Dạy con lễ phép – bắt đầu từ đâu?
Với suy nghĩ, trẻ con chưa biết gì nên nhiều cha mẹ thường thờ ơ khi con có thái độ không đúng mực với người khác. Tuy nhiên, nếu không giáo dục cho trẻ lễ phép, lịch sự và ứng xử đúng mực với người khác thì dễ tạo nên thói quen hỗn láo mà chính trẻ cũng không nhận ra.
Nhiều cha mẹ rất yêu thương con, chăm sóc con rất chu đáo về bữa ăn, giấc ngủ nhưng lại không chú ý đến việc hình thành tính cách cho trẻ. Trong thực tế, trẻ em có thể học cách chào hỏi từ rất sớm, bắt đầu bằng những lời chào hỏi đơn giản đến những lời chào hỏi phức tạp, đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh.
Chị Lê Thị Hằng – một nhân viên văn phòng cho biết: “Công việc bận rộn, khi con còn nhỏ giao hết cho người giúp việc nên tôi không mấy quan tâm đến việc giáo dục thói quen lễ phép cho con. Mãi đến khi con 5 tuổi vẫn chưa hình thành thói quen lễ phép, tôi mới giật mình. Bắt đầu giáo dục việc này khi con đã 5 tuổi là một hành trình cần sự kiên trì. Cũng may, con tôi là đứa trẻ ngoan, biết vâng lời nên chỉ cần một thời gian ngắn là cháu đã biết cách chào hỏi lễ phép và nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ”.
Dạy con lễ phép từ nhỏ sẽ giúp trẻ hình thành nhân cách hiếu kính, tử tế, lịch thiệp. Ảnh Internet
Không giống con của chị Hằng, con gái của chị Lam – một giáo viên lại được mẹ dạy dỗ rất bài bản. Tuy nhiên, lúc khách đến nhà hoặc gặp gỡ ai đó, cháu lại không chào hỏi vì tâm lý ngại ngùng. Lý do là cháu ít có cơ hội tiếp xúc với mọi người và chị Lam cũng không hướng dẫn cho con thói quen chủ động trong giao tiếp. Dạy trẻ kiến thức, kỹ năng nhưng cũng cần phải tạo môi trường để trẻ thực hành, nếu không trẻ sẽ cất giữ những bài học đó mà không sử dụng vào thực tiễn.
Trong việc hình thành tính cách lễ phép, lịch sự cho trẻ, môi trường gia đình cũng hết sức quan trọng. Có thể trẻ sẽ học được ở trường những bài học về sự lễ phép, lịch sự nhưng khi về nhà, thấy những người lớn trong nhà nói năng thiếu chuẩn mực, trẻ cũng sẽ hình thành nên thói quen như thế.
Nhiều gia đình có thói quen ăn nói bỗ bã, xoàng xĩnh với người thân, chỉ khi ra ngoài mới ăn nói lịch thiệp. Đó rõ ràng là suy nghĩ sai lầm. Chính vì sai lầm đó mà đến nay, gia đình chị Dần – một người chuyên kinh doanh “đau đầu” với cô con gái đầu. Chị Dần chia sẻ: “Nay cháu đã mười mấy tuổi mà ăn nói không đâu vào đâu cả, gặp người lớn không có thói quen chào hỏi. Thậm chí ăn nói còn hỗn xược và thường cãi lời bố mẹ. Chúng tôi cũng nhận ra sai lầm của mình và đang tìm cách uốn nắn cháu nhưng đây cũng là giai đoạn tâm sinh lý của cháu rất nhạy cảm nên việc giáo dục quả thật rất gian nan”.
Dạy trẻ lễ phép đồng thời phải tạo môi trường cho trẻ thực hành để tránh tâm lý ngại ngùng của trẻ. Minh họa từ Internet
Trong cuộc sống thường ngày, nhiều người hay ngại ngùng khi nói những từ như “làm ơn”, “vui lòng”, “cảm ơn”, “xin lỗi”, “bố/mẹ/con có thể…”. Họ cho rằng, đó là cách nói kiểu cách, không cần thiết khi quen thân với nhau. Tuy nhiên, nếu người lớn sử dụng thường xuyên thì cũng sẽ tạo nên thói quen lịch thiệp cho trẻ. Và để tăng hiệu quả thì bố mẹ cần phải giải thích ý nghĩa của từng từ cũng như cách dùng chúng trong từng hoàn cảnh cho trẻ hiểu, đồng thời kịp thời uốn nắn, nhắc nhở khi trẻ quên hoặc sử dụng sai.
Lễ phép, khi đã trở thành thói quen thì trẻ sẽ sử dụng thường xuyên và hình thành nên nhân cách. Như thế, mỗi gia đình không chỉ có những đứa con ngoan ngoãn mà xã hội sẽ có thêm một người lịch thiệp trong giao tiếp
Theo : https://baohatinh.vn/me-be/day-con-le-phep-bat-dau-tu-dau/186850.htm
Xem thêm:
Vì sao chẳng có mối tình vĩnh cửu nào tồn tại bên ngoài hôn nhân?
3 con giáp càng già càng giàu, cứ thêm tuổi là thêm tiền.