Một số biện pháp giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật dạng khuyết tật ngôn ngữ và khuyết tật trí tuệ.
1- Lý do chọn biện pháp.
Từ khi thực hiện chính sách giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật ngay tại các nhà trường (giáo dục hòa nhập), đã có nhiều người khuyết tật được đi học, được rèn luyện kĩ năng sống. Họ đã biết giao tiếp với người xung quanh, biết tự phục vụ bản thân, nhiều người còn được học nghề và tự nuôi sống bản thân mình thậm chí có nhiều người còn có tay nghề cao và giàu có. Đó chính là nhờ công tác giáo dục hoà nhập học sinh khuyết tật.
Bên cạnh những thành công đạt được thì công tác giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật còn có những khó khăn. Đó là tình trạng giáo viên ngại nhận học sinh khuyết tật bởi vì trong lớp có học sinh đó giáo viên sẽ vất vả hơn rất nhiều mà theo quy định, lớp có 1 học sinh khuyết tật thì giảm sĩ số 5 em, đồng nghĩa với thu nhập từ học buổi thứ hai sẽ giảm (nếu các trường có dạy 2 buổi/ngày có thu một phần học phí buổi thứ 2 từ học sinh). Trong lớp có học sinh khuyết tật, giáo viên khi soạn và khi dạy, hồ sơ phải có thêm công việc gây nhiều khó khăn và ảnh hưởng nhiều đến việc giảng dạy. Có nhiều trường hợp, học sinh khuyết tật ngồi trong lớp học, giáo viên vẫn giảng bài bình thường, em học sinh đó tiếp thu được đến đâu thì đến, giáo viên không hoặc rất ít quan tâm. Đó chính là điều thiệt thòi cho các em.
Để giáo viên làm tốt công tác giáo dục trong đó có học sinh khuyết tật, học sinh chịu nhiều thiệt thòi do số phận. Nhưng được sự động viên, giúp đỡ của Ban Giám hiệu nhà trường, của các đồng nghiệp, sự nhờ cậy của gia đình và cảm thông trước những thiệt thòi của em học sinh đó, giáo viên đã chấp nhận. Trong quá trình giáo dục học sinh khuyết tật, nhờ có sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, sự giúp đỡ của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn với trách nhiệm của mỗi người thầy trong quá trình giáo dục trẻ khuyết tật và bản thân họ đã tìm tòi, học hỏi; vừa học vừa rút kinh nghiệm, đến nay đã có những thành công bước đầu. Chính vì vậy tôi chọn đề tài “Một số biện pháp giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật dạng khuyết tật ngôn ngữ và khuyết tật trí tuệ”.
2. Nội dung và cách thực hiện giải pháp, biện pháp.
– Xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân phù hợp với đặc điểm thể chất, tâm lí và khả năng đáp ứng các yêu cầu học tập của học sinh khuyết tật và một số vấn đề về tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân
Kế hoạch giáo dục cá nhân là một nội dung đặc trưng trong giáo dục trẻ khuyết tật. Kế hoạch giáo dục cá nhân xác định mục tiêu giáo dục cần đạt cho cả năm học, cho từng học kì, cụ thể từng tháng, từng tuần học về kiến thức, kĩ năng xã hội, kĩ năng giao tiếp, hành vi ứng xử và phục hồi chức năng.
Phần thông tin chung lấy từ phiếu điều tra, giấy khai sinh và sổ Phổ cập của nhà trường.
Phần những đặc điểm chính của trẻ, kế thừa từ năm học lớp 2 và trên cơ sở quan sát, theo dõi kết hợp với sổ theo dõi sức khoẻ.
Phần mục tiêu năm học tôi xây dựng.
Căn cứ vào Quy định về giáo dục hoà nhập cho người tàn tật, khuyết tật ban hành kèm theo Quyết định số 23/2006/QĐ-BGDĐT ngày 22/5/2006 của Bộ Giáo dục và đào tạo, căn cứ vào các công văn hướng dẫn, tài liệu tập huấn của Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Lăk, Phòng Giáo dục và Đào tạo Krông Năng, căn cứ vào tình trạng tật của học sinh.
Về kĩ năng giao tiếp và kĩ năng xã hội:
+ Nội dung:
Giúp trẻ khuyết tật biết giao tiếp với thầy cô giáo, bạn bè trong trường, lớp. Biểu hiện bằng việc chào hỏi, nói chuyện về những vấn đề học tập, lao động, văn nghệ, thể dục thể thao và nói chuyện để giải trí. Qua đó biết kính trọng và nghe lời thầy cô giáo, đoàn kết, hoà nhã với bạn bè và tạo lập mối quan hệ gần gũi, thân thuộc cho trẻ khuyết tật, giúp trẻ có sự tự tin khi giao tiếp.
Giúp trẻ áp dụng các kiến thức Tiếng Việt, Đạo đức đã được học như đáp lời người khác, biết chào hỏi lễ phép, biết gọi “bạn” xưng “tôi”…
Ở mức độ cao hơn, giúp trẻ biết bày tỏ ý kiến của mình về những vấn đề đơn giản trong phạm vi trường lớp và gia đình.
+ Phương pháp:
Phương pháp chủ yếu được áp dụng là phương pháp làm mẫu kết hợp với giải thích bằng lời kết hợp với tranh ảnh minh hoạ. Các hành vi đạo đức, ứng xử xã hội như chào hỏi, trả lời và bày tỏ ý kiến trong giao tiếp, giáo viên làm mẫu và cho học sinh nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho thành thói quen, kết hợp với việc giải thích bằng lời nói để học sinh hiểu ở mức độ đơn giản. Sử dụng tranh ảnh và người thật (học sinh bình thường) trong các hoạt động đóng vai và thực tế để học sinh thực hành.
Trong quá trình giao tiếp hàng ngày, khi nào học sinh khuyết tật đó thực hiện sai hoặc lệch chuẩn, giáo viên hoặc học sinh trong nhóm hỗ trợ điều chỉnh ngay.
Bởi vì trong lớp chỉ có một học sinh khuyết tật nên việc tổ chức nhóm chỉ là nhóm hỗ trợ, nghĩa là một học sinh bình thường giúp đỡ học sinh khuyết tật.
Về Kiến thức, kĩ năng các hoạt động giáo dục học:
Các kiến thức, kĩ năng dành cho học sinh khuyết tật được căn cứ vào chương trình giáo dục, căn cứ vào nhu cầu và khả năng đáp ứng của trẻ, từ đó cho phép giảm nhẹ hoặc miễn đối với một số nội dung mà trẻ không có khả năng thực hiện, sao cho trẻ có một vốn kiến thức, kĩ năng nhất định để hoà nhập xã hội.
* Môn Tiếng Việt:
+ Kiến thức, kĩ năng
Môn Tiếng Việt chủ yếu giúp học sinh rèn kĩ năng đọc, đọc thành tiếng, đọc hiểu ở mức độ đơn giản. Giúp học sinh biết viết câu đúng ngữ pháp (đầu câu viết hoa, cuối câu có dấu câu) và viết đúng chính tả những chữ thường dùng (chủ yếu là những từ thuần Việt), nắm được quy tắc chính tả với c/k/q; g/gh và một số quy tắc khác đơn giản.
Hiểu nghĩa một số từ thuộc chủ đề học tập, nhà trường, gia đình, các loài vật, cây cối và những vấn đề gần gũi với trẻ. Bước đầu biết áp dụng vào giao tiếp hàng ngày.
Biết trả lời những câu hỏi đơn giản của thầy cô giáo và bạn bè về nội dung bài học và những vấn đề đơn giản.
+ Phương pháp
Môn Tiếng Việt có thuận lợi hơn môn Toán, đó là giáo viên có thể tổ chức cho học sinh khuyết tật học bài cùng với học sinh trong lớp. Cùng trong một bài đọc nhưng giáo viên giảm nhẹ yêu cầu về đọc. Giảm bớt những từ phiên âm tiếng nước ngoài, không yêu cầu học sinh trả lời những câu hỏi vì sao, các biện pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hoá.
– Việc làm của các bạn là đúng hay sai? (Việc làm ấy của các bạn là sai.)
Kể chuyện, yêu cầu học sinh trả lời được một số câu hỏi xung quanh nội dung chuyện. Phần bài học rút ra chỉ yêu cầu học sinh đánh giá việc làm đó là đúng hay sai, con người đó là tốt hay xấu…
Luyện từ và câu chỉ coi ngữ liệu đó như những bài tập để học sinh tập đọc, bao gồm đọc thông và đọc hiểu.
Thực hành viết trong các giờ học: Em viết thường không đúng li, dòng. Dùng bút đỏ kẻ hai li giới hạn cho các chữ 1 li để em dễ nhận ra và cố gắng viết các chữ a, ă, â, o, ô, ơ, e, ê, i, x, c, n , m …. trong phạm vi hai dòng kẻ màu đó. Sau khi em đã viết tương đối ổn định, dùng bút đỏ kẻ dòng 2,5 li để giới hạn độ cao của các chữ h, b, l… Cứ như thế kết hợp với quá trình rèn luyện để em có cỡ tay, quen tay.
Với môn Toán, do tính chất lôgic của chương trình nên gần như đến lớp 2 và 3, học sinh khuyết tật thực hiện những nội dung thấp hơn so với các bạn trong lớp.
Các kiến thức, kĩ năng dành cho học sinh khuyết tật cũng chỉ ở dạng cơ bản, đơn giản sao cho học sinh biết đọc, viết số, so sánh số, cộng trừ nhân chia ở dạng đơn giản. Biết một số đại lượng cơ bản có tính gần gũi với thực tế, không yêu cầu đổi đơn vị đo phức tạp.
Biết nhận biết một số hình hình học, đếm đối tượng hình học không quá phức tạp. Chưa yêu cầu học sinh trình bày lời giải bài toán có lời văn hoàn chỉnh mà quan trọng là hiểu và làm được phép tính, tìm ra đáp số.
Nội dung này sẽ trình bày cụ thể ở phần thiết kế giáo án thực nghiệm.
Các hoạt động giáo dục khác, học sinh khuyết tật học cùng với cả lớp nhưng mức độ yêu cầu phụ thuộc vào khả năng đáp ứng và nhu cầu của trẻ. Có những nội dung học sinh khuyết tật được học và được đánh giá bình thường như những học sinh khác, tuy nhiên vẫn xét đến sự tiến bộ của học sinh khuyết tật.
– Hoàn thiện hồ sơ trẻ khuyết tật theo quy định
Việc hoàn thiện hồ sơ trẻ khuyết tật là trách nhiệm chung của nhà trường, gia đình và cơ quan y tế địa phương.
Theo quy định, hồ sơ gồm có:
+ Hồ sơ gồm sổ theo dõi chăm sóc sức khỏe
+ Kế hoạch giáo dục cá nhân
+ Bài làm, bài kiểm tra của học sinh khuyết tật
+ Học bạ, giấy khai sinh
+ Các loại giấy tờ khác.
Trong các hồ sơ đó, cần thường xuyên quan tâm là Kế hoạch giáo dục cá nhân dành cho trẻ khuyết tật, thường xuyên theo dõi, đánh giá bổ sung để điều chỉnh mục tiêu trong quá trình giáo dục.
Ngoài ra có thể còn có riêng một cuốn sổ để theo dõi quá trình tiến bộ của học sinh và các ghi chép khác liên quan.
Sổ theo dõi quá trình tiến bộ của học sinh được căn cứ vào Kế hoạch giáo dục cá nhân, theo dõi quá trình học sinh khuyết tật thực hiện các hoạt động giao tiếp, các hành vi ứng xử với thầy cô giáo, bạn bè và gia đình, việc giữ vệ sinh cá nhân, tham gia các công việc chung của tập thể, nhóm… Theo dõi quá trình học tập của học sinh, đã đọc được những chữ nào, những chữ nào chưa đọc được theo Kế hoạch, biết làm phép tính nào, phép tính nào chưa làm được… tương tự đối với các hoạt động giáo dục khác.
Những ghi chép đó giúp cho việc xác định mức độ hoàn thành Kế hoạch giáo dục cá nhân và làm cơ sở để điều chỉnh cho tháng tới.
Việc ghi chép đó được tiến hành hàng ngày, thông qua quan sát, kiểm tra và thu thập thông tin từ bạn bè, gia đình của học sinh.
– Đánh giá kết quả học sinh khuyết tật
Thực hiện quy định về giáo dục hoà nhập học sinh khuyết tật, tuỳ theo tình trạng tật mà có những cách đánh giá phù hợp.
Yêu cầu chung của đánh giá kết quả học tập của học sinh khuyết tật là dựa vào nội dung, hình thức học tập đã được điều chỉnh, cụ thể là theo Kế hoạch giáo dục cá nhân dành cho trẻ khuyết tật.
Việc đánh giá trẻ khuyết tật chú trọng đến sự tiến bộ của học sinh trong việc rèn kĩ năng sống, kĩ năng xã hội, kĩ năng giao tiếp và khả năng hoà nhập xã hội cho đối tượng cụ thể. Động viên, khích lệ học sinh là chính.
Khi đánh giá kết quả học tập căn cứ vào kết quả theo dõi, khảo sát của mình và của giáo viên chuyên, Tổng phụ trách Đội, giáo viên hỗ trợ, dựa vào sự phản ánh của học sinh bình thường trong lớp. Dựa vào kết quả bài làm, bài tập và nhận xét trong cả một quá trình.
VD: Đối với trường hợi học sinh khuyết tật trí tuệ và ngôn ngữ đánh giá như sau:
+ Khuyết tật ngôn ngữ, phát âm ngọng, nhiều âm không chuẩn nên khi đánh giá việc đọc, tôi đánh giá theo tiêu chí: Tiến bộ rõ rệt – có tiến bộ – ít tiến bộ. Căn cứ để đánh giá là Kế hoạch giáo dục cá nhân dành cho em.
* Đánh giá kĩ năng sống:
Đánh giá định tính theo mức độ thực hiện mục tiêu, nội dung giáo dục cá nhân theo các tiêu chí: Tiến bộ rõ rệt – có tiến bộ – ít tiến bộ.
* Đánh giá kết quả học tập:
Mĩ thuật, Thể dục: đánh giá như trẻ bình thường.
Tự nhiên và xã hội, Đạo đức, Âm nhạc: Đánh giá ở mức độ nhẹ hơn, tuỳ vào nhu cầu và khả năng đáp ứng của trẻ.
Tiếng Việt và Toán: Đánh giá theo tiêu chí: Tiến bộ rõ rệt – có tiến bộ – ít tiến bộ.
Tổng hợp hai dạng tật, tôi đã đánh giá học sinh như sau:
Môn Toán và Tiếng Việt: Căn cứ vào kết quả học tập so với Kế hoạch giáo dục cá nhân, đánh giá theo tiêu chí: Tiến bộ rõ rệt – Có tiến bộ – Ít tiến bộ.
Kĩ năng sống, kĩ năng xã hội, kĩ năng giao tiếp: Đánh giá căn cứ vào Kế hoạch giáo dục cá nhân và kết quả thực hiện được của trẻ theo tiêu chí: Tiến bộ rõ rệt – Có tiến bộ – Ít tiến bộ.
- Kết quả khảo nghiệm
Sau một thời gian thực hiện các nội dung giáo dục theo Kế hoạch giáo dục cá nhân và các biện pháp nêu trên, đã thu được kết quả như sau:
– Về kĩ năng xã hội
Em đã biết chấp hành các quy định của trường lớp, biết đi học đều, nghỉ học có gia đình báo cáo và xin phép.
Biết chào hỏi lễ phép với thầy cô giáo và người lớn tuổi. Biết trả lời những câu hỏi xung quanh việc học tập, sinh hoạt hàng ngày và một số vấn đề khó hơn như quan hệ gia đình, quan hệ thầy trò…
Biết tôn trọng và chơi với bạn bình thường. Hàng ngày, vào giờ ra chơi, thường xuyên có nhiều bạn tham gia chơi với em, nói chuyện, chơi trò chơi. Nhìn bề ngoài, không ai phát hiện ra trong nhóm bạn đó có một học sinh khuyết tật mặc dù phản ứng của em chậm hơn và trong cách bày tỏ lời nói cũng chậm hơn, đơn giản hơn.
Trong các buổi sinh hoạt tập thể hoạt động ngoài giờ lên lớp em đã tự tin tham gia các hoạt động chung theo khả năng của mình. Việc học lời cho các tiểu phẩm, các tình huống tuy chậm nhưng em đã biết làm các điệu bộ, cử chỉ giống nhân vật mình đóng vai như chú công an, người con, thầy giáo và bạn thiếu nhi…
Biết làm các công việc cá nhân như đánh răng, rửa mặt, tự thay quần áo. Đi học và lúc đi học về đã biết chào bố mẹ, ông bà. Biết tự ăn cơm bằng đũa và làm một số việc nhẹ trong gia đình.
Về phục hồi chức năng
Em đã có thể phát âm tương đối rõ nhiều âm đầu và vần. Tuy nhiên, những âm đầu và vần phức tạp thì bộ máy phát âm của em điều chỉnh chưa được nhuần nhuyễn như âm “th, ph, ng, s…” vần “ương, oăng, oang, uyêt, …” nhưng người nghe đã có thể hiểu được em nói gì.
Về kết quả học tập các hoạt động giáo dục
+ Môn Tiếng Việt:
Về vốn từ: Em đã có thể giao tiếp bằng vốn từ thường dùng về chủ đề quen thuộc như nhà trường, gia đình, loài vật, cây cối, bạn bè… và biết bày tỏ ý kiến trong các cuộc nói chuyện một cách tương đối thành thạo.
Về kĩ năng đọc: Đã đọc được những bài trong sách giáo khoa với tốc độ khoảng 40- 50 chữ/ phút. Vẫn còn những tiếng phải đánh vần nhưng không có chữ nào là không đọc được. Em đã biết mượn truỵên ở thư viện để đọc.
Đã hiểu được nội dung đơn giản của bài đọc, như biết bài đọc đó có nhân vật nào, nói đến cây, con và ở nông thôn hay thành thị. Biết trả lời những câu hỏi đơn giản. Biết bày tỏ ý kiến thích hay không thích với một nhân vật nào đó trong bài đọc.
Hiểu nghĩa một số từ trong sách giáo khoa nhưng diễn đạt như học sinh bình thường thì chậm hoặc có những từ em không giải thích đựơc mà chỉ có thể đặt câu tương đối đúng.
Về kĩ năng viết: Khi viết có giáo viên đọc, em đã viết được tốc độ khoảng 40 chữ/15 phút. Cơ bản viết bám dòng kẻ đậm còn độ cao thì chưa ổn định. Có những chữ, ở từng thời điểm em viết cao hơn độ cao so với mẫu chữ quy định. Những chữ dễ sai lẫn mà được tập viết nhiều thì em viết đúng, còn những chữ ít gặp thì em viết khi đúng, khi sai do việc nhận thức để lựa chọn chữ viết với em là rất khó khăn.
Có một số chữ, mặc dù phát âm sai nhưng khi viết em vẫn viết đúng.
Mặc dù các phân môn khác không yêu cầu cao nhưng em đã có tiến bộ thậm chí có những bài có tiến bộ rõ rệt. Em nhận được hình ảnh so sánh hay sự vật được nhân hoá thông qua việc gọi như đối với con người.
Môn Tiếng Việt, sáng tạo văn bản theo yêu cầu, em đã có thể viết được một đoạn văn theo yêu cầu và có nhiều câu văn đúng ngữ pháp, đủ về nghĩa.
+ Môn Toán:
Kết quả học tập môn Toán cơ bản đạt được kế hoạch giáo dục cá nhân. Cụ thể là em đã làm được các phép tính cộng, trừ trong phạm vi 20 một cách tương đối thạo, ở phạm vi lớn hơn em đã biết cách làm nhưng những phép tính có nhớ nhiều lần thì em hay sai hơn. Đã biết giải bài toán có lời văn có một phép tính cộng hoặc trừ, nhân hoặc chia. Phép nhân chia đã thuộc bảng nhân 2; 3; một nửa bảng nhân 4 và nhân 5. Khi thực hiện phép chia em đã có thể làm được những phép tính đơn giản. Các phép tính đã biết đặt tính tương đối thẳng hàng và trình bày bài toán có lời văn đảm bảo yêu cầu.
Các hoạt động giáo dục khác
Trong các hoạt động giáo dục còn lại mà học sinh khuyết tật thể hiện có nhiều tiến bộ hơn là Mĩ thuật. Có những bài em vẽ đẹp hơn so với nhiều bạn trong lớp. Về cách dùng màu cũng được giáo viên Mĩ thuật đánh giá là có tiến bộ.
Tự nhiên xã hội em cũng đã biết các bộ phận của cơ thể người, nắm được cách giữ gìn sức khoẻ, bảo vệ môi trường. Biết các bộ phận bên ngoài của con vật và cây cối. Biết kể tên các hoạt động khác nhưng chưa hiểu rõ như học sinh bình thường ở mức trung bình.
Thể dục đã biết tập cơ bản đúng bài thể dục phát triển chung và các tư thế cơ bản. Biết tham gia các trò chơi vận động, chơi tương đối thành thạo.
Âm nhạc đã thuộc một số lời bài hát, biết hát cùng các bạn trong lớp. Khi biểu diễn văn nghệ đã tự tin tham gia cùng tập thể.
Các hoạt động giáo dục khác đã thực hiện được theo Kế hoạch giáo dục cá nhân và có những nội dung được đánh giá Có tiến bộ rõ rệt.
4- Kết luận
– Trong công tác giáo dục hoà nhập học sinh khuyết tật, điều đầu tiên cần đến đó là tình thương một cách thật sự đến trẻ chứ không phải sự ban ơn, dạy được đến đâu hay đến đó.
– Việc hướng dẫn cho trẻ khuyết tật trí tuệ cần phải kiên trì, từng li từng tí một. Vận dụng triệt để phương pháp làm mẫu và thực hành luyện tập. Thường xuyên động viên, khích lệ để trẻ tự tin, phấn khởi. Tránh nói to, càng không được quát mắng trẻ khiến trẻ dễ bị hẫng hụt về tâm lí. Tạo cho trẻ sự tin cậy đối với thầy cô giáo, với bạn bè. Ở đó trẻ tìm được sự an toàn, sự an ủi và động viên kịp thời, giúp cho thần kinh của trẻ vững vàng.
– Với trẻ khuyết tật trí tuệ, thời gian đầu trẻ không làm chủ được hành vi của mình, giáo viên có thể cho trẻ ngồi ngay bên bàn giáo viên để dễ quản lí, trường hợp trẻ mất tập trung có thể giao việc cho trẻ như xếp hình, xé dán hình con vật….
– Trẻ khuyết tật ngôn ngữ thường hay nói mà càng nói càng ngọng, càng sai. Vì vậy cần giúp trẻ nói chậm lại và hướng dẫn trẻ tập nói một mình trước.
– Trẻ khuyết tật ngôn ngữ, nên cần sử dụng các hành động phi ngôn ngữ và hiểu được ánh mắt trẻ muốn nói gì. Muốn thế giáo viên phải gần gũi trẻ nhiều hơn, phải hiểu được những gì trẻ mong muốn.
– Phương tiện, đồ dùng là những thứ không thể thiếu được đối với việc dạy trẻ khuyết tật. Việc chuẩn bị đồ dùng càng chu đáo bao nhiêu thì sự thành công càng nhiều bấy nhiêu.
– Nếu chỉ có một mình giáo viên chủ nhiệm và giáo viên hỗ trợ thì không đủ mà cần huy động sự tham gia, giúp đỡ của chính học sinh vì các em học sinh với nhau dễ hiểu nhau hơn, dễ dạy nhau hơn. Ngoài ra cần có sự phối hợp giữa các giáo viên chuyên, giáo viên Tổng phụ trách và đặc biệt là gia đình học sinh.
– Khen thưởng kịp thời đối với những tiến bộ của trẻ. Phần thưởng chỉ là những vật có giá trị nhỏ nhưng tác dụng lại thật lớn.