Một số biện pháp giúp học sinh giảm áp lực khi học Ngữ văn trong trường THCS

Một số biện pháp giúp học sinh giảm áp lực khi học Ngữ văn trong trường THCS.

  1. Lý do chọn đề tài:

          Cuộc sống hiện đại với những guồng quay hối hả của công việc, học hành, giải trí…chiếm gần trọn thời gian của học sinh. Bởi các em đang sống trong khi xã hội hiện đại với xu thế toàn cầu hóa, sự kết nối, phát triển công nghệ thông tin nhanh đến chóng mặt. Điều này đã mang lại cho các em nhiều cơ hội học tập để hiểu toàn diện hơn về cuộc sống thực tại.

          Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Bên cạnh cái thuận lợi thì công nghệ thông tin cũng không ít những mặt trái. Hằng ngày, ngoài thời gian lên lớp, học thêm, làm bài tập nâng cao, thi các cuộc thi về Toán, Tiếng anh trên mạng In – ter – nét, tìm kiếm thông tin qua các trang mạng xã hội. Điều này đã giúp các em học sinh của chúng ta rất nhiều trong việc mở mang hiểu biết bằng việc kết hợp kiến thức trong sách vở lẫn kiến thức đời sống. Nhưng đáng buồn ở chỗ chỉ số ít trong các em vào mạng để tìm kiến thức phục vụ cho học tập mà phần đông là tìm các trò giải trí như game, chat, tìm kiếm thông tin, hình ảnh về thần tượng, phim ảnh, kể cả những trang Web đen không được quản lý… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng, sức khỏe, kiến thức và cả đạo đức của học sinh mà không phải bậc phụ huynh nào cũng quan tâm và nắm bắt được.

          Trước tình hình đó, bản thân là một người giáo viên, ngày ngày tiếp xúc với các em đã phần nào nhận ra những biểu hiện khác thường cũng như nhận thức được những hậu quả xấu đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến các em. Điều này, khiến chúng tôi vô cùng lo lắng, băn khoăn, day dứt và tìm mọi cách giúp các em thoát khỏi mê cung, trận đồ bát quái hão huyền hoặc đầy ảo tưởng của cuộc sống số.

Thiết nghĩ, cuộc sống là muôn hình vạn trạng, biến đổi khôn lường. Ở đó, luôn chứa đựng những nguy cơ rình rập con người mà nhất là đối với lứa tuổi học sinh THCS, khi mà nhân cách còn chưa hoàn thiện, kinh nghiệm sống còn non nớt, rõ ràng các em không thể dễ dàng ứng phó với những nguy cơ luôn rình rập đó. Không thiếu những nạn nhân là học sinh đã chịu nhiều bất hạnh đau thương cả về thể xác lẫn tinh thần chỉ vì một phút lơ là của cha mẹ và sự ngây thơ của các em trước những cạm bẫy của cuộc đời. Nào là 8 học sinh ở Hà Nội bị đuối nước trong ngày nghỉ lễ, nào là những bé gái bị dụ vào động quỷ của bọn buôn người, nào là trẻ em bị điện giật, bỏng nước sôi, bệnh tật do vệ sinh kém…ngay cả việc bảo vệ mình trước sự biến đổi của thời tiết ở nhiều em cũng còn rất mơ hồ. Tôi chắc chắn một điều rằng, tất cả chúng ta ở đây đều không khỏi giật mình, ngỡ ngàng, đau xót trước những thông tin trên. Nhưng biết đâu, một ngày nào đó, sự việc tương tự xảy đến với học sinh THCS nói riêng và tất cả học sinh trong độ tuổi vị thành niên nói chung. Lúc bấy giờ gia đình và nhà trường mới tập trung khắc phục hậu quả liệu có muộn không?. Vì vậy, sau bao ngày trăn trở, tôi – một giáo viên Ngữ văn – của trường THCS đã quyết định chọn chuyên đề: “Một số biện pháp giúp học sinh giảm áp lực  khi học Ngữ văn trong trường THCS” với một mục đích cụ thể và rõ ràng là góp một phần sức lực nhỏ bé của mình nhằm hạn chế các rủi ro, bất hạnh không đáng có mà lại rất có thể xảy đến cho các em học sinh trong độ tuổi từ 11 đến 15, một độ tuổi vô cùng phức tạp trong tâm sinh lý.

  1. Nội dung và cách thực hiện các giải pháp, biện pháp.

* Giáo dục cho học sinh hiểu biết thế nào là căng thẳng?

          Rõ ràng là trong cuộc sống chẳng có ai là chưa một lần gặp phải tình trạng căng thẳng. Nhưng với học sinh THCS không phải em nào cũng nhận thấy được bản thân mình đang trong tình trạng căng thẳng.

          Ví dụ: theo sự khảo sát 96 em lớp 8 của trường THCS … thì có tới 30 em trả lời mình chưa bao giờ gặp căng thẳng. Nhưng khi được hỏi nếu các em phạm lỗi mà giáo viên chủ nhiệm nói sẽ gọi điện cho gia đình các em cảm thấy thế nào thì các em đều trả lời cảm thấy lo sợ.

          Như vậy, là đa số các em đã hơn một lần trải qua cảm giác căng thẳng mà không ý thức được tình trạng của bản thân. Vậy nên trước khi giáo dục cho các em khả năng ứng phó thì trước hết phải cho các em hiểu căng thẳng là gì? Ứng phó với căng thẳng là như thế nào? Và theo cuốn “Cẩm nang giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” thì:

          – Tình trạng căng thẳng là một cách phản ứng của cơ thể để đáp lại tác động của những sự kiện, tình huống xảy ra làm cho con người cảm thấy mất cân bằng, bị đe dọa, hoặc quá sức chịu đựng.

          – Ứng phó với căng thẳng là khả năng, cách thức con người nhận biết, xử lý một cách tích cực, hiệu quả những tình huống gây ra căng thẳng với mình để trở lại trạng thái cân bằng, hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần.

          Đồng thời người giáo viên cũng phải cho các em hiểu nguyên nhân gây ra căng thẳng rất đa dạng, có thể xuất phát từ gia đình, học tập, công việc, bạn bè,…và có tính phụ thuộc vào các đặc điểm cá nhân và hoàn cảnh sống (có sự việc gây ra căng thẳng cho người này mà bình thường với người khác).

          Ví dụ: Với em Nguyễn Thị Thu Phương, một học sinh giỏi của lớp 8B mỗi lần em được thầy (cô) gọi lên trả bài thì em rất vui sướng. Nhưng với em Nguyễn Minh Huy là một học sinh cùng lớp thì lên bảng trả bài với em như là một hình phạt, khi lên bảng toàn thân em run sợ, mặt mày xanh ngắt và quên hết những gì mình đã học ở nhà.

          Người giáo viên cũng chỉ rõ cho các em biết khi con người bị căng thẳng họ thường cảm thấy tim đập nhanh, thường xuyên hồi hộp, khó tập trung, khả năng ghi nhớ kém, nhiều ý nghĩ lo lắng dồn dập, buồn phiền, thu mình, sợ hãi, hoang mang, dễ bị kích động, cáu kỉnh, giảm khả năng suy xét sự việc, suy nghĩ chậm, trì trệ, chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của vấn đề. Vì vậy ta thường thấy người bị căng thẳng hay có những hành động tiêu cực. Đây chính là gốc rễ của bao nhiêu hậu quả đau lòng do tình trạng căng thẳng gây ra.

* Giáo dục cho học sinh hiểu về tác động của căng thẳng đối với con người:

          Trong cuộc sống của mỗi người, thông thường khi ta gặp một tình huống có tính chất mới thì cơ thể chúng ta sẽ xuất hiện trạng thái căng thẳng. Như vậy, căng thẳng là một cách để cơ thể tự bảo vệ mình. Do vậy, căng thẳng luôn có tính tiêu cực. Nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định rằng sự căng thẳng quá mức sẽ có tác động tiêu cực tới mọi mặt của sức khỏe, tinh thần của con người.

          Ví dụ: Khi ta thổi một quả bóng bay, nếu không khí được thổi vào quả bóng ở mức độ vừa phải, ta sẽ có một quả bóng thật đẹp. Nhưng nếu không khí được đẩy vào quá mức, quả bóng có thể bị vỡ, thậm chí gây thương tích cho người thổi.

          Từ ví dụ tôi vừa đưa ra, ta có thể dễ ràng liên tưởng tới những áp lực trong học tập mà hằng ngày các em phải đối mặt. Môi trường học tập hiện nay tạo cho các em nhiều thuận lợi nhưng nó cũng chứa đựng không ít mặt tiêu cực. Lịch học, thi cử dày đặc. Học trong sách giáo khoa, trên mạng Internet, học thêm, tiếng Anh,… hầu như đã chiếm gần trọn thời gian của các em. Rồi sự kì vọng quá mức của gia đình cũng đang đẩy các em vào tình trạng căng thẳng. Điều này gây bất lợi cho sự phát triển toàn diện và khỏe mạnh một con người.

          Tuy nhiên, cũng cần nhận thức được rằng, căng thẳng cũng có mặt tích cực của nó. Bởi vì, nếu các em học sinh chịu những sự căng thẳng ở mức độ vừa phải, trong khả năng chịu đựng (như quả bóng bay tôi đã dẫn) thì sự căng thẳng lại có tác dụng kích thích các em, giúp các em hoạt động, học tập hiệu quả hơn, tập trung ý chí, tinh thần cao độ để vượt qua thử thách.

          Ví dụ: Trước một kì thi quan trọng, sự căng thẳng chắc chắn sẽ xuất hiện, có thể do nỗi lo lắng các em sợ mất lòng tin từ thầy cô, sợ buồn lòng cha mẹ nếu điểm số không như mong muốn. Hay áp lực từ chính lòng kiêu hãnh, tự hào của chính bản thân các em. Từ đó, sự căng thẳng này có thể trở thành những động cơ tích cực, thúc giục các em nỗ lực hết mình để giành những kết quả tốt nhất.

          Hay khi một gia đình gặp hoàn cảnh không may như bị phá sản, nợ nần chồng chất. Tình huống này chắc chắn sẽ gây căng thẳng cho mỗi học sinh nếu rơi vào hoàn cảnh ấy. Nhưng với một số em, nó lại là động lực để các em cố gắng hơn trong cuộc sống để có thể đỡ đần cha mẹ hoặc giúp đỡ cha mẹ nuôi các em,… Từ đó ta thấy rõ ràng rằng, căng thẳng bên cạnh tính chất tiêu cực nó cũng có sự tích cực riêng.

* Giáo dục cho học sinh hiểu cách ứng phó tiêu cực và cách ứng phó tích cực đối với tình trạng căng thẳng:

          Vậy phải làm sao để ứng phó với căng thẳng và ứng phó với tình trạng đó bằng những giải pháp tích cực để góp phần hạn chế những ảnh hưởng có hại tới các em? Điều này đòi hỏi người giáo viên phải giúp cho các em ý thức được rằng có nhiều cách ứng phó với căng thẳng. Có cả cách tiêu cực lẫn tích cực. Khi ta giải quyết vấn đề bằng các giải pháp tiêu cực thì căng thẳng đó không những không mất đi mà đôi khi tính chất nghiêm trọng của sự việc càng tăng và hậu quả của nó gây ra cho bản thân ta càng nạng nề hơn. Còn khi ta biết vận dụng các giải pháp tích cực ta có thể nhanh chóng giải quyết được sự việc đó và lấy lại cân bằng cho cuộc sống hiện tại.

          Để giáo dục được điều này tôi đã xây dựng một danh sách trong đó có đề cập đến một loạt cách ứng phó với căng thẳng (cả cách ứng phó tiêu cực và cả cách ứng phó tích cực). Sau đó, yêu cầu các em xác định đâu là những cách ứng phó với căng thẳng tiêu cực và đâu là cách ứng phó tích cực với căng thẳng.

          Ví dụ: Trong các tiết Sinh hoạt lớp, để thay đổi hình thức hoạt động, tôi có thể cho học sinh rèn luyện về Kỹ năng ứng phó với căng thẳng bằng cách chia lớp thành hai nhóm và yêu cầu một nhóm tìm các cách ứng phó với căng thẳng cách tích cực và một nhóm tìm cách ứng phó với căng thẳng cách tiêu cực.

          – Khóc lóc triền miên, than thân trách phận.

          – Tránh cầu toàn quá mức.

          – Đọc sách, nghe nhạc, đi du lịch. Trò chuyện với một người bạn thân.

          – Trì hoãn công việc.

          – Tự hủy hoại bản thân.

          – Tìm kiếm mặt tích cực của vấn đề.

          – Gặp gỡ, giao lưu với những người bạn mới.

          – Hay cáu giận, bực bội,

          – Ăn quá nhiều hoặc nhịn ăn.

          – Tìm những mặt mạnh, phẩm chất tốt ở bản thân để lấy lại tự tin.

          – Tránh tham gia các hoạt động tập thể.

          – Hút thuốc, uống rượu.

          – Viết ra điều khiến mình bực bội hoặc ghi nhật kí.

          – Chơi một môn thể thao yêu thích, tập thể dục.

          – Hít vào thật sâu và đi dạo.

          – Tránh gặp gỡ bạn bè, gia đình.Trì hoãn những việc cần làm….

          – Tìm lời khuyên từ người tin cậy, có kinh nghiệm..

          – Tích cực tìm kiếm sự giúp đỡ.

          – Nghĩ về những thành quả mình đã đạt được.

Một số cách ứng phó tiêu cực  M ột số cách ứng phó tích cực
– Khóc lóc triền miên, than thân trách phận.

– Trì hoãn công việc.

– Tự hủy hoại bản thân.

– Hay cáu giận, bực bội,

– Ăn quá nhiều hoặc nhịn ăn.

– Tránh tham gia các hoạt động tập thể.

– Hút thuốc, uống rượu.

– Tránh gặp gỡ bạn bè, gia đình.Trì hoãn những việc cần làm….

– Tránh cầu toàn quá mức.

– Đọc sách, nghe nhạc, đi du lịch.

Trò chuyện với một người bạn thân.

– Tìm kiếm mặt tích cực của vấn đề.

– Gặp gỡ, giao lưu với những người bạn mới.

– Tìm những mặt mạnh, phẩm chất tốt ở bản thân để lấy lại tự tin.

– Viết ra điều khiến mình bực bội hoặc ghi nhật kí.

– Chơi một môn thể thao yêu thích, tập thể dục.

– Hít vào thật sâu và đi dạo.

– Tìm lời khuyên từ người tin cậy, có kinh nghiệm..

– Tích cực tìm kiếm sự giúp đỡ.

– Nghĩ về những thành quả mình đã đạt được.

          Sau hoạt động này, bản thân mỗi học sinh sẽ định hình và tích lũy cho mình được một vốn sống trong ứng xử với các vấn đề căng thẳng của cuộc sống. Và người giáo viên cần đặt một tình huống cụ thể, thiết thực và yêu cầu các em giải quyết.

          Ví dụ.: Hoa là một học sinh rất giỏi, thường xuyên đạt điểm 9, 10. Trong một lần kiểm tra Toán, bạn ấy chỉ đạt điểm 5. Em đang rất buồn, xấu hổ với bạn bè, lo sợ cha mẹ buồn lòng. Nếu em là Hoa, em sẽ giải quyết tình huống đó như thế nào?

          Với tình huống này sẽ có nhiều cách giải quyết tùy vào mỗi học sinh. Nhưng người giáo viên phải cho các em hiểu được rằng cách nào sẽ giải quyết được tận gốc của vấn đề còn cách nào thì không.

          Một nhóm chọn các giải pháp sau: khóc lóc, buồn bã, trốn tránh mọi người, cáu giận, nhịn ăn…

          Một nhóm chọn các giải pháp: Nghĩ về những thành quả mình đã đạt được, tránh cầu toàn quá mức, tìm những mặt mạnh, phẩm chất tốt ở bản thân để lấy lại tự tin, học lại bài thật kĩ, nói với cha mẹ và hứa sẽ cố gắng ở lần sau…

          Qua các cách giải quyết trên, mỗi học sinh sẽ dễ dàng thấy được cách ứng phó tích cực sẽ đem lại lợi ích to lớn cho chính bản thân các em. Giúp các em cân bằng lại cuộc sống của mình. Còn cách giải quyết tiêu cực chỉ lại cho tình trạng căng thẳng trầm trọng thêm.

* Giáo dục kĩ năng ứng phó với căng thăng qua các tiết Hoạt động ngoài giờ lên lớp, giờ sinh hoạt, qua các trò chơi:

          Với hình thức này giúp các em học sinh vừa vui chơi, vừa có thể hình thành kĩ năng ứng phó với căng thẳng một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, không cứng nhắc, gò bó, khô khan, nhàm chán. Điều thuận lợi của phương pháp này ở chỗ trong mỗi kì học, Liên đội thường kết hợp với bộ phận chuyên môn, các đoàn thể trong trường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi bổ ích vào dịp Trung thu, ngày 26/3, 20/11; các cuộc thi Toán học với tuổi thơ; Em yêu tiếng Việt; Chúng em nói tiếng Anh…Qua đó, tạo cho các em có cơ hội sinh hoạt tập thể, tính tương tác cao nên việc hình thành kĩ năng giao tiếp, hoạt động nhóm hay ứng phó với những căng thẳng nảy sinh trong quá trình hoạt động. Đồng thời việc kết hợp các hình thức hoạt động này trong quá trình học tập sẽ giúp các em cân bằng cuộc sống học tập căng thẳng thường ngày. Rèn luyện về thể chất, thêm vào đó, điều này còn có tác dụng rất lớn trong việc hình thành và phát triển một nhân cách toàn diện.

          Ví dụ: Tình huống 1: Các bạn trong lớp tập trung làm Báo tường chào mừng ngày 20/11 nhưng khi chọn cách trang trí bài báo thì mỗi bạn một ý, không ai chịu ai. Ai cũng cho là ý kiến của mình là ý tưởng hay nên đã dẫn đến tranh cãi rất căng thẳng. Nếu em trong tình huống đó em sẽ giải quyết như thế nào?

          Cách giải quyết:

– Hỏi ý kiến của giáo viên phụ trách lớp và nhờ cô (thầy) giáo can thiệp.

– Cùng thể hiện ý kiến ra giấy để xem ý kiến nào khả thi hơn.

– Cùng tuân thủ theo quyết định cuối cùng của nhóm trưởng.

          Tình huống 2: Trong khi tham gia một trò chơi do Liên đội tổ chức ngày Trung thu, Lan được chọn tham gia trò chơi nhảy bao bố. Khi trò chơi đã bắt đầu mà Lan vẫn không có mặt, lớp đành chọn bạn khác thế chỗ và kết quả lớp đã bị thua cuộc. Cả lớp rất giận Lan. Nếu em là Lan em sẽ làm gì? Nếu em là thành viên của lớp em sẽ ứng xử ra sao?

          Cách giải quyết:

– Nếu là Lan, em sẽ:

          + Xin lỗi cả lớp.

          + Nói rõ lí do em đến muộn.

          + Chấp nhận một cách vui vẻ những lời trách cứ của các bạn vì thật sự mình có lỗi…

– Nếu là thành viên trong lớp, em sẽ:

          + Nói với Lan cần xin lỗi tập thể lớp.

          + Nói rõ lí do Lan đến muộn cho các bạn biết.

          + Cần rộng lượng và nghĩ rằng dù có Lan thì lớp cũng chưa chắc đã giành phần thắng.

          + Chỉ cần cả lớp có ngày được vui chơi là được còn thắng, thua với các lớp khác không quan trọng….

          Tình huống 3: Trong giờ ra chơi 2 bạn cùng lớp đùa nghịch với nhau. Bạn A lỡ tay đấm bạn B rất mạnh. B vô cùng tức giận. Nếu em là A trong lúc đó em sẽ làm thế nào? Nếu em là B em sẽ cư xử ra sao?

          Cách giải quyết:

– Nếu là bạn A thì em có thể đánh lại bạn B, nhờ anh (bạn bè) trả thù giúp, chửi bạn, bỏ qua xem đó là hành động lỡ tay của bạn, gọi bạn lại và nhắc nhở bạn phải cẩn thận không đùa nghịch như thế nữa…

– Còn nếu em là bạn B em có thể xin lỗi A, mặc kệ bạn, nếu A dám chửi em thì em sẽ đánh tiếp…

          Như vậy, bằng những hoạt động thực tiễn, thiết thực, gần gũi cũng có thể giúp các em hình thành kĩ năng ứng phó với căng thẳng một cách tự nhiên. Điều quan trọng là người giáo viên cần biết khơi gợi cũng như biết định hướng cho các em áp dụng những kĩ năng ứng phó tích cực để giúp các em không những vượt qua các thử thách mà qua đó còn ý thức sâu sắc hơn các giá trị của tình bạn, tình thân, tình thầy trò…

* Giáo dục kĩ năng ứng phó với căng thăng qua các môn học:

          Hiện nay dạy học theo phương pháp tích hợp là một phương pháp đang được áp dụng rộng rãi. Điều này không chỉ giúp các em hình thành tri thức mà còn giúp các em hiểu vấn đề sâu hơn. Từ một môn học người giáo viên có thể liên hệ thực tế hoặc tích hợp với môn học khác. Điều này tạo nhiều thuận lợi trong việc thực nghiệm đề tài. Bởi bất kì giáo viên nào cũng có thể áp dụng vào bộ môn của mình. Ví như đối với môn Ngữ Văn khi dạy bài “Bài toán dân số” giáo viên có thể tích hợp với môn Địa lý, Giáo dục công dân…Vì vậy tôi có thể dễ dàng để giáo dục kĩ năng ứng phó với căng thẳng cho các em qua các môn học.

– Qua môn Ngữ văn:

          Đây là môn học có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho học sinh, rèn luyện khả năng cảm thụ, cảm nhận các vấn đề trong cuộc sống qua các bức tranh của tác phẩm văn học. Từ đó học sinh có thể rút ra cho mình những cách hành xử tốt đẹp, lối sống lành mạnh, cao thượng đối với những người xung quanh cũng như rút ra những bài học cho chính bản thân mình. Đồng thời qua các tác phẩm, các tiết Tiếng việt, Tập làm văn cũng giúp các em rèn luyện khả năng giao tiếp tốt trước đám đông, thư giãn đầu óc trong những lúc mệt mỏi căng thẳng. Vì vậy, nếu người giáo viên chú trọng đến việc vận dụng môn học để giáo dục kĩ năng ứng phó với căng thẳng cho các em thì sẽ đem lại những lợi ích to lớn ngoài sức mong đợi.

          Ví dụ: Tình huống 1:

          Cho 2 em học sinh một em đóng vai Lí Thông, một em đóng vai Thạch Sanh (sau khi học văn bản Thạch Sanh) đoạn Thạch Sanh biết Lí Thông đã lừa mình. Cả hai HS tự nghĩ ra lời thoại và hành động theo quan điểm riêng của mình.

          Cách giải quyết:

          + Thạch Sanh đánh cho Lí Thông một trận; ngấm ngầm tìm cách trả thù lại; hận suốt đời không tha thứ; bỏ qua và không thèm chấp…

          + Còn Lí Thông có thể tiếp tục mù quáng không nhận ra lỗi của mình hoặc ân hận xin Thạch Sanh tha thứ.

          Từ các cách giải quyết đó em thấy có mang lại lợi ích cho ai không? Mâu thuẫn giữa hai người có được hóa giải hay tiếp tục thù hằn nhau?

          Qua đó học sinh có thể nhận ra rằng mỗi tác phẩm là một bài học vô giá cho cuộc sống thực tại. Mỗi người nên có những suy nghĩ, hành động tích cực mới làm cho cuộc sống tích cực, vui vẻ và sống thanh thản hơn.

          Ví dụ: Tình huống 2:

          Sau khi học xong văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê”, nếu em phải sống trong hoàn cảnh của anh em Thành và Thủy (bố mẹ chia tay nhau, hai anh em cũng phải xa nhau dù rất yêu thương nhau) thì em sẽ hành xử như thế nào?

          Cách giải quyết: Cố gắng nén nỗi đau và vượt qua nó; Đây là một điều bất hạnh không ai muốn nhưng cuộc đời đôi khi ta cũng có những lúc khó khăn để thử thách con người; Tiếp tục mỉm cười và bước tiếp….

          Đây là tình huống rất dễ gặp trong cuộc sống hằng ngày nên nó sẽ giúp các em có thể vượt qua thử thách dễ dàng hơn nếu không may gặp phải. Cần cho các em thấy rằng nếu trong tình huống này mà ta chọn các cách tiêu cực như khóc lóc, bỏ học, gây gỗ đánh nhau với bạn thì không những bản thân sẽ không vượt qua được nỗi đau mà ta có thể còn mất đi nhiều thứ, có khi là cả tương lai của bản thân mình.

 – Đối với môn Giáo dục công dân:

          Đây có lẽ là môn học dễ dàng để giáo dục kĩ năng ứng phó với căng thẳng thuận lợi nhất. Bởi nội dung các bài học xoay quanh việc hình thành cho các em những phẩm chất, tích cách rất cụ thể. Qua đó, có thể hình thành cho mỗi em bản lĩnh, sự tự tin, khả năng xử lí các tình huống thường gặp. Từ đó, hình thành nên kĩ năng sống nói chung và kĩ năng ứng phó với căng thẳng nói riêng cho các em.

          Ví dụ: Tình huống 1: Sau khi học xong bài “Tự lập”

          Đóng vai một người con trong gia đình đang giàu có muốn gì được nấy bỗng cha mẹ bị phá sản, nợ nần chồng chất. Nếu em trong tình huống đó việc làm của em là gì?.

          Cách giải quyết: Cố gắng làm việc, học thật tốt để cha mẹ khỏi phải bận lòng thêm, động viên cha mẹ, không khóc lóc, dằn vặt bản thân hoặc tìm cách tự vẫn, sống buông thả…

          Tình huống 1: Sau khi học xong bài “Dũng cảm”.

          Một thành viên trong lớp mỗi lần đến tiết kiểm tra thường lén quay cóp mặc dù thầy cô giáo đã dặn dò cả lớp không được gian lận trong lúc làm bài. Có nhiều bạn biết điều đó nhưng không dám nói vì sợ mất lòng, sợ bạn đón đường đánh. Em rất bức xúc vì điều đó. Vậy em sẽ làm như thế nào?

          Cách giải quyết: Tố cáo bạn trước lớp, gặp riêng và nói với bạn, nói riêng với cô để cô giải quyết, trình bày vấn đề này trong buổi sinh hoạt lớp…

          Như vậy bằng những tình huống rất cụ thể, thiết thực sẽ giúp các em hình thành cho những kĩ năng ứng phó với căng thẳng một cách rất tự nhiên, nhẹ nhàng, không cứng nhắc và khô khan.

* Hướng cho các em tự hình thành kĩ năng ứng phó với căng thẳng cho mình:

          Cách rèn luyện này đòi hỏi bản thân các em phải có những trải nghiệm cụ thể, đôi khi các em còn phải trả giá cho những cách giải quyết tiêu cực của mình. Nhưng đây là giải pháp cần thiết. Bởi không ai có thể sống thay hoặc theo sát các em từng ngày, từng giờ để bảo ban, hướng dẫn mà có những lúc các em phải trải nghiệm và rút ra bài học cho mình

          Ví dụ: Tình huống 1:

          Bấy lâu nay gia đình A sống rất hạnh phúc. A là một người con ngoan, học giỏi. Đột nhiên có tin đồn cha (mẹ) A ngoại tình. Gia đình trở nên xáo trộn. Ba mẹ thường xuyên cãi vã nhau. A rất buồn và không thể tập trung học được. Nếu em trong tình huống đó em sẽ giải quyết như thế nào?.

          Cách giải quyết như:

          A bỏ học vì xấu hổ với bạn bè, chơi bời không lo học vì chán nản, thu mình lại và không tiếp xúc với mọi người hoặc vẫn quyết tâm học dù chuyện đó có thật hay không, tâm sự với cha mẹ (bạn bè…) về điều mình đang phải trải qua để tìm lời khuyên,…

          Tình huống 2:

          Cả lớp vừa học xong 5 tiết, ai cũng đói và mệt, cô lại giao cho lớp làm xong khu vực lao động của lớp mới được về. Em không muốn làm. Vậy em sẽ ứng xử ra sao?

          Cách giải quyết:

          Không làm hoặc vừa làm vừa chơi; tự ý bỏ về; đến nói với cô và xin cô cho làm vào buổi khác;…

          Sau khi học sinh tham gia chơi, trải nghiệm với các tình huống giáo viên đưa ra, mỗi học sinh cần trình bày trước tập thể xem mình đã học được gì qua các tình huống đó. Người giáo viên phải tổng kết lại với mỗi tình huống sẽ có nhiều cách giải quyết khác nhau nhưng nếu biết vận dụng cách tích cực thì các em có thể vượt qua tình huống đó, lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Còn nếu giải quyết các căng thẳng theo hướng tiêu cực có thể đem lại những hậu quả xấu đôi khi còn ảnh hưởng nặng nề tới bản thân các em.        

  1. 3. Kết quả thu được qua khảo nghiệm, giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu:

          Với tình cảm nghề nghiệp và trách nhiệm cao với học sinh của mình, trường THCS … luôn luôn quan tâm giáo dục toàn diện học sinh. Trong đó, không chỉ quan tâm giáo dục và phát triển về tri thức mà còn giúp các em rèn luyện hình thành kỹ năng sống nói chung và kĩ năng ứng phó với căng thẳng nói riêng để các em phát triển nhân cách toàn diện, chuẩn bị hành trang vững chắc để tự tin bước vào cuộc sống, tạo dựng tương lai thành công cho mình trong thời đại hội nhập Quốc tế./.

  1. 3. Kết luận:

          Nhiều nước phát triển trên thế giới, thanh thiếu niên được học những kỹ năng sống về những tình huống sẽ xảy ra trong cuộc sống và họ biết cách đối diện và đương đầu, vượt qua những khó khăn, cũng như biết cách tránh những mâu thuẫn, xung đột, bạo lực giữa người với người. Biết cách đối phó, thích ứng với các tai nạn như cháy, nổ, động đất, thiên tai…Chúng ta đã biết, người Nhật Bản đầy bản lĩnh khi ứng phó với thảm hoạ động đất và sóng thần là do họ đã được giáo dục rất tốt về kỹ năng ứng phó với các tình huống căng thẳng

          Vậy ở nước ta tại sao vấn đề này lại còn bỏ ngỏ hoặc chưa được thực hiện một cách bài bản. Qủa thật, trong những năm gần đây chúng ta mới bắt đầu quan tâm đến vấn đề này và việc triển khai trong các nhà trường vẫn còn rất nhiều lúng túng… Tuy vậy, ở Trường THCS …, trong nhiều năm nay bằng những việc làm đơn giản và thiết thực, chúng tôi đã để tâm sức, thời gian nghiên cứu và triển đề tài Một số biện pháp giúp học sinh giảm áp lực  khi học Ngữ văn trong trường THCS. Từ những điều đơn giản, đời thường gần gũi với các em như: chào hỏi, cám ơn, xin lỗi, quan sát, lắng nghe, giữ gìn vệ sinh môi trường, chấp hành luật an toàn giao thông…, nhưng có tác dụng khơi dậy “sức mạnh nội tâm” tiềm ẩn trong mỗi HS, giúp các em nhận ra giá trị của mình, để biết cách điều chỉnh hành vi, thái độ, biết sống có trách nhiệm, sống có văn hoá, biết cách tự bảo vệ mình và giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống…

Bấm vào đây tải file Word

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng