Một số biện pháp giúp trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi hứng thú học môn môi trường xung quanh

Biện pháp 1: Bổ sung đồ dùng, đồ chơi, câu đố, ca dao, tục ngữ:

– Những đồ dùng đồ chơi hiện có trong lớp chủ yếu là tranh về môi trường, tranh lô tô, tranh chủ đề phục vụ cho việc dạy và học. Những đồ dùng này trẻ đã được làm quen nhiều dẫn đến nhàm chán, không còn hấp dẫn hứng thú với trẻ. Do đó tôi sưu tầm và tận dụng một số nguyên vật liệu có sẵn của địa phương như: hủ sữa nhựa để làm các con vật, làm cây tre, các loại giấy báo vụn để bồi đắp các loại củ quả, rơm khô làm mái nhà, sợi len cũ tạo hình các con vật như gà, mèo, thỏ, các loại vỏ sò, ốc, ống hút nhựa…

  Nhưng đặc biệt nhất tôi luôn hướng trẻ đến với những đồ vật thật, sinh động và hấp dẫn vào mổi tiết học như: Chủ đề thế giới thực vật: tìm hiểu  một số loại rau, củ quả, hay hoa…tôi đều tận dụng những loại rau quả, hoa trong vườn nhà mang đến để cho trẻ làm tìm hiểu.

  Tôi thường sưu tầm những câu đố vui, bài hát, ca dao, tục ngữ, thơ, chuyện kể có nội dung về môi trường xung quanh và tận dụng vào các giờ vệ sinh lớp, các  giờ hoạt động chiều để đọc và đố vui cho trẻ đoán trả lời, vừa giữ được trật tự lớp và kích thích tư duy của trẻ phát triển. Ví dụ như:                      

                                 Chân gần đầu, râu gần mắt

                                 Mình co quắp, bơi rất nhanh

  Trẻ đoán là con tôm, trong đầu trẻ hình thành biểu tượng về con tôm có hai râu dài, mắt nhỏ lồi ra, có nhiều chân, mình có vỏ và bơi rất nhanh.

-Tôi thường cho trẻ làm quen với nội dung các bài vè về  “con kiến” vè “con voi”, “vè các loại rau”, “vè các loài vật”, “vè đồ dùng nhà bé”, các bài hát như bài “màu hoa”, “đố biết con gì”, “Quả gì”….cho trẻ làm quen nhằm cung cấp thêm nhiều vốn hiểu biết và kinh nghiệm cho trẻ.

  Thường xuyên tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi nhỏ như: trò chơi bắt muỗi, muỗi cắn, chim bay cò bay, gieo hạt, tạo dáng vịt đi…giúp trẻ ghi nhớ và củng cố lại những kiến thức đã học mà trẻ lại rất thích rất hứng thú tham gia,  giúp giờ học thêm sinh động hấp dẫn.

 – Tôi đã cùng trẻ tạo ra nguồn đồ dùng đồ chơi phong phú nhưng gần gũi và ngộ nghĩnh trong lớp bằng cách tổ chức cho trẻ tự vẽ tranh theo chủ đề như: chủ đề nghề nghiệp tôi trò chuyện và cùng trẻ tìm hiểu về các ngành nghề, sau đó hỏi trẻ lớn lên con thích làm nghề gì rồi cho trẻ hãy vẽ tranh về nghề ấy, vẽ về biển theo sự tưởng tượng của trẻ rồi cùng nhau quan sát trò chuyện về những bức tranh đó..   Với chủ đề động vật tôi chọn một số nguyên liệu như: que tăm, hạt tiêu, len, xốp màu, đất nặn, bút sáp…và cùng trẻ tạo thành một số con vật quen thuộc như: gà, vịt, mèo, thỏ…Từ đó trẻ được thực hành, trãi nghiệp và ghi nhớ hơn nữa những gì đã học.

 Biện pháp 2: Thông qua tiết học:

–  Đây là hình thức chủ yếu và quan trong nhất trong hoạt động cho trẻ khám phá khoa học, để tiến  hành một tiết học đạt hiệu quả, sinh động lôi cuốn trẻ đòi hỏi người giáo viên phải có sự chuẩn bị chu đáo và đầy đủ các mặt như: phải xác định mục tiêu cần đạt được, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và đặt biệt là phương tiện tổ chức. Tôi luôn chuẩn bị thật kỹ những phương tiện tổ chức từ tranh mẫu, vật mẫu, đoạn phim hay clip cho trẻ xem tôi đều giải thích và cho trẻ quan sát thật kỹ.

   Tùy vào nội dung bài mà chuẩn bị đồ dùng đồ chơi khác nhau, đồ dùng đồ chơi phải đẹp, đa dạng, nhiều màu sắc, hình dạng kích thước khác nhau thu hút trẻ. Tôi luôn cố gắng chuẩn bị những đồ dùng với nguyên liệu mở, vật thật trẻ sẽ rất hào hứng khi học, bên cạnh đó cho trẻ quan sát thật kỹ đặc điểm riêng, cấu tạo, và đặc những câu hỏi gợi mở cho trẻ trả lời giúp kích thích tư duy, óc phán đoán giúp trẻ khắc sau và ghi nhớ lâu kiến thức hơn.

  Ví dụ như chủ đề động vật nhóm côn trùng: tôi cho trẻ quan sát con ong, bướm, muỗi, con ruồi và châu chấu. Tôi cho những con vật này vào từng lọ trong suốt cho trẻ quan sát từng đặc điểm riêng của từng con, cấu tạo, màu sắc, tiếng kêu, vận động…Cho trẻ nói lên và phân nhóm đâu là con vật có lợi (ong, bướm…), con vật có hại (muỗi, ruồi, châu chấu…), con vật có hại ta phải đề phòng và tránh xa bằng cách như thế nào (ngủ mắc màn, thức ăn phải đậy kín..), con vật có lợi ta phải bảo vệ bằng cách không bắt và giết hại chúng, không vứt xả rác bừa bãi…Bên cạnh đó tôi luôn lồng ghép thích hợp các môn học: Toán, Tạo hình, Văn học, Làm quen chữ cái, Thể dục, Âm nhạc xen kẽ vào các phần chuyển tiếp giúp tiết học không cứng nhắc và sinh động hơn mà trẻ lại ghi nhớ và hiểu bài học tốt hơn.

  Ví dụ trong giờ tìm hiểu: cây xanh và môi trường nước

           – Chuẩn bị:  4 hũ hủy tinh, 4 lá trầu bà, 4 miếng dán nhãn

           2 thìa dấm, 2 thìa muối, 2 thìa dầu   (chuẩn bị trước 1 tuần)

  • Tiến hành: – Cắt 4 lá trầu bà cùng một gốc, bỏ vào 4  hũ tinh tinh chứa nước.

      Một hũ để nguyên và dán nhãn “nước sạch” (màu trắng), hũ thứ hai cho 2 thìa dấm và dán nhãn  “Axit”(màu xanh), hũ thứ ba cho 2 thìa muối dán nhãn “muối”(màu đỏ), hũ thứ tư cho 2 thìa dầu và dán nhãn “dầu” (màu vàng) cho trẻ ghi nhớ, đặt 4 hũ trên cửa sổ lớp và cho trẻ quan sát trong 1 tuần.       

– Kết luận:  Sau 1 tuần cô cùng trẻ mang ra quan sát và cho trẻ ghi nhận kết quả: Lá ở hũ nào còn giữ được màu xanh tươi trong 4 hũ trên (hũ chứa nước sạch), cho trẻ cùng thảo luận tại sao lá trong các hũ có chứa dấm, muối, dầu đều bị héo úa. Từ đó cho trẻ thấy được ý nghĩa của nước sạch đối với cây cối và ý nghĩa của việc chống ô nhiễm nguồn nước. Giáo dục trẻ cần trồng nhiều cây xanh, không nên vức xả rác bừa bãi, nhất là các ao hồ sông suối. Với hoạt động trên tôi nhận thấy trẻ  vô cùng hứng thú khi tự tay thực hiện và cháu thảo luận rất sôi nổi, làm cho giờ học thật sự sinh động và hấp dẫn

Biện pháp 3: Làm giàu vốn kiến thức cho trẻ mọi lúc mọi nơi:

   Đây là một hình thức quen thuộc tổ khi cho trẻ khám phá môi trường xung quanh nhưng lại mang hiệu quả cao, thông qua các hoạt động thường ngày giúp trẻ quan sát, nhận biết về các sự vật hiện tượng quanh trẻ như:

  + Vào giờ ăn cô có thể cho trẻ giải câu đố:

                                      Miệng tròn lòng trắng phau phau

                                Đựng cơm đựng thịt đựng rau hàng ngày.

  Trẻ trả lời đó là cái bát ăn cơm, nhưng qua đó trẻ biết thêm công dụng và chất liệu khác nhau làm nên cái bát: bằng sứ, thủy tinh, nhôm, bột đá.

  + Vào giờ ngủ:  Trước khi ngủ tôi cho trẻ nghe câu chuyện “Lời ru của trăng”  có nội dung nhẹ nhàng từ từ đưa trẻ vào giấc ngủ.

  + Tôi thường sưu tầm nhiều tài liệu, sách báo về các thí nghiệm nhỏ của trẻ mầm non và tổ chức vào các giờ hoạt động chiều cho trẻ được trãi nghiệm, giúp trẻ có thêm kiến thức, kỷ năng, óc quan sát, làm tăng hứng thú học cho trẻ như thử nghiệm “cho trứng vào bình”

      -Chuẩn bị: một bình thủy tinh hoặc nhựa có miệng nhỏ hơn quả trứng, Một quả trứng luộc chín, bóc vỏ,   Một bát nước nóng, một bát nước đá tan

     -Tiến hành: đặt bình thủy tinh vào bát nước nóng khoảng 5 phút, chuyển sang bát nước đá tan. Nhúng ướt quả trứng và đặt phần nhỏ vào miệng bình. Vì không khí trong bình lạnh nên sẽ hút dần quả trứng vào bình. Để lấy trứng ra, dốc ngược bình lên thổi mạnh thẳng từ miệng bình vào bình. Quay bình ra hướng khác quả trứng sẽ bay ra.

    – Giải thích: Qua thí nghiệm này trẻ có kiến thức về sự giản nở của không khí, không khí khi gặp nóng thì nở ra, lạnh co lại. Không khí trong bình nóng lên những phần tử khí trong bình giãn ra làm tăng áp suất, khi không khí lạnh áp suất giảm. Áp suất bên ngoài cao hơn sẽ đẩy trứng vào bình, khi thổi vào bình làm tăng áp suất trong bình lên và đẩy ngược trứng ra ngoài.

  + Qua hoạt động dạo chơi vào buổi sáng. Sau khi tiến hành các bước như đã chuẩn bị, cô có thể hỏi trẻ:  Các con có biết gió mang gì đến cho chúng ta không? Để biết gió mang gì đến chúng ta hãy làm một thí nghiệm nhỏ nào:

      – Chuẩn bị: một miếng giấy rô ki (20x30cm), một sợi dây, một ít dầu nhớt

      – Tiến hành: đục thủng một đầu giấy buột dây vào, cô cùng trẻ dùng cọ bôi dầu lên mặt giấy, sau đó cột giấy lên một cành cây (chú ý quay mặt giấy có bôi dầu ra hướng gió)

     – Kết luận:  để khoảng 1 giờ hoặc lâu hơn, đến giờ giải lao cô cùng trẻ lấy giấy xuống quan sát xem gió đã mang những gì đến “gắn” lên giấy. Trẻ sẽ thấy có vô số hạt nhỏ, côn trùng, phấn hoa, bụi đất, hoặc một số sản phẩm của thiên nhiên dính trên mặt giấy

    – Giải thích: có một số loại cây nhờ gió thổi hạt của mình đi rất xa, có thể đi xa hàng ngàn dặm hoặc nhiều hơn. Có một số loại nhện dùng những sợi tơ của mình treo lơ lửng trên cây, sau đó nhờ gió thổi chúng bay từ nơi này sang nơi khác. Cô có thể đề nghị trẻ suy nghĩ thêm một vài cách sử dụng sức gió thổi khác nữa. Qua đó giáo dục trẻ tình yêu thiên nhiên, con vật, biết bảo vệ môi trường, không vức xả rác bừa bãi mà bỏ đúng nơi quy định. Bên cạnh đó tôi đặc biệt quan tâm giáo dục trẻ về các mối quan hệ trong xã hội, giữa con người với con người, dạy trẻ biết yêu thương đoàn kết giúp đỡ lần nhau, biết tôn trọng và nhường nhịn người khác.

  Như vật qua việc tìm hiểu về gió, ta đã cung cấp thêm cho trẻ nhiều thông tin về các sự vật hiện tượng khác nữa làm giàu thêm vốn kiến thức cho trẻ.

  + Ở các góc tôi đều có sự chuẩn bị chu đáo, tranh ảnh, đồ dùng đồ chơi đẹp phục vụ nội dung của góc: góc xây dựng tôi cho cháu xây theo chủ đề đang học (vườn bách thú, công viên, trường mầm non) mổi chủ đề tôi đều đàm thoại rất kỉ với trẻ về mục đích yêu cầu khi thực hiện nội dung trẻ xây dựng, giúp cũng cố lại các kiến thức trẻ đã học. Ở góc thư viện tôi luôn gắn các tranh ảnh, sách, các hình ảnh cắt ra từ báo chí cũ, có nội dung liên quan giúp trẻ được tri giác tốt hơn. Ngoài ra tôi cho trẻ tập kê các kệ sách và trưng bày các tranh ảnh ở góc  theo từng nội dung riêng giúp dễ quan sát và theo dõi. Các góc âm nhạc, tạo hình, phân vai cũng vậy tôi đều tạo cơ hội cho trẻ được tham gia và trãi nghiệm bằng cách: khuyến khích trẻ sưu tầm và đóng góp đồ dùng đồ chơi như,: báo cũ, sách cũ, các chai hũ sữa trẻ uống, các loại hột hạt có ở gia đình…làm giàu và phong phú thêm các góc mà cô lại không tốn nhiều thời gian làm.

  + Đặc biệt ở góc bé với thiên nhiên, đây là nơi bé giao lưu với thiên nhiên hàng ngày qua các hoạt động tưới cây, lau lá cây, xới đất, tỉa lá…trẻ được tập làm các công việc như người lớn, biết cách chăm sóc nâng niu cây lá. Tôi thường trò chuyện với trẻ về lợi ích của việc trồng cây xanh tốt cho môi trường sống, khuyến khích trẻ về nhà trồng nhiều cây xanh bằng cách có thể nhờ bố hoặc mẹ cắt giúp một cành hoa hồng, hoa dâm bụt, hoặc bẻ một cành thược dược… cắm vào một cái bì đã bỏ đất và hàng ngày các con nhớ tưới cho cây, như thế các con đã trồng được một cây hoa khi nó nở hoa sẽ rất đẹp đấy!

Biện pháp 4: Giao nhiệm vụ và nâng cao kỹ năng quan sát cho trẻ:

  – Tôi rất thích và thường sử dụng biện pháp này, trẻ con nhất là trẻ mầm non với bản thích tò mò, ham hiểu biết và đặc biệt là thích làm như người lớn, trẻ rất hứng thú khi được tham gia vào một công việc gì đó và háo hức chờ đón kết quả.  Với chủ đề: nước và hiện tượng tự nhiên: tôi giao nhiệm vụ cho trẻ là: Tối nay sau khi ăn cơm xong các con hãy đi ra sân và nhìn lên bầu trời quan sát thật kỉ xem trên trời có gì để hôm sau đến lớp kể cho cô và các bạn cùng nghe nhé!.    Hôm sau đến lớp tất cả các trẻ đều háo hức thi nhau kể trên trời có sao, mây, mặt trăng. Cô hỏi trẻ các con có biết tại sao khi nhìn lên trời thấy mặt trăng có nhiều mảng tối không? Vì theo truyền thuyết đó là hình ảnh chú Cuội đang ngồi gốc đa đấy, kết hợp cô kể cho trẻ nghe câu chuyện “Chú Cuội cung trăng” giúp trẻ hiểu sâu hơn các hiện tượng tự nhiên quanh trẻ.

-Tôi gom được một số hũ sữa chua mang về rữa sạch rồi phát cho mổi cháu một hũ và giao nhiệm vụ mổi trẻ mang về nhà bỏ đất vào, chọn một hạt giống bất kì (cà phê, bắp, đậu xanh, đậu đỏ,…) tuần sau cho trẻ mang đến lớp cùng nhau quan sát và nhận xét rồi cùng trưng bày vào góc bé với thiên nhiên. Các trẻ rất thích thú, lúc đầu có những trẻ không thực hiện tôi động viên khuyến khích trẻ cần cố gắng làm như các bạn để cây của mình cũng được trưng bày vào góc như mọi người, thế là lần sau các trẻ đua  nhau thực hiện, trẻ rất vui khi chăm sóc cây do mình trồng nên.

– Tôi còn tổ chức một vài thí nghiệm nhỏ giúp phát triển thính giác cho trẻ qua thí nghiệm có tên “Ban nhạc nước”

– Chuẩn bị: chai, lọ, hoặc ly uống nước có kích thước khác nhau (cô cho trẻ tự mang đến) , Nước, muỗng

– Tiến hành:Trò chuyện và gợi cho trẻ nhớ lại những âm thanh do nước tạo ra như:  tiếng nước chảy từ vòi nước, từ vòi hoa sen, từ bình nước, bỏ cục đá vào li, tiếng mưa rơi (nhẹ, mưa nặng hạt…), tiếng sóng vỗ, thác đỗ… Cô nói ngoài ra nước còn tạo ra những âm thanh rất kì diệu như một ban nhạc nữa đấy các con có muốn thưởng thức không?

  Đặt các chai lọ ra bàn hướng dẫn trẻ đổ nước vào, dùng một cái muỗng cho trẻ đánh vào thành của các chai nước và lắng nghe các âm thanh khác nhau phát ra từ chúng, nghe rất vui tai. Lắng nghe và thay đổi vị trí để sắp xếp các âm thanh từ thấp đến cao theo ý thích.   Có thể cho trẻ thay đổi mực nước để tạo ra các âm thanh khác nhau.

  Qua thí nghiệm tôi thấy trẻ rất say sưa, hứng thú, kích thích khả năng thính giác, tư duy cao. Trẻ luôn đặt ra những câu hỏi (tại sao…) trước những hiện tượng lạ, trẻ thu nhận được nhiều kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân và luôn háo hức tiếp nhận các giờ học, các thí nghiệm mới. Tôi nhận thấy trẻ có phản ứng nhanh nhạy trước mọi biến đổi của các sự vật hiện tượng xung quanh, khả năng quan sát phân tích tốt hơn, trước mọi hiện tượng luôn đặt ra câu hỏi cùng cô và các bạn để tìm lời giải đáp.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng