Biện pháp nâng cao kỹ năng đọc diễn cảm cho học sinh

Giáo viên cần nắm vững yêu cầu nội dung chương trình Tập đọc ở các lớp để tìm ra phương pháp dạy học sinh đọc diễn cảm mang lại hiệu quả nhất.

        – Tôi luôn hướng dẫn học sinh biết cách ngắt, nghỉ hơi bằng kí hiệu (ngắt hơi: / , nghỉ hơi: // ), gạch chân các từ cần nhấn giọng, biết cách đọc câu  kể, câu hỏi, câu cảm, câu khiến… trong từng bài đọc trong sách giáo khoa.

           –  Trước khi lên lớp tôi luôn tìm hiểu kĩ bài đọc, đọc trước nhiều lần  để hiểu rõ nội dung, nghệ thuật của bài đọc và tư tưởng tình cảm mà tác giả gửi gắm trong bài, tùy theo từng thể loại mà tìm ra cách đọc tối ưu nhất. Tôi luôn tìm tòi và phát hiện ra những lỗi về cách đọc câu, đoạn mà học sinh thường mắc phải để hướng dẫn học sinh đọc tốt hơn.  Từ đó đưa ra các hệ thống câu hỏi phù hợp giúp học sinh tự tìm ra kiến thức trong bài đọc.

           – Khi luyện đọc diễn cảm cho học sinh, một yêu cầu hết sức quan trọng và cần thiết là giáo viên phải phát hiện được những âm, vần, dấu thanh mà học sinh ở địa phương hay mắc lỗi để từ đó hướng dẫn học sinh phát âm đúng các từ ngữ. Chẳng hạn ở trường TH Lý Thường Kiệt, khi đọc học sinh thường không phân biệt được những vần có kết thúc bằng âm n và âm ng, vần kết thúc bằng âm c và âm t, thanh sắc và thanh hỏi.

          – Qua quá trình nghiên cứu tôi đã nhận ra rằng là một giáo viên khi dạy phân môn Tập đọc cần phải nắm vững từng thể loại khác nhau để tìm ra ngữ điệu phù hợp. Từ những mẩu chuyện, bài văn, bài thơ hấp dẫn trong sách giáo khoa, hình thành ham muốn đọc sách, khả năng cảm thụ văn bản văn học, cảm thụ vẻ đẹp của tiếng Việt và tình yêu tiếng Việt. Chẳng hạn:

          +  Đối với thể loại thơ thực tế cho thấy học sinh mắc lỗi ngắt nhịp là do không nắm nghĩa mà chỉ đọc theo áp lực của nhạc thơ, một số học sinh còn hiểu sai nghĩa của câu thơ, dòng thơ nên dẫn đến ngắt nhịp bị sai, giáo viên có thể đưa ra hệ thống câu hỏi để giúp học sinh nắm được nghĩa và có cách ngắt nhịp đúng. Vì vậy khi đọc ngắt nhịp đúng câu thơ, giáo viên gọi một số em đọc ngắt nhịp câu đó, giáo viên nhận xét, sửa sai, có thể cho các em ký hiệu trong sách cho dễ nhớ. Từ cách ngắt nhịp đó, giáo viên lưu ý học sinh tới cách ngắt giọng biểu cảm ở chỗ ngừng lâu hơn bình thường hoặc chỗ dừng không lôgic ngữ nghĩa mà do dụng ý của người viết, tập trung sự chú ý của người nghe vào những từ sau chỗ ngừng, những từ mang trọng âm ngữ nghĩa.  Tùy theo từng thể loại thơ, giáo viên có thể hướng dẫn cách đọc như sau:

* Đối với thơ đường luật giáo viên cần lưu ý học sinh đọc với giọng khoẻ khoắn, tự hào ,có ý biểu cảm cao. Ngắt nghỉ đúng nhịp.

* Đối với thơ lục bát giáo viên cần lưu ý học sinh đọc với giọng nhẹ nhàng, ấm áp hơn, kéo dài giọng ở 3 từ cuối dòng. Ngắt nghỉ đúng nhịp.

* Đối với thơ tự do giáo viên cần lưu ý học sinh đọc với giọng nhanh hơn, thể hiện sắc thái mạnh mẽ, làm nổi bật chi tiết khơi gợi nguồn cảm hứng của tác giả.

* Bên cạnh đó, khi đọc cần chú trọng nhấn mạnh và giải thích kỹ hơn về các từ khó, từ địa phương, một số từ ngữ được dùng với dụng ý nghệ thuật để làm nổi bật nội dung muốn nói đến.

+  Đối với những bài văn xuôi khi luyện đọc  diễn cảm, tôi thường yêu cầu học sinh tìm ra những dấu câu đặc biệt (câu hỏi, câu cảm) để hướng dẫn học sinh đọc phù hợp. Giáo viên còn phải cho học sinh tự tìm ra cách nghỉ hơi ở dấu chấm, ngắt hơi ở chấm phẩy, dấu hai chấm, đặc biệt phải biết ngắt hơi ở chỗ không có dấu câu nhưng đó là chỗ tách ý, để làm rõ ý đồ của tác giả muốn nói đến. Ngoài ra, việc hướng dẫn học sinh ngắt giọng biểu cảm là phương tiện tác động đến người nghe. Ngắt giọng biểu cảm thiên về cảm xúc. Ngắt giọng biểu cảm là những chổ lắng, sự im lặng có tác dụng truyền cảm, góp phần tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao đó là sự ngắt giọng có ý đồ nghệ thuật. Vì vậy tôi luôn chú tâm để tìm ra cách hướng dẫn học sinh cách ngắt giọng sao cho vừa lôi cuốn người nghe, vừa nêu bật được tư tưởng, tình cảm, giá trị nghệ thuật của bài văn. Giáo viên thường xuyên hướng dẫn học sinh thay đổi ngữ điệu để phù hợp với nội dung bài đọc.

+ Đối với dạng văn kể chyện: Giáo viên phải chú ý đến ngữ điệu kể, giọng của từng nhân vật, vì thế trước khi đọc diễn cảm giáo viên cho học sinh xác định từng lời nhân vật, xác định giọng đọc từng nhân vật, từng thời điểm giọng đọc có sự thay đổi phù hợp với nội dung cốt truyện và hướng dẫn học sinh đọc phân vai phù hợp với từng nhân vật.

+ Đối với dạng văn bản hành chính: Tùy từng thể loại giáo viên xác định giọng đọc cho phù hợp với văn bản để giúp học sinh nắm được nội dung mà văn bản nói đến. Thường thì văn bản nghệ thuật đọc với giọng to, rõ ràng, rành mạch, phải  nhấn giọng những từ, cụm từ mang nội dung chính để lôi cuốn người nghe.

– Luyện đọc diễn cảm cho học sinh, giáo viên  phải xác định bài đọc mẫu của giáo viên là cái đích mẫu, hình thành nên kỹ năng đọc diễn cảm mà học sinh đạt được. Do đó yêu cầu đọc mẫu của giáo viên phải đảm bảo chất lượng đọc chuẩn, đọc đúng tốc độ, rõ ràng, trôi chảy, đọc đủ lớn, diễn cảm. Khi đọc mẫu toàn bài thường nhằm mục đích giới thiệu vì vậy giáo viên phải đọc làm sao để gây cảm xúc, tạo hứng thú và tâm thế đọc cho học sinh. Căn cứ vào trình độ học sinh, giáo viên có thể đọc 1 hoặc 2 lần theo mục đích đề ra, khi đọc câu giáo viên hướng dẫn, gợi ý hoặc “tạo tình huống” để học sinh khác nhận xét, giải thích, tự tìm ra cách đọc. Trong quá trình đọc giáo viên đứng ở vị trí bao quát lớp không nên đi lại quá nhiều trong khi đọc, cầm sách mở rộng, đọc đủ lớn để các em xa nghe rõ và thỉnh thoảng mắt phải dừng sách nhìn lên học sinh nhưng không làm cho bài đọc gián đoạn.

 – Trong thời gian luyện đọc cho học sinh, giáo viên cần biết nghe học sinh đọc để có cách rèn luyện thích hợp với từng em và cần khuyến khích học sinh trong lớp trao đổi, nhận xét chỗ được, chỗ chưa được của bạn, nhằm giúp học sinh rút kinh nghiệm để đọc tốt hơn.

 – Trong quá trình luyện đọc tôi luôn chú ý đến tất cả các đối tượng học sinh trong lớp. Đối với những học sinh chưa mạnh dạn  hay rụt rè , tôi thường động viên khuyến khích để giúp các em tự tin hơn. Đối với những học sinh ngồi học không tập trung, hay nói chuyện riêng tôi luôn để ý và gọi bất ngờ để các em đọc tiếp bài đọc. Những học sinh đọc yếu, tôi thường dành thời gian nhiều hơn để giúp các em đọc dứt khoát các từ, cụm từ, dần dần đọc đúng tốc độ và đi đến đọc diễn cảm.

– Cố gắng sửa lỗi phát âm cho học sinh, hạn chế thấp nhất học sinh đọc tiếng địa phương khi đọc đúng, đọc diễn cảm.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng