Một số biện pháp rèn luyện chữ viết cho học sinh lớp 3

Một số biện pháp rèn luyện chữ viết cho học sinh lớp 3

  1. Lí do chọn đề tài

Chữ viết là một trong những phương tiện giao tiếp của con người, là công cụ thứ hai của ngôn ngữ trong tất cả các cấp học. Khi xã hội loài người càng phát triển thì nhu cầu nhận thức càng vươn xa: Không chỉ dừng lại là tín hiệu của ngôn ngữ mà còn phải viết đẹp. Nét chữ đầu đời không chỉ ghi lại quá trình tiếp thu tri thức mà nó còn phản ánh được bản chất bên trong của nó: Tính cẩn thận, tính kỹ luật, yêu cái đẹp… như tục ngữ đã từng đúc kết “Nét chữ, nết người”.

 Năm học 2013 – 2014 tôi được nhà trường giao nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 3A. Theo chỉ tiêu được giao phải đạt chuẩn 24/25 học sinh lên lớp. Nắm được tầm quan trọng của chữ viết và chỉ tiêu phải thực hiện tôi đã đi sâu nghiên cứu, tìm giải pháp “Rèn chữ viết” cho học sinh. Bởi thông qua chữ viết giúp giáo viên đánh giá học sinh chính xác hơn thông qua thông tư 32: Một học sinh giỏi, tiên tiến hay được lên lớp khi các em đạt chuẩn về mọi mặt trong đó có chữ viết. Theo quyết định số: 31/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 14/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chữ viết trong trường Tiểu học, mẫu chữ được áp dụng trong trường tiểu học từ năm học 2002-2003, nhiều em đã nhận biết, viết mẫu chữ ngay từ hồi lớp 1, lớp 2 nhưng chữ của các em vẫn viết sai, kích thước chưa đúng, chưa đều, dấu thanh đặt sai vị trí, viết hoa tùy tiện và viết chậm. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học môn Tiếng Việt và các môn học khác. Nếu học sinh đọc nhanh, lưu loát giúp các em hiểu bài vững, tiếp nhận được nhiều tri thức thì viết đúng mẫu, viết nhanh, đẹp sẽ giúp các em có điều kiện ghi chép bài học tốt hơn. Vậy việc “Rèn chữ viết cho học sinh” là tất yếu. Rèn chữ viết không chỉ là ngày một ngày hai mà rèn lâu dài, rèn suốt cuộc đời. Rèn chữ viết không chỉ là nhiệm vụ của trò mà là trách nhiệm của giáo viên, phụ huynh và sự quan tâm của toàn xã hội. Rèn chữ viết không chỉ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa chữ Việt mà nó còn góp phần quảng bá chữ Việt.

Thực chất “rèn chữ” là “rèn người” như sinh thời thủ tướng Pham Văn Đồng đã nói: “Chữ viết cũng là biểu hiện của nết người. Dạy cho học sinh viết đúng, viết cẩn thận, viết đẹp là góp phần rèn luyện cho các em tính cẩn thận, lòng tự trọng đối với mình cũng như đối với thầy và bạn đọc bài vở của mình”. Đó là lý do tôi chọn đề tài: Một số biện pháp rèn chữ viết cho học sinh lớp 3.

  1. Nội dung và cách thực hiện giải pháp biện pháp

Chữ viết không dành riêng cho bất cứ một môn học nào mà chữ viết là tổng hòa của tất cả các môn học. Tuy vậy do đặc trưng bộ môn, nội dung, thời gian, thời lượng nên tôi đã chọn 2 môn học Tập viết và Chính tả làm nòng cốt cho việc rèn chữ. Ngoài rèn chữ ở lớp tôi luôn khuyến kích các em rèn chữ viết ở nhà, tổ chức rèn ngoại khoá. Dù là rèn trong giờ học chính khóa hay ngoại khóa thì tôi luôn hướng học sinh: viết từ dễ đến khó, chậm đến nhanh; từ viết đúng, viết thành thạo đến viết đẹp, đến viết chữ nét thanh, nét đậm, sáng tạo chữ viết. Để sát sao từng đối tượng học sinh, qua theo dõi hằng ngày và kết quả các đợt khảo sát để có biện pháp rèn cụ thể như sau:

 b.1. Biện pháp thứ nhất: Rèn thói quen, nề nếp viết chữ.

– Đầu giờ mỗi tiết học tôi luôn cho học sinh tự kiểm tra, chuẩn bị đồ dùng phục vụ cho mỗi môn học để sẵn dưới hộp bàn.

– Trước khi viết phải kiểm tra phấn, bút lau khô (bơm ½ sức chứa), thử bút vào giấy nháp, khi dừng viết nhớ vặn nắp vào (chưa nên dùng bút bi). Khăn kê tay không để sát dòng chữ đang viết dễ gây nhòe mực. Dùng bút chì gạch chân lỗi chính tả, đọc lại chữ đã viết. . .

– Kết hợp các buổi họp hội cha mẹ học sinh trao đổi về nguyên nhân của việc thiếu dụng cụ học tập gây hiệu quả thấp trong bài học, bàn ghế không hợp vệ sinh gây trạng thái khó chịu, ngồi viết không đúng tư thế gây cong vẹo cột sống và nhiều di chứng để lại suốt đời học sinh, thiếu ánh sáng nơi ngồi học hay ngồi cúi sát vở gây cận thị, nơi sinh hoạt nhiều người gây mất tập trung. . . để phụ huynh có hướng khắc phục kịp thời. Tôi đã phô tô cho mỗi em một bản có nội dung và hình ảnh ngồi viết đúng tư thế (trang bìa vở Tập viết 2, Tập 2) để dán nơi các em ngồi học ở nhà và trang trí trong lớp học để các em cần chú ý trước khi viết bài. Nhận thức rõ vấn đề, các bậc phụ huynh đã đồng tình ủng hộ khắc phục tương đối kịp thời để mỗi học sinh tự rèn cho mình thói quen, nền nếp viết chữ.

Tôi rèn cho các em thói quen thể hiện những động tác thể dục nhẹ nhàng trước khi viết hoặc sau khi bàn tay mỏi bằng cách:  Hai bàn tay đan vào nhau, xoay tròn 4-5 lượt để khi viết dễ di chuyển bút.

b.2. Biện pháp thứ hai: Rèn viết đúng, viết thành thạo, viết đẹp.

b.2.1. Viết đúng kích thước, hình dáng

– Để giúp học sinh tái hiện lại kích thước, hình dáng các chữ cái viết thường, chữ số, dấu thanh và đặc biệt là chữ cái viết hoa. Các em được củng cố lại kiến thức qua giờ học Tập viết: Nêu cấu tạo và cách viết chữ trước khi viết; điểm đặt bút, dừng bút ở vị trí nào trong dòng kẻ? Không chỉ là lý thuyết suông mà phải kết hợp chữ viết mẫu của giáo viên trên bảng lớp: Viết chậm, đúng theo quy tắc viết chữ và đẹp để đủ sức thuyết phục. Viết kết hợp phân tích các chữ cái trong các từ, câu ứng dụng. Để giảm dần tính tự ti, rụt rè mọi hoạt động tôi luôn ưu tiên học sinh yếu, đối tượng hay mắc lỗi, phát huy năng khiếu chữ viết cho những học sinh viết đẹp để những học sinh khác noi theo.

– Nhiều học sinh viết đúng kích thước mà tại sao chữ vẫn chưa đẹp bởi hình dáng các con chữ chưa đạt. Tôi hướng dẫn các em khi viết phải tuân thủ quy trình, kỹ thuật viết chữ, không nhấc bút tùy tiện để các con chữ có nét cong kín không tròn, nét hất có góc nhọn, trên nét chữ nổi vân.       

b.2.2. Viết đúng vị trí dấu thanh, dấu câu.

* Dấu thanh, dấu câu viết không đúng hình dạng, đặt tùy tiện làm giảm đi tính thẩm mĩ của bài viết. Bởi vậy tôi cho các em tái tạo lại những kiến thức cơ bản, cụ thể thông qua các ví dụ trong giờ học:

+ Dấu thanh thường đặt ở âm chính của vần trong chữ ghi tiếng, đặt cân đối (hà, cá…)

+ Trường hợp chữ ghi tiếng có nguyên âm đôi ở phần vần thì dấu thanh đặt ở con chữ thứ 2 của nguyên âm đôi ( rượu, miến, luồn. . . ), nếu không có âm cuối thì đặt ở con chữ thứ nhất của nguyên âm đôi( mía, múa).

 + Trường hợp dấu thanh xuất hiện trong các chữ ghi tiếng mà phần vần có dấu phụ( â, ă) thì viết hơi cao và hơi lệch phía phải của dấu mũ (trồng, cắm, lấn. . . ).

* Dấu câu không đơn thuần đánh dấu về mặt ngữ pháp của câu mà là sự quy định chuẩn mực nói, viết và biểu hiện kỹ năng nắm vững ngôn ngữ. Khi viết các em phải thể hiện đúng hình dạng, đặt sau chữ vừa viết (bằng 1/3 khoảng cách so với khoảng cách giữa chữ ghi tiếng này với chữ ghi tiếng kia).

 * Để sớm khắc phục nhanh lỗi về dấu thanh, dấu câu tôi luôn căn dặn các em: Nắm vững kỹ thuật viết và cẩn thận khi đặt bút viết.

b.2.3. Viết liền mạch, đều nét, đúng khoảng cách.

* Rèn chữ viết cho các em không chỉ phải biết cấu tạo của từng chữ cái mà còn phải biết tạo ra chữ viết và sử dụng chữ viết. Khi viết chữ phải đảm bảo mối liên hệ giữa âm và chữ, tổ hợp các chữ cái để ghi âm tiết, các chữ cái phải viết nối với nhau tạo thành chữ ghi tiếng. Để làm được điều đó, tôi đã tiến hành khâu “ Học đến đâu, hành đến đấy; lý thuyết đi đôi với thực hành”. Cho các em nắm vững kỹ thuật viết chữ: kỹ thuật nối nét, lia bút, rê bút gồm những nhóm chữ.

– Liên kết hai đầu:  Chữ cái đứng sau có nét nhọn đầu( u, y, i, t. . . ), nét tròn đầu (n, m). Ví dụ: Chữ “An, Kim. . . ”

– Liên kết một đầu:

+ Chữ cái đứng trước có liên kết, chữ cái đứng sau không có liên kết. Bởi vậy khi viết đến điểm dừng bút của của chữ cái đứng trước cần “ lia bút” đến điểm bắt đầu của chữ cái đứng sau rồi viết. Ví dụ: Chữ H¶i. . .

+ Chữ cái đứng trước không có nét liên kết, chữ cái đứng sau có nét liên kết. Khi viết đến điểm dừng bút của chữ cái đứng trước thì lia bút đến điểm bắt đầu của chữ cái đứng sau, hoặc rê bút tạo nét phụ và viết tiếp theo quy trình viết liền mạch. Ví dụ: Chữ ¤ng, . . .

– Không có liên kết: Cả hai chữ đứng cạnh nhau không có nét liên kết nên khi viết cần có độ doãng bằng 1/3 đơn vị giữa hai con chữ

 Ví dụ: Chữ V©n, Bè, . .

Để viết liền mạch tôi luôn nhắc các em phải biết phối hợp các liên kết các nét của các con chữ để nét không bị gãy, không bị rời rạc, tuân thủ nguyên tắc viết chữ, lựa chọn viết chữ đứng hay chữ nghiêng phải viết đều nét. Trước khi viết học sinh phải hiểu được ý nghĩa của từ, nhận ra điểm xuất phát, điểm nối, điểm dừng bút rồi mới thực hành viết.

* Thông thường các em chưa nắm vững và chưa ước lượng được khoảng cách khi viết. Nên khi thực hành viết các em cần tập thói quen cẩn thận, ước lượng từ chữ ghi tiếng này với chữ ghi tiếng kia bằng “1 đơn vị” rồi mới đặt bút.

Ví dụ: Khi hướng dẫn viết từ “Lãn Ông”, (ở tuần 21 Tập viết 3 Tập 2) học sinh thấy được “ Lãn Ông” là tên riêng của một người và biết được các vị trí liên kết chữ tạo bởi các chỗ nối:

– Chữ “ Lãn”: Từ chữ “L”viết tiếp chữ “a” thực hiện bằng nét nối một đầu. Từ chữ “a” viết tiếp chữ “n” bằng nét nối hai đầu.

Chữ “Ông”: Chữ “ Ô” không có nét liên kết nên khi vừa viết xong chữ cái trước thì điểm đặt bút của chữ “n” chạm vào chữ “Ô”, thực hiện liên kết một đầu hai chữ cái “ n” và “g”

– Khoảng cách chữ “Lãn” và chữ “Ông” bằng 1 đơn vị: L·n ¤ng

 b.2.4. Viết đúng chính tả:

Xuất phát từ nguyên nhân thường viết sai lỗi chính tả trên, tôi đã cho các em:

* Nắm nguyên tắc, luật viết chính tả.

* Luyện viết những từ ngữ khó (từ thường mắc lỗi ở các bài trước, từ các phát âm không chuẩn) vào giấy nháp, bảng con, phát âm lại từ vừa viết thành thạo trước khi viết vào vở.

* Thực hành viết vào vở: Mỗi cụm từ, câu giáo viên đọc 3 lần ( lần 1- các em lắng nghe, lần 2- các em viết, lần 3- các em soát lỗi), đặc biệt khi đọc tôi luôn nhấn mạnh, đọc chậm các từ khó.

Dù cùng một lúc phối kết hợp rèn các kĩ năng viết đúng, đẹp, thành thạo thì tôi luôn chỉ cho học sinh thấy được những lỗi các em thường mắc và có hướng khắc phục. Ví dụ: Khi viết một đoạn trích trong bài Chính tả “Hội vật”

(Tiếng Việt 3, Tập 2), tôi đã dùng hai hình ảnh để các em so sánh và nhận thấy:

Kết hợp các thao tác trên, sau một thời gian ngắn học sinh đã tiến bộ rõ rệt. Các em không ngần ngại trong mỗi giờ học Chính tả hay giờ học Tập viết như trước đây nữa.                                                                                                                               

b.3. Biện pháp thứ ba: Rèn viết chữ nét thanh, nét đậm; sáng tạo chữ viết.

Việc khảo sát chữ viết, theo dõi hằng ngày và biện pháp rèn viết đúng là cơ sở để tuyển chọn nhóm đối tượng học sinh có năng lực. Với những học sinh này tôi không cần hướng dẫn tỉ mĩ như các em khác vì các em đã viết đúng theo mẫu chữ. Chính vì thế tôi cho các em thổi hồn vào trong từng nét của chữ bằng hình thức luyện viết:

– Viết chữ nét thanh, nét đậm: Khi viết nét bút đưa lên rê nhẹ tay hơn nét đưa xuống

– Viết chữ sáng tạo: Là những chữ cái đã viết đúng mẫu chữ, tạo thêm những nét phụ khác. Ví dụ: Viết sáng tạo chữ cái viết hoa: An, H¶i.

b.4. Biện pháp thứ tư: Lựa chọn bút viết phù hợp với đối tượng học sinh.

Ngay từ đầu năm học, tôi đã tổ chức cho học sinh thi viết chữ đẹp của lớp. Qua việc nắm bắt chữ viết và thể trạng học sinh là cơ sở để lựa chọn bút viết. Những học sinh chữ viết còn gãy nét, nguệch ngoạc chứng tỏ tay cầm bút còn yếu, hiếu động, chưa cẩn thận dễ thay đổi ngòi bút khi dịch chuyển nên tôi hướng dẫn các em nên dùng loại bút có kích thước vừa phải, nhẹ, ngòi bút tròn hoặc bút nước (bút chữ A). Còn đối tượng có chữ viết rắn rỏi, trơn nét, thể trạng khỏe mạnh nên dùng loại bút có ngòi mài để khi viết dễ tạo chữ có nét thanh, nét đậm. Kết hợp khen ngợi trong giờ sinh hoạt lớp tôi đã phân tích để học sinh thấy rõ nên sử dụng bút bơm mực để sử dụng lâu dài, tiết kiệm về kinh tế, tiện lợi khi mong muốn rèn luyện chữ viết.

b.5. Biện pháp thứ năm: Tổ chức thi viết chữ đẹp:

Cứ mỗi tháng tôi tổ chức viết chữ đẹp ở lớp 1 lần và kết hợp kiểm tra vở viết của các em nhằm uốn nắn, động viên khuyến khích các em . Đây là cơ hội các em học hỏi trao đổi kinh nghiệm, khám phá những bài viết đẹp. Bài viết đẹp ấy được công khai kết quả và gắn ở góc học tập và là một trong những tiêu chí thi đua trong tháng. Học sinh đạt kết quả cao trong các cuộc thi tôi đã khuyến khích các em bằng những món quà nhỏ “ Một số đồ dùng học tập”.

Với hình thức đó, phong trào giữ vở sạch, viết chữ đẹp đã dấy lên và mang lại hiệu quả cao trong phong trào thi viết chữ đẹp cấp huyện: Năm học 2012  – 2013 có 2 học sinh đạt giải nhì cấp huyện. Năm học 2013-2014 có 2  học sinh đạt giải nhất cấp trường: Phan Nữ Tố Trinh và Đinh Vi Anh Đào.

 

b.6. Biện pháp thứ sáu: Vai trò của giáo viên

– Người ta thường bảo “Nét chữ nết người, cô (thầy) nào trò nấy”. Không có đồ dùng trực quan nào thay thế được và có hiệu quả hơn chữ viết của giáo viên. Nên khi viết bất cứ ở đâu: viết vở, chấm bài, lời nhận xét hay bảng lớp tôi luôn tuân thủ nguyên tắc “ phải cẩn thận- phải đẹp”. Giáo viên rèn chữ viết đẹp không chỉ là tấm gương sáng cho học sinh noi theo mà còn tạo niềm tin cho phụ huynh và đồng nghiệp của mình.

– Rèn viết chữ cho học sinh nhỏ tuổi là một việc làm không đơn giản. Bởi tri giác của các em thiên về nhận biết tổng quát, tính hiếu động, thiếu kiên trì mà viết được chữ thì người viết phải cụ thể, chi tiết, tỉ mỉ và đòi hỏi sự khéo léo cẩn thận nên tôi luôn rèn mình tính kiên trì, chu đáo và đưa cái tâm vào trong từng con chữ.  Mặc dầu mẫu chữ viết đã có sẵn nhưng tôi luôn học hỏi đồng nghiệp, nghiên cứu, khám phá những bài viết đã từng đạt giải.

* Với suy nghĩ và quá trình “Khổ công tôi luyện” tôi đạt giải ba thi viết chữ đẹp cấp huyện năm 2011,

III.1  Kết luận:

Đồng hành với sự nghiệp “trồng người”, gánh nặng trên đôi tay giáo viên là trang giấy, nhân cách của mỗi học sinh. Việc rèn chữ viết không phải trong ngày một ngày hai, một sáng một chiều. Thực chất “rèn chữ” là “rèn người”, là khổ công tôi luyện “tâm thành tài”. Nếu mọi người cùng đồng tâm hợp sức, nắm được cốt lõi bên trong của việc rèn chữ, kiên trì rèn chữ thì sẽ có một xã hội phát triển cao về văn hóa chữ viết, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

* Bài học kinh nghiệm

+ Đối với giáo viên:

– Mỗi giáo viên cần gắn lương tâm trách nhiệm của mình vào mỗi cá thể học sinh, vào từng nét chữ viết. Thổi “văn hóa chữ viết đẹp” vào tâm hồn, đạo đức lối sống của học sinh.

– Giáo viên cần: Nói rõ, viết đúng, đẹp, biết sáng tạo, sửa bài cẩn thận, chu đáo để chinh phục được đồng nghiệp và nhân dân. Nghiên cứu các bài viết đã từng đạt giải.

– Biết phân loại đối tượng học sinh để có biện pháp rèn chữ thích hợp “sai ở đâu sửa ở đấy, học đi đôi với hành”. Hiểu được tâm lý, sức khỏe, chất lượng chữ viết để động viên khuyến khích kịp thời, lựa chọn bút viết phù hợp đối tượng học sinh với hoàn cảnh thực tế.

– Phối hợp với phụ huynh để rèn thói quen, nền nếp viết chữ, giữ vở sạch.

– Duy trì thường xuyên các cuộc thi viết chữ đẹp. Sáng tạo trong việc trao phần thưởng để gây sự hứng thú, tạo tâm lý thoải mái, ham muốn rèn chữ của học sinh.

– Cần quan tâm việc rèn chữ viết ở tất cả các môn học, phối hợp linh hoạt với các môn học khác. Không chờ đến các tiết học Tập Viết hay Chính tả mới nhắc nhở rèn chữ viết.

+ Đối với học sinh:

– Có ý thức tự rèn thói quen nền nếp viết chữ, rèn chữ, tinh thần thi đua học hỏi, cầu tiến.

– Tuyệt đối không được viết chữ nét phăng như người lớn: mất nét, mất dấu. . .

– Không được nhờ người khác viết hộ.

 Bấm vào đây để tải về

 

 

 

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng