Giúp học sinh tìm hiểu vẻ đẹp của biện pháp Tu từ trong các bài tập đọc lớp 5

Giúp học sinh tìm hiểu vẻ đẹp của biện pháp Tu từ trong các bài tập đọc lớp 5

I.1. Lý do chọn đề tài.

Dạy Tiếng việt cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đây là bậc học đầu tiên, đặt nền móng cho hình thành và phát triển về ngôn ngữ của trẻ sau này. Trong đó, khởi điểm cho môn học tiếng Việt là phân môn Tập đọc, phân môn này trở thành một đòi hỏi cơ bản đầu tiên của những người đi học.

Phân môn tập Đọc cũng giúp các em nâng dần kỹ năng đọc theo từng năm học của tiểu học. Từ biết đọc đúng, đọc rõ ràng, trôi chảy, lưu loát và diễn cảm và cao hơn là đọc hiểu văn bản. Đọc hiểu văn bản là một yêu cầu quan trọng trong việc giúp học sinh cảm nhận vẻ đẹp của giá trị nghệ thuật của văn bản. Việc hình thành và rèn luyện kĩ năng cảm thụ văn học cho học sinh nói chung và học sinh tiểu học nói riêng là niềm mong ước của mỗi thầy cô cũng như tất cả các bậc phụ huynh. Việc làm  này tạo nên sự say mê hứng thú cho các em khi học tập môn Tiếng việt để từng bước giúp các em có thể tìm hiểu được vẻ đẹp bài văn bao giờ cũng gian truân vất vả nhưng cũng hứa hẹn những điều hào hứng. Bước đầu tiên trên con đường đó là đọc bài văn, bước thứ hai là tìm xuất sứ hoàn cảnh sáng tác, bước thứ ba là tìm chủ đề hay “cái thần”của bài văn, rồi kiểm tra việc chọn như thế đã đúng hay chưa, ta cần căn cứ vào các từ ngữ, chi tiết nghệ thuật trong bài văn, bài thơ đó. Khi đó vẻ đẹp được hiện rõ ràng qua từ ngữ có lúc lại ẩn dấu đằng sau các chi tiết đó chính là các biện pháp tu từ mà tác giả đã thể hiện trong các bài văn, thơ.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy lớp 5 ở tiểu học, tôi đã nghiên cứu rất kỹ về các biện pháp Tu từ được sử dụng trong các tác phẩm ở môn tập Đọc lớp 5. Có thể nói biện pháp Tu từ giúp cho bài văn thêm phần mạch lạc, rõ ràng, thu hút người đọc, người nghe, không gây cảm giác nhàm chán bằng cách nhấn mạnh những gì đang muốn nhắc tới. Hay có thể nói biện pháp Tu từ tô thêm vẻ đẹp cho tác phẩm.

Với ý nghĩa ý đó, tôi mạnh dạn chọn đề tài: “Giúp học sinh tìm hiểu vẻ đẹp của biện pháp Tu từ trong các bài tập đọc lớp 5” làm sáng kiến kinh nghiệm năm học 2014 – 2015.

  1. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp

* Một số hình thức Tu từ thường gặp trong các bài tập đọc lớp 5:

– Phóng đại:Là cách nói cách sử dụng từ ngữ theo hướng cố tình nói quá sự thật nhằm làm nổi bật bản chất của đối tượng miêu tả gây ấn tượng đặc điểm mạnh mẽ qua đó người tiếp nhận sẽ hiểu được nội dung và tình cảm thực sự mà người nói muốn thể hiện:

VD:                      

“Người ta đi cấy lây công

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề

Trông trời, trông đất, trông mây

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm

(ca dao về lao động sản xuất) (TV 5- Tập 1)

Phóng đại ở đây góp phần thể hiện ý chí mạnh mẽ quyết tâm phấn đấu khắc phục mọi khó khăn của người nông dân lao động.

– So sánh tu từ: Là phương thức diễn đạt tu từ khi đem sự vật này đối chiếu với sự vật khác miễn là giữa hai vật có một nét tương đồng nào đó để gợi ra hình ảnh cụ thể những cảm xúc thẩm mĩ trong nhận thức của người đọc người nghe.

VD: “Dưới từng đáy rừng, tựa như đột ngột, bỗng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót bóng bẩy như chứa lửa, chứa nắng. Rừng ngập hương thơm. Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng.

Ma Văn Kháng (Mùa thảo quả, TV5- Tập 1)

Bức tranh tĩnh vật này trở nên sôi động nổi bật vì tác giả đã sử dụng hình thức so sánh tu từ.

– Phản ngữ : là biện pháp tu từ dùng những từ ngữ biểu thị những khái niệm đối lập nhau cùng xuất hiện trong một văn cảnh nhằm mục đích làm rõ hơn đặc điểm của đối tượng được miêu tả và tăng cường sức biểu cảm cho thơ, văn.

VD:                Nước như ai nấu

                      Chết cả cá cờ

                      Cua ngoi lên bờ

                      Mẹ em xuống cấy

                                        Trần Đăng Khoa  (Hạt gạo làng ta, TV5-tập 1)

Phản ngữ ở đây nêu bật bản chất của đối tượng được miêu tả gây ấn tượng mạnh mẽ nêu rõ sự vất vả nhọc nhằn của người mẹ đã làm ra hạt gạo.(cua ngoi lên bờ ><mẹ em xuống cấy)

– Điệp ngữ: là lặp lại có ý thức những từ ngữ nhằm mục đích nhấn mạnh nhấn mạnh mở rộng ý gây ấn tượng mạnh hoặc gợi ra những cảm xúc trong lòng người nghe người đọc.

VD:

Em yêu màu đỏ

Như máu con tim

Lá cờ tổ quốc

Khăn quàng đội viên

Em yêu màu xanh…

                 Phạm Đình Ân (sắc màu em yêu,TV5-tập 1)

Bài thơ gồm 8 khổ, thì đã có tới bảy khổ bằng một câu giống nhau hoàn toàn: “em yêu màu…” lối điệp từ ngữ và điệp kiểu câu như vậy làm cho những khổ thơ gắn bó chặt chẽ với nhau, duy trì từ đầu đến cuối một chủ đề thống nhất: Tình yêu tổ quốc, nhân dân, đất nước, làng quê.

*Trong các biện pháp Tu từ được sử dụng trong các bài tập đọc lớp 5 thì các biện pháp so sánh tu từ là được dùng nhiều, phổ biến nhất hầu hết ở các bài tập đọc. Vì biện pháp này mang chức năng nhận thức và chức năng biểu cảm, cảm xúc và do cấu tạo đơn giản cho nên so sánh tu từ được dùng nhiều trong hầu hết các bài tập đọc, đặc biệt là trong các bài tập đọc ở bậc tiểu học.

* Nội dung giải pháp:

Mỗi bài tập đọc trong chương trình lớp 5 đều có sử dụng một số biện pháp tu từ. Nó làm cho nội dung miêu tả của bài tăng thêm phần phong phú và đa dạng. Chính vì thế mà trong tiết dạy, ngoài những nội dung yêu cầu về hướng dẫn luyện đọc, ở phần đọc hiểu tôi thường giúp cho các em hiểu thêm về nghệ thuật sử dụng biện pháp tu từ của tác giả nhằm tạo cho các em hứng thú và cảm nhận được những chuyển tải của tác giả đến với các em tôi thường cho các đọc lại các hình thức tu từ có trong bài và phân tích kỹ để các em hiểu. Chẳng hạn:

BÀI: HẠT GẠO LÀNG TA

Trong bài thơ trên tác giả đã sử dụng điệp từ ngữ thuộc các loại: Phép lặp lại nhiều lần trong suốt cả bài, nhóm từ làm nhan đề bài thơ “hạt gạo làng ta” được lặp lại ở mỗi đầu mỗi khổ thơ. Đặc biệt là đến khổ thơ cuối cùng, thì điệp ngữ không chỉ chiếm vị trí đầu khổ thơ mà cả vị trí cuối  khổ thơ: “Hạt gạo làng ta”. Lối lặp xuyên suốt này có tác dụng to lớn trong việc khắc sâu chủ đề, đề tài của bài thơ, đặc biệt là đến phần điệp từ cuối cùng trong câu thơ kết thúc lại có sự biến đổi về hình thức: “hạt gạo” “thành hạt vàng”. Câu thơ hạt vàng làng ta” là câu thơ quan trọng nhất. Thể hiện cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Hạt gạo là hình ảnh của quê hương, thu hút chất dinh dưỡng của phù sa, thấm đượm mùi thơm hoa sen, ấp ủ trong tình người. Hạt gạo được làm ra với bao nhọc nhằn vất vả của  ngươì nông dân trong bão dập, nắng lửa, mưa dầm. Hạt gạo trong những năm đánh Mĩ sâu nặng nghĩa tình của những người ở lại ra sức cầy cấy lấy thóc nuôi quân. Một hạt gạo như thế, một hạt gạo gắn với làng quê, gắn với ngọt bùi, đắng cay, gian khổ nghĩa tình của con người như vậy, đúng là hạt vàng. Chính vì thế mà người đọc thấy “hạt vàng” thật  đúng, thật hay, thật sâu sắc, mặc dù có sự bất ngờ. Bất ngờ vì sau năm lần láy đi láy lại “hạt gạo làng ta” người đọc sẽ quên và sẽ chờ đợi sự xuất hiện của “hạt gạo làng ta lần cuối cùng. Nhưng cũng không bất ngờ nhiều, vì người đọc đã được báo trước bằng một dòng thơ miêu tả niềm tự hào: “em vui em hát”. Tự hào, kiêu hãnh là vì giờ đây không phải là “hạt gạo” bình thường, mà là “hạt vàng”, hạt vàng ở đây không phải là hạt bằng vàng mà là hạt quí như hạt vàng, quí giá vì trong đó có những điều đẹp đẽ, thân thiết nhất của quê hương, của nghĩa tình “hạt vàng” là một ẩn dụ hình tượng.

Bên cạnh hình thức lặp xuyên suốt, bài thơ còn sử dụng hình thức lặp đầu. Lặp đầu là lặp một vài yếu tố ở đầu  câu trong một số câu tiếp theo, thường kết hợp với sóng đôi. Trong cả bốn khổ trong của bài thơ trên đây đều có lặp đầu:

Có vị phù sa…

Có hương sen thơm…

Có lời mẹ hát…

Lặp đầu cùng với sóng đôi ở đây có tác dụng làm nổi bật những từ ngữ quan trọng, nhấn mạnh vào những sắc thái ý nghĩa, biểu cảm, làm cho những dòng thơ ngắn, tự nhiên, mộc mạc- như câu đồng dao- nối liền thành một mạch câu mà vẫn giữ được giọng điệu nhịp nhàng, trong trẻo: hạt gạo phù sa-của sông kinh thầy-có lời mẹ hát-ngọt bùi hôm nay. Đối với Trần Đăng Khoa, hạt gạo không chỉ là dẻo, thơm, mà cái sâu sắc, tinh tế hơn là ở chỗ: vị dẻo thơm đó được chắt lọc từ những cái gì đẹp đẽ, thân thiết nhất ở cái làng nghèo bé nhỏ bên bờ sông Kinh Thầy: Dòng sông với cánh đồng màu mỡ phù sa, hương sen thơm và lời ru của mẹ, cuộc sống hàng ngày nơi làng quê với bao điều thân thương.

Lặp dầu kết hợp với sóng đôi cũng nhấn mạnh được sắc thái ý nghĩa- cảm xúc” khắc nghiệt, dữ tợn” của thời tiết. Mưa tháng ba ghê gớm: mưa phùn đi với cái rét, rét cắt da cắt thịt. Bão giật tháng bảy: Sau trận bão cả cánh đồng mất trắng:

“Hạt gạo làng ta

Có bão tháng bảy

Có mưa tháng ba”

Lặp đầu kết hợp với sóng đôi cũng làm nổi bật được những năm đánh Mĩ hào hùng : Giặc Mĩ ném bom xuống làng quê ta, người ra đi chiến đấu, người ở lại vừa sản xuất vừa chiến đấu, gặt những vụ mùa bội thu:

“Hạt gạo làng ta

Những năm bom Mĩ

Trút lên mái nhà…”

Lặp đầu kết hợp với sóng đôi cũng tô đậm được cái sứ mệnh cao cả của hạt gạo bé nhỏ, cũng đồng thời là cái đức tính chịu đựng hi sinh cao quý của những người làm ra hạt gạo: quanh năm độn khoai, độn sắn để dành gạo cho chiến trường. Câu thơ cũng có được một nhịp điệu dồn dập khẩn trương:

“hạt gạo làng ta

Gửi ra tiền tuyến

Gửi về phương xa

Em vui em hát

Hạt vàng làng ta”

Trong bài thơ trên có một hình ảnh có một tư tưởng nghệ thật bất ngờ được xây dựng trên cơ sở của đối chọi:

“Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy”

Phải có con mắt trẻ thơ mới có thể viết được câu thơ: “nước như ai nấu; chết cả cá cờ”. phải sống ở nông thôn mới có thể biết được nước ruộng nóng quá cua phải ngoi lên bờ. Nhưng phải là người có thơ mới có thể viết được:

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy

Đối chọi ở dây đã nêu bật bản chất của đối tượng được miêu tả nhờ thể đối lập tương phản và do đó không cần nói gì nhiều mà có thể biểu hiện được những nổi vất vả, nhọc nhằn của người mẹ để làm ra hạt gạo. Đối chọi đã tạo được một sự diễn đạt ngắn gọn, cô đúc có tiết tấu và gây ấn tượng mạnh mẽ.

Dựa trên các biện pháp của từng nội dung bài tập đọc mà tôi phân tích nghệ thuật một cách có chiều sâu để giúp học sinh cảm nhận giá trị nghệ thuật đó có hệ thống logic. Chẳng hạn:

Bài: MÙA THẢO QUẢ

Bài văn trên là một bài văn miêu tả rất sinh động vì tác giả của nó đã khéo léo kết hợp tả với kể, tả với suy tưởng, kết hợp với suy tư.

Những câu kể ngắn gọn, rõ ràng mở đầu từng đoạn, làm cho người đọc  dễ nắm được những chủ đề- tư tưởng nghệ thuật. Vào bài, câu kể làm thành những đoạn văn riêng. Thảo quả trên rừng Đản Khao đã vào mùa. Mở đầu cho một đoạn văn thứ ba là một câu kể là một suy tưởng: Thảo quả trên rừng Đản Khao đã chín nục. Chẳng có loại quả nào hương thơm lại ngây ngất đến kì lạ đến như thế. Đoạn văn thứ tư thì lại mở đầu có một nội dung vừ kể vừa tả. Sự sống cứ liên tục trong âm thầm, hoa thảo quả nở dưới gốc cây kín đáo và lặng lẽ.

Dấu hiệu báo tin đã đén mùa thảo quả, là hương thơm của nó.”hương” được lặp đi lặp lại ba lần. “thơm” được láy lại năm lần với những biến đổi về chất (thơm-thơm nồng-thơm đậm)trong những câu dài câu ngắn khác nhau, câu dài được ngắt từng đoạn có quan hệ nối tiếp không dùng liên từ cũng trở thành ra ngắn đem lại một âm điệu nhịp nhàng, êm ái, phù hợp với sự diễn tả cái hương thơm ngọt lịm của  thảo quả bay đi khắp nơi quyện vào cây cỏ đất trời, nếp khăn, nếp áo.

Sự miêu tả động “dùng những động từ chỉ hoạt động: lướt thướt bay qua, cuộn đi, rải theo, đưa vào” kết hợp với miêu tả tĩnh”dùng tính từ chỉ phẩm chất : ngọt lựng, thơm,thơm nồng, thơm, thơm đậm” và động từ chỉ tình thái: ấp ủ) góp phần làm cho bức tranh miêu tả thật có hồn, có sức sống, khơi gợi ở người đọc  những rung động sâu xa trước cái đẹp, cái quến rũ của thảo quả ở một vùng cao của đất nước.

Đoạn văn thứ ba của bài là đoạn văn tường thuật. Tác giả đã chọn lối tường thuật rất ấn tượng:

– Kể kết hợp với suy tưởng trong hai câu:”Thảo quả trên rừng Đản Khao đã chín nục. Chẳng có thứ quả nào hương thơm lại ngây ngất kì lạ đến thế.”

– Suy tưởng kết hợp miêu tả động trong cùng một câu: “mới đầu xuân năm kia, những hạt thảo quả gieo trên đất rừng, qua một năm bỏ mặc, đã lớn cao đến bụng người; một năm sau nữa, từ một chân lẻ, thảo quả đâm thêm hai nhánh mới.”

– Kể kết hợp với tả trong cùng một câu: “thảo quả sầm uất…lan toả, vươn ngọn, xoè lá, lấn chiếm không gian, gió tây lướt thướt bay, qua rừng, quyến hương thảo quả đi, rải theo triền núi, đưa hương thảo quả ngọt lựng, thơm nồng vào những thôn xóm…”

– Với miêu tả tĩnh: “dưới tầng đáy rừng, tựa như đột ngột, bỗng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót, bóng bẩy như chứa lửa, chứa nắng. Rừng ngập hương thơm. Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng.

Rừng say ngây và ấm nóng. Thảo quả như những đốm lửa hồng, ngày qua ngày lại thắp thêm nhiều ngọn mới, nhấp nháy vui mắt”.

Câu một chỉ sự tồn tại. Những câu sau là những câu có quan hệ sóng đôi với nhau. Ngoài ra bức tranh tĩnh vật này trở nên rât sống động nổi bật còn là vì tác giả đã sử dụng những định ngữ, bổ ngữ giàu sức gợi hình,gợi cảm dựa trên những hình thức tu từ như so sánh, ẩn dụ,nhân hoá.” Những chùm thảo quả đỏ chon chót, bóng bẩy như chứa lửa, chứa nắng (so sánh). Rừng ngập hương thơm(ẩn dụ bổ sung). Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dươí đáy rừng(so sánh). Rừng say ngây và ấm nóng (nhân hoá). Thảo quả như những đốm lưả hồng (so sánh), ngày qua ngày lại thắp lên nhiều ngọn mới, nhấp nhánh vui mắt (ẩn dụ).

Trong những hình thức tu từ nói trên, nhà văn tỏ rõ một con mắt tinh tế, táo bạo. Với cách dùng từ chọn lọc, sáng tạo, cách đặt câu uyển chuyển, ngắt giọng nhịp nhàng, cách kết hợp khéo léo, nhà văn đã dựng lên được một bức tranh mùa thảo quả đẹp và sống động đến từng chi tiết khiến cho người đọc cũng phải ngỡ ngàng.

Bài:CA DAO VỀ LAO ĐỘNG, SẢN XUẤT

Người ta đi cấy lấy công,

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề

Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng…

(TV5, Tập 1)

Để làm ra hạt gạo trắng ngần các bác nông dân đã phải đổ xuống ruộng bao nhiêu giọt mồ hôi. Hai câu thơ mở đầu đã khái quát nên nỗi vất vả đó:

“Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.”

Cày ruộng là một công việc vất vả. Cày ruộng đã vất vả rồi lại làm vào thời điểm nắng nóng nhất, lúc “ban trưa”. Miêu tả những giọt mồ hôi của người nông dân tác giả đã dùng từ “thánh thót” thể hiện sự trân trọng của tác giả đối với người lao động. Tác giả đã sử dụng hình ảnh so sánh độc đáo “mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”. Biện pháp so sánh ấy gợi tả hình ảnh những giọt mồ hôi liên tiếp nhau rơi xuống, cho thấy sự cực nhọc, vất vả của những người nông dân khi caỳ ruộng. Những giọt mồ hôi như mưa là công sức, là tâm huyết của người dân lao động đổ xuống  mỗi thửa ruộng để tạo nên sức sống cho cây lúa. Hình ảnh so sánh này không những chỉ gợi tả mà còn hàm chứa những ý nghĩa sâu xa. Những hạt thóc mẩy vàng là kết quả của quá trình tích tụ mồ hôi và công sức của người nông dân. Vì thế bài ca dao khuyên:

“Ai ơi, bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.”

Để có được bát cơm đầy biết bao giọt mồ hôi của người lao động đã đổ xuống đồng ruộng. tác giả đã sử dụng phép đối trong câu thơ cuối để làm nổi bật ý nghĩa ấy.

Dẻo thơm>< đắng cay

Một hạt >< muôn phần

Từ đó nhắc nhở mọi người phải biết trân trọng hạt gạo, biết tiết kiệm và nhất là phải quý trọng và biết ơn người nông dân, những người đã phải hàng ngày hàng giờ tưới lên đồng ruộng những cơn mưa mồ hôi để đồng lúa xanh hơn, bông lúa trĩu nặng hơn.

“Ơn trời mưa nắng phải thì

Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.”

Sự lặp lại cấu trúc “nơi thì” đã tái hiện được phần nào không khí lao động khẩn trương, cần mẫn cho kịp thời vụ của người nông dân. Họ hăng say lao động bởi họ luôn tin tưởng:

“Công lênh chẳng quản bao lâu

Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.”

Công lênh nghĩa là công sức, người nông dân và tin tưởng, công sức lao động bỏ ra sẽ được trả bằng những hạt thóc vàng. Từ đó, tác giả đưa ra lời khuyên:

“Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.”

Mỗi tấc đất là một tấc vàng, với bàn tay lao động cần cù, con người sẽ biến thành những mảnh đất khô cằn hoang hoá thành những đồng lúa chín vàng. Bài ca dao đã đưa ra một lời khuyên bổ ích cho con người phải chăm chỉ, phải cần cù lao động. Lòng yêu lao động của nhân dân ta đã được thể hiện rất rõ ràng trong bài ca dao này:

“Người ta đi cấy lấy công

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.”

Sự lặp lại nhiều từ”trông” đã diễn tả được nỗi lo lo lắng trăm bề của người nông dân khi đưa cây lúa xuống đồng. Điều đó cũng thể hiện được nỗi vất vả của người nông dân khi làm ra hạt gạo. Thế nhưng, dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn vất vả, cả những bất trắc có thể xảy ra trong sản xuất, người nông dân vẫn kiên trì, cần cù làm lụng  và quết tâm vượt khó khăn.

Những nổi lo lắng của người lao động thì thực sự vơi đi khi tự tin rằng sức lao động của con người sẽ chiến thắng được thiên nhiên.

“Trông cho chân cứng đá mềm

Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng

Chân cứng đá mềm “là câu thành ngữ nói đến khả năng vượt qua mọi khó khăn của con người. Câu thành ngữ được đưa vào bài ca dao này với ý nghĩa khẳng định tinh thần kiên cường của người lao động. Để tìm ra hạt gạo, người nông dân phải đối diện với rất nhiều nỗi khó khăn, vất vả bao nỗi lo lắng về khí hậu và thời tiết nhưng họ vẫn quyết tâm, vẫn kiên cường để vượt lên sản xuất.

Lo lắng, để tránh được những tai hoạ do thiên nhiên gây ra va người nông dân chỉ thực sự yên lòng khi “trời yên biển lặng”. Bài ca dao một lần nữa khẳng định sự vất vả của người nông dân khi làm ra hạt gạo để nhắc nhở mọi người hãy nhớ đến những con người phải một nắng hai sương ấy. Đồng thời bài ca dao đã khẳng định và ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người lao động, phẩm chất được ngợi ca ở đây là ý chí, là quết tâm sắt đá, là lòng yêu lao động của con người.

 

Bài: TRANH LÀNG HỒ

Bài văn gồm hai đoạn. Đoạn thứ nhất biểu hiện lòng khâm phục và biết ơn của tác giả đối với những người vẽ tranh, chủ yếu bằng một lời trau chuốt có sử dụng phương tiện hoán dụ: “lòng tôi thấm thía một nỗi biết ơn đối với những người nghệ sĩ tạo hình của nhân dân”, nếu so sánh với nói bình thường chẳng hạn : “Tôi biết ơn thật sâu sắc và chân thành những ngươì vẽ tranh dân gian”, thì mới thấy được giá trị gợi hình, gợi cảm của cách nói bóng bẩy dựa trên cơ sở sự gần nhau trong thực tế khách quan của các sự vật :lòng tôi- tôi, người hoạ sĩ- người hoạ sĩ tạo hình.”tôi biết ơn một cách chân thành sâu sắc” là cách nói trừu tượng, còn cách nói “lòng tôi thấm thía một nỗi biết ơn” là một sự diễn đạt vừa mang  tính cụ thể hình tượng vừa có khả năng diễn tả sâu sắc. Dùng “người hoạ sĩ tạo hình nhân dân” thay cho “người vẽ tranh dân gian” là dùng cách nói chuyển ngữ để nhấn mạnh ý nghĩa nghệ thuật cao của  tranh dân gian, để thể hiện trình độ nghệ thuật cao của những người vẽ ra nó. Đề tài tranh làng hồ thường lấy chủ đề trong cuộc sống hàng ngày ở làng quê Việt Nam. Nhưng tính chất phong phú, đa dạng của những  con, cây, người, vật, gần gũi trong sinh hoạt đã làm nên sức hấp dẫn của tranh dân gian. “Phải yêu quý cuộc đời trồng trọt, chăn nuôi lắm mới khắc được những tranh lợn ăn ráy có những xoáy âm dương rất có duyên, mới vẽ được những đàn gà con tưng bừng  như ca múa bên gà mẹ”. Câu trên là một câu suy tưởng khẳng định một cách ngắn gọn cái điều kiện “phải yêu mến cuộc đời trồng trọt, chăn nuôi lắm” vốn đưa đến một  hệ quả tốt  đẹp “mới khắc phục được những tranh lợn ráy và những xoáy âm dương rất có duyên, mới vẽ được những đàn gà con tưng bừng như ca múa bên gà mẹ”. Cách viết sóng đôi “mới khắc được…/ mới vẽ được…” trong thành phần câu chỉ hệ quả trên làm cho câu nói trở nên nhịp nhàng cân đối và phần này đã góp phần vào sự thể hiện lòng yêu thích và ý ca ngợi những bức tranh gà, lợn vui tươi sinh động làm cho bức tranh miêu tả thêm sống động.

Đoạn văn thứ hai là đoạn văn vừa kể vừa tả. Mỗi câu trong đoạn được chia ra thành hai phần cách nhau bằng dấu hai chấm:phần trước  là kể, phần sau là tả, tả để giải thích cho kể để cụ thể hoá phần vừa kể: “Kĩ thật tranh làng hồ đã đạt đến sự trang trí tinh tế: những bộ tranh Tố Nữ áo màu, quần hoa chanh, nền đen lĩnh của một thứ màu đen rất Việt Nam. Màu đen không pha bằng thuốc mà luyện bằng bột than của bột rơm nếp, than của cói chiếu, của lá tre mùa thu rụng, là những chất liệu gợi nhắc thiết tha đến đồng quê dất nước.. Cái màu tráng điệp lấy từ vỏ sò cũng là một sự sáng tạo góp vào kho tàng màu sắc của dân tộc trong hội hoạ. Điệp ngữ “tăng thên…tăng thêm…” trong những thành phần câu đẳng lập có tác dụng nhấn mạnh, nhiệt tình ca ngợi tác dụng của màu trắng điệp.

III.1. Kết luận:

Khác với những phân môn khác, phân môn tập đọc dùng phương tiện là các tác phẩm văn chương cụ thể là (là những bài văn, bài thơ) để giáo viên và học sinh cùng tìm hiểu. Thông qua việc học tập này các em sẽ làm quen tiếp xúc với các tác phẩm văn học và ngày càng cao hơn. Điều này tạo cơ sở để các em trau dồi năng lực cảm thụ văn học và cố gắng học giỏi môn tiếng việt.

Ơû mỗi bài văn, thơ đều mang giá trị biểu cảm khác nhau. Chính vì vậy việc tìm hiểu biện pháp tu từ trong mỗi bài tập đọc được sử dụng cũng ở mức độ khác nhau. Nên khi liệt kê các biện pháp  tu từ trong các bài tập đọc lớp 5 và rất thiết thực nhằm giúp học sinh hiểu rõ và hệ thống được một loạt các biện pháp tu từ được học và sử dụng.

Việc nghiên cứu các biện pháp tu từ không chỉ dành cho giáo viên mà học sinh cũng nắm rõ. Cụ thể là khi hướng dẫn học sinh tập đọc giáo viên phải kết hợp với việc hướng dẫn tìm hiểu bài để giúp học sinh nắm  bắt các giá trị nghệ thuật, những cảm xúc mà tác giả thể hiện bằng biện pháp tu từ.

Tóm lại, việc tìm vẻ đẹp của các biện pháp tu từ trong các bài tập đọc lớp 5 là yếu tố cốt lõi để học sinh cảm thụ hiểu sâu sắc hơn về các tác phẩm thơ, văn để giúp các em có cơ sở để tiếp tục học lên các bậc học tiếp theo.

Bấm vào đây để tải về

 

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng