- Tìm hiểu hoàn cảnh, cá tính của từng học sinh:
Mỗi học sinh đều có một hoàn cảnh gia đình khác nhau, vì thế các em cũng được tiếp thu cách giáo dục của cha mẹ, ông bà… khác nhau. Do vậy việc hình thành nên một số tính cách, tình cảm của mỗi em cũng hoàn toàn khác nhau. Cùng một sự việc nhưng các em có những biểu hiện về suy nghĩ và cảm xúc khác nhau.
Qua tìm hiểu đối tượng học sinh của mình trong những năm qua, tôi nhận thấy truyền thống của gia đình ảnh hưởng rất lớn đối với việc hình thành những chuẩn mực và hành vi đạo đức ở các em. Do vậy việc tìm hiểu về gia đình và cá tính của mỗi học sinh, giúp chúng ta phân loại từng nhóm đối tượng học sinh để có những biện pháp giáo dục, bồi dưỡng tình cảm đạo đức cho các em hiệu quả hơn.
Phần lớn học sinh của tôi trực tiếp giảng dạy trong nhiều năm qua đều là con nông dân lao động, điều kiện về kinh tế rất khó khăn. Một số ít các em được hưởng thụ một truyền thống giáo dục nề nếp từ gia đình, những học sinh này phần lớn các em ngoan hiền dễ dạy bảo. Tuy nhiên số đông học sinh thì rất ít được sự quan tâm giáo dục từ gia đình, đại bộ phận phụ huynh học sinh ở đây chỉ chú trọng việc phát triển kinh tế, thậm chí có một số học sinh cha mẹ thường xuyên vắng nhà, bản thân các em tự chăm sóc mình từ việc ăn uống, sinh hoạt đến việc học hành. Những học sinh này thường bị ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường xã hội nơi các em sinh sống.
Bên cạnh việc điều tra, tìm hiểu đối tượng học sinh thông qua tiếp xúc trực tiếp, tôi thường cho các em trình bày về hoàn cảnh gia đình, lịch sinh hoạt hàng ngày, mối quan hệ thân thiết với bạn bè, những ước mơ, nguyện vọng của mình qua bản tự thuật do chính các em trình bày. Điều này phần nào đó giáo viên sẽ nắm bắt được tính cách của từng học sinh.
- Bồi dưỡng tình yêu thương và trách nhiệm với gia đình
Đa phần học sinh tôi giảng dạy đều là con em người lao động, họ suốt ngày bận rộn với công việc nương rẫy nên có rất ít thời gian và điều kiện để giáo dục con em mình. Nắm bắt được tình hình thực tế nên thông qua các hoạt động giáo dục và các tiết hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tôi thường sưu tầm cho các em xem và nghe những câu chuyện trong chương trình “quà tặng cuộc sống”, “bóng mát tâm hồn”… để giáo dục các em lòng kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Đồng thời hướng dẫn các em làm những công việc cụ thể trong sinh hoạt hằng ngày như rót nước mời ông bà, cha mẹ, biết chăm sóc ông bà, cha mẹ khi bị ốm đau, bệnh tật, biết dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, biết nhặt những chiếc lá rơi trong vườn để giữ gìn vệ sinh môi trường… Giáo dục học sinh biết nghe lời và biết hoàn thiện công việc một cách vui vẻ khi cha mẹ nhờ bảo, không để cha mẹ nhắc đi, nhắc lại năm lần bảy lượt mới làm và phải thể hiện nét mặt luôn tươi tỉnh, hồ hởi hòa vui với cha mẹ, không thể hiện hành vi mặt sưng, mày sỉa, tiếng bấc, tiếng chì làm cha mẹ tủi cực, buồn phiền. Thông qua những hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn lao, bồi dưỡng cho các em tinh thần trách nhiệm và biết yêu thương, chia sẻ ông bà, cha mẹ.
Để giúp các bậc học sinh nhận thấy rõ vị trí của giáo dục gia đình trong việc hình thành nhân cách cho các em. Thông qua các cuộc họp phụ huynh hoặc sinh hoạt khối, thôn buôn, tôi thường tuyên truyền để các bậc phụ huynh biết được gia đình có rất nhiều chức năng trong đó có một chức năng hết sức quan trọng là chức năng giáo dục con cái, đây là trách nhiệm của các bậc cha mẹ giúp hình thành nên nhân cách cho các em, tạo cho các em có vốn sống làm người để sau này để các em bước vào cuộc sống xã hội thực sự.
Con cái là niềm vui của bố mẹ
- Bồi dưỡng tình cảm yêu trường, lớp, yêu thiên nhiên
Bằng kinh nghiệm và trực giác của người làm công tác giáo dục, tôi nhận thấy đa số học sinh của chúng ta hiện nay ở tất cả các cấp học, các em thiếu tình cảm đối với trường lớp. Các em chỉ xem trường lớp chỉ là nơi để tiếp thu kiến thức mà không hề có sự gắn bó, yêu thương. Vì thế khi ra trường đa số các em đã quên ngay ngôi trường nơi mà mình đã được thầy cô tận tình dạy dỗ trong suốt một quãng thời gian dài.
Để giáo dục và bồi dưỡng tình yêu đối với trường lớp, bên cạnh kế hoạch chung của nhà trường tôi thường tự tổ chức cho học sinh nhiều buổi lao động dọn vệ sinh, chăm sóc vườn cây do nhà trường phân công, chăm sóc giàn hoa tự tạo của lớp. Không ít giáo viên xem các buổi lao động như là một trách nhiệm dọn dẹp thuần túy, họ chỉ chú trọng tổ chức cho các em hoàn thành phần việc được phân công. Nhưng với tôi, ngoài việc hoàn thành phần việc được phân công, điều quan trọng là giúp cho các em có thái độ đúng đắn trong quá trình lao động, có biểu hiện tình cảm tích cực đối với trường, lớp. Từ đó, các em đã bắt đầu có ý thức tự giác trong các buổi lao động, các em làm việc với một thái độ tự nguyện, tinh thần hăng say, thể hiện tình cảm của mình đối với trường lớp trong công việc.
Hàng năm, cùng với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tôi luôn duy trì tổ chức cho lớp chăm sóc vườn hoa trong trường, vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa để giáo dục bồi dưỡng cho các em tình yêu đối với thiên nhiên. Hàng ngày, các em tự phân công nhau chăm sóc vườn hoa và các chậu cây cảnh của lớp. Một việc làm tuy chưa phải là lớn lao, nhưng trong mỗi búp non vừa nhú, mỗi nụ hoa vừa nở tôi giúp cho các em hiểu ra rằng thành quả đó là nhờ vào công lao chăm sóc của chính các em, để từ đó các em tự nhận thức được nếu con người biết yêu thương và bảo vệ thiên nhiên thì con người cũng sẽ đón nhận được những điều tốt đẹp nhất mà thiên nhiên mang đến. Vườn hoa và cây cảnh của lớp luôn luôn tươi tắn nhờ sự chăm sóc thường xuyên của các em. Điều quan trọng là tôi nhận thấy các em đã biết nâng niu từng bông hoa, từng chiếc lá. Nhiều học sinh đã tự nguyện xin cây cảnh của gia đình đem tặng cho lớp. Điều đó chứng tỏ các trong các em đã hình thành tình cảm đáng quý đối với trường lớp, với thiên nhiên.
- Bồi dưỡng tình yêu thương và ý thức giúp đỡ bạn bè, tinh thần hợp tác
Tình bạn hiện nay trong đại bộ phận học sinh các cấp đang trở nên khô cứng, chúng ta khó có thể tìm thấy những đôi bạn, nhóm bạn thân thiết đúng nghĩa của tình bạn trong học sinh. Các em rất ít khi thể hiện được sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như trong sinh hoạt. Lối sống thực dụng và lòng ích kỷ đang chiếm dần tâm hồn các em.
Để khơi dậy trong các em tình cảm bạn bè thiêng liêng cao cả, ngoài những bài học đạo đức trong chương trình, tôi thường hay tổ chức cho các em tham gia vào một số hoạt động ngoại khóa theo nhóm bạn như thi cắm hoa, thi trang trí đĩa trái cây, thi nấu cơm… nhân các ngày lễ trong năm học (20/10, 08/3, 20/11). Mục đích của tôi là thông qua các hoạt động này, các em được gần gũi nhau, được tâm sự và chia sẻ với nhau những suy nghĩ, tình cảm của mình và biết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Thường trong các hoạt động này tôi chỉ hướng dẫn cho các em về ý nghĩa và cách thực hiện, các em tự phân công nhau mua sắm vật liệu và tự tìm hiểu cách làm cho từng công việc.
Thông qua những hoạt động ngoại khóa như thế này, các em thường đến với nhau bằng tinh thần đồng đội, biết hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ với nhau những hiểu biết và kinh nghiệm của mình, tình cảm bạn bè từ đó cũng ngày càng gắn bó hơn. Trong các hoạt động tập thể như thế này, tôi thường căn cứ vào quá trình điều tra của mình để lựa chọn và ghép nhiều đối tượng học sinh vào một nhóm để các em hỗ trợ lẫn nhau. Những học sinh hiếu động, tính tình hung hăng tôi thường giao cho các em làm nhóm trưởng để các em có trách nhiệm. Việc phân công các nhóm trưởng cũng được luân phiên nhau để tất cả các em đều có ý thức trách nhiệm như nhau. Điều này sẽ rèn cho các em tinh thần tự giác và ý thức kỷ luật trong một tập thể. Với vai trò là người hướng dẫn, tôi luôn theo dõi, quan sát từ hành động đến lời nói của từng học sinh để kịp thời điều chỉnh và uốn nắn khi các em có những sai sót trong ứng xử. Có rất nhiều trường hợp, giáo viên không quản lý tốt các hoạt động ngoại khóa nên đã để nảy sinh những mâu thuẫn đáng tiếc trong quan hệ của các em.
Qua nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp, tôi đều cố gắng tổ chức cho các em được tham gia vào các hoạt động ngoại khóa như thế này, tôi nhận thấy các em rất hứng thú và nhiệt tình. Được sống trong một tập thể biết đoàn kết, yêu thương, gắn bó với nhau, tính cách cởi mở, thân thiện của từng học sinh dần dần được hình thành và củng cố.
- Bồi dưỡng lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm
Trong cuộc sống hiện đại, khi mà guồng quay vội vã của xã hội dễ khiến cho người ta hờ hững và thờ ơ với nhau, thì chuyện giáo dục lòng nhân ái, sự vị tha được xem là cần thiết đối với việc giáo dục đạo đức cho học sinh nhất là học sinh tiểu học. Lòng nhân ái chính là nền tảng của tất cả những gì tốt đẹp, vì không có lòng nhân ái sẽ không có chuyện nảy sinh những điều tốt đẹp trong mỗi con người.
Một con người có tinh thần trách nhiệm thì khi họ thực hiện việc gì cũng toàn tâm, toàn ý vào công việc đó. Họ làm rất chu đáo, hoàn hảo và sợ từng sơ xuất nhỏ. Người có tinh thần trách nhiệm cao, họ luôn dũng cảm chịu trách nhiệm về những việc làm của họ. Để các em trở thành những công dân có tinh thần trách nhiệm trong tương lai thì việc bồi dưỡng cho các em ý thức trách nhiệm trước bản thân, công việc là điều không thể thiếu.
Hàng năm cùng với phong trào quyên góp ủng hộ học sinh vùng khó khăn do ngành giáo dục và nhà trường phát động, tôi vẫn thường tổ chức cho học sinh thành lập Quỹ vì bạn nghèo của lớp để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong lớp hoặc những gia đình học sinh gặp rủi ro trong cuộc sống. Không như nhiều giáo viên đã làm, tôi hoàn toàn không chú trọng đến số tiền các em quyên góp, tôi chỉ quan tâm giúp cho các em hiểu được ý nghĩa của việc các em đang làm. Hàng năm với phong trào này, tôi đã tổ chức cho các em quyên góp ủng hộ được cho một số học sinh có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong lớp như quần áo, sách vở, tiền mua bảo hiểm y tế, mua quà thăm các bạn ốm đau… Điều quan trọng ở đây là qua phong trào, các em được bồi dưỡng tình “tương thân tương ái”, biết giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn, biết chia sẻ khó khăn lẫn nhau trong cuộc sống. Quan hệ giữa các em ngày càng gắn bó hơn trong tình yêu thương của bạn bè.
Trong mỗi năm học, tôi thường sưu tầm và tổ chức vài lần cho các em xem một số hình ảnh về những người tàn tật, những người bất hạnh được đăng trên báo hoặc trên Internet về người thật việc thật và yêu cầu các em hãy viết những cảm nghĩ của mình về những con người kém may mắn đó. Ban đầu khi xem ảnh, đa số các em thường tỏ thái độ ghê sợ hoặc bình thản chưa có những biểu hiện cảm xúc của sự cảm thông với nỗi bất hạnh của họ. Sau khi được nghe tôi lần lượt giới thiệu và phân tích về hoàn cảnh của từng người, dần dần các em biết xúc động, cảm thông. Tuy chưa sâu sắc nhưng những dòng cảm nghĩ của các em đã biểu lộ được tấm lòng nhân ái của con người với đồng loại. Trong buổi giao lưu văn nghệ của các em học sinh trường khuyết tật năm học 2009-2010, sau khi nghe các em trong đoàn giới thiệu về hoàn cảnh của các em và giao lưu văn nghệ, tôi đã vận động học sinh của lớp quyên góp trên hai trăm ngàn đồng để ủng hộ, số tiền tuy không lớn nhưng điều đáng nói ở đây là các em đã biết quan tâm đến người khác, biết cảm thông và chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình. Sau buổi giao lưu, tôi tranh thủ thời gian cho các em ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình các anh chị khuyết tật mà các em đã tận mắt chứng kiến.
Lòng nhân ái của con người không phải tự dưng mà có, nếu không được vun đắp, bồi dưỡng cho các em từ tấm bé thì mai sau tâm hồn của các em trở nên xơ cứng, các em sẽ trở thành những con người vô cảm.
Một trong những hình ảnh về những người tàn tật, bất hạnh tôi dùng để giới thiệu cho học sinh và lắng nghe suy nghĩ của các em
Trong tất cả các phong trào của lớp, tôi không bao giờ làm thay cho các em như nhiều giáo viên khác vì sợ phong trào của lớp không tốt, mà tôi chỉ đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn và theo dõi. Những công việc cụ thể, tôi định hướng để cho các em tự phân công nhau và tự chịu trách nhiệm về phần việc của mình đã được giao. Hàng ngày, việc trực nhật của lớp, tôi cũng quan tâm hướng dẫn các em phân công nhau một cách cụ thể từ chiếc khăn trải bàn, lọ hoa đến việc dọn vệ sinh mỗi người nhận một phần việc và phải có trách nhiệm với công việc của mình. Không phải lúc nào các em cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình được phân công, một số học sinh tỏ ra thiếu trách nhiệm, xem thường việc phân công của cán bộ lớp, thậm chí không chấp hành sự phân công, không có tinh thần hợp tác với các bạn trong nhóm. Những trường hợp như vậy, tôi thường trực tiếp gặp gỡ các em để giải thích rõ về trách nhiệm cá nhân trong tập thể, để các em tự ý thức được vai trò của mình trong một tập thể, chúng ta không thể tách rời khỏi tập thể và nhiệm vụ cá nhân có ảnh hưởng như thế nào đối với cả tập thể.
Trong chương trình đạo đức lớp Năm cũng có nội dung giáo dục cho học sinh ý thức trách nhiệm và tinh thần hợp tác với mọi người trong công việc. Thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoặc thông qua bài học trên lớp tôi thường liên hệ chính thực tiễn mà các em đã tham gia để giáo dục. Biện pháp giáo dục này có tác dụng hơn là những lời giải thích suông.
Nề nếp trong lớp dần dần được hình thành, đa số các em bắt đầu tự nhận thức được trách nhiệm của mình đối với lớp và tự giác hoàn thành nhiệm vụ được cán bộ lớp hoặc giáo viên giao.