Một số biện pháp khắc phục lỗi dùng từ đặt câu trong bài làm văn cho học sinh tiểu học
MỞ ĐẦU
1) Lý do chọn đề tài :
Môn Tiếng Việt ở tiểu học là một trong những môn học quan trọng của chương trình tiểu học, là môn học công cụ để học tập các môn học khác và qua đó giáo dục học sinh về mọi mặt.
Tiếng Việt ở trường tiểu học được dạy và học thông qua các phân môn như Tập đọc, Tập viết, Chính tả, Kể chuyện, Luyện từ và câu, Tập làm văn. Mỗi phân môn của Tiếng Việt mang một nhiệm vụ riêng nhưng đều chung một mục tiêu giáo dục. Phân môn Tập làm văn có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc dạy học tiếng Việt xét trên hai phương diện :
– Tập làm văn tập trung các hiểu biết kỹ năng về tiếng Việt do các phân môn khác rèn luyện hoặc cung cấp đồng thời góp phần hoàn thiện chúng. Để làm được một bài văn nói hoặc viết, học sinh phải thành thạo các kỹ năng : nói, đọc, viết và vận dụng các kiến thức tiếng Việt. Trong quá trình vận dụng này, các kỹ năng và kiến thức về tiếng việt đó được hoàn thiện nâng cao dần.
– Phân môn Tập làm văn rèn luyện cho học sinh các kỹ năng sản sinh văn bản (nói và viết). Vì vậy tiếng Việt không chỉ là một hệ thống cấu trúc được xem xét từng phần, từng mặt qua từng phân môn mà trở thành một công cụ sinh động trong quá trình giao tiếp, tư duy, học tập. Nói cách khác, phân môn Tập làm văn đã góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng bậc nhất của việc dạy và học Tiếng Việt là dạy học sinh sử dụng tiếng việt trong đời sống sinh hoạt, trong quá trình lĩnh hội các tri thức khoa học….
Từ những mục đích giáo dục trên, việc dạy học phân môn Tập làm văn trong môn Tiếng Việt là một trong những nhiệm vụ cơ bản của người giáo viên chủ nhiệm.Vì thế không thể xem nhẹ hoặc bỏ qua phân môn này.
Vì giáo dục của bậc tiểu học được xem là nền tảng của hệ thống giáo dục, đặt nền móng cho kiến thức tiếng Việt. Sự phát triển của học sinh có ý nghĩa rất lớn đối với chất lượng và hiệu quả đào tạo của các bậc học tiếp theo. Đối với phân môn tập làm văn ở tiểu học không những sử dụng các kỹ năng đã được học từ các phân môn khác như : nghe, đọc, nói, viết… mà còn hình thành một hệ thống kỹ năng riêng. Hệ thống kỹ năng này phải gắn liền với quá trình sản sinh văn bản. Chính trình độ thành thục của các kỹ năng sản sinh văn bản góp phần quyết định chất lượng bài viết và nói.
Nhưng để đảm bảo chất lượng của bài viết hay nói theo mục tiêu trên ,trọng trách của người giáo viên là hết sức to lớn, không chỉ với nhiệm vụ truyền đạt kiến thức mới cho học sinh mà người giáo viên còn phải nắm chắc trình độ nhận thức của từng em trong lớp, những sai phạm khi làm Tập làm văn để từ đó có biện pháp khắc phục sửa chữa sai lầm đó cho các em. Đặc biệt là học sinh lứa tuổi lớp 5, lớp cuối cấp của bậc tiểu học.
Việc học tập phân môn này không hề đơn giản, muốn viết được một bài văn hay thì cần phải nắm được cách viết đúng, đúng ở đây là đúng về cấu trúc văn bản, đúng cấu trúc ngữ pháp, đúng về ngữ nghĩa và đúng về logic. Một thực tế cho thấy hiện nay đối với học sinh tiểu học, nhất là các em lớp 5, còn mắc rất nhiều lỗi trong việc viết văn như lỗi dùng từ, viết câu, viết đoạn, lỗi liên kết chủ đề, lỗi loãng chủ đề,… Nguyên nhân của việc mắc lỗi này thì có nhiều , nhưng điều quan trọng là cần phải tìm ra những nguyên nhân cơ bản nhất để từ đó tìm cách khắc phục và nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt nói riêng dạy học ở tiểu học nói chung trong giai đoạn hiện nay.
Xuất phát từ những thực tế đó ,tôi đã mạnh dạn chọn đề tài : “Lỗi dùng từ, viết câu (Qua phân môn tập làm văn) của học sinh lớp 5 trường tiểu học …… huyện – Nguyên nhân và biện pháp khắc phục” nhằm nghiên cứu về tình hình thực tế việc mắc lỗi dùng từ, viết câu của học sinh lớp 5 trường tiểu học …… trong phân môn Tập làm văn, Từ đó đề xuất một số biện pháp khắc phục tình trạng này.
Trong quá trình dạy học, môn Tiếng Việt được thể hiện bởi nhiều phân môn khác nhau, mỗi phân môn mang một nhiệm vụ khác nhau. Ví dụ phân môn tập đọc có nhiệm vụ cung cấp những tác phẩm văn học cho học sinh, hướng các em tìm hiểu để cảm thụ tác phẩm, rèn cho học sinh kỹ năng đọc, nghe…môn Luyện từ và câu có nhiệm vụ rèn luyện cho học sinh những kỹ năng xây dựng cấu trúc câu, cách dùng từ đặt câu… ,môn Kể chuyện rèn cho các em kỹ năng thể hiện cách trình bày… Tất cả các phân môn đó đều mang những chức năng riêng biệt.
Tập làm văn là môn học mang tính tổng hợp. Do đó việc dạy môn học này dựa trên kết quả nghiên cứu của nhiều môn khoa học. Trong các cơ sở đó, đối với việc dạy tập làm văn ở tiểu học, quan trọng nhất là các phương pháp dạy tiếng mẹ đẻ, lý thuyết hoạt động lời nói, ngôn ngữ học, lý luận văn học. Do đó khi dạy tập làm văn, người giáo viên phải biết phối hợp một cách chặt chẽ và hài hoà về các kỹ năng cơ bản của môn học. Ngữ pháp văn bản là một trong những kỹ năng quan trọng bậc nhất đối với việc dạy tập làm văn ở tiểu học nói chung và lớp 5 nói riêng. Vì đây là kỹ năng định hướng về các thao tác như phân tích đề bài, lập chương trình biểu đạt (tìm ý, lập dàn ý), và giai đoạn thực hiện hoá chương trình đòi hỏi vận dụng các kỹ năng dùng từ, viết câu, viết đoạn và liên kết đoạn.
Về các kỹ năng này là một trong những kỹ năng rất khó trong dạy tập làm văn bởi nó thuộc về phân môn luyện từ và câu. Chính vì vậy mà đã có rất nhiều sách, nhiều tác giả đã tập trung nghiên cứu kỹ về lĩnh vực này như Giáo sư-Tiến sĩ Lê A đã có quyển sách “Giáo trình tiếng Việt thực hành (A, B)”, trong đó cũng đã tìm ra những lỗi cơ bản trong việc dùng từ (dùng từ thừa, lặp; dùng từ sai âm, sai nghĩa,…), câu đúng, câu sai (sai cấu trúc câu, sai quan hệ logic,…)
Do vậy khi dạy tập làm văn cho học sinh lớp 5 ở trường tiểu học cần phải nắm chắc các kỹ năng cơ bản cũng như các phương pháp dạy học thì hiệu quả của tiết dạy mới đạt được độ chuẩn của chương trình quy định.
2/ Ý nghĩa của đề tài:
Tập làm văn là một phân môn học có vai trò hết sức quan trọng trong dạy học tiếng Việt ở trường tiểu học. Phân môn tập làm văn ở tiểu học không những sử dụng các kỹ năng đã được học từ các phân môn khác như : nghe, đọc, nói, viết, dùng từ, đặt câu… mà còn hình thành một hệ thống kỹ năng riêng, yêu cầu đặt ra hiện nay đối với người giáo viên tiểu học là phải làm thế nào để hình thành hệ thống kỹ năng đó cho học sinh một cách tốt nhất từ đó phát triển các khả năng cảm nhận về tri thức, học tập tích cực hơn ở các môn học khác. Do vậy đề tài : “Lỗi dùng từ, viết câu (Qua phân môn tập làm văn) của học sinh lớp 5 trường tiểu học …… huyện Nguyên nhân và biện pháp khắc phục” mà bản thân tôi đang nghiên cứu cũng nhằm mục đích khảo sát thực tế hiện nay việc mắc lỗi dùng từ, viết câu của học sinh lớp 5 tại trường tiểu học …… nói riêng để tìm ra những nguyên nhân cơ bản trong việc mắc lỗi đó, từ đây kết hợp với nghiên cứu tài liệu đưa ra một số biện pháp có tính khả thi giúp học sinh biết cách khắc phục lỗi dùng từ, viết câu để học tốt môn tập làm văn hơn, xây dựng tốt hơn cho mình hệ thống kỹ năng mà chương trình đã cung cấp.
3/ Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
- a) Đối tượng nghiên cứu :
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là lỗi dùng từ , viết câu (Qua phân môn tập làm văn) của học sinh lớp 5 – Trường tiểu học …… -. Nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
- b) Phạm vi nghiên cứu :
Vì thời gian có hạn nên chúng tôi chỉ tìm hiểu và nghiên cứu trong phạm vi của trường tiểu học …….
4/ Phương pháp nghiên cứu.
- Phương pháp điều tra.
Tiến hành điều tra tìm hiểu và thu thập các lỗi của học sinh qua các tiết học tập đọc tại lớp 5A trường tiểu học ……. Trong quá trình nghiên cứu đó ,chúng tôi có tiến hành sử dụng phương pháp điều tra tìm hiểu tình hình.
- Phương pháp đọc sách và tài liệu.
Nắm bắt được vấn đề qua phương pháp đọc sách và tài liệu để nhận dạng lỗi dùng từ, viết câu của bài làm văn học sinh và cách sửa lỗi để lý giải kết quả của đề tài.
- Phương pháp phân tích và tổng kết kinh nghiệm :
Căn cứ vào những tư liệu đã thu thập được tại trường tiểu học ……, kết hợp với những hướng dẫn đã được tham khảo qua sách, tài liệu tham khảo,chúng tôi tiến hành phân tích và tổng hợp về yếu tố cơ bản và tìm ra những nguyên nhân cơ bản trong việc mắc lỗi, từ đó đề xuất một số biện pháp có tính khả thi trong việc sửa lỗi dùng từ, viết câu cho các em.
Ngoài ra tôi còn sử dụng thêm một số phương pháp khác để phục vụ cho quá trình nghiên cứu đề tài.
NỘI DUNG
1/ Một số vấn đề chung :
1.1/ Các khái niệm cơ bản :
- a) Về từ tiếng Việt :
– Khái niệm :
Từ là những đơn vị nhỏ nhất được dùng để tạo nên các câu, các phát ngôn cụ thể mang nghĩa cụ thể.
– Đặc điểm nổi bật của từ là: từ là những hình thức ngữ âm tương đối ngắn gọn, cố định, sẵn có, bắt buộc với mọi thành viên trong xã hội biểu thị những nội dung tinh thần được xem là đơn vị nhận thức và giao tiếp hoặc là dẫn chỉ dẫn cách dùng lời nói và các quan hệ giữa các sự vật hiện tượng,… được nói đến trong câu. Từ là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất dùng để tạo ra và hiểu ý nghĩa của câu. Đại bộ phận các từ tiếng Việt có chức năng định danh. Một bộ phận nhỏ không có chức năng này nhưng rất cần thiết để tạo ra các câu cụ thể. Từ được cấu tạo bởi hình thức ngữ âm có nghĩa.
– Các hình thức phân loại từ :
Căn cứ vào số lượng các từ tố, có thể phân chia các từ trong tiếng Việt xét về mặt cấu tạo thành hai loại lớn, đó là từ đơn và từ phức.
Từ đơn là những từ chỉ có một từ tố. Từ đơn có thể có một âm tiết (một tiếng) mà cũng có thể có nhiều âm tiết.
Ví dụ : nhà, người, cây,… là những từ đơn có một âm tiết.
Ví dụ : đu đủ, cào cào, chuồn chuồn, xà phòng, mì chính,… là những từ đơn có nhiều âm tiết.
Từ phức là những từ do ít nhất hai từ tố tạo nên, có thể do các từ tố cơ sở hoặc từ tố cơ sở và từ tố thứ sinh tạo nên.
Ví dụ : Từ phức do các từ tố cơ sở tạo nên: xe máy, thợ điện, máy bay, xanh lè, tròn xoe,…
Từ phức do các từ tố cơ sở và từ tố thứ sinh tạo nên: dễ dãi, gọn gàng, lúng túng, bối rối, khập khà khập khểnh.
– Các tiêu chí phân loại:
Xét về tiêu chí phân loại, từ được phân loại gồm các từ sau : từ đơn, từ ghép, từ láy
+ Từ đơn : Từ đơn là những từ chỉ có một từ tố. Từ đơn có thể có một âm tiết (một tiếng) mà cũng có thể có nhiều âm tiết.
+ Từ ghép : là những từ phức do sự kết hợp hai hoặc hơn hai từ tố cơ sở để cho ta một từ phức. Các từ ghép hai từ tố là những từ tiêu biểu cho nên chúng ta trước hết tìm hiểu các từ ghép hai từ tố.tuỳ theo quan hệ giữa hai từ tố, các từ ghép lại chia thành từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập.
Từ ghép chính phụ là những từ ghép có một từ tố chính và một từ tố phụ bổ sung nghĩa cho từ tố chính đó. Từ tố chính có thể đứng ở vị trí thứ nhất và cũng có thể đứng ở vị trí thứ hai.
Ví dụ : máy bay, tàu hoả, vui tính, vui lòng, vui tai, vui mắt,…
Từ ghép đẳng lập là từ ghép có hai từ tố bình đẳng về quan hệ.
Ví dụ : quần áo,nhà cửa, đêm ngày, trường lớp,…
+ Từ láy : Từ láy là từ gồm có một từ tố cơ sở và một từ tố thứ sinh tạo nên, trong đó từ tố thứ sinh được lặp lại một phần hoặc cả từ tố cơ sở.
Về tiêu chí phân loại, từ láy gồm có 2 loại : từ láy hoàn toàn và từ láy bộ phận :
Từ láy hoàn toàn là từ mà do từ tố thứ sinh lặp lại của từ tố cơ sở.
Ví dụ : xanh xanh, vàng vàng,…
Từ láy bộ phận là từ gồm một bộ phận nào đó của từ tố thứ sinh lặp lại từ tố cơ sở. Từ láy bộ phận được chia làm 2 loại : láy âm đầu và láy vần.
Láy âm đầu là từ trong đó có âm đầu của từ tố thứ sinh được lặp lại của từ tố cơ sở.
Ví dụ : gọn gàng, dễ dãi, xấu xí, khập khểnh,…
Láy vần là từ trong đó có vần của từ tố thứ sinh được lặp lại của từ tố cơ sở.
Ví dụ : lúng túng, bối rối,…
- b) Về câu tiếng Việt :
– Khái niệm :
Câu là phạm vi lớn nhất của những quan hệ ngữ pháp (quan hệ đẳng lập, quan hệ chính phụ, quan hệ chủ vị) chính danh, nói cách khác, tất cả các quan hệ ngữ pháp chỉ có được đầy đủ trong phạm vi của câu.
Ví dụ : Ánh nắng toả xuống cánh đồng một màu vàng rực rỡ.
– Đặc điểm nổi bật của câu :
Câu có cái ấn tượng trọn vẹn mà người bản ngữ thể nghiệm. Nhận định này được xuất phát từ cơ sở câu biểu hiện trọn vẹn một mệnh đề (một nhận định), biên giới của câu cũng là biên giới của mọi quan hệ ngữ pháp. Nói cách khác nó có tính độc lập về ngữ pháp và có thể dùng một mình. Tính độc lập là hệ quả của tính trọn vẹn và cũng là nguyên do của ấn tượng trọn vẹn.
Câu có tính độc lập về ngữ pháp. Tính độc lập về ngữ pháp được thể hiện ở khả năng mang nội dung thông báo, khả năng độc lập tạo đoạn tối giản. Nếu ở giai đoạn của chủ nghĩa cấu trúc luận, ngữ học tập trung sự chú ý với cấu trúc hình thức của câu thì hiện nay, ngữ học hiện đại đã rẽ sang một bước ngoặt quan trọng : câu không chỉ được xem xét dưới bình diện cấu trúc hình thức thuần tuý mà câu còn được xem xét, được khảo sát về các phương diện ngữ nghĩa, phương diện sử dụng.
– Các hình thức phân loại câu : có hai hình thức phân loại câu : phân loại câu theo cấu trúc cú pháp và phân loại câu theo hình thức phát ngôn.
+ Phân loại câu theo cấu trúc cú pháp gồm có câu đơn, câu phức, câu ghép.
Câu đơn là câu có một nòng cốt câu và không chứa hơn một kết cấu chủ – vị.
Ví dụ : Học sinh toàn trường đang lao động.
Câu phức là câu có hai hoặc nhiều cụm chủ – vị trở lên bao chứa nhau tạo thành. Trong đó cụm cụm chủ – vị nhỏ nằm trong cụm chủ vị lớn.
Ví dụ : Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.
Câu ghép là câu do 2 hoặc nhiều cụm chủ-vị không bao chưa nhau tạo thành. Mỗi cụm chủ – vị này được gọi là một vế câu
Ví dụ : Sáng nay, thầy tổng phụ trách thông báo kết quả thi đua, lớp em đã đạt giải nhất toàn trường
+ Phân loại câu theo mục đích phát ngôn gồm có 4 kiểu câu : câu trần thuật, câu cầu khiến, câu nghi vấn (câu hỏi) và câu cảm thán.
Câu trần thuật là câu dùng để miêu tả sự tình hoặc để nêu nhận định, phán đoán,…nhằm thông báo về những sự vật, hiện tượng, hoạt động trạng thái, đặc trưng, tính chất trong hiện thực khách quan, hoặc thể hiện những nhận định, đánh giá của người nói về một sự vật, hiện tượng nào đó.
Ví dụ : Chú gà trống nhảy lên đống rơm cất tiếng gáy vang.
Câu nghi vấn là câu có nội dung nêu lên điều chưa biết hay còn hoài nghi mà người nói muốn người nghe trả lời hoặc giải thích cho rõ thêm. Tuy nhiên đôi khi câu nghi vấn dùng để biểu thị câu khiến khẳng định, phủ định, đe doạ, thách thức,…mà không yêu cầu người đối thoại trả lời.
Ví dụ : Lan ơi, bạn đã làm bài tập toán chưa?
Câu cầu khiến câu cầu khiến là câu nhằm mục đích yêu cầu người nghe (cũng có thể là người nói) thực hiện nội dung được nêu trong câu. Nó chứa đựng ý muốn, nguyện vọng hay mệnh lệnh của người nói đối với người nghe.
Ví dụ : Chị ơi! Cho em mượn cái thước kẻ nhé.
Câu cảm thán là câu có chứa các từ cảm thán dùng để bộc lộ cảm xúc và cuối câu thường dùng dấu chấm than (!)
Ví dụ : Chao ôi! bầu trời hôm nay đẹp quá!
+ Phân loại theo cấu trúc thì câu ghép gồm có 2 loại : câu ghép chính phụ và câu ghép đẳng lập.
Câu ghép chính phụ là câu ghép có 2 cụm chủ-vị trở lên trong đó có một cụm chủ –vị làm nòng cốt câu.
Ví dụ : Cơn mưa vừa dứt thì bầu trời trở nên quang đãng hơn.
Câu ghép đẳng lập là câu ghép có 2 cụm chủ-vị trở lên trong đó các cụm chủ vị có chức vụ tương tương nhau và có thể đứng biệt lập.
Ví dụ : Trời mưa to, đường thật lầy lội.
1.2/ Một số lỗi về dùng từ, viết câu thường gặp:
– Dùng từ không đúng về mặt ngữ nghĩa:
Từ tiếng Việt không đơn thuần gọi tên hiện thực và khái niệm mà còn hàm chứa mối quan hệ giữa người viết với hiện thực và với người đọc. Dùng từ không chú ý đến mối quan hệ này cũng dễ mắc lỗi. Lỗi này thường gặp đối với học sinh tiểu học, bởi các em thường viết ẩu, thiếu suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn từ hợp lý, do đó khi trình bày một đoạn văn hay một bài văn một số từ trong đó không đúng về mặt ngữ nghĩa.
Ví dụ: Khi tả về một người thân trong gia đình, một học sinh đã viết :
“Chị Lan là người mà em yêu quý nhất. Chị là người hiền lành, dịu dàng và rất vui tính. Mỗi lúc đi làm về chị thường cười, nói oang oang…)
Như vậy khi miêu tả hay biểu đạt một ý nào đó mà người nói (viết) không biết dùng từ thì không những không diễn đạt đúng nghĩa của câu muốn thể hiện mà còn làm sai lệch về nghĩa của nó.
– Dùng từ không đúng về mặt ngữ pháp:
Đây là hình thức dùng từ không đúng về mặt ngữ pháp, nguyên nhân chính trong việc mắc lỗi này là do học sinh không nắm được những yếu tố cơ bản về ngữ pháp của từ cho nên thường nhầm lẫn và sử dụng sai từ về mặt ngữ pháp.
Ví dụ : khi tả về cây phượng, 1 học sinh đã viết như sau :
Cây phượng trường em rất to. Mỗi khi ra chơi, chúng em thường trò chuyênj dưới gốc cây. Trông lên thấy tân cây cao vòi vọi
Đúng ra muốn tả độ cao học sinh phải dùng từ : vời vợi, chót vót hoặc khá cao, rất cao,… nhưng dùng từ vòi vọi là sai ngữ pháp.
– Dùng từ không đúng phong cách:
Bên cạnh những từ được dùng trong nhiều kiểu văn bản thuộc các phong cách khác nhau, có một số từ chuyên được sử dụng trong một số kiểu văn bản thuộc một phong cách chức năng nhất định. Có một số từ mang đậm sắc thái biểu cảm như những từ tình thái hoặc những từ cùng một lúc có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau không thích hợp với văn bản khoa học. Chính vì thế một số học sinh khi sử dụng các từ ngữ thường thường sử dụng nhầm lẫn từ ngữ giữa thể loại văn bản khoa học với từ ngữ trong sinh hoạt. Nguyên nhân chính của việc mắc lỗi dùng từ không đúng phong cách trong làm tập làm văn của học sinh lớp 5 là do các em có vốn từ còn nghèo nàn, ít tham khảo tài liệu, sách báo dẫn đến chưa biết phân biệt giữa những từ dùng về khoa học với những từ dùng về chính luận hay những từ dùng thể hiện biểu cảm. Trường hợp này thì nhiều em mắc lỗi.
Ví dụ : khi miêu tả cảnh đồng quê, học sinh đã biểu đạt như sau:
Cảnh đồng quê hiên ra trước mắt thật là đẹp. Những tia nắng ấm áp, trong lành làm cho cảnh vật thêm tươi sáng. Nếu như không có ánh nắng ấy chắc cảnh vật nơi đây sẽ chết ngay tức khắc.
- b) Lỗi viết câu:
– Lỗi về cấu tạo:
Trong quá trình sử dụng câu, việc gặp lỗi thường xẩy ra nhất là học sinh tiểu học, bơiû nhiều khi các em chưa nắm vững cấu trúc chung về ngữ pháp của câu. Đặc biệt là sử dụng câu thiếu thành phần chủ ngữ, thiếu thành phần vị ngữ, thiếu cả hai hoặc thừa các thành phần đó. Nguyên nhân của việc viết câu sai thì có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính là do các em chưa chịu khó ôn luyện ở nhà, thiếu sự chăm sóc hỗ trợ từ phía gia đình, đến lớp làm bài còn ẩu, thiếu suy nghĩ, bên cạnh đó một số em đồng bào dân tộc thiểu số thì vốn từ nghèo nàn, hiểu tiếng Việt chưa thành thạo dẫn đến gặp lỗi khi viết tập làm văn.
Ví dụ :
+ Sử dụng câu thiếu chủ ngữ là lỗi khi trình bày câu mà không có thành phần chính thứ nhất. Chẳng hạn:
Như một người bạn thân thiết với em. Đó chính là quyển sách truyện mà em thường mang theo.
+ Sử dụng câu thiếu vị ngữ, đây cũng là một trong những trường hợp sử dụng câu thiếu thành phần chính thứ hai. Chẳng hạn:
Mỗi buổi sáng, chú gà trống nhà em. Chú cất tiếng gáy vang cả một vùng.
+ Sử dụng câu thiếu cả hai thành phần chính : đây là những lỗi ít xảy ra trong trình bày câu hoặc đoạn văn của học sinh tiểu học. Tuy nhiên vẫn có một số em thường mắc phải. Trường hợp này chủ yếu là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng hạn:
Trên cánh đồng. Aùnh nắng toả xuống cả một màu vàng rực rỡ.
Trường hợp này học sinh dễ nhầm lẫn giữa thành phần trạng ngữ với các thành phần chính của câu dẫn đến khi trình bày câu lại thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ.
+ Sử dụng thừa các thành phần chính hoặc thành phần phụ của câu: đây là những trường hợp mắc lỗi khi học sinh không nắm vững cấu trúc ngữ pháp của câu, dẫn đến diễn đạt rườm rà, thừa chủ ngữ, thừa vị ngữ hoặc thừa trạng ngữ. Chẳng hạn:
Bình minh lên, những chú chim chìa vôi cất những tiếng hót véo von.
Như vậy ở câu trên, chủ ngữ của câu là những chú chim đã có số lượng nhưng vì học sinh không nắm được kết cấu chủ-vị nên đã dùng thừa từ những ở phần vị ngữ.
– Lỗi về dấu câu: Đối với việc dùng dấu câu trong các bài viết, nhất là bài văn, việc dùng dấu câu không chính xác là một trong những trường hợp mắc lỗi nhiều nhất của học sinh tiểu học. Đặc biệt là nhầm lẫn giữa dấu chấm (.) với dấu phẩy (,) hoặc sử dụng dấu câu không đúng ngữ pháp, dùng dấu câu tuỳ tiện,… ở đây có rất nhiều nguyên nhân mắc lỗi của học sinh, nhưng nguyên nhân chính là do học sinh viết ẩu, thiếu suy nghĩ, chưa chú ý khi học phân môn luyện từ và câu hoặc một số em đồng bào dân tộc thiểu số chưa nắm vững quy tắc dùng dấu câu.
+ Lỗi không dùng dấu câu : nhiều khi do không nắm vững cấu trúc ngữ pháp của câu hoặc do viết ẩu nên một số học sinh khi trình bày nội dung nào đó mà không sử dụng đến dấu câu.
Ví dụ :
Cây phượng ở trường em trông thật to lớn nó như một người khổng lồ đang giang rộng cánh tay để che ánh nắng chói chang toả xuống sân trường vào những buổi ra chơi chúng em thường đùa vui dưới gốc cây ấy.
+ Dùng dấu câu tuỳ tiện là một trong những lỗi mà học sinh tiểu học mắc phải khá nhiều, bởi nhiều em chưa nắm vững quy tắc dùng dâu câu trong diễn đạt.
Ví dụ :
Dưới lá cờ tổ Quốc. Chúng em đứng nghiêm trang hát vang, bài hát quốc ca. Sau buổi chào cờ, đầu tuần chúng em lại được tập những động tác, thể dục quen thuộc.
– Lỗi về mặt ngữ nghĩa : khi miêu tả một đồ vật cảnh vật hay tả người,… một số học sinh thường lấy tư duy trực quan sinh động để diễn đạt. Điều này dẫn đến việc các em sử dụng câu sai về ngữ nghĩa.
Ví dụ : Chú gà trống nhà em có cái mào đỏ rực như ngọn lửa. Mỗi lúc cất tiếng gáy, giọng của chú nghe thật dữ tợn.
Hoặc : chú mèo mướp nhà em có bộ lông rực rỡ, nó bước đi trông thật dịu dàng, lả lướt.
Như vậy ở 2 câu trên, câu thứ nhất khi miêu tả tiếng gáy của chú gà trống thì phải dùng từ : to hoặc từ vang dội,… nhưng vì không nắm được ngữ nghĩa của từ nên học sinh đã dùng từ “dữ tợn” là không đúng với tiếng gáy của chú gà trống. Còn ở câu thứ 2, khi miêu tả bước đi của con mèo thì cần dùng từ : nhẹ nhàng thì học sinh lại dùng từ lả lướt nên không đúng về nghĩa của câu.
– Lỗi về lôgic trong câu : khi diễn đạt một ý nào đó trong câu, học sinh thường không nắm được logic của câu dẫn đến nhiều em viết câu sai :sai về quan hệ chủ –vị không hợp lý; sai về quan hệ giữa các vế câu ghép không phù hợp,…
Ví dụ :
Giờ ra chơi thật là thú vị, hình ảnh các bạn đùa vui trên sân luôn làm cho em cảm thấy rạo rực và phấn khởi. Em hứa sẽ không quên được những buổi ra chơi.
Đây là một đoạn kết luận của bài văn miêu tả giờ ra chơi, vì không nắm được logic của câu trong đoạn văn nên học sinh đã viết sai: sai về kết cấu kết cấu chủ –vị (Giờ ra chơi thật là thú vị, hình ảnh các bạn đùa vui trên sân luôn làm cho em cảm thấy rạo rực và phấn khởi) và sai về logic cụm từ (Em hứa sẽ không quên được). Đúng ra phải dùng kết cấu như sau :
Giờ ra chơi thật là thú vị. Hình ảnh các bạn đùa vui trên sân luôn đọng lại trong ký ức của em. Những kỷ niệm đó không bao giờ em quên được.
– Lỗi phong cách : khi diễn đạt một ý nào đó, học sinh thường sử dụng các kiểu miêu tả có phong cách khác nhau mà dùng chung trong một ý. Các em thường lấy phong cách của kiểu miêu tả này diễn đạt cho phong cách của kiểu miêu tả kia,…
Ví dụ :
Cái cặp là một người bạn thân nhất của em. Nó luôn được em mang theo bên mình và được chăm sóc cẩn thận. Em yêu cái cặp vô cùng và em hứa sẽ giữ gìn nó ngày một đẹp hơn.
Đây là một trong những trường hợp mà học sinh phạm lỗi khá nhiều. Vì không nắm được phong cách miêu tả nên học sinh lẫn lộn giữa phong cách của kiểu miêu tả này diễn đạt cho phong cách của kiểu miêu tả kia. Như ở ví dụ trên, khi tả cái cặp thì không thể giống như tả cây cối, do đó học sinh dùng từ “Chăm sóc cẩn thận”, “giữ gìn nó ngày một đẹp hơn” đối với tả cái cặp là không hợp lý, mà những từ này chỉ phù hợp với miêu tả cây cối.
2/ Khảo sát thực trạng lỗi dùng từ, viết câu của học sinh lớp 5
2.1 Vài nét về trường tiểu học ……
Trường tiểu học …… là một trường đã được thành lập khá lâu. Trường được đóng trên địa bàn trung tâm xã ……, với hơn 1000 học sinh, trong đó chiếm hơn 80% là con em đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Thái, Ê đê. Về cơ sở vật chất tuy chưa thật đầy đủ nhưng trường đã xây dựng được một hệ thống phòng học cơ bản gồm 30 phòng học (trong đó có 08 phòng kiên cố và 22 phòng bán kiến cố) tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến lớp.
Tuy vậy với điều kiện thực tế qua khảo sát cho thấy các em chủ yếu là con em gia đình làm nông nghiệp nên rất vất vả, thường xuyên phải đi rẫy để giúp đỡ gia đình, việc quan tâm chăm sóc con cái học tập của cha mẹ học sinh còn chưa sâu sát, chủ yếu là giao phó cho thầy, cô.
Bên cạnh đó, việc học Tiếng Việt là một khó khăn đối với các em. Chính vì vậy học sinh mắc lỗi dùng từ, viết câu trong bài tập làm văn còn chiếm tỷ lệ khá cao. Đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số tham gia học tập như Êđê, Thái Tày, Nùng,..Với đặc thù ấy nên học sinh ở đây còn mắc lỗi nhiều trong bài viết Tập làm văn. Trong đó lỗi chính tả và lỗi dùng từ, viết câu là hay gặp nhất.
* Khảo sát thực tế tại trường tiểu học …… để tìm hiểu lỗi của học sinh khi thực hiện bài văn :
Sau khi nghiên cứu tài liệu, nắm bắt các yêu cầu của nội dung đề tài, tôi đã tiến hành khảo sát thực tế tại trường tiểu học …… để nắm bắt chất lượng học tập của các em cũng như việc mắc lỗi dùng từ, viết câu trong bài tập làm văn. Từ lý thuyết của vấn đề nghiên cứu tôi đã tiến hành khảo sát các em học sinh lớp 5A ( Tổng số 32 em, do cô giáo Nông Thị Hoài chủ nhiệm) của trường tiểu học …… bằng hình thức kiểm tra vở tập làm văn của các em trong 3 tuần học :
+ Tuần 22: Chủ điểm “Vì cuộc sống thanh bình”, bài kiểm tra viết kể chuyện. Đề bài : “Em hãy kể lại một câu chuyện mà em thích nhất trong những truyện mà em đã được học”.
+ Tuần 25: Chủ điểm “Nhớ nguồn”, bài kiểm tra viết tả đồ vật. Đề bài : “Em hãy tả lại một đồ vật hoặc món quà có ý nghĩa sâu sắc với em”.
+ Tuần 27: Chủ điểm “Nhớ nguồn”, bài kiểm tra viết tả cây cối. Đề bài : “Em hãy tả lại cây phượng ở trường em”
- Tổng số bài là: 96 bài.
- Số bài phạm lỗi: 36 bài chiếm tỷ lệ 37,5%.
- Số bài không phạm lỗi: 60 bài chiếm tỷ lệ 62,5%.
- Thống kê theo từng bài cụ thể như sau:
Tên bài | Tổng số bài | Số bài phạm lỗi | Số bài học sinh mắc lỗi cụ thể | |||||
Dùng từ | Tỉ lệ% | Viết câu | Tỉ lệ% | Dấu câu | Tỉ lệ% | |||
Kể chuyện | 32 | 14 | 5 | 15,6 | 4 | 12,5 | 5 | 15,6 |
Tả đồ vật | 32 | 14 | 6 | 18,8 | 5 | 15,6 | 4 | 12,5 |
Tả cây cối | 32 | 17 | 7 | 21,9 | 6 | 18,8 | 4 | 12,5 |
2.2/ Nhận xét về kết quả khảo sát:
Dựa vào kết quả khảo sát và thống kê các bài tập làm văn của học sinh, tôi có một số nhận xét sau:
Khi viết văn, các em học sinh lớp 5A mắc lỗi không giống nhau, vì nhiều lý do mà các em thường mắc các lỗi về dùng từ, viết câu hay đặt dấu câu. Sau đây là những lỗi mà các em đã viết sai cụ thể ở từng bài :
* Lỗi dùng từ sai:
– Ở bài tập làm văn kể chuyện, có tổng số bài khảo sát là 32 bài, số bài phạm lỗi là 14 bài, trong đó lỗi dùng từ có 5/32 bài, chiếm tỷ lệ 15,6%. Cụ thể về các lỗi như sau:
+ Lỗi dùng từ sai nghĩa có 3 bài
Ví dụ : Ở bài văn kể chuyện (đề bài : Em hãy kể lại một kỷ niệm khó quên về tình bạn) của em H’ Loat Niê có một đoạn như sau :
Y Khoan là một người bạn thân của em, nhà bạn tuy không ở gần nhà em nhưng chúng em chơi với nhau rất quen thuộc…
Như vậy trong đoạn trên của bài văn em H’ Loat Niê đã dùng từ “Quen thuộc” là sai nghĩa mà phải dùng từ thân thiết hay thân mật mới đúng nghĩa của câu.
+ Lỗi dùng từ sai ngữ pháp có 1 bài
Đó là bài văn của em Nông thị Yến (đồng bào dân tộc Tày). Trong bài viết có một câu em đã dùng sai như sau :
Bây giờ Thuỷ đã đi xa, nhưng kỷ niệm về một tình cảm đôi bạn của em với bạn ấy là không thể nào quên được
Như vậy ở đây em Yến đã dùng từ “Tình cảm đôi bạn” là sai ngữ pháp mà phải dùng từ “Tình bạn” thì mới đúng.
+ Lỗi dùng từ không đúng phong cách có 1 bài
Đây là bài văn của em Hồ Thị Diệu Châu. Trong bài viết có đoạn em đã kể như sau :
Cứ chiều chiều, Loan và em lại cùng nhau đi cắt cỏ dưới đám ruộng gần nhà về cho trâu. Những lúc ấy, Loan rất vui và cười nói bi bô…
Như vậy ở câu văn này em Châu đã dùng từ “Bi bô” không đúng phong cách khi kể lại tiếng nói của bạn mình.
– Ở bài tập làm văn tả đồ vật, có tổng số bài khảo sát là 32 bài, số bài phạm lỗi là 14 bài, trong đó lỗi dùng từ có 6/32 bài, chiếm tỷ lệ 18,8%. Cụ thể về các lỗi như sau:
+ Lỗi dùng từ sai nghĩa có 2 bài
Chẳng hạn trong bài viết miêu tả về một đồ vật trong nhà mà em yêu thích, bài làm của em Y Tam Niê Kdăm có đoạn như sau:
… ấm trà có những nét vân rất đẹp, cái tay cầm cong queo, uốn lượn từ trê cổ ấm xuống dưới đáy…
Như vậy sử dụng từ “Cong queo” khi tả cái quai ấm trà của em Y Tam là sai nghĩa.
+ Lỗi dùng từ sai ngữ pháp có 3 bài
Trong 3 bài phạm lỗi này, có bài viết của em Y Tam đã dùng từ sai ngữ pháp khá nhiều, trong bài làm có đoạn như sau:
Bộ ấm trà trông thật hấp dẫn, những đường viền vẽ hoa lá đã làm cho chiếc ấm nổi bật hẳn lên…
Ơ đây do không nắm được cấu trúc ngữ pháp của từ nên em Y Tam đã dùng từ “Bộ ấm trà” ở đầu câu và dùng từ “chiếc ấm” ở giữa câu là sai.
+ Lỗi dùng từ không đúng phong cách có 1 bài
– Ở bài tập làm văn tả cây cối, có tổng số bài tham gia là 32 bài, số bài phạm lỗi là 17 bài, trong đó lỗi dùng từ có 7/32 bài, chiếm tỷ lệ 21,9%. Cụ thể về các lỗi như sau:
+ Lỗi dùng từ sai nghĩa có 4 bài
Trong bài làm viết tả về cây phượng ở sân trường, có 4 học sinh đã phạm lỗi dùng từ sai nghĩa. Trong đó có em Triệu Thị Yên (đồng bào dân tộc Tày) phạm lỗi khá nhiều. Trong bài làm của em có đoạn như sau :
Khi tới gần mới thấy cây phượng thật to. Những chiếc rễ nổi lên mặt đất cứ nhấp nhô
Như vậy việc không nắm được nghĩa của từ dẫn đến khi muốn miêu tả em Yên đã dùng từ “nhấp nhô” để tả rễ cây phượng là sai nghĩa
+ Lỗi dùng từ sai ngữ pháp có 3 bài
+ Lỗi dùng từ không đúng phong cách thì không có bài nào vi phạm lỗi
Có nhiều nguyên nhân trong việc mắc lỗi dùng từ của các em, nhưng nguyên nhân chính là do các em chưa nắm vững về nghĩa của một số từ và thường làm ẩu, thiếu suy nghĩ dẫn đến dùng từ sai nghĩa. Một số em dùng từ sai ngữ pháp hoặc không đúng phong cách là do chưa thành thạo về cấu trúc ngữ pháp của từ, ở nhà chưa chú ý ôn luyện kỹ càng dẫn đến dùng từ sai ngữ pháp. Bên cạnh đó còn có một nguyên nhân nữa là do giáo viên chưa chú trọng nhiều đến việc giải nghĩa từ và hướng dẫn học sinh cách luyện tập ở nhà về cách dùng từ đúng phong cách.
* Lỗi dùng câu sai :
So với kết quả khảo sát và thống kê cho ta thấy những lỗi trong viết câu của học sinh có giảm hơn lỗi dùng từ, nhưng số lượng không đáng kể. Cụ thể là :
– Ở bài tập làm văn kể chuyện, có tổng số bài tham gia là 32 bài, số bài phạm lỗi là 14 bài, trong đó lỗi viết câu sai có 4/32 bài, chiếm tỷ lệ 12,5%. Cụ thể về các lỗi như sau:
+ Lỗi viết câu sai về cấu tạo (thiếu chủ ngữ hoặc vị ngữ) có 2 bài
+ Lỗi viết câu sai về cấu tạo (thiếu hoặc thừa chủ ngữ và vị ngữ ) có 1 bài
+ Lỗi viết câu sai về nghĩa, không logic giữa các câu có 1 bài
Đối với việc phạm lỗi về câu thì số lượng học sinh phạm lỗi không nhiều, nhưng số lỗi trong một bài thì khá nhiều lỗi. Chẳng hạn bài làm của em H’ Mai Êban đã phạm một số lỗi về câu như sau :
Bạn Y Soat là người bạn thân nhất của em. Chúng em đã có nhiều kỷ niệm với nhau từ hồi học lớp 1, nhưng em nhớ nhất là lần bạn ấy cõng em đi học một tuần qua con suối mấy hôm trời mưa tầm tã. Trông thật tội nghiệp.
Vì không nắm được những yếu tố cơ bản về kết cấu của câu do đó em H’ Mai đã viết bài phạm lỗi còn nhiều. Chỉ một đoạn văn ngắn ở trên mà em đã phạm 3 lỗi : lỗi thiếu chủ ngữ (Trông thật tội nghiệp), lỗi thừa bổ ngữ trong vị ngữ của câu (Một tuần, mấy hôm) và lỗi không logic giữa các câu (câu dài không hợp lý kết cấu của câu)
– Ở bài tập làm văn tả đồ vật, có tổng số bài tham gia là 32 bài, số bài phạm lỗi là 14 bài, trong đó lỗi viết câu sai có 5/32 bài, chiếm tỷ lệ 15,6%. Cụ thể về các lỗi như sau:
+ Lỗi viết câu sai về cấu tạo (thiếu chủ ngữ hoặc vị ngữ) có 2 bài
+ Lỗi viết câu sai về cấu tạo (thiếu hoặc thừa chủ ngữ và vị ngữ ) có 1 bài
+ Lỗi viết câu sai về nghĩa, không logic giữa các câu có 2 bài
Chẳng hạn trong bài viết miêu tả về một đồ vật trong nhà mà em yêu thích, bài làm của em Y Tam Niê Kdăm có đoạn như sau:
Cứ sau bữa ăn hằng ngày của bố, em lại dùng chiếc ấm trà đó để pha trà cho bố em uống. Nhìn ly trà nóng vừa rót ra bốc khói, toả hương thơm là ai cũng thấy thích uống.
Trong trường hợp này, em Y Tam đã sai về cấu tạo câu và sai về logic (Cứ sau bữa ăn hằng ngày của bố). Ở câu đầu vì dùng thừa từ “bố” nên thành phần trạng ngữ trở thành một câu, có thể sửa lại là “sau mỗi bữa ăn, em thường dùng chiếc ấm trà đó để pha trà cho bố uống. Nhìn ly trà nóng vừa rót ra, bốc khói và toả hương thơm là ai cũng thấy thích uống”
– Ở bài tập làm văn tả cây cối, có tổng số bài tham gia là 32 bài, số bài phạm lỗi là 17 bài, trong đó lỗi dùng từ có 7/32 bài, chiếm tỷ lệ 21,9%. Cụ thể về các lỗi như sau:
+ Lỗi viết câu sai về cấu tạo (thiếu chủ ngữ hoặc vị ngữ) có 2 bài
+ Lỗi viết câu sai về cấu tạo (thiếu hoặc thừa chủ ngữ và vị ngữ ) có 1 bài
+ Lỗi viết câu sai về nghĩa, không logic giữa các câu có 3 bài
Tương tự như việc mắc lỗi dùng từ, có nhiều nguyên nhân trong việc mắc lỗi viết câu của các em, nhưng nguyên nhân chính là do các em chưa nắm vững về cấu trúc ngữ pháp của câu hoặc chưa hiểu kỹ về logic liên kết câu, diễn đạt hàm ý muốn miêu tả. Ơû nhà các em còn lơ là việc luyện tập luyện từ và câu. Bên cạnh đó còn có một nguyên nhân nữa là do một số em thuộc đồng bào dân tộc thiểu số nên không nắm được kết cấu ngữ pháp của phân môn luyện từ và câu dẫn đến khi học tập làm văn thì mắc lỗi dùng câu.
* Lỗi dùng dâu câu sai :
Đối với việc dùng dấu câu sai trong các bài tập làm văn tuy số lượng không cao so với các loại lỗi khác, nhưng đây cũng là một vấn đề cần phải xem xét lại bởi một số em vẫn thường vi phạm. Cụ thể trong bài kể chuyện có 5/32 bài vi phạm lỗi về dấu câu, chiếm tỷ lệ 15,6%. Bài tả đồ vật có 4/32 bài vi phạm lỗi về dấu câu, chiếm 12,5% và bài tả cây cối cũng có 4/32 bài vi phạm lỗi về dấu câu. Cụ thể :
– Ở bài tập làm văn kể chuyện:
+ Lỗi không dùng dấu câu có 1 bài
+ Lỗi dùng dấu câu tuỳ tiện có 4 bài
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy việc sử dụng câu sai (không có dấu câu hay dùng dấu câu tuỳ tiện) là phạm lỗi khá nhiều. Điều này gặp chủ yếu là ở học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Chẳng hạn bài làm của em Y Suôn niê Hra có đoạn như sau :
Y Huấn với em , là đôi bạn thân từ khi chưa đi học, chung em cùng ở trong một buôn, chiều nào đi đào Dế Huấn cũng gọi em hay đi câu cá cũng vậy. Nhưng kỷ niệm làm em nhớ mãi đó là buổi đi bắt tổ chim trong rừng mà cả hai đứa chúng em đều bị lạc đường….
– Ở bài tập làm văn tả đồ vật:
+ Lỗi không dùng dấu câu không có bài nào
+ Lỗi dùng dấu câu tuỳ tiện có 4 bài
– Ở bài tập làm văn tả cây cối:
+ Lỗi không dùng dấu câu có 1 bài
+ Lỗi dùng dấu câu tuỳ tiện có 3 bài
Hoặc trong bài viết miêu tả cây phượng, bài làm của em H’ Dung Niê đã dùng dấu câu tuỳ tiện, không đúng với cấu trúc của câu, chẳng hạn có đoạn em đã viết như sau :
Ơ trường em học có rất nhiều, cây che bóng mát. Trong đó em thích nhất là cây phượng ngay trước của lớp em, nó to bằng 3 người ôm. Thân cây có màu xám lá cây nhỏ li ti mà cành thì rất nhiều và toả ra xung quanh chiếm cả một khoảng sân trường….
Hay trường hợp bài làm của em Ma Đức Hùng cũng vi phạm lỗi dùng dấu câu tuỳ tiện. Trong bài viết có đoạn như sau:
…Cây phượng trường em, là một cây che bóng mát. Thân cây to bằng cả mấy người lớn tuổi, cành lá sum suê còn rễ cây thì nổi lên mặt đất đứng từ xa. Trông cây phượng như một cái ô che nắng mà lại gần, thì trông cây che bóng mát lớn như một ngôi nhà….
Như vậy việc học sinh mắc lỗi về dấu câu so với lỗi dùng từ hay viết câu có ít hơn nhưng không đáng kể. Số em mắc lỗi dùng dấu câu tuỳ tiện chiếm tỉ lệ cao hơn số em không dùng dấu câu như trong trong bài tập làm văn tả đồ vật không có em nào vi phạm lỗi không dùng dấu câu mà chỉ có 4 em dùng dấu câu tuỳ tiện. Số lượng học sinh phạm lỗi này chủ yếu là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và một số em khác viết ẩu.
Tương tự như việc mắc lỗi dùng từ, có nhiều nguyên nhân trong việc mắc lỗi đặt dấu câu của các em, nhưng nguyên nhân chính là do các em chưa nắm vững về cấu trúc ngữ pháp của câu hoặc còn lơ là trong việc rèn luyện các kỹ năng viết văn dẫn đến khi học tập làm văn thì mắc lỗi dùng dấu câu.
* Nguyên nhân mắc lỗi của học sinh:
– Về phía học sinh :
+ Đa số học sinh tại trường tiểu học …… thuộc diện con em đồng bào dân tộc thiểu số, việc tiếp cận với tiếng Việt còn là vấn đề khó khăn nên khi học phân môn này các em nắm bắt kiến thức còn chậm. Mặt khác, phân môn Tập làm văn làm một phân môn đòi hỏi trí nhớ, trí tưởng tưởng tượng cao, kết hợp với khả năng sáng tạo trong cách dùng từ, viết câu cũng như trong diễn đạt đòi hỏi phải nắm chắc kiến thức cơ bản của tiếng Việt thì mới tránh được những lỗi cơ bản trong làm văn.
+ Học sinh lớp 5 là lứa tuổi trực quan sinh động, các em còn nhìn thật, nói thật dẫn đến khi tả cũng thật không biết sử dụng nhiều đến hư cấu nên cách dùng câu còn gặp nhiều khó khăn.
+ Hoàn cảnh gia đình các em còn khó khăn nhiều về kinh tế nên việc đầu tư chăm sóc cho con em của bố mẹ học sinh còn rất hạn chế, thậm chí bố mẹ có trình độ văn hoá thấp nên cũng không biết cách hỗ trợ con, dẫn đến việc học tập của các em thuộc diện “tự túc” về mặt kiến thức.
+ Một số học sinh thường mải chơi, chưa thật sự chú ý đến bài giảng của giáo viên, khi làm bài thường làm ẩu, thiếu suy nghĩ dẫn đến sai sót trong bài làm của mình.
– Về phía giáo viên :
+ Đối với môn tập làm văn là một phân môn rất khó chuyển tải, việc giáo viên lên lớp thường tập trung vào việc học các phân môn Tiếng Việt khác như Tập đọc, Luyện từ và câu), còn Tập làm văn chưa được đầu tư cao.
+ Đối với phân môn Tập làm văn, khi dạy một bài mới thường có 3 tiết : tiết tiết tìm ý, lập dàn ý; tiết làm miệng; tiết làm bài viết. Giáo viên khi dạy bài làm miệng thường không bao quát hết lớp để tìm ra những điểm yếu khi học sinh mắc lỗi và có biện pháp khắc phục.
+ Một số giáo viên khi tiến hành dạy về tiết tìm ý, lập dàn ý thường tập trung vào nội dung chính (giảng giải nhiều việc miêu tả hay kể chuyện) mà xem nhẹ việc trình dày của học sinh nên một số em mắc lỗi khi dùng từ miêu tả hay đặt câu sai chưa được giáo viên hướng dẫn cụ thể.
- Một số biện pháp khắc phục:
Qua kết quả khảo sát thống kê lỗi dùng từ, viết câu của học sinh lớp 5 ở trường tiểu học ……, bản thân tôi đã nắm bắt được một số lỗi sai trong khi làm bài của học sinh. Trên cơ sở đó, dựa vào nhiệm vụ, yêu cầu nội dung và phương pháp dạy học phân môn tập làm văn cho học sinh tiểu học, để góp phần làm giảm lỗi trong làm bài cho học sinh, tôi đề xuất thêm một số biện pháp có tính khả thi mà người giáo viên có thể giải quyết được:
Xây dựng cho học sinh một động cơ học tập tốt. Nghiên cứu kỹ nội dung bài học trước khi lên lớp, tìm hiểu từng đối tượng học sinh để có các biện pháp tổ chức phù hợp với đặc điểm từng em (đối với học sinh đồng bào dân tộc cần đi sâu hơn về hướng dẫn cấu trúc ngữ pháp của từ, câu, dấu câu)
Hướng dẫn cho các em cụ thể hơn trong những tiết học khi tìm ý, khi làm miệng. Bởi vì tiết làm miệng rất quan trọng, nếu giáo viên cho học sinh làm nhiều, đọc ra trước lớp về bài làm của mình nhiều thì giáo viên có thể nhận biết được số lượng em mắc lỗi và những lỗi nào để có biện pháp khắc phục.
Phải biết kết hợp mối quan hệ giữa tiết lập dàn ý với tiết làm miệng, tạo cho học sinh có ý thức trong việc tập làm miệng bằng cách xây dựng đúng đoạn văn, từ đó liên kết các đoạn sao cho hợp lý và chặt chẽ để có bài văn đúng và hay. Hướng dẫn các em học kỹ dàn bài trước khi làm bài.
Đối với tiết làm viết trước khi học sinh làm bài, giáo viên nên hướng dẫn lại dàn bài chi tiết nhiều lần để các em khỏi quên, cần cho học sinh rèn luyện ở nhà nhiều hơn.
Giáo viên cần đầu tư chú trọng nhiều hơn nữa đến phân môn Tập làm văn. Vì đây là một nội dung rất khó. Dạy cho các em những nội dung chính của mục tiêu thì dễ, nhưng hướng cho các em làm bài theo trí tưởng tượng thì khó, nhiều đoạn văn phải hướng tới hư cấu của nội dung, dùng các biện pháp so sánh trong miêu tả hợp lý sẽ giúp các em có bài văn hay súc tích hơn.
Giáo viên cần vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Ngoài việc ở lớp giáo viên cần phải hướng dẫn học sinh luyện viết ở nhà. Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh để có biện pháp giúp đỡ các em rèn luyện ở nhà.
KẾT LUẬN:
1/ Kết luận của đề tài:
Qua kết quả khảo sát thống kê, tôi nhận thấy vấn đề tập làm văn trong trường tiểu học là một điều cấp bách đòi hỏi phải thực hiện nghiêm khắc và triệt để đối với việc dạy của giáo viên, cũng như việc học của học sinh. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả trong dạy học phân môn tập làm văn ở tiểu học. Thực tế điều tra lỗi liên kết chủ đề trong phân môn tập làm văn ở trường tiểu học …… – Krông Năng, tôi đã nắm bắt được các loại lỗi của học sinh trong đó loại lỗi dùng từ, viết câu là sai nhiều, nguyên nhân dẫn đến những sai sót đó của học sinh và đưa ra một vài ý kiến cá nhân về cách khắc phục. Khi bước chân vào ngưỡng cửa bậc tiểu học các em đã có một ít vốn liếng của Tiếng Việt, các em bắt đầu học chữ, học viết và tập phát âm đúng, chuẩn Tiếng Việt. Song học sinh rất hay quên vì những biểu trưng thị giác, âm thanh chưa phong phú và vững chắc. Biểu trưng về chữ viết chưa được xác lập rõ ràng và bền vững. Vì vậy học tập làm văn rất dễ lẫn lộn hoặc sai về nội dung. Chính vì vậy đến cuối cấp học sinh vẫn còn sai lỗi chủ đề nhiều, vì lẽ đó khi dạy tập làm văn cho học sinh giáo viên cần lưu ý:
– Coi trọng tiết Tập làm miệng trong Tập làm văn, vì làm ở lớp nhiều giáo viên mới có cơ hội kiểm tra sai sót của các em. Đối với tiết Tập làm văn, giáo viên cần phân tích rõ ràng, hướng dẫn kỹ dàn bài chi tiết, cùng với việc làm miệng ở lớp thì hiệu quả tiết học mới cao, cách khắc phục lỗi mới đạt yêu cầu.
Nói tóm lại, trong dạy học phân môn tập làm văn, người giáo viên nên vận dụng những biện pháp và phương pháp thích hợp, phù hợp với học sinh mình để nâng cao hiệu quả tiết Tập làm văn cho học sinh. Mặt khác giáo viên cần được trang bị đầy đủ về các kiến thức về ngôn ngữ học, cố gắng tìm tòi nghiên cứu các tài liệu có liên quan đến phương pháp dạy phân môn tập làm văn, để từng bước nâng cao tay nghề của mình.
Đề tài : “Lỗi dùng từ, viết câu (Qua phân môn tập làm văn) của học sinh lớp 5 trường tiểu học …… huyện Krông Năng – tỉnh Đăk Lăk – Nguyên nhân và biện pháp khắc phục” là một nội dung nghiên cứu rộng lớn và có nhiều yếu tố phức tập. Do đó việc nghiên cứu này đã giúp tôi tích luỹ thêm hiểu biết về một số lỗi ở cấp tiểu học mà các em thường mắc phải. Vấn đề dạy tập làm văn cho học sinh là hết sức khó khăn nhưng cũng không kém phần quan trọng. Chính vì vậy đòi hỏi người giáo viên phải thật kiên trì nhẫn nại chứ không nóng vội, rèn cho học sinh là một quá trình lâu dài, bởi việc dạy học không phải là một ngày, hai ngày mà tốt được. Môn tập làm văn phải có thời gian rèn luyện và đầu tư một cách nghiêm túc thì mới đem lại hiệu quả cao. Còn về phần giáo viên phải thường xuyên uốn nắn, sửa chữa những lệch lạc, hướng dẫn cho các em có thể năm kiến thức một cách vững chắc làm điểm tựa cho các lớp học cao hơn./.
2/ Ý kiến đề xuất:
Qua kết quả khảo sát, tôi đề xuất, kiến nghị như sau :
2.1. Đối với phòng giáo dục :
Có kế hoạch hoạt động tập huấn chuyên đề về phương pháp dạy học đối với giáo viên như chuyên đề về phương pháp dạy tập làm văn theo phương pháp đổi mới, chuyên đề bồi dưỡng giáo viên,…cho từng năm học để các trường có kế hoạch tổ chức cho giáo viên tham gia theo đúng định hướng của ngành trên cơ sở thực tế của địa phương và của nhà trường
2.2. Đối với Ban giám hiệu nhà trường :
Cần quan tâm sát sao đến chất lượng dạy học của từng lớp, thường xuyên kiểm tra, tìm hiểu đặc điểm thực tế của học sinh để có kế hoạch bố trí dạy – học phù hợp để nâng cao chất lượng đại trà. Cần mua sắm thêm nhiều tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo, giúp cho giáo viên có thêm tư liệu nghiên cứu, bổ sung kiến thức cho bản thân nhằm đáp ứng được yêu cầu của giáo dục trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
2.3. Đối với bộ phận Chuyên môn :
Tăng cường công tác dự giờ, thăm lớp, kiểm tra hồ sơ của giáo viên để kịp thời phát hiện những thiếu sót trong dạy học của giáo viên và học sinh, từ đó xây dựng những biện pháp tổ chức dạy học sát với thực tế, đảm bảo chất lượng giảng dạy theo chương trình đổi mới của ngành.
2.3. Đối với giáo viên :
– Cần vận dụng những biện pháp và phương pháp thích hợp, phù hợp với học sinh mình để nâng cao hiệu quả tập làm văn cho học sinh. Mặt khác giáo viên cần được trang bị đầy đủ về các kiến thức về ngôn ngữ học, cố gắng tìm tòi nghiên cứu các tài liệu có liên quan đến tiếng Việt, để từng bước nâng cao tay nghề của mình.
Để dạy tốt yêu cầu của môn tập làm văn, trước hết giáo viên cần chú trọng vào việc hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách dùng từ, viết câu của học sinh để các em nắm vững kiến thức về luyện từ và câu lúc đó viết văn đạt hiệu quả.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- GS-TS Lê A – Năm 2005- Giáo trình Tiếng Việt thực hành B- Nhà xuất bản Giáo dục.
- PGS-TS Lê Phương Nga – PGS-TS Nguyễn Trí – Năm 2006 – Phương pháp dạy học Tiếng Việt 2 – Nhà xuất bản Đại học sư phạm.
- Nguyễn Thị Ly Kha – Năm 2006 – Giáo trình tiếng Việt II – Nhà xuất bản giáo dục.
- Tài liệu Bồi dưỡng thường xuyên cho GVTH – chu kỳ (2003 – 2007) – Năm 2005- Nhà xuất bản giáo dục.
- Sách giáo viên, sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 5– Nhà xuất bản giáo dục