Một số biện pháp nâng cao chất lượng để hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số khi học phân môn Tập đọc lớp học 2

Một số biện pháp nâng cao chất lượng để hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số khi học phân môn Tập đọc lớp học 2

I.1. Lý do chọn đề tài:

     Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em sinh sống, mỗi dân tộc có những văn hóa riêng đã góp phần tạo nên một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Hầu hết các dân tộc đều có ngôn ngữ riêng và một số dân tộc đã có chữ viết riêng như dân tộc Ê đê, Jrai, … nên việc trao đổi, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, điều đó cần phải đòi hỏi có một ngôn ngữ chung cho tất cả các dân tộc. Ở nước ta, dân tộc Kinh chiếm đa số (khoảng 86% dân số cả nước ) nên ngôn ngữ của dân tộc Kinh là tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chung cho cả nước. Trong thực tế tiếng Việt đã thực sự là công cụ giao tiếp, là phương tiện để giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Như vậy, tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ chính thức, ngôn ngữ phổ thông của Việt Nam.

    Trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước rất cần đến sự góp sức chung tay của tất cả các dân tộc, đắc biệt là trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Muốn nền giáo dục phát triện đồng bộ thì vấn đề dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số là vấn đề cần được Đảng và nhà nước quan tâm. Đa phần học sinh dân tộc thiểu số ở các địa phương vốn tiếng Việt rất hạn chế, vì vậy trong quá trình học tập các em cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc học tiếng Việt nói chung và học phân môn Tập đọc nói riêng. Từ những yêu cầu và mục tiêu giáo dục đặt ra thì cần có những biện pháp hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số học phân môn Tập đọc.

     Bên cạnh những lí do đó thì bản thân tôi là một giáo viên Tiểu học, đối tượng học sinh của tôi cũng bao gồm các em học sinh dân tộc thiểu số nên tôi chọn đề tài nghiên cứu “Một số biện phápnâng cao chất lượng để hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số khi học phân môn Tập đọc lớp học 2 ” nhắm tìm ra một số biện pháp hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số học tiếng Việt nói chung và phân môn Tập đọc nói riêng, để giúp các em nâng dần khả năng đọc – hiểu tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt làm công cụ để giao tiếp và chiếm lĩnh tri thức. Đồng thời, bản thân tôi cũng có thêm những kinh nghiệm để phục vụ cho công việc giảng dạy sau này.

b, Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp,biện pháp.

       Qua thực tiễn dự giờ thăm lớp, tìm hiểu đối tượng, thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề và các tiết dự giờ cũng như các chuyên đề ở các tổ khối; trong quy mô toàn trường, tôi luôn coi trọng và chú ý lắng nghe, đề xuất ý kiến về các giải pháp nâng cao chất lượng đọc cho các em học sinh dân tộc nhằm nâng cao kĩ năng sử dụng tiếng Việt cho các em. Đồng thời, tôi luôn tìm tòi sáng kiến để cải tiến phương pháp dạy học nâng cao chất lượng giờ dạy Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, làm sao cho các em đọc đạt hiệu quả cao hơn.

     Một số phương pháp dạy học hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số học phân môn tập đọc lớp 2 là: Khi dạy tập đọc giáo viên thường sử dụng phối hợp nhiều phương pháp dạy học khác nhau để giúp học sinh học tập đạt hiệu quả cao như:

 1/ Phương pháp thuyết trình: Được sử dụng vào tất cả các thời điểm của tiết học, giáo viên sử dụng phương pháp thuyết trình để giới thiệu chủ điểm, giới thiệu bài mới, để giải nghĩa từ, để kết luận nội dung bài nhằm giúp học sinh hiểu và nắm bài.

  Ví dụ:

    – Giới thiệu chủ điểm Thầy cô ( sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 55) và bài mở đầu chủ điểm Người thầy cũ ( sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 56), giáo viên sử dụng phương pháp thuyết trình để giới thiệu cho học sinh như sau:

       + Nhân dân ta có câu “ Công cha, nghĩa mẹ, chữ thầy”. Những bài học trong tuần 7,8 gắn với chủ điểm Thầy cô sẽ giúp các em hiểu thêm về tấm lòng của thầy, cô giáo với học sinh và tình cảm biết ơn của học sinh với thầy cô giáo.

       + Truyện đọc mở đầu chủ điểm Thầy cô- Người thầy cũ – kể chuyện một chú bộ đội về trường thăm lại thầy giáo cũ. Thầy giáo ấy bây giờ đang dạy con trai của chú. Chúng ta hãy đọc truyện để biết bạn học sinh nghĩ gì khi nhìn thấy bố của mình đến thăm thầy giáo cũ.

  – Giáo viên sử dụng phương pháp thuyết trình để giải nghĩa từ và nêu nội dung bài đọc Bông hoa niềm vui( sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 104):

     + Giáo viên giải thích cho học sinh hiểu nghĩa của từ:

            Cúc đại đóa: loại hoa cúc to gần bằng cái bát ăn cơm.

            Sáng tinh mơ: sáng sớm, nhìn mọi vật còn chưa rõ hẳn.

            Dịu cơn đau: giảm cơn đau, thấy dễ chịu hơn.

            Trái tim nhân hậu: tốt bụng, biết yêu thương con người.

     + Giáo viên kết luận nội dung bài đọc cho học sinh hiểu: Truyện ca ngợi tấm lòng hiếu thảo của bạn Chi đối với bố.

 2/ Phương pháp thảo luận nhóm: Có tác dụng hình thành ở học sinh khả năng giao tiếp, khả năng hợp tác, khả năng thích ứng và khả năng độc lập suy nghĩ.

  Phương pháp này được giáo viên sử dụng vào thời điểm thích hợp như: đầu bài học, giữa bài học, cuối bài học và thời gian từ 5-7 phút. Trong dạy học tập đọc thảo luận nhóm thường dùng khi dạy học sinh tìm hiểu bài, giáo viên yêu cầu học sinh làm việc theo những nhóm nhỏ để tìm câu trả lời cho câu hỏi.

  Sử dụng phương pháp này phát huy tối đa sự chú ý của học sinh vào bài học, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, giúp học sinh ghi nhớ kiến thức lâu, tạo không khí lớp học thoải mái, sôi nổi.

  Ví dụ: – Bài:“ Ông Mạnh thắng Thần Gió” ( Tiếng Việt 2, tập 2, trang 13).

     Giáo viên cho học sinh thảo luận nhóm trả lời câu hỏi:

    “ Ông Mạnh tượng trưng cho ai? Thần Gió tượng trưng cho cái gì?”

     – Bài:“  Sơn Tinh, Thủy Tinh” ( Tiếng Việt 2, tập 2, trang 60). 

    “ Câu chuyện này nói lên điều gì có thật?

         a, Mị Nương rất xinh đẹp.

         b, Sơn Tinh rất tài giỏi.

         c, Nhân dân ta chống lũ lụt rất kiên cường.

      Vì sao em lựa chọn như vậy?

   Thông qua thảo luận học sinh sẽ cùng làm việc, tìm câu trả lời và mỗi nhóm sẽ có những lí giải riêng cho sự lựa chọn của nhóm.

3/ Phương pháp hỏi đáp: Có tác dụng tăng khả năng suy nghĩ độc lập và sáng tạo của học sinh, là hình thức đối thoại giữa giáo viên và học sinh.

   Trong dạy học tập đọc phương pháp hỏi đáp thường được dùng khi giáo viên yêu cầu học sinh tìm ý nghĩa của bài đọc, khi giáo viên củng cố lại bài học cho học sinh nhớ thông qua hệ thống câu hỏi đã được giáo viên chuẩn bị từ trước.

  Ví dụ:

    Bài “ Tôm Càng và Cá Con” ( Tiếng Việt 2, tập 2, trang 68).

      “ Em thấy Tôm Càng có gì đáng khen? Qua đó, em học tập được gì?”

    Bài “  Bảo vệ như thế là rất tốt” ( Tiếng Việt 2, tập 2, trang 113).

      “ Em thích chi tết nào? Vì sao?”

4/ Phương pháp nêu vấn đề: Là phương pháp tích cực nhằm chuẩn bị trực tiếp cho học sinh khả năng giải quyết vấn đề, khă năng thích ứng và khả năng hợp tác.

    Phương pháp này giúp học sinh nhớ bài nhanh và nhớ lâu hơn. Sử dụng phương này tạo ra không khí học tập sôi nổi, tạo hứng thú tìm tòi ở học sinh.

  Ví dụ:

   – Bài“Phần thưởng” ( Tiếng Việt 2, tập 1, trang 13).

   “ Trong lớp em cũng có bạn tốt bụng như bạn Na, em sẽ làm gì để động viên bạn và giúp bạn học giỏi?”

    – Bài“ Bán chó” ( Tiếng Việt 2, tập 1, trang 124).

  “ Em sẽ chọn cách làm như thế nào nếu em là bạn Giang?”

    Khi dạy học tập đọc giáo viên sử dụng các phương pháp dạy học trên đem lại hiệu quả cao, học sinh tiếp thu bài tốt, tạo giờ học thoải mái và học sinh phát huy được tính tích cực, chủ động trong quá trình học tập. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp này trong dạy học tập đọc cho học sinh dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn và chưa phát huy hết ưu điểm của các phương pháp này do vốn Tiếng việt của các em còn hạn chế. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng các phương pháp dạy học trên thì khi dạy học Tập đọc cho học sinh dân tộc thiểu số giáo viên cần kết hợp một số phương pháp dạy học đặc trưng cho dạy học ngôn ngữ thứ hai để giúp cho học sinh tiếp thu bài tốt hơn, đáp ứng được mục tiêu tăng cường vốn tiếng việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

* Sử dụng các phương pháp đặc trưng cho việc dạy học ngôn ngữ thứ hai:             Học sinh dân tộc thiểu số học tiếng việt là ngôn ngữ thứ hai cho nên trong quá trình dạy học giáo viên cần lựa chọn các phương pháp dạy học đặc trưng cho ngôn ngữ thứ hai để thông qua đó giúp các em học tập đáp ứng mục tiêu của mỗi bài học và mục tiêu tăng cường tiếng việt. Do đó, giáo viên cần biết một số nguyên tắc lựa chọn các phương pháp trong dạy kĩ năng đọc Tiếng việt cho học sinh dân tộc thiểu số dưới đây:

    – Chọn những phương pháp dạy học phù hợp với đặc trưng của việc dạy kĩ năng đọc( phương pháp dạy học thực hành giao tiếp trong đó tập trung vào các hình thức tổ chức học sinh thực hành đọc văn bản, đàm thoại giữa giáo viên và học sinh; phương pháp ngôn ngữ trong đó tập trung vào tổ chức hoạt động để học sinh hiểu cấu trúc ngữ pháp, hiểu nghĩa của từ ngữ trong bài; phương pháp tổ chức hoạt động đặt và giải quyết vấn đề, hoạt động tham gia trò chơi học tập ngôn ngữ…).

  – Chọn những phương pháp dạy học phù hợp với đặc trưng của việc dạy ngôn ngữ thứ hai ( phương pháp dạy học trực tiếp, phương pháp dạy học ngôn ngữ giao tiếp, phương pháp trực quan hành động, phương pháp sử dụng tiếng tiếng mẹ đẻ, phương pháp dạy học bằng tổ chức các hoạt động hỗ trợ học ngôn ngữ thứ hai).

 – Sử dụng phối hợp một số phương pháp dạy học, không dùng chỉ duy nhất một phương pháp dạy học trong một bài đọc.

 – Vận dụng phương pháp dạy học vào từng hoạt động dạy học trong bài: cần chỉ rõ khi vận dụng một phương pháp dạy học thì dùng nó trong hoạt động nào, học sinh phải làm gì, cần đồ dùng dạy học gì.

 Dưới đây là một số phương pháp đặc trưng cho dạy học ngôn ngữ thứ hai:

   + Phương pháp dạy học trực tiếp:

     Dạy học tiếng việt thông qua chính tiếng việt, không thông qua các biện pháp trung gian nào, nghĩa là sử dụng tiếng việt để dạy học sinh nói tiếng việt; tạo môi trường tiếng việt ngay trong giờ học. Giáo viên chỉ sử dụng tiếng dân tộc trong các trường hợp cần thiết, tránh khuynh hướng vì học sinh chưa biết tiếng việt mà giáo viên sử dụng tràn lan tiếng mẹ đẻ của các em trong quá trình lên lớp.

      Giáo viên triệt để sử dụng hiện vật, mô hình, vật mẫu, tranh ảnh, điệu bộ, cử chỉ… trong việc cung cấp từ. Giáo viên cần chỉ vào ảnh, vật thực, mô hình… khi cung cấp nghĩa từ, cũng như khi tiến hành đối thoại; đồng thời cũng yêu cầu học sinh thực hiện như vậy.

     Phương pháp dạy học trực tiếp thường dùng trong tổ chức hoạt động cho học sinh định hướng chú ý vào bài đọc mới ( giới thiệu bài mới), hoạt động đọc trơn và đọc thầm, hoạt động hiểu nghĩa của từ, nghĩa của câu và nội dung của bài.

    Ví dụ: Khi thực hiện phần Giới thiệu bài của một bài tập đọc, giáo viên cùng trò chuyện, trao đổi với học sinh về nội dung bài học mới trên cơ sở tranh minh họa, trên cơ sở những gợi ý của giáo viên về nội dung bài học nhằm làm cho học sinh có tâm thế sẵn sàng học bài ( học sinh biết sẽ được đọc bài có nội dung gì hoặc học sinh muốn biết bài đọc nói về điều mà các em thích). Sau đây là một cách giới thiệu bài Sáng kiến của bé Hà ( Tiếng việt 2, tập 1, trang 78) cho một lớp học học sinh dân tộc thiểu số:

GV: Các em nhìn trong tranh có ai?

HS: Trong tranh có ông và bạn gái.

GV:Đúng là tranh vẽ ông, ông đang ôm bạn Hà. Em đoán xem: Ông và bạn Hà cầm cái gì? Ông nói gì với bạn Hà?

HS: Ông và bạn Hà cầm sách. Ông kể chuyện trong sách.

GV: Cô và các em cùng đọc bài để hiểu rõ hơn bạn Hà và ông đang làm gì nhé!

+ Phương pháp ngôn ngữ giao tiếp:

     Thường dùng trong tổ chức các hoạt động đọc hiểu nghĩa của câu, hiểu ý của đoạn và vận dụng đơn giản nội dung bài học vào giải quyết tình huống thực tế.

          Ví dụ: Khi củng cố bài học đọc, bên cạnh việc củng cố kĩ năng đọc trơn, giáo viên còn củng cố kĩ năng đọc hiểu thông qua việc tổ chức cho học sinh biết liên hệ với nội dung bài đọc với định hướng hành động của bản thân học sinh. Cách tổ chức hoạt động này thường là dựa trên phương pháp dạy học ngôn ngữ giao tiếp: giáo viên nêu ra một tình huống tương tự như tình huống có trong bài đọc và động viên học sinh suy nghĩ, tìm cách giải quyết tình huống, trình bày cách giải tình huống của mình bằng tiếng Việt cho rõ ràng. Dưới đây là một cách củng cố kĩ năng đọc hiểu cho học sinh dân tộc thiểu số trong bài Sáng kiến của bé Hà:

GV: Em kể lại việc bạn Hà đã làm để ông vui.

HS: Bạn Hà đã đạt được nhiều điểm 10 để ông vui.

GV: Hãy nói về một việc em đã làm để ông hoặc bà, cha, mẹ em vui.

HS: Em đã việt đẹp để bố mẹ em vui./ hoặc: Em đã quét nhà để bà em vui…

+ Phương pháp trực quan hành động:

     Là phương pháp học ngôn ngữ mới thông qua nghe, quan sát và thực hiện bằng phản ứng cơ thể. Phương pháp này được tiến hành theo ba bước: hướng dẫn, làm mẫu, thực hành đối với bốn loại trực quan hành động cơ bản: trực quan hành động sử dụng cơ thể, trực quan hành động sử dụng đồ vật ( vật thật, vật mẫu), trực quan hành động sử dụng tranh, trực quan hành động sử dụng câu chuyện.

     Phương pháp trực quan hành động thường dùng trong tổ chức hoạt động hiểu nghĩa của từ, hiểu nghĩa của câu, ý của đoạn.

     Ví dụ:

     – Giáo viên dùng phương pháp dạy học trực quan hành động để giải nghĩa từ ngữ dây đeo cặp, tuột bằng cách: giáo viên chỉ vào dây đeo cặp và phát âm từ đó đúng ba lần, sau đó từng học sinh cầm dây đeo cặp lên và phát âm lại theo giáo viên từ ngữ đó cũng ba lần. Tương tự: Giáo viên đeo cặp lên và để cho dây cặp tuột khỏi vai ba lần và phát âm tiếng tuột ba lần, sau đó học sinh thực hiện hành động và phát âm lặp lại như giáo viên đã làm ba lần. Sau khi đã học bằng trực quan hành động, học sinh hiểu nghĩa của hai từ ngữ này.

     – Giải nghĩa của từ mũ, đội mũ bằng cách: giáo viên chỉ vào cái mũ và phát âm đúng từ đó 3 lần, sau đó học sinh cầm mũ lên và phát âm lại theo giáo viên từ ngữ đó cũng 3 lần. Giáo viên đội mũ lên và phát âm từ đội mũ 3 lần, sau khi học sinh thực hiện hành động và phát âm lặp lại như giáo viên đã làm 3 lần. Sau khi đã học bằng trực quan hành động, học sinh hiểu nghĩa của hai từ ngữ này.

+ Phương pháp dùng tiếng mẹ đẻ:

     Là phương pháp dạy ngôn ngữ thứ hai ( Tiếng Việt ) thông qua cái cầu ngôn ngữ là tiếng của chính học sinh dân tộc thiểu số.

     Phương pháp dùng tiếng mẹ đẻ ( tiếng dân tộc) thường dùng trong tổ chức hoạt động: hiểu nghĩa của một số từ mới không có đồ dùng trực quan hỗ trợ việc học nghĩa, hiểu nghĩa của một số câu diễn đạt thông báo không quen thuộc với học sinh, hiểu ý nghĩa của bài đọc, tham gia các trò chơi học đọc thành tiếng và đọc hiểu. Khi dùng phương pháp này, nhân viên hỗ trợ giáo viên sẽ phối hợp với giáo viên thực hiện.

     Ví dụ:

     Trong bài Sáng kiến của bé Hà có một số từ ngữ chỉ khái niệm như sáng kiến, cây sáng kiến, ngày lập đông. Những từ ngữ này khó giải thích cho học sinh dân tộc thiểu số do các em chưa đủ vốn tiếng Việt để hiểu lời giải thích. Trong trường hợp này giáo viên hoặc nhân viên hỗ trợ giáo viên dùng tiếng dân tộc để giải thích nghĩa từ cho học sinh là tốt hơn cả. Ví dụ: sáng kiến là những điều mới do một người hoặc vài người nghĩ ra, cây sáng kiến là người nghĩ ra nhiều điều mới, ngày lập đông là ngày bắt đầu lạnh trong một năm.

+ Phương pháp dạy học bằng tổ chức các hoạt động hỗ trợ:

     Phương pháp dạy học bằng tổ chức các hoạt động hỗ trợ thường dùng trong tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi học đọc trong lớp, trong tổ chức các hoạt động học đọc ở ngoài giờ học để tăng cường khả năng đọc và hứng thú học đọc của học sinh.

     Ví dụ 1: Để cho học sinh có một môi trường đọc rộng hơn, giáo viên có thể thành lập tủ sách dùng chung trong lớp hoặc tủ sách dùng chung cho một điểm trường. Trong những sách đó có những sách do nhà trường cung cấp, do giáo viên sưu tầm, do học sinh sưu tầm. Giáo viên hướng dẫn học sinh tự tìm sách trong tủ để đọc và cung cấp cho mỗi em một phiếu đọc. Trong phiếu có yêu cầu ghi tên sách đã đọc, ghi một vài điều em thích trong sách. Sau khi học sinh đọc, hàng tuần giáo viên dành khoảng 1 giờ để học sinh giới thiệu sách từng đọc cho các bạn trong lớp nghe ( theo nội dung đã ghi trong phiếu đọc). Hoạt động này giúp các em được đọc nhiều hơn trong môi trường đọc rộng hơn, làm cho các em hứng thú đọc hơn và truyền hứng thú đọc của mình sang các bạn trong lớp.

     Ví dụ 2: Giáo viên tổ chức cho từng học sinh hoặc nhóm học sinh đọc những mẩu chuyện ngắn có tranh minh họa in trên khổ giấy to để học sinh luyện đọc ( kết hợp với luyện nhớ một số từ và hiểu một vài mẫu câu đã học).

    Dạy kĩ năng đọc chủ yếu tập trung và việc giao các nhiệm vụ để học sinh thực hành (thực hành đọc trơn và đọc hiểu). Dạy đọc tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai lại càng cần tăng cường hơn nhiệm vụ thực hành vì thực hành là con đường ngắn nhất để học sinh dân tộc thiểu số có thể dùng được tiếng Việt trong học tập và giao tiếp. Việc tăng cường nhiệm vụ thực hành đọc tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số được thể hiện ở các phần của bài học: luyện đọc đúng, đọc trơn các từ, câu đoạn, bài và đọc thầm (đọc thầm bắt đầu ở học kì II của lớp 2); tăng cường đọc hiểu nghĩa của từ, câu, ý của đoạn. Biện pháp tăng cường nhiệm vụ thực hành đọc được thực hiện chủ yếu qua việc giao cho học sinh thực hiện những bài tập làm miệng và bài tập viết có sự hỗ trợ của kênh hình. Để thực hiện tăng cường thực hành đọc, giáo viên cần điều chỉnh một số câu hỏi, bài tập ở cuối mỗi bài tập đọc trong sách giáo khoa cho phù hợp với mục tiêu của bài.

     Để nâng cao chất lượng dạy học và học Tiếng Việt lớp 2 nói chung và phân môn Tập đọc lớp 2 nói riêng cho học sinh dân tộc thiểu số thì bên cạch việc sử dụng các phương pháp dạy học Tập đọc thông thường giáo viên còn cần phải có những phương pháp hỗ trợ khác. Học sinh dân tộc thiểu số học tiếng Việt là học ngôn ngữ thứ hai giống như học sinh người Kinh học tiếng Anh, các em gặp rất nhiều khó khăn trong tiếng Việt từ việc phát âm các vần, các tiếng đến hiểu nội dung, hiểu nghĩa của các từ, nghe và nói tiếng Việt. Vì vậy, khi dạy Tập đọc thông thường với các phương pháp dạy ngôn ngữ thứ hai để giúp cho học sinh dân tộc thiểu số học và nắm bắt bài tốt hơn, đáp ứng được mục tiêu tăng cường tiếng Việt

 * Một số dạng bài tập thực hành dạy học phân  môn tập đọc lớp 2 cho học sinh dân tộc thiểu số

     Việc dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số theo sách giáo khoa Tiếng Việt hiện hành ( được biện soạn cho học sinh học tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ) có những khó khăn nhất định do sách không phù hợp với học sinh học tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai. Vì vậy khi dạy học sinh dân tộc thiểu số đọc theo sách này cần phải có những bài tập bổ trợ nhằm khắc phục những khó khắn trên. Bài tập bổ trợ là những bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa phù hợp với dạy đọc ngôn ngữ thứ hai, là một số bài tập bổ sung thay thế cho những bài tập trong sách giáo khoa chưa phù hợp với việc dạy ngôn ngữ thứ hai.

     Việc điều chỉnh một số bài tập có thể là:

       – Làm đơn giản các câu hỏi, bài tập có sẵn bằng cách chia nhỏ hoặc thay đổi cách diễn đạt trong câu hỏi, bài tập có sẵn;

       – Thêm hình minh họa, tranh ảnh để làm dễ hơn một số câu hỏi, bài tập có trong sách giáo khoa.

     Bên cạnh việc giữ lại,điều chỉnh, cần bổ sung một số bài tập mới, bớt đi một số câu hỏi, bài tập không vừa sức với học sinh dân tộc thiểu số trong một số bài tập đọc.   

     Các bài tập bổ trợ cho việc dạy đọc tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cần được lựa chọn, biên soạn theo một số nguyên tắc sau:

          – Kế thừa những câu hỏi, bài tập trong sách Tiếng Việt lớp 2 phù hợp với việc dạy đọc cho học sinh dân tộc thiểu số ( phù hợp với việc dạy đọc ngôn ngữ thứ hai).

         – Yêu cầu trong các bài tập bổ trợ thể hiện các mức độ cần đạt của kĩ năng đọc nêu trong Chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình môn Tiếng Việt ở từng lớp.

          – Yêu cầu trong các bài tập bổ trợ phản ánh đúng những khó khăn mà học sinh học đọc tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai gặp phải, để từ đó giúp cho học snh đạt được mục tiêu tăng cường tiếng Việt của từng bài.

          – Có một tỉ lệ thích hợp giữa các loại bài tập miệng với các loại bài tập viết, giữa bài tập có hình và bài tập không có hình, giữa các bài tập trắc nghiệm khách quan và bài tập tự luận.

          – Số lượng bài tập phù hợp với thời gian cho phép để dạy học một bài học cụ thể.

     Dưới đậy là một số kiểu dạng bài tập bổ trợ để dạy học đọc tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số:

+ Bài tập miệng:

  – Bài tập luyện đọc đúng từ:

     Các dạng bài tập này giúp cho học sinh đọc đúng các tiếng, từ khó trong bài, do có thể là những tiếng chứa vần mà học sinh dân tộc thiểu số thường phát âm sai, những tiếng mà vần có nguyên âm đôi hoặc những tiếng có các âm đầu như: d, đ, gi, r, l, n, s, x, tr, ch, …

       – Bài tập đọc đúng từ học sinh phát âm sai do ảnh hưởng của thói quen phát âm tiếng dân tộc:

          + Ví dụ 1: Đọc các từ ngữ trong bài Bạn của Nai Nhỏ (sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 23): ngăn cản, hích vai, thông minh, hung ác, gạc.

          Bài tập này luyện cho những học sinh dân tộc thiểu số khó phát âm các tiếng mà vần có âm cuối để  học sinh đọc đúng âm cuối trong phần vần của từng tiếng, từng từ.

          + Ví dụ 2: Đọc các từ ngữ trong bài Bàn tay dịu dàng(sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 66): âu yếm, thương yêu,kiểm tra, buồn.

          Bài tập này luyện cho những học sinh dân tộc thiểu số khó phát âm các tiếng mà vần có nguyên âm đôi để học  sinh đọc đúng nguyên âm đôi trong tiếng, từ.

      – Bài tập đọc các từ có vần khó: học sinh thường rất khó đọc những vần đòi hỏi cần có sự uốn lưỡi, tròn môi và học sinh dân tộc thiểu số để đọc được các vần đó thì còn khó khăn hơn. Vì vậy dạng bài tập này giúp các em luyện đọc to, đọc đúng các vần khó trong tiếng, từ.

          + Ví dụ 1: Đọc từ “ loay hoay” trong bài Chiếc bút mực (sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 40). Bài tập này luyện đọc đúng từ có vần oay.

 Bài tập đọc đúng câu:

 – Bài tập đọc câu có dấu hai chấm, dấu phẩy: dạng bài tập này giúp học sinh biết ngắt nghỉ hơi hợp lí ở những chỗ có dấu câu như: dấu phẩy, dấu chấm, dấu hai chấm.

  + Ví dụ 1: Đọc câu trong bài Bàn tay dịu dàng (sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 66): Sau đám tang bà, An trở lại lớp, lòng nặng trĩu nỗi buồn.

  Bài tập này luyện cho học sinh dân tộc thiểu số biết ngắt hơi ở những chỗ có dấu phẩy trong câu.

  + Ví dụ 1: Đọc câu trong bài Bà cháu (sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 86):Một hôm, có cô tiên đi qua cho một hạt đào và dặn: “ Khi bà mất, gieo hạt đào này bên mộ, các cháu sẽ giàu sang, sung sướng.”

  Cô tiên nói: “ Nếu bà sống lại thì ba bà cháu sẽ cực khổ như xưa, các cháu có chịu không?” Hai anh em cùng nói: “ Chúng cháu chỉ cần bà sống lại.”

  Bài tập này luyện cho học sinh dân tộc thiểu số biết ngắt hơi ở chỗ có dấu phẩy, chố có dấu hai chấm trong câu.

  – Bài tập đọc câu có độ dài trên10 từ cần ngắt hơi để tách ý: dạng bài này cũng giúp cho học sinh biết ngắt nghỉ hơi hợp lí nhưng ở đây là câu có độ dài trên 10 tiếng và các em phải xác định được ở chỗ nào cần ngắt nghỉ để ngắt nghỉ hơi cho hợp lí.

  + Ví dụ: Đọc và ngắt hơi ở câu trong bài Người mẹ hiền (sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 63):Cô phủi đất cát lấm lem trên người Nam/ và đưa em về lớp.

  Bài tập này luyện cho học sinh dân tộc thiểu số biết ngắt hơi ở câu dài, cần ngắt hơi để tách ý, từ đó giúp học sinh không ngắt hơi tùy tiện trong câu.

  Khi cho học sinh làm các bài tập miệng, giáo viên có thể thực hiện linh hoạt giữa tổ chức đọc cá nhân và đọc đồng thanh. Việc đọc đồng thanh thường được diễn ra sau đọc cá nhân và đọc đồng thanh. Việc đọc đồng thanh thường được diễn ra sau đọc cá nhân, khi cần phải củng cố cách đọc đúng cho tất cả học sinh trong lớp. Việc sử dụng các bài tập đọc từ, câu này giúp cho học sinh rèn luyện kĩ năng đọc thành tiếng, qua đó cho học sinh biết đọc với tốc độ vừa phải, biết ngắt nghỉ hơi hợp lí sau các dấu câu, biết tách ý trong các câu dài, trong các câu ghép để đọc đúng hơn, hay hơn.

– Bài tập đọc hiểu:

    Các dạng bài này giúp cho học sinh dân tộc thiểu số rèn kĩ năng đọc và hiểu nội dung bài đọc, rèn kĩ năng nói thông qua việc trả lời các câu hỏi của bài đọc hay câu hỏi yêu cầu của giáo viên.

 – Kể tên các nhân vật hoặc tên các sự việc có trong bài đọc: dạng bài này giúp cho học sinh nắm được các nhân vật, các sự việc xảy ra trong bài đọc, từ đó học sinh nói lại cho cả lớp cùng nghe.

+ Ví dụ1: Câu chuyện Bạn của Nai Nhỏ nói về những người nào? (sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 22):

+ Ví dụ 2: Câu chuyện Tôm Càng và Cá Con nói về những người bạn nào? (sách Tiếng Việt 2, tập 2, trang 68).

  Những bài tập dạng này luyện cho học sinh dân tộc thiểu số nhận ra nhân vật chính trong câu chuyện đã đọc.

– Bài tập nêu một số hiểu biết của cá nhân về một vài nội dung có trong bài đọc:dạng bài này giúp cho học sinh nói lên hiểu biết của mình qua việc trả lời các câu hỏi mà giáo viên đặt ra.

  + Ví dụ: Trong bài Mẹ (sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 101): giáo viên yêu cầu học sinh nói “ Em đếm được bao nhiêu ngôi sao trên trời?”. Bài tập này luyện cho học sinh dân tộc thiểu số chia sẻ hiểu biết của các em: sao trên trời nhiều vô kể, không đếm được, từ đó các em hiểu ý nghĩa của một hình ảnh so sánh trong bài:

             Những ngôi sao thức ngoài kia/

            Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con

– Bài tập phát biểu ý kiến là một câu trả lời: dạng bài này giúp học sinh rèn kĩ năng đọc và hiểu nội dung bài, kĩ năng nói thông qua việc đọc bài đọc học sinh trả lời các câu hỏi trong sách và phát biểu trước lớp.

       + Ví dụ: Sau mỗi bài tập đọc đều có hệ thống câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời để tìm hiểu bài.

         Chẳng hạn: Bài Có công mài sắt, có ngày nên kim (sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 4): có hệ thống câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời để tìm hiểu bài như sau:

1.Lúc đầu cậu bé học hành thế nào?

2.Cậu bé thấy bà cụ đang làm gì?

  1. Bà cụ giảng giải như thế nào?

4.Câu chuyện này khuyên em điều gì?

 – Bài tập phát biểu ý kiến là một câu ngắn( tự diễn đạt): dạng bài này giúp cho học sinh biết nói lên ý kiến của bản thân về vấn đề được giáo viên yêu cầu, học sinh tự diễn đạt theo cảm nhận của mình về vấn đề đó và phát triển thành câu ngắn.

 + Ví dụ: Trong bài Mẹ (sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 101): giáo viên yêu cầu học sinh nói một câu về điều em cảm thấy khi được mẹ ru ngủ.

 Học sinh có thể nói : Em rất thích khi mẹ ru em ngủ hoặc Mẹ em hát rất hay để ru em.

 Qua lời phát biểu này, học sinh vừa thể hiện đã hiểu bài ( lời hát ru của mẹ rất hay, đó là một công lao, là tình cảm của mẹ đối với con), vừa được luyện diễn đạt ý tưởng của mình thành câu.

+ Bài tập viết: Dùng chủ yếu để phát triển kĩ năng đọc hiểu cho học sinh.

– Bài tập trắc nghiệm xác định câu trả lời đúng và câu trả lời sai: Dạng bài tập này yêu cầu học sinh biết lựa chọn câu trả lời sai câu trả lời đúng.

 Ví dụ 1: Trong bài Bé Hoa ( sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 121 ), nên có bài tập bổ sung biến đổi từ câu hỏi 2 trong sách giáo khoa. Bài tập bổ sung này giúp học sinh hiểu ý của đoạn đầu trong bài:

 Em Nụ có những điểm gì đáng yêu? Chọn những câu trả lời đúng:

  1. Đôi môi đỏ hồng.
  2. Mắt to, tròn, đen láy.
  3. Hát nhiều bài hát.

  Ví dụ 2: Trong bài Những quả đào ( sách Tiếng Việt 2, tập 2, trang 91), nên có bài tập bổ sung biến đổi từ câu hỏi 1. Bài tập bổ sung này giúp cho học sinh hiểu ý của đoạn đầu trong bài:

 Ông dành những quả đào cho ai? Chọn những câu trả lời đúng.

  1. Cho bà.
  2. Cho con.
  3. Cho các cháu.

 – Bài tập trắc nghiệm xếp lại thứ tự các câu hoặc thứ tự các ý theo nội dung bài (học) đọc: Dạng bài tập này giúp cho học sinh nắm được diễn biến của câu chuyện, nắm được cốt truyện.

   Ví dụ 1: Trong bài Bông hoa Niềm Vui (sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 104), nên có thêm bài tập bổ sung để học sinh nắm được diễn biến của câu chuyện qua thứ tự các đoạn:

   Viết số 1, 2, 3, 4 vào trước mỗi ý sau để làm rõ thứ tự các đoạn trong bài đọc.

          … Chi giơ tay định hái, nhưng em bỗng chần chừ vì không ai được ngắt hoa trong vườn.

         … Em muốn đem tặng bố một bông hoa Niềm Vui để bố dịu cơn đau.

         … Khi bố khỏi bệnh, Chi cùng bố đến trường cảm ơn cô giáo.

         … Em hãy hái thêm hai bông hoa nữa, Chi ạ!

   Ví dụ 2: Trong bài Câu chuyện bó đũa (sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 112), nên có bài tập bổ sung để học sinh nắm được diễn biến của câu chuyện qua thứ tự của các đoạn:

   Viết số 1, 2, 3, 4 vào trước mỗi ý sau để làm rõ thứ tự các đoạn trong bài đọc:

        … Thưa cha, lấy từng chiếc mà bẻ thì khó gì!

        … Ngày xưa, có một gia đình kia, có hai anh em.

       … Đúng. Như thế là các con đều thấy rằng chia lẽ ra thì yêu, hợp lại thì mạnh.

       … Ai bẻ được bõ đũa này thì cha thưởng cho túi tiền.

– Bài tập trắc nghiệm xếp điền từ ngữ vào chỗ trống để hoàn thành câu trả lời ngắn: Dạng bài này giúp cho học sinh hiểu được nguyên nhân dẫn đến hành động của nhân vật, nội dung của bài và luyện cho học sinh cách lựa chọn từ ngữ thích hợp điền vào chỗ trống để hoàn thành cầu trả lời ngắn.

    Trong bài Người mẹ hiền (sách Tiếng Việt 2, tập 1, trang 63), nên có bài tập bổ sung điều chỉnh đưa ra những gợi ý giúp cho học sinh hiểu nguyên nhân dẫn đến hành động của Minh và Nam trong câu chuyện:

     Điền tiếp ý kiến của em vào chỗ trống để hoàn thành câu nói về lí do khiến Minh và Nam chui qua lỗ thủng.

      Minh và Nam quyết định chui qua lỗ thủng tường là vì ……………………………

    Trong bài Bóp nát quả cam (sách Tiếng Việt 2, tập 2, trang 124), nên có bài tập bổ sung điều chỉnh đưa ra những gợi ý giúp cho học sinh hiểu được nguyên nhân Trần Quốc Toàn vô tình bóp nát quả cam vua ban cho:

      Điền tiếp ý kiến của em vào chỗ trống để hoàn thành câu nói về lí do khiến Trần  Quốc Toản vô tình bóp nắt quả cam vua ban:

  Trần Quốc Toản vô tình bóp nát quả cam vua ban cho vì ……………………………

     Trong bài Người làm đồ chơi (sách Tiếng Việt 2, tập 2, trang 133), nên có bài tập bổ sung giúp cho học sinh hiểu được nguyên nhân bạn nhỏ hành động như vậy và hiểu được tình cảm của bạn nhỏ đối với bác Nhân:

   Điền tiếp ý kiến của em vào chỗ trống để hoàn thành câu nói về lí do khiến bạn nhỏ đập con lợn đất, chia nhỏ món tiền, nhờ mấy bạn trong lớp mua giúp đồ chơi của bác Nhân:

  Bạn nhỏ đập con lơn đất, chia nhỏ món tiền, nhờ mấy bạn trong lớp mua giúp đồ chơi của bác Nhân vì…………………………………………………………………………

   Trong quá trình dạy học tập đọc để học sinh có thể nắm bài tốt, hiểu được nội dung bài ngoài những phương pháp giáo viên sử dụng thì học cũng cần phải đi đôi với hành. Vì vậy, song song với việc sử dụng các phương pháp dạy học đặc trưng cho ngôn ngữ thứ hai, giáo viên cần sử dụng thêm các bài tập hỗ trợ để luyện các kĩ nawngkhi học tập đọc cho học sinh dân tộc thiểu số. Đây là việc cần thiết trong việc nâng cao chất lượng học tiếng việt của học sinh dân tộc thiểu số. Trên đây là một số dạng bài tập bổ trợ đáp ứng được mục tiêu tăng cường tiếng việt cho học sinh dân tộc thiểu số trong quá trình dạy và học tiếng việt lớp 2 nói chung và phân môn tập đọc lớp 2 nói riêng.

III.1. Kết luận:

      Phân môn Tập đọc là một trong sáu phân môn của Tiếng Việt. Phân môn Tập đọc lớp 2 có một vị trí quan trọng trong chương trình Tiếng Việt ở TIểu học. Không giống như phân môn Tập đọc trong chương trình Tiếng Việt lớp 1, phân môn Tập đọc trong chương trình Tiếng Việt lớp 2 bắt đầu hình thành và rèn cho học sinh các kĩ năng đọc thành tiếng, đọc thầm và hiểu nội dung, nghe và nói. Tuy nhiên học sinh dân tộc thiểu số khi học Tiếng Việt nói chung hay dạy học Tập đọc nói riêng đã gặp rất nhiều khó khăn do vốn Tiếng Việt của các em rất hạn chế. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em, các em gặp nhiều khó khăn trong việc đọc và phát âm tiếng Việt.

    Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy tình trạng học sinh dân tộc thiểu số trong quá trình học Tập đọc gặp rất nhiều khó khăn, các em nói Tiếng Việt chưa thành thạo, trong khi học lại thường xuyên sử dụng tiếng mẹ đẻ để trả lời câu hỏi của giáo viên. Do đó, có những lúc giáo viên và học sinh không hiểu ý nhau dẫn đến việc học sinh không nắm được nội dung của bài học. Vì vậy, để nâng cao chất lượng dạy và học Tập đọc lớp 2 cần có những biện pháp hỗ trợ giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học.

    Từ việc khảo sát và nhận thấy những khó khăn trong quá trình học Tập đọc của học sinh lớp 2, chúng tôi đưa ra một số phương pháp và bài tập hỗ trợ giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học. Giáo viên cần kết hợp và sử dụng hài hòa các phương pháp dạy học Tập đọc thông thường với các phương pháp dạy học đặc trưng với ngôn ngữ thứ hai để giúp học sinh hiểu và nắm nội dung bài, sử dụng các bài tập bổ trợ để giúp các em rèn kĩ năng đọc thành tiếng, đọc hiểu bài đọc, nghe và nói. Ngoài ra, giáo viên cũng cần biết tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương mình dạy học.

    Đồng thời cần phải có sự quan tâm của nhà nước, các tổ chức chính trị trong xã hội để nâng cao dần mức sống cho giáo viên dạy học ở những vùng khó khăn và nâng cao dần mức sống, hiểu biết cho gia đình học sinh về tầm quan trọng của việc học tiếng Việt để họ có những biện pháp giúp đỡ con em họ học tiếng Việt ở nhà như: sử dụng song song tiếng mẹ để và tiếng Việt trong cộng đồng, cùng các em học tiếng Việt.

     Từ việc chúng tôi tiến hành khảo sát tình hình học Tập đọc lớp 2 của dân tộc thiểu số và đưa ra một số biện pháp hỗ trợ cho quá trình dạy và học Tập đọc lớp 2, chúng tôi chúng tôi mong sẽ góp một phần nhỏ giúp nâng cao hiệu quả dạy và học Tiếng Việt lớp 2 nói chung và Tập đọc lớp 2 nói riêng cho học sinh dân tộc thiểu số.

Bấm vào đây để tải về

 

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng