Một số biện pháp nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học

Một số biện pháp nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học

PHẦN MỞ ĐẦU

1) Lý do chọn đề tài :

Nói đến ngôn ngữ là nói đến công cụ dùng để giao tiếp trong cuộc sống. Có ngôn ngữ thì mới có quan hệ xã hội và quan hệ xã hội chính là nơi để phát triển ngôn ngữ.  Hằng ngày, người Việt Nam ta nói với nhau bằng tiếng Việt và cũng hằng ngày, báo chí, đài phát thanh, truyền hình và các thông tin đại chúng của chúng ta phát ra khắp thế giới chữ viết, tiếng nói giàu đẹp của chúng ta. Tiếng nói ấy lâu đời như dòng giống của chúng ta, nó đã trở nên thứ “Của cải vô cùng quý báu” (Hồ chủ tịch) của dân tộc.

Thật là sung sướng và tự hào khi ta có thể dùng tiếng Việt để diễn đạt bất kỳ tư tưởng cao sâu nào, để trình bày bất cứ kiến thức khoa học phức tạp và hiện đại nào. Chỉ một điều đó cũng chứng tỏ rằng tiếng Việt ta giàu có. Chúng ta có rất nhiều từ để chỉ về vật, về hiện tượng vật chất, tâm lý và tinh thần khác nhau,… Chúng ta có thể phân biệt một cách tế nhị rộng với rộng rãi, thênh thang, mênh mông,…Chúng ta nói to nhưng còn nói lớn, nhỉnh, to tát, lớn lao,… đó chính là cái giàu, cái tinh tế của ngôn ngữ chúng ta.

Làm sao mà tiếng Việt của chúng ta giàu được? “…Tiếng ta giàu bởi vì đời sống muôn màu, bởi đời sống và tư tưởng tình cảm dồi dào của dân tộc ta, bởi kinh nghiệm đấu tranh xã hội, đấu tranh với thiên nhiên và đấu tranh chống ngoại xâm; bởi kinh nghiệm bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước” (Phạm Văn Đồng). Tiếng nói của chúng ta không những giàu mà còn đẹp nữa. Nhà thơ vĩ đại người Pháp, Vích To Huy Gô nói rằng “Trong những câu thơ lớn, các từ vừa lướt qua vừa nhảy múa”. Trong tiếng ta, có rất nhiều từ không những “nhảy múa” mà còn hát lên những câu hát trong vắt, vẽ lên những bức tranh linh hoạt muôn màu. Xuất phát từ đó, môn tiếng Việt, môn học có vị trí nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc hình thành ngôn ngữ giao tiếp, là thứ ngôn ngữ dùng trong giao tiếp chính thức của cộng đồng các dân tộc trên đất nước Việt Nam đã được ra đời và đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông.  Nó có một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cao cả đó là cung cấp những kiến thức cơ bản cho học sinh về tiếng Việt qua các hình thức (nghe, đọc, nói, viết) góp phần hình thành nhân cách, đem lại những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh cho tâm hồn học sinh. Qua đó tích luỹ vốn văn học, mở rộng vốn sống cho trẻ em, rèn luyện, phát triển kỹ năng nói và hiểu một cách có nghệ thuật, góp phần khêu gợi tư duy hình tượng của trẻ.

Tuy nhiên, trình độ hiện nay của học sinh phổ thông nói chung, học sinh tiểu học nói riêng về tiếng Việt còn thấp. Bên cạnh đó những học sinh biết nói, biết viết rõ ràng, mạch lạc và có khi trong sáng nữa, còn rất nhiều học sinh chưa biết dùng tiếng Việt một cách thành thạo để diễn đạt ý nghĩ, tình cảm của mình : Phát âm sai, viết sai chính tả, dùng từ không đúng, không biết đặt câu, chấm câu.

Vậy làm thế nào để khắc phục được những tình trạng trên, cải tiến được những sai sót mà học sinh hiện nay còn mắc phải?  Đó chính là nội dung đề tài mà tôi đã chọn nghiên cứu: “Một số biện pháp nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học”.

2) Lịch sử vấn đề ;

Đã từ xa xưa, khi con người sinh ra thì ngôn ngữ cũng ra đời và phát triển dần theo. Trải qua các thời kỳ, ngôn ngữ cũng thay đổi và phát triểán song hành với sự giao tiếp chuẩn mực. Từ sau cách mạng tháng Tám, đi đôi với nạn xoá mù chữ, tiếng Việt đã được dùng để giảng dạy tất cả các môn học ở các cấp học trong nhà trường phổ thông, kể cả bậc đại học. Nhiệm vụ của nhà trường không chỉ sửa chữa các thiếu sót của học sinh mà còn phải không ngừng phát triển và hoàn thiện trình độ ngôn ngữ của học sinh theo mức độ chuẩn mực. U.U.Rêz-nep-ski đã nói : “ Quá trình phát triển tiếng mẹ đẻ đối với con người không gián đoạn theo thời gian, sức mạnh tâm hồn của con người phải được phát triển trong suốt quá trình đó, thông qua mọi hoạt động đời sống của con người”. Nhà trường phải phát triển ở học sinh ngôn ngữ chính xác, không cản trở việc hiểu lẫn nhau (ví dụ như lệch chuẩn), ngôn ngữ trong sáng (nghĩa là không lạm dụng sự vay mượn ngôn ngữ). Ngôn ngữ của học sinh không phải là cái gì đó có sẵn, ổn định; ngôn ngữ của học sinh các cấp có điểm khác nhau, tuy nhiên cũng có điểm chung. Nó đòi hỏi không ngừng được phát triển. Dưới các ảnh hưởng khác nhau, nó có thể phát triển nhanh hay chậm. Nhiệm vụ của nhà trường là làm sao tổ chức quá trình phát triển đó, định hướng phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngôn ngữ. Đặc biệt là học sinh lứa tuổi tiểu học, đây là cái nôi của sự hình thành và phát triển ngôn ngữ cho các em. Ngay từ khi bước chân đến trường các em đã được làm quen với ngôn ngữ giao tiếp có định hướng, có căn bản để từ đó ngôn ngữ cũng phát triển lớn mạnh dần theo năm tháng học tập của các em. Chính vì vậy mà đã có nhiều công trình nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ cho học sinh trong trường phổ thông nói chung và ở tiểu học nói riêng như tác giả Trươong Dĩnh đã có công trình nghiên cứu riêng về “phát triển ngôn ngữ trong trường phổ thông”; tác giả Lê Phương Nga đã có công trình nghiên cứu về dạy học tiếng Việt ở trường tiểu học,…tất cả đã tập trung chuyên sâu cho lĩnh vực phát triển ngôn ngữ cho học sinh trong thời kỳ đổi mới. Đây cũng là vấn đề mà đề tài đang hướng tới nội dung nghiên cứu một số biện pháp nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học.

3/  Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu :

3.1/ Mục đích nghiên cứu :

Mục đích của đề tài là khảo sát thực tế việc dạy học và nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học. Đề xuất một số biện pháp có tính khả thi trong hiện nay.

3.2/ Nhiệm vụ nghiên cứu :

Với thời gian có hạn đề tài tập trung chủ yếu vào một số nhiệm sau :

– Nghiên cứu lý luận về việc nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học trong giai đoạn hiện nay.

– Thực tế việc dạy học tiếng Việt ở trường tiểu

– Đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học theo chương trình đổi mới.

4/ Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

4.1) Đối tượng nghiên cứu :

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là những lý luận và thực tế việc nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học.

4.2) Phạm vi nghiên cứu :

Vì thời gian có hạn nên tôi chỉ nghiên cứu nội dung việc nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học trong trường tiểu học ………

5/ Phương pháp nghiên cứu:

5.1/ Phương pháp nghiên cứu lý luận: Là phương pháp nghiên cứu tài liệu về việc nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học.

5.2/ Phương pháp phân tích: Là phương pháp được sử dụng khi đã có nội dung lý luận nhằm tiến hành phân tích các yếu tố cơ bản của nội dung cần nghiên cứu .

5.3/ Phương pháp tổng hợp : Được sử dụng dựa trên kết quả đã phân tích. Tôi tiến hành tổng hợp và kết luận về nội dung nghiên cứu. Từ đó có cơ sở để đề xuất một số ý kiến trong dạy học tiếng Việt ở tiểu học.

Ngoài ra tôi còn sử dụng thêm một số phương pháp khác phục vụ cho quá trình nghiên cứu.

 

PHẦN NỘI DUNG

CHƯƠNG I: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NÂNG CAO NĂNG LỰC NGÔN NGỮ CHO HỌC SINH TIỂU HỌC

  • Năng lực ngôn ngữ với vấn đề học tập và cuộc sống của học sinh:

1.1/ Năng lực ngôn ngữ với vấn đề phát triển tư duy và nhân cách của học sinh tiểu học:

Ngôn ngữ và tư duy là thống nhất. Khi chưa có ngôn ngữ thì con người chưa thể phân biệt hai khái niệm khác nhau (nghĩa là chưa có tư duy). Nhưng khi ngôn ngữ xuất hiện thì tư duy cũng hình thành và phát triển theo ngôn ngữ. Tuy nhiên, tư duy và ngôn ngữ không đồng nhất. Tư duy là thuộc khoa học logic, còn ngôn ngữ là thuộc khoa học ngôn ngữ. Chính vì vậy, nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học không thể không thấm nhuần các  quan điểm thống nhất và không đồng nhất của tư duy và ngôn ngữ đã nêu ở trên. Người ta nói : “Văn tức là người”. Điều ấy có nghĩa là khi ngôn ngữ đã thành văn, tức là một tác phẩm thể hiện một cách tổng hợp trình độ tư tưởng, tình cảm, trí tuệ, diễn đạt của con người thì ngôn ngữ lúc đó phản ánh đúng nhân cách của con người. Việc nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học phải nâng cao phẩm chất quan trọng của nhân cách các em như tính trung thực trong tư tưởng, trong sáng trong sự thể hiện mình, khoa học trong phương pháp sống và làm việc, trật tự, kỷ luật, nề nếp trong tác phong, khiêm tốn, tôn trọng người khác trong giao tiếp,…

1.2/ Năng lực ngôn ngữ với vấn đề học tập văn chương của học sinh:

Việc phát triển năng lực ngôn ngữ nghệ thuật của học sinh tiểu học sẽ giúp các em học văn chương có hiệu quả. Goocki đã từng nói : “Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên của văn chương”. Muốn thâm nhập văn chương, người học không thể không vượt qua ngưỡng cửa của ngôn ngữ, thông qua việc tri giác hình tượng của ngôn ngữ. Khi đã thâm nhập vào hình tượng, thực chất của hiểu văn chương là đối lập các sắc thái ngôn ngữ trung hoà với sắc thái biểu cảm có tính chất phong cách tu từ học. Mặt tiềm năng không đầy đủ về phân tích và hiểu biết các mô hình từ, câu, đoạn phong cách ở dạng trung hoà được rèn luyện qua chương trình tiếng Việt sẽ hạn chế khả năng đối lập tu từ học, tức là hạn chế khả năng hiểu văn chương.

Do đó việc dạy học môn tiếng việt trong trường tiểu học người giáo viên phải biết phối hợp chặt chẽ giữa quá trình dạy “cấu trúc văn” và dạy “văn”. Hay nói cách khác là phát triển ngôn ngữ đúng phải dẫn đến một bước cao hơn là phát triển ngôn ngữ “hay”, ngôn ngữ văn chương cho học sinh.

1.3/ Năng lực ngôn ngữ với khả năng tham gia cuộc sống của học sinh:

Nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học chính là nhiệm vụ quan trọng của công tác phát triển ngôn ngữ, chuẩn bị cho học sinh tham gia cuộc sống. Giao tiếp ngôn ngữ là một hệ thống bao gồm các thành tố : nguồn tin, nguồn phát, mã, kênh. Giao tiếp còn phải tính đến tạp âm và phần thừa. Ngôn ngữ được xem là mã lời nói là thông báo cụ thể, ngôn ngữ là cái tiềm tàng và qua giao tiếp , cái tiềm tàng đó sẽ được hiện thực hoá và phát triển. Giao tiếp ngôn ngữ như một hình thức ngôn ngữ tham gia vào cuộc sống sẽ là yếu tố trung gian để con người truyền đạt và tiếp thu kinh nghiệm cuộc sống. Khi được người giáo viên nâng cao năng lực ngôn ngữ, học sinh sẽ lấy đó làm nền tảng khi giao tiếp ngoài xã hội một cách trực tiếp (đối thoại, hội thoại,..) và gián tiếp (viết văn, viết đơn từ,…) và cũng từ đó năng lực ngôn ngữ của các em ngày càng được nâng cao và phát triển.

2/ Các nguyên tắc nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh:

2.1/ Nâng cao năng lực ngôn ngữ phải nâng cao năng lực giao tiếp bản ngữ của học sinh:

Năng lực giao tiếp bao gồm năng lực hiểu ngôn ngữ của người khác và làm cho người khác hiểu ngôn ngữ của mình. Hiệu quả của giao tiếp ngôn ngữ thể hiện ở sự trùng hợp cao nhất giữa nội dung lời nói phát ra và nội dung lời nói nhận được và lúc đó mục đích giao tiếp ngôn ngữ đạt tối ưu.  Hiệu quả giao tiếp đạt mục đích giao tiếp còn thể hiện ở chỗ nghe mau, hiểu mau. Hiệu quả đó phụ thuộc vào nhiều điều kiện : trình độ toàn diện của người giao tiếp, mã giao tiếp vấn đề giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp,… Phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học đạt hiệu quả cao thực chất là thực hiện tốt mối quan hệ giữa năng lực ngôn ngữ và sự thực hiện ngôn ngữ, trên cơ sở năng lực ngôn ngữ mà thực hiện ngôn ngữ và năng lực ngôn ngữ phải hướng đến sự thực hiện ngôn ngữ. Năng lực ngôn ngữ là số lượng hạn định về mô hình, cấu trúc ngôn ngữ được khái quát từ kinh nghiệm bản ngữ và được học sinh ý thức qua việc dạy – học chương trình tiếng Việt.

Một thực tế hiện nay cho thấy môi trường học tập ở Tây Nguyên nói chung về nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh chưa đạt hiệu quả cao đó cũng là do ảnh hưởng của bản ngữ. Bởi học sinh nơi đây không đồng nhất về ngôn ngữ giao tiếp (có em là người Bắc, có em là người Nam và cả học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số). Trong khi đó giáo viên cũng là những người ở từ các vùng miền khác nhau đến đây giảng dạy. Do vậy rất khó có thể nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh một cách hoàn thiện và đồng nhất nếu không biết nâng cao năng lực giao tiếp bản ngữ của học sinh.

Ví dụ : Trong phân môn Luyện từ và câu ở lớp 5 có nội dung về mở rộng vốn từ thuộc các chủ điểm mà chương chương trình đã cho, khi dạy về mở rộng vốn từ “Công dân”, giáo viên cần mở rộng thêm một số vốn từ vừa có liên quan đến công dân vừa là những từ ngữ mà tại địa phương học sinh thường sử dụng như : người dân, công nhân xí nghiệp, người lao động,… nhằm giúp cho học sinh lấy những từ ngữ của địa phương làm gốc để hiểu về công dân, qua đó các em sẽ nắm được nghĩa của từ công dân.

 2.2/ Phát triển và nâng cao năng lực ngôn ngữ phải nhằm nâng cao nhân cách và tư duy học sinh:

Việc nâng cao năng lực ngôn ngữ sẽ có ảnh hưởng tốt đến mọi mặt  nhân cách của học sinh: Lý tưởng, trí tuệ, tình cảm, ý chí. Tác dụng giáo dục đó được thể hiện thông qua nội dung, Phương pháp giảng dạy ngôn ngữ và cả nhân cách của người giáo viên. Giáo viên có thể phát huy tác dụng giáo dục học sinh một cách sinh động qua các bài tập, các ví dụ cụ thể trên bài học hay các hoạt động ngoài giờ có liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của các em.những yêu cầu về tính trung thực, tính chính xác và cụ thể khi giúp học sinh trực tiếp làm bài tập, nghiên cứu và phân tích những bài tập cũng là rèn luyện nhiều đức tính về nhân cách. Quan trọng hơn về tác dụng phát triển ngôn ngữ là việc rèn luyện tư duy biện chứng và tư duy logic cho học sinh.

Cần làm cho học sinh hiểu được, lịch sử, quy luật, quy tắc, đặc điểm của tiếng Việt, sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng việt qua các tác phẩm văn học. Những bài tập phát triển ngôn ngữ, học sinh phải nhận biết được đâu là ngữ âm, đâu là từ vựng và như thế nào là cấu trúc ngữ pháp,… Ta có thể rèn cho học sinh các thao tác đối chiếu, so sánh qua các bài tập về ngữ âm để phân biệt âm và âm tiết, chữ cái và chữ,… hoặc qua các bài học về phân môn luyện từ và câu còn tạo cho học sinh sự nhận biết về từ loại, so sánh thành phần phụ, câu đơn, câu ghép,… qua đó giúp cho học sinh hệ thống hoá lại kiến thức đã học và lập bảng ôn.

Ví dụ: Khi dạy bài tập đọc lớp 4 “Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa” (Tuần 21), ngoài việc rèn luyện kỹ năng nghe, đọc trơn, đọc diễn cảm,..cần cung cấp thêm một số tư liệu về Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa, qua đó hướng học sinh vào ý nghĩa của nội dung bài một cách sâu sắc, giúp các em cảm nhận được giá trị của nội dung thì chắc chắn các em sẽ lấy gương của anh Hùng Trần Đại Nghĩa làm điểm tựa cho mình rèn luyện nhân cách (rèn tính chăm học, nghiên cứu khoa học, tinh thần yêu nước,…)

2.3/ Cần kết hợp chặt chẽ việc dạy tiếng Việt với việc dạy cảm thụ văn học để phát triển và nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học:

Khi năng lực ngôn ngữ được phát triển phải đạt đến trình độ hiểu và cảm thụ được những giá trị nghệ thuật trong các tác phẩm mà chương trình đã đem đến. Do đó phát triển và nâng cao năng lực ngôn ngữ không thể không kết hợp dạy tiếng với cảm cảm thụ.

Hiện nay theo chương trình sách giáo khoa mới, ngoài việc cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về tiếng Việt thì ngay từ lớp 1,2 học sinh cũng đã được tiếp xúc và cảm thụ qua các tác phẩm văn, thơ truyện cười, bởi khi bước chân vào ngưỡng cửa bậc tiểu học các em đã có một ít vốn liếng của Tiếng Việt, các em bắt đầu học chữ, học viết và tập phát âm đúng, chuẩn Tiếng Việt từ đó các em dần dần cảm nhận về giá trị nghệ thuật trong tác phẩm, thấm nhuần ý nghĩa giáo dục, tăng thêm niềm vui, niềm tự hào và tình yêu trong mỗi cá nhân các em. Biện pháp nghệ thuật xuất hiện trong các tác phẩm ở tiểu học với một mục tiêu rất lớn đó là cung cấp cho học sinh những giá trị đạo đức, nhân văn mà tác giả muốn gửi đến và qua đó tô điểm thêm cho vẻ đẹp của văn bản làm cho học sinh thêm phần cuốn hút khi tiếp xúc với nội dung văn bản.

Ví dụ khi dạy bài thơ “Tiểu đội xe không kính” (TV lớp 4 – tuần 25) ngoài việc rèn luyện cho học sinh những kỹ năng cơ bản trong chương trình yêu cầu, giáo viên cần sưu tầm thêm một số hình ảnh, hay đoạn phim về sự hy sinh, gian khổ của các anh bộ đội cụ Hồ để khắc sâu những hình ảnh đó vào tâm trí các em, giúp cho các em cảm thụ một cách thấm nhuần nhất sự hy sinh cao cả của các anh để dành độc lập tự do cho Tổ quốc

2.4/ Mẫu hoá, mô hình hoá và cấp độ hoá việc phát triển và nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh:

Kỹ năng ngôn ngữ phát triển là kỹ năng phân tích và sáng tạo biến thể ngôn ngữ theo tình huống giao tiếp. Hiểu và và tạo biến thể nhất thiết phải dựa trên sự đối lập, đối lập với cấu trúc cơ bản (cấu trúc chìm). Nếu nắm chắc được cấu trúc cơ bản, học sinh có thể phân tích một cách nhanh chóng và sáng tạo biến thể. Đối với học sinh tiểu học là lứa tuổi tính chủ định chưa bền vững, các em còn mang tính trực quan sinh động, do đó khi giao tiếp, những biến thể giao tiếp câu thường vượt cấu trúc cơ bản, có thể làm cho các em nhầm lẫn về cấu trúc, do đó phải cấp độ hoá cấu trúc ngôn ngữ thuộc các hệ thống xác định để học sinh phân biệt khi nào thì biến thể còn trong cấp độ, khi nào thì vượt cấp độ.

Ví dụ : Khi dạy bài : “Câu ghép” (Luyện từ và câu lớp 5-tuần 19), ngoài việc cho học sinh xác định câu ghép trong đoạn văn có sẵn, giáo viên cần nêu thêm ví dụ ngoài sách giáo khoa nhằm củng cố kiến thức cho học sinh về câu ghép, nhưng nên lấy những ví dụ cụ thể sát với cuộc sống hằng ngày của học sinh như : “Lớp chúng ta đạt giải nhất thi đua và được nhà trường nêu gương trước cờ”. Như vậy qua những ví dụ như vậy, ngoài việc giúp học sinh nắm chắc cấu trúc câu ghép còn giúp các em phân tích sáng tạp biến thể qua nội dung của ví dụ.

2.5/ Kết hợp lý thuyết và thực hành, tối ưu hoá hệ thống bài tập trong công tác phát triển và nâng cao năng lực ngôn ngữ

Ý thức hoá việc luyện tập ngôn ngữ là một điều cần thiết, đối với ngôn ngữ nói chung và  tiếng mẹ đẻ nói riêng. Yù thức hoá bản ngữ của học sinh, tức là từ kinh nghiệm bản ngữ của bản ngữ cá em, hướng dẫn cho các em tự phân tích, rút ra các quy tắc về nói, viết sao cho đúng và ngày càng thích hợp với hoàn cảnh giao tiếp bản ngữ. Nói một cách khác là trước hay sau khi luyện tập, phải cung cấp lý thuyết về cách nói, cách viết cho các em.

Luyện tập ngôn ngữ theo phương thức hoạt động lời nói là một quan điểm giảng dạy mới hiện nay đối với ngôn ngữ. Hoạt động lời nói (hoạt động ngô ngữ, hoạt động nói năng), đó là hoạt động sản sinh lời nói (từ ý đến lời) và cảm thụ lời nói (từ lời đến ý). Trong đó hoạt động sản sinh là chủ động và có trước nhằm phát triển năng lực “Nói, nghe, đọc, viết” bản ngữ.

Phát triển ngôn ngữ theo hướng hoạt động lời nói trước hết chú ý đến bài tập mang tính chất hành động lời nói. Hệ thống bài tập phát triển ngôn ngữ là một hệ thống luyện tập các hành động lời nói, luyện tập lĩnh hội và sản sinh, từ đó mà hình thành kỹ năng kỹ xảo.

Ví dụ : Sau khi dạy tiết tập làm văn (Luyện tập tả người (dựng đoạn và kết bài) (lớp 5-tuần 19), cần cho học sinh về nhà làm nhiều bài tập hơn, đề bài phải gần gũi với các em như tả về bố, mẹ, ông hoặc bà,…, những bài tập rèn luyện như vậy ở nhà sẽ giúp cho các em vừa luyện tập những kỹ năng miêu tả người, vừa sử dụng ngôn ngữ của bản ngữ để phát triển ngôn ngữ phổ thông.

3/ Khảo sát thực tế ở trường tiểu học ………về việc nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh :

Để có căn cứ cho việc đánh giá và đề xuất một số biện pháp nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực tế như sau :

– Trao đổi với một số giáo viên trong các khối lớp trong trường tiểu học ………để tìm hiểu hình thức nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh ở đây.

– Trò chuyện với một số học sinh để đánh giá khả năng tiếp thu về năng lực ngôn ngữ của các em (kỹ năng đọc trơn, đọc diễn cảm, năng lực cảm thụ văn học, kỹ năng kể chuyện, kỹ năng làm tập làm văn, hiểu biết về cấu trúc tiếng Việt,…)

Dự giờ một tiết dạy tập đọc ở lớp 5B tại trường tiểu học Phan Chu Trinh. (Tuần7; chủ điểm : “Con người với thiên nhiên”)

Tên bài dạy : Tiếng đàn Ba-la-lai-ca trên sông Đà.

Qua kết quả khảo sát, chúng tôi đã nắm bắt được một số yếu tố cơ bản về khả năng nắm bắt ngôn ngữ của học sinh và có một số nhận xét sau :

  1. a) Ưu điểm :

Nhìn chung, qua tìm hiểu tình hình thực tế, kết hợp với dự tiết dạy của cô giáo Dương Thị Ánh Hồng lớp 5B. Tôi nhận thấy :

– Về tiết dạy : Cô Dương Thị Ánh Hồng đã tổ chức tiết dạy khá tốt, nội dung khai thác hết các biện pháp nghệ thuật trong phần đọc-hiểu, rèn luyện được cách đọc diễn cảm cho học sinh. Sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, học sinh tham gia tiết học rất sôi nổi, hào hứng và thể hiện sự hiểu bài của mình qua giọng và các câu trả lời đúng. Một số em đã biết đọc diễn cảm hấp dẫn hơn.

– Khảo sát từ phía học sinh : Khi cho một số em đọc diễn cảm một bài thơ, trả lời câu hỏi. Kiểm tra vở tập làm văn một số em và cho các em kể một câu chuyện trước đám đông. Tất cả những khảo sát đó cho tôi thấy rằng một số em đã đọc diễn cảm tốt, trả lời được câu hỏi, có vài em đã biết kể chuyện bằng cách đổi giọng theo lời nhân vật, người dẫn chuyện. Có một số bài văn miêu tả khá hay, sử dụng được các biện pháp so sánh tu từ để ví von trong bài tả của mình.

  1. b) Khuyết điểm :

Song bên cạnh đó sau những ưu điểm đã đạt được như nêu ở trên vẫn còn một số khuyết điểm trong việc phát triển và nâng cau năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học ở trường tiểu học ………:

– Về khảo sát thực tế : Tuy đã có một số em đã thể hiện tốt năng lực ngôn ngữ của mình, nhưng số lượng còn tương đối ít (chỉ chiếm khoảng 40%). Như vậy theo yêu cầu hiện tại của giáo dục tiểu học thì với số lượng đó chưa đạt được mức độ cao. Trong khi đó vẫn còn nhiều em chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt, đặc biệt là học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số.

– Về chất lượng tiết dạy : tuy cô giáo Dương Thị Ánh Hồng đã thực hiện hoàn thành tiết dạy của mình đúng với yêu cầu chương trình, nhưng việc phát huy năng lực ngôn ngữ cho học sinh bằng hình thức lấy nền móng từ bản ngữ để học sinh địa phương lấy đó phát triển ngôn ngữ phổ thông. Cô giáo chỉ áp dụng bài học trên một logic của giáo án. Điều này chỉ đáp ứng được việc nâng cao chất lượng đại trà chức chứa phát huy hết năng lực ngôn ngữ cho các em với số lượng đông.

CHƯƠNG 2: CÁC BIỆN PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC NGÔN NGỮ CHO HỌC SINH TIỂU HỌC

I/ CÁC BIỆN PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC NGÔN NGỮ CHO HỌC SINH TIỂU HỌC:

1/ Các hình thức luyện tập ngữ âm:

1.1/ Ý nghĩa của việc rèn luyện ngữ âm:

Chính âm gắn liền với chính tả và đọc diễn cảm. Đối với chúng ta, rèn luyện chính âm phục vụ tốt cho rèn luyện chính tả và làm cơ sở cho việc rèn luyện đọc diễn cảm trong phân môn tập đọc. Dạy nói cũng phải dựa trên  dạy chính âm, tức là dạy phát âm theo đúng chuẩn mực thống nhất trong toàn quốc. Việc rèn luyện ngữ âm ở trường tiểu học rất cần thiết vì trên thực tế hiện nay, học sinh của chúng ta còn phạm nhiều lỗi phát âm.

Ví dụ :  Phát âm sai những phụ âm đầu như l và n,s,x,tr,d, và gi (phần lớn học sinh miền bắc); phát âm sai các phụ âm cuối như c và t, n và ng (Phần lớn học sinh miền Trung); Phát âm sai phụ âm đầu như v ,d,h và q (Phần lớn học sinh miền nam).

Nhiều vần khó chưa  được học sinh phát âm chính xác.

Ví dụ: Không phân biệt ưu và ươu, ươu và iêu (Phần lớn học sinh miền Bắc); không phân biệt ui,uôi, oi và oai, inh và uych, ách và ếch,ang và oang, anh và ênh…(Phần lớn học sinh miền Trung).

Đó chưa kể lỗi phát âm sai dấu thanh, nhất là ở miền Trung và miền Nam, và các kỹ thuật phát âm như phát âm không nuốt từ, phát âm tròn vành, rõ chữ…Lỗi phát âm của học sinh ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy nói và dạy học.

Lý thuyết và thực tiễn trên đây đòi hỏi công tác phát triển ngôn ngữ phải chú ý đến việc rèn luyện ngữ âm cho học sinh.

1.2/ Các hình thức luyện tập ngữ âm:

Dù cách phát âm theo địa phương đang là một việc trở ngại cho chính âm, chúng ta vẫn cần rèn luyện ngữ âm theo chuẩn, tiến tới góp phần rèn luyện ngữ âm theo chuẩn, tiến tới góp phần xây dựng một chuẩn ngữ âm thống nhất.

Các hình thức rèn luyện ngữ âm rất đa dạng,tuy nhiên cần sử dụng căn cứ vào ba nguyên tắc:

a/ Luyện ngữ âm theo văn cảnh  kết hợp với luyện ngữ âm trong văn cảnh.

b/ Sử dụng mẫu phát âm kết hợp với việc giải thích cấu tạo ngữ âm.

c/ Kết hợp nội khoá và ngoại khoá, việc dạy phát âm của giáo viên.

*Luyện tập phát âm các phụ âm.

Tiếng Việt có 23 phụ âm. Trong âm tiết, các phụ âm thường đúng đầu, có khi nói đứng cuối. Cách ghi âm phụ âm là cơ sở để dạy phát âm phụ âm. Tiếng ta có nhiều phụ âm ghi bằng một hay nhiều chữ cái. Có khi một phụ âm lúc ghi bằng chữ cái này,lúc ghi bằng chữ cái kia (Phụ âm cờ ghi bằng chữ cái xê,ca, cu). Vì không ý thức được rõ sự khác nhau giữa phụ âm và chữ cái ghi âm nên học sinh đọc sai các phụ âm. Cách luyện phụ âm đầu là thường xuyên phân biệt cho học sinh cách phát âm các phụ âm cũng như cách đọc âm và tên chữ cái. Ngoài ra, còn cần chú ý cách cấu âm: Phụ âm ch là phụ âm tắc mặt lưỡi, phụ âm tr là phụ âm tắc đầu lưỡi, phụ âm ng là phụ âm tắc cuối lưỡi, phụ âm n là phụ âm mũi.Đối với học sinh phát âm được hai âm, nhưng vẫn lẫn lộn thì lại phân biệt về mặt chính tả và tự vựng.

*Luyện phát âm các vần khó.

Trong Tiếng Việt, có nhiều từ có vần khó đọc: khúc khuỷu,loanh quanh, luýnh quýnh, cương quyết, nhếch nhác, lếch thếch, xuyềnh xoàng…Học sinh phát âm sai các vần khó do không phân biệt được âm đệm (o,u trong loanh quanh), nguyên âm đôi(iê,uô,uơ trong tiến, muốn,hươ…). Học sinh thường bỏ âm đệm (phát âm loanh quanh thành lanh canh) hoặc quá nhấn mạnh vào nguyên âm đứng trước trong nguyên âm đôi( đọc tín thay cho tiến,tủi thay cho tuổi…).

* Luyện phát âm các dấu thanh.

Luyện phát âm các dấu thanh phải dựa vào mẫu phát âm và sự giải thích về cơ sở vật lý ( độ cao, độ mạnh, độ dài…) của từng dấu thanh…ngoài ra, có thể cho học sinh hiểu quy luật bài thanh của Tiếng Việt:

Thằng Huyền mang Nặng, Ngã đau

Thằng Sắc đến Hỏi có đau không mày

Việc luyện chính âm phải gắn liền với việc loại trừ các lỗi phát âm, có tính chất địa phương.

Ngoài cách luyện ngữ âm tách rời như trên, còn có các bài tập luyện ngữ âm trong từ (Phát âm tổng hợp ở mức thấp) và luyện ngữ âm ở trong câu, trong đoạn( phát âm tổng hợp ở mức cao trùng hợp với luyện đọc diễn cảm.

* Luyện đọc diễn cảm.

 Đọc diễn cảm được coi như hình thức luyện ngữ âm ở mức cao nhất gắn liền với việc lính hội văn chương. Luyện đọc diễn cảm cần đi từ các hình thức thấp đến các hình thức cao.

Trước hết là các bài luyện đọc chính xác. Đọc chính xác bao gồm phát âm đúng từ, rõ từ đủ từ, đọc trôi chảy.

Thứ hai là các bài tập luyện đọc có tính logic. Đọc có tính logic thể hiện ở việc ngắt hỏi, nghỉ hỏi đúng theo  dấu giọng và ngữ đoạn logic trong từng câu, biết đọc trọng âm lô gíc đúng chỗ để nêu bật ý cơ bản của câu.

Trình độ cao của luyện đọc là luyện đọc biểu cảm. Đọc biểu cảm là luyện đọc có ngữ điệu theo phong cách văn bản. Tuỳ thuộc vào việc hiểu nội dung từ, câu đoạn và các sắc thái tu từ của các nội dung đó trong ngôn ngữ diễn đạt, học sinh biết:

a/ Nâng cao hay hạ thấp giọng.

b/ Kéo dài hay rút ngắn giọng.

c/ Nhấn giọng hay lướt giọng.

d/ Nhanh giọng hay chậm giọng.

e/ Mạnh giọng hay yếu giọng

g/ Ngắt giọng hay liền giọng.

h/ Thay đổi âm sắc của giọng.

Hiệu quả đọc biểu cảm không chỉ phụ thuộc vào kỹ thuật biến đổi giọng mà còn phụ thuộc vào hiểu và rung cảm với nội dung đọc. Các bài tập về đọc diễn cảm thường gắn  liền với việc ghi dấu đọc theo quy ước giữa thầy và trò.

2/ Các hình thức luyện tập từ ngữ.

2.1. Ý nghĩa và nhiệm vụ của luyện tập từ ngữ.

Không ai có thể nói và viết mà không dùng đến từ. Không có một lời một câu nào lại không được cấu tạo bằng từ. Rõ ràng từ là đơn vị cơ bản của tiếng nói. Một từ bao giờ cũng có hai mặt: Mặt âm thanh và mặt ý nghĩa.. Aâm thanh và ý nghĩa thống nhất với nhau nhưng giữa chúng lại không có mỗi quan hệ tất nhiên. Không phải vì có âm ph và các từ phồng, phệ, phị, phù, pháp có ý nghĩa phồng lên. Càng không phải vì có “thanh nặng” và các từ nặng, nhọc, cực, nhục…có ý nghĩa nặng nề, khổ sở. CuÕng như tiếng nói của các dân tộc khác, tiếng Việt có rất nhiều từ. Tổng số tất cả các từ âm thành vốn từ của một tiếng nói. Vốn từ của một tiếng nói bao gồm cả cả các cụm từ cố định. Từ thường có một nghĩa,nhưng cũng có nhiều từ có rất nhiều nghĩa. Từ “ đánh” của ta có rất nhiều nghĩa. Tiếng Việt của chúng ta có vốn từ ngày càng phong phú. Nhiệm vụ của nhà trường là phải cung cấp và phát triển vốn từ phong phú đó cho học sinh để các em có quyền tự hào về cái gia tài giàu có và quí báu đó.

Vốn từ của học sinh càng phong phú, các em nói, viết càng có nội dung, trong sáng và dễ hiểu. Nhiệm vụ phát triển từ ngữ phải:

a/ Võ trang cho học sinh sự hiểu biết về các lớp từ cơ bản của tiếng Việt, cấu tạo nên cấu trúc tiếng Việt, rèn luyện cho các em sử dụng vốn từ đó vào học tập  và hoạt động thực tiễn khác trong trường và ngoài trường.

b/ Tuỳ thuộc vào lứa tuổi các lớp : từ lớp 1 đến lớp 5, mở rộng tối đa vốn từ tích cực của học sinh.

c/ Luyện tập cho học sinh dùng từ đúng; thích hợp với hoàn cảnh giao tiếp, gắn với phong cách chức năng.

d/ Giúp học sinh loại trừ dần sự lạm dụng từ địa phương, từ Hán, từ lóng, từ tục trong ngôn ngữ hàng ngày.

Thiếu sót phổ biến của nhà trường chúng ta là tổ chức phân lập từ, ngữ thiếu hệ thống, không có kế hoạch, ít chú ý chữa lỗi dùng từ cho học sinh, không có biện pháp trình tự đưa vào vốn từ của học sinh các từ mới, thiếu các biện pháp sinh động để dạy từ, ngữ; ngoài ra, còn chưa đặt vấn đề phối hợp với giáo viên các bộ môn khác để luyện tập từ ngữ.

2.3. Các nguyên tắc và hình thức luyện tập từ, ngữ.

Việc phát triển ngôn ngữ vè mặt từ, ngữ của học sinh cần dựa trên các nguyên tắc sau đây:

* Công tác phát triển từ, ngữ phải góp phần vào việc giáo dục- giáo dưỡng, hình thành nhân cách, rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ cho học sinh, phục vụ cho việc học tập và hoạt động thực tiễn sau này.

* Giải thích từ mới, phân tích và làm sáng tỏ các từ đã hiểu, làm cho học sinh thấy sự phong phú của từ, ngữ Việt và khả năng diễn tả tinh tế của nó bằng cách đặt từ ,ngữ vào văn cảnh để tìm hiểu.

* Phân tích từ, ngữ phải trên quan điểm tiếng Việt hiện đại, trong các trường hợp cụ thể, có thể kết hợp với việc tìm hiểu nguồn gốc và sự phát triển của từ.

* Công tác từ, ngữ cần có tổ chức, có hệ thống gắn liền với các chương mục của chương trình tiếng Việt đồng thời kết hợp với công tác giảng dạy các môn học khác như Toán, Lịch sử, Địa lý,…. Các hình thức luyện tập từ, ngữ vừa phải quán triệt các nguyên tắc trên vừa phải dựa vào các nhiệm vụ phát triển từ, ngữ. Căn cứ vào nhiệm vụ rèn luyện từ , ngữ có thể có các phương hướng bài tập từ, ngữ.

  1. Các hình thức luyện câu.

3.1. Ý nghĩa của việc luyện câu trong công tác phát triển ngôn ngữ.

Hiểu nghĩa câu từ, dùng từ đúng nghĩa, đúng chỗ cũng chưa đủ. Còn phải biết ghép các từ lại thành lời. Ta có câu tục ngữ rất hay: “ăn nên đọi, nói nên lời”. Tiếng nói của bất kì một tập thể người nào cũng gồm một vốn từ và một loạt quy tắc tổ chức những từ riêng lẻ thành từng chuỗi lời nói. Những tiếng nói và lời nói không phải là một. Lời nói là kết quả của việc vận dụng các phương tiện sẵn có của tiếng nói(âm, từ, phép tắc đặt câu..) nhằm mục đích bày tỏ một ý kiến nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó. Không có tiếng nói thì tất nhiên không có lời nói, nhưng cũng không bao  giờ có một thứ tiếng nói nào không thể hiện ra bằng lời nói. Lời nói phải dựa vào ý định và đặc điểm của người nói và hoàn cảnh nói.

Bất cứ lúc nào, lời nói cũng không thể ngắn hơn một câu được(Trường hợp câu đặc biệt có thể gồm một từ hay một ngữ có dấu ngắt). Như vậy câu là đơn vị ngắn nhất của lời nói và do đó muốn nói ra thành lời(tức là hoạt động của lời nói), trước hết phải nói cho thành câu. Có thể nói: câu là đơn vị ngôn ngữ bản lề chuyển từ phát triển ngôn ngữ cấu trúc sang phát triển ngôn ngữ chức năng phục vụ cho giao tiếp. Vì vậy, cần coi trọng công tác phát triển ngôn ngữ thông qua việc luyện câu, coi như bước chuyển vị cho việc rèn luyện ngôn ngữ liên kết tiếp theo.

3.2. Các yêu cầu luyện câu ở trường tiểu học:

Việc học tập phân môn Luyện từ và câu trong trường tiểu học không chỉ giới hạn trong việc lĩnh hội một tổng số hạn định về khái niệm ngữ, thuật ngữ, quy tắc và định nghĩa ngữ pháp, cần góp phần phát triển khả năng vận dụng vào thực tiễn nói, viết các kiến thức ngữ pháp đã học. Chỉ biết thay đổi từ, ngữ như thế nào, các từ ngữ, các từ, ngữ có liên kết như thế nào trong câu…, chưa đủ. Còn cần phải biết trong trường hợp nào nên hay không nên áp dụng một quy tắc ngữ pháp nhất định, làm sao trong một loạt biến thể có thể sử dụng, chọn một biến thể tối ưu để diễn đạt tư tưởng, chọn cấu trúc ngữ pháp nào để trình bày cùng một nội dung, làm thế nào để thể hiện các sắc thái tình cảm trong câu, gắn liền với cấu trúc câu đã học… Có nghĩa là ngôn ngữ phải đi đến chỗ hình thành ở hóc inh kỹ năng vận dụng các cấu trúc cú pháp khác nhau với các mục đích, phong cách khác nhau và như vậy hình thành cái gọi là kỹ năng phong cách học cú pháp.

Kỹ năng cú pháp – phong cách đòi hỏi:

a/ Học sinh biết diễn tả ý nghĩa và tình cảm trong các tình huống giao tiếp bằng cách sử dụng một cách tối ưu của biến thể chọn từ và chọn cấu trúc cú pháp.

b/ Học sinh biết vận dụng các biện pháp biểu cảm của ngôn ngữ để làm cho lời nói vừa dễ hiểu, vừa tác động đến trí tuệ và tình cảm của con người cho phù hợp với yêu cầu giao tiếp; biết chọn các phong cách diễn đạt phù hợp vào vị trí mục đích và thời gian phát ngôn.

  1. Các hình thức rèn luyện ngôn ngữ liên kết.

4.1. Ý nghĩa của việc rèn luyện ngôn ngữ liên kết trong trường tiểu học:

Nhà trường của chúng ta từ lâu nay đã chú trọng dạy cho học sinh dùng từ, đặt câu của học sinh cũng đã đạt được những tiến bộ nhất định. Đã có nhiều bài văn hay, nhiều đoạn văn hay. Tuy nhiên, với yêu cầu nghiêm ngặt, ta nhận thấy phần lớn ý tứ trong các bài văn còn rời rạc, sự liên kết giữa từng phần và giữa các phần trong bài văn nhiều khi chưa sáng tỏ, nhất là văn kể chuyện của học sinh lớp 5. Do đó, hiệu quả chung về giao tiếp đối với mặt văn bản được sáng tạo còn thấp. Ý thức về liên kết câu, liên kết ý, liên kết đoạn trong ngôn ngữ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sáng tạo văn bản (làm văn) mà còn đến cả việc lĩnh hội văn bản (văn học). Vì vậy, đẻ hoàn thiện kỹ năng ngôn ngữ cho học sinh hiện nay, một yêu cầu cấp thiết là nâng cao chất lượng luyện tập cho học sinh vận dụng các kỹ năng liên kết, liên kết đoạn, lĩnh hội và sáng tạo văn bản. Đối với trường tiểu học, vấn đề luyện đoạn văn, luyện văn bản , đặc biệt văn bản theo phong cách cần đặt ra  một cách có ý thức hơn, với các biện pháp thực hiện có cơ sở khoa học hơn. Luyện đoạn, luyện văn bản chính là lĩnh vực phát triển ngôn ngữ nâng cao kỹ năng liên kết câu, liên kết đoạn, lính hội và sáng tạo văn bản của học sinh hiện nay.

Bởi thế mà trong một bài làm văn viết (tả cảnh, tả người hay kể chuyện,..), học sinh đều được rèn luyện 3tiêts : Tìm ý, lập dàn ý, tiết làm miệng rồi mới đến tiết viết bài.

4.2. Đoạn và phát triển ngôn ngữ về đoạn.

Đoạn văn là gì? Ta thực sự bước vào giao tiếp bằng ngôn ngữ khi bắt đầu liên kết câu, liên kết ý trong giao tiếp để tạo nên các đơn vị giao tiếp trên câu, các đơn vị mang tính chất ngôn ngữ liên kết.

“Ngôn ngữ liên kết là ngôn ngữ được tổ chức theo quy tắc logic và ngữ pháp, thể hiện như một đơn vị có chủ đề mang tính độc lập và tính hoàn chỉnh tương đối và được chia ra nhiều hay ít phần nhỏ gắn chặt với nhau.

4.3. Văn bản và việc rèn luyện văn bản.

a/ Văn bản là đơn vị cao nhất và là sản phẩm cuối cùng của hoạt động ngôn ngữ. Hiện nay, việc nghiên cứu văn bản với tư cách là một đơn vị ngữ pháp mới chỉ là bước đầu. Người ta tiến hành xác định cấu trúc ngữ pháp của văn bản, các phạm trù ngữ pháp của văn bản…

“Văn bản đó là sản phẩm của quá trình sáng tạo lời, mang tính chất hoàn chỉnh, được khách quan hoá dưới dạng tài liệu viết, được trau chuốt văn chương theo loại hình tài liệu ấy, là tác phẩm gồm tên gọi (đầu đề) và một loại đơn vị riêng( chỉnh thể trên câu) hợp nhất lại bằng các loại hình liên kết khác nhau về từ vựng, ngữ pháp, logic, tu từ…có một hướng nhất định và một mục tiêu thực dụng.

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ.

Đánh giá kết quả phát triển ngôn ngữ một cách thường xuyên là một yêu cầu cần thiết của một công tác phát triển ngôn ngữ. Chỉ thông qua việc đánh giá khoa học, có thống kê lỗi, có phân tích sự tiến bộ của học sinh…mới có thể từng bước mới có thể kịp thời điều chỉnh công tác phát triển ngôn ngữ cho học sinh. Đánh giá, phân tích trên các kết quả lĩnh hội và sáng tạo văn bản theo phong cách là cách đánh giá tổng hợp nhất để phát hiện năng lực ngôn ngữ của học sinh.

Các hình thức đánh giá năng lực ngôn ngữ của học sinh có thể gồm: Hình thức đánh giá tức thời ( trong hội thoại, thuyết trình, tranh luận trên lớp…) hay đánh giá có thời gian, tức là hình thức chấm bài và trả bài làm văn của học sinh.

Chấm bài văn là chấm nhân cách cho học sinh. Dù không trực diện với học sinh, châm bài là đối thoại với một nhân cách. Moi sự vi phạm đến nhân cách đó như định kiến, trù ám, đề cao quá mức, xoá bỏ tuỳ tiện… khi chấm bài đều làm tổn hại đến hứng thú và cả năng lực ngôn ngữ của học sinh.

Chấm bài phải có chuẩn. Chuẩn chấm cần căn cứ vào yêu cầu của đề bài và trình độ học sinh. Chuẩn chấm bài đánh giá toàn diện kết quả: tư tưởng, nội dung, ngôn ngữ, cách trình bày…, đặc biệt khuyến khích các yếu tố độc đáo, sáng tạo của bài văn. Chuẩn nhằm xác định yêu cầu cần đạt của bài tập và các thang điểm cho mọi trình độ ngôn ngữ trong lớp.

Chấm bài là một quá trình, bắt đầu, từ khi ra đề, đến khi theo dõi học sinh thực hiện đề bài, cầm được tập bài trong tay. Phải chấm tổng quát trước (nhìn lướt qua một số bài để điều chỉnh thang điểm), sau đó chấm cụ thể từng bài. Chấm cụ thể phải có phát hiện lỗi bằng hệ thống ký hiệu, chữa lỗi điển hình, ghi chép tư liệu vào sổ chấm bài. Cuối cùng là chấm tổng hợp, tức là rút ra các ưu, khuyết điểm chung, tỷ lệ chung về điểm, nhìn chung trình độ học sinh, từ đó chuẩn bị cho gờ trả bài. Như vậy, chấm và trả bài thật sự chỉ là một khâu gồm hai mặt.

KẾT LUẬN:

1) Những kết luận được rút ra :

Qua nghiên cứu về lý thuyết văn bản cũng như khảo sát thực tế tại trường tiểu học ………tôi nhận thấy việc phát triển và nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách. Bởi khi học sinh có ngôn ngữ tốt, chuẩn mực thì sẽ phát huy tốt việc rèn luyện nhân cách, rèn luyện đạo đức chuẩn mực xây dựng cho bản thân lối sống trong sáng lành mạnh trong xã hội của thời kỳ đổi mới, đồng thời có ngôn ngữ chuẩn mực học sinh sẽ tiếp thu đầy đả những kiến thức từ các môn học khác mà chương trình tiểu học đã cung cấp, qua đó các em sẽ tích luỹ vốn kiến thức cơ bản cho mình để tiếp học học tập lên các cấp học tiếp theo. Thực tế điều tra cho thấy rằng quá trình dạy học ở tiểu học nói chung tại trường tiểu học ………nói riêng mới chỉ đáp ứng được một phần nào đó yêu cầu của nền giáo dục trong sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy dạy học tiểu học nói chung, nâng cao năng lực ngôn ngữ nói riêng là một nhiệm vụ hết sức cần thiết, đòi hỏi người giáo viên phải tận tâm, tận tuỵ, phải thật sự yêu nghề thì nhiệm vụ này mới đạt được những chuẩn mực nhất định.

Khi bước chân vào ngưỡng cửa bậc tiểu học các em đã có một ít vốn liếng của Tiếng Việt, các em bắt đầu học chữ, học viết và tập phát âm đúng, chuẩn Tiếng Việt từ đó các em dần dần cảm nhận về những kiến thức cơ bản mà thông qua ngôn ngữ mới có được để từ đó các em mới thấm nhuần ý nghĩa giáo dục, tăng thêm niềm vui, niềm tự hào và tình yêu thiên nhiên, yêu tổ quốc trong mỗi cá nhân các em.

2) Những ý kiến đề xuất :

Khi dạy học nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh tiểu học giáo viên cần lưu ý:

– Coi trọng môn tiếng Việt ở nhiều phương diện không chỉ ở kỹ năng đọc, kể chuyện hay làm tập làm văn,.. mà còn giáo dục giá trị của các phẩm thông qua năng lực cho học sinh.

– Giáo viên cần đầu tư chú trọng nhiều hơn nữa đến môn học này. Vì đây là một môn học chủ lực, môn học công cụ để học tập các môn khác.

– Giáo viên cần vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh.

– Ngoài việc ở lớp giáo viên cần phải hướng dẫn học sinh luyện viết ở nhà. Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh để có biện pháp giúp đỡ các em rèn luyện ở nhà.

Nói tóm lại, trong dạy học phân môn tập đọc, người giáo viên nên vận dụng những biện pháp và phương pháp thích hợp, phù hợp với học sinh mình để nâng cao hiệu quả bài học cho học sinh. Mặt khác giáo viên cần được trang bị đầy đủ về các kiến thức về ngôn ngữ học, cố gắng tìm tòi nghiên cứu các tài liệu có liên quan đến phương pháp dạy môn tiếng Việt để từng bước nâng cao tay nghề của mình.

Nội dung của đề tài này xin được dừng lại, vì thời gian nghiên cứu có hạn nên nội dung nghiên cứu chưa được sâu sắc. Tôi mong rằng về sau sẽ có nhiều đề tài nghiên cứu lĩnh vực này sâu rộng hơn.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Sách giáo khoa – sách giáo viên Tiếng Việt lớp 1, 2, 3, 4 và 5. Nhà xuất bản giáo dục 2006
  2. GS Đặng Vũ Hoạt : Giáo dục học tập 1, tập 2 – giáo trình đào tạo CĐSP và ĐHSP. Nhà xuất bản giáo dục 1998.
  3. Lê A – Thành Thị Yến Mỹ – Lê Phương Nga …Phương pháp dạy học tiếng Việt – giáo trình dùng trong các trường sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học.
  4. PGS Trương Dĩnh Phát triển ngôn ngữ cho học sinh phổ thông – NXB Đà Nẵng 1999.
  5. PGS-PTS Lê Xuân Thại Tiếng Việt trong trường học – NXB Đại học quốc gia Hà Nội 1999

 

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ TẢI FILE WORD

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng