Một số biện pháp thúc đẩy nhóm hoạt động có hiệu quả

Một số biện pháp thúc đẩy nhóm hoạt động có hiệu quả

1.Lý do chọn đề tài :

Quá trình dạy học là quá trình hoạt động của giáo viên và học sinh, hai hoạt động  này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Đó là hoạt đông hướng dẫn học sinh tư duy sáng tạo và hoạt động chiếm lĩnh kiến thức của học sinh. Để hòa nhập với nền giáo dục tiên tiến, hiện đại của các nước trong khu vực và trên thế giới, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phải có những con người năng động và sáng tạo: “Đó là những chủ nhân tương lai của đất nước”. Đại hội Đảng khóa XI xác định: “ Đổi mới toàn diện Giáo dục và Đào tạo”, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng và hoàn thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam. Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa cho học sinh, đặc biệt là năng lực trí tuệ, phẩm chất đạo đức con người Việt Nam.

Do yêu cầu phát triển của khoa học kỹ thuật ngày càng nhanh, đất nước đã đặt ra mục tiêu cho ngành giáo dục: “ Đào tạo ra những người có kiến thức văn hóa, khoa học, kỹ năng nghề nghiệp, lao động tự chủ, sáng tạo, có kỷ luật, giàu lòng nhân ái, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, sống lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nướctrong giai đoạn hiện nay và trong tương lai”. Vì vậy ngành giáo dục đã có những định hướng đổi mới phương pháp dạy học, tạo điều kiện giúp học sinh phát huy tính tích cực, tự giác, phát triển năng lực tư duy, năng lực tự học, tự tìm tòi để khám phá kiến thức. Với mô hình trường học mới VNEN là một trong những mô hình dạy học có sự đổi mới về cách dạy và cách học. Học sinh học với mạch kiến thức phù hợp trình độ nhận thức và đặc điểm tâm sinh lý học sinh. Đổi mới phương pháp dạy học là góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm học.

Một trong những phương pháp chủ đạo của lớp học mô hình VNEN là tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm. Nhiều năm qua việc học nhóm đã được giáo viên quan tâm và đưa vào các tiết dạy nhằm mục đích phát huy tính tích cực, tự giác, hợp tác và sáng tạo. Song không phải ai cũng vận dụng linh hoạt  sáng tạo phương pháp này và chất lượng học tập của học sinh có đạt được như mong muốn hay không đó chính là vấn đề tôi đặc biệt quan tâm và trăn trở. Sau gần năm năm thực hiện dạy học theo mô hình VNEN tôi đã tìm tòi nghiên cứu chương trình sách giáo khoa và hình thức tổ chức dạy học để tìm ra một số biện pháp thúc đẩy nhóm hoạt động có hiệu quả (Mô hình trường học mới VNEN); tạo niềm hứng thú học tập cho học sinh.

  1. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp:

*Một số cách chia nhóm

Có ba cách chia nhóm cơ bản: Cho học sinh tự chọn nhóm, chia nhóm một cách ngẫu nhiên và GV là người chọn nhóm .

+) Cho học sinh tự chọn nhóm

Học sinh được phép tự chọn nhóm học tập của mình khi cô giáo yêu cầu. Đây là hoạt động mà học sinh rất hứng thú. Các nhóm nhỏ (4 đến 6 học sinh)  được hình thành dựa theo sở thích, thói quen của nhau. Học sinh tự hình thành nhóm trên cơ sở nguyện vọng. Cách chia nhóm này đặc biệt phù hợp với các môn học như  Tự nhiên và Xã hội hay các hoạt động ngoại khóa khác.
   Tuy nhiên nếu quá lạm dụng hình thức này, một số học sinh cứ mãi cùng thực hiện hoạt động với nhau hoặc sẽ luôn ngồi ở một vị trí nhất định. Khi học sinh được tự chọn các bạn mà các em thích để cùng thực hiện hoạt động, có thể dẫn đến tình trạng kết bè tập thể. Do vậy,  mặc dù thỉnh thoảng để cho học sinh tự chọn nhóm, nhưng đôi khi  tôi không để học sinh tự quyết định việc này.

+) Chia nhóm một cách ngẫu nhiên

Cách chia nhóm này  có thể thông qua trò chơi để học sinh được kết nhóm. Trò chơi phổ biến mà tôi  hay tổ chức cho học sinh là trò chơi Kết bạn. Học sinh xếp thành vòng tròn vừa đi vừa hát. Khi tôi  ra hiệu lệnh “kết bạn” và yêu cầu số người trong nhóm, học sinh nhanh chóng co cụm lại thành các nhóm với số lượng thành viên đúng như tôi yêu cầu .
Một số cách khác để chia nhóm là dùng các thẻ màu khác nhau. Hội đồng tự quản học sinh sẽ phát ngẫu nhiên thẻ màu cho các bạn. Những học sinh có thẻ cùng màu sẽ thành một nhóm. Có thể thay thế thẻ màu bằng hình ảnh các con vật, tên các mùa, hay sử dụng các phần kiến thức nào đó (ví dụ các bộ phạn của cây) để chia nhóm.
Đây là dạng tổ chức nhóm ngẫu nhiên, một hình thức chia nhóm công bằng cho tất cả học sinh.
  +)  Giáo viên là người chia nhóm học sinh .
 Cách chọn nhóm này có thể phân chia thành các loại nhóm sau :
   Nhóm khả năng đa dạng: Đây là nhóm phục vụ cho các môn học tập trung vào phát triển các kĩ năng. Giáo viên sẽ phân chia để trong nhóm có cả học sinh khá lẫn học sinh yếu nhằm hỗ trợ lẫn nhau. Mục đích là nên để học sinh biết rõ lí do tại sao lại chọn nhóm theo cách đó để học sinh trong nhóm biết cách hỗ trợ nhau trong khi thực hiện các công việc của nhóm .
    Nhóm dựa trên năng lực: Khi giáo viên muốn làm việc với các nhóm học sinh có trình độ tương đương trong mỗi nhóm thì giáo viên sẽ gộp các học sinh khá, giỏi lại cùng nhau ; học sinh yếu sẽ được chia thành các nhóm đồng nhất trình độ với nhau. Bằng cách này, tôi  có thể giao thêm việc cho các nhóm học sinh khá, giỏi hoặc có năng khiếu về lĩnh vực nào đó nhằm tăng cường thử thách, khơi gợi hứng thú và ham mê khám phá sáng tạo của các em ; mặt khác, tôi  sẽ tập trung hướng dẫn, cũng cố những vấn đề cơ bản cho các nhóm học sinh yếu và đảm bảo có thời gian đầu tư vào việc thiết kế nhiệm vụ phù hợp với năng lực của nhóm này. Chia nhóm dựa theo năng lực tương đương sẽ tránh được tình trạng nhóm bị thống trị bởi những học sinh khá, giỏi hoặc quá mạnh mẽ.
     Tuy nhiên, ngay trong chính mỗi giờ học hay mỗi ngày học, tùy thuộc vào đặc điểm các hoạt động, mục đích bài học mà các nhóm nên được thay đổi đa dạng, vừa giúp các hoạt động, mục đích bài học mà các nhóm nên được thay đổi đa dạng, vừa giúp đạt mục tiêu vừa làm cho học sinh không cảm thấy bị buồn chán. Nguyên tắc là không sử dụng một phương pháp chia nhóm nhiều lần. Việc thay đổi nhóm thường xuyên không sử dụng một phương pháp chia nhóm nhiều lần. Việc thay đổi nhóm thường xuyên cũng là cách rất tốt để học sinh học hỏi kinh nghiệm học tập và kĩ năng làm việc nhóm trong mỗi nhóm khác nhau của các bạn học khác nhau. Các nhóm nên thường xuyên được thay đổi và dù chọn chia nhóm theo cách nào thì giáo viên cũng cần phải xem xét, chuẩn bị kĩ càng. Nguyên tắc là nhóm phải phù hợp với hoạt động được giao và phải hướng tới mực tiêu mà giáo viên mong muốn đạt được của hoạt động đó.
    Việc áp dụng đa dạng và phù hợp các cách chia nhóm đã mang lại hiệu quả rất tốt trong các hoạt động nhóm của học sinh. Học sinh không những hoàn thành công việc tốt mà còn rất hào hứng chờ đợi mỗi lần được phân chia nhóm lại.

*Phân công nhiệm vụ cho các thành viên và xây dựng quy tắc hoạt động trong nhóm

Sau khi học sinh đã hiểu và có cơ hội được thực hành các vai trò trong nhóm, trong quá trình luyện tập, các em đã có nhận thức khá rõ ràng về những việc nên làm hay không nên làm trong hoạt động nhóm. Vì vậy, giống như nhiều tổ chức khác, tổ chức nhóm của lớp học cũng cần phải được làm rõ về các nguyên tắc khi hợp tác trong nhóm.

Người xây dựng những quy tắc này không ai khác chính là các thành viên trong nhóm. Các nhóm dưới sự điều khiển của nhóm trưởng và một thư kí ghi chép lại sẽ lần lượt phát biểu xây dựng các nội quy làm việc nhóm. Giáo viên nên để các em thoải mái trao đổi và không hạn chế những ý kiến ban đầu có thể là ngây ngô của các em. Trong các nhóm, giáo viên cũng nên tập cho học sinh phản biện bằng cách để các em có thể bảo vệ ý kiến của mình cũng như yêu cầu bạn giải thích tại sao bạn lại cho rằng quy tắc bạn đưa ra là cần thiết. Sau khi các nhóm làm việc xong, giáo viên mời người thuyết trình của các nhóm lên trước lớp trình bày các nguyên tắc mà nhóm mình đã chọn. Một hoặc hai thư ký của lớp sẽ ghi lại những phần trao đổi này. Sau đó giáo viên khéo léo đặt thêm câu hỏi về các quy tắc mà giáo viên muốn học sinh đưa thêm vào để học sinh thảo luận. Sau cùng, lớp học sẽ thống nhất được một bộ quy tắc về những điều nên làm hoặc không nên làm khi hoạt động nhóm.

*Một số nguyên tắc cơ bản khi tham gia hoạt động nhóm

  • Ngồi thành vòng tròn để tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy nhau.
  • Mọi người phải biết lắng nghe ý kiến của bạn, không ngắt lời khi bạn đang nói, không trêu chọc và coi thường ý kiến của bạn.
  • Hãy biết kiên nhẫn chờ tới lượt
  • Hãy khuyến khích các bạn tham gia làm việc và thảo luận nhóm.
  • Hãy tôn trọng bạn mình.
  • Tuân theo sự điều hành của trưởng nhóm nhưng có chia sẻ, góp ý sao cho nhóm được điều hành và hoạt động tốt hơn.

Một số quy tắc có thể do học sinh đưa ra như: Không ăn quà khi làm việc nhóm, không gục xuống bàn… cũng nên đưa vào để khuyến khích học sinh tham gia hoạt động nhóm và thể hiện cho học sinh thấy ý kiến của các em được tôn trọng.

Quy tắc nhóm cũng có thể được đưa ra để nhắc nhở các thành viên trong nhóm. Hàng tuần trong các giờ sinh hoạt, tôi  để thời gian cho các nhóm kiểm điểm lại các hoạt động của nhóm và xét xem các bạn có đang thực hiện theo đúng quy tắc của nhóm không, có quy tắc nào cần điều chỉnh, bổ sung không, hoặc có quy tắc nào cần đưa thêm vào cho phù hợp hơn với điều kiện của lớp học không.

Với học sinh khi  được tự mình xây dựng quy tắc nhóm và thường xuyên rà soát việc thực hiện quy tắc này thì các em sẽ có trách nhiệm hơn với công việc  từ đó kết quả học tập và vui chơi trong các nhóm sẽ hiệu quả hơn.

*Một số trò chơi được tổ chức theo nhóm

Tổ chức trò chơi theo nhóm mang lại những tác động to lớn cho các em. Trò chơi không chỉ giúp HS thực sự được sống trong thế giới vui vẻ của trẻ thơ mà đối với một số trò chơi còn giúp việc truyền thụ kiến thức cho HS dễ dàng và tự nhiên hơn. Ví dụ: Thay vì yêu cầu HS nhớ lại các bộ phận của cây và nhắc lại nó một cách truyền thống khi kiểm tra bài cũ, tôi tổ chức cho HS thực hiện một trò chơi. Tôi chia lớp thành 4 đội; trong khoảng thời gian 3 phút, lần lượt thành viên trong mỗi đội sẽ lên bảng viết tiên một bộ phận của cây.Đội nào viết được nhiều bộ phận đúng nhất sẽ thắng cuộc. Quan sát học sinh tham gia trò chơi, Tôi thấy các em hứng thú và hỗ trợ nhau rất nhiều.

 Tuy nhiên gần đây, khi tham gia dạy học theo mô hình trường học mới, Tôi còn thấy được một số tính năng cực kì đặc biệt của các trò chơi khi kết nối với mô hình học nhóm, đó là trò chơi góp phần to lớn vào sự thúc đẩy tính tương tác giữa các học sinh. Khi trong cùng một đội, cùng đang hướng tới mục tiêu, HS sẽ quên đi tính cá nhân của mình và tập trung nhiều vào ý thức tập thể, hỗ trợ cho các bạn rất nhiều để cả đội cùng đi đến đích.

 Tôi lên kế hoạch cho việc tổ chức những trò chơi tương tác . Thời gian lý tưởng cho các cuộc “chơi mà học” này là đầu mỗi giờ học khi tôi luôn hâm nóng không khí lớp học, hoặc giữa giờ học khi mà trò chơi có thể giúp HS thư giãn. Một điều rất thú vị của mô hình VNEN là sự linh hoạt và chủ động sáng tạo trong lớp học. Ngay cả khi đang trong giờ học mà thấy cần thiết tôi cho Ban Văn nghệ tổ chức cho học sinh hát hoặc chơi các trò chơi tập thể để “hâm nóng” lại không khí học tập.

Một số trò chơi tương tác mà tôi hay tổ chức cho học sinh:

  • Xếp hàng: Học sinh xếp hàng ( theo nhóm ) theo các tiêu chí cụ thể. Ví dụ từ cao nhất đến thấp nhất, chiều dài của mái tóc, số khuy áo đang mặc, chiều dài của chân… Học sinh không được phép nói, chỉ dùng cử chỉ để thực hiện việc xếp hàng. Trò chơi sẽ rất vui nếu học sinh được giao làm quản trò vì các em sẽ nghĩ ra nhiều tiêu chí vui nhộn
  • Vòng tròn kì diệu: Học sinh ngồi thành vòng tròn. Ở giữa là hộp đựng các câu nói chưa hoàn thành. Học sinh sẽ bốc bất kì một câu và phải hoàn thành phần còn lại. Các câu có thể là: Tôi cảm thấy vui khi…, Giấc mơ lớn nhất của tôi là…, Vào kì nghỉ này tôi sẽ… với mục đích là để học sinh quen với việc chia sẻ với bạn bè và tập nói trước đám đông.
  • Nhóm: Học sinh rời bàn học và đứng quanh phòng. Chủ trò yêu cầu kết nhóm theo số lượng được gọi và tiêu chí kết nhóm. Ví dụ: nhóm 4 những học sinh mặc áo cùng một màu, nhóm 3 những bạn cùng sở thích màu sắc… Học sinh sẽ phải giao tiếp với bạn để tìm ra nhóm của mình.
  • Đúng hay sai: Mỗi học sinh viết 3 câu về mình lên giấy, hai câu đúng, một câu sai rồi cầm tờ giấy giơ lên trước ngực. Sau đó, các em đi vòng quanh phòng và đặt câu hỏi với các bạn để cố gắng tìm ra câu nào của bạn đúng, câu nào sai. Các bạn được hỏi chỉ được trả lời ĐÚNG hoặc SAI cho mỗi câu hỏi. Tương tự như vậy, có thể dán vào lưng học sinh một bức tranh hoặc tên một con vật. Học sinh này đứng xoay lưng lại với lớp, chỉ các bạn trong lớp mới biết nội dung tranh hoặc tên con vật ; sau đó HS này sẽ phải cố gắng đặt câu hỏi với các bạn trong lớp để tìm ra nội dung tranh hoặc tên con vật.

Những hoạt động như vậy sẽ giúp HS phát triển kỹ năng đặt câu hỏi và tăng cơ hội tương tác với các bạn.

Nhìn HS vui đùa và hỗ trợ nhau  trong các trò chơi, tôi thấy rất hài lòng. Tôi  luôn mong muốn các em được đi học một cách vui vẻ, nhẹ nhàng và những gì ghi nhận được, tôi  thấy, hiệu quả học tập qua các trò chơi đôi khi tốt và lâu bền hơn rất nhiều so với việc học nghiêm túc theo cách truyền thống.

*Các hình thức làm việc theo nhóm

Ở các lớp học VNEN, chúng ta bố trí học sinh thường ngồi học theo nhóm. Tuy nhiên không phải lúc nào học sinh cũng hoạt động theo nhóm. Học sinh vẫn làm việc cá nhân, theo cặp trong nhóm. Các hình thức làm việc trong nhóm được thay đổi thường xuyên cắn cứ vào yêu cầu của bài học và hướng dẫn học  của giáo viên .
Học sinh làm việc cá nhân: Trước khi tham gia phối hợp với bạn  trong các nhóm nhỏ, cá nhân luôn có một khoảng thời gian với các hoạt động để tự lĩnh hội kiến thức, nắm vững và chuẩn  bị cho các hoạt động đóng vai hay thảo luận trong nhóm. Phổ biến nhất có thể kể đến các hoạt động như đọc mục tiêu bài học, đọc văn bản , giải bài toán để tìm kết quả… Cá nhân làm việc độc lập nhưng vẫn hoạt động trong nhóm , vẫn chịu sự điều hành của nhóm trường. Quá trình làm việc cá nhân trong nhóm vẫn rất lớn và chiếm ưu thế hơn so với các hoạt động khác. Hoạt động của  cá nhân này giúp học sinh có thời gian tập trung tự nghiên cứu, tự khám phá kiến thức, tự chuẩn bị những gì cần thiết trước khi sử dụng nó để có những hoạt động khác cùng cả nhóm . Trong quá trình làm việc cá nhân, gặp những gì không hiểu, học sinh có thể nêu luôn ra trong nhóm để các thành viên khác trong nhóm hỗ trợ và nếu không giải quyết được vấn đề thì nhóm trường có thể giơ kí hiệu nhờ giáo viên hỗ trợ .
Làm việc theo cặp (2 học sinh)
   Tùy theo hoạt động học tập, có lúc học sinh sẽ làm việc theo cặp trong nhóm. Tôi thường  chia nhóm sao cho không học sinh nào bị lẻ khi hoạt động theo cặp. Hoặc tôi  phải cho đan chéo giữa các nhóm để đảm bảo tất cả các học sinh đều được làm việc. Làm việc theo cặp rất phù hợp với các công việc như: kiểm tra dữ liệu; giải thích, chia sẽ thông tin; thực hành kĩ năng giao tiếp cơ bản (ví dụ như nghe, đặt câu hỏi, làm rõ một vấn đề); đóng vai. Đây là quy mô nhóm đặc biệt phù hợp cho việc hợp tác . Làm theo cặp sẽ giúp các em tự tin, mạnh dạn và tập trung tốt cho công việc nhóm. Quy mô nhỏ này cũng là nền tảng cho sự chia sẻ và hợp tác trong nhóm lớn hơn sau này. Làm việc theo nhóm ( từ 4 đến 6 học sinh )

 Trong các giờ học của VNEN luôn có các hoạt động cả nhóm cùng hợp tác.

Ví dụ:  Sau khi học sinh tự đọc cá nhân một câu chuyện, trưởng nhóm sẽ dẫn dắt các bạn trao đổi về một số vấn đề của câu chuyện đó; hoặc sau khi các cá nhân trong nhóm đã đưa ra kết quả của một bài toán, nhóm sẽ cùng trao đổi về cách giải bài toán đó; hoặc các học sinh trong nhóm cùng thực hiện một dự án nhỏ với sự chuẩn bị và phân chia công việc rõ rang… Nhóm là hình thức học tập phát huy rất tốt khả năng sang tạo nên hình thức này dễ phù hợp với các họaht động cần thu thập ý kiến và phát huy sự sáng tạo. Điều quan trọng là học sinh cần phải biết mình làm gì và làm như thế nào khi tham gia làm việc nhóm.

Tuy mỗi phương pháp và hình thức dạy học đều có mặt mạnh và mặt hạn chế riêng điều quan trọng là giáo viên lựa chọn mức độ và hình thức tổ chức hoạt động cho một bài cụ thể căn cứ vào nội dung tính chất từng bài, trình độ, năng lực, sở trường của giáo viên, hoàn cảnh cụ thể của từng trường từng lớp và việc nắm bắt kiến thức của học sinh mà sử dụng cho phù hợp.

Ví dụ:  Sử dụng phương pháp thảo luận phát huy tính tích cực của học sinh trong dạy học Lịch sử ở lớp 5 như sau:

Bài: Chiến thắng Việt Bắc 1947 và biên giới 1950

Giáo viên cho thảo luận nhóm, nội dung thảo luận:  Tìm hiểu diễn biến chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947.

Giáo viên cho  học sinh tự thảo luận , học sinh đọc sách giáo khoa dựa vào lược đồ để trình bày diễn biến của chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947. Sau đó giao  cho các nhóm làm việc theo hệ thống câu hỏi.

Lực lượng của địch khi bắt đầu tấn công Việt Bắc ? Đại diện các nhóm trả lời
Sau hơn 1 tháng tấn công Việt Bắc quân địch rơi vào tình thế như thế nào ? Đại diện các nhóm trả lời

 

Sau 75 ngày đêm đánh địch, ta đã thu được kết quả ra sao? Đại diện các nhóm trả lời
  • Giáo viên chốt ý của bài học

*Để hoạt động thảo luận nhóm của học sinh đạt kết quả cao, giáo viên và học sinh phải chuẩn bị như sau:

  • Xác định kiến thức và kĩ năng học sinh cần lĩnh hội.
  • Chuẩn bị đồ dùng dạy học bằng mô hình, hình vẽ, kí hiệu.
  • Xác định người điều khiển nhóm.
  • Xác dịnh rõ vẫn đề thảo luận.
  • Lắng nghe khi người khác phát biểu.
  • Tôn trộng ý kiến quan điểm của người khác.
  • Sử dụng các sự kiện, hiện tượng để minh họa cho ý kiến, quan điểm.
  • Đưa ra những câu hỏi để làm sáng tỏ những điều còn nghi ngờ.
  • Bảo đảm tất cả thành viên trong nhóm cùng tham gia thảo luận.
  • Kiên quyết không để cho ai lấn át cuộc thảo luận.
  • Trong khi thảo luận phải tạo không khí vui vẻ tránh căng thẳng để học sinh thi đua hợp tác với nhau trong quá trình tìm kiếm, phát hiện vận dụng kiến thức.
  1. Kết luận:

Sau một thời gian dài nghiên cứu tôi nhận thấy việc tổ chức cho học sinh hoạt động học tập theo nhóm là rất cần thiết. Đây là phương pháp tốt nhất phát huy tính tích cực, chủ động, tự tin, sáng tạo, hợp tác, chia sẽ, mạnh dạn trao đổi ý kiến của mình trước tập thể của học sinh. Muốn đạt được kết quả như mong muốn, trước khi tiến hành tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm, đòi hỏi người giáo viên phải tìm hiểu tâm sinh lí của học sinh, phân loại học sinh đúng đối tượng. Tạo niền say mê cho học sinh hăng hái tham gia vào công việc cùng các bạn trong nhóm. Phát huy tối đa năng lực của nhóm trưởng, Thường xuyên thay đổi nhóm trưởng, thư ký để em nào cũng được báo cáo kết quả của nhóm trước tập thể. Số lượng thành viên trong các nhóm cũng được thay đổi để các em có điều kiện giao lưu học hỏi lẫn nhau. Khi sử dụng phương pháp hoạt động nhóm trong từng môn học, bài học, giáo viên phải nghiên cứu kĩ mục tiêu, nội dung, lượng kiến thức trong từng tiết học, sau đó xây dựng kế hoạch bài giảng phù hợp với năng lực học sinh giúp các em dễ dàng thảo luận, đặt tình huống và giải quyết vấn đề theo đề bài yêu cầu. Từ đó giúp các em chiếm lĩnh kiến thức và ghi nhớ lâu bền, biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống với tinh thần thoải mái vô tư, yêu trường, mến bạn: “ Học mà vui, vui mà học”.

Đề tài nghiên cứu thành công, nhưng có lẽ không tránh khỏi những hạn chế mong  các bạn đồng nghiệp nhiệt tình góp ý xây dựng để dề tài hoàn thiện hơn.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Bấm vào đây để tải về

 

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng