Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy – học 2 buổi / ngày

Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy – học 2 buổi / ngày.

  1. Lí do chọn đề tài:

         Như chúng ta đã biết: Giáo dục tiểu học là nền tảng mà mục tiêu trọng tâm  của giáo dục là: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên” có đầy đủ tố chất “ Đức – Trí- Thể – Mĩ”, có kiến thức văn hóa, khoa học, có kĩ năng nghề nghiệp, lao động tự chủ, sáng tạo và có kĩ thuật, giàu lòng yêu nước, sống lành mạnh đáp ứng được với nhu cầu phát triển hiện đại hiện nay và trong tương lai mai sau. Mỗi một môn học ở bậc tiểu học đều góp phần hình thành và phát triển nhân cách của trẻ; cung cấp cho trẻ những tri thức cần thiết. Vì vậy, để đáp ứng được mục tiêu trọng tâm của giáo dục đề ra, Bộ giáo dục và đào tạo đã triển khai thực hiện đại trà việc dạy – học 2 buổi/ ngày đối với tất cả các trường tiểu học trên cả nước nhằm: Tăng thời lượng học tập cho học sinh, tạo cho mọi học sinh đều được củng cố, khắc sâu kiến thức và nâng cao năng lực học tập giúp cho hoạt động giáo dục toàn diện của học sinh, đảm bảo đạt được yêu cầu của chuẩn kiến thức kĩ năng, đồng thời giúp cho việc phát triển năng khiếu của trẻ phù hợp với từng đối tượng học sinh, tạo cơ hội cho các em phát triển năng lực cá nhân đến mức tối đa và đặc biệt làm giảm áp lực về học tập cho học sinh, giúp các em yêu việc học tập, yêu lớp và thích đến trường, thực sự cảm nhận  “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui và đi học là niềm hạnh phúc” của mọi trẻ em.                        Để góp phần đáp ứng được mục tiêu nêu trên, trong quá trình dạy- học, tôi không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kĩ năng nghiệp vụ, nghiên cứu tài liệu trên mọi thông tin để tìm ra những phương pháp dạy- học phù hợp cho từng bài học, từng môn học phù hợp với từng đối tượng học sinh của lớp mình, để hiệu quả dạy học 2 buổi/ ngày ngày một nâng cao. Đây là lí do chính tôi chọn nghiên cứu đề tài này” Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy – học 2 buổi / ngày”.

  1. Nội dung và cách thức thực hiện biện pháp:

      Để thực hiện nội dung các giải pháp và biện pháp của đề tài đặt ra, tôi tự tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu trong tạp chí các báo Giáo dục thời đại, thông qua internet và các tài liệu khác có nội dung nói đến việc dạy- học 2 buổi/ ngày ở bậc tiểu học, đồng thời qua những buổi sinh hoạt chuyên môn, những tiết thao giảng, tiết xây dựng chuyên đề do chuyên môn tổ chức và đặc biệt trải nghiệm qua quá trình dạy học hàng ngày của bản thân. Tôi tự đúc rút cho mình một số kinh nghiệm trong việc dạy tiết ôn luyện như sau:

     – Việc trước tiên giáo viên cần hiểu rõ mục tiêu, yêu cầu về kiến thức cần đạt theo chuẩn về kiến thức kĩ năng cơ bản của bài học.

     – Nắm chắc được từng nội dung kiến thức của tiết ôn luyện đó, để có kế hoạch cụ thể (ôn như thế nào cho phù hợp với nội dung,đối tượng học sinh).

     – Phải hiểu rõ từng đối tượng học sinh ở lớp mình, để đặt câu hỏi, bài tập phù hợp với khả năng của từng đối tượng học sinh, tránh sự nhàm chán hoặc gây áp lực cho học sinh.

    – Phải thường xuyên, đánh giá, nhận xét kịp thời kết quả học buổi 1 cũng như học buổi 2, để biết được sự tiến bộ cũng như những gì học sinh chưa đạt, để kịp thời phát huy hay bổ trợ phù hợp cho từng đối tượng học sinh.

     – Một điều không thể thiếu được đó là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người giáo viên phải thực sự là “Tất cả vì học thân yêu” trong sự nghiệp trồng người.

   * Vậy để  việc dạy- học 2 buổi /ngày thực sự có hiệu quả, tôi tự lập kế hoạch dạy – học cho 1 tiết Ôn luyện (buổi 2) theo các bước như sau:

KẾ HOẠCH DẠY – HỌC BUỔI 2

Thời lượng (35 phút)

  1. Mục tiêu:

        Ôn luyện củng cố kiến thức buổi 1 (cả lớp).

        Thực hành luyện tập kiến thức, bài tập theo chuẩn kiến thực kĩ năng (học sinh chưa đạt + đạt chưa cao).

       Thực hành luyện tập kiến thức, bài tập theo chuẩn kiến thực kĩ năng + bài tập nâng cao (học sinh đạt  + đạt cao).

  1. Đồ dùng học tập:

       – Học sinh: vở bài tập, vở ôn luyện toán nâng cao.

  1. Phương pháp:

       Dạy học theo đối tượng hoặc theo nhóm đối tượng.

  1. Các hoạt động dạy học chủ yếu:
  2. Kiểm tra bài cũ (5p):

 – Kiểm tra nội dung đã học ở buổi 1 (cần kiểm tra nhiều đối tượng).

      – Giáo viên cần chú ý, những nội dung đa số học sinh chưa hiểu hoặc hiểu chưa sâu để khi ôn xoáy vào trọng tâm những nội dung đó.

  1. Ôn kiến thức (10 p):

    (Giáo viên chú ý ôn theo đối tượng hoặc nhóm đối tượng hoặc cả 2, tùy vào nội dung kiến thức của bài ôn)

  Nhóm 1: Nhóm học sinh chưa hiểu bài và hiểu bài chưa sâu:

– Nội dung ôn cần xoáy kỹ nội dung theo chuẩn kiến thức kĩ năng cho học sinh.

– Giáo viên cần quan tâm giúp đỡ, động viên các em.

  Nhóm 2: Nhóm học sinh hiểu bài:

      – Nội dung, bài tập ôn phải cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính giáo dục.

      – Nêu lại quy tắc hoặc ghi nhớ liên quan đến nội dung bài tập ôn luyện.

– Bài tập kiểm chứng lại trước khi vào phần thực hành luyện tập.

  1. Thực hành- Luyện tập (theo nhóm đối tượng):

Tùy vào đối tượng học sinh của lớp giáo viên giao bài tập cho phù hợp (tránh sự quá tải hoặc nhàm chán cho học sinh).

    – Nhóm học sinh yếu giáo viên nên giao bài tập trên phiếu riêng và cần giúp đỡ các em khi các em còn lúng túng.

    – Nhóm học sinh trung bình đưa ra chung một số bài tập.

    – Nhóm học sinh khá, giỏi hoàn thành hết số bài tập trong vở và 1 vài bài tập nâng cao do yêu cầu giáo viên đặt ra.(tránh ra bài tập quá khó)

    * Giáo viên lưu ý bài tập đưa ra theo nhóm đối tượng phải cụ thể, rõ ràng.

  1. Kiểm tra đánh giá- Dặn dò:

     Giáo viên đánh giá bài làm của học sinh theo nội dung ôn luyện bằng cách: Nêu câu hỏi, nêu nhận xét, nêu quy tắc hoặc trò chơi nhằm củng cố kiến thức nội dung của bài vào cuối mỗi tiết học.

    Sau đây là một số ví dụ minh họa cho tiết dạy buổi 2 ở lớp 2A1 do tôi thực hiện:

* Ví dụ 1: MÔN TOÁN: PHÉP CỘNG CÓ NHỚ TRONG PHẠM VI 100.

              ÔN LUYỆN  (Tiết 17): 49 + 25 : (Vở bài tập Toán 2/ trang 19)

                                        (Thời lượng 35 phút).

I- Mục tiêu cần đạt:

     – Củng cố  kiến thức buổi 1(cả lớp).

     – Học sinh chưa đạt+ đạt chưa cao: thực hiện các bài tập: bài 1; bài 3.

     – Học sinh đạt hoàn thiện tất cả các bài tập trong vở bài tập thêm (bài 2, bài 4).

II- Đồ dùng dạy học:

GV: Bảng phụ, vở bài tập toán 2/ tập 1, tập bài toán nâng cao.

Học sinh: vở bài tập toán 2/ tập 1, bảng con.(vở toán nâng cao)

III- Phương pháp:

Thực hành luyện tập theo nhóm đối tượng.

IV- Các hoạt động dạy học chủ yếu:

   Hoạt động 1: Củng cố kiến thức(5 phút):

– Luyện đặt tính và tính: 29 + 35; 89 + 6.(bảng con)

– Gọi học sinh nhắc lại các bước thực hiện cộng có nhớ (2 em)

– Yêu cầu cả lớp thực hiện bảng con- nhận xét, sửa sai từng phép tính.

* Giáo viên chốt : 2 bước:

  Bước 1: Đặt tính (theo cột dọc):

                + Số hạng thứ nhất viết dòng trên.

               + Số hạng thứ hai viết dòng dưới.

                     + Các số cùng hàng thẳng cột với nhau.

               + Dấu cộng viết giữa 2 số.

               + Dấu gạch ngang viết dưới số hạng thứ hai, thay cho dấu  =.

 Bước 2. Tính:

              + Tính từ phải sang trái (bắt đầu từ hàng đơn vị).

     * Lưu ý học sinh cách viết kết quả tìm được: (các số cùng hàng phải viết thẳng với các số hạng ở trên).

     * Trường hợp số có 2 chữ số cộng với số có 1 chữ số: cần chú ý (các số cùng hàng thẳng cột với nhau).

* Qua thực hiện bảng con 2 phép tính, tôi đã có kết quả kiểm chứng và nắm bắt được từng đối tượng học sinh của mình, tôi tiến hành phân theo nhóm đối tượng học sinh và giao bài tập cho các em.

Hoạt động 2: Thực hành luyện tập (luyện kĩ năng tính và giải toán) (22 phút):

  1. Nhóm đối tượng học sinh chưa đạt và đạt chưa cao kiến thức theo yêu cầu chuẩn giáo viên cần thực hiện như sau:

Bài 1. Đặt tính rồi tính(cả lớp).

29 + 35             59 + 32              49 + 16                 39 + 38

19 + 49              89 + 6                8 + 79                   66 + 29

* Luyện cho học sinh đặt tính chính xác và tính đúng kết quả bài theo kiến thức phần củng cố .

      * Giáo viên theo dõi giúp đỡ học sinh còn lúng túng.

Bài 3. Bài toán (cả lớp)

 Lớp 2A có 29 học sinh, Lớp 2B cũng có 29 học sinh. Hỏi cả hai lớp có bao nhiêu học sinh?

 Bước 1.  Hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài toán:

        – Gọi học sinh đọc bài toán ( 2 em).

        – Phân tích tìm hiểu bài toán: đã cho biết gì?, bắt phải tìm gì?.

– Giáo viên ghi tóm tắt lên bảng, 1 em nhắc lại bài toán dựa trên tóm tắt:

Tóm tắt:

Lớp 2A có :                29 học sinh

Lớp 2B có :                29 học sinh

 Cả 2 lớp:……………… . .  . học sinh?

Bước 2.  Hướng dẫn học sinh cách giải bài toán:

 – Đặt câu hỏi: Để biết Cả 2 lớpcó bao nhiêu học sinh ta thực hiện như thế nào?

( làm tính cộng; lấy số học sinh lớp 2A cộng với số học sinh 2B.)

Bước 3. Trình bày bài giải:

  * Yêu cầu Học sinh nhắc lại các bước trình bày 1 bài giải: 3 bước:

        – Bước 1; Viết lời giải.

        – Bước 2: Viết phép tính.

        – Bước 3: Viết đáp số.

  * Học sinh trình bày bài giải

  Bài toán này giáo viên cần lưu ý cho các em hiểu rõ nghĩa từ “cũng ”, “cả hai” để các em hiểu và giải bài toán chính xác và trình bày khoa học.

  * Lưu ý học sinh có thói quen đặt tính nháp, để làm bài đúng và trình bày sạch đẹp.

* Giáo viên cần quan tâm và giúp đỡ nhóm học sinh này, giúp các em nắm vững  kiến thức tạo đà cho việc học các tiết tiếp theo được tốt hơn.

  1. Nhóm học sinh đạt- đạt tốt:

– Ngoài việc hoàn thiện bài 1 và bài 3 các em cần hoàn thiện bài 2: bài 4.

 Bài 2.Số?

Số hạng 19 59 49  9
Số hạng 16 28 22 69
Tổng

     Dạy bài tập này trước khi học sinh làm bài giáo viên yêu cầu nhắc lại các thành phần của phép cộng sau đó mới thực hiện.

 Bài 4: Viết phép tính theo câu lời giải:                        

                                   19 dm                                                         9dm

    A                                                                            B                                        C

          Để giúp các em thực hiện bài tập này được tốt giáo viên yêu cầu học sinh quan sát nhận xét tóm tắt sơ đồ đoạn thẳng, rồi hình thành bài toán dựa trên tóm tắt. Từ đó các em sẽ viết dược phép tính theo câu lời giải:

* Qua bài tập này ngoài việc luyện kĩ năng giải toán, còn luyện cho các em kĩ năng nói và viết văn.

* Do lượng kiến thức tiết ôn luyện này đảm bảo thời lượng tiết học, nên tôi không có thêm phần bài tập nâng cao ngoài bài tập trong vở.

Hoạt động 3: Kiểm tra đánh giá (5 phút):

   – Giáo viên chấm một số bài theo các nhóm đối tượng, đồng thời mời một số học  sinh lên bảng chữa các bài tập của tiết học.

   – Giáo viên nhận xét, kết luận đúng sai để bổ sung và củng cố kiến thức từng bài tập.

 Hoạt động 4: Củng cố, dặn dò( 3 phút):

   – Vài học sinh nhắc lại kĩ thuật đặt tính và tính.

   – Giáo viên hệ thống và khắc sâu kiến thức của từng bài cho tất cả lớp nghe.

   – Nhắc nhở các em về xem lại bài, chuẩn bị bài sau.

* Với cách tiến hành dạy- học ôn luyện buổi 2 như trên, tôi nhận thấy không khí lớp học thật nhẹ nhàng, tất cả học sinh lớp đều tích cực tham gia hoạt động học tập và mọi học sinh đều đạt kiến thức theo mục tiêu yêu cầu của bài, đặc biệt không có học sinh nào chưa đạt yêu cầu của bài. Vì vậy hiệu quả học toán của học sinh lớp tôi ngày một nâng cao .

Ví dụ 2: ÔN LUYỆN: TẬP ĐỌC

Bài: PHẦN THƯỞNG

(Tuần 2/ SGK tiếng Việt 2/ tập 1/ trang 13)

       Với đặc thù của lớp 2/3 là học sinh dân tộc thiểu số, chủ yếu là học sinh dân tộc Thái. Do đó kĩ năng đọc của các em còn nhiều hạn chế (đọc sai về dấu thanh như: thanh hỏi với thanh nặng, thanh ngã với thanh sắc, sai về vần (ong với ung), âm v lẫn âm b, các em ngắt nghỉ chưa đúng yêu cầu của bài. Vậy để giúp các em đọc đúng, có kĩ năng đọc đạt yêu cầu của bài thì phải có thời gian ôn luyện cho các em. Song theo sự phân phối chương trình và thời khóa biểu của trường, mỗi tuần các em được ôn luyện 1 tiết Tập đọc và tôi tiến hành ôn luyện cho học sinh như sau:

I- Mục tiêu

– Luyện đọc đúng, phát âm rõ ràng các tiếng, từ, các vần và dấu thanh trong bài các em đọc còn sai (cũng, nửa cục tẩy, phần thưởng, buổi sáng).

– Luyện cho các em ngắt, nghỉ đúng dấu câu kết hợp biết nhấn giọng một số từ miêu tả (túm tụ, bàn bạc)

 Ví dụ câu: “một buổi sáng/ vào giờ ra chơi/ các bạn túm tụm bàn bạc điều gì/ có vẻ bí mật lắm).

      – Luyện đọc trôi chảy, thể hiện giọng (cô giáo).

II- Đồ dùng  dạy – học:

      Sách giáo khoa, bảng phụ ghi các từ, câu cần luyện đọc.

III -Phương pháp dạy -học:

 Luyện đọc theo nhóm đôi., đối tượng học sinh.

       Khảo sát, đánh giá

IV -Tiến hành ôn luyện (35p):

  1 .Kiểm tra kiến thức cũ (5p):

       – Gọi 3 học sinh đọc nối tiếp 3 đoạn (theo 3 đối tượng).

       – Giáo viên theo dõi lỗi học sinh đọc còn sai để có biện pháp luyện phù hợp.

  1. Luyện đọc:
  2. Luyện đọc đúng, đọc trôi chảy (13p):

    * Giáo viên đọc mẫu toàn bài lần 2, lưu ý học sinh cần phân biệt những tiếng, từ có dấu hoặc âm đầu hoặc vần hay sai.

     – Học sinh theo dõi cô đọc trong sách giáo khoa và lắng nghe hướng dẫn minh họa trên bảng lớp.

    * Học sinh tiến hành luyện đọc:

         Cả lớp luyện đọc những lỗi thường sai theo mẫu trên bảng lớp.

 Lần 1: (6 phút)

            Đọc cho nhau nghe (đọc thầm)

          – Áp dụng biện pháp “Đôi bạn cùng tiến”. 1em đọc đạt, đọc với 1 em đọc chưa đạt, nhằm chỉnh sửa sai cho bạn kịp thời, giúp bạn đọc đúng.

Lần 2: (7 phút)

     Đọc thành tiếng (kiểm tra kết quả sau khi đọc thầm).

        – Đọc nối tiếp đoạn.

        – Đại diện từng nhóm đọc(học sinh chưa đạt đọc).

        – Giáo viên và học sinh theo dõi nhận xét sự tiến bộ của từng học sinh theo nhóm và động viên, tuyên dương kịp thời.

  1. Luyện đọc trôi chảy, thể hiện giọng đọc.(15 phút)

   * Giáo viên đọc mẫu toàn bài lần 2, lưu ý học sinh cần ngắt, nghỉ những chỗ nào, những từ nào cần nhấn giọng.

        – Học sinh theo dõi cô đọc trong sách giáo khoa và lắng nghe hướng dẫn minh họa trên bản phụ.

   * Học sinh luyện đọc:

         Cả lớp luyện đọc những câu dài, những từ cần nhấn giọng và giọng của cô giáo theo mẫu.

 * Luyện đọc đoạn (nối tiếp nhóm):

  Lần 1: (5 phút)

      – 3 học sinh đạt (đại diện 3 nhóm) đọc nối tiếp.

      – Giáo viên và học sinh theo dõi nhận xét uốn nắn, động viên, tuyên dương kịp thời.

 Lần 2: (6 phút)

     – 3 học sinh chưa đạt đọc.(nối tiếp)

     – Giáo viên và học sinh theo dõi nhận xét uốn nắn, động viên, tuyên dương kịp thời.

  * Luyện đọc cả bài: (4 phút) (học sinh khá).

     – 2 học sinh khá đọc kết hợp thể hiện giọng đọc của bài.

     – Giáo viên và học sinh nhận xét, bình chọn người đọc hay- đọc tiến bộ.

  1. Củng cố tiết học: (2 phút)

– Lớp nhận xét sự tiến bộ của các bạn trong quá trình luyện đọc và bình chọn bạn đọc hay nhất tuyên dương.

    *Tóm lại: Trải nghiệm với cách ôn luyện đọc như trên. Tôi nhận thấy tốc độ đọc của học sinh lớp tôi ngày sau tốt hơn ngày trước và đặc biệt đem đến cho các em sự hứng thú, tích cực trong các giờ tập đọc. Vì vậy kĩ năng đọc của cả lớp mang lại hiệu quả rõ rệt giúp cho bài viết chính tả của các em ngày một đúng và đẹp hơn.

Ví dụ 3: LUYỆN TỪ VÀ CÂU

                                (Tiết 3) TỪ CHỈ SỰ VẬT- CÂU KIỂU AI LÀ GÌ?

(sgk Tiếng Việt 2/ tập 1- trang 26)

I- Mục tiêu cần đạt:

 – Luyện tìm đúng các từ chỉ sự vật trong tranh vẽ  và bảng từ gợi ý.

 – Luyện đặt câu theo mẫu Ai là gì? (con gì, cái gì).

 – Tìm hiểu một số từ chỉ sự vật ngoài tranh vẽ và bảng gợi ý.dành cho (học sinh đạt )

II- Tiến hành luyện tập:

  1. Kiểm tra bài cũ: (ôn luyện kiến thức về từ chỉ sực vật ).(5 p)

    – Giáo viên gọi một vài em nêu từ chỉ sự vật về: (người+ Cây cối+ con vật+ đồ vật).

    – Giáo viên nhận xét và chốt lại: Tất cả các từ chỉ người, con vật, đồ vật, cây cối đều gọi là từ chỉ sự vật.

    – Học sinh nhắc lại 2 lần.

  1. Luyện tập thực hành

    Bài 1. Tìm các từ chỉ sự vật hình vẽ (cả lớp).

* Yêu cầu học sinh thi tìm, làm vở bài tập Tiếng Việt 2/ tập1 (hoạt động cả lớp).

 – Giáo viên theo dõi và giúp học sinh còn lúng túng biết tìm một vài từ.

 – Học sinh báo cáo kết quả bài làm.

 – Giáo viên và học sinh nhận xét chốt lại kết quả từ tìm đúng trên bảng phụ.

               (bộ đội, công nhân, ô tô, xe máy, voi, trâu, bò…)

     * Vài học sinh nhắc lại.

Bài tập 2: Tiến hành như bài 1:

    – Học sinh nêu yêu cầu bài tập rồi làm vào vở trắng.

    – Giáo chấm nhận xét đánh giá một số bài.theo nhóm đối tượng.

    – Tìm các từ chỉ sự vật có trong bảng từ: (bàn, thước kẻ, cô giáo, thầy giáo, bảng, học trò, cá heo, phượng vĩ , sách).

    – Học sinh đọc kết quả bài làm (học sinh chưa đạt).

    – Học sinh khác nhận xét, bổ sung- khuyến khích, động viên, tuyên dương học sinh chưa đạt tìm được từ đúng.

* Giáo viên chốt lại và yêu cầu học sinh tìm thêm một số từ chỉ sự vật ngoài bài học (học sinh khá, giỏi).

Bài 3. Đặt câu theo mẫu Ai(cái gì, con gì) là gì?.(theo đối tượng)

    * Giáo viên đưa ra một số câu mẫu yêu cầu học sinh nhận xét câu mẫu:      

 Ví dụ:    – Cô giáo là mẹ của em ở trường.

               – Bút chì là một đồ dùng hoc tập.

               – Con trâu là đầu cơ nghiệp.

     * Học sinh nhận xét câu mẫu.

     * Giáo viên chốt lại kết quả đúng:       

                 (câu 1.Ai là gì?;  câu 2. Cái gì?; Câu 3.Con gì?)

     * Học sinh thực hành đặt câu:

– HS yếu và trung bình mỗi em đặt 1câu trong 3 kiểu câu.

– HS khá, giỏi đặt mỗi em đặt từ 3 câu mỗi câu 1 kiểu câu.

        – Giáo viên chấm, đánh giá, nhận xét.

  1. Kiểm tra, đánh giá- Dặn dò:

– Giáo viên và học sinh hệ thống kiến thức toàn bài.

– Nhắc học sinh về xem lại bài, tìm thêm từ chỉ sự vật ngoài bài đã học.

– Nhận xét tiết học

* Qua cách tiến hành ôn luyện như trên ngoài việc củng cố kiến thức về từ chỉ sự vật cho học sinh đồng thời luyện kĩ năng nói và viết hỗ trợ cho việc học phân môn Tập làm văn. Chính vì vậy mà các em rất tích cực và hứng thú với môn học.

  1. Kết quả khảo nghiệm, giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu:

        Với những kinh nghiệm đơn giản có sẵn trong quá trình dạy- học, được thực hiện thường xuyên trong dạy- học buổi 2 của lớp 2A1 tôi nhận thấy: Lớp học nhẹ nhàng, sôi nổi, học sinh đều hứng thú, tích cực, đặc biệt nhóm học sinh chưa đạt kiến thức thì qua luyện tập thêm buổi 2 việc tiếp thu kiến thức của các em được nâng lên hàng ngày. Nhóm học sinh có năng khiếu ngày một phát huy. Vì vậy đến nay lớp 2A1 không còn em nào chưa đạt mục tiêu yêu cầu của hai môn Toán và Tiếng Việt. Hiệu quả đó minh họa rõ trong đợt thi giải toán Internet vừa qua, lớp có em “Phạm Tiến Phát” tham dự kì thi cấp tỉnh và tiếp tục chuẩn bị chọn 10/15 em tham dự cuộc thi “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp”cấp trường dự định tổ chức trong tháng 4 sắp tới. Kết quả đạt được như vậy là nhờ vào sự vận dụng linh hoạt những kinh nghiệm mà tôi tâm huyết đầu tư vào nghiên cứu và áp dụng. Mặc dù vì điều kiện cơ sở vật chất cũng như đối tượng học sinh và đặc thù của trường, của địa phương nên kết quả thực hiện của đề tài mới chỉ áp dụng trọng tâm 2 môn (Toán và Tiếng Việt). Song tôi tin tưởng những kinh nghiệm này của tôi sẽ áp dụng được với tất cả các lớp trong trường tôi cũng như các lớp ở các trường có điều kiện và đối tượng học sinh như trường tôi.

      Từ thực tiễn giảng dạy nhiều năm. Đồng với không ngừng học hỏi và nghiên cứu. Bản thân đúc rút một số kinh nghiệm giảng dạy vận dụng vào việc dạy ôn luyện buổi 2 ở lớp 2A1. Tôi nhận thấy mọi học sinh đều tích cực tham gia hoạt động ôn luyện buổi 2. Do đó tiết học diễn ra nhẹ nhàng, thoải mái, không gò bó gây áp lực cho học sinh và giáo viên như đầu năm học. Đặc biệt kĩ năng đọc, thực hiện tính, giải toán và thực hiện các bài tập của môn Toán, môn Luyện từ và câu của buổi 2 các em làm nhanh, làm đúng, nên không khí lớp học của các buổi học ôn không còn nặng nề, vất vả như thời gian trước nữa mà hiệu quả giáo dục gặt hái   được thể hiện rõ qua  đợt kiểm tra cuối kì I như sau:……

  1. Kết luận:

      Tất cả nhũng việc làm và kết quả nêu trên đều được đúc rút  từ thực tế giảng dạy. Do đó không phải là không ai làm mà là giáo viên chưa có thói quen khi thực hiện giảng dạy. Vì vậy để chất lượng dạy- học 2 buổi/ ngày được nâng cao, chúng ta không thể nói suông bằng lí thuyết mà đối với học sinh lớp 2 thì người giáo viên phải tận tụy, kiên trì, thật nhẹ nhàng trong việc hướng dẫn cũng như nhắc nhở, uốn nắn các em từng chữ, từng câu, từng con số, từng phép tính rồi đến từng lời nhận xét, đánh giá cũng đều phải thật chi tiết, thật cụ thể, rõ ràng thì mới mang lại hiệu quả giáo dục cho các em. Vậy muốn thực hiện được điều này không thể ngày một ngày hai, mà phải trong suốt cả quá trình dạy- học buổi 1 và buổi 2 của thầy và trò mà điều đầu tiên người thầy phải làm: Thực sự hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của việc dạy học buổi 2, phải thật sự tâm huyết với nghề “Coi trò như con, coi trường là nhà” từ đó mới nhận xét đánh giá đúng năng lực của trò để đưa ra giải pháp- biện pháp phù hợp với từng nội dung bài dạy, phù hợp với từng đối tượng học sinh thì mới đem lại cho học sinh niềm say mê, sự yêu thích học tập khi đó mới mang lại hiệu quả giáo dục đích thực cho học sinh.

Bấm vào đây để tải file Word

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng