Môi trường xanh- sạch- đẹp với trẻ mầm non
- Lý do chọn đề tài:
Môi trường có tầm quan trọng đối với đời sống con người, và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và cả thế giới. Theo định nghĩa, môi trường là những gì tồn tại xung quanh chúng ta, nó bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Môi trường tự nhiên là những sự vật, hiện tượng tồn tại xung quanh chúng ta, chẳng hạn như thế giới thực vật, động vật, các hiện tượng tự nhiên, nước, đất đá, không khí…Môi trường tự nhiên là không khí, là thức ăn, là sự cân bằng sinh thái đảm bảo cho sự sống con người.
Môi trường xã hội đó là các mối quan hệ, các quy luật, quy tắc ứng xử trong xã hội
Môi trường tự nhiên có được phát triển lành mạnh hay không cũng đều
do sự tác động của môi trường xã hội. Có thể hiểu cách khác rằng, để môi trường tự nhiên trong sạch, lành mạnh, phong phú thì nhờ có con người tác động đến nó, vậy có bảo vệ, phát triển hay chỉ phá hoại đến môi trường tự nhiên. Môi trường sống đang là sự quan tâm mang tính toàn cầu, ô nhiễm môi trường và những tác hại của nó đối với cuộc sống ngày rất nặng nề hơn. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp là nhiệm vụ của tất cả mọi người.
Nguyên nhân dẫn đến sự ô nhiễm môi trường quan trọng là do chặt phá rừng, vứt rác bừa bãi, xả nước, rác thải công nghiệp. Khí hậu trái đất ngày càng nóng dần lên một cách bất thường và ngày càng khắc nghiệt nên dẫn đến những thiên tai như giông bão, sóng thần, lở núi, lũ quét, hạn hán… ngày càng dồn dập xảy ra trên thế giới, để lại những tác hại về vật chất và tinh thần.
Còn với đất nước Việt Nam thì sao, vấn đề bảo vệ môi trường như thế nào? Có thể nói, bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp cần được quan tâm nhiều hơn. Hiện nay, việc xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp đã được tuyên truyền rộng rãi hơn, nhằm tạo ra một môi trường lành mạnh, ngăn ngừa thiên tai, giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Hầu hết các cơ quan nhà nước đều trồng cây xanh, đều có lao công chăm sóc, bảo vệ, dọn dẹp; tại các rừng đều ghi các biển báo cấm chặt phát rừng hay những khu vui chơi, hay khu dân cư đều cấm vứt rác… đó là những biểu hiện về bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp.
Môi trường đang là sự quan tâm mang tích chất toàn cầu không chỉ Thế giới mà cả Việt Nam. Ô nhiễm môi trường và tác hại mà nó gây ra ngày càng nặng nề, cho nên những năm gần đây Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực kêu gọi mọi người:
“ Hãy vì môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh- sạch- đẹp”
Môi trường tự nhiên đặc biệt là cây xanh giúp cân bằng hệ sinh thái động thực vật, hài hòa các yếu tố tự nhiên, bảo đảm duy trì sự sống cho con người. Môi trường xanh đồng thời cũng phải là môi trường sạch và đẹp. Sạch ở đây có nghĩa là môi sạch sẽ thể hiện ngay trong ý thức của con người: không xả rác ra đường… Còn đẹp là một nhu cầu tất yếu mà con người cũng muốn hưởng thụ. Cho nên xây dựng môi trường xanh-sạch- đẹp cần phải có 3 yếu tố: xanh, sạch, đẹp.
Ô nhiễm môi trường để lại hậu quả khó lường cho con người cả về của cải và sức khỏe, gây ra nhiều bệnh tật, bệnh nguy hiểm như: bệnh thổ, tả, H5N1, sốt xuất huyết…
Quả là tình trạng ô nhiễm môi trường đến mức báo động, chúng ta phải làm gì để cứu lấy màu xanh, cứu lấy cuộc sống của chúng ta. Thấy được tầm quan trọng của môi trường xanh- sạch- đẹp, tôi là giáo viên mầm non ý thức được cần phải bảo vệ lấy môi trường. Và với trẻ mầm non, là lứa tuổi non nớt cần được học trong môi trường tốt nhất để phát triển toàn diện. Như chúng ta biết “ Trẻ em hôm nay, Thế giới ngày mai”, trẻ muốn được tiếp xúc, hoạt động một cách thoải mái, tiện lợi thì đều do người lớn tạo môi trường giúp trẻ. Trẻ hôm nay phát triển tốt thì thế giới ngày mai sẽ có những thành quả tốt. Trường học xanh- sạch- đẹp tạo ra môi trường học tập và vui chơi giúp trẻ càng thêm yêu quý trường lớp, thầy cô, bạn bè. Từ đó, tôi đã có một quá trình tìm hiểu và xây dựng đề tài “ Môi trường xanh- sạch- đẹp với trẻ mầm non”. Tôi đưa ra đề tài này nhằm để tìm ra các biện pháp xây dựng, bảo vệ môi trường ngày càng xanh- sạch- đẹp hơn và đem lại hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục trẻ có ý thức bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp.
- Nội dung và cách thực hiện các biện pháp giải pháp
* Biện pháp 1: Phối hợp với nhà trường, đồng nghiệp và phụ huynh xây dựng môi trường Xanh- sạch- đẹp với trẻ mầm non.
+ Nội dung: Phối hợp với nhà trường, đồng nghiệp và phụ huynh để xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp cho trẻ mầm non
Như tôi đã nêu ở phần lý do chọn đề tài, môi trường có tầm quan trọng rất lớn với trẻ mầm non, mà tại trường mầm non là nơi trẻ thường xuyên tiếp xúc, học tập. Có thể nói rằng vấn đề xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp tại trường mầm non có ảnh hưởng rất lớn đến số lượng và chất lượng giáo dục trẻ. Qua thời gian tham quan tại các trường bạn ở miền Trung như: Trường Mẫu giáo Thần Đồng Việt ( Khánh Hòa), Trường mầm non Diên Điền ( Ninh Hòa, Khánh Hòa), tôi thấy cảnh quan trường bạn khá là khang trang, đẹp mắt, họ thiết kế những khu vui chơi có bóng mát, những khu vườn cổ tích rất nhiều loại cây xanh, cây cảnh. Qua tìm hiểu tôi được biết không chỉ riêng nhà trường, hay chỉ giáo viên, hay chỉ phụ huynh tạo ra môi trường đó, mà là sự phối kết hợp giữa giáo viên, nhà trường cùng các bậc phụ huynh xây dựng môi trường lành mạnh, đẹp đẽ cho trẻ tại trường đó. Còn chúng ta thì sao? Xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp như thế nào? Ai sẽ là người xây dựng?. Có phải chỉ riêng Ban giám hiệu hay không? Đó là những điều làm tôi phải suy nghĩ trước khi xây dựng đề tài. Tôi bắt tay vào xây dựng môi trường với rất nhiều kế hoạch. Ngay từ đầu tháng 9, tôi đã lên kế hoạch, tham mưu với Ban giám hiệu trường và được đồng ý. Trong các buổi họp hội đồng, họp chuyên môn, họp công đoàn tôi đều đưa ra ý kiến để vận động tất cả các giáo viên tại các lớp cùng thực hiện. Tôi nghĩ rằng, tại sao trường học cũng là một ngôi trường nhỏ nhắn, đội ngũ giáo viên ít mà sao họ xây dựng được mà mình không thể xây dựng. Vì vậy, tôi mạnh dạn đưa ra biện pháp phối hợp với nhà trường, đồng nghiệp cùng các bậc phụ huynh xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp cho trẻ. Trải qua một quá trình nghiên cứu tôi có được nhiều thành công và tôi đưa ra một vài kinh nghiệm về xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp tại trường tôi mời các bạn cùng tham khảo.
Đối với sự phối hợp với nhà trường, đồng nghiệp: Ngay trong cuộc họp đầu năm tôi đã mạnh dạn đưa ra ý kiến với nhà trường thực hiện trồng cây xanh, quét dọn trường lớp sạch sẽ. Và ngày khai giảng Ban giám hiệu cùng tập thể giáo viên đã tổ chức trồng cây xanh.
Đó là sự tham gia tích cực của toàn thể nhà trường, giáo viên tham gia trồng cây. Việc trồng cây là một công việc đơn giản nhưng quá trình chăm sóc bảo vệ như thế nào để cây phát triển là một vấn đề không hề nhỏ. Thế nhưng trong trường chúng tôi đã đồng sức đồng lòng cùng xây dựng một môi trường cho trẻ qua nhiều hoạt động như trước khi khai giảng năm học, giáo viên ở các lớp tham gia lao động xung quanh lớp, sắp xếp đồ dùng đồ chơi trong lớp gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ, cùng phụ huynh tham gia lao động lau nhà, lau cửa sổ, giặt rèm cửa, tưới cây, xạc cỏ xung quanh trường lớp. Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ nhưng toàn thể giáo viên cùng các phụ huynh đã có một khuôn viên trường sạch sẽ hơn để đón các cháu vào năm học mới đầy hứng khởi. Không chỉ dừng ở đó, nhà trường cùng với giáo viên tham gia lao động xung quanh lớp học một tháng một lần. Cùng với chi đoàn tham gia lao động tưới nước, nhổ cỏ cho các cây xanh, vườn hoa, cây cảnh, và tham gia trồng rau sạch cho trẻ. Trồng rau sạch không chỉ cung cấp thức ăn cho học sinh mà còn tạo ra một mô hình đẹp giúp trẻ khám phá, tìm hiểu các loại rau, phát triển thêm kiến thức cho trẻ. Không phải lao động xong là thôi, nhà trường cũng có kế hoạch kiểm tra hàng tháng để chấm thi đua cho các lớp nhằm động viên khích lệ cho các giáo viên có tinh thần tự giác cao hơn. Có thể nói rằng việc tuy đơn giản nhưng không đơn giản, nó cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường cùng với giáo viên mới có được thành công như ngày hôm nay.
Còn việc tuyên truyền đến các phụ huynh mới đầu cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn ở đây là do đa số các phụ huynh đều làm nông, họ chưa ý thức được việc học của trẻ tại trường mầm non, họ nghĩ rằng đến trường mầm non chỉ để học hát múa vài bài, đọc thơ vài bài xong là về. Họ không thấy được rằng “Khởi đầu cho nền giáo dục mầm non tốt, là khởi đầu cho sự phát triển của đất nước’’. Và qua nhiều cuộc họp phụ huynh từ các năm trước thì họ cũng đã nhận thức hơn về tầm quan trọng của trường mầm non. Hiện nay, việc tuyên truyền cũng được thể hiện nhiều cách khác nhau, nhưng tuyên truyền như thế nào cho phụ huynh hiểu, thuyết phục và cùng tham gia. Tôi là một giáo viên giảng dạy chưa được lâu, thế nhưng qua học hỏi đồng nghiệp tôi cũng đã lên kế hoạch tuyền truyền phụ huynh xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp tại trường mầm non.
Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, thông qua kế hoạch nhà trường tôi nói lên cho các phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của môi trường với con người, qua đó nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống của con người và đặc biệt là trẻ nhỏ. Khi trẻ đến trường thì môi trường xung quanh sẽ tác động rất mạnh đến sự phát triển của trẻ, trẻ sẽ có những hành vi đúng sai với môi trường ở mọi lúc mọi nơi. Không chỉ ở lớp mà ở nhà trẻ cũng cần phải có môi trường lành mạnh nhất. Từ đó, các phụ huynh đã nắm bắt được sự ảnh hưởng của môi trường đến con trẻ của họ. Tiếp tục buổi tuyên truyền là tôi huy động sự đóng góp của phụ huynh, vì nhà trường mới thành lập cây xanh bóng mát ít, cây cảnh chưa có nhiều, sân trường chưa được đẹp, trẻ chưa có khu vực chơi ngoài trời, nhà ăn chưa có nên phải ăn trong lớp nên cũng bất tiện cho giáo viên, khu vực vệ sinh chưa phù hợp cho trẻ và cũng còn rất nhiều thứ còn thiếu thốn. Có thể năm nay chúng ta sẽ xây dựng một công trình nào đó, năm tiếp theo sẽ xây dựng tiếp để khuôn viên trường đẹp hơn, thuận tiện cho việc dọn vệ sinh hơn. Còn nhiều vấn đề được nhắc đến cuộc họp và sau khi cuộc họp kết thúc thì được sự đồng tình của phụ huynh bắt tay vào công cuộc xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp. Đến cuối năm học có các đóng góp của phụ huynh như: cây xanh, cây cảnh, ghế đá, đóng góp tiền để làm thêm mái vòm, nhà ăn, nhà vệ sinh, làm đường bê tông từ cổng vào trường. Tôi cùng các phụ huynh tham gia lao động dọn dẹp, xạc cỏ xung quanh trường lớp một tháng một lần tạo ra môi trường lúc nào cũng sạch sẽ, đẹp mắt để trẻ được học tâp. Nhờ có sự đóng góp của phụ huynh mà tạo nên khuôn viên trường vừa có màu xanh, vừa sạch sẽ mà lại đẹp mắt quả là một thành quả lớn dành tặng cho các cháu nhỏ được bước chân vào trường Mẫu giáo Hoa Sen mà không ai khác chính là bố mẹ của các cháu.
Tuyên truyền cho phụ huynh vào các giờ đón trả trẻ. Một số phụ huynh nhận thức kém nên học chưa ý thức được việc đóng góp cho nhà trường. Vì vậy trong giờ đón trẻ, tôi động viên thuyết phục họ bằng cách mình không đóng tiền hay không có cây xanh ủng hộ thì có thể bỏ một ngày công tham gia lao động trồng rau sạch, dọn dẹp lớp giặt rèm, chăn chiếu, rửa đồ dùng đồ chơi cho học sinh…
Trên đây là một vài kinh nghiệm và kết quả mà biện pháp tôi đưa ra, hi vọng rằng nó sẽ giúp ích cho một thế hệ mầm non tương lai được học tập và các trường bạn tham quan sẽ thấy một trường Mẫu giáo Hoa Sen sạch hơn, đẹp hơn với tất cả mọi người.
Biện pháp 2: Tích hợp giáo dục Môi trường xanh- sạch- đẹp vào các hoạt động trong ngày của trẻ
Nội dung: Giáo dục trẻ có ý thức bảo vệ môi trường vào các hoạt động trong ngày
“ Vạn sự khởi đầu nan’’, một sự khởi đầu tốt đẹp cho mầm non đó chính là sự phát triển thành công của một thế hệ mới. Hiện nay, mầm non đang được quan tâm hàng đầu, đã có nhiều đầu tư của nhà nước cho giáo dục mầm non. Nền giáo dục mầm non hiện nay đã và đang có nhiều thay đổi thể hiện ở chỗ là có nhiều buổi tập huấn về chuyên môn ở nhiều lĩnh vực do sở, cùng phòng giáo dục tổ chức. Với chương trình mầm non mới hiện nay, môi trường luôn có sự ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Vậy làm thế nào để trẻ có thể tiếp thu tri thức mới của xã hội một cách tốt nhất?, đặc biệt là việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp cho trẻ mầm non. Giáo viên là người trực tiếp giáo dục cháu từ lúc đón trẻ đến khi trả trẻ, vậy từ khi trẻ ở lớp giáo viên phải giáo dục như thế nào? Việc tích hợp nội dung vào các hoạt động trong ngày làm sao cho phù hợp với từng chủ đề? Đó là vấn đề mà tôi luôn trăn trở. Tôi đã tham khảo các ý kiến của đồng nghiệp và nhận được những giải pháp, những ý kiến rất bổ ích. Từ đó tôi áp dụng vào đề tài nghiên cứu này và đạt được những thành công đáng kể. Không phải là khó mà cũng không hề dễ, tôi sẽ đưa ra những kinh nghiệm của tôi ngay sau đây mời các đồng chí cùng tham khảo.
Trẻ đến lớp được khám phá tìm hiểu ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, thực hiện trong nhiều chủ đề, trong một ngày trẻ phải trải qua nhiều hoạt động, việc giáo dục cháu trong vấn đề bảo vệ môi trường cần nhịp nhàng. Từ khi bước chân đến lớp trẻ phải thực hiện những quy tắc của lớp đó chính là những nề nếp thói quen của chính trẻ.
Ví dụ như: Vào giờ đón trẻ ở tất cả các chủ đề cô giáo sẽ nhắc nhở cháu để dép đúng chỗ, để cho gọn gàng, các đồ dùng cá nhân cũng phải để đúng nơi. Vì điều kiện phụ huynh không cho trẻ ăn sáng nên phải lên lớp ăn quà sáng nhờ cô giáo nhắc nhở cháu ăn, và cô phải nhắc nhở cháu bỏ rác vào thùng quy định, chứ không vứt bừa bãi. Đó là những việc đơn giản nhưng tạo nên một thói quen lâu dài cho trẻ.
Thông qua hoạt động học giáo dục cháu có ý thức bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp.
Môn học chịu ảnh hưởng nhiều nhất khám phá khoa học được lồng ghép vào các chủ đề. Mỗi chủ đề sẽ có một nội dung lồng ghép, tích hợp cho phù hợp về môi trường xanh- sạch- đẹp. Trẻ vừa được tìm hiểu về môi trường, vừa hình thành thói quen, ý thức bảo vệ, chăm sóc môi trường đó
Ví dụ như ở chủ đề Trường mầm non
Tôi cho trẻ khám phá cây xanh trong trường và trò chuyện
– Cây xanh có lợi ích gì cho trường chúng ta?
– Chúng ta phải làm gì để bảo vệ chăm sóc cây?
– Nếu cây bị phá hoại thì trường chúng ta sẽ như thế nào?
Tôi cho trẻ quan sát cây xanh trong trường không chỉ nhận biết đặc điểm, ích lợi, quá trình phát của cây xanh mà còn giáo dục cho trẻ cách chăm sóc và bảo vệ cây xanh tạo nên môi trường lành mạnh, đẹp cho trường học. Trẻ sẽ được trải nghiệm, thực hành tưới cây, nhổ cỏ cho cây trẻ sẽ thấy thích thú, vui mừng khi được làm những công việc đó.
Tôi cho trẻ tìm hiểu một số loại hoa
- Hoa có những đặc điểm nào?
- Chúng ta sẽ làm gì để có một vườn hoa đẹp
- Hoa có lợi ích gì đối với con người? với trường lớp chúng ta?
Trẻ tìm hiểu về hoa không chỉ thấy được sự phong phú đa dạng của các loài hoa mà còn giúp trẻ biết được vẻ đẹp, ích lợi các loài hoa, qua đó giáo dục cháu biết yêu quý bảo vệ chăm sóc những loài hoa xung quanh bé.
Trò chuyện về các danh lam thắng cảnh của địa phương nơi trẻ đang sống. Trẻ hiểu biết về danh lam đó, có ý nghĩa rất lớn đối với con người, cho mọi người có thể tham quan, ngắm cảnh. Qua đó giáo dục cháu biết gìn giữ bảo vệ bằng cách nếu cháu được đi tham quan thì không được vứt rác bừa bãi, không xả nước bẩn xuống nguồn nước ở đó.
Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp thông qua hoạt động ngoài trời.
Hoạt động ngoài trời là lúc trẻ được trực tiếp tiếp xúc với môi trường xanh- sạch- đẹp. Trẻ có được hoạt động trong bầu không khí trong lành, hay có những bóng mát của cây xanh, hay được ngắm những vẻ đẹp của cây cảnh, cây hoa hay không? Đó chính là ý thức bảo vệ của cả cô và trò, môi trường trong xanh, trong sạch và đẹp sẽ tạo nên sự hứng khởi cho trẻ hoạt động tích cực. Trẻ được khám phá tìm hiểu các kiến thức về môi trường đó, cũng qua đó trẻ sẽ được tham gia lao động tập thể. Ví dụ như vào các giờ chơi tự do trẻ sẽ cùng nhau đi nhặt rác, nhặt lá cây, nhổ cỏ, tưới nước cho cây. <Người nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình> Trẻ vừa được bảo vệ môi trường, vừa biết yêu quý lao động
Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường thông qua hoạt động góc
Thông qua hoạt động góc trẻ được tham gia chơi các góc rất nhiều đồ chơi, trẻ trải nghiệm một xã hội thu nhỏ trong các vai chơi. Trẻ sẽ biết sử dụng các đồ chơi vì vậy cần phải có ý thức bảo vệ các đồ chơi, không đập phá, làm bẩn đồ chơi, khi chơi xong phải biết sắp xếp gọn gàng, đúng nơi quy định. Ví dụ ở góc chơi xây dựng là góc mà đồ chơi nhiều nhất và được sử dụng lâu dài nhất nên giáo dục cháu ý thức chơi nhẹ nhàng, đồ chơi được xếp phân loại đúng nơi. Góc chơi phân vai đồ chơi cũng được sắp xếp đẹp mắt, tạo ra một không gian lớp sạch, đẹp trẻ sẽ thích thú được đến lớp. Tại góc thiên nhiên trẻ có thể chăm sóc vườn rau của lớp, tưới nước, nhổ cỏ, bắt sâu cho rau.
Trong các hoạt động khác như giờ ăn, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường chủ yếu nói đến là vấn đề sạch. Tức là trẻ biết giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân. Chẳng hạn như: trẻ rửa tay trước và sau khi ăn, lau dọn bàn ghế cho gọn gàng sạch sẽ, để bát đúng nơi quy định, ăn không làm vãi rơi cơm. Vệ sinh cá nhân được giáo dục mọi lúc mọi nơi, trẻ biết rửa khi bị bẩn, đi vệ sinh đúng nơi quy định, đi xong biết dội nước. Hàng tuần tổ chức lao động vệ sinh quanh trường lớp vào chiều thứ 2 và thứ 5, tất cả các học sinh sẽ cùng nhau nhặt rác, nhặt lá cây, một số cháu thì tưới rau, dọn đồ chơi lại cho gọn gàng.
Hoạt động nêu gương là một trong những hoạt động có tinh thần, giúp trẻ nhận thức được việc làm đúng, việc làm sai trong ngày đó. Khen ngợi tuyên dương những trẻ có việc làm đúng; nhắc nhở, động viên trẻ chưa làm tốt sẽ sửa sai việc làm chưa tốt. Ví dụ như: Trẻ được tuyên dương tham gia tưới nước cho cây, sắp xếp đồ chơi gọn gàng, nhặt rác bỏ vào nơi quy định….Nhắc nhở trẻ như đi vệ sinh chưa đúng nơi quy định, vứt rác bừa bãi, ăn còn vãi rơi cơm,…Qua hoạt động nêu gương này sẽ khắc sâu được những việc nên làm, việc không nên làm của trẻ.
Có thể nói rằng việc giáo dục trẻ có ý thức bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp là một nhiệm vụ quan trọng trong một ngày. Khi trẻ đã có thói quen nề nếp thì việc giáo dục sẽ trở nên đơn giản hơn. Trẻ biết bảo vệ môi trường sẽ tạo nên một khuôn viên trường đẹp đẽ, tạo hứng thú khi được đến lớp. Việc giáo dục trẻ cần sự mềm dẻo, linh hoạt kết hợp các phương pháp khác nhau để trẻ nhận thức được tốt nhất.
Trải qua một năm học thực hiện biện pháp này, ý thức bảo vệ môi trường của trẻ lớp tôi tăng lên rõ rệt, trẻ biết tưới cây, nhặt rác, đi vệ sinh đúng nơi,… Không những tôi nhận ra điều này mà cả phụ huynh cũng đã cám ơn tôi về kết quả của con họ.
Biện pháp 3: Giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp thông qua tham quan các trường quanh khu vực.
Nội dung: Tham quan vườn cây sân trường THCS Nguyễn Trãi
Thực hiện: tổ chức, hướng dẫn trẻ tham quan
Tham quan tạo điều kiện cho trẻ được học hỏi, rút kinh nghiệm những môi trường xung quanh. Trẻ hiểu được rằng không chỉ có mỗi trường của mình mới trồng cây xanh, trồng hoa mà ở tất cả các trường khác cũng có. Trẻ nhận thức được rằng môi trường xanh- sạch- đẹp rất quan trọng với tất cả mọi người. Vì một điều kiện nào đó có thể tổ chức cho trẻ đi tham quan thì trẻ cảm thấy môi trường quanh con người rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Tôi đã tổ chức một buổi tham quan và có được kết quả cao.
Vì điều kiện lớp học đông, vì trẻ nhỏ mà lớp chỉ có 2 cô nên việc tham quan không thể đi xa mà kề trường tôi là trường THCS Nguyễn Trãi, tôi đã đưa các học sinh đi tham quan trường đó. Tôi trò chuyện cùng các cháu: không phải lớp anh chị lớn thì không cần có cây xanh, không cần bảo vệ, giữ gìn vệ sinh mà ở tất cả mọi nơi, cho dù là người lớn hay trẻ nhỏ thì cũng phải bảo vệ cây xanh. Cây xanh giúp cho bầu không khí trong lành, có bóng mát để mọi người nghỉ ngơi. Tại trường anh chị đây, anh chị cũng chăm sóc tưới cây, nhặt lá khô để cho trường lớp đẹp cho chúng ta được đi tham quan đấy.Và kết quả cho thấy rằng trẻ rất hứng thú được dạo chơi tham quan trường anh chị, sân trường rất sạch sẽ, khuôn viên trường đẹp.
Có thể nói rằng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi trẻ được tham quan đã tạo cho trẻ một hứng khởi mới cho buổi học.
III. KẾT LUẬN- KIẾN NGHỊ
III. 1. Kết luận:
Qua một thời gian nghiên cứu tìm hiểu đề tài, tôi nhận ra rằng hoc sinh đã nhận thức được tầm quan trọng của môi trường. Hiện nay, môi trường đang nóng dần lên mà vấn đề bảo vệ là của toàn cầu. Từ những biện pháp giải pháp được thực hiện đã thu được kết quả đáng khen ngợi. Nhà trường đã thay đổi mạnh mẽ cơ sở vật chất được đầu tư, học sinh luôn đặt lên làm trung tâm. Đặc biệt là trẻ đã được lĩnh hội một số kiến thức về môi trường và ý thức được việc bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp. Môi trường có lành mạnh thì trẻ sẽ được phát triển toàn diện.