Một số biện pháp giáo dục học sinh khó rèn luyện

Một số biện pháp giáo dục học sinh khó rèn luyện.

1 Lí do chọn đề tài

Giáo dục là quá trình toàn diện trong việc hình thành nhân cách của con người, đồng thời nó còn  là quá trình tác động tới thế hệ trẻ về đạo đức, tư tưởng, hành vi nhằm hình thành niềm tin, lý tưởng, động cơ, thái độ, hành vi, thói quen ứng xử đúng đắn trong xã hội. Khi bàn về vai trò yếu tố giáo dục trong sự phát triển nhân cách con người, Bác Hồ đã viết trong bài thơ “Nửa đêm” (trích “Nhật ký trong tù”):
                                      “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn

                                        Phần nhiều do giáo dục mà nên”

Theo quan niệm của Hồ Chí Minh con người ta khi mới sinh ra vốn bản chất là tốt, nhưng chỉ sau do ảnh hưởng của giáo dục và môi trường sống cùng sự phấn đấu, rèn luyện của mỗi cá nhân mà hình thành những con người thiện, ác khác nhau. Nhưng Một thực tế có thể thấy rằng Giáo dục đạo đức học sinh là công việc vô cùng nan giải đối với đội ngũ cán bộ giáo viên, đặc biệt là đối với người giáo viên chủ nhiệm lớp. Hiện nay, đạo đức của học sinh có chiều hướng sa sút, một bộ phận không nhỏ học sinh có những biểu hiện chưa ngoan trong học tập và rèn luyện đạo đức. Thậm chí ở một số tỉnh, thành có tội phạm giết người hoặc gây thương tích cho người khác là học sinh. Đó là trình trạng báo động chung hiện nay.

           Do đó, giáo dục làm một nhiệm vụ vô cùng cần thiết là rèn luyện, biến đổi dần dần tính cách con người, hướng người ta đến sự hoàn thiện của một nhân cách tốt đẹp, xây dựng một xã hội với những con người có ích và hướng thiện. Chính vì lẽ đó, Đảng và Nhà nước ta đã xác định sự nghiệp trồng người không chỉ là sự nghiệp của toàn nhân loại nói chung mà còn của toàn Đảng, toàn dân ta nói riêng. Đối với nước ta, giáo dục được xác định là “quốc sách hàng đầu”, là vô cùng quan trọng và cấp thiết bởi sự thành đạt của một con người, sự phát triển của một thế hệ, sự hưng thịnh của đất nước đều phụ thuộc vào kết quả của hoạt động giáo dục “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Hơn thế, trong một thời đại hội nhập kinh tế, thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay thì giáo dục lại vô cùng cần thiết. Làm thế nào để những người chủ tương lai của đất nước có đủ đức lẫn tài?  Làm thế nào để sự nghiệp giáo dục mang lại hiệu quả tốt? Đây chính là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của tất cả những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là của người giáo viên chủ nhiệm lớp – người trực tiếp và thường xuyên nhất tiếp xúc với các em học sinh. Bởi vậy, người gần gũi nhiều nhất với các em học sinh, người luôn ở bên cạnh giải đáp mọi khó khăn thắc mắc của các em, người mà các em kính trọng và yêu quí nhất, người mà được các em xem như là cha là mẹ không ai khác chính là người giáo viên chủ nhiệm lớp.

Qua thực tế giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm ở trường Trung học cơ sở, tôi nhận thấy việc giáo dục học sinh nói chung và giáo dục học sinh chưa ngoan ở lớp chủ nhiệm nói riêng vô cùng khó khăn về mọi mặt. Tôi từng băn khoăn, trăn trở: Do đâu mà số học sinh chưa ngoan ở các lớp có chiều hướng tăng? Các kinh nghiệm, các biện pháp tôi đã và đang giáo dục học sinh lớp chủ nhiệm đã thực sự  hiệu quả? Với tình hình chung hiện nay, phải xử trí thế nào để đạt được mục  tiêu hình thành nhân cách học sinh toàn diện về  Đức – Trí – Thể – Mỹ?

Là một giáo viên chủ nhiệm lớp tôi rất mong học trò của mình là những con ngoan, trò giỏi, tài đức vẹn toàn để sau này lớn lên các em tự tin, năng động, bản lĩnh bước vào đời, trở thành những người công dân có ích cho xã hội. Về bản thân, tôi luôn cố gắng để  người đồng nghiệp tin yêu, được phụ huynh tin tưởng khi gửi gắm con em mình đến để giáo dục, dạy dỗ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường THCS.Vì vậy tôi chọn đề tài: Một số biện pháp giáo dục học sinh khó rèn luyện.

  1. Nội dung và cách thức thực hiệNbiỆN pháp:

Thứ nhất: Người thầy phải có chữ “Tâm”:

Đối với những em học sinh này, trước hết, người giáo viên chủ nhiệm phải thực sự có cái tâm của nghề giáo. Đây là cơ sở quan trọng để người thầy toàn tâm toàn ý giáo dục học sinh của mình.

Người giáo viên phải thực sự là những nhà tâm lí, nắm bắt tâm tư tình cảm của học sinh và đặc biệt phải biết lắng nghe. Đừng chỉ là một “giáo viên” đơn thuần!

Đừng nghĩ học sinh khó giáo dục, bộ mặt lúc nào cũng câng câng, bất cần đời là có “trái tim đá”. Dưới vẻ mặt lạnh lùng, vô cảm là sự hụt hẫng tình thương. Phải là những thầy cô giáo chủ nhiệm giàu kinh nghiệm, có cách đối nhân xử thế bao dung, vi tha, kiên nhẫn mới “phá” được “lô cốt” tưởng là “bất khả xâm phạm”, đem đến cho các em hơi ấm của tình người, để các em biết người tốt chung quanh ta, nhiều lắm! không gọi các em là học sinh cá biệt, đặc biệt là trư­ớc lớp, trư­ớc mặt ng­ười khác. Các em chỉ là những “học sinh chư­a ngoan”, những “học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Chúng ta gọi các em là “học sinh cá biệt” (cá biệt tức là khác biệt) vậy vô hình chung chúng ta đã cố tách học sinh đó ra khỏi lớp, cô lập các em tr­ước lớp. Nhiệm vụ của chúng ta là giáo dục các em học sinh “chư­a ngoan” này trở thành học sinh ngoan. Tôi xin trích dẫn một câu danh  ngôn “Nếu bạn nhìn ai đó với ánh mắt yêu thương, bạn sẽ không nhìn thấy những nét xấu xa mà bạn sẽ chỉ nhìn thấy toàn những nét đẹp mà thôi”.

          Thứ hai: Phải gần gũi với các em

Gần gũi, trao đổi suy nghĩ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng học sinh là tạo nên sự  thân thiện cần thiết, là nền tảng để người giáo viên chủ nhiệm thực hiện được những cách thức giáo dục học sinh của mình. đa số các em học sinh khó rèn luyện rất cần một điểm tựa tinh thần tin cậy để có thể đ­ược sẻ chia tâm sự, để đư­ợc bộc bạch những khó khăn những nỗi niềm riêng t­ư thầm kín, thầy cô sẽ trở thành một ngư­ời bạn lớn của các em. Tìm cách cho các em thể hiện cái “tôi” cá nhân của mình tr­ước tập thể, không thẳng tay trừng trị các em, đừng làm mất đi điểm tựa cuối cùng của các em. Hãy nhìn các em bằng sự bao dung của ngư­ời cha, sự nhân từ của ngư­ời mẹ, sự gần gũi, cảm thông của ng­ười anh ng­ười chị, sự thân thiết của ng­ười bạn.

 Những học sinh khó rèn luyện thường không thích bị áp đặt, bị buộc vào khuôn khổ. Giáo viên chỉ có thể giáo dục được các em bằng con đường tình cảm, bằng sự chân thành của bản thân.

Khi học sinh vi phạm, người giáo viên cần nắm bắt những thông tin theo các chiều hướng khác nhau: giám thị, giáo viên bộ môn, bạn bè, từ chính bản thân học sinh…Đó là cơ sở giáo viên dựa vào để định hướng, điều khiển, điều chỉnh hành vi đúng đắn cho học sinh.

Thứ ba: Phải thật sự “Tâm lý”

          Mặt khác phải tạo được dư luận tập thể tích cực, tạo bầu không khí tâm lý lành mạnh trong lớp chủ nhiệm để giáo dục nhân cách học sinh.

“Bản thân là người thầy, tôi không cần che giấu tình cảm của mình với các em. Tôi tâm niệm một điều, mình phải vừa là người thầy nhưng tùy tình huống sư phạm, mình phải đóng vai là cha, là mẹ, là bạn của các em để khuyên nhủ, dạy dỗ.

Nhưng cần tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó nếu các em mắc sai lầm cần phải phê bình, kiểm điểm. Cũng không được thiên vị đối với những thành viên tích cực trong lớp nếu như chúng mắc phải sai lầm. Đối xử thân thiện nhưng phải nghiêm khắc. Đó là nguyên tắc giáo dục hiệu quả nhất.

 Thứ tư: Phải biết kiềm chế nóng giận

        Bản thân người thầy trong công tác chủ nhiệm cần phải biết kiềm chế những cơn nóng giận của mình khi có học sinh vi phạm. Luôn bình tĩnh trong mọi tình huống cho dù xấu nhất. Có thể nhiều giáo viên sẽ bị stress khi chủ nhiệm lớp học mà có quá nhiều học sinh khó rèn luyện, ngày nào cũng bị thầy cô, giám thị “kể tội” học trò của mình…

       Cách thức hữu hiệu để giảm stress là nên tìm đến đồng nghiệp, người thân tìm sự chia sẻ, hoặc giải trí một số trò chơi lành mạnh như nghe nhạc, chơi thể thao…

Thứ năm: Hãy tha thứ và bao dung.

Cũng đừng bao giờ để bụng những lỗi lầm của học sinh, đừng vội nhìn thấy hiện tượng mà đánh giá học sinh của mình chưa tốt. Hãy cố phát hiện những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em. Có thể chính các em cũng không biết mình có những ưu điểm đó.

Điều này sẽ giúp các em phát huy được điểm mạnh của mình, góp phần vào xây dựng tập thể vững mạnh mà còn hình thành ở các em phẩm chất tự tin, kiên định trước tập thể, khẳng định được khả năng của mình.

Với học sinh khó rèn luyện, thường là các em học rất yếu vì hổng kiến thức, vì ham chơi hơn ham học, vì bị bạn bè xấu lôi kéo,…

Trước khó khăn đó, người thầy phải chịu khó, kiên trì nhắc nhở, dỗ dành các em, phân tích chí tình chí lí, đưa ra mọi tình huống nếu các em không theo kịp bạn bè.Thậm chí, đôi lúc phải “khích” các em, chạm vào lòng tự trọng vốn có của tuổi mới lớn để các em thay đổi hành vi, thái độ theo chiều hướng tích cực.

Thứ sáu: Cần phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh

Điều quan trọng trong công tác chủ nhiệm là giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh trong giáo dục các em.

          Cơ sở pháp lí đã được nói tới nhiều ở phương pháp giáo dục này, nhưng thực tế cần có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, nhuần nhuyễn thì mới đạt được hiệu quả cao trong giáo dục đạo đức học sinh.

          Bài học kinh nghiệm quý nhất trong phương pháp này là khi tiếp xúc với phụ huynh học sinh khó rèn luyện cần tránh cho họ sự tổn thương cần thiết.

          Những học sinh khó rèn luyện thường có hoàn cảnh sống đặc biệt, do gia đình mâu thuẫn, cha mẹ thường cãi vã, hoặc là do các em thiếu thốn tình cảm, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ; cũng có thể là do cha mẹ quá nuông chiều… và muôn ngàn lí do khác.

Những điều phụ huynh quan tâm nhất, mong muốn nhất là con em của mình được học hành đến nơi đến chốn, vượt qua mọi kì thi, mặc dù các bậc phụ huynh rất biết khả năng của con em mình.

Mặt khác, cha mẹ luôn coi con cái của mình là vốn quý, cho dù chúng hư hỏng, khó dạy bảo… Cho nên khi nghe tin có giáo viên đến nhà thăm, hay điện thoại báo tin là bản thân họ không muốn tiếp, không muốn nghe.Và nếu có tiếp thầy, cô, có nghe điện thoại thì cũng với thái độ bực dọc, thậm chí bất cần, vì mấy ai thích nghe người khác kể tội con mình.

Vì vậy để đảm bảo cho công tác giáo dục, khi tiếp xúc với phụ huynh (họp phụ huynh chung, cả gặp riêng từng người…), giáo viên nên đặt vị trí của mình vào trong suy nghĩ, tình cảm của cha mẹ các em, phân tích, lí giải thiệt hơn; cố gắng tìm hiểu những khó khăn của các bậc phụ huynh trong vệc quản lí, dạy dỗ con em mình để cùng nhau tìm biện pháp giáo dục tốt nhất.

Thường xuyên liên lạc, chịu khó thông tin kịp thời về những hành vi tích cực để động viên các em; thông tin những hành vi sai trái của các em để nhanh chóng khắc phục.

Kết quả của những việc làm này là tôi đã hạn chế được tình trạng học sinh bỏ tiết, vắng học không lí do, vi phạm nội quy khác, và quan trọng hơn nữa là các bậc phụ huynh đã tin tưởng vào người giáo viên chủ nhiệm là tôi.

Với những học sinh này, tôi cho các em một nhiệm vụ trong lớp (chẳng hạn tổ trưởng, tham gia phong trào lớp, phụ trách ghế chào cờ, nước uống cho các bạn…). Việc làm nhỏ thôi giúp các em nhận thức được trách nhiệm của mình đối với tập thể lớp. Khi các em hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tôi khen thưởng trước lớp hoặc liên lạc với ban phụ huynh học sinh trích một phần rất nhỏ để thưởng cho các em đó. “Một trăm tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, tự các em cũng thấy phấn khởi, cố gắng hơn.  Đồng thời với đó, tôi chia sẻ với các bạn trong lớp về hoàn cảnh của bạn để cả lớp hiểu nhau hơn, cùng giúp đỡ bạn, điều này sẽ tạo sự gắn bó giữa cô và trò, giữa tập thể lớp với nhau.

Thứ bảy: Phải khéo léo trong xử lý tình huống

Phương pháp giáo dục mà tôi luôn theo là cởi mở với học sinh, hòa đồng, không gây áp lực với các em; như thế cả học sinh và giáo viên vào bài dạy đều hứng thú hơn, tuy nhiên lúc cần nghiêm khắc vẫn phải nghiêm khắc. Học sinh khó rèn luyện dù khó giáo dục đến đâu thì  bên trong các em vẫn luôn tiềm ẩn những nhân tố, những phẩm chất tích cực nếu có phương pháp đúng chúng ta vẫn khơi dậy để làm thức tỉnh các em, khôi phục niềm tin cho các em để các em thấy rằng mình không kém cỏi, không phải là “đồ bỏ đi”, để các em có thể vứt bỏ được sự tự ti, mặc cảm, chủ động hội nhập với các bạn và tập thể lớp. Hãy tìm ra điểm mạnh của các em để có thể phát huy vì đa số các em sự sĩ diện là rất lớn. Có những khi cần phải giao việc cho các em làm để khơi dậy trong các em tinh thần trách nhiệm

Nguyễn Đức Anh lớp 7 chia sẻ: “Trước đây, em là một đứa chưa ngoan, không có ý thức trong học tập. Em không thích đi học, em phá phách, bị ghi sổ đầu bài nhiều lần. Em còn hay trốn học đi chơi game và quậy phá. Chính cô  đã cho em định hướng cuộc sống, cho em niềm tin. Niềm tin giữa giáo viên và học sinh là rất quan trọng, chính cô cho em niềm tin, là chỗ dựa vững chắc cho em”. Không nên áp đặt mong muốn của các thầy cô giáo vào học sinh một cách cứng nhắc. Vì nếu làm như vậy các em có thể tuân theo nhưng thực chất không phục, không tự nguyện, chống đối ngầm…. Trái lại cần tìm hiểu, lắng nghe và thể hiện cho học sinh thấy các em đang được chia sẻ, tôn trọng, việc tiếp cận của người thầy đầy thiện chí và sẵn lòng giúp đỡ các em.

Bên cạnh đó, khi xảy ra một sự việc liên quan tới hành vi của những học sinh có cá tính nổi trội, người thầy không đáp lại bằng phản ứng tức thời, không tạo ra xung đột, phân thắng thua giữa thầy với trò mà cần tạo một “khoảng lặng” cho các em học sinh có cơ hội, thời gian bình tĩnh, nhìn nhận, tự đánh giá.

Cần nhận thức đúng về việc người lớn không phải lúc nào cũng đúng. Bởi vậy, người lớn cũng cần kiểm soát, tự nhìn nhận hành vi của mình. Các em học sinh khi làm sai cũng cần phải có thói quen chịu trách nhiệm về những điều mình đã làm. Việc quy định hình phạt đối với học sinh có việc làm sai là điều chúng ta cần nghiên cứu. Tôi nghĩ có rất nhiều cách phạt tích cực như đề nghị học sinh khắc phục hậu quả do các em gây ra, phạt bằng các hình thức lao động, cũng có thể đồng ý để học sinh phải thực hiện một việc làm tốt khác để bù lại điều các em mắc lỗi… Nhưng trong khi đề ra các hình phạt cũng cần phải đảm bảo nguyên tắc không sỉ nhục, xúc phạm và xâm phạm thân thể, tinh thần học sinh. Phải làm sao để các em thực hiện hình phạt tự nguyện sau khi nhận ra cái sai của mình.

Thứ tám: Trong giáo dục không thể dùng “nắm đấm”

Sau nhiều năm làm công tác chủ nhiệm và gặp nhiều trường hợp học sinh khó rèn luyện khác nhau, tôi nhận ra rằng trong quá trình giáo dục, không thể dùng nắm đấm. Nếu học sinh không thuộc bài hoặc không làm bài, giáo viên cần tìm hiểu tại sao như vậy: Do em không hiểu bài, em mất căn bản ở những lớp dưới hay do gia đình em có vấn đề, do em bất mãn một việc gì đó trong lớp, trong trường… Biết được chính xác nguyên nhân rồi sẽ có cách giải quyết phù hợp. Sự tìm hiểu, gần gũi, quan tâm đến học sinh phải thật sự xuất phát từ tình yêu thương của thầy giáo. Khi học sinh nhận biết được tình cảm đó thì việc giáo dục các em sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Nói như thế không phải lúc nào tôi cũng thành công trong việc giáo dục học sinh khó rèn luyện. Nhất là trong thời đại như hiện nay, tinh thần tôn sư trọng đạo đã không còn được như ngày xưa, chưa kể một số phụ huynh không muốn phối hợp với nhà trường để giáo dục con mà khư khư bênh vực con em mình. Hồi mới ra trường tôi đã từng thất bại khi quá nóng nảy, khi chưa có kinh nghiệm để giải quyết vấn đề nên có những lời nói, hành động thiếu tế nhị. Lúc đó, tôi cứ nghĩ rằng mình là giáo viên thì các em phải nghe lời. Thực tế không phải như vậy.

          Học sinh lứa tuổi THCS  có sự thay đổi rất lớn về tâm sinh lý, biết xấu hổ với bạn khác giới. Vì vậy, thầy cô giáo phải tôn trọng các em, không thể tùy tiện la mắng các em trước mặt các bạn cùng lớp, cùng trường. Người thầy cư xử làm sao mà để học sinh của mình mắc cỡ với bạn bè rồi dẫn đến bất mãn thì các em sẽ chống trả quyết liệt, không thể giáo dục được.

          * Động viên và định hướng:

Thông thường các học sinh chưa ngoan không định hướng được mình cần rèn luyện thế nào để giúp ích bản thân và hoàn thành nhiệm vụ học tập. Mặt khác, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm học sinh chưa ngoan đều bắt đầu từ sự học kém, dẫn đến bất mãn, chán học rồi bỏ mặc mọi việc. Chính vì vậy, giáo viên chủ nhiệm là người giúp học sinh biết định hướng và động viên, khích lệ các em trên tinh thần “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Hãy tìm và tuyên dương những mặt tốt ở các em dù nhỏ thay vì cứ phê bình khi các em sai phạm.

* Là “Người bạn lớn”:

Giáo viên chủ nhiệm hãy là “Người bạn lớn” của học sinh. Chính điều này làm cho học sinh chưa ngoan thấy mình không hề bị “bỏ rơi”, tình cảm thầy trò được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho những tâm sự, chia sẻ. Khi đó những lời động viên, những định hướng của giáo viên chủ nhiệm sẽ đạt hiệu quả cao. Nhưng bên cạnh đó giáo viên chủ nhiệm cần tỏ ra nghiêm khắc với tất cả học sinh trong lớp, tôn trọng học sinh, xử lý mọi việc công bằng cho dù là cán bộ lớp hay học sinh chưa ngoan vi phạm. Như thế các học sinh chưa ngoan sẽ cảm thấy giáo viên chủ nhiệm đều tôn trọng mọi học sinh, không thiên vị, không hề “ghét bỏ” mình.

          * Vui tính:

Ngoài những điều trên, giáo viên chủ nhiệm cần phải có óc khôi hài, luôn vui vẻ với mọi người, kể cả học sinh chưa ngoan. Điều này giúp cho học sinh có cảm giác dễ gần với giáo viên, dễ sẻ chia tâm sự, mối quan hệ giữa thầy trò tránh được sự căng thẳng.

* Tổ chức được các hoạt động thi đua và các biện pháp uốn nắn kịp thời:

     Ngay từ đầu năm học, sau khi nhận lớp nắm bắt tình hình, bài học đầu tiên mà tôi đến với các em là cuộc trao đổi để xác định động cơ thái độ học tập đúng đắn; xây dựng mối quan hệ đoàn kết và ý thức xây dựng tập thể lớp.Một số câu hỏi có thể là:

 Mục đích của việc học tập?

 Muốn học tập đạt kết quả tốt ,em phải làm gì?

 Muốn xây dựng một tập thể lớp vững mạnh, mỗi người phải làm gì?

 Tiêu chuẩn để được xếp loại hạnh kiểm tốt?.

 Từ đó, dấy lên ở học sinh ý thức học tập và xây dựng tập thể lớp.

  1. Kết quả khảo nghiệm

Qua quá trình thực hiện các giải pháp nêu trên ở các lớp. Bản thân tôi chủ nhiệm đã thu được các kết quả rất khả quan:

Lớp chủ nhiệm của tôi suốt mấy năm học đều đạt nhất về nề nếp và 100% học sinh xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên.

Không còn học sinh khó giáo dục, học sinh không chỉ ngoan và lễ phép với giáo viên chủ nhiệm mà còn với tất cả các thầy cô giáo trong nhà trường.

Kết quả học tập của các em cũng tiến bộ hơn rất nhiều so với khi tôi chưa nhận công tác chủ nhiệm.

Suốt những năm làm công tác chủ nhiệm tôi luôn đạt giáo viên chủ nhệm giỏi.

          Từ kết quả khảo nghiệm ta có thể thấy rằng: Nếu tất cả chúng ta, những người làm công tác chủ nhiệm lớp thực hiện tốt các giải pháp trên đây chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều hiện tượng học sinh khó giáo dục trong nhà trường. Và từ đó sẽ đạt được nhiều giá trị khác như:

– Không có hiện tượng HS phải đưa ra hội đồng kỷ luật nhà trường.

          – Các lớp đều tham gia tốt các hoạt động của trường, của Liên đội và luôn được đánh giá cao.

          – Quan hệ thầy trò, bạn bè ngày càng được thắt chặt.

          – Uy tín nhà giáo được nâng cao, tạo được niềm tin trong phụ huynh học sinh.

          Nếu thực hiện tốt các giải pháp nêu trên không chỉ giáo dục tốt đối tượng học sinh khó rèn luyện ở tất cả các trường mà còn giáo dục có hiệu quả tất cả các đối tượng học sinh khác, để hoàn thành mục tiêu giáo dục con người toàn diện có đủ đức, đủ tài để làm chủ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tươi đẹp.

  1. Kết luận

Những học sinh “khó rèn luyện” thực tế không có gì khó cả. Những em này có thể không giỏi toán, văn, ngoại ngữ… nhưng có thể lại rất khá trong chạy, nhảy, đá bóng, đá cầu hoặc kỹ năng khác. Mà thực tế những trò hiếu động thì thích chơi thể thao lắm.

          Vì vậy bằng tất cả sự nỗ lực của bản thân tôi cùng với sự quan tâm của BGH, hội đồng Đội, phòng giám thị và tất cả các thầy cô trong nhà trường cũng như sự cộng tác nhịp nhàng ăn ý của phụ huynh học sinh. Tôi đã đạt được kết quả khả quan. Học sinh biết vâng lời và yêu quý thầy cô giáo, biết xác định động cơ học tập đúng đắn, tập thể học sinh biết thương yêu đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

Qua quá trình làm công tác chủ nhiệm, với những thành quả đã đạt được cho tôi ngày hôm nay. Tôi rút ra được các kinh nghiệm sau:

          Giáo viên chủ nhiệm cần có lòng nhiệt tình tính chịu khó, năng động sáng tạo nhất là thực sự yêu mến quan tâm đến học sinh như chính con em mình. Đúng như ông cha ta đã nói: “Trồng cây gì thu được quả đó”. Vâng! Chúng ta hãy cởi mở tâm hồn mình với mọi người, với các em. Hãy yêu thương các em bằng chính trái tim của người anh, người chị, người cha, người mẹ, lúc đó ta hiểu được các em cần gì? Ước mơ gì?

Người giáo viên cần phải nắm và am hiểu sự phát triển tâm sinh lí của học sinh trung học cơ sở để có biện pháp giáo dục không phải là khuôn mẫu, mỗi con người đều có hoàn cảnh, có tâm sự, có tình cảm, tính tình khác nhau cho nên việc am hiểu các em và tìm biện pháp giáo dục thích hợp quả là không đơn giản. Nó vốn đã khó với một giáo viên lại càng khó hơn đối với một giáo viên chủ nhiệm. Nhưng càng đắng cay bao nhiêu thì thành quả lại càng ngọt ngào và đáng trân trọng bấy nhiêu.

Người giáo viên phải thực sự mẫu mực, phải là tấm gương sáng toàn vẹn từ nhận thức đến hành động thực tiễn, từ lời nói cử chỉ điệu bộ đến thái độ ứng xử hằng ngày. Đây là cách giáo dục dùng nhân cách tác động đến nhân cách. Để trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo, tôi luôn quan niệm: Phải sống cho trong sạch dù có nghèo về vật chất nhưng luôn giàu có về mặt tâm hồn, tình cảm và mỗi ngày sẽ là một sự tiến bộ hơn hoàn thiện hơn.

Giáo viên chủ nhiệm cần phải có lí tưởng nghề nghiệp đúng đắn, phải thực sự am hiểu nắm bắt sâu sát, chủ trương đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước trong thời kì đổi mới. Chính lí tưởng và lòng yêu nghề mến trẻ sẽ là nghị lực niềm tin để người giáo viên vững bước trong sự nghiệp giáo dục mà mình đã theo đuổi.

Giáo viên cần phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn, phải có tay nghề cao. Đây chính là yếu tố quyết định sự thành công của công tác chủ nhiệm vì: “Để cung cấp cho người học một hạt nhỏ hào quang kiến thức thì người thầy giáo phải cố gắng một biển cả ánh sáng.”

Tóm lại, để làm tốt công tác chủ nhiệm, đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm không chỉ phải là một giáo viên dạy tốt môn học văn hoá, phải quan tâm đến chất lượng hai mặt giáo dục là học lực và hạnh kiểm của học sinh (là vấn đề trọng tâm) mà còn phải quan tâm đến sự phát triển ở học sinh về các giá trị đạo đức, thẩm mỹ, thể chất,…Do vậy, theo tôi, hai yếu tố cốt lõi không thể thiếu đối với người giáo viên chủ nhiệm lớp đó là “cái tài” của một nhà tâm lí và “cái tâm” của một nhà giáo dục. Khi kết hợp nhuần nhuyễn, hoà quyện hai yếu tố này thì người giáo viên nói chung, người giáo viên chủ nhiệm lớp nói riêng đã có thể làm tốt trách nhiệm của mình trong thời đại mới ngày nay và hơn thế làm thăng hoa nhân cách của mình trong lòng bao thế hệ đồng nghiệp và học trò yêu dấu.

Giáo dục là cả một quá trình rất cần sự nỗ lực và kiên trì của mỗi giáo viên. Cần biết lựa chọn và kết hợp sử dụng các phương pháp phù hợp với từng đối tượng học sinh. Bằng lòng yêu nghề mến trẻ, bằng sự vị tha, bao dung, độ lượng,… chắc chắn giáo viên chủ nhiệm sẽ thành công trong công tác giáo dục học sinh lớp mình phụ trách. Nói cách khác, nhà giáo là một con người trí tuệ, đức độ giàu lòng nhân ái, khoan dung có vai trò như là người cha, người mẹ đúng như câu nói: “Cha mẹ cho hình hài vóc dáng còn thầy cô cho các em kiến thức, nhân nghĩa để các em có thể vững bước trên con đường đời đầy chông gai thử thách”.

Bấm vào đây tải file Word

 

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng