy! Nghe quan khen, anh ta vững bụng đọc tiếp: Tứ túc cương như thiết. Quan cau mày:
– ý hơi ép, nhưng cũng tạm được, ngâm tiếp đi! Mừng quá, anh này đọc một mạch: Tướng công kỵ bà cụ, Bà cụ tẩu như phi. Quan nghe xong giận quá, quát người nhà nọc ra đánh cho ba mươi roi vào mông. Ðứng dậy anh ta vừa xoa vừa nói: “Nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Quan nghe nói liền bảo đánh thêm ba mươi roi nữa và lưng cho cân.
LAU NHAU NHƯ CHÓ…
Vì là dân ngụ cư, Xiển thường bị bọn cường hào trong làng chèn ép. Ðể trả thù, nhân một hôm cả bọn đang họp việc làng, chè chén cãi nhau ỏm tỏi, Xiển tìm một cái nồi vỡ, bỏ vào tít cứt người lẫn nước, đem đến chỗ đầu gió vừa đun vừa khuấy.
Gió đưa mùi thối bay vào chỗ bọn cường hào đang họp. Chúng không chịu được, chạy ra tranh nhau quát tháo ầm ĩ. Xiển xin lỗi và phân trần:
– Thưa các ông, nhà tôi có một ổ chó con trở chứng, đòi ăn cứt sốt, cho nên phải đun cho chúng một ít.
Lý trưởng trừng mắt hỏi:
– Ai bảo chú làm thế.
Xiển đáp:
– Thưa các ông, người ta thường nói: “Lau nhau như chó đau tranh nhau cứt sốt”. Thấy người ta nói như vậy thì tôi cũng làm như vậy thôi.
NGỰA CHẾT NHIỀU QUÁ !??!
Vị đại tá đi một vòng để kiểm tra nhưng không thấy người lính nào trong trại. Một lúc sau, một người lính vội chạy đến, thở hổn hển nói:
– Xin lỗi thưa ngài! Hãy cho tôi giải thích, tôi đã có một cuộc hẹn nhưng bị trễ một chút, tôi chạy ra trạm xe buýt nhưng không kịp, tôi đã mướn một chiếc taxi nhưng giữa đường thì bị bể bánh, lúc ấy tôi tìm thấy một trang trại và mua được một con ngựa nhưng chạy một lúc thì nó lăn ra chết, tôi đã phải chạy suốt 10 dặm đường và cuối cùng đã về tới đây.
Vị đại tá tỏ vẻ hoài nghi nhưng biết không làm gì được ông cho anh ta đi. Một lúc sau, thêm 8 người lính xuất hiện trước mặt ông, ông hỏi họ tại sao lại về trễ. Và họ nói y như người lính đầu tiên:
– Xin lỗi thưa ngài! Hãy cho chúng tôi giải thích, tôi đã có một cuộc hẹn nhưng bị trễ… Tôi đã phải chạy suốt 10 dặm đường và cuối cùng đã về tới đây.
Vị đại tá nhìn họ đầy ngờ vực nhưng vẫn cho cả bọn đi. đúng lúc này người lính thứ 9 vội chạy tới người đầy mồ hôi.
– Xin lỗi thưa ngài! Hãy cho tôi giải thích, tôi đã có một cuộc hẹn nhưng bị trễ một chút, tôi chạy ra trạm xe buýt nhưng không kịp, tôi đã mướn một chiếc taxi nhưng…
– Để tôi đoán coi nào , Vị đại tá cắt ngang : Chiếc xe bị bể bánh phải không?
– Không ạ , Người lính nói : Có quá nhiều con ngựa chết trên đường đi, mất rất nhiều thời gian để vượt qua chúng.