Một số biện pháp giúp học sinh THCS phân biệt nhanh từ loại Tiếng Việt.
- LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Đối với mỗi con người, ngôn ngữ là biểu tượng của quốc gia, dân tộc. Dân tộc nào có ngôn ngữ riêng của dân tộc đó. Đó là điều hiển nhiên, ai cũng phải công nhận.
Dân tộc Việt Nam ta nói chung, mỗi người Việt Nam nói riêng rất đỗi tự hào về ngôn ngữ của chính mình – tiếng mẹ đẻ – Tiếng Việt.
Từ khi khai quốc đến nay, đất nước ta trải qua quá trình dựng nước, giữ nước lâu dài. Dân tộc Việt Nam ta phải chống chọi với các thế lực ngoại bang xâm lấn. Kẻ thù, ngoài tham vọng cai trị, bóc lột nhân dân ta, chúng còn có tâm địa muốn đồng hóa dân tộc ta. Không những chúng bóc lột sức lao động, vơ vét của cải vật chất mà bọn chúng còn muốn biến dân ta thành dân của chúng. Một trong những phương pháp để bọn xâm lược thực hiện mưu đồ đồng hóa là bắt dân ta học tập, nói chuyện bằng ngôn ngữ của chúng, không cho ta nói tiếng mẹ đẻ của mình. Trường học chúng mở ra chỉ dạy tiếng Hán, tiếng Pháp, không dạy tiếng Việt.
Thế nhưng, bằng tấm lòng quả cảm, trái tim nhiệt huyết yêu nước, mỗi người Việt Nam đều tìm mọi cách để giữ gìn ngôn ngữ dân tộc mình. Bên cạnh chữ Hán của Trung Quốc là chữ Nôm của Việt Nam. Rồi dần dần, tiếng Việt ra đời một cách trong sáng, vinh quang.
Tiếng Việt không chỉ giải quyết được nhu cầu giao tiếp của người Việt Nam mà nó còn đáp ứng được tất cả các sắc thái biểu cảm, cảm xúc của con người trong cuộc sống hàng ngày.
Vì thế, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt là nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam.
Bản thân tôi là một giáo viên Ngữ văn, tôi nhận thức rất rõ nhiệm vụ của mình: ngoài việc phải giữ gìn, phát huy sự trong sáng của tiếng Việt, tôi còn phải truyền tình yêu, nhiệm vụ đó đến cho từng thế hệ học sinh mình giảng dạy.
Để làm được điều đó, trước hết, mỗi giáo viên Ngữ văn nói chung, bản thân tôi nói riêng phải truyền cho học sinh các kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt thành thạo. Đó là điều tưởng như đơn giản nhưng vô cùng khó khăn. Vì thế, tôi thực nghiệm sáng kiến kinh nghiệm: “Một số biện pháp giúp học sinh THCS phân biệt nhanh từ loại Tiếng Việt” để từng bước hoàn thành nhiệm vụ hướng dẫn học sinh giữ gìn, phát huy sự trong sáng của tiếng Việt.
- Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp:
Nội dung chính của phần này là hướng dẫn cho học sinh những kĩ năng cơ bản để phân biệt đúng, nhanh các loại danh từ, động từ, tính từ.
b1. Danh từ:
b1. 1. Khái niệm: Danh từ là những từ chỉ người, vật, hiện tượng, khái niệm…
Ví dụ: Nam, lọ hoa, sấm sét, ẩn dụ…
b1. 2. Khả năng kết hợp: Danh từ có thể kết hợp với số từ, lượng từ ở phía trước, chỉ từ ở phía sau để tạo thành cụm danh từ.
Ví dụ: học sinh: danh từ
những: lượng từ => cụm danh từ: những học sinh ấy
ấy: chỉ từ
b2. 3. Chức vụ trong câu: Danh từ thường làm chủ ngữ trong câu, khi làm vị ngữ, danh từ phải có từ “là” đứng trước.
Ví dụ 1: Lọ hoa //rất đẹp.
CN (DT) VN
Ví dụ 2: Vật đẹp nhất là lọ hoa.
CN VN (DT)
Ngoài những kiến thức cơ bản mà học sinh đã học như vậy, để phân biệt nhanh danh từ trong văn cảnh, giáo viên cần nhấn mạnh cho học sinh khả năng kết hợp của nó. Có nghĩa là khi gặp một từ, các em phân vân nó có phải là danh từ hay không thì chỉ cần kết hợp thử với số từ, lượng từ ở phía trước, chỉ từ ở phía sau. Nếu chúng kết hợp được, đọc lên nghe thuận tai, thuận miệng thì đó chính là danh từ.
Ví dụ cụ thể: Khi gặp những từ: quyển sách, ăn, tấm ảnh, trèo, xấu.
Ta thử kết hợp với số từ, lượng từ: những quyển sách -> kết hợp được
những ăn -> không kết hợp được
hai tấm ảnh -> kết hợp được
hai trèo -> không kết hợp được
một xấu -> không kết hợp được
những xấu -> không kết hợp được
các trèo ->không kết hợp được
Qua ví dụ này, ta rút ra kết luận: từ nào kết hợp được với số từ, lượng từ là danh từ, còn không kết hợp được thì không phải danh từ. Vậy quyển sách, tấm ảnh là danh từ.
Hoặc thử kết hợp với chỉ từ (ấy, kia, này , nọ, đó…), ta cũng có thể phân biệt được đâu là danh từ.
Ví dụ: quyển sách ấy -> kết hợp được
ăn nọ -> không kết hợp được
tấm ảnh kia -> kết hợp được
trèo kia -> không kết hợp được
xấu nọ -> không kết hợp được
Trong ngôn ngữ tiếng Việt, không ai kết hợp: Con mèo trèo kia, mà chỉ kết hợp: Con mèo trèo lên cây kia. Trèo là động từ, không đi kèm với chỉ từ, còn cây là danh từ, có thể kết hợp với chỉ từ.
Tương tự, ta có thể nói: Những quyển sách ấy đã được bao bọc cẩn thận. Chứ không ai nói: Những xấu nọ…
Như vậy, số từ, lượng từ, chỉ từ được xem là chìa khóa để nhận biết nhanh danh từ. Từ nào kết hợp được với chúng thì chắc chắn đó là danh từ. Khi học sinh phân vân không phân biệt được, giáo viên chỉ cần hướng dẫn các em thử kết hợp từ đó với số từ, lượng từ, chỉ từ thì học sinh sẽ nhận ra ngay đâu là danh từ.
b2. Động từ:
b2. 1. Khái niệm: Động từ là những từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật, hiện tượng, khái niệm.
Ví dụ: đi, chạy, ăn, ngủ, đau…
b2. 2. Khả năng kết hợp: Động từ có thể kết hợp với các từ: đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, hãy, chớ, đừng,…tạo thành cụm động từ.
Ví dụ: ăn: động từ
đang: phó từ -> đang ăn: cụm động từ
b2. 3. Chức vụ trong câu: Động từ thường làm vị ngữ trong câu, khi làm chủ ngữ, động từ mất khả năng kết hợp với: đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, hãy, chớ, đừng…
Ví dụ 1: Em // ăn cơm. Lan // học bài.
CN VN (ĐT) CN VN (ĐT)
Ví dụ 2: Học bài // là việc của học sinh.
CN (ĐT) VN
Người ta không thể nói: Đang học bài là việc của học sinh. Mà chỉ có thể nói: Học sinh // đang học bài.
CN VN
Qua các điều trên, ta dễ dàng nhận thấy rằng, để nhận biết nhanh động từ, học sinh chỉ cần thử kết hợp với các từ: đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, hãy, chớ, đừng,…
Ví dụ có các từ: ngủ, học, cơm, táo, đau, gãy, vỡ…muốn nhận ra đâu là động từ, ta thử kết hợp:
đã
sẽ ngủ -> kết hợp được
hãy
đừng
đã học -> kết hợp được
đã cơm
đang táo -> không thể kết hợp được
đang
sẽ đau (gãy, vỡ) -> kết hợp được
chớ
Từ đó, ta rút ra kết luận: các từ: ngủ, học, đau, gãy, vỡ là động từ.
Như vậy, các phó từ: đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, hãy, chớ, đừng,…được xem là chìa khóa để phân biệt nhanh động từ. Từ nào kết hợp được với chúng dễ dàng, nói thuận miệng, nghe thuận tai thì chắc chắn là động từ. Khi gặp từ mà học sinh phân vân, chỉ cần thử kết hợp như trên thì sẽ tìm ra những động từ mình cần. Giáo viên chỉ cần hướng dẫn học sinh cách kết hợp nêu trên là các em sẽ dễ nhớ, dễ làm, khó quên.
b3. Tính từ:
b3. 1. Khái niệm: Tính từ là những từ chỉ đặc điểm, tính chất của sự vật, hoạt động, trạng thái.
Ví dụ: xấu, đẹp, đen, đỏ, giỏi, dốt, đắng…
b3. 2. Khả năng kết hợp: Tính từ có khả năng kết hợp với các phó từ: đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, … như động từ để tạo thành cụm tính từ.
Ví dụ: đã xấu, sẽ đẹp, đang giỏi, cũng đen, vẫn dốt…
Tuy nhiên, khả năng kết hợp với: hãy, chớ, đừng của tính từ hạn chế hơn động từ.
Ví dụ: Ta có thể nói: hãy làm việc, chứ không thể nói: hãy xanh, đừng đẹp
ĐT TT TT
Đây là yếu tố quan trọng để phân biệt chính xác giữa động từ và tính từ. Ví dụ khi cho các từ: thơm, vàng, chạy, bay, nhanh, chát nếu chỉ kết hợp với đã, sẽ, đang, cũng, vẫn thì học sinh chưa thể biết đâu là động từ, đâu là tính từ. Cụ thể, ta đều có thể nói: đã (sẽ, đang, cũng, vẫn) thơm (vàng, chạy, bay, nhanh, chát).
Vậy nên, ta phải thử kết hợp với: hãy, chớ, đừng, khi đó, học sinh mới tách ra được đâu là động từ, đâu là tính từ.
Ví dụ: Ta chỉ có thể nói: hãy
chớ chạy, bay
đừng
chứ ta không thể nói: hãy
chớ thơm, vàng, nhanh, chát
đừng
Trong thực tế, nếu một bó hoa cúc vàng rực, ta không thể bảo: Hoa cúc đừng vàng.
- TT.
Hoặc tương tự ta cũng không thể bảo đừng chát (trong: Quả sung đừng chát). Mà người ta chỉ có thể nói: Hoa cúc vàng. Quả sung chát.
TT
Tóm lại, giữa động từ và tính từ có nhiều nét tương đồng, nhưng hãy, chớ, đừng là chìa khóa giúp học sinh phân biệt hai từ loại này nhanh nhất.
b3. 3. Chức vụ trong câu: Tính từ có thể làm chủ ngữ, vị ngữ trong câu nhưng khả năng làm vị ngữ của tính từ hạn chế hơn động từ.
Ví dụ: 1. Xanh // là màu áo các chú bộ đội.
CN (TT) VN
- Đóa hoa // vàng rực.
CN VN (TT)
- Nam // hát rất hay.
ĐT TT
CN VN
- Nó // chạy rất chậm.
ĐT TT
CN VN
Đa số trong câu, khi một động từ đi kèm với một tính từ thì động từ thường làm vị ngữ, còn tính từ bổ ngữ cho động từ. Ở ví dụ 2 và 3, hát, chạy là động từ còn hay, chậm là tính từ bổ ngữ cho hai động từ đó.
Ngoài ra, để nhận biết chính xác đâu là tính từ, học sinh có thể kết hợp với các từ chỉ mức độ: rất, hơi, quá, khá, lắm.
Theo nguyên tắc, các từ này dùng để phân biệt tính từ chỉ đặc điểm tương đối (kết hợp được với: rất, hơi, quá, khá, lắm) với tính từ chỉ đặc điểm tuyệt đối (không kết hợp được với: rất, hơi, quá, khá, lắm).
Cụ thể, ta có thể nói: rất xanh, hơi đỏ, khá cay, vàng lắm, đắng quá,… chứ ta không thể nói: rất xanh um, hơi đỏ chót, khá cay xè, vàng lịm lắm, đắng ngắt quá,…Từ đó ta rút ra kết luận: xanh, đỏ, cay, vàng, đắng là tính từ chỉ đặc điểm tương đối, còn các từ: xanh um, đỏ chót, cay xè, vàng lịm, đắng ngắt là tính từ chỉ đặc điểm tuyệt đối.
Tuy nhiên, các từ chỉ mức độ: rất, hơi, quá, khá, lắm vẫn có thể dùng để phân biệt giữa động từ với tính từ.
Ví dụ cho các từ: thi, kiểm tra, vỡ, nát, trắng, nhai, chua, cười nếu kết hợp với các phó từ đã, sẽ, đang, cũng, vẫn thì chưa phân biệt rõ, chính xác đâu là động từ, đâu là tính từ. Vì ta đều có thể nói: đã (sẽ, đang, cũng, vẫn) thi (kiểm tra, vỡ, nát, trắng, nhai, cười). Nhưng nếu ta đem các từ chỉ mức độ: rất, hơi, quá, khá, lắm vào để kết hợp thì kết quả sẽ rõ ràng ngay.
Cụ thể, quy tắc tiếng Việt không kết hợp: rất thi
hơi kiểm tra
khá vỡ
rất cười
quá nhai
mà chỉ kết hợp: hơi nát, rất trắng, quá chua.
Như vậy, các từ thi, kiểm tra, vỡ, nhai, cười là động từ, còn các từ nát, trắng, chua là tính từ.
Nói tóm lại, các biện pháp, giải pháp giúp học sinh THCS phân biệt nhanh danh từ, động từ, tính từ chính là khả năng kết hợp của chúng. Để biết từ nào đó có phải là danh từ hay không, học sinh chỉ cần đem nó kết hợp với số từ (một, hai, năm, một trăm,…), lượng từ (những, các, mọi, mỗi, từng, cả, tất cả,…) hoặc với chỉ từ (ấy, này, nọ, kia, đó,…). Nếu kết hợp được thì chắc chắn đó là danh từ.
Để nhận biết một từ có phải là động từ hay không, học sinh cũng chỉ cần đem nó kết hợp với các phó từ (đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, hãy, chớ, đừng,…). Nếu sự kết hợp đó giúp ta nói thuận miệng, nghe thuận tai thì chính là động từ.
Với tính từ, các em chỉ cần nhớ chúng kết hợp được với các phó từ: đã, sẽ, đang, cũng, vẫn và các từ chỉ mức độ: rất, hơi, quá, khá, lắm. Riêng với các phó từ: hãy, chớ, đừng thì khả năng kết hợp của tính từ rất hạn chế. Tức là, nếu gặp một từ có thể kết hợp với đã, sẽ, đang, cũng, vẫn thì ta vẫn chưa đủ cơ sở khẳng định nó là động từ hay tính từ. Lúc này chúng ta tiến hành thêm một bước nữa đó là đem nó kết hợp với hãy, chớ, đừng để cho kết quả chắc chắn. Ví dụ từ nhỏ kết hợp được với đã, sẽ, đang, cũng, vẫn nhưng không thể kết hợp với hãy, chớ, đừng. Ta không thể nói: đừng nhỏ, chớ nhỏ, hãy nhỏ. Trong thực tế, không ai dùng cách nói: Em bé đừng nhỏ! Mà chỉ có thể nói: Em bé rất nhỏ… Như vậy nhỏ là một tính từ vì nó hạn chế kết hợp với các từ hãy, chớ, đừng.
Tất cả các nội dung trên chính là các biện pháp, giải pháp ngắn gọn giúp học sinh THCS phân biệt nhanh từ loại tiếng Việt, cụ thể là danh từ, động từ, tính từ.
- Kết quả khảo nghiệm, giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu:
Khi nghiên cứu sáng kiến kinh nghiệm này, bản thân tôi nhận thấy nó có giá trị thực tiễn. Vì ai cũng biết, tiếng Việt gồm 29 chữ cái, 06 thanh điệu và vô số kiểu cấu trúc cú pháp từ đơn giản đến phức tạp. Có người nói rằng: “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Điều đó lần nữa khẳng định tiếng Việt giàu đẹp và cũng không kém phần phức tạp. Nên ngay từ bước đầu, giáo viên củng cố, khắc sâu những vấn đề cơ bản thì học sinh mới dễ tiếp cận, đào sâu, tìm tòi, nghiền ngẫm những điều phức tạp.
Sáng kiến kinh nghiệm này sẽ củng cố vốn từ cho học sinh. Nó là cơ sở giúp các em tiếp cận các vấn đề cao hơn sau này đó là ngữ, câu, đoạn, bài…Vì suy cho cùng, mong muốn của thầy cô chính là sản phẩm các em làm ra hoàn hảo (bên cạnh phẩm chất, đạo đức, thể lực tốt). Mà sản phẩm của người học văn là nói một câu trọn nghĩa, hay và viết một bài văn có đầu có đuôi, có nguyên nhân, diễn biến, kết quả và có bài học thực tế.
Sau khi truyền đạt những biện pháp, giải pháp ở đây, tôi nhận thấy học sinh đã rất tiến bộ trong việc nhận biết nhanh danh từ, động từ, tính từ. Chỉ trong khoảng thời gian hơn một tháng, tỉ lệ nhận biết từ loại đúng ở học sinh tăng cao.
- Kết luận:
Trong sáng kiến kinh nghiệm này, nội dung nghiên cứu tập trung vào ba vấn đề lớn, đó là cách phân biệt danh từ, động từ, tính từ.
- Danh từ: khái niệm, khả năng kết hợp (số từ, lượng từ, chỉ từ), chức vụ trong câu. Ở từ loại này, để phân biệt chính xác nó trong văn cảnh, học sinh cần nắm chắc khả năng kết hợp của danh từ. Biết chắc vị trí của số từ, lượng từ, chỉ từ trong cụm danh từ.
- Động từ: khái niệm, khả năng kết hợp (phó từ), chức vụ trong câu. Tương tự như danh từ, khả năng kết hợp của động từ với phó từ sẽ giúp nhận biết động từ trong câu.
- Tính từ: khái niệm, khả năng kết hợp (phó từ, từ chỉ mức độ), chức vụ trong câu. Chính khả năng kết hợp với: đã, sẽ, đang, cũng, vẫn; rất, hơi, quá, khá, lắm sẽ giúp học sinh nhận ra tính từ trong ngữ cảnh cụ thể.
Ba vấn đề trên đã khái quát ngắn gọn nội dung nghiên cứu của sáng kiến kinh nghiệm này. Tất cả đều hướng đến mục đích cuối cùng là giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn nói riêng, kết quả cao trong học tập nói chung và xây dựng ở các em ý thức bảo vệ, giữ gìn, phát huy sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt, tự hào về ngôn ngữ dân tộc, tự hào về truyền thống tốt đẹp của nước nhà.