Giáo dục tính trung thực cho học sinh tiểu học
I.1/ Lý do chọn đề tài:
Trong mục tiêu giáo dục – đào tạo nước ta là từng bước hình thành nên những lớp người Việt Nam có đủ đức đủ tài, vừa hồng, vừa chuyên, hồng thắm, chuyên sâu. Để đạt được mục tiêu đó Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mỗi công dân Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ phải được giáo dục một cách toàn diện (trích trong Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo Nhà xuất bản Lao động – Xã hội).
Nhìn vào thực tế lớp trẻ hiện nay nói chung, học sinh nói riêng, phần nào đó chúng ta thấy rất tự hào về họ song bên cạnh đó một bộ phận không nhỏ làm chúng thấy xót xa bởi sự tha hóa về đạo đức, về nhân cách mà trong đó phải kể đến là tình trạng gian dối, thiếu trung thực. Trong nhân cách, đạo đức truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam có biết bao nhiêu đức tính tốt đẹp. Trung thực là một trong những đức tính tốt đẹp và cần thiết trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trung thực là lòng ngay thẳng, thật thà, không gian dối, là một phẩm chất tốt đẹp vốn có của dân tộc ta cần được giữ gìn và phát huy. Nếu trung thực bản thân mỗi người sẽ được người khác kính trọng, yêu mến. Điều quan trọng hơn cả là bản thân người có tính trung thực sẽ sống cảm thấy rất thoải mái, không cảm thấy xấu hổ với lòng mình, với mọi người, tự gây dựng cho mình một hình ảnh, một cái gì đó rất đáng tin cậy trong lòng mọi người chung quanh. Nếu đánh mất nó đồng nghĩa với đánh mất niềm tin và sự tôn trọng của mọi người đối với mình. Nếu trong học tập không trung thực thì thầy cô, bạn bè không còn tin ở mình nữa. Trong kinh doanh làm ăn không trung thực thì sẽ mất đi những người bạn, những đối tác không chỉ trong nước mà cả với nước ngoài và chất lượng sản xuất không trung thực thì sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến người tiêu dùng, thậm chí gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng con người. Trong làm việc nếu số liệu báo cáo thiếu trung thực thì sẽ gây thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế đất nước.
Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiếp nối xây dựng đất nước giàu đẹp đồng thời tôn vinh những truyền thống, những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam. Vậy mà các em hàng ngày đang bị ảnh hưởng bởi sự gian dối, tính thiếu trung thực của người lớn. Hiện nay, xã hội đang ngày càng phát triển, bên cạnh những mặt tích cực của nó còn kéo theo nhiều tệ nạn, nhiều căn bệnh làm xuống cấp đạo đức xã hội trong đó sự thiếu trung thực ở mọi lĩnh vực cuộc sống diễn ra hằng ngày.
Hiện nay hiện tượng nói dôi, thiếu trung thực ở trẻ em rất nhiều. Nếu bây giờ các em gian dối, thiếu trung thực thì sau này lớn lên cũng trở thành người thiếu trung thực. Tiểu học là bậc học làm người đầu tiên của các em, nếu các em được giáo dục đến nơi đến chốn thì sẽ hình thành thói quen và rèn luyện cho mình tính trung thực.
Theo Samuel Johnson: “Trung thực mà không hiểu biết thì yếu ớt và vô dụng, còn hiểu biết mà không trung thực thì thật là nguy hiểm và đáng sợ. Còn những người trung thực và hiểu biết sẽ là những người viết lên lịch sử của chính mình”.
Trong “hỏi đáp tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, nhân văn của Nhà xuất bản Quân đội năm 2008” có viết: Hồ Chí Minh nhìn nhận con người trong sự thống nhất của hai mặt đối lập: ưu điểm và khuyết điểm. Người thường cho rằng, con người không phải là thần thánh, “Người ở đời ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu”, cái hay, cái dở,….Các mặt đối lập đó không đơn thuần xuất xứ từ nguồn gốc xã hội, mà nó từ yếu tố sinh vật của con người. Điều đó đặt ra có thể cải tạo được con người theo phương hướng làm cho mặt tốt, mặt ưu điểm ngày càng tăng lên và mặt xấu, khuyết điểm ngày càng bớt đi.
Từ xưa đến nay không phải chúng ta không dạy cho các em biết trung thực nhưng thực tế vẫn có nhiều em thiếu trung thực, gian dối. Vậy làm thế nào để các em không còn gian dối, thiếu trung thực nữa. Đó cũng chính là lí do tôi chọn nghiên cứu đề tài này.
- Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp:
Trong tâm lí học Tiểu học chỉ ra rằng nhân cách của con người có khả năng tự điều chỉnh và chịu sự điều chỉnh từ phía xã hội. Khả năng này sẽ khác nhau tùy theo lứa tuổi. Phát triển khả năng điều chỉnh cho học sinh là công việc thực sự quan trọng. Người giáo viên phải biết sử dụng các phương pháp điều chỉnh nhân cách từ phía xã hội, tất cả đều phải mang tính nghệ thuật. Muốn giáo dục học sinh thì phải hiểu học sinh và phải cung cấp cho học sinh những hiểu biết về tính trung thực. Vì vậy, để giáo dục tính trung thực cho học sinh có hiệu quả, tôi sử dụng một số giải pháp, biện pháp sau:
* Tập kích não: Tôi cho các em trao đổi, thảo luận với nhau về tính trung thực và ý nghĩa của sự trung thực, đó là:
+ Trung thực là luôn nói thật, tôn trọng chân lí, lẽ phải. Sống ngay thẳng, thật thà, dám nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm.
+ Sống trung thực giúp nâng cao phẩm giá, là đức tính cần thiết, quý báu của mỗi người. Trung thực làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội.
Trước khi trung thực với người khác thì phải trung thực với chính lòng mình. Người trung thực thật thà là người đáng tin cậy.
Đồng thời tôi cho các em trao đổi, thảo luận với nhau về những biểu hiện thiếu trung thực:
+ Trong nhà trường: Nói dối thầy cô, không làm bài tập, trốn học đi chơi, sử dụng bằng cấp giả,……
+ Trong gia đình: Nói dối bố mẹ để đi chơi, trốn học, trốn làm,…
+ Trong các mối quan hệ xã hội : Gian dối trong sản xuất kinh doanh, trong an toàn thực phẩm,…….
+ Trong quản lí: Tham ô của công, tài sản của nhà nước, ăn bớt thời gian, kê khai khống,…
Từ đó, học sinh nhận thấy thiếu trung thực từ những việc làm trên sẽ gây họa quả nghiêm trọng như thế nào để giáo dục học sinh rèn luyện tính trung thực.
*Kể chuyện: Tôi thường xuyên kể cho học sinh nghe các câu chuyện trong sách, câu chuyện sưu tầm được, chuyện kể đạo đức Bác Hồ về tính trung thực. Ví dụ câu chuyện “Có ăn bớt phần cơm của con không ?”,…Qua mỗi câu chuyện như vậy tôi thường đặt câu hỏi để các em trả lời như: Trung thực để làm gì? vì sao phải trung thực? từ đó các em học tập được gì ở nhân vật trong câu chuyện. Ngoài ra, hàng tháng tôi cho các em sưu tầm những câu chuyện kể về tấm gương trung thực trong sách, báo hoặc ngoài thực tế càng tốt để kể cho các bạn nghe trong giờ sinh hoạt lớp cuối tuần.
* Phương pháp nêu gương: Tôi đưa ra những gương người tốt, việc tốt và những câu chuyện về người thật, việc thật sống trung thực trong thực tế tại trường, ở địa phương mà tôi tìm hiểu được và ngay cả việc làm của bản thân tôi trong cuộc sống hằng ngày. Bởi vì, giáo viên cũng phải là một tấm gương về lòng trung thực thì giáo dục học sinh mới có hiệu quả, học sinh nhỏ thường nghe theo thầy cô hơn, thầy cô nhiều khi hơn cả cha mẹ. Những gương trung thực trong lớp, ngoài nhận xét, tuyên dương tôi còn làm một giấy khen nhỏ viết bằng tay ghi những lời khen ngợi em đó đã trung thực như thế nào, ở lĩnh vực gì về cho gia đình. Như vậy khi các em khác nhìn vào thấy bạn được vinh dự, muốn mình cũng được như vậy sẽ học tập theo. (Ở đây cũng xin lưu ý: đối với những em không chịu làm bài, học bài mà tự nhận lỗi thì không nêu gương mà cần phải nhắc nhở). Đồng thời bên cạnh đó cần lên án sự thiếu trung thực ngay trong lớp học, trong trường và ngoài thực tế đang diễn ra hằng ngày.
* Phương pháp giảng giải: Giáo viên nêu những tác hại của sự không trung thực, gian lận đang diễn ra hằng ngày gây ra những hậu quả nghiêm trọng gì đến sức khỏe cho chính bản thân các em và gia đình các em từ đó học sinh mới nhận thấy được sự cần thiết phải trung thực, rèn luyện tính trung thực. Giáo viên chỉ cho học sinh thấy rằng gian lận nó còn để lại tiếng xấu muôn năm, thậm chí truyền từ đời này sang đời khác, đi đâu cũng bị mọi người cảnh giác, đề phòng, đánh mất niềm tin, đánh mất lương tâm, đánh mất danh dự và lòng tự trọng.
Giáo viên phân tích, giảng giải cho học sinh hiểu trung thực không phải chỉ là nhặt được của rơi đem trả lại mới là trung thực mà cần thể hiện bằng những việc làm, hành động nhỏ nhặt nhất như: ăn hàng xong không được xả rác bừa bãi mặc dù không có cờ đỏ theo dõi cũng là thể hiện tính trung thực,….
* Phối kết hợp với gia đình học sinh:
Gia đình là môi trường đầu tiên để giáo dục các em. Tôi gặp riêng gia đình các em còn chưa trung thực, trao đổi với họ những mặt tiêu cực của việc không trung thực trong hiện tại và sau này để họ thấy được hậu quả không tốt sẽ xảy ra nếu các em không trung thực từ đó kết hợp với giáo viên để giáo dục các em.
* Phối kết hợp với các tổ chức trong nhà trường đặc biệt là Đoàn TNCS, Đội TNTP Hồ Chí Minh trong giáo dục các em như: lồng ghép trong những buổi sinh hoạt Đội, chào cờ, chương trình “Phát thanh Măng non”,…
* Phối kết hợp với các tổ chức địa phương: Hiện naychúng ta đang thực hiện xã hội hóa giáo dục. Để giáo dục các em bất kì vấn đề gì cần có sự phối hợp của tất cả mọi tầng lớp, tổ chức xã hội thì mới đạt được kết quả như mong đợi. Chính vì thế, hàng ngày, thông qua bản tin, phát thanh của xã tuyên truyền giáo dục cho các em tính trung thực, cùng với đó là nêu gương những tấm gương trung thực trong thực tế tại địa phương. Truyền thông có vai trò quan trọng trong việc cung cấp những thông tin về những người sống trung thực để các em học tập theo.
III.1. Kết luận:
Để giáo dục thành công tính trung thực cho học sinh không chỉ là ở một lớp, do một giáo viên mà mỗi người chúng ta cần nhìn nhận về vấn đề gian lận, thiếu trung thực hiện nay như thế nào từ đó phải có những hành động, việc làm cụ thể để giáo dục các em. Tính trung thực là đức tính cần thiết, quý báu của mỗi người. Đối với các em, chúng ta cần xây dựng cho các em ý thức trung thực, thật thà trong từng việc nhỏ nhặt nhất. Bên cạnh đó chúng ta cần lên án những hành vi gian lận, thiếu trung thực. Xây dựng cho các trở thành những tuyên truyền viên nhỏ trong việc tích cực đẩy lùi những tiêu cực do nạn thiếu trung thực của người lớn. Bác Hồ từng nói “Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên” Vì vây, tất cả chúng ta hãy góp phần đào tạo, giáo dục thế hệ học sinh vừa “hồng”, vừa “chuyên”, chủ nhân tương lai đưa nước nhà vững bước tiến cùng các dân tộc tiên tiến, xứng đáng với mong ước của Bác Hồ kính yêu.