Một số biện pháp rèn luyện kĩ năng giao tiếp cho học sinh THCS.
1. Lý do chọn đề tài :
Tuổi thiếu niên có một vị trí đặc biệt quan trọng trong thời kì phát triển của trẻ em -là thời kì chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành như là “Một thời kì quá độ”. Ở lứa tuổi này các em có bước nhảy vọt về tinh thần lẫn thể chất; ở lứa tuổi này tồn tại song song vừa “tính trẻ con” vừa “tính người lớn”. Đây là thời kì phát triển phức tạp nhất và cũng là thời kì chuẩn bị cơ sở, phương hướng chung của sự hình thành quan điểm xã hội và đạo đức của nhân cách được hình thành và tiếp tục phát triển ở giai đoan kế tiếp. Phần lớn trong thời kì này, các em thấy mình không còn là trẻ con nữa. Cảm giác về sự trưởng thành của bản thân là nét đặc trưng riêng trong nhân cách thiếu niên. Các em quan tâm hơn về mọi mặt hình thức, tác phong, cử chỉ và những kĩ năng của bản thân trong phạm vi học tập ,muốn độc lập lĩnh hội tri thức, muốn có lập trường quan điểm riêng. Trong phạm vi xã hội, các em không muốn phụ thuộc vào người lớn, các em không muốn người lớn can thiệp ở một mức độ nhất định. Đồng thơi đòi hỏi, mong muốn người lớn quan hệ đối xử với mình bình đẳng như đối với người lớn, không can thiệp tỉ mỉ vào một số mặt trong đời sống riêng của mình.Thời kỳ này, các em bắt đầu chống lại những yêu cầu mà trước đây nó vẫn thực hiện một cách tự nguyện bằng cách bảo vệ những ý kiến của mình không chỉ trong lời nói mà trong cả hành động. Vậy nên, ngoài việc giáo dục tri thức cho tuổi thiếu niên, là một giáo viên dạy văn, hằng ngày tiếp cận và gần gũi các em, tôi thiết nghĩ chúng ta cũng rất cần chú trọng hơn tới việc dạy kĩ năng sống để hình thành những kĩ năng cần thiết cho các em như: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm chủ hoàn cảnh…
Không thể phủ nhận một chân lý hiển nhiên không gian văn hoá trong nhà trường là không gian lành mạnh đẹp đẽ. Vậy mà lâu nay, ta vẫn bắt gặp không ít trường hợp học sinh vi phạm nội quy trường lớp (đánh nhau, nói tục chửi thề, vô lễ với giáo viên, chán học, thiếu bản lĩnh và nghị lực trong cuộc sống, lụi tàn những ước mơ, khát vọng; sa đà lối sống ăn chơi, đua đòi, hưởng thụ,ngại hoạt động, thậm chí trầm cảm . Tệ hại hơn, hiện nay tiếng Việt đang bị biến dạng trong giới trẻ, đặc biệt là ngôn ngữ giao tiếp của học sinh ở mọi lúc mọi nơi, mọi cấp độ: Ví dụ như những câu từ tục tĩu ghi đầy trên bàn ghế, vánh tường của trường học; những lời nói khiếm nhã khi trò truyện trên Facebook; những lời nói nửa Tây nửa Ta trong giao tiếp một cách vô tội vạ gây phản cảm:
Ví dụ Để nói lời xin lỗi thầy (cô) khi vi phạm thì” so – ri thầy(cô)”; kết thúc cuộc gặp gỡ thì “bye bye”; rồi các em có sự “sáng tạo” một cách vô nguyên tắc vô số những từ ngữ mới lạ mà các em gọi là lớp từ “stin” (tuổi teen: trẻ) ,thể hiện tâm trạng buồn (híc híc) thể hiện tâm trạng vui (ha ha); yêu (iu)…có thể nói những cách nói năng bừa bãi này đã trở thành “bệnh” khó chữa, đã và đang làm cho tiếng Việt của chúng ta trở nên “méo mó”. Và có thể nói chưa bao giờ, tiếng Việt suy thoái và xuống cấp một cách trầm trong như hiện nay. Trước những vấn nạn đó hơn bao giờ hết, vấn đề: giáo dục, rèn luyện cho học sinh kĩ năng giao tiếp: thông qua lời nói, cử chỉ, hành vi, thái độ …được gọi là văn hoá giao tiếp là rất cần thiết để làm giàu thêm hành trang làm người có văn hoá trong thời kỳ hội nhập cho thế hệ học sinh thân yêu. Đó cũng chính lý do tôi chọn đề tài “Một số biện pháp rèn luyện kĩ năng giao tiếp cho học sinh THCS”.
- Nội dung cách thức thực hiện biện pháp – giải pháp:
Trên cơ sở tìm hiểu, điều tra, phân tích một cách kỹ lưỡng thực trạng vấn đề, tôi thấy việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng giao tiếp là cả phạm trù rộng lớn, song cơ bản để đạt được tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng… trong giao tiếp chúng ta cần phải đảm bảo một trong các nguyên tắc cơ bản như: Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, kỹ năng ứng xử tình huống những các vấn đề phức tạp và những vấn đề bất định đối với con người để các em khéo léo ứng phó vượt qua những thách thức, rào cản trong cuộc sống; Tránh những rủi ro đắng lòng mà tôi đã dẫn ra trong phần lý do chọn đề tài và phần tình trạng đã phân tích. Tôi đúc rút một số giải pháp với cách thực hiện như sau :
- Vấn đề thứ nhất:
Rèn kĩ năng về một số yêu cầu và cách thức để giao tiếp có hiệu quả
Để rèn luyện kĩ năng này tôi vận dụng các bài học; bài Hành động nói (Ngữ văn 8 tập 2); bài Lựa chọn trật tự từ trong câu; Chữa lỗi dùng từ (Ngữ văn 6); Chữa lỗi diễn đạt, Phương châm hội thoại và ở các tiết luyện nói.Để rèn luyện kỹ năng về một số yêu cầu và cách thức để giao tiếp có hiệu quả,tôi áp dụng những giải pháp của vấn đề vào qua trình giảng dạy bằng cách định hướng một số câu hỏi thảo luận.
Ví dụ : Khi dạy bài Hội thoại – tiết 111 trong chương trình Ngữ văn 8 tập 2
Tôi lần lượt các bước như sau :
Bước 1 : Xác định rõ mục tiêu cần đạt khi thiết kế bài giảng về cách hướng dẫn các em chủ động lĩnh hội thực kiến thức trong quá trình giao tiếp theo chuẩn kiến thức kĩ năng như :
- Mục tiêu cần đạt
1- kiến thức:
– Vai xã hội trong hội thoại
2- Kĩ năng:
– Xác định được các vai xã hội trong hội thoại
Bước 2 :(tiết 1: Thực hiện ở tiết củng cố bài Hội thoại ,thay vì củng cố bài học theo cách truyền thống : ôn lại kiến thức cơ bản kết hợp làm bài tập,tôi thực hiện tiết học bằng hoạt động Ngữ văn theo trình tự như sau:
Bước 2.1:
Chuẩn bị :Giáo viên giao nhiệm vụ đóng vai, các em sẽ lựa chọn các bạn có khả năng diễn xuất phù hợp với tính cách ngoại hình nhân vật trong văn bản để thực hiện vai diễn nhân vật và vai người dẫn chuyện trong tác phẩm Tắt đèn- Ngô Tất Tố – để thực hiện đoạn hoạt cảnh (diễn kịch) đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” (Ngữ văn 8).
Sau khâu phân vai Giáo viên sẽ thực hiện trình chiếu tóm lược đoạn phim Chị Dậu – của đạo diễn Anh Thái xuất bản 1981.Cuối cùng lưu ý học sinh chú ý ở những chi tiết diễn xuất tiêu biểu của các nhân vật trong phim đặc biệt là đoạn hội thoại giữa chị Dậu với chồng –con ,bà lão hàng xóm và với tên Lý trưởng bất nhân, hung hãn, để thấy rõ sự đa dạng nhiều chiều trong vai xã hội cũng như cách sử dụng từ ngữ ở mỗi hoàn cảnh giao tiếp khác nhau trong bản thân một nhân vật khi tham gia giao tiếp .(kết thúc tiết 1)
Bước 2.1 ( thực hiện trong tiết 2)
+ Học sinh nhắc lại kiến thức cơ bản của Hội thoại.
+ Học sinh thực hiện hoạt cảnh đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” (Ngữ văn 8) .
+ Các em trong lớp theo dõi và đánh giá hoạt động đóng vai và cách diễn xuất của các bạn (dùng cử chỉ và ngôn ngữ ,cách thực hiện lời thoại có lưu loát không? Đảm bảo nội dung chính của văn bản không ?…).
Bước 2.2 ( thực hiện trong tiết 2) Giáo viên tiến hành thảo luận bằng phương pháp khăn trải bàn với những câu hỏi mang tính định hướng :
Câu 1: Chú ý,tập trung và lắng nghe có quan trọng trong giao tiếp không? Vì sao?
Câu 2: Khi giao tiếp có cần chú ý đến lượt lời không?
Câu 3: Khi giao tiếp có cần nói đúng mục đích không?
Câu 4: Việc lựa chọn trật tự từ trong câu và cách đặt câu(phù hợp với ngữ cảnh và tình huống ) có tác dụng gì trong quá trình giao tiếp?
Câu 5: Nội dung thông tin truyền đạt trong giao tiếp cần đảm bảo những điều kiện nào?
Câu 6: Cần duy trì việc sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cử chỉ không? Vì sao?
Câu 7: Cần có khả năng phát âm đúng chính không?
Câu 8: Để giao tiếp thành công và đặt hiệu quả như mong muốn em cần có những kỹ năng nào khi thực hiện hoạt động giao tiếp ?
Sau khi học sinh các nhóm đưa ra kết quả của các câu hỏi, giáo viên lưu ý về yêu cầu cơ bản và một số cách thức để giao tiếp có hiệu quả như sau :
- Thứ nhất:
Khi giao tiếp cần có kĩ năng lắng nghe :
Nghe là một hoạt động rất thường xuyên của con người nhằm thu thập và xử lý thông tin qua kênh âm thanh. Nghe đóng vai trò quan trọng trong kĩ năng sử dụng tiếng Việt. Nếu nghe tốt chúng ta sẽ xử lý thông tin tốt; thậm chí đối với học sinh dân tộc ít người thì nghe tốt còn giúp các em nâng cao kĩ năng phát âm(kĩ năng sử dụng tiếng Việt ) và kĩ năng giao tiếp của mình tốt hơn.
- Thứ hai:
Ánh mắt phải luôn hướng về người đang giao tiếp đừng quay sang hướng khác khi người khác đang nói, vì “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, vậy nên trong giao tiếp với người khác trong một cuộc thoại cần phối hợp nhịp nhàng giữa ngôn ngữ nói và những hành động phi ngôn ngữ (cử chỉ, tư thế giao tiếp ) phù hợp với hoàn cảnh, môi trường giao tiếp. Vì sự không ăn khớp giữa lời nói và cử chỉ hành động sẽ khiến cho các em trở thành người giả dối. Vậy nên, lời nói và những hành động phi ngôn ngữ, đặc biệt là ánh mắt đã trở thành một trong những yêu cầu cơ bản để hỗ trợ kĩ năng nghe tốt hơn ,vừa đảm bảo tính lịch sự ,tính liền mạch, tính hợp tác… trong giao tiếp.
Hai yêu cầu này thực hiện ở tất cả bất kỳ moi hoạt động giao tiếp của thực tế trong và ngoài nhà trường: (Ví dụ: là học sinh khi giao tiếp trong quá trình tiếp nhận kiến thức ở trong lớp học thì cần lắng nghe thầy (cô) giảng bài, nghe phát biểu,… để thu nhận, phân tích, đánh giá thông tin, từ đó bày tỏ ý kiến tán thành hay phản đối của mình trong nội dung bài học đó (để xây dựng bài học). Để tập trung lắng nghe thì mắt phải nhìn lên bảng, tư thế ngồi phải ngay ngắn ). Và tránh tranh (cướp) lời của người khác trong giao tiếp . Bởi một quy luật bất thành văn trong giao tiếp đã hình thành để giao tiếp hiệu quả thì cần phải biết lắng nghe và thấu hiểu.
- Thứ 3:
Tác phong tự nhiên, giọng nói phải rõ ràng , có ngữ điệu, đúng chuẩn âm,truyền cảm,nội dung đầy đủ,không nói những gì ngoài mục đích của hoạt động giao tiếp.
- Vấn đề thứ 2 : Rèn kĩ năng văn hóa “chào hỏi”
Rèn luyện kỹ năng chào hỏi hay còn gọi là văn hóa chào hỏi là một điều không thể thiếu trong hoạt động giao tiếp; bởi “chào hỏi” là nét văn hóa, tính nhân văn của cộng đồng người Việt Nam. Chào hỏi là nét phong cách thể hiện nề nét gia phong, cách giáo dục con cái của mỗi gia đình và thể hiện thuần phong mỹ tục bởi cha ông xưa đã từng dạy ”lời chào cao hơn mâm cỗ”. Thông qua chào hỏi thể hiện thái độ và nhân cách cũng như trình độ văn hóa giao tiếp của mỗi người. Bởi thực tế nếu ai không có ý thức hoặc phong cách chào hỏi đúng theo chuẩn mực sẽ bị nhìn nhận đánh giá là người thiếu lịch sự khi giao tiếp thiếu đạo đức (vô lễ) hoặc sẽ bị người khác xem thường.
Dựa trên kết quả điều tra cho thấy, nét đẹp trong văn hóa chào hỏi ở một số không ít học sinh đang có sự biến thái hay đứt gãy gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa học đường nói chung và văn hóa giao tiếp nói riêng (chi tiết đã phân tích ở mục e ) vậy nên việc rèn luyện kỹ năng chào hỏi tưởng như là điều bình thường lại trở nên hết sức bức thiết đối với thế hệ trẻ nói chung và đối với học sinh THCS nói riêng vẫn là chưa muộn để các em có được những nét đẹp trong vấn đề giao tiếp, để bất cứ ở trong môi trường giao tiếp nào những câu chào, nụ cười, ánh mắt, thân thiện …sẽ góp phần giúp cho mọi người xích lại gần nhau hơn.
Để rèn luyện kĩ năng này tôi luôn có ý thức lồng ghép giữa nội dung kiến thức chuyên môn, bao giờ trong mục tiêu mỗi bài học có liên quan đến thực trạng vấn đề văn hóa chào hỏi tôi cũng chú trọng đến rèn kĩ năng văn hóa giao tiếp(chào hỏi) cho học sinh.
* Bước 1: Giúp học sinh hiểu được vị trí ý nghĩa chào hỏi trong giao tiếp .
Ví dụ: khi dạy bài Luyện nói kể chuyện (Ngữ văn 6) ngoài việc cung cấp kiến thức bài học theo như chuẩn kiến thức kĩ năng của Bộ Giáo dục:
- Mục tiêu cần đạt :
+ Nắm chắc kiến thức đã học về văn tự sự: chủ đề, dàn bài, đoạn văn, lời kể và nhân vật, ngôi kể trong văn tự sự.
+ Biết trình bày diễn đạt một câu chuyện của bả thân trước lớp. (theo đúng quy trình của một tiết luyện nói đã và đang thực hiện theo phương pháp dạy học hiện hành như chuẩn bị,thực hành luyện nói và những yêu cầu khi nói và các bước: Lời chào – giới thiệu – khi bắt đầu của hoạt động giao tiếp; Luyện nói theo dàn ý và Lời chào, lời cảm ơn – khi kết thúc – hoạt động giao tiếp. )
Sau đó tôi định hướng liên hệ thực tế để rèn luyện văn hóa chào hỏi bằng cách cho các em nhận xét trình tự của các bước luyện nói cơ bản trong bài luyện để các em thấy được văn hóa chào hỏi là không thể thiếu khi bắt đầu và khi kết thúc của quá trình giao tiếp mới có thể đảm được các quy tắc chuẩn mực về văn hóa giao tiếp như. Vậy khi thực hiện văn hóa chào hỏi ở mỗi phần cần đảm bảo những yêu cầu như thế nào ?Áp dụng đề tài cho kiểu bài này tôi thường lưu ý cho các em một số kĩ năng chào hỏi như sau :
+ Thứ nhất : Lời chào khi bắt đầu cuộc hội thoại thường kèm theo cử chỉ thái độ (tùy theo vai xã hội của người tham gia hội thoại cũng như tùy vào từng hoàn cảnh, mục đích của hoạt động giao tiếp ). Để học sinh thấy được kĩ năng này.
Với bài Lượm (Tố Hữu): lời chào là một nụ cười thân thiện “Cháu cười híp mí”, trong chiến tranh khốc liệt, vội vã khẩn thiết lời chào ở hoàn cảnh này của các chiến sĩ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính– Phạm Tiến Duật- lại là “Gặp bạn bè suốt dọc đương đi tới; Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.”…
+ Thứ hai : Kết thúc cuộc thoại ( hoạt động giao tiếp cần đảm bảo về mặt nghi lễ lời chào, lời cảm ơn, lời hứa hẹn… kết hợp cử chỉ, điều đó cũng phụ thuộc vào những hoàn cảnh khác nhau, đối tượng, tính chất, mục đích của từng hoạt động giao tiếp. Với bài Lượm (Tố Hữu) lời chào kết thúc hoạt đông giao tiếp là : “Thôi chào đồng chí ”, Làng (Kim Lân) lời chào kết thúc hoạt đông giao tiếp “Hà, nắng gớm , về nào…”; Lặng lẽ SaPa (Nguyễn Thành Long) kết thúc cuộc gặp gỡ “Cô gái liếc nhìn bác già rất nhanh, tự nhiên hồi hộp, nhưng vẫn im lặng”
* Bước 2:
Từ bài học trong sách vở giáo viên mở rộng kỹ năng chào hỏi, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng nói vào việc áp dụng trong đời thường như thái độ hành động chào hỏi với mọi người xung quanh: với bạn bè cùng trang lứa, với người lớn hoặc nhỏ tuổi, với thầy ( cô giáo) dạy hay không dạy mình; với nhân viên trong nhà trường … để từ đó hình thành cho mình có được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người cũng như đem lại thành công trong giao tiếp để hoạt động giao tiếp đúng với thuần phong mĩ tục văn hóa dân tộc và con người Việt Nam; đồng thời tạo cho mình có được thói quen tốt, thói quen giao tiếp có văn hóa vì “ giao năng liếc năng sắc, người năng nói năng quen” để trở thành người có giáo dục có đạo đức; thân thiện cởi mở. Từ đó giúp ta xóa bỏ được những khoảng cách vô hình để trở thành con người sống có tình nghĩa , sống vui vẻ, đoàn kết, thân thiện hơn.để thực hiện kĩ năng này tôi định hướng rèn luyện kĩ năng chào hỏi qua một số câu hỏi thảo luận nhóm như:
Câu hỏi 1 ? Chào hỏi phụ thuộc vào những yếu tố nào ?
Câu hỏi 2 ? Các cách chào hỏi em thường gặp là gì ?
Câu hỏi 3 ? Nên sử dụng phương tiện ngôn ngữ như thế nào ?
Câu hỏi 4 ? Việc chào hỏi có phụ thuộc vào hoàn cảnh và tình huống nội dung của hành động giao tiếp không ?
Câu hỏi 5 ? Bản thân em rút ra được bài học gì từ việc khi chào hỏi ? Sau khi học sinh suy nghĩ, thảo luận. Giáo viên cho học sinh trình bày ý kiến kết quả thảo luận trước lớp và nhận xét, đánh giá về vấn đề và rút ra kết luận cho vấn đề học tập kỹ năng “chào hỏi” đó là:
* Một là : Các em luôn phải ý thức văn hóa chào hỏi là một phép lịch sự tối thiểu và rất cần thiết để ta bày trỏ thái độ tôn trọng lẫn nhau.
* Hai là : Chào hỏi phụ thuộc vào:
+ Vì trí của người tham gia hội thoại (vai xã hội ), vì vậy cần xác định đúng vai của mình khi tham gia giao tiếp để có cách nói phù hợ với tuổi tác, giới tính, muối quan hệ thân sơ đồng thời thể hiện được sự tôn trọng chân thành, giản dị, thân thích.
+Chào hỏi phải phù hợp không gian, thời gian ( ví dụ tình huống giao tiếp) – kỹ năng được lồng ghép ở bài: Các phương châm hộ thoại SGK Ngữ văn 9 trang 36. Tránh trường hợp lịch sự không đúng lúc dẫn đến sự khó chịu phiền hà cho đối phương khi giap tiếp.
* Ba là: Sử dụng từ ngữ (phương tiện giao tiếp) đảm bảo tính lịch sự trong giao tiếp.
* Bốn là : Sử dụng ngôn ngữ: Lời nói hoặc kết hợp cả lời nói và cử chỉ, thái độ (bắt tay, tư thế chào hỏi, nụ cười,..)
* Với kỹ năng này tôi có thể áp dụng sau các bài học: Xưng hô trong hội thoại ( Ngữ văn 9 tập 1) hay văn bản “ Dế mèn phiêu lưu kí” (Ngữ văn 6 tập 2) , văn bản “ Tức nước vỡ bờ” ( Ngữ văn 8 tập 1) , văn bản “ Lão Hạc” (Ngữ văn 8) ; “Tắt đèn” ( ngữ văn 8) ; Kĩ năng cử chỉ (Dế mèn phiêu lưu kí, Tiểu độ xe không kính,…) giúp học sinh thấy được sự đa dạng, tinh tế và giàu sắc thái biểu cảm của hệ thống từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt ;và một số đặc điểm khác của tình huống giao tiếp mà lựa chọn cách nói cho đúng chuẩn mực văn hóa của người Việt Nam ở mọi lúc mọi nơi.
Ví dụ: Trong giờ ra chơi gặp thầy cô chào hỏi lễ phép bằng cách : Sử dụng các từ ngữ chức danh : Cô – thầy ; Kết hợp ngôn ngữ cử chỉ thái độ kính trọng cúi đầu, mĩm cười đồng thời cấu tạo câu đầy đủ thành phần chính ( C- V) và thành phần phụ ( Trợ từ ) ; Lựa chọn câu phù hợp với mục đích nói ( Câu cảm thán) ; Cũng trong hoàn cảnh đó nếu gặp các em khối lớp dưới cần đảm bảo sự cởi mở, niềm nở bằng cách sử dụng đại từ nhân xưng là anh, chị, kết hợp cử chỉ nắm tay hay mở một nụ cười thân thiện,…và cấu tạo câu đầy đủ thành phần.
* Năm là : Luôn có ý thức hình thành thói quen chào hỏi và làm quen với mọi người khi giao tiếp.
- Vấn đề thứ 3 : Rèn kĩ năng nói
Đây là khả năng đóng vai trò trọng tâm trong quá trình học tập cũng như đời sống. Với kĩ năng này đòi hỏi các em phải rèn luyện ở các khía cạnh sau trong cách nói:
3.1: Dùng từ đúng âm, đúng nghĩa, đúng với quy tắc ngữ pháp mà xã hội quy định,vì nếu phát âm không đúng hoặc nhầm lẫn sẽ khiến người nghe không hiểu. Điều này đòi hỏi các em phải cố gắng rèn luyện. Để có được các kĩ năng nói trên tôi vận dụng ở các tiết học: Chương trình địa phương, các bài học về từ vựng như chữa lỗi từ; nghĩa của từ; cách cấu tạo câu theo các kiểu( câu đơn, câu phức, câu ghép…) ; Cách biến đổi câu: câu đặc biệt; câu rút gọn; mởi rộng câu: thêm trạng ngữ, khởi ngữ,….bằng các hình thức cụ thể:
3.1.1: + Luyện phát âm theo hướng dẫn của giáo viên nhiều lần, nhiều lúc. Đối với đối tượng học sinh phát âm sai phụ âm đầu và âm cuối (t, n, ng), ví dụ:hoàn hảo,gian nan=> gian nang, cái tất=>cái tấc); lỗi v, gi, d (đi về- đi dìa)..đối với các em Miền Nam; Hoặc s, x, c, l..Đối với các em thuộc các tỉnh thành miền Bắc. Hoặc học sinh Tày, Nùng thường lẫn lộn r/l (lễ phép, rễ cây, leo cao, reo hò..); khu vực Miền Trung thường phát âm sai thanh điệu hoặc nhầm lẫn thanh điệu như xã hội => xá hội( xạ hội), vĩnh viễn=> vịnh viện (vính viễn)
Cái cửa=> cái cựa…..
3.1.2: Hướng dẫn học sinh tra từ điển tiếng Việt ghi lại từ có phụ âm , hoặc có vần giống nhau rồi tập phát âm (vd: lá- đá, làn- đàn; đá lửa, lá chắn, lá lách, đá dăm…)
3.1.3: Cho hoc sinh đọc có so sánh nghĩa của những từ có phụ âm đầu mà các em hay phát âm sai (lá : vạch lá tìm sâu >< đá: nước chảy đá mòn)
3.1.4 Cho học sinh luyện đọc các câu truyện, đoạn thơ văn có từ ngữ chứa các phụ âm, vần thường mắc lỗi ở trên, giáo viên và cả lớp nghe rồi hướng dẫn học sinh khắc phục lỗi lầm bằng cách đọc đúng:
Ví dụ 1:
“ Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh”
(Tố Hữu)
3.1.5. Luyện bằng cách cho học sinh trực tiếp giao tiếp cùng bạn ngồi bên là bài tập băng cách thực hiện câu chuyện sau bằng hình thức hội thoại ( có nhiều câu từ có phụ âm, âm cuối hoặc vần hay mắc lỗi ).
Ví dụ: Vị bác sĩ khám bệnh nói với bệnh nhân:
- Ồ bệnh của ông không sao đâu?
- Ông không phải lo sợ như thế!
- Ông có thể sống tới 80 tuổi.
Bệnh nhân nói :
– Vâng, tôi năm nay đã 80 tuổi rồi…!
3.1.6 Luyện bằng phương pháp cho học sinh chơi trò chơi đoán chữ, điền chữ… qua phiếu học tập bằng hình thức phân loại đối tượng tượng :
Ví dụ 1: Điền đúng các phụ âm ch – tr vào dấu ba chấm: ….a anh-…am khảo,…ăm làm – …ăm tuổi; phụ âm d – gi –v : …ải lụa – … ảivóc
Ví dụ 2: Đọc đúng thanh: thanh hỏi – thanh nặng.
(bản án – bạn bè; cổ điển – điện tử); thanh hỏi – thanh ngã ( mảnh trăng – mãnh liệt ; mảnh khảnh – mãnh thú…); thanh ngã – thanh sắc( giã gạo – giá cả, phẫn nộ – phấn viết…) thanh ngã – thanh nặng ( lãi suất – qua lại, lá cây – nước lã )
3.1.7 Luyện bằng phương pháp: tích cực luyện phát âm đúng với cách viết đúng cấu trúc – ngữ pháp bằng cách:
+ Nắm vững kiến thức cú pháp của từ loại.
Ví dụ: chức năng chính của từ loại Danh từ thường làm chủ ngữ, chức năng chính của Động từ làm VN…
+Nắm vứng kiến thức về cách cấu tạo câu ( câu đơn câu ghép) các cách biến đổi câu ( câu đặc biệt , câu rút gọn mở rộng phần câu hay câu theo mục đích nói..
3.2 Nói có nội dung: Nội dung của lời nói phải đáp ứng yêu cầu của hoạt động giao tiếp – nói đúng, nói đủ, có căn cứ. Để rèn luyện kỹ năng này, tôi áp dụng khi dạy bài “ Lợn cưới áo mới” – Ngữ văn 6; Còn với đối tượng học sinh lớp 9 có thể kết hợp ở nội dung bài học “ Các phương châm hội thoại ” thông qua dữ liệu chỉ cho học sinh những hoạt động giao tiếp không tuân thủ theo nguyên tắc hội thoại kết hợp phát phiếu học tập để các em rèn luyện kỹ năng để đúng đủ nội dụng cần nói.
- Vấn đề 4 – Văn hóa giao tiếp còn thể hiện ở việc rèn luyện kĩ năng :
4.1: Rèn kĩ năng sự tự tin (khả năng này không mang tính chuyên môn nhưng cũng không kém phần quan trọng trong quá trình giao tiếp): và kĩ nằng này giúp cho quá trình giao tiếp hiệu quả hơn, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ và ý kiến của mình, quyết đoán trong việc giải quyết vẫn đề từ đó có suy nghĩ tích cực,lạc quan và đem loại hiệu quả của mục đích giao tiếp mà mình mong muốn: muốn vậy các em phải:
4.1.1 Hiểu, nắm nội dung của vấn đề giao tiếp; để từ đó áp dụng những công cụ , phương tiện khác để có kĩ năng truyền đạt vấn đề một cách tự nhiên( Để học sinh có được điều kiện trên tôi thường xuyên rèn luyện các em sử dụng bản đồ tư duy giúp học sinh thâu tóm nội dung cần có trước khi giao tiếp) .
4.1.2 Vững lòng tin ở ngoại hình cũng là một nhân tố xúc tác mạnh dạn trước đám đông: mặc đúng lúa tuổi,đúng hoàn cảnh, đúng môi trường,…
4.1.3: Có sự tìm hiểu người nghe cũng là nhân tố quan điểm đi đến sự thành công tốt đẹp của quá trình giao tiếp có văn hóa để tránh những quan điểm, tư tưởng,… trái chiều, đi ngược lại với nội dung mình truyền đạt khi thực hiện mục đích giao tiếp vì một người khi đón nhận thông điệp thì họ đón nhận người thuyết trình trước khi đón nhận thông điệp. Hiểu được điều đó chúng ta sẽ tránh được những lời nói thiếu văn hóa và loại bỏ được những mâu thuẫn,những xung đột, những cuộc cãi vã dẫn đến hành vi thiếu văn hóa hay bạo lực học đường cũng như trong những môi trường khác.
Tôi áp dụng rèn luyện kĩ năng này( của đề tài ) thông qua rèn luyện nói ở tất cả các khối.
Vấn đề thứ 5 :
Rèn luyện kỹ năng ứng xử trong giao tiếp ( kỹ năng tâm lý khi giao tiếp) Không chỉ rèn luyện cho học sinh có những kĩ năng sử dụng phương tiện ngôn ngữ (lời nói và cử chỉ), trong giao tiếp việc rèn luyện cho các em kĩ năng biết ứng xử một cách có văn hóa trong những tình huống khác nhau cũng là nhiệm vụ quan trọng trong nhà trường, để đạt được những kỹ năng biết này ngoài yêu cầu sử dụng ngôn ngữ,học sinh còn cần phải rèn luyện kỹ năng tâm lý khi giao tiếp. Áp dụng rèn luyện kĩ năng này ở một số khía cạnh ( cảm thông và làm chủ cảm xúc)
5.1 Kĩ năng này thể hiện sự cảm thông :
Bởi cảm thông là có thể hình dung, đặt mình trong hoàn cảnh của người khác để có thể giúp mình hiểu rõ cảm xúc và tình cảm của người khác để rồi cảm thông với hoàn cảnh hoặc nhu cầu của người khác. Kỹ năng này giúp ta tăng cường hiệu quả giao tiếp và ứng xử với người khác, cải thiện được mối quan hệ giao tiếp không chỉ dừng lại ở trong sách vở, trong trường lớp mà còn mở rộng ra môi trường xã hội rộng lớn, đặc biệt nó hoàn toàn phù hợp với môi trường sống đa bối cảnh văn hóa, đa sắc màu dân tộc ở địa bàn tỉnh Đắc Lắc chúng ta. Sự cảm thông giúp học sinh có những hành vi thân thiện, là yếu tố cần thiết để giải quyết những vấn đề kiên định, kìm nén cảm xúc và đặc biệt là khống chế được sự mâu thuẫn ( một hành vi đạo đức lối sống thiếu văn hóa nói chung) hay những hệ lụy đáng tiếc trong cuộc sống. Tôi áp dụng đề tài này khi dạy bài: “ Bài học đường đời đầu tiên”- Dế Mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài); Cuộc chia tay của những con búp bê; Truyện kiều; Chuyện người con gái Nam Xương; Lão Hạc….
Ở phần dạy kĩ năng sống tôi định hướng học sinh bằng những câu hỏi:
Câu 1: Qua văn bản này em hiểu gì về nghĩa tình cha con, nghĩa tình xóm làng?
Câu 2: Em có suy nghĩ gì về nhân vật Lão Hạc?
Câu 3: Em có nhận định gì về câu nói của vợ ông giáo: “ Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ! Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ! Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão? Chính con mình cũng đói…”
Câu 4: Suy nghĩ của em về đoạn văn: “ Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm hiểu họ… không nỡ giận” trong văn bản “ Lão Hạc” của Nam Cao?
Câu 5: Biết chia sẻ, biết cảm thông giúp đỡ mọi người quanh ta có ý nghĩa như thế nào đối với em?
Dạy kĩ năng cảm thông chia sẻ ở bài này giúp học sinh có ý thức thấu hiểu được sự nghèo khổ về vật chất nhưng họ lại là những người sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và họ luôn có ý thức được vấn đề nhân phẩm: Giữ vững phương châm đạo đức lối sống trong sạch dù phải đi đến bước đường cùng: tìm đến cái chết. Và ta thấy nếu ai cũng biết cảm thông chia sẻ cùng Lão thì sẽ không có kết cục đau lòng ở phần kết truyện. Từ đó, giúp các em thấy được “ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng….” Có được điều đó thì khi gặp những hoàn cảnh bất hạnh, kém may mắn trong cuộc sống các em có thể giúp họ vượt qua mọi biến cố, nhưng thăng trầm trong cuộc sống. Làm cho môi trường sống xung quanh các em trở nên trong sáng hơn, tốt đẹp hơn, dễ dàng hơn. Thực tế cho thấy chỉ vì một xích mích , va chạm nhỏ đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, phản gia đình của không ít học sinh vẩn đục môi trường giao tiếp văn hóa học đường trước cổng trường, trong lớp học tại trường THCS Ama Trang Lơng một vài năm học trước khiến chúng tôi rất đắng lòng. Một phần của tình trạng đó cũng bởi tại vì các em chưa thấu hiểu, chưa cảm thông cho nhau.
- Vấn đề thứ 6 :
Rèn luyện kĩ năng tâm lý làm chủ bản thân khi giao tiếp trước sự lôi kéo của bạn bè.
Đề tài này tôi ứng dụng qua bài “Chân, tay, tai, mắt, miệng” Ngữ văn 6 ; bài “Mây và sóng” (Ta-gor) Ngữ văn 9.
Bài học kĩ năng giao tiếp này tôi thực hiện thông qua các câu hỏi dưới sự định hướng của giáo viên:
– Em có nhận xét gì về hành động của các nhân vật trong văn bản?
– Trước những trường hợp tương tự như thế em xử xự như thế nào trong quá trình tham gia giao tiếp?
– Việc xử lý tình huống từ bài học liên hệ bản thân trong cuộc sống chính là mục tiêu của kỹ năng làm chủ bản thân…của đề tài khi các em gặp phải trong cuộc sống (như đã nêu ở phần đặt vấn đề và thực trạng)
Từ đó giúp các em đứng vững trước sự lôi kéo của bạn bè, có nghĩa là sự đối mặt với những việc làm sai trái của các bạn (người tham gia giao tiếp) để tránh những rủi ro tiềm tàng trong mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau bằng cách bảo vệ những giá trị chuẩn mực, đúng đắn và niềm tin của bản thân. Biết gạn đục khơi trong, biết khéo léo phân tích, đánh giá để ngăn ngừa những hành vi nguy hiểm. Từ đó đẩy lùi thực trạng: Kéo bè kết cánh, đua đòi, ăn chơi buông thả, trộm cắp, hút thuốc, uống rượu….mà vẫn không làm mất lòng đối phương.
3 Kết quả khảo nghiệm
Nhìn laị quá trình trải nghiệm thực tế và theo dõi kết quả; của việc áp dụng đề tài “Rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho học sinh qua môn Ngữ văn bậc THCS”, phần lớn các em đã có những sự thay đổi trong quá trình giao tiếp: Ngoan ngoãn hơn, lễ phép hơn, hòa đồng thân thiện với bạn bè hơn; đặc biệt là hiện tượng vô lễ, nói tục, chửi thề so với những năm học trước tỉ lệ giảm sút đáng kể. Những học sinh đồng bào (dân tộc ít người mạnh dạn hòa đồng, và thân thiện (nói năng lưu loát, đúng chính tả) Điều đó giúp các em vượt qua được rào cản mặc cảm, tự ti, nhút nhát… Để các em có sự thay đổi tích cực trong quá trình học tập. Ví dụ ở lớp có nhiều em là học sinh dân tộc song khả năng giao tiếp của các em rất tốt như em H Nhi, H Zan, Hà Duy Lãm, Nguyễn Thị Bích Ngọc,… ; Kết quả học tập của các em năm sau luôn cao hơn năm trước.
Một số em học sinh cá biệt đã có sự thay đổi tích cực trong giao tiếp với thầy (cô), bố mẹ, bạn bè và mọi người xung quanh cũng như trong học tập. Tiêu biểu như: em Nguyễn Mạnh Sỹ, em Võ Ngọc Qúy, nếu như trước đây các bạn trong lớp luôn xa lánh, không ai trong lớp muốn các em có những hành vi văn hóa lệch chuẩn ở tổ (lớp) mình, trong mắt thầy cô giáo các em là những học sinh cá biệt vì có những hành vi giao tiếp ứng xử ( nói tục, nhiều lần vi phạm nội quy trong lớp,…) làm ảnh hưởng tới kết quả thi đua của tập thể ,khiến cho bố mẹ và thầy cô bạn bè không vừa lòng. Nhưng sau hai năm trực tiếp giảng dạy ở khối 7 năm học 2013-2014 và theo khối lớp 8 năm học 2014-2015, tôi đã có điều kiện áp dụng và giảng dạy những giải pháp trong đề tài qua những bài giảng bằng cách có lồng ghép kỹ năng giao tiếp cho thấy vấn đề văn hoá giao tiếp của không ít trường học sinh có chiều hướng thân thiện hơn, gần gũi hơn với các bạn trong lớp, trong trường… có ý thức tốt hơn trong việc rèn luyện và học tập. Được bạn bè quan tâm giúp đỡ nhiều hơn trong quá trình rèn luyện và học tập, được lực chọn vào đội tuyển văn nghệ của lớp (trường). Từ học sinh lười học, ngỗ ngược (Trước khi áp dụng đề tài học lực và hạnh kiểm của các em là trung bình) đến kỳ 2 lớp 7, kì 1 lớp 8 kết quả là các em là những học sinh khá(giỏi) và hạnh kiểm tốt và được mọi người thừa nhận là có sự tiến bộ vượt bậc trong mọi mặt.
Thực tế cho thấy kết quả Môn văn, kĩ năng giao tiếp, và sự yêu thích môn học ở các thời điểm khác nhau kể từ khi dạy học thực nghiệm phương pháp “ Giáo dục rèn luyện kĩ năng giao tiếp cho học sinh qua môn Ngữ văn bậc THCS’’ cho đến hết học kì I năm Năm học 2014- 2015, học sinh lớp 8B , học sinh lớp 6A ,7A ,9G.
Mức độ
Số Học sinh |
Giao tiếp đúng chuẩn mực | Biết vận dụng kĩ năng | Kết quả học tập từ trung bình trở lên | Sự yêu thích môn học |
154 | 135 | 147 | 149 | 120 |
Tỉ lệ % | 87% | 95% | 96% | 78% |
Đó là những kết quả rất khả thi nhờ áp dụng phương pháp dạy học bằng “Giờ học mở” ,trong dạy- học Ngữ văn mà tôi đã đặt ra ở trên.
4.Kết luận :
Tóm lại, giáo dục văn hóa giao tiếp, đạo đức-văn hóa học đường là nhăm xây dựng một không gian văn hóa học đường thật sự trong lành tốt đẹp có sức cảm hóa, sức hấp dẫn và sự lan tỏa để đẩy lùi những cái phi văn hóa trong môi trường học đường nói riêng và cả ngoài xã hội nói chung. Trong phạm vi (cả về điều kiện và năng lực) có hạn và những giải pháp biện pháp, mới chỉ dừng lại ở quan điểm cá nhân. Đề tài hỗ trợ một phần nào đó-tạo điều kiện thuận lời cho giáo viên áp dụng một cách có hiệu quả trong quá trình dạy học ngữ văn để học sinh có ý thức và tự nguyện làm theo những chuẩn mực cái đẹp:Từ lời ăn- tiếng nói, đến cách nghĩ-cách hành động đều hướng đến” Chân – thiện – mĩ” trong quá trình giao tiếp của mình ở mọi lúc và ở mọi nơi; góp phần thúc đẩy sự phát triển chung cả về “ Tài năng trí tuệ” lẫn phẩm chất đạo đức cho thế hệ trẻ con người Việt Nam trong thời kì hội nhập.