1/ Thành lập nhóm.
Nhóm học tập được thành lập tùy vào ý tưởng của giáo viên theo đặc thù môn học, bài học, nhóm được thành lập như sau:
- Số lượng thành viên mỗi nhóm khoảng từ 2-6 HS.
– Nhóm hình thành trên sự cộng tác kết hợp của tất cả các thành viên trong nhóm.
– Kiểu nhóm GV nên thay đổi để tránh khỏi sự nhàm chán, ví dụ chia nhóm theo điểm số, theo biểu tượng, theo ghép hình, theo sở thích…
– Sau khi đã tập hợp đủ số thành viên, GV có thể chỉ định nhóm trưởng( nhóm trưởng nên luân phiên để tạo cho các em mạnh dạn trước tập thể).
– Nhóm trưởng có trách nhiệm nhận nhiệm vụ GV giao, sau đó làm rõ yêu cầu, nhiệm vụ của nhóm, phân việc, điều khiển nhóm thảo luận, làm đại diện chính thức cho nhóm.
– Khi dạy môn Thủ công lớp 1, GV luôn thay đổi kiểu nhóm để tránh sự nhàm chán cho HS. Tuy nhiên, mỗi kiểu nhóm đều có những ưu và nhược điểm sau:
* Nhóm cố định: Là cách chia nhóm HS không phải di chuyển mà có thể 2-3 HS trong bàn tạo thành nhóm hoặc HS bàn trên quay xuống bàn dưới tạo thành nhóm học tâp.
+ Ưu điểm:
– Mất ít thời gian, có thể áp dụng cho lớp có sỹ số HS đông và bàn ghế chưa phù hợp để có thể sắp xếp chỗ ngồi theo nhóm.
+ Nhược điểm:
- HS ít có cơ hội giao lưu, chia sẻ với các bạn trong lớp.
- Một số học sinh ỷ lại, dựa dẫm vào các bạn cùng nhóm.
* Nhóm theo ngẫu nhiên: ( nhóm theo biểu tượng, nhóm theo mã màu, nhóm theo kiểu ghép hình, nhóm theo điểm số…)
+ Ưu điểm:
– Tạo hứng thú học tập cho HS, không khí lớp học vui vẻ, HS có cơ hội học hỏi, giao lưu với nhiều bạn trong lớp.
+ Nhược điểm:
– Mất thời gian trong việc di chuyển nhóm, khó khăn đối với những lớp có sỹ số đông hoặc bàn ghế chưa phù hợp cho việc học nhóm.
* Nhóm theo trình độ:
+ Ưu điểm:
– Phát huy được tính sáng tạo, khả năng vốn có cho HS ( đối với học sinh có trình độ khá và giỏi)
– GV dễ dàng lựa chọn nội dung phù hợp với đối tượng, trình độ HS.
– GV dễ theo dõi, nắm rõ tình hình học tập của từng đối tượng HS.
+ Nhược điểm:
- HS ít có tương trợ nhau trong học tập.
– Nhóm HS có trình độ thấp ít hoạt động, các em hay mặc cảm dẫn đến tự ti, nhút nhát trong học tập.
* Nhóm tương trợ:
+ Ưu điểm:
– HS luôn có sự tương trợ, giúp đỡ nhau trong học tập, những em yếu dần mạnh dạn hơn, những em khá giỏi có cơ hội chia sẻ, trình bày ý kiến của mình với các bạn trong nhóm.
+ Nhược điểm:
- Một số HS còn ỷ lại, dựa dẫm vào các bạn cùng nhóm.
2/ Giao nhiệm vụ hoạt động cho các nhóm.
– Mỗi nhóm dù được thành lập dưới hình thức nào, GV cần chuẩn bị nôi dung, các vấn đề làm tiêu chí cho các hoạt động nhóm.
– Nhiệm vụ mà GV giao cho các nhóm có thể là một vấn đề cần tổng hợp từ những vấn đề đã học hoặc dưới dạng bài tập thực hành. VÍ dụ: Mỗi HS trong nhóm có thể tự làm một sản phẩm, sau đó cùng nhau trình bày sản phẩm đó theo sự sáng tạo của nhóm, hoặc giao cho cả nhóm cùng làm một sản phẩm, trình bày sản phẩm, trang trí sản phẩm theo ý tưởng riêng của từng nhóm…
– Nêu các tiêu chí thi đua, đánh giá giữa các nhóm để tạo sự thi đua giữa các nhóm.
3/ Làm việc theo nhóm.
- Thời gian làm việc theo nhóm.
– Thông thường thời gian làm việc trong nhóm khoảng từ 5- 20 phút ( 2-5 phút đối với bài tập thảo luận, 10- 20 phút đối với bài tập thực hành), vì sau thời gian này mức độ tập trung của HS trong nhóm không cao.
- Xác định mục tiêu hoạt động nhóm.
– Căn cứ nhiệm vụ được giao, nhóm trưởng làm rõ yêu cầu, nhiệm vụ được giao của nhóm mình cho các thành viên trong nhóm.
- Hoạt động nhóm
– Nhóm trưởng nêu các yêu cầu, nhiệm vụ và hướng làm việc của nhóm. Các thành viên trong nhóm nắm rõ nhiệm vụ của nhóm cũng như của cá nhân mình.
– Tiến hành giải quyết các vấn đề được giao:
+ Sau khi nắm rõ yêu cầu, nhiệm vụ các nhóm bắt tay vào làm việc ( có thể mỗi thành viên làm việc độc lập sau một thời gian, sau đó tập trung hỗ trợ cho nhau để hoàn thành nhiệm vụ của cả nhóm). Kết quả hoạt động nhóm tùy thuộc chủ yếu vào sự tập trung hợp tác trong quá trình làm việc của từng thành viên trong nhóm. Nếu nhóm làm việc có phương pháp, có sự tập trung , hợp tác thì kết quả làm việc của nhóm đạt hiệu quả cao. Ngược lại, nếu không có sự tập trung, hợp tác cũng như cách làm không có phương pháp thì kết quả làm việc của nhóm không cao, thậm chí không hoàn thành.
+ Trong khi các nhóm tiến hành làm việc, GV cần theo dõi từng nhóm làm việc, động viên, khen ngợi giúp đỡ kịp thời khi các nhóm gặp khó khăn hoặc cá nhân mỗi nhóm gặp khó khăn, trở ngại, GV cần chú ý:
Không được chỉ trích, phê bình học sinh.
Luôn duy trì bầu không khí thân thiện, thoải mái khi các nhóm làm việc.
Tạo cơ hội cho học sinh làm tốt, đặc biệt là những HS nhút nhát dần dần mạnh dạn, có thể hòa mình vào hoạt động chung của nhóm.
4/ Đại diện nhóm bảo cáo kết quả
– Sau thời gian hoạt động, các nhóm đã tìm ra kết luận hoặc tạo ra được sản phẩm theo yêu cầu nhiệm vụ, GV tập trung cả lớp lại và yêu cầu các nhóm lần lượt báo cáo kết quả thảo luận,( trả lời câu hỏi của GV) hoặc trình bày sản phẩm của nhóm mình.
– GV cho tất cả các nhóm tham gia đóng góp ý kiến nhận xét, bổ sung. GV ghi lại tất cả các ý kiến, giải đáp thắc mắc, nhận xét, bổ sung, chốt lại các ý đúng đối với bài tập thảo luận hoặc đánh giá sản phẩm từng nhóm chỉ ra điểm đạt được và chưa đạt được để HS nhận thấy sửa đổi, bố sung.
– GV không quên khen ngợi, khuyến khích, động viên, các nhóm trình bày, đồng thời bổ sung để hỗ trợ từng nhóm.
– Qua đó GV có cơ hội chia sẻ, trao đổi, tìm hiểu, đánh giá mức độ tiếp thu bài học, tính tư duy sáng tạo của HS.