Một số biện pháp nâng cao chất lượng môn Luyện từ và Câu

  1. Giúp học sinh mở rộng vốn từ

           Để học sinh nâng cao chất lượng học phân môn luyện từ và câu, việc đầu tiên là rèn cho các em kỹ năng nghe, nói, hiểu và viết đúng chính tả. Trên cơ sở đó. Các em dễ dàng tiếp thu kiến thức về vốn từ, nghĩa của từ.

          Trong phần tìm hiểu nghĩa của từ, để học sinh tiếp thu và vận dụng tốt kiến thức chúng ta cần phối hợp nhiều cách tổ chức cho học sinh thảo luận, sưu tầm, luyện tập vào văn cảnh cụ thể để nắm được nghĩa của nhóm từ đó.

          Như đã nói ở trên việc mở rộng vốn từ cho học sinh tương đối khó bởi vì khả năng ngôn ngữ của các em còn hạn chế. Tuy nhiên, những hình thức tổ chức học tập phù hợp cũng sẽ giải quyết được vấn đề này. Một số chủ đề có phần khó hiểu đối với các em, giáo viên định hướng về mặt ngữ nghĩa của chủ đề để học sinh dễ chủ động tiếp thu và mở rộng về vốn từ theo từng bài tập đã xây dựng.

          Đa số các chủ đề mở rộng vốn từ trong chương trình có vốn từ Hán Việt khá nhiều làm cho học sinh gặp khó khăn, tuy vậy giáo viên nên chọn giải pháp thực hành từ các tình huống giao tiếp thực tế sẽ giúp các em dễ dàng hơn trong việc hiểu nghĩa của từ.

          Ví dụ:

          Chủ đề: Trung thực – Tự trọng (Tiếng Việt 4 tâp 1 trang 48), giáo viên tổ chức cho học sinh tìm hiểu nghĩa của từ trung thực trong một tình huống như trong giờ kiểm tra, Lan không làm bài được, bạn bên cạnh đã làm xong và đưa cho Lan chép nhưng Lan nhất định không chép. Sau khi học sinh đã nắm được nghĩa của từ, giáo viên cho học sinh tìm thêm các từ đồng nghĩa với từ trung thực. Với cách dạy như vậy, giáo viên không những giúp các em khắc sâu kiến thức mà còn giúp nâng cao khả năng mở rộng vốn từ của các em.

          Trong một bài học về mở rộng vốn từ thường có bài tập về viết một đoạn văn ngắn nói về nội dung về vốn từ được mở rộng, đây là dạng bài tập tổng hợp vừa củng cố vừa vận dụng vốn từ và thực hành viết câu, làm văn cho nên giáo viên có sự chuẩn bị trong việc uốn nắn các em về cách dùng từ, viết câu và diễn đạt nội dung.

  1. Luyện kỹ năng viết câu cho học sinh

          Trong thực tế, yêu cầu với học sinh lớp 4 là phải biết nói, biết diễn đạt thành câu và viết đoạn văn. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, những lỗi viết câu ở nhiều dạng khác nhau, vẫn còn xuất hiện nhiều. Và đó là nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc xây dựng đoạn văn, hạn chế trong kỹ năng viết văn của học sinh về lâu dài nếu không được chấn chỉnh kịp thời. Vì thế khi rèn kỹ năng viết câu, giáo viên chú ý hướng dẫn cho học sinh thực hiện được những yêu cầu cơ bản sau:

  1. Hướng dẫn học sinh viết đúng cấu tạo ngữ pháp

          Để học sinh viết câu đúng cấu tạo ngữ pháp, trước hết phải dạy cho học sinh nắm vững các kiến thức cơ bản về ngữ pháp trong câu. Nhận biết được thành phần nòng cốt câu. Cho học sinh nhận xét, phát hiện các thành phần còn thiếu trong câu. Từ đó, hướng dẫn học sinh đặt câu có đầy đủ thành phần chính.

          Ví dụ: Hằng năm, cứ vào ngày 2 – 9, thường tổ chức hội thi đua thuyền trên sông Hàn.

       Cho học sinh nhận xét, xác định thành phần câu để học sinh tự phát hiện đây là câu thiếu thành phần chủ ngữ và cho học sinh chữa lại câu trên.

Hằng năm, cứ vào ngày 2 – 9, thường tổ chức hội thi đua thuyền trên sông Hàn.

Trạng ngữ                                                                 Vị ngữ

          Sửa lại: Hằng năm, cứ vào ngày 2 – 9, thành phố em thường tổ chức hội thi đua thuyền trên sông Hàn.

          Về mặt ngữ pháp, đa số học sinh biết viết câu theo yêu cầu bài tập. Thường thì các em hay mắc lỗi về dấu câu như: quên ghi dấu, sử dụng dấu chấm câu không theo mục đích nói của câu …Với những lỗi như vậy giáo viên sửa sai tại chỗ cho học sinh. Giáo viên nêu câu hỏi, gợi ý để học sinh tự phát hiện lỗi và hướng dẫn các em nhớ và rút kinh nghiệm. Giáo viên có thể ghi lại lưu ý với học sinh dưới bài tập sai đó để học sinh lưu ý.

          Trong hoạt động giao tiếp, giáo viên cần gợi mở cho học sinh tìm tòi, suy nghĩ …để có sáng tạo hơn thông qua hoạt động giao tiếp trong và ngoài lớp, tạo cho các em có thói quen quan sát, đánh giá, nhìn nhận một sự việc, một vấn đề nào đó và diễn đạt điều đó bằng vốn từ ngữ, ngôn ngữ của mình. Tránh và hạn chế tối đa việc sử dụng từ không đúng lúc, không đúng chỗ, nói năng không trọn câu. Điều chỉnh kịp thời về lỗi dùng từ, đặt câu cho học sinh.

           Trong câu các từ phải được sắp xếp theo những quy tắc nhất định đã được sử dụng rộng rãi, được công nhận trong văn viết và nói. Những quy tắc ngữ pháp, ngữ nghĩa về trật tự các từ chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình đặt câu. Như chủ ngữ thường đứng ở đầu câu, vị ngữ thường đứng sau chủ ngữ. Chủ ngữ, vị ngữ gắn kết với nhau bằng quan hệ chủ ngữ. Trong mối quan hệ này, chủ ngữ nêu đối tượng thông báo, còn vị ngữ chứa đựng nội dung thông báo về đối tượng ấy. Chủ ngữ trả lời cho câu hỏi Ai, Cái gì,.. còn vị ngữ trả lời cho câu hỏi Làm gì, Như thế nào,…

          Biết tuân thủ, vận dụng quy tắc ngữ pháp, ngữ nghĩa thích hợp, sáng tạo, biết cách vận dụng các biện pháp tu từ nghệ thuật trong câu, ta sẽ viết câu đúng và hay.

     Ví dụ: Nói: “Bạn học rất khá.” chứ không nói “Bạn rất học khá” hay “Anh bao giờ đi?” Và “Anh đi bao giờ?” Đây là hai trường hợp câu hỏi khác nhau chỉ quá khứ, hành động đã xảy ra rồi. Như vậy, khi đặt câu cần phải sắp xếp trật tự từ một cách thích hợp, có dụng ý nghệ thuật, sáng nghĩa mới lôi cuốn được người đọc, người nghe.

  1. Hướng dẫn học sinh diễn đạt logic và trọn ý khi viết câu

          Giáo viên cần phải diễn đạt cho học sinh nói và viết sao cho mỗi câu đều hợp với quy luật suy nghĩ thông thường, làm sao mỗi ý trong mỗi câu ăn khớp với nhau về nghĩa.

Ví dụ:  Cháu sẽ viết thư này định gửi thăm bà nhưng bà nhận được không.

     Câu sai về logic vì  nói: “Sẽ ” Viết thư nhưng thật ra là “Đang” viết thư, sự việc đang hiện ra ở hiện tại nhưng “bà nhận được không?” lại là sự việc được hỏi ở quá khứ.

       Hướng dẫn học sinh sử dụng từ ngữ gợi cảm, gợi tả vào cách sử dụng các biện pháp tu từ khi viết câu:

          Câu do từ cấu tạo thành. Vì thế, khi nói hoặc viết một câu ta phải dùng từ cho chính xác. Tức là cách dùng từ có chọn lựa, để tìm ra từ đúng nhất, có giá trị nghệ thuật nhất phù hợp với ý cần diễn đạt.

Ví dụ 1 :  Các bạn tận tụy chăm sóc, giúp đỡ Kí viết ngày càng tiến bộ hơn.

Chữa lại là: Được các bạn giúp đỡ tận tình, với sự nỗ lực cố gắng của bản thân, chữ viết của Kí đã ngày càng tiến bộ hơn.

Ví dụ 2: Đặt câu thuộc chủ đề Nhân hậu – Đoàn kết (TV 4 Tập 1 trang 17) HS đã viết: Cậu bé với tấm lòng nhân hậu, hành động cụ thể, bày tỏ của mình đã xót thương cho thân phận của ông lão ăn xin.

 Chữa lại là: Với tấm lòng nhân hậu, câu bé đã bày tỏ sự xót thương và niềm cảm thông cho thân phận của ông lão ăn xin bằng hành động cụ thể của mình.

          Ngôn ngữ Tiếng Việt có số lượng từ rất phong phú, đa dạng về ngữ nghĩa. Khi hướng dẫn học sinh đặt câu giáo viên cần chú ý các hiện tượng từ đồng nghĩa (như mênh mông, bao la, thênh thang,…) từ trái nghĩa (như trung thực – giả dối, lạc quan – bi quan). Ngoài ra có từ đồng âm khác nghĩa, từ gần nghĩa, từ do vay mượn tiếng nước ngoài như từ gốc Hán (nghị lực, nỗ lực…)

  1. Một số bài tập minh họa để rèn kĩ năng dùng từ ,viết  câu

            Bước đầu ra bài tập những bài tập nhỏ, dễ làm, dần tôi nâng cao lên vừa sức các em. Rèn cho các em những bài tập có liên quan đến nhược điểm mà các em thường mắc phải từ đơn giản đến phức tạp.

            Ví dụ 1: Trong những dòng sau đây, dòng nào đã thành câu?

          +  Trời mùa thu

          +  Bác rất vui khi thấy các cháu đều ngoan

          +  Học sinh lớp 4/7

          +  Tất cả học sinh trường em

          +  Trong cặp có 4 quyển vở

GV nêu câu hỏi: Đề yêu cầu ta làm gì? (chỉ ra những dòng đã thành câu).

            Học sinh sẽ tìm ra những dòng đã thành câu, từ đó khắc sâu cho các em khái niệm về câu và cách tìm.

          – Vì sao những dòng đó đã thành câu? (vì đã diễn đạt được một ý trọn vẹn,người nghe hiểu được )

          –  Đồng thời cũng yêu cầu học sinh nêu các dòng nào chưa thành câu? Vì sao? ( Khuyết đi bộ phận nào? )

             Ví dụ 2: Chỉ ra các bộ phận chính trong câu sau:

          –  Nam viết thư  cho bố.

          –  Mặt trăng tròn tỏa sáng rực rỡ.

          –  Cây phượng đã thay lá.

          –  Trong đêm tối, con mèo nhà em đang rình chuột.

          Để chỉ ra các bộ phận chính chủ ngữ và vị ngữ trong các câu đó thì bắt buộc học sinh phải nhớ lại:

          – Cách tìm chủ ngữ bằng cách đặt câu hỏi:  Ai? cái gì? Con gì?

          – Tìm vị ngữ bằng cách đặt câu hỏi: Làm gì? Như thế nào?

          Từ đó các em dễ dàng xác định bộ phận chính chủ ngữ,vị ngữ trong câu. Khi làm dạng bài tập này, tôi lưu ý thêm về vị trí chủ ngữ và vị ngữ trong câu (chủ ngữ đứng trước, vị ngữ đứng sau ) nhưng đôi lúc ta cũng gặp vị ngữ đứng trước, chủ ngữ đứng sau.

          Ví dụ:     Bạc phơ mái tóc ngươi cha.

               Dưới bóng tre ngàn xưa, thấp thoáng mái chùa cổ kính.

Ví dụ trên giáo viên hướng dẫn cho học sinh hiểu đó còn lại là câu đảo ngữ (sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ) có tác dụng nhấn mạnh tính chất, đặc điểm, hoạt động của bộ phận chủ ngữ.

VD 3: Ghép các từ ngữ ở cột A với các từ ngữ ở cột B để tạo thành câu kể Ai làm gì?                                A                                                      B

                               Đàn cò trắng                            kể chuyện cổ tích

                                Bà em                                      giúp dân gặt lúa

                                Bộ đội                                     bay lượn trên cánh đồng

                                                     (Tiếng Việt 4, tập 1, trang 172 )

     Với dạng bài tập này rèn luyện kĩ năng viết câu đúng ngữ nghĩa. Khi hướng dẫn học sinh làm bài tập này cũng như khi chấm bài tránh chê bài làm học sinh chán nản dẫn đến sợ học môn luyện từ và câu. Vì vậy tôi động viên, khen ngợi tạo cho các em sự hứng thú, ham học. Em nào làm sai tôi cho em đọc câu đó và hỏi câu đó có logic chưa? Nghĩa câu có phù hợp không sau đó hướng dẫn cho em làm lại và tuyên dương em đó.

  Ví dụ 4: Đặt một vài câu kể:

– Kể các việc làm hằng ngày sau khi đi học về.

– Tả chiếc bút em đang dùng.

– Trình bày ý kiện của em về tình bạn.

– Nói lên niềm vui của em khi nhận điểm tốt.

Dạng bài tập này giúp các em dùng từ ngữ phù hợp, chính xác rèn kĩ năng nói, viết thành câu.

Tất cả các dạng bài tập trên các em đều đã học ở trên lớp, như tôi đã nêu ở phần trên, đối với học sinh giỏi  thì quá dễ dàng nhưng đối với học sinh trung bình, yếu thì cực kì khó khăn. Vì vậy với thời gian ở trên lớp các em làm bài vào vở nháp, đọc lên cho cả lớp nghe và nhận xét, bổ sung, sau đó, về nhà làm lại bài một lần nữa. Tôi phân công đôi bạn học tập ( 1 giỏi – 1 yếu ), em giỏi có nhiệm vụ đọc và hướng dẫn em yếu khi đã làm lại nhiều lần, đến khi nào không còn sai lỗi chính tả, sai lỗi dùng từ, đặt câu đầy đủ hai bộ phận chính thì cho bạn ghi vào vở. Đến tiết học sau mang lên cho giáo viên kiểm tra lại một lần nữa.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng