Báo cáo tham luận giải pháp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018
BÁO CÁO THAM LUẬN
NỘI DUNG: “Giải pháp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018”
Kính thưa: – Đoàn chủ tịch.
– Quý vị đại biểu
– Toàn thể hội nghị.
Được sự cho phép của đoàn chủ tịch, tôi xin tham gia thảo luận với đại hội về chủ đề: “Giải pháp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Như chúng ta đã biết năm học 2020 – 2021 là năm đầu tiên ngành giáo dục đổi mới chương trình giáo dục toàn diện bắt dầu thực hiện ở lớp 1 và đến năm học này 2022 – 2023 đang bắt đầu thực hiện lớp 3. Đây là chương trình giáo dục đổi mới toàn diện từ sách giáo khoa đến phương pháp dạy học và cả chương trình. Một chương trình dạy học hướng tới kết quả đầu ra và giáo dục theo 5 phẩm chất và 10 năng lực.
Chính vì vậy để triển khai và thực hiện chương trình này một cách đồng bộ và hiệu quả, tôi xin tham luận với 4 nhóm giải pháp cơ bản như sau:
Nhóm giải pháp thứ nhất: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đầu ngành nhằm: nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng giảng dạy và chất lượng học tập của học sinh. Đây là một trong những giải pháp then chốt trong việc triển khai thực hiện chương trình. Đội ngũ quản lý cần xây dựng kế hoạch theo lộ trình và có tầm nhìn chiến lược. Cần năng động, sáng tạo và có trình độ chuyên môn vững vàng, tăng cường kĩ năng ứng dụng CNTT trong công tác quản lý của mình để đáp ứng yêu cầu giáo dục nhà trường theo hướng phát triển công nghệ 4.0
Nhóm giải pháp thứ hai: Cần tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên về phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng chuẩn mới của người học; Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ Giáo dục đã đề ra.
Đầu tiên là giáo viên phải tự học, tự bồi dưỡng và tham gia bồi dưỡng tại nhà trường hoặc các cấp tổ chức để đổi mới phương pháp dạy học, cách thức dạy học và áp dụng kỹ thuật công nghệ vào giảng dạy để phát triển năng lực, phẩm cho học sinh.
Tiếp theo là đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh. Việc kiểm tra đánh giá phải hướng tới kết quả đầu ra để phát triển năng lực phẩm chất học sinh, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Tiếp theo là đổi mới sinh hoạt chuyên môn. Cần chú trọng vào việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.
Nhóm giải pháp thứ ba: Cần tăng tường về cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học theo chương trình đổi mới. Mua sắm các tài liệu dạy học cho giáo viên, mua sắm trang thiết bị, đầu tư về công nghệ, intenet,… để đáp ứng yêu cầu dạy học mới của chương trình.
Nhóm giải pháp thứ tư: Cần tăng cường kết hợp 3 bên: Nhà trường – Gia đình – xã hội để giáo dục học sinh. Bởi khi xã hội phát triển theo công nghệ 4.0 thì mọi thông tin, kiến thức đều có khắp mọi nơi trên các nền tảng số. Chính vì vậy việc giáo dục học sinh không chỉ giới hạn ở nhà trường mà cần có sự vào cuộc của các tổ chức có liên quan từ gia đình đến xã hội. Nhà trường, giáo viên cần lập những kênh thông tin hai chiều để kết hợp với gia đình, các tổ chức cùng tham gia giáo dục con em mình. Nhà trường và giáo viên cần đối thoại cụ thể về chương trình dạy học mới vào các hội nghị cha mẹ học sinh để phụ huynh hiểu được vai trò, trách nhiệm của gia đình với việc giáo dục con em để cùng kết hợp với nhà trường có hướng giúp đỡ, giáo dục con em phát triển toàn diện, tránh sự phó thác tất cả cho người thầy như trước đây.