Một số biện pháp dạy trẻ cá biệt ở trường mẫu giáo

Một số biện pháp dạy trẻ cá biệt ở trường mẫu giáo

I.1/ Lý do chọn đề tài:

Sự nghiệp giáo dục mầm non ở Việt Nam đến giai đoạn này đã thực sự hòa nhập vào trào lưu quốc tế như chúng ta đã được biết:  “Mẫu giáo tốt mở đầu cho nền giáo dục tốt”. Giáo dục trẻ em là mắt xích đầu tiên của nền giáo dục toàn dân, là nền móng vững chắc tự tin cho trẻ bước vào đời. Ở đây trường mầm non là cơ sở giáo dục đầu tiên được coi là nơi để trẻ được chăm sóc giáo dục, giúp trẻ phát triển toàn diện. Như chúng ta đã biết mỗi đứa trẻ là một cá thể. Những nét cá tính của trẻ bắt đầu hình thành từ khi còn rất nhỏ dưới sự ảnh hưởng trực tiếp của môi trường gia đình. Khi đến  tuổi Mẫu giáo thông thường các bé thể hiện tính cách, tình cảm của mình một cách khác nhau. Thực tế cho thấy trong một điều kiện sống như nhau nhưng có những bé rất ngoan và có những bé rất bướng bỉnh mặc dù các cháu có thể được yêu thương, quan tâm, chăm sóc giống nhau… Bên cạnh đó còn có những trẻ mồ côi cha mẹ, phải sống với ông bà nội, ngoại, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ đã khiến trẻ bị thiếu hụt tinh thần và vật chất dẫn đến trẻ bị tự kỷ, bướng bỉnh… các cháu thường được duyệt vào danh sách học sinh cá biệt. Thông thường thì các  cháu cá biệt thể hiện sự bướng bỉnh chỉ đơn giản là vì thấy mình không bằng các bạn nên muốn làm như vậy để thu hút sự quan tâm của cô giáo hoặc mọi người. Như các đồng chí đã biết mục tiêu của giáo dục Mầm non là phải giáo dục trẻ một cách toàn diện, nếu chúng ta không may tạo ra một lỗ hỗng ở trẻ ngay từ ban đầu thì hậu quả khôn lường. Vậy chúng ta phải chăm sóc dạy dỗ trẻ cá biệt như thế nào để các cháu hòa nhập với bạn bè. Biết ngoan ngoãn vâng lời, trong sáng, hồn nhiên phát triển tốt về mọi mặt… Còn tôi hơn 6 năm ra trường giảng dạy tôi gặp không ít trường hợp học sinh cá biệt năm nay thực tế của lớp tôi có đã tới 6 cháu với mục đích giúp cháu có những hành vi tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày . Đặc biệt với những cháu cá biệt về mọi mặt đó là những cháu có cá tính khác biệt ít chịu sự hoà đồng trong tập thể. Vậy giáo dục như thế nào để trẻ cá biệt lớp lá 2 trở thành những trẻ  ngoan, biết vâng lời. Đây là vấn đề không dễ và là câu hỏi luôn đặt ra với những người làm công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non như tôi. Nên tôi đã chọn đề tài “ Một số biện pháp dạy trẻ cá biệt ở trường Mẫu Giáo” để nghiên cứu ra những biện pháp mới dạy trẻ của lớp tôi và tôi đã có không ít những kinh nghiệm, nay tôi viết sáng kiến này để  góp phần nhỏ vào việc dạy trẻ cá biệt cho các đồng chí tham khảo.

  1. Nội dung và cách thực hiện các biện pháp giải pháp

  Biện pháp 1: Thăm gia đình trẻ.

Tôi tiến hành thăm gia đình cháu, để cùng phụ huynh bàn bạc, tìm biện pháp giáo dục cháu tốt hơn.

Như chúng ta đã biết, trẻ sống hoạt động ở gia đình gương ông bà, cha mẹ, anh chị tác động đến các cháu một cách trực tiếp và thường xuyên về nhiều mặt. Gia đình luôn giữ vai trò hàng đầu, là yếu tố góp phần quyết định đối với việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Việc bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em cần được thực hiện một cách khoa học với những kiến thức, kỹ năng phù hợp. Gia đình chính là nơi an toàn nhất cho trẻ em. Ngoài ra trong gia đình, đứa trẻ tiếp thu những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, thói quen khác nhau. Tất nhiên những cái đó trẻ có thể thu nhận được cả ở nhà trẻ, mẫu giáo… Nhưng có những thuộc tính và phẩm chất nhân cách chỉ được hình thành hoặc chủ yếu chỉ được hình thành trong gia đình, dưới ảnh hưởng của sự giao tiếp trong gia đình mà thôi.

Trong thực tế, nếu đứa trẻ ngay từ bé đã được thấy, được nghe, được cảm nhận rằng trong gia đình có mối quan hệ ấm cúng, mọi người đều quan tâm đến nhau, thì đứa trẻ có được kỹ năng đồng cảm và hiểu được những người xung quanh đầu tiên của nó. Một điều quan trọng hơn là, phải làm sao để trẻ lớn lên trong không khí mà ở đó mọi người đều thân tình và đều rung động thực sự trước những thành công và thất bại, trước những niềm vui sướng và nỗi khổ đau của những người thân thuộc. Tuy vậy: để phụ huynh hiểu rõ được nội dung giáo dục cũng như thấy rõ được trách nhiệm của họ đối với con cháu lại là vấn đề không dễ.

         Song với sự tâm huyết với nghề, thành tâm yêu thương trẻ, thực sự mong muốn các cháu cũng như bao trẻ khác phát triển một cách bình thường nên tôi tìm đến gia đình nơi trẻ cá biệt sinh sống nhưng trước khi đến thăm gia đình các cháu tôi đã gặp riêng người nhà ( Khi đưa đón trẻ đến trường và ra về) tôi đã “ cố ” tìm ra những điểm tốt của cháu để trao đổi với họ. Sau đó bằng những kỹ năng sư phạm tôi đã dùng những lời nói khéo rằng: “ Trẻ em như 1 tờ giấy trắng nếu người lớn vẽ lên bức tranh đẹp thì nó sẽ đẹp và ngược lại người lớn vẽ những nét nguệch ngoạc thì nó là bức tranh không được đẹp” vì thế chính người lớn phải cẩn thận trong mọi hành vi, hành động của mình.

Sau khi tiếp cận được gia đình các cháu bằng những việc hằng ngày trao đổi ở trường với phụ huynh, thì tôi bắt đầu đến thăm gia đình trẻ. Tôi trao đổi với gia đình các cháu về các tố chất ưa nhẹ nhàng tình cảm, thích được khen thích người khác quan tâm, tính cách của từng cháu được tôi trao đổi cụ thể với từng phụ huynh. Nói chung các cháu có rất nhiều điều đáng khen, rất tiếc là có trẻ thích tự do một mình, không hoà đồng với mọi người, không chịu tham gia các hoạt động của lớp, có trẻ chỉ chú ý để cướp giật đồ của bạn khác, đánh trộm bạn….Chính vì điều đó đã kìm hãm sự phát triển năng lực của các cháu. Thói quen đó bây giờ đã trở thành “ tật ” nếu chỉ mình giáo viên mà thiếu phần phối hợp của gia đình là rất khó. Vì vậy rất cần đến sự quan tâm giúp đỡ của gia đình kết hợp nhà trường, trong việc giáo dục cháu. Tôi cũng phân tích với phụ huynh nếu kết hợp giữa nhà trường và gia đình thì chắc chắn cháu sẽ tiến bộ rất nhiều.

Qua một thời gia phối hợp tốt nên quan điểm của bố mẹ được cải thiện rõ rệt cũng là kết quả mà tôi hằng mong đợi đã từng bước được gặt hái.

Biện pháp 2:  Hoạt động làm quen với học tập:

          Đây là nhiệm vụ hàng đầu của các cháu mầm non bước vào năm học đầu đời. Thành tích học tập là thước đo của quá trình rèn luyện, phấn đấu. Trong việc chỉ đạo học tập, giáo viên cần xây dựng cho các cháu ( Bao gồm cả cháu cá biệt). Động cơ đúng đắn trong học tập, đồng thời giáo viên phải cải tiến đổi mới phương pháp giảng dạy học phải làm sao để các cháu cảm thấy thoải mái, hứng thú thích được tham gia các hoạt động.

          Hầu như các cháu cá biệt là trẻ yếu về mọi mặt, vì vậy: phải có biện pháp giảng dạy, giáo dục riêng dành cho các cháu giúp cháu nhanh chóng theo kịp hoà đồng với bạn bè trong lớp. Tôi đã quan tâm, chú ý tới từng cháu nhiều hơn trong các hoạt động, trò chuyện với các cháu những khi giờ chơi hay giờ ăn, ngủ, tạo điều kiện cho các cháu trả lời các câu hỏi trong các tiết học. Thông qua các môn học, các câu chuyện kể về đạo đức, chuyện cổ tích, dân gian…Trong các tiết kể chuyện tôi luôn chú ý đến nhân vật tốt để liên hệ giáo dục trẻ. Gợi ý cho các cháu cá biệt trả lời các câu hỏi đàm thoại tìm hiểu về nội dung câu chuyện sau đó gợi ý và khuyến khích các cháu rút ra ý nghĩa bài học từ chuyện kể. Dần dần trở thành thói quen và  các cháu rất chăm chỉ học bài, siêng trả lời câu hỏi trong bài học.

     Với cháu cá biệt tự kỷ nên thích chơi một mình tôi sử dụng biện pháp “ Trò chơi nhóm ” Thông qua các trò chơi này đã giáo dục cho cháu đức tính cũng như những kỹ năng cần thiết “ Tính hoà đồng ”. Ngoài ra tôi còn phân công cho các trẻ khác là luôn chơi và giúp đỡ cho bạn trong mọi hoạt động.

Đến nay, hầu như các trẻ cá biệt đã có ý thức trong mọi hoạt động, trong lớp chú ý lắng nghe cô giáo giảng bài, và dành nhiều phiếu bé ngoan.

Biện pháp 3:. Tạo cơ hội để cháu tiếp xúc với các cháu ngoan trong lớp:

      Như chúng ta đã biết, nhân cách của mỗi con người được hình thành và phát triển trong hoạt động và giao lưu. Con người sống trong xã hội phải hoà nhịp mối quan hệ giữa người với tự nhiên, giữa người với người. Thông qua các quan hệ này, toàn bộ các quan hệ giao lưu phong phú được nảy sinh, chính trong hoạt động và giao lưu, nhân cách con người được hình thành. Tuy nhiên với những trẻ cá biệt thì các cháu “ Rất ngại ” tham gia cùng nhóm các bạn ngoan. Vì vậy giáo viên chủ nhiệm cần tạo điều kiện thu hút các em vào hoạt động với nhóm các cháu ngoan và tích cực hoạt động.

     Về không gian học tôi xếp các cháu cá biệt ngồi gần với các cháu ngoan, năng nỗ biết giúp đỡ bạn để cháu học bạn bè cùng tiến bộ. Tôi cũng phân công cho các cháu ngoan giỏi có trách nhiệm giúp đỡ bạn. Mặt khác tôi còn khuyến khích động viên cháu tham gia các hoạt động khác.

      Mỗi buổi cắm cờ bé ngoan sau khi chọn ra những cháu ngoan được lên cắm cờ Lúc này tôi phân tích gợi ý sự tiến bộ của các bạn cá biệt. Tuy chưa ngoan như các bạn khác nhưng so với trước thì các bạn đã ngoan hơn nhiều biết vâng lời cô, ít đánh bạn, biết chơi cùng bạn, không đeo cặp trên lưng từ sáng đến chiều… và cho các cháu được cắm cờ dưới sự tán đồng của cả lớp .

Được lên cắm cờ các cháu sẽ phấn khởi hăng hái đi học và biết sửa chữa khuyết điểm của mình.

Quả đúng như lời Bác Hồ đã nói “   Hiền dữ phải đâu là tính sẵn

                      Phần nhiều do giáo dục mà nên ”

          Tính cách của cháu hình thành và phát triển trong cuộc sống bằng hoạt động của chính các cháu, vì thế có thể giáo dục được. Tuổi  mẫu giáo là tuổi giàu cảm xúc, nhiều tình cảm mới đang hình thành và phát triển nhưng chưa bền. Tình cảm đạo đức phát triển khá mạnh mẽ. Những nhiệm vụ mới những yêu cầu mới mà các cháu phải thực hiện cùng với phương pháp, biện pháp dạy có khoa học của cô giáo làm xuất hiện những xúc cảm mới về sự hài lòng, yên tâm lo lắng, buồn rầu…Sự lĩnh hội những chuẩn mực quy tắc làm thay đổi cơ bản những đặc điểm xúc cảm, tình cảm của các cháu. Các cháu sẽ vui mừng vì nảy sinh tình cảm mới giữa bạn bè, tự hào vì những công việc cô giáo. Bắt đầu có những chuẩn mực hành vi đạo đức, học tập, lao động tốt.

III. Kết luận- kiến nghị

III. 1 : Kết luận

Sau một thời gian thực hiện áp dụng biện pháp vào quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy rằng dạy trẻ cá biệt cho trẻ Mẫu Giáo luôn đồng hành cùng với con đường phát triển nhân cách của trẻ. Dạy trẻ cá biệt rất dễ lồng ghép vào tất cả các hoạt động trong ngày để giáo dục trẻ nhưng đòi hỏi giáo viên phải khéo léo, nhẹ nhàng, tìm tòi sáng tạo, sưu tầm tranh ảnh, thơ ca, và thư viện của bé ngày càng phong phú hơn, tôi thay đổi theo từng chủ điểm để tạo sự mới lạ hấp dẫn trẻ.

– Các tiết học có lồng ghép nội dung dạy trẻ cá biệt dưới hình thức hò vè, ca dao, câu đố vào bài học để giáo dục trẻ.

– Cuối ngày cô phải nêu gương và hàng tuần kể chuyện hoặc tổ chức văn nghệ để động viên tinh thần trẻ.

– Cô giáo phải là tấm gương sáng để trẻ noi theo, luôn thận trọng trong mọi hành vi của mình, tạo tâm lý thoả mái, vui tươi cho trẻ thực hiện tốt mọi hành vi cũng như hoạt động giao tiếp, nhằm từng bước hình thành nhân cách cho trẻ. Bên cạnh đó cảnh quan sư phạm cũng góp phần hình thành cho trẻ những hành vi văn minh chuẩn mực.

– Dạy trẻ cá biệt không chỉ đơn thuần một lần, hai lần mà phải thường xuyên lặp đi lặp lại để hình thành cho trẻ một bản năng mà không cần nhắc nhở.

Bấm vào đây để tải về

 

 

 

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng