– Lỗi triển khai lạc chủ đề :
Thông thường trong một bài văn của học sinh, mỗi đoạn văn thường làm sáng tỏ một tiểu chủ đề nhất định. Tất cả các câu trong đoạn văn cần hướng vào mục đích chung là biểu hiện chủ đề đó. Trong đoạn có câu chủ đề, các câu khác phải góp phần làm sáng tỏ ý khái quát được diễn đạt trong câu chủ đề đó. Hiện tượng câu chủ đề và các câu triển khai “quay lưng vào nhau”, tức là các câu triển khai không hướng vào câu chủ đề để làm sáng tỏ nội dung của nó, tạo nên lỗi lạc chủ đề.
Lạc chủ đề thường gắn liền với rối loạn chủ đề, tức là đoạn chứa nhiều câu nhưng các câu đó không đi theo một hướng và khó có thể quy chúng vào một đối tượng chung, một nghĩa chung. người đọc không thể nhận biết các câu đó diễn đạt nội dung gì, phục vụ cho mục đích gì.
Ví dụ : khi học sinh làm bài văn với đề bài : Em hãy kể quang cảnh nơi em ở sau cơn mưa.
Ở thân bài học sinh đã tả một đoạn như sau :
“Lộp độp, mưa rồi, cơn mưa ào ào đổ xuống làm mọi hoạt động dường như ngừng lại. Mưa ào ạt một lúc lâu rồi tạnh hẳn. Một lát sau, mưa tạnh, đàn gà con nhà em lại tiếp tục với công việc kiếm mồi, những chú gà con lông vàng mượt, ướt sũng nhưng vẫn theo mẹ đi kiếm mồi, hễ mẹ nó kiếm được vật gì là gọi chúng lại ngay, chúng lại tranh nhau để chiếm phần thức ăn cho mình,…”
Như vậy qua đoạn văn trên ta thấy rằng học sinh đã không đi đúng đề bài là kể lại quang cảnh chung của cảnh vật sau cơn mưa mà lại tả về đàn gà con.
– Lỗi thiếu hụt chủ đề :
Tương tự như ví dụ trên, loại lỗi này biểu hiện rõ nhất trong đoạn văn có câu chủ đề. Lỗi thể hiện ở chỗ các câu triển khai chưa thể hiện đầy đủ các mặt, các khía cạnh trong câu chủ đề, nghĩa là còn một số phương diện cần biểu đạt bị thiếu hụt.
– Lỗi loãng chủ đề :
Thông thường học sinh khi viết thường dành quá nhiều câu để triển khai một ý, đặc biệt là triển khai ý phụ, trong khi ý chính lại ít được chú ý chính, chỉ nói qua loa đại khái rồi chấm hết đoạn. Lỗi này thể hiện ở việc triển khai quá nhiều một câu nào đó thành các câu bậc 2, 3, 4. sự lấn át của các câu phụ này khiến cho nội dung chính của đoạn bị dàn trải, phân tán, gây hiện tượng loãng chủ đề.
Ví dụ : Cũng từ ví dụ trên khi đề bài yêu cầu các em kể quang cảnh chung sau cơn mưa thì các em chưa nêu được các cảnh vật xung quanh mà chỉ tập trung vào miêu tả đàn gà. Điều này cho thấy đoạn văn vừa lạc chủ đề, vừa loãng chủ đề, ý chính của đoạn không nêu mà nêu một ý phụ làm nội dung không theo một hướng tả nhất định.
– Lỗi lặp chủ đề :
Đoạn văn trong bài viết của các em thường nói đi nói lại cùng một ý làm cho nội dung của đoạn văn thường lủng củng, luẩn quẩn, ý nghèo nàn và hậu quả thường làm sáng tỏ được chủ đề của đoạn.
Trường hợp này đố với học sinh tiểu học thường ít gặp hơn so với các lỗi khác. Vì các em thường suy nghĩ dưới dạng trực quan “thấy gì viết đó”, “nhớ gì viết ngay” nên lỗi này ít gặp.
– Lỗi liên kết đoạn văn :
Trong một bài tập làm văn viết các em học sinh tiểu học thường mắc phải loại lỗi này nhiều nhất đó là cách thể hiện thiếu thứ tự trong diễn đạt, mỗi đoạn văn mang một ý nghĩa diễn đạt riêng nhưng lại liên kết nhau rất chặt chẽ để thể hiện nội dung bài viết, các em chỉ thực hiện theo cảm nghĩ để diễn đạt thành ra không liên kết được các chủ đề với nhau tạo được một chuỗi nội dung thể hiện thiếu lôgic.
Lỗi liên kết đoạn văn mà học sinh lớp 3 thường mắc lỗi nhiều nhất là khi đề bài yêu cầu có nhiều chi tiết phải kể.
Ví dụ : Khi làm bài văn : “Em hãy kể quang cảnh một buổi sáng trong một vườn cây mà em đã chứng kiến”. Trong quang cảnh của buổi sáng có rất nhiều chi tiết như : bầu trời, khung cảnh chung khu vườn, các sự vật trong vườn : gió, cây cối, chim chóc,… Với đề bài rộng như vậy mà giáo viên không hướng dẫn cụ thể thì việc mắc lỗi liên kết chủ đề là điều không tránh khỏi
XÁC ĐỊNH NGUYÊN NHÂN VIỆC MẮC LỖI CỦA CÁC EM:
1) Nguyên nhân do học sinh :
– Đa số học sinh tại trường thuộc diện con em gia đình làm nông nghiệp, bố mẹ chưa đầu tư, quan tâm đúng mức cho các em, với lại phân môn tập làm văn làm một phân môn đòi hỏi trí nhớ, trí tưởng tưởng tượng cao, kết hợp với khả năng sáng tạo trong cách dùng từ cũng như trong diễn đạt còn hạn chế.
– Học sinh lớp 3 là lứa tuổi trực quan sinh động, các em còn nhìn thật, nói thật dẫn đến khi tả cũng thật không biết sử dụng nhiều đến hư cấu.
– Hoàn cảnh gia đình các em còn khó khăn nhiều về kinh tế nên việc đầu tư chăm sóc cho con em của bố mẹ học sinh còn rất hạn chế, thậm chí bố mẹ có trình độ văn hoá thấp nên cũng không biết cách hỗ trợ con. Dẫn đến việc học tập của các em thuộc diện “tự túc” về mặt kiến thức.
2) Nguyên nhân do giáo viên :
– Đối với môn tập làm văn là một phân môn rất khó chuyển tải, việc giáo viên lên lớp thường tập trung vào việc học môn Tiếng Việt (tập đọc, luyện từ và câu), còn tập làm văn chưa được đầu tư cao.
– Đối với phân môn tập làm văn khi dạy một bài mới thường có 3 tiết : tiết tiết tìm ý, lập dàn ý; tiết làm miệng; tiết làm bài viết. Giáo viên khi dạy bài làm miệng thường không bao quát hết lớp để tìm ra những điểm yếu khi học sinh mắc lỗi và có biện pháp khắc phục.
- Một số đề xuất:
Xây dựng cho học sinh một động cơ học tập tốt. Nghiên cứu kỹ nội dung bài học trước khi lên lớp, tìm hiểu từng đối tượng học sinh để có các biện pháp tổ chức phù hợp với đặc điểm từng em.
Hướng dẫn cho các em cụ thể hơn trong những tiết học khi tìm ý, khi làm miệng. Bởi vì tiết làm miệng rất quan trọng, nếu giáo viên cho học sinh làm nhiều, đọc ra trước lớp về bài làm của mình nhiều thì giáo viên có thể nhận biết được số lượng em mắc lỗi và những lỗi nào để có biện pháp khắc phục.
Phải biết kết hợp mối quan hệ giữa tiết lập dàn ý với tiết làm miệng, tạo cho học sinh có ý thức trong việc tập làm miệng bằng cách xây dựng đúng đoạn văn, từ đó liên kết các đoạn sao cho hợp lý và chặt chẽ để có bài văn đúng và hay. Hướng dẫn các em học kỹ dàn bài trước khi làm bài.
Đối với tiết làm viết trước khi học sinh làm giáo viên nên hướng dẫn lại dàn bài chi tiết nhiều lần để các em khỏi quên, cần cho học sinh rèn luyện ở nhà nhiều hơn.
Khi giáo viên cần đầu tư chú trọng nhiều hơn nữa đến phân môn này. Vì đây là một nội dung rất khó. Dạy cho các em những nội dung chính của mục tiêu thì dễ, nhưng hướng cho các em làm bài theo trí tưởng tượng thì khó, nhiều đoạn văn phải hướng tới hư cấu của nội dung, dùng các biện pháp so sánh trong miêu tả hợp lý sẽ giúp các em có bài văn hay súc tích hơn.
Giáo viên biết vận dụng phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Ngoài việc ở lớp giáo viên cần phải hướng dẫn học sinh luyện viết ở nhà. Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh để có biện pháp giúp đỡ các em rèn luyện ở nhà.