Một số biện pháp giáo dục đạo đức cho học sinh

Một số biện pháp giáo dục đạo đức cho học sinh

I.1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

      Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:

                          “ Khi ngủ ai cũng như lương thiện,

                            Tỉnh dậy chia ra kẻ dữ hiền.

                            Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn,

                            Phần nhiều do giáo dục mà nên.’

                                                                ( Hồ Chí Minh)

     Điều đó cho ta thấy vai trò của giáo dục là rất quan trọng đối với việc hình thành nên nhân cách của một con người. Trong công tác giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức cho học sinh nói riêng là một việc làm vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, nó giúp cho các em học sinh chủ động hơn trong cuộc sống, hình thành những suy nghĩ đúng đắn, những đức tính cần có, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, sức khỏe sinh sản vị thành niên… ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

     Trong công tác giáo dục thì người giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức cho học sinh nói riêng. Bởi người giáo viên đựợc coi là “linh hồn” của tập thể lớp, là tấm gương mẫu mực để cho học sinh trong lớp soi rọi, điều chỉnh mình. Giáo viên tạo được niềm tin yêu trước học sinh và uốn nắn, định hướng để thế hệ trẻ tự tìm được đường đi đúng đắn cho mình. Qua đó sẽ tạo nên những con người có lối sống trong sáng lành mạnh, biết thương yêu, chia sẻ và cùng nhau vượt khó khăn. Đây là mục tiêu quan trọng của sự nghiệp trồng người.      Muốn làm được điều đó đòi hỏi người giáo viên  phải có năng lực thực sự, có tình yêu nghề mãnh liệt, không ngại khó, ngại khổ, tất cả vì học sinh thân yêu. Để thế hệ tương lai phát triển nhân cách toàn diện, xây dựng một xã hội phồn thịnh văn minh, xứng đáng với lời của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng:

“ Nghề dạy học là nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí”.

       Xuất phát từ những lý do nêu trên tôi đã chọn đề tài:

Một số biện pháp giáo dục đạo đức cho học sinh”

  1. Nội dung và cách thức thực hiện.

     Giáo dục đạo đức có vai trò và vị trí rất quan trọng trong việc  giáo dục thế hệ trẻ bậc tiểu học không chỉ ở phần bồi dưỡng nhận thức về chuẩn mực đạo đức xã hội, mà chủ yếu góp phần định hình và phát huy những phẩm chất cần thiết của nhân cách con người với những hành vi cao đẹp đầy tính nhân văn. Bằng thực tế hoạt động của đơn vị trường. Chúng tôi đã tiến hành nhiều biện pháp giáo dục đạo đức cho học sinh. Tuy nhiên, trong những biện pháp đó, mỗi biện pháp chỉ mang lại hiệu quả thiết thực nhất định. Do đó để công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trong trường tiểu học nói chung và đơn vị trường tiểu học Kim Đồng nơi tôi đang công tác nói riêng thì chúng ta phải biết kết hợp tổng hòa các biện pháp đó lại thành một hệ thống lô gíc với nhau.  Để làm tốt, nâng cao giáo dục đạo đức trong nhà trường tiểu học, ngoài các phương pháp, biện pháp mang tính sư phạm đang được nhà trường, thầy cô giáo vận dụng, thiết nghĩ cần có thêm nhữn hướng tích cực khác. Cụ thể như:

    + Môi trường gia đình trong quá trình giáo dục đạo đức học sinh.

       Gia đình là xã hội thu nhỏ, gia đình là tế bào của xã hội. Nói như thế để thấy được vai trò của gia đình trong xã hội ngày nay, đặc biệt là trong vấn đề giáo dục đạo đức cho con cái. Truyền thống đạo đức của gia đình có ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp đến con cái. Ngay từ khi lọt lòng, trẻ đã được chăm sóc, nuôi dạy cùng với những người thân yêu trong gia đình. Số thời gian trẻ sống ở gia đình cũng nhiều hơn ở trường, do vậy, mối quan hệ ông bà, cha mẹ, anh chị em có ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm của trẻ. Đặc biệt với tuổi học sinh tiểu học, các em dần hình thành nhân cách, đánh giá về sự quan tâm, mối tương quan giữa các thành viên trong gia đình… Chính điều này sẽ xây dựng nên tình cảm của các em với các thành viên trong gia đình. Nếu trẻ được sống trong một gia đình nề nếp, có những giá trị đạo đức của xã hội được ông bà, cha mẹ và anh chị em lựa chọn, điều này sẽ tác động trực tiếp, thường xuyên, lâu dài và mạnh mẽ đến các em. Do vậy các em dễ dàng tiếp nhận và thực hiện một cách tự nguyện. Do vậy, dưới sự định hướng của gia đình, kết hợp với truyền thống đạo đức của gia đình, sẽ tác động rất tích cực tới đời sống và các hành vi đạo đức của các em. Còn khi gia đình không hòa thuận, ông bà, cha mẹ không sống đúng với vai trò của mình, cha mẹ không quan tâm đến con cái, chỉ biết làm giàu, coi việc giáo dục là của nhà trường, không biết con cái cần gì, suy nghĩ gì, ai cũng sống ích kỷ… thì sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đạo đức của trẻ. Bên cạnh đó để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cần có sự kết hợp từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của học sinh theo chuẩn mực giá trị chung của xã hội. Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành giá trị đạo đức cho học sinh. Cần sớm khắc phục tình trạng giáo dục đạo đức cho học sinh hiện nay hầu như được giao phó chủ yếu cho nhà trường. Tấm gương đạo đức của cha mẹ, người thân trong gia đình cũng như tấm gương đạo đức của thầy cô giáo luôn có tác dụng giáo dục vô cùng to lớn, hiệu quả hơn ngàn vạn cuốn sách về đạo đức cho dù học sinh đã được học thuộc.

        Một sự thực hiển nhiên là khi một gia đình gia giáo, sống có nền nếp thì con em họ rất ngoan hiền, chăm chỉ và học tập tốt, còn những gia đình mà cha mẹ sống thiếu trách nhiệm với con cái thì hệ quả mang đến hoàn toàn ngược lại. Chỉ có nhân cách mới giáo dục được nhân cách. Vì đó là một môi trường không cần nhiều lời nói nhưng tác động mạnh mẽ đến cá nhân. Giáo dục đạo đức chỉ khả thi ngay trong cuộc sống của gia đình, trong học đường và phải bằng hành động ngoài xã hội. Gia đình là trường học đầu tiên và suốt đời của con người. Gia đình và truyền thống gia đình ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành và giáo dục đạo đức cho học sinh. Mọi người trong gia đình có quan hệ đối xử tốt, quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Trong gia đình thì ông bà, bố mẹ phải thực sự là tấm gương cho con cháu. Con cháu phải sống hiếu thảo với ông bà, phải biết kính trên nhường dưới. Ông bà, cha mẹ, anh chị  thật sự là tấm gương để học sinh noi theo thì bản thân học sinh đó bước đầu sẽ có nền tảng đạo đức tốt. Trái lại, trong một gia đình lộn xộn, các thế hệ không tôn trọng lẫn nhau, v.v. tư tưởng, đạo đức của học sinh sẽ bị ảnh hưởng không tốt. Các điều kiện để có giáo dục gia đình tốt là trình độ nhận thức, văn hóa và đời sống kinh tế gia đình. Các điều kiện này có được phụ thuộc vào nỗ lực của từng gia đình và sự phát triển của xã hội. Tránh tình trạng Nhà kia lỗi đạo con khinh bố. Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng”

     Bên cạnh đó còn một yếu tố nữa từ phía gia đình đó là nhiều phụ huynh phải lo vấn đề mưu sinh nên chưa thật sự quan tâm sâu sát đến việc giáo dục đạo đức và quản lí giờ giấc học hành, sinh hoạt của con em. Thậm chí, có phụ huynh còn mang tư tưởng giao phó việc dạy dỗ con em cho giáo viên, cho nhà trường, chưa nhiệt tình hợp tác cùng nhà trường. Một số phụ huynh bất lực trong việc giáo dục, quản lí con em, chỉ trông nhờ vào sự giáo dục của nhà trường. Phụ huynh chưa nêu gương tốt cho con em trong giao tiếp, hành xử, trong quan niệm, nếp sống. Người xưa có câu “Dạy con từ thuở còn thơ” đó là điều mà các bậc cha mẹ luôn phải tâm niệm. Nhiều bậc phụ huynh không ý thức được vấn đề này, cứ để con cái sống tự do. Đến khi nhận thấy con hư, con khó bảo, không vâng lời, có muốn uốn nắn, muốn giáo dục thì cũng đã muộn vì “Uốn tre từ thuở còn măng”. Vậy nên, ngay khi còn uốn nắn được, các bậc cha mẹ nên dạy con những bài học tuy sơ đẳng nhưng lại tối quan trọng như chào hỏi, đi thưa về chào, ăn nói văn minh lịch sự, không nói dối, không nói tục chửi thề.

       Qua đây ta có thể nhận thấy, vài trò của gia đình là rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho con cái. Truyền thống văn hóa, đạo đức gia đình ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của các em. Khi gia đình coi trọng việc dạy dỗ đạo đức cho con cái, bắt đầu bằng những bài học rất đơn sơ như chào hỏi, thưa gửi… sẽ giúp trẻ ý thức được mỗi lời nói cũng như từng hành vi cử chỉ của mình. Trẻ em mà đặc biệt là lứa tuổi học sinh tiểu học dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi những lời nhận xét, đánh giá, những lối sống, trào lưu sống bên ngoài, do vậy, giáo dục cho các em có một lối sống đạo đức vững vàng là cần thiết để các em có thể đứng vững và trưởng thành, trở thành một người con ngoan hiền, giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

     + Ảnh hưởng của môi trường xã hội đối với việc giáo dục đạo đức học sinh

        Trong quá trình phát triển của xã hội hiện nay khi mà đất nước ta đang trên đà hội nhập quốc tế và mở cửa. Cơ chế thị trường đã len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm cho nhiều giá trị đạo đức truyền thống ngày càng bị xói mòn. Cùng với những thành quả đạt được về xây dựng kinh tế thì chúng ta không thể phủ nhận mặt trái của nó đó là làm xuất hiện ngày càng nhiều những tệ nạn xã hội như: rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, trộm Những tác động xấu từ cơ chế thị trường “mở cửa, hội nhập”, những“ tư tưởng văn hoá xấu, ngoại lai”. Đây đó, còn có những hiện tượng suy thoái về đạo đức, mờ nhạt về lý tưởng, thích chạy theo lối sống thực dụng, thậm chí những hành động phạm pháp của “người lớn”đã tác động xấu trực tiếp đến học sinh. Các tệ nạn xã hội có nơi, có lúc đã xâm nhập vào trong trường học; tình trạng một số ít học sinh lún sâu vào tệ nạn xã hội thậm chí đánh thầy, gây án, giết người, cướp của … số này tuy không phổ biến nhưng có xu hướng gia tăng, làm băng hoại đạo đức, tha hoá nhân cách; gây nỗi đau, đáng lo ngaị cho các bậc cha, mẹ; đã tác động xấu tới các gía trị đạo đức truyền thống, ảnh hưởng không nhỏ trực tiếp đến công tác giáo dục đạo đức học sinh cũng như nhân cách của học sinh ở nhà trường với cách hành xử của người lớn trong xã hội ta hiện nay. Việc nêu gương xấu của một số cán bộ công chức, nhân viên ở các cơ quan, đơn vị đã được thông tin rộng rãi trên các phương tiện báo chí hoặc các em đã được trực tiếp chứng kiến trong thực tế thật khó cho các thầy cô giáo khi giáo dục, giải thích, thuyết phục học sinh. Bởi các em nhận thấy có một khoảng cách giữa bài học lý thuyết trên lớp với thực tế cuộc sống xã hội.

       Cụ thể như thời gian gần đây ta thấy trên đài, báo, tivi đưa tin nhiều vụ án tham ô, tham nhũng, hối lộ của một số cán bộ cao cấp tại nhiều địa phương khác nhau. Nhiều vụ án mạng trong gia đình: Con trai cầm dao đâm chết cha mẹ đẻ, bố đẻ hiếp dam con gái…Thái độ vô cảm trước những đau thương, mất mát, thiệt thòi của những người gặp hoạn nạn. Sự vô cảm trước nỗi đau của người khác. Hành hạ và ngược đãi trẻ em. Nạn hôi của. Mà điển hình là vụ hôi bia tại Biên Hòa (Đồng Nai) trong thời gian qua mà báo chí đã nêu.

       Những ví dụ nêu trên đã tạo cho học sinh những ấn tượng không tốt và ảnh hưởng sâu sắc tới tâm hồn trẻ thơ của các em. Các em sẽ suy nghĩ sai về những gì mà người lớn nói và người lớn làm đó là: Nói một đằng nhưng lại làm một nẻo.

   + Quá trình giáo dục đạo đức học sinh trong nhà trường.      

       Nhà trường phải thường xuyên Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ giáo viên và công nhân viên về công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Phải làm cho toàn thể cán bộ giáo viên, công nhân viên thấy rõ tầm quan trọng và sự cấp thiết của công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trong giai đoạn hiện nay. Từ đó nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh nói riêng và chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường nói chung.

       Đối với người làm công tác quản lí trong nhà trường: phải quán triệt mọi chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, các quy chế của Bộ giáo dục và Đào tạo, chỉ thị của Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác giáo dục đạo đức cho học sinh.

      Đối với giáo viên chủ nhiệm lớp: là người trực tiếp giáo dục các em, là người có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của học sinh. Vì vậy, trước hết người giáo viên chủ nhiệm phải là người nắm vững đặc điểm tâm sinh lí của học sinh, nắm được đặc điểm tính cách và hoàn cảnh gia đình của mỗi học sinh; trên cơ sở đó, có những biện pháp tác động phù hợp đối với từng đối tượng học sinh trong lớp mình phụ trách.

       Giáo viên chủ nhiệm còn là người quản lý toàn diện học sinh của lớp được phụ trách, là cầu nối giữa Ban giám hiệu với các tổ chức trong nhà trường, các giáo viên bộ môn với tập thể lớp, là người cố vấn tổ chức các hoạt động tự quản của lớp, đồng thời là người đứng ra phối hợp các lực lượng xã hội nhằm thực hiện tốt mục tiêu giáo dục của trường.

Xuất phát từ thực trạng công tác chủ nhiệm của trường, việc đưa ra các biện pháp giúp giáo viên chủ nhiệm định hướng đổi mới công tác chủ nhiệm cho phù hợp với tình hình thực tế của trường và địa phương mang ý nghĩa quan trọng đối với công tác giáo dục đạo đức học sinh trong giai đoạn hiện nay.

     + Tổ chức phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

      Một trong những nội dung đổi mới công tác giáo dục hiện nay là phải làm thật tốt việc kết hợp giáo dục giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Vì con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, sinh ra và lớn lên trong môi trường gia đình – nhà trường và xã hội. Ở mỗi môi trường dù lớn hay nhỏ đều diễn ra quá trình giáo dục, giáo dưỡng con người. Trong đó, nhà trường giữ vai trò hết sức đặc biệt – nhà trường là thể chế xã hội có chức năng chuyên trách về giáo dục, có vai trò chủ đạo trong công tác giáo dục thế hệ trẻ. Trong quá trình phát triển nhân cách toàn diện của học sinh, không thể thiếu sự kết hợp giáo dục giữa nhà trường – gia đình và xã hội, sự phối hợp này tạo ra môi trường thuận lợi, sức mạnh tổng hợp để giáo dục các em.

       Đây là một trong những giải pháp tất yếu trong quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Để tạo ra sức mạnh tổng hợp, khâu đầu tiên và hết sức quan trọng là làm cho toàn xã hội nhận thức sâu sắc, toàn diện vai trò, ý nghĩa, trách nhiệm chăm lo giáo dục đạo đức học sinh trong nhà trường phổ thông. Giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức cho học sinh là thiết thực đến việc dạy người, dạy chữ trong nhà trường phổ thông. Muốn làm tốt việc này, trước tiên nhà trường phải xây dựng được tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên đoàn kết, mẫu mực, trong sáng về phẩm chất đạo đức, thầy giáo, cô giáo hết lòng thương yêu, chăm sóc các em. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn đạo đức, tạo sự hấp dẫn, hào hứng cho các em trong từng giờ học. Chú trọng giảng dạy kỹ năng sống, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, phát huy tính sáng tạo trong tổ chức những buổi hoạt động ngoại khóa, qua đó rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cho các em.

       Nhà trường cần phải tận dụng mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục đạo đức như: Phòng truyền thống, thư viện, phòng học nhạc, câu lạc bộ, sân chơi, bài tập. Đồng thời chú trọng giáo dục truyền thống dân tộc địa phương, xây dựng gương học sinh tiêu biểu về đạo đức, học giỏi làm gương giáo dục cho học sinh trong trường…

       Cùng với nhà trường, vai trò của gia đình là nền móng trong giáo dục đạo đức học sinh, quyết định quá trình phấn đấu rèn luyện của các em. Với ý nghĩa đó, các thành viên trong gia đình phải sống mẫu mực, đoàn kết, hòa thuận thương yêu nhau, sống hạnh phúc. Cha mẹ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để nắm tình tình, kết quả học tập, rèn luyện của con ở trường, dự họp phụ huynh đầu năm đầy đủ, góp phần xây dựng nhà trường, đánh giá chính xác việc rèn luyện học tập của con em mình. Cha mẹ cần tạo cho con có nếp sống nền nếp, khoa học, hướng dẫn việc đọc sách, xem phim, sử dụng vi tính có tác dụng giáo dục đạo đức; Xây dựng cho con kế hoạch học tập, làm việc, vui chơi hàng ngày, hàng tuần đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch đề ra.

     Nhà trường, gia đình và xã hội phải thống nhất mục tiêu giáo dục đạo đức cho học sinh theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà Nước đã đề ra; từ đó, thống nhất về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục đạo đức cho các em. Nhà trường chủ động làm rõ để các bậc cha mẹ HS thấy được những khả năng, ưu thế của giáo dục gia đình, giúp họ nhận thức một cách sâu sắc trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc giáo dục đạo đức. Gia đình tạo môi trường thuận lợi cho việc giáo dục toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất đối với con cái, đồng thời phối hợp cùng nhà trường để nâng cao hiệu quả giáo dục.  Nhà trường phối hợp với cộng đồng xã hội để quản lí và giáo dục học sinh, nắm tình hình HS, những nguồn thông tin tin cậy nơi HS cư trú, từ đó giúp GV đánh giá đúng học sinh và tìm ra những biện giúp các em hoàn thiện nhân cách. Nhà trường phối hợp với cộng đồng giáo dục truyền thống dân tộc, bản sắc văn hóa địa phương, tình yêu quê hương đất nước.

     Để sự phối hợp giữa nhà trường – gia đình và xã hội ngày càng thực chất, hiệu quả, hằng năm cần đánh giá rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, phát huy những mặt tích cực. Kết hợp giáo dục nhà trường – gia đình – xã hội không chỉ có giá trị về khoa học giáo dục mà còn có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong quá trình xây dựng con người mới trong giai đoạn hiện nay.

III.1.KẾT LUẬN.

       Để phát triển xã hội bền vững, những nhà giáo dục và những người có trách nhiệm phải tìm ra một hướng đi đúng đắn cho thế hệ trẻ hôm nay. Trong giá trị đạo đức, cần định hướng để các em có lí tưởng sống, biết xây dựng cuộc sống trên những giá trị cao đẹp. Đồng thời, mọi người cần quan tâm đến những giá trị đạo đức, nhất là cần áp dụng những phương pháp giáo dục mới vào việc đào tạo thế hệ trẻ vì các em là rường cột của xã hội. Giáo dục theo lối mới là giáo dục bằng tình thương yêu, nâng đỡ.

       Đối với đơn vị trường chúng tôi có địa bàn xã trải rộng tới 15 thôn, buôn, đường xá đi lại rất khó khăn nhất là vào mùa mưa. Dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số phía bắc di cư vào nên mặt bằng dân trí không đồng đều.Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên bình quân thu nhập trên đầu người rất thấp đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục  của đơn vị trường.

     Về mặt lý luận thì với bất kì một đơn vị trường nào cũng vậy hoạt động giảng dạy của giáo viên trong trường là một công việc rất quan trọng, phải được soi sáng bằng lý luận của khoa học giáo dục, phải được giáo viên, ban giám hiệu vận dụng một cách linh hoạt sáng tạo trong thực tế thì chất lượng giáo dục của nhà trường mới đạt kết quả tốt. Đơn vị trường tôi đang công tác cũng không phải là ngoại lệ.

      Để có được hiệu quả về chất lượng giáo dục đạo đức và giảng dạy trong nhà trường như hiện nay, ngay từ đầu năm học, Chi bộ cùng Ban giám hiệu nhà trường phải tìm hiểu và nắm vững trình độ văn hoá, hoàn cảnh gia đình, môi trường xã hội nơi trường đóng chân. Đó vừa là điều kiện, vừa là biện pháp không thể thiếu để công tác giáo dục của nhà trường đạt hiệu quả như hiện nay.

Bấm vào đây để tải về

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng