1. Thông qua việc hỏi- đáp dẫn dắt học sinh đi đến kết luận khoa học:
Việc đối thoại giữa giáo viên và học sinh được tiến hành trên cơ sở một hệ thống câu hỏi do giáo viên soạn, nhằm khơi gợi, dẫn dắt học sinh đi đến kết luận khoa học hoặc vận dụng vào thực tế. Biện pháp này có tác dụng tốt đối với việc huy động vốn tri thức và kinh nghiệm đã có ở học sinh vào việc tìm tòi kiến thức mới, và được áp dụng cả khi dạy học theo nhóm, lớp. Vì vậy khi soạn câu hỏi , GV cần có mục đích dứt khoát, rõ ràng tránh hỏi chung chung.
Ví dụ: đất ở sân trường màu gì? Không rõ là câu hỏi về màu sắc ,độ ẩm hay các thành phần có trong đất.
Tránh các câu hỏi chỉ trả lời có hoặc không, đúng hoặc sai vì những câu hỏi như vậy ít kích thích HS suy nghĩ. Khi học sinh trả lời nhát gừng như vậy giáo viên nên hỏi “tại sao”, “ vì sao”,…
Ví dụ: nước có lợi không?
Câu hỏi phải bám sát vào trọng tâm, góp phần thực hiện mục tiêu của bài. Các câu hỏi có sự liên kết, lô gich tạo thành một hệ thống câu hỏi dẫn dắt học sinh giải quyết vấn đề. Tăng cường câu hỏi mamg tính tư duy, động não.Như vậy, hỏi – đáp trong dạy học có thể diễn ra nhiều chiều: Giáo viên- học sinh( giáo viên nêu câu hỏi); Học sinh- học sinh( HS đặt câu hỏi cho nhau) ; học sinh – giáo viên( HS nêu câu hỏi).
2. Tập thói quen quan sát, nhận xét sự vật, hiện tượng để rút ra kết luận khoa học:
Từ cách hỏi đáp như vây thì quan sát nhận xét sự vật lại là cách giúp học sinh sử dụng thị giác phối hợp với các giác quan khác xem xét các sự vật, hiện tượng một cách có ý thức, có mục đích, có kế hoạch để thu thập thông tin về sự vật, hiện tượng, nắm bắt kiến thức nhanh, kích thích sự tò mò khám phá của học sinh. Đối tượng quan sát có nhiều loại khác nhau như vật thật, các sự vật hiện tượng thường xảy ra trong môi trường hay tranh ảnh, mô hình, sơ đồ, lược đồ,…Có thể tổ chức cho các em quan sát các nhân, nhóm hoặc lớp. Tất cả các nhóm dược quan sát một đối tượng, giải quyết chung một nhiệm vụ hoặc mỗi nhóm giao nhiệm vụ riêng với đối tượng quan sát.
Để làm tốt điều đó, giáo viên cần chuẩn bị một số câu hỏi khi quan sát. Các câu hỏi phải yêu cầu học sinh sử dụng các giác quan như: hãy nhìn, hãy nghe, hãy sờ tay,…Hướng dẫn các em quan sát từ tổng thể đến các bộ phận, từ ngoài vào trong so sánh các sự vật hiện tượng khác đã biết để tìm ra sự giống và khác nhau mà đi đến kết luận chung. Cách dạy học này nhằm nâng cao sự nhanh nhẹn, khám phá, phân tích ,tổng hợp các sự vật, hiện tượng khoa học.
* Ví dụ: bài: Nhu cầu không khí của thực vật.
Học sinh tự quan sát hình 1,2 trang 120,121 /SGK đậưt câu hỏi và trả lời.
– Trong quang hợp thực vật hút khí gì và thải ra khí gì?
– Trong hô hấp thực vật hút khí gì và thải ra khí gì?
– Quá trình quang hợp xảy ra khi nào?
– Điều gì xảy ra với thực vật nếu một trong hai qúa trình ngừng hoạt động?
3. Tổ chức thực hành thí nghiệm giúp học sinh nắm bắt kiến thức:
Đây là giúp học sinh sử dụng các dụng cụ thí nghiệm tái tạo lại hiện tượng như đã xảy ra trong thực tế. Thí nghiệm được sử dụng trong các bài học về sự vật, hiện tượng xảy ra trong tự nhiên. Nội dung thí nghiệm đơn giản, phải phù hợp với khả năng tiếp thu của HS, không nên đưa vào dạy học các thí nghiệm phức tạp, yêu cầu nhiều dụng cụ. Thí nghiệm phải theo quy trình, lí giải rõ ràng đi đến kết luận khoa học. Đảm bảo an toàn, vệ sinh trong quá trình thí nghiệm.
Việc tiến hành thí nghiệm có thể do chính các em thực hiện dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên hoặc GV tiến hành theo hướng dạy học nêu vấn đề. Muốn vậy, cần chuẩn bị tốt dụng cụ thí nghiệm. Với cách dạy này giúp các em phát huy được tinh thần ham học hỏi, chủ động tìm ra kiến thức kích thích niềm đam mê khoa học, sáng tạo trong học tập.
Ví dụ: Bài 23: Không khí chuyển động tạo thành gió ( KH lớp 4)
– HS tiến hành làm thí nghiệm và đặt câu hỏi cho bạn:
– Để một tờ giấy mỏng trước một cuốn sách dày, dùng tay mở cuốn sách ra, đóng nhanh lại. 1 số em lên thực hiện cách làm này.
– Hỏi:
– Tờ giấy đặt trước cuốn sách sẽ nằm yên hay bay đi?
– Tại sao tờ giấy bay?
- HS phán đoán hiện tượng.
- Dẫn dắt học sinh đi đến kết luận: Không khí chuyển động tạo thành gió. Gió tác động vào các vật trên đường nó thổi qua.
* Hay bài: Nước có những tính chất gì?
Học sinh tự làm các thí nhgiệm để rút ra các tính chất của nước.
4. Rèn cho học sinh làm quen với khảo sát và điều tra:
Đây là cách tổ chức, hướng dẫn học sinh tìm hiểu một số vấn đề. Sau đó phân tích, so sánh, khái quát các thông tin để rút ra kết luận cần thiết. phương pháp này có thể tiến hành rộng rãi trên lớp, ngoài trời, ở địa phương, cá nhân hoặc nhóm và thời lượng khác nhau. Nhằm giúp học sinh hoạt động độc lập, sáng tạo, tìm hiểu môi truờng tự nhiên quanh em. Qua đó bồi dưỡng thái độ quan tâm đến môi trường xung quanh và giáo dục các em tình yêu quê hương đất nước. Từ đó các em biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế và gắn những hiện tượng ngoài thực tế vào bài học.
Các em vận dụng các hình thức khảo sát và điều tra như : Quan sát trực tiếp, phỏng vấn, nghe báo cáo, thu thập hiện vật, tranh ảnh, tư liệu, bảng thống kê,…Sau đó các em so sánh, phân tích, phân loại tổng hợp để rút ra nhận xét mà viết báo cáo hoặc trưng bày. Hoạt động này thường được giao khi học bài ở nhà.
- Ví dụ: Tìm hiểu chúng ta dùng bao nhiêu nước mỗi ngày?
– Thời gian: 1 tuần. Chia mỗi nhóm 2 em để điều tra.
– Lập bảng danh mục về tất cả các hoạt động cần tới nước của chính bản thân em trong 1 ngày.
Sau đó lấy tổng số nước của một người nhân số người trong lớp( gia đình) được số nước đã dùng, nhân cho giá tiền 1m3 nước sạch xem một ngày tiêu thụ hết bao nhiêu tiền.
Từ đó thảo luận để có thể tiết kiệm nước ở những hoạt động không cần thiết.
5. Học sinh thể hiện hiểu biết khoa học bằng cách đóng vai:
Để thể hiện sự hiểu biết khoa học của mình, học sinh đóng vai khác nhau, thể hiện các sự vật hiện tượng diễn ra trong tự nhiên. Các em hoạt động theo suy nghĩ và sáng tạo của mình. Đóng vai có thể diễn ra tức thì không cần chuẩn bị công phu, cầu kì. Qua đó giúp học sinh hứng thú tìm tòi, suy nghĩ, huy động vốn kiễn thức và kỹ năng, trí tưởng tượng vào việc đóng vai, giúp các em mạnh dạn trong giao tiếp, biết cách tổ chức và bày tỏ được ý kiến của mình. Học sinh nhận vai theo hướng dẫn của giáo viên, trao đổi với nhau về lời lời thoại theo sáng kiến của từng thành viên, học sinh trình diễn nội dung hoạt động đó. Cả lớp thảo luận nội dung và rút ra kết luận. Hoạt động này không diễn ra cả tiết học mà chỉ ở một số hoạt động.
- Ví dụ: Khi diễn tả Mây hình thành như thế nào? Mưa từ đâu ra?
Các em có thể đóng các vai ở phần trò chơi: Giọt nước, Hơi nước, Mây trắng, Mây đen, Giọt mưa.
6. Giúp học sinh tiếp thu bài qua cách giảng giải, kể chuyện khoa học”
Đây là cách mà người dạy truyền đạt cho người nghe những nội dung cần thiết, theo cách diễn đạt sinh động có hình ảnh. Kể về một phát minh, mô tả một hiện tượng khoa học, trình bày hay giải thích một cách ngắn gọn, xúc tích các thông tin cần thiết. Nó không diễn ra suốt cả tiết học mà nó xen kẽ với các hoạt động dạy học khác. Qua đó giúp học sinh dễ tiếp thu bài và phát triển trí tưởng tượng. Vì vậy, giáo viên cần có ngữ điệu phù hợp, trong sáng kết hợp lời kể với cử chỉ hoặc minh họa bằng tranh, sơ đồ. Dự kiến các câu hỏi yêu cầu học sinh suy nghĩ, phân tích thảo luận câu chuyện.
Ví dụ: Bằng lời nói kết hợp với sơ đồ giúp học sinh hiểu vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên. (Sơ đồ vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên. Lớp 4).
Muốn đạt hiệu quả cao giáo viên phải lưu ý một số kĩ thuật cần thiết như: lời nói rõ ràng, thông tin chính xác, tích cực, ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, biểu cảm, nhấn mạnh điểm cần thiết, nêu câu hỏi nghi vấn, tạo tình huống hấp dẫn. Yêu cầu học sinh đặt câu hỏi để trao đổi. Tăng cường sử dụng các phương tiện trực quan như: sơ đồ, bảng số liệu, tranh ảnh,…Đồng thời nên phối hợp trình bày miệng với máy chiếu. Nhằm giúp các em phát huy được tinh thần tự học nắm bắt thông tin chính xác.
- Ví dụ: Kết thúc hoạt động 3. bài: Sự chuyển thể của chất ( lớp 5)
Giáo viên tổng kết: Qua những ví dụ trên cho thấy, khi thay đổi nhiệt độ các chất có thể chuyển từ thể này sang thể khác, sự chuyển thể này là một dạng biến đổi lí học.
7. Thông qua dạy học nêu vấn đề, giúp học sinh tự giải quyết vấn đề kích thích sự động não:
Nhằm phát triển trí thông minh và tinh thần tự học của học sinh thì giáo viên đặt ra trước cho học sinh một vấn đề hay một hệ thống những vấn đề đưa học học sinh vào tình huống có vấn đề, kích thích học sinh tự giác có nhu cầu muốn giải quyết vấn đề. Từ đó giúp học sinh tự lực giải quyết vấn đề khi đứng trước sự lựa chọn một trong nhiều phương án giải quyết.
* Ví dụ: Trong các vật sau vật nào là vật tự phát sáng?
Mặt trời, trái đất, ngọn nến.
Vấn đề đặt ra là mọt sự kiện, hiện tượng mà học sinh khó có thể dùng những hiểu biết, vốn tri thức mà giải quyết được.
Chẳng hạn: Tại sao ban ngày gió lại từ biển thổi vào đất liền?
Tại sao ban đêm gió lại từ đất liền thổi ra biển?
Dạy học nêu vấn đề tuy có nhiều ưu điểm như giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo và khả năng vận dụng tri thức vào tình huống mới. Tuy vậy không phải bài nào cũng vận dụng được mà tùy thuộc vào sự mâu thuẫn chưa thực sự gay gắt, chưa thực sự xuất hiện thì chưa nên sử dụng. Vì tâm lí của các em còn nhỏ
Hoặc giáo viên dùng cách đưa ra một tình huống hay một yêu cầu nào đó, yêu cầu học sinh phải suy nghĩ, tư duy (có thể dùng sơ đồ tư duy) phân tích, phán đoán có khoa học và rút ra kết luận chung cho các sự vật, hiện tượng. Cách dạy học này nhằm giúp học sinh tự giác tìm ra cái mới, bắt buộc em nào cũng phải suy nghĩ, thường diễn ra khi hoạt động cá nhân.
Chẳng hạn: Vẽ hoặc viết sơ đồ vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên theo trí tưởng tượng của em? (HS dùng sơ đồ tư duy để thực hiện).
Như vậy việc áp dung một số biện pháp dạy học trong môn Khoa học là đổi mới các hình thức tổ chức dạy học để tạo ra sự tương ứng cần thiết. Sự đa dạng của các biện pháp dạy học đòi hỏi phải có hình thức dạy học thích hợp. Tổ chức dạy học tốt tạo cơ hội cho học sinh chủ động tiếp thu kiến thức hơn và các em có thời gian thảo luận trao đổi với nhau nhiều hơn. Qua đó, giúp các em tư duy, phán đoán các hiện tượng khoa học, các sự vật diễn ra trong tự nhiên và các mối quan hệ giữa con người với môi trường và ngược lại, tính chất của một vật,…
8. Kết hợp với các giáo viên bộ môn, cộng đồng, dựa vào tâm sinh lí của học sinh để cùng giáo dục học sinh:
Để nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục môn Khoa học, không chỉ giáo viên Tiểu học mà còn có sự phối hợp nhịp nhàng với các giáo viên bộ môn để rèn ý thức học tập cho các em. Đặc biệt là sự liên kết với phụ huynh học sinh và cộng đồng nhằm giúp các em chuẩn bị các thí nghiệm, vật thật, tranh ảnh, …tạo điều kiện tốt nhất cho các em tham gia vào việc học. Trò muốn giỏi thì phải có thầy dạy dỗ, nhưng không phải tất cả dồn hết lên vai thầy, gia đình cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình học tập của con em mình. Sự hợp tác giữa nhà trường và gia đình sẽ giúp phần nào tăng chất lượng giáo dục.
- Ví dụ: Bài ăn uống khi bị bệnh ( lớp 4)
Việc ăn uống ở nhà cần có sự phối hợp giúp đỡ của cha mẹ hay người thân, giúp các em hiểu khi bị bệnh phải ăn uống thế nào cho hợp lí nhằm tăng sức đề kháng, nâng cao sức khỏe.
Ngoài việc áp dụng các biện pháp giáo dục ở trên, thì hiểu tâm lí của các em cũng vô cùng quan trọng tạo nên hiệu quả giờ dạy. Ở tiểu học, các em rất hiếu động, tri giác mang tính xúc cảm, trẻ thích quan sát các sự vật hiện tượng có màu sắc sặc sỡ, hấp hẫn, tri giác của trẻ đã mang tính mục đích, có phương hướng rõ ràng. Ở cuối tuổi tiểu học, tưởng tượng tái tạo đã bắt đầu hoàn thiện, từ những hình ảnh cũ trẻ đã tái tạo ra những hình ảnh mới. Do đó nhà giáo phải phát triển tư duy và trí tưởng tượng của các em bằng cách biến các kiến thức “khô khan” thành những hình ảnh có cảm xúc, đặt ra cho các em những câu hỏi mang tính gợi mở, thu hút các em vào các hoạt động nhóm, hoạt động tập thể để các em có cơ hội phát triển quá trình nhận thức của mình. Lớp 4, lớp 5 trẻ dần hình thành kĩ năng tổ chức, điều chỉnh ý thức của mình và đã có sự nổ lực trong học tập. Do vậy, giáo viên nên giao cho các em những công việc hay bài tập đòi hỏi sự chú ý và giới hạn thời gian. Để bồi dưỡng năng lực ý chí cho học sinh, đòi hỏi giáo viên phải có sự kiên trì bền bỉ. Muốn vậy thì trước hết mỗi bậc cha mẹ, thầy cô phải trở thành tấm gương về nghị lực trong mắt trẻ. Lúc này tình cảm của trẻ chưa bền vững, dễ thay đổi. Chính vì thế, việc giáo dục tình cảm cho học sinh tiểu học cần có sự khéo léo, tế nhị khi tác động đến các em. Nên dẫn dắt các em đi từ hình ảnh trực quan sinh động, hấp dẫn, thông qua các hoạt động cụ thể như trò chơi đóng vai, các hoạt động tập thể ở trường lớp. Nhân cách của các em lúc này rất hồn nhiên, vô tư, trong sáng thật thà và ngay thẳng. Hiểu được những điều này thì cha mẹ hoặc thầy cô giáo phải dùng những lời lẽ nhẹ nhàng mang tính gợi mở và hướng trẻ đến với những hình mẫu nhân cách tốt đẹp. có khi thầy cô không chỉ mang nghĩa” thầy” mà còn là cha là mẹ, là anh chị ,đôi lúc còn là bạn của các em để gần gũi mà chia sẽ những vướng mắc mà các gặp phải trong cuộc sống.
Chính vì thế, khi lên lớp chúng ta nên áp dụng phối hợp linh hoạt, sáng tạo một số hình thức tổ chức dạy học để mang lại hiệu quả tiết dạy hơn.