Hoài niệm là thứ thuộc về bản năng. Những ký ức đẹp lại càng khiến cho con người lúc bình yên hoặc thậm chí là giông bão nhất, đều mặc nhiên ngoái đầu nhìn lại để biết mình đã từng có một thời ấm áp, trẻ con hay vụng dại như thế… Tập tản văn “Răng mà thương mà nhớ” của tác giả Lê Công Sơn là biết bao hoài niệm không đơn giản là những câu chuyện kể…
Nhiều hơn một nỗi nhớ…
Ký ức tuổi thơ luôn sống động nhất. Thế nên sẽ không lạ khi phần lớn những câu chuyện trong tạp bút đều thuộc về không gian ở quê nhà xứ Quảng, nơi tác giả được sinh ra và lớn lên. Ở đó có những thân phận con nhà nghèo nhưng có khi yêu con chữ nét mực hơn cả những bữa ăn ngon. Có một tình thương đủ bao la của một người bà, thắp lên được cả một ngọn đuốc soi đường để đi qua không chỉ là những khó khăn về vật chất. Có một nụ hôn đầu đời mà đôi khi biết rằng duyên số được quyết định chỉ trong một khoảnh khắc nhìn nhau thấu suốt…
Những độc giả từng có gốc gác miền Trung xa hay gần, có thể sẽ bật cười khi đọc chi tiết: “Thiệt khổ thân dân miền Trung của tui, tối nào mà cơm ăn không hết thì khi mặt trời vừa lên là y chang có ngay chảo cơm chiên to tổ chảng… vừa đỡ tốn tiền mà tới trưa vẫn chưa đói. Ai nói dân Quảng Nôm hay trùm sò, tui chịu…”. Nhưng rồi sau đó lại có thể rưng rưng nước mắt khi biết dù tác giả đã ở giữa Sài Gòn phồn hoa, vẫn giữ được nếp nhà quen thuộc. Không vì điều kiện vật chất tốt lên, không vì những cửa hàng tiện lợi mọc lên như nấm quanh những khu phố gia đình mình sống, mà bỏ rơi một “niềm thương thơ ấu” dẫu trên đầu đã hai thứ tóc…
Đường dài muôn thuở…
Và không chỉ là những câu chuyện thơ ấu, hành trình trưởng thành của tác giả còn có bóng dáng của những người em, người bạn và cả những người anh thành đạt trong xã hội nhưng vẫn luôn rất nghĩa khí và trân trọng đứa em có xuất thân từ quê nghèo. Chặng đường dài từ quê nhà ra phố thị, từ trẻ thơ thành người lớn, ai trong chúng ta không từng được ai đó giúp đỡ, không từng được cưu mang… dù lắm lúc chỉ là một lời động viên của ngày mới vào đời bằng cách duyệt cho đăng truyện ngắn trên tờ Mực Tím cách đây 25 năm, như cách mà nhà thơ Nguyễn Thái Dương “chia sẻ một niềm tin về nghề” cho tác giả ngày còn ở tuổi đôi mươi khi nhà thơ là người phụ trách mảng văn học của tờ báo. “Những người thầy nho nhỏ” ấy trong mỗi quãng đường đời đều là một động lực sống. Để rồi như chính tác giả cũng thừa nhận, bài báo đầu tiên đăng trên báo tháng 3-1992 đến giờ anh vẫn nhớ như in và nó cũng trở thành một duyên lành để tác giả duyên nợ với tờ báo ấy suốt đến giờ.
“Răng mà thương mà nhớ” không chỉ là những tản văn thương nhớ mà còn có truyện ngắn, nhiều bài thơ… như một góc khác về cuộc đời mà tác giả muốn chia sẻ. Dù cái góc khác ấy thật ra vẫn chỉ là những gánh gồng với hoài niệm, bước đi trong vùng ký ức ấy bằng tất cả những hồn nhiên lẫn vô ưu, rồi hy vọng hôm nay hay mai này, nếu có ai trong chúng ta:”Đưa tay vuốt vội mái đầu/Nhặt thời gian… sợi tóc sâu, giật mình…” thì vẫn tin rằng có một nguồn cội, một nơi chốn đâu đó trong tâm trí để giúp trái tim có thể bình an nương náu.
Một cuốn sách không dày về số trang và cũng không dài về nội dung nhưng “Răng mà thương mà nhớ” do Saigonbook và NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành lại chất chứa đầy những điều thú vị về cuộc sống của một người “thân thành thị nhưng hồn vẫn ngút ngàn nơi chốn quê nhà”.