* Biện pháp 1: Luyện phát âm.
Muốn học sinh viết đúng chính tả, giáo viên phải phát âm chuẩn, cần luyện phát âm cho học sinh để phân biệt các thanh điệu, các âm đầu, âm chính, âm cuối vì chữ quốc ngữ là chữ ghi âm “phát âm thế nào, chữ ghi lại thế ấy”.
Việc rèn phát âm không chỉ được thực hiện trong tiết Tập đọc, Luyện từ và câu, Tập làm văn… mà được thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài trong tất cả các tiết học; trọng tâm trong phân môn chính tả, tôi thường luyện viết sau đó luyện phát âm những chữ ghi tiếng khó hoặc dễ lẫn lộn (tiếng mang vần khó, tiếng có âm, vần dễ viết sai do ảnh hưởng của phương ngữ hay thói quen).
Đối với những học sinh còn yếu về mặt phát âm, tôi thường nhắc nhở các em chú ý nghe đọc để viết cho đúng. Vì vậy, giáo viên phải cố gắng phát âm rõ ràng, tốc độ vừa phải mới có thể giúp học sinh viết đúng được.
Song song với việc luyện phát âm cho học sinh, khâu phân tích so sánh tiếng, từ cũng rất quan trọng trong giờ học chính tả.
* Biện pháp 2: Phân tích, so sánh.
Với những tiếng khó, tôi đã áp dụng biện pháp phân tích cấu tạo tiếng, so sánh với những tiếng dễ lẫn lộn, nhấn mạnh điểm khác nhau để các em ghi nhớ.
Ví dụ: Khi viết tiếng “muống” học sinh dễ lẫn lộn với tiếng “muốn”, giáo viên yêu cầu học sinh phân tích cấu tạo hai tiếng này.
So sánh để thấy sự khác nhau: Tiếng “muống” có âm cuối là “ng” tên của một loại rau (rau muống), tiếng “muốn” có âm cuối là “n” thường ghép sau một tiếng tạo nên từ trong câu văn có nghĩa. Ví dụ: mong muốn…, ước muốn… Giúp học sinh ghi nhớ điều này, khi viết, các em sẽ không viết sai.
Do phương ngữ của từng vùng miền khác nhau, cách phát âm đôi khi chưa thống nhất với chữ viết nên học sinh cần nắm rõ nghĩa của từ để viết cho đúng.
* Biện pháp 3: Giải nghĩa từ.
Việc giải nghĩa từ thường được thực hiện trong tiết Luyện từ và câu, Tập đọc, Tập làm văn… và cũng là việc làm rất cần thiết trong tiết Chính tả, khi mà học sinh không thể phân biệt từ khó dựa vào phát âm hay phân tích cấu tạo tiếng.
Có nhiều cách để giải nghĩa từ: Có thể cho học sinh đọc chú giải, đặt câu (nếu học sinh đặt câu đúng tức là học sinh đã hiểu nghĩa từ), tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, miêu tả đặc điểm hoặc sử dụng vật thật, mô hình, tranh ảnh,…
Ví dụ: Phân biệt mắt và mắc
+ Giải nghĩa từ mắt: Cho học sinh quan sát hình ảnh đôi mắt (cơ quan để nhìn).
+ Giải nghĩa từ mắc: Có thể cho học sinh đặt câu với từ mắc (mắc lỗi).
Với những từ nhiều nghĩa, giáo viên phải đặt từ đó trong văn cảnh cụ thể để giải nghĩa từ.
* Biện pháp 4: Ghi nhớ mẹo luật chính tả.
– Mẹo luật chính tả là các hiện tượng chính tả mang tính quy luật chi phối hàng loạt từ, giúp khắc phục lỗi chính tả cho học sinh một cách rất hữu hiệu. Ngay từ lớp 1, các em đã được làm quen với luật chính tả đơn giản như: các âm đầu k, gh, ngh chỉ kết hợp với các nguyên âm i, e, ê. Ngoài ra, giáo viên có thể cung cấp thêm cho học sinh một số mẹo luật khác như:
+ Để phân biệt âm đầu tr/ch: Đa số các từ chỉ đồ vật trong nhà và tên con vật đều bắt đầu bằng ch. Như: chăn, chiếu, chảo, chổi, chai, chày, chén, chum, chạn, chõ,… chuột, chó, chuồn chuồn, châu chấu…
+ Để phân biệt âm đầu s/x: Đa số các từ chỉ tên cây và tên con vật đều bắt đầu bằng s: Sả, sung, sắn, sim, su su, sầu riêng, sáo, sâu,…
+ Luật bổng – trầm: Trong các từ láy điệp âm đầu, thanh của 2 yếu tố ở cùng một hệ bổng (ngang/sắc/hỏi) hoặc trầm (huyền/ngã/nặng). Để nhớ được 2 nhóm này, tôi đã dạy cho học sinh thuộc 2 câu thơ:
Em Huyền mang nặng, ngã đau
Anh Ngang sắc thuốc, hỏi đau chỗ nào.
Nghĩa là đa số các từ láy âm đầu, nếu yếu tố đứng trước mang thanh huyền, nặng, ngã thì yếu tố đứng sau sẽ mang thanh ngã, nếu yếu tố đứng trước mang thanh ngang, sắc, hỏi thì yếu tố đứng sau sẽ mang thanh hỏi (hoặc ngược lại).
Ví dụ: * Bổng
Ngang + hỏi: Che chở, mong mỏi, …
Sắc + hỏi: Nhắc nhở, sắc sảo, …
Hỏi + hỏi: Lỏng lẻo, thủ thỉ,…
* Trầm:
Huyền + ngã: Truyền nhiễm, màu mỡ, …
Nặng + ngã: Nhẹ nhõm, đẹp đẽ,…
Ngã + ngã: Dễ dãi, lẽo đẽo, …
Cũng có thể cung cấp thêm cho học sinh mẹo luật sau:
+ Đa số các từ có âm đầu là M, N, Nh, V, L, D, Ng thì viết là dấu ngã (Mình Nên Nhớ Viết Là Dấu Ngã).
*Ví dụ: M: mãn nguyện; N: nữ giới; Nh: nhẫn nại; V: vũ trang; L: lễ phép; D: dũng cảm; Ng: ngữ pháp,……
+ Để phân biệt các vần dễ lẫn lộn:
Một số từ có vần ênh chỉ trạng thái bấp bênh, không vững chắc: Chông chênh, lênh đênh, bập bềnh, lênh khênh,…
Hầu hết các từ tượng thanh thì có tận cùng là ng hoặc nh: loảng xoảng, leng keng, thình thịch,…
*Biện pháp 5: Giúp học sinh viết đúng chính tả qua các bài tập .
Khi tổ chức các hoạt động thực hành luyện tập, tôi lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với từng đối tượng học sinh và phù hợp với từng nội dung bài tập nhằm tạo hứng thú, phát huy tính tích cực của học sinh trong giờ học.
Trong quá trình học sinh làm bài tập, tôi thường tổ chức các em thảo luận nhóm làm bài dưới sự hướng dẫn của giáo viên để giúp học sinh tự tìm ra kiến thức bài tập. Đối với các dạng bài tập khó, thì tổ chức cho học sinh luyện tập dưới hình thức trò chơi hoặc thảo luận nhóm, hiệu quả việc sửa chữa lỗi sẽ tốt hơn.
Ngoài ra có thể đưa thêm các dạng bài tập chính tả khác nhau để giúp học sinh tập vận dụng các kiến thức đã học, làm quen với việc sử dụng từ trong văn cảnh cụ thể. Sau mỗi bài tập, tôi đã rút ra các quy tắc chính tả để các em ghi nhớ.
+ Bài tập trắc nghiệm:
* Khoanh tròn vào chữ cái trước những chữ viết đúng chính tả:
- lũ lục b. lũ lụt
- dang sơn d. giang sơn
- xích lô g. sích lô
* Điền chữ Đ vào ô trống trước những chữ viết đúng chính tả và chữ S vào ô trống trước những chữ viết sai:
Khoan khoang tàu
buồn bả buồn bã
giảng bài dảng bài
* Nối các tiếng ở cột A với các tiếng ở cột B để tạo thành những từ viết đúng chính tả:
A B
đổ tay
đỗ xanh
vẫy rác
vẩy cá
+ Bài tập chọn lựa:
*Chọn từ thích hợp trong ngoặc điền vào chỗ trống trong câu sau:
Lan….soạn bánh kẹo, hộp……, nước ngọt để thăm bạn ốm. (sửa, sữa)
Nhìn hoa…. đẹp, bé không…. ngắt. (nỡ, nở).
Em Hà …quét nhà, thỉnh thoảng em ngắm vườn rau xanh …(biếc, biết)
Đêm Trung thu, chúng em phá… rồi nghe bà kể chuyện…tích. (cổ, cỗ)
Bé Mai ….tranh với …. mặt rất tươi. (vẻ, vẽ)
+ Bài tập phát hiện:
*Tìm từ sai chính tả trong câu sau và sửa lại cho đúng:
. Tiếng cô dáo giản bài trang ngiêm mà ấm áp.
. Nhà không có chó, bé đành chơi với Cún Bông, con chó của bát hàng sóm.
+ Bài tập điền khuyết:
* Điền vào chỗ trống:
l/n: ….ong lanh, nao…úng ; s/x: nước …ôi, ăn …ôi.
ia/ya: đêm khu…..; cây m…; c/k: cây …ầu, dòng …ênh
im/ iêm: l……khiết; trái t….. iêt/ iêc : bữa t….. ; thời t…..
+ Bài tập tìm từ:
Học sinh tìm từ ngữ chứa âm, vần dễ lẫn qua gợi ý nghĩa của từ, qua gợi ý từ đồng âm, từ trái nghĩa.
*Tìm các tiếng chứa tiếng bắt đầu bằng iên hoặc iêng có nghĩa như sau:
– Bộ phận trên mặt người dùng để nói, ăn uống:
– Thức ăn bằng tinh bột, chế biến bằng sợi dài:
*Tìm các tiếng có thanh hỏi hoặc thanh ngã có nghĩa như sau:
– Trái nghĩa với khó:
– Chỉ bộ phận cơ thể ở ngay dưới đầu:
– Chỉ bộ phận cơ thể dùng để ngửi:
+ Bài tập phân biệt:
*Chọn chữ trong ngoặc đơn để điền vào chỗ trống:
(ước/ ướt): mong ….. ; khăn……
(nổi/ nỗi): ……buồn ; …… tiếng.
(lược/ lượt): lần…..; cái……
+ Bài tập giải câu đố:
* Điền tiếng có vần iêt hoặc iêc vào chỗ trống rồi giải câu đố sau:
Mùa gì cây lá….. xanh
Trăm hoa đua nở…….thành bài thơ.
(là mùa….)
* Điền tiếng có vần uôc hoặc uôt vào chỗ trống rồi giải câu đố sau:
Có sắc- để uống hoặc tiêm
Thay sắc bằng nặng- là em nhớ bài.
(là các tiếng….)
*Biện pháp 6: Giúp học sinh viết đúng chính tả khi chữa bài:
Sau khi học sinh viết xong bài chính tả, tôi thường cho học sinh tự chữa lỗi của mình qua bài mẫu trên bảng cụ thể và hướng dẫn kĩ để học sinh dễ nhớ.Vị trí chỗ ngồi thường 2 em trong một bàn (em khá kèm em yếu) nên tôi thường hướng dẫn sửa lỗi chính tả theo nhóm đôi. Mỗi nhóm do một em khá, giỏi phụ trách dưới sự gợi ý của giáo viên, nhóm trưởng hướng dẫn bạn trong nhóm phát hiện ra lỗi chính tả trong các bài viết của bạn, cùng bàn bạc thống nhất cách chữa lỗi đó.Qua cách chữa lỗi nhóm đôi, tôi thấy có hiệu quả hơn so với cách chữa lỗi truyền thống ( học sinh đổi vở lẫn nhau, sau đó chữa lỗi vở bạn. Biện pháp này chỉ hiệu quả đối với học sinh khá giỏi, còn học sinh yếu chưa phát hiện lỗi sai mặc dù nhìn bài mẫu của giáo viên để chữa lỗi.)
Đối với những học sinh mắc nhiều lỗi do ảnh hưởng của tiếng địa phương hoặc thói quen, giáo viên cần chữa bài cho các em đó, chỉ ra từng lỗi sai và cho các em viết lại các từ đã sửa trong vở luyện chữ (vở luyện chữ đem theo từng buổi học) vì buổi học chính khoá học sinh viết trong vở Thực hành chính tả. Nếu các em sai trên 5 lỗi thì cho chép lại toàn bài.
Qua mỗi bài tập, giáo viên tổng kết ý kiến và chốt lại nội dung kiến thức cần ghi nhớ và kĩ năng cần rèn luyện. Quá trình chữa lỗi sai trong vở bài tập Luyện từ và câu và nhất là phân môn Tập làm văn, giáo viên cần chú ý hơn vì nếu các em viết văn sai âm, vần, thanh thì nghĩa sẽ khác đi, bài văn đó sẽ không hoàn hảo và người đọc sẽ không hiểu ý bài văn viết gì.
* Biện pháp 7: Khắc phục lỗi chính tả do đặc điểm tâm sinh lí học sinh.
Song song với các biện pháp trên, tôi thường dùng biện pháp tổ chức cho học sinh: “Thi viết đúng, viết đẹp” các từ khó ở đầu giờ học, các em rèn viết trong bảng con, giáo viên nhận xét chấm điểm thi đua theo từng tổ, khen thưởng động viên khích lệ tinh thần học tập của học sinh. Ngoài giờ học, tôi hướng dẫn các em viết nội dung các bài tập đọc, chính tả đã học hoặc các bài tập đọc tùy thích vào vở “luyện viết” ở nhà. Động viên chấm điểm vào thứ sáu hằng tuần. Đối với học sinh không sai lỗi trong các vở học, trình bày sạch sẽ, tôi thường khuyến khích, khen thưởng các em bằng những phần thưởng nhỏ như: cục tẩy, nhãn tên, thước kẻ giáo viên tuyên dương trước lớp để các bạn noi gương.
Cuối tiết chính tả, tôi thường tổ chức trò chơi “Em yêu Tiếng Việt” học sinh rất hứng thú, hồ hởi khi tham gia trò chơi, cụ thể các bài tập sau:
* Bài tập trắc nghiệm :
Khoanh tròn vào chữ cái trước từ ngữ viết đúng chính tả:
a – mạnh mé b – mạnh mẽ c – xôn sao
d – lười biến đ – lười biếng e – ngôi sao
* Bài tập điền Đúng /Sai :
Điền chữ Đ vào ô trống trước những chữ viết đúng chính tả và chữ S vào ô trống trước những chữ viết sai chính tả:
hoa mai hao mai
chủ nhật giất ngủ
Qua mỗi bài tập, giáo viên tổng kết ý kiến và chốt lại nội dung kiến thức cần ghi nhớ và kĩ năng cần rèn luyện, đồng thời tạo hứng thú cho các em say mê trong mỗi giờ học chính tả.
Tóm lại việc kết hợp luyện tập chính tả với việc rèn luyện cách phát âm, củng cố nghĩa của từ, trau dồi về ngữ pháp Tiếng Việt, góp phần phát triển một số thao thác tư duy như: Nhận xét, so sánh, liên tưởng, ghi nhớ,…của học sinh.