Một số biện pháp dạy tốt phân môn kể chuyện lớp 4.
1 LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Ngày nay cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển như vũ bão. Kinh tế tri thức có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Trong bối cảnh đó giáo dục đã trở thành nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế xã hội.
Xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp đổi mới trong những năm tới và thực trạng của nền giáo dục hiện nay Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã khẳng định: “Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ cơ bản của ngành giáo dục là hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh một cách toàn diện nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước tình hình đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII đã xác định: phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong hệ thống giáo dục quốc dân bậc tiểu học là bậc học quan trọng nhất, đây được coi là bậc học nền tảng hình thành nhân cách cho học sinh. Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 2 là: “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện bậc Tiểu học là mục tiêu phát triển giáo dục bậc Tiểu học từ nay đến năm 2020” thì trách nhiệm nặng nề hàng đầu được đặt lên vai những người làm công tác giáo dục nói chung và những người dạy Tiểu học nói riêng. Giáo dục Tiểu học là bậc học nhằm hình thành cho học sinh những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về tình cảm, trí tuệ, thể chất và các kĩ năng cơ bản để tiếp tục học lên và áp dụng vào đời sống. Trong nhà trường Tiểu học, mỗi môn học đều góp phần hình thành và phát triển nhân cách con người Việt Nam, trong đó môn Tiếng việt đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển toàn diện, nó được coi là môn học công cụ để học tốt các môn khác. Khác với các môn học khác, môn Tiếng việt có nhiều phân môn có quan hệ chặt chẽ, bổ sung kiến thức cho nhau trong đó có phân môn kể chuyện là môn học được học sinh hứng thú nhất. Có thể nói kể chuyện là môn học phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của học sinh Tiểu học, đây là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với các em. Các em rất thích nghe chuyện, mỗi câu chuyện lạ, mỗi tình huống hấp dẫn đều có sự thu hút mạnh mẽ sự chú ý của các em. Do đó phân môn Kể chuyện trong chương trình Tiểu học trước hết là để thỏa mãn nhu cầu muốn nghe kể chuyện của các em. Bên cạnh đó kể chuyện còn là phương tiện giáo dục rất quan trọng và có hiệu quả cao trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Qua kể chuyện các em được rèn luyện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, vốn hiểu biết của các em về cuộc sống cũng được vận dụng một cách hợp lí sáng tạo. Mặt khác, kể chuyện còn giáo dục tình cảm cho các em, giúp các em biết phân biệt giữa cái thiện và cái ác, cái xấu với cái đẹp để hướng tới cái thiện mĩ.
Khác với lớp 3 mỗi tuần học sinh chỉ kể lại một câu chuyện vừa học trong bài tập đọc. Lên lớp 4, mỗi tuần học sinh cũng kể một câu chuyện nhưng đó không phải nhất thiết là chuyện đã học trong bài tập đọc. Ở lớp 4 yêu cầu đối với học sinh cao hơn, kể chuyện được học trong 1 tiết học và được chia làm 3 kiểu bài kể chuyện, đó là: Kể chuyện được nghe thầy, cô giáo kể; kể chuyện đã nghe, đã đọc; kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia. Chính sự khác biệt này làm cho học sinh khi học phân môn kể chuyện không tránh khỏi sự lúng túng nhất là với học sinh vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa điều kiện đọc sách báo ít, ngoài việc học trên lớp các em còn phải phụ giúp gia đình nên thời gian để đến thư viện hay tham quan là hiếm có nên yêu cầu kể những câu chuyện về một chủ điểm nào đó mà các em đã nghe hoặc đã đọc hay được chứng kiến hoặc tham gia chẳng hạn như câu chuyện về tham gia cắm trại hay đi du lịch… thì qủa là khó khăn. Vậy làm thế nào để dạy tiết kể chuyện ở Tiểu học nói chung và phân môn kể chuyện ở lớp 4 nói riêng đạt kết quả tốt? Đây là điều mà tôi vẫn thường băn khoăn trong những năm qua. Bản thân tôi từ ngày ra trường đến nay đã 16 năm công tác và cũng là nhiều năm trực tiếp giảng dạy lớp 4, mặc dù thời gian còn ít, kinh nghiệm chưa nhiều song trong quá trình giảng dạy và học hỏi đồng nghiệp tôi cũng đã rút ra được một số kinh nghiệm khi dạy phân môn kể chuyện lớp 4. Chính vì vậy, tôi chọn đề tài “Một số biện pháp dạy tốt phân môn kể chuyện lớp 4” để nghiên cứu và đưa ra một số biện pháp nhằm giúp học sinh học kể chuyện tốt hơn.
- Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp:
Trước hết, do đặc thù của phân môn kể chuyện ngoài việc luyện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết còn luyện cho học sinh tính tự tin, mạnh dạn trước đám đông nên khi dạy kể chuyện việc đầu tiên giáo viên nên làm là tạo tâm lí thoải mái, tạo niềm tin và niềm say mê cho các em, phải làm cho các em luôn tin tưởng ở sự thành công của mình. Để làm được điều này trong giờ kể chuyện giáo viên cần giúp cho mỗi học sinh đều có cơ hội được rèn luyện vì khi được rèn luyện sẽ giúp cho học sinh cảm nhận được sự thành công của mình. Muốn vậy giáo viên cần quan tâm đến tất cả các đối tượng học sinh trong lớp, tuyệt đối không chỉ chú ý đến học sinh khá giỏi mà quên đi những học sinh khác, tất cả các học sinh đều phải được tham gia vào quá trình rèn luyện, có như thế những học sinh yếu mới không cảm thấy tự ti và sẽ có trách nhiệm hơn với việc rèn luyện của mình. Một yếu tố của tiết dạy quyết định cho sự thành công hay thất bại là sự chuẩn bị. Cũng như các môn học khác trước khi lên lớp giáo viên đều phải có sự chuẩn bị. Đối với phân môn kể chuyện không chỉ chuẩn bị đồ dùng cho giáo viên và học sinh mà còn phải chuẩn bị cả tinh thần cho học sinh. Do đó để tiết kể chuyện sau học sinh học tốt hơn thì ở tiết học trước tôi luôn có sự chuẩn bị cho học sinh nhất là đối với những bài kể chuyện đã nghe, đã đọc hay chứng kiến hoặc tham gia tôi luôn định hướng cho học sinh ở tiết học trước để khi đến lớp các em đều có điều muốn nói, muốn kể.
* Ví dụ: Để chuẩn bị dạy bài kể một câu chuyện về lòng tự trọng mà em đã được nghe, được đọc, trước đó một tuần tôi hướng dẫn cho học sinh hiểu thế nào là lòng tự trọng để từ đó các em xác định được câu chuyện có liên quan đến lòng tự trọng sau đó dặn các em về nhà chuẩn bị nội dung câu chuyện bằng cách tìm đọc những câu chuyện nói về lòng tự trọng có trong phần tập đọc hoặc trong sách truyện đọc hoặc nhớ lại đã được nghe ai kể câu chuyện về lòng tự trọng ở đâu đó để tiết học sau kể cho lớp nghe.
Khi dạy kể chuyện giáo viên cần phải kể một cách hấp dẫn bằng ngữ điệu thích hợp với từng câu chuyện, từng nhân vật trong truyện để thu hút sự chú ý của học sinh. Từ đó các em thấy được học kể chuyện thật bổ ích. Sau khi nghe giáo viên kể học sinh phải kể lại được câu chuyện sinh dộng, hấp dẫn bằng ngôn ngữ của mình, có thể kể dưới nhiều hình thức như kể lại theo lời tác giả, kể theo lời nhân vật hay kể phân vai…Do đó việc tổ chức lớp học không nhất thiết phải ở trong lớp mà có thể kể ở sân trường hay một nơi nào đó miễn là phù hợp với câu chuyện và tạo tâm lí thoải mái cho học sinh. Khi dạy kể chuyện tôi thường không yêu cầu học sinh kể một cách quá trung thành với truyện mà có thể thay lời, đảo ý nhưng phải toát lên được nội dung của cốt truyện với cách làm này đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu kĩ nội dung câu chuyện, hiểu được chuyện để từ đó mà tìm ra cách kể cho phù hợp.
Khi dạy kiểu bài kể chuyện chứng kiến hoặc tham gia, tôi thường khơi gợi vốn sống của các em để các em có thể tìm được nội dung cho bài kể của mình. Các em không có điều kiện để đọc sách báo cũng như đi tham quan nên vốn hiểu biết và sự diễn đạt của các em cũng có phần hạn chế. Do đó khi yêu cầu kể chuyện học sinh chỉ có thể kể những câu chuyện các em đã đọc hay được nghe kể mà chưa hình dung được những tình tiết hấp dẫn trong câu chuyện mình được chứng kiến hay tham gia để diễn đạt cho tốt nên giáo viên cần hướng cho các em thói quen quan sát cuộc sống xung quanh để có thể chứng kiến những câu chuyện đơn giản xẩy ra hằng ngày.
* Ví dụ: Khi dạy bài kể chuyện về một ước mơ đẹp của em hoặc của bạn bè, người thân tôi thường hướng cho các em tập quan sát, lắng nghe xem bạn bè hoặc người thân của mình có ước mơ gì trong cuộc sống mà đã có lúc họ vô tình nói ra hay bản thân mình có ước mơ gì để kể.
Một việc làm mà bất cứ người kể chuyện nào cũng phải thực hiện đó là đọc truyên. Bản thân tôi trước khi kể chuyện cho học sinh tôi không chỉ đọc kĩ cốt truyện mà còn phải thuộc truyện, tìm hiểu truyện và hóa thân vào nhân vật trong truyện để khi kể mới khắc sâu được ấn tượng trong lòng học sinh, giúp các em nhớ lâu hơn và xúc động hơn từ đó các em mới có nhu cầu kể lại. Khi kể tôi thường kết hợp với các phương tiện trực quan khác như tranh, ảnh, cử chỉ, điệu bộ…để giúp cho các em nhớ lâu và dễ hiểu chuyện.
* Ví dụ: Dạy bài kể chuyện “Về Chu Văn An dâng sớ chém 7 tên nịnh thần” câu chuyện là một vở kịch khi dạy ngoài việc thuộc và hiểu truyện tôi còn phải nhập vai phù hợp với từng nhân vật để học sinh hình dung được các nhân vật. Vì đây là câu chuyện hình ảnh minh họa ít lại được viết dưới thể loại kịch nên khi kể học sinh thường hay đọc luôn cả vở kịch mà chưa biết lựa chọn từ ngữ để diễn đạt thành câu chuyện. Do đó khi dạy bài này tôi thường lưu ý học sinh lựa chọn những chi tiết thật sống động có trong vở kịch để kể. Hay đối với bài “Vua tàu thủy Bạch Thái Bưởi” trước khi dạy tôi phải nghiên cứu kĩ nội dung câu chuyện vì câu chuyện có liên quan đến các thuật ngữ khó hiểu, mọi chi tiết đều phải hết sức tế nhị mà câu chuyện này vừa thể hiện bằng tranh, vừa có nội dung và lời phụ đề nên khi kể học sinh thường dựa vào lời phụ đề để nói mà không tìm thêm được các chi tiết phụ để câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn. Do đó giáo viên cần tìm tài liệu liên quan đến câu chuyện để hướng các em kể tốt hơn.
Với những câu chuyện dài khi dạy tôi thường cho học sinh kể một vài đoạn hay trong truyện vì thời gian của tiết học không cho phép để kể hết câu chuyện nếu yêu cầu học sinh kể ngắn gọn một câu chuyện dài trong khoảng thời gian ngắn thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng làm mất đi một số chi tiết thú vị hay hình ảnh đẹp. Nếu chỉ kể một vài đoạn thì nội dụng sẽ đầy đủ hơn, còn những đoạn tiếp theo tôi thường gợi ý để học sinh kể tiếp cho bạn nghe trong những giờ ra chơi hay những lúc sinh hoạt lớp .
Một bí quyết nhỏ để giờ kể chuyện thành công là tôi luôn tìm truyện đọc, đặc biệt là truyện thiếu nhi. Vì có những lúc học sinh chọn những câu chuyện ngoài sách giáo khoa để kể nếu giáo viên không đọc hay chưa nghe đến câu chuyện đó thì sẽ khó giải thích những thắc mắc của học sinh hay khi học sinh kể sai mà bạn phát hiện ra nếu giáo viên không nắm được thì sẽ khó xử lí. Bên cạnh đó giáo viên cần khuyến khích học sinh đọc nhiều và tích cực đọc truyện để nâng cao vốn hiểu biết của mình.
Khi tổ chức dạy tiết kể chuyện tôi thường vận dụng nhiều hình thức trong đó hình thức hoạt động nhóm 2 người là chủ đạo nhất, bởi vì với hình thức này tất cả các học sinh đều được tham gia vào kể chuyện dù thời gian nhiều hay ít và giáo viên cũng dễ quan sát. Khi tổ chức nhóm 2 người học sinh không mất thời gian ổn định nhóm và số lần được tham gia kể cũng nhiều hơn. Trong quá trình học sinh kể tôi đóng vai trò là một huấn luyện viên bên lề sân cỏ để hướng dẫn giúp đỡ học sinh trong quá trình chuẩn bị và tập kể chuyện. Đối với những học sinh kể yếu tôi thường hướng cho các em luyện nói để thành công trong các giờ kể chuyện. Chẳng hạn khi dạy các bài đã nghe, đã đọc, hay chứng kiến tham gia tôi thường hướng cho học sinh yếu nắm được tên truyện hoặc cho mượn truyện về nhà đọc trước và giao nhiệm vụ tập kể để tiết sau cô kiểm tra như thế học sinh sẽ có trách nhiệm hơn. Khi chọn học sinh kể trước lớp bên cạnh những học sinh khá, giỏi tôi thường chú ý đến học sinh trung bình, yếu để khuyến khích các em.
- Kết quả thu được qua khảo nghiệm, giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu
Từ kết quả thu được thông qua bảng thống kê trên, dù kết quả chưa cao lắm. Nhưng tôi thấy rằng đề tài này đã đem lại kết quả tương đối khả quan. Kết quả này cho thấy các biện pháp được đề xuất trong đề tài mang tính khả thi. Tiết dạy được tổ khối chuyên môn đánh giá cao. Nếu đề tài được thực nghiệm một cách qui mô hơn, phạm vi rộng hơn, tôi tin rằng nó sẽ mang lại kết quả cao hơn trong điều kiện thực tế của địa phương trường chúng tôi.
Khi thực hiện đề tài này đã giúp tôi giảng dạy tốt hơn, tự tin hơn và đạt hiệu quả cao hơn. Góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy – học của giáo viên và học sinh.
.1. KẾT LUẬN:
Có được kết quả như trên, bên cạnh sự nỗ lực của giáo viên, ý thức vươn lên trong học tập của học sinh còn có sự chỉ đạo đúng hướng, nhiệt tình, sát sao của Ban Giám hiệu nhà trường, của lãnh đạo các cấp. Chính vì vậy mà tiết dạy kể chuyện không phải là giờ dạy khó mà nó giúp các em phấn khởi, tích cực, tự tin hơn trong học tập, giúp chất lượng học môn Tiếng Việt được nâng cao, làm nền tảng cho khả năng giao tiếp mạch lạc, truyền cảm của các em sau này.