Open this in UX Builder to add and edit content

Một số biện pháp giúp học sinh thực hành vẽ tranh ở trường THCS

Một số biện pháp giúp học sinh thực hành vẽ tranh ở trường THCS.

  1. Lý do chọn đề tài

      Trong bối cảnh đất nước ta hiện nay Đảng ta xác định “ giáo dục là quốc sách hàng đầu” phát triển chú trọng đến kinh tế – giáo dục. Ngày 4/11/2013 tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI Nghị quyết số 29-NQ/TW đã được ban hành. Nghị quyết này ra đời với mục đích “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

      Trong môn học mỹ thuật là ngành phản ánh nghệ thuật cái đẹp bằng màu sắc, hình khối, đường nét. Tranh vẽ nói chung hay còn gọi là hội hoạ, là ngành nghệ thuật tạo hình phong phú, hấp dẫn và rộng lớn. Tranh phản ánh nhiều mặt về thế giới tự nhiên, về quá khứ, tương lai và xã hội đương thời của cuộc sống con người. Tranh là một thể loại nghệ thuật thị giác mà thực chất là những hiệu quả ảo giác về màu sắc, đường nét…của người sáng tạo. Đây là môn học năng khiếu, đòi hỏi các em phải có sự tìm tòi, sáng tạo độc lập trong bài vẽ và mang tính tổng hợp vì các bài như: Luật xa gần, ký hoạ, trang trí…đều phục vụ và bổ trợ cho môn học.

 2. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp

      Việc vận dụng phương pháp dạy lý thuyết các phân môn Mĩ thuật vào các bài vẽ tranh ở trưòng THCS Nguyễn Trãi tôi thực hiện như sau:

      Đối với học sinh đầu cấp lớp 6 khi các em làm quen với bài học đầu tiên, tôi có quy định và đề ra yêu cầu cụ thể đối với từng phân môn học. Đối với phân môn vẽ tranh mức độ cần đạt được đó là:

– Hiểu cách lựa chọn nội dung và các bước tiến hành làm bài vẽ.

– Vẽ được tranh về các đề tài quen thuộc. Bước đầu biết sắp xếp hình mảng trong bố cục, biết cách sử dụng đuường nét, đậm nhạt, màu sắc ở mức độ đơn giản, phù hợp nội dung tranh.

 Ví dụ: Bài 6 cách vẽ tranh Đề Tài Học Tập là bài thực hành vẽ tranh đầu tiên, nên giáo viên cần giúp học sinh hình dung cách thể hiện nội dung tranh thông qua lý thuyết, minh hoạ. Học sinh cần phải nắm vững và hiểu được một cách chắc chắn trước khi vẽ tranh. Người giáo viên phải khơi gợi được một số hình ảnh quen thuộc của các em như: Học nhóm, học ở nhà, học ngoài sân trường, học trong lớp học…để các em định hình được nhiệm vụ của người học.

Bố cục mảng chính và mảng phụ

Mảng chính là mảng hình chủ đạo, là trọng tâm của bức tranh, dù nó nằm ở vị trí nào( không nhất thiết phải nằm ở chính giữa mà thường nằm ở 4 vị trí: khoảng 2/3

bên trái phía trên; khoảng 2/3 bên trái ở phía dưới; khoảng 2/3 bên phải phía trên; khoảng 2/3 bên phải phía dưới). Mảng chính phải được diễn tả một cách sâu sắc, rõ nét, nó là điểm nhấn của toàn bộ bức tranh.

– Mảng phụ là những hình dạng khác nhau, có tác dụng bổ trợ và làm cân bằng mảng chính, tạo sự hhài hoà, làm rõ thêm ý định của bức tranh cần thể hiện. Trong vẽ tranh thì mảng chính rất quan trọng bởi vì nó quyết định sự thành công hay thất bại của bức tranh.

*Tranh thường có hai tên gọi: Tranh vẽ theo đề tài hoặc tranh vẽ tự do.

      Tranh vẽ theo đề tài là tranh vẽ theo chủ đề cho trước, giúp người vẽ thể hiện trong một phạm vi nhất định, tập trung vào một vấn đề.

          Đối với lớp 7:

      Các em đã được học và biết cách trình bày về bố cục tranh vẽ, thì mức độ cần đạt là:

+ Nâng cao hơn nhận thức về lựa chọn nội dung và các bước tiến hành trong bài vẽ tranh.

+ Vẽ được tranh theo nội dung đề tài trong chương trình, sách giáo khoa( biết cách sắp xếp hình mảng chính, phụ trong bố cục; biết cách sử dụng đường nét, hình mảng, đậm nhạt theo yêu cầu bài học).

+ Vẽ được màu theo ý thích, phù hợp với nội dung đề tài.

Ví dụ: Vẽ tranh có 11 tiết thì nội dung cơ bản nói về:

+ Cuộc sống xung quanh em

+ Phong cảnh

+ Các hoạt động diễn ra trong đời sống…

– Giáo viên sưu tầm tranh vẽ của hoạ sĩ, thiếu nhi, của học sinh khoá trước gợi ý sự phong phú, đa dạng trong cách lựa chọn hình, mảng, màu sắc cùng một nội dung đề tài.

– Cần xác định được nội dung đề tài, từ đó khuyến khích học sinh hình dung, tưởng tượng ra hình ảnh tiêu biểu để thể hiện.

– Giới thiệu thêm về đề tài khác thể hiện trong các thể loại tranh như: phong cảnh, sinh hoạt, lao động, vui chơi giải trí…

– Khuyến khích học sinh vẽ cảnh tại thực tế địa phương.

– Không áp đặt nội dung đề tài một cách máy móc đối với học sinh.

      Sau khi các em đã được tìm hiểu về nội dung bài học các em phân biệt được tranh phong cảnh và tranh đề tài, lựa chon cách thể hiện phù hợp với nội dung bài học.

          Đối với lớp 8:

      Nối tiếp các bài vẽ tranh lớp 7, các bài vẽ tranh ở lớp 8 tạo điều kiện cho học sinh tiếp tục tiếp xúc với thế giới xung quanh, bước đầu biết tìm bố cục và nhận ra hình dáng, đặc điểm, màu sắc và vẻ đẹp của đối tượng. Qua đó, học sinh có thể vẽ tranh theo ý thích và cảm nhận riêng của mình, đồng thời thông qua bài học còn bồi dưỡng cho học sinh tình cảm yêu mến cái đẹp, yêu mến thiên nhiên, đất nước, con người. Củng cố và nâng cao kiến thức và bố cục và phương pháp vẽ tranh:

+ Khai thác nội dung đề tài.

+ Sắp xếp bố cục, hình mảng.

+ Các bước tiến hành bài vẽ.

+ Cách lựa chọn màu sắc, đậm nhạt.

      Vận dụng các kiến thức đã học trong các phân môn Vẽ theo mẫu (Vẽ hình, chân dung, dáng người, phối cảnh) Vẽ trang trí (màu sắc, học tiết, hình mảng, đường nét…), Thường thức mĩ thuật ( cách khai thác nội dung, hình thức thể hiện, bút pháp trong các bức tranh).

          Đối với lớp 9:

      Số tiết vẽ tranh chỉ còn 3 tiết, tiếp tục khai thác các đề tài gần gũi và cuộc sống với học sinh Trung học cơ sở.

      Phát huy khả năng quan sát, nhận xét cuộc sống xung quanh để khai thác nội dung đề tài.

      Đẩy sâu hơn cách thể hiện, màu sắc trong vẽ tranh.

      Củng cố và nâng cao hơn kiến thức vẽ tranh đề tài:

+ Phong cảnh quê hương

+ Lễ hội

+ Đề tài tự chọn

      Ở lớp 9 là giai đoạn các em cần tổng hợp củng cố phương pháp khai thác nội dung đề tài, những kiến thức bài tập đã được học ở 6, 7, 8. Để nâng cao hơn nhận thức và kỹ năng về cách lựa chọn, sắp xếp bố cục (hình, mảng, đường nét, đậm nhạt, màu sắc…) trong tranh vẽ. Hiểu về mối quan hệ giữa bố cục với nội dung đề tài.

Ví dụ: Bài Đề tài phong cảnh quê hương

      *Mục tiêu cần đạt:

– HS tìm hiểu đề tài tranh phong cảnh, vẻ đẹp của phong cảnh.

– Cách tìm, chọn cảnh để vẽ

– Vẽ được tranh đề tài phong cảnh quê hương.

      * Vận dụng pháp trò chơi: Yêu cầu các nhóm hãy kể tên những phong cảnh đẹp của quê hương theo sự hiểu biết? Sử dụng phương pháp này giáo viên sẽ tạo được tính tích cực hoạt động thi đua giữa các nhóm, sự hiểu biết của cá nhân.

     * Phương pháp làm việc theo nhóm: Phát huy được tính tích cực, chủ động, mọi học sinh đều được tham gia cùng học tập. Xây dựng cho học sinh tinh thần tập thể.

– Với các bài vẽ tranh, tuỳ theo từng bài cụ thể để làm việc theo phương pháp này, bởi mỗi học sinh có những ý tưởng khác nhau trong cùng một yêu cầu đề tài.

      * Phương pháp luyện tập:

– Phân môn vẽ tranh lấy thực hành làm hoạt động chính và chỉ có thực hành thì nhận thức về lý thuyết mới thấy rõ. Vẽ tranh học sinh cần được làm nhiều bài tập, trùng nhau về cách thức làm bài nhưng nội dung yêu cầu mỗi bài học là một đề tài khác nhau, Nhưng không quá xa lạ với cuộc sống xung quanh.

      Trong quá trình học sinh làm bài giáo viên cần bao quát lớp kịp thời phát hiện những thiếu sót như: bố cục mảng, hình ảnh, màu sắc…gợi ý cho các em chỉnh sửa, điều chỉnh theo khả năng làm bài của từng học sinh sao cho phù hợp. Qua đó, động viên khích lệ học sinh có ý thức hoàn thành bài vẽ có hiệu quả hơn.

      * Phương pháp gợi mở: Có hiệu quả, bởi thông qua ý định, ý tưởng bài vẽ của học sinh sẽ làm, giáo viên dùng lời nhận xét gợi ý thêm và bớt hình ảnh nào cho phù hợp. Tạo cho học sinh có tính tư duy, chủ động sáng tạo, tự vận dụng kiến thức bài học.

3. Kết quả thu được qua khảo nghiệm, giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu.

      Qua quá trình giảng dạy, Căn cứ vào mục tiêu giáo dục đã đề ra cho bậc THCS, xác định rõ vai trò và mục tiêu giáo dục của bộ môn cũng thông qua thực tế giảng dạy áp dụng đề tài giúp học sinh thực hiện tốt bộ môn Mĩ thuật tôi tự khẳng định và rút ra một số kinh nghiệm sau: Nếu áp dụng đúng phương pháp, giáo viên vận dụng linh hoạt các phương tiện dạy học, đồ dùng dạy học, các phương pháp tổ chức tiết dạy Vẽ tranh theo các bước giờ dạy sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó còn nhân tố ảnh hưởng tới giờ học là: Đối với giáo viên Mĩ thuật ngoài năng lực chuyên môn cần phải có giọng nói tốt, truyền cảm, nhất là phải có năng khiếu Mĩ thuật để khi giảng cách vẽ  (hướng dẫn gợi ý) giáo viên dùng phương pháp thị phạm trên bảng, học sinh dễ hiểu thích mình vẽ đẹp giống thầy (cô) giáo. Về phía học sinh các em biết tự khám phá những điều mới lạ trong bài học, theo cách nghĩ và cách hiểu của mình một cách độc lập tích cực, biết cảm nhận được những cái hay, cái đẹp từ những bài học cụ thể mà các em được học, được làm quen.

 4. Kết luận

      Việc vận dụng lý thuyết các phân môn học mĩ thuật vào các bài thực hành vẽ tranh, mỗi giáo viên phải vận dụng linh hoạt, phù hợp với nội dung từng bài vẽ, có sự hưóng dẫn, gợi ý thêm trong quá trình làm bài đã góp phần tạo sự hứng thú học tập cho học sinh, các em có sự tìm tòi, đam mê trong học tập.

      Hình thành kỹ năng và rèn luyện bản thân có ý thức hoàn thành bài vẽ sau mỗi tiết học và biết trân trọng chính sản phẩm của các em làm ra.

      Đối với một người giáo viên thì phương pháp hướng dẫn học sinh làm bài, càng công tác nhiều năm trong nghề sẽ càng có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên với xu hướng học tập và đổi mới như hiện nay thì càng ngày chúng ta càng có điều kiện được tiếp xúc, học hỏi, trao dồi về kiến thức kinh nghiệm chuyên môn để có phương pháp dạy học phù hợp với thực tế của địa phương nơi làm việc.

Bấm vào đây để tải file Word

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng