Một số biện pháp rèn luyện kĩ năng đọc và viết khi học môn Tiếng Việt cho học sinh lớp 5

Một số biện pháp rèn luyện kĩ năng đọc và viết khi học môn Tiếng Việt cho học sinh lớp 5

1/ Lý do chọn đề tài:

   Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến Giáo dục – đào tạo và coi Giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì Giáo dục – đào tạo được xem là mũi nhọn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước, đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp hoá vào năm 2020 như nghị quyết của Đảng đã đề ra.

   Chúng ta đang thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động: “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ” , “ Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo ” và phong trào thi đua “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực ”. Quản lí và tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng; đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng dạy học.

   Hiện thực hoá nghị quyết của Đảng và sự kì vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là trách nhiệm của mỗi thầy giáo, cô giáo.

   Cấp tiểu học là cấp học mang tính cơ sở và giữ vai trò nền tảng cho cả một “ Sự học ” trên ghế nhà trường của học sinh. Kiến thức tiếp thu được dưới mái trường tiểu học là bước khởi đầu cho quá trình các em bước vào chiếm lĩnh kho tàng tri thức của nhân loại mênh mông và vô tận. Kiến thức và năng lực chiếm lĩnh, hình thành ở cấp tiểu học nó sẽ trở thành phẩm chất, phương tiện và hành trang cho suốt cuộc đời của các em. Muốn đạt được điều đó việc đầu tiên là phải có một kiến thức Tiếng Việt thật tốt để làm hành trang trong suốt sự học của mỗi học sinh, để giúp cho các em học sinh có được hành trang kiến thức Tiếng Việt yêu cầu đầu tiên phải sử dụng Tiếng Việt một cách hiệu quả trong đó các kĩ năng như kĩ năng đọc và kĩ năng viết là quan trọng nhất. Thực tế thì các kĩ năng đọc và kĩ năng viết của học sinh lớp 5 trường tiểu học Lê Văn Tám qua đánh gia đầu năm học chưa tốt theo yêu cầu, chất lượng chưa đồng đều, nhiều em trong khi đọc và viết còn nhiều hạn chế như chưa hình thành được năng lực đọc lưu loát, đọc diễn cảm, đọc đúng tiếng phiên âm từ tiếng nước ngoài và khi viết còn mắc các lỗi chính tả như sai lẫn phụ âm đầu, sai dấu thanh, viết hoa sai tiếng phiên âm từ tiếng nước ngoài. Điều đó đã thôi thúc tôi tiến hành nghiên cứu và áp dụng thành công trong giảng dạy môn Tiếng Việt với đề tài: “ Một số biện pháp rèn luyện kĩ năng đọc và viết khi học môn Tiếng Việt cho học sinh lớp 5 ”.

 

  1. b) Nội dung, cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp:

   * Về kĩ năng đọc:

 Thứ nhất: trong quá trình dạy phân môn Tập đọc mỗi giáo viên cần rèn luyện cho bản thân kĩ năng đọc đúng, lưu loát và đọc diễn cảm một cách hoàn thiện nhất. Trước mỗi bài dạy tập đọc cùng với việc thiết kế bài giảng thì giáo viên nên đọc kĩ bài tập đọc theo yêu cầu về giọng đọc của bài trước khi lên lớp, để tránh trong khi đọc trước học sinh bị vấp và không đúng giọng đọc.

 Thư hai: khi dạy tập đọc giáo viên nên thống kê các bài tập đọc trong chương trình lớp 5 và phân chia thành các thể loại đặc trưng như:

 + Thể loại văn xuôi.

 + Thể loại kịch.

 + Thể loại thơ.

 Từ đó căn cứ vào từng thể loại mà định hình và hướng dẫn cho học sinh giọng đọc cho phù hợp, như:

 Ở những bài tập đọc theo thể loại văn miêu tả thiên nhiên có những từ, cụm từ gợi hình ảnh rất cao, cách sắp xếp câu rất độc đáo nhằm thể hiện sự khác biệt của thiên nhiên một vùng nào đó. Nên khi luyện đọc giáo viên cần chú ý điều này.

  Ví dụ như bài tập đọc Đất Cà Mau (Tiếng Việt 5 – Tập 1 – trang 89) khi hướng dẫn học sinh luyện đọc ở đoạn 1:

 Cà Mau là đất mưa dông. Vào tháng ba, tháng tư, sớm nắng chiều mưa. Đang nắng đó, mưa đổ ngay xuống đó. Mưa hối hả, không kịp chạy vào nhà. Mưa rất phũ, một hồi rồi tạnh hẳn. Trong mưa thường nổi cơn dông.

 Khi đọc đoạn này cần yêu cầu học sinh đọc hơi nhanh, mạnh đồng thời nhấn giọng ở những từ ngữ tả sự khác thường của mưa ở Cà Mau như: sớm nắng chiều mưa, nắng đó, đổ ngay xuống, hối hả, phủ.

 Ở những bài tập đọc là kịch khi tiến hành luyện đọc cho học sinh giáo viên cần chú ý tới bối cảnh, các tình tiết trong kịch và giọng từng nhân vật. 

  Ví dụ như bài tập đọc Lòng dân (Tiếng Việt 5 – Tập 1 – trang 24) giáo viên cần cho học sinh đọc phân vai, cho học

sinh đóng vai các nhân vật trong vở kịch: Dì Năm, An(con trai Dì Năm), chú cán bộ,

lính, Cai và khi đọc cần hướng dẫn học sinh thể hiện đúng thái độ, tình cảm từng

nhân vật qua từng tình huống của kịch. Như :

   + Giọng của chú cán bộ thì bình tĩnh thể hiện sự thông minh khi đối đáp với giặc.

   + Giọng của Dì Năm thì nhẹ nhàng, tự tin và khéo léo đánh lạc hướng giặc.

   + Giọng của bé An thì ngây thơ , thật thà và rất hồn nhiên.

   + Giọng của lính và Cai thì mang đầy vẻ hống hách, xấc xược.

 Khi dạy đọc thơ  cần chú ý bài thơ đó làm theo thể thơ gì: thơ tự do hay thơ lục bát để có phương án hình thành cách đọc.

  Đọc thơ tự do cần chú ý tới sự ngắt nhịp, chú ý âm hưởng và sự vắt dòng của các câu thơ.

 Ví dụ: Khi dạy bài Tiếng đàn ba – la – lai – ca trên sông Đà (Tiếng Việt 5 – Tập 1 – trang 69) cần hướng dẫn học sinh khi đọc ngắt giọng đúng các câu thơ như:

  • Tôi đã nghe / tiếng ba – la – lai – ca

Một cô gái Nga / mái tóc màu hạt dẻ.

  • Cả công trường / say ngủ / cạnh dòng sông

Những tháp khoan / nhô lên trời / ngẫm nghĩ

Những xe ủi, xe ben / sóng vai nhau nằm nghỉ

Chỉ còn / tiếng đàn ngân nga

Với một dòng trăng / lấp loáng sông Đà.

  • Chiếc đập lớn / nối liền hai khối núi

Biển sẽ nằm / bỡ ngỡ / giữa cao nguyên.

Và nhấn giọng ở những từ gợi tả hình ảnh như: ngẫm nghĩ, lấp loáng, bỡ ngỡ.

  Khi cho học sinh luyện đọc bài thơ Hành trình của bầy ong (Tiếng Việt 5 – Tập 1 – trang 117) đây là bài thơ lục bát nên khi đọc cần chú ý cách gieo vần trong thơ lục bát đó là tiếng thứ 6 của dòng 6 thường vần với tiếng thứ 6 của dòng 8 điều này tạo âm điệu dễ đọc, dễ nhớ. Nhịp trong thơ lục bát thì theo nhịp chẵn.

                              Với đôi cánh đẫm /  nắng trời

                           Bầy ong bay đến trọn đời / tìm hoa.

                                Không gian / là nẻo đường xa

                            Thời gian vô tận / mở ra sắc màu.

  Khi hướng dẫn đọc bài thơ Tiếng vọng (Tiếng Việt 5 – Tập 1 – trang 108) đọc toàn bài với giọng buồn, chậm rãi, thể hiện tâm trạng day dứt của tác giả khi đã vô tình trước tai họa của chú chim sẻ nhỏ và giáo viên cần hướng dẫn học sinh đọc vắt dòng những dòng thơ có sự liên kết ý với nhau, chẳng hạn:

                          Chiếc tổ cũ trong ống tre đầu nhà / chiều gió hú

                         Không còn nghe tiếng cánh chim về,

  Thứ ba: Tập đọc lớp 5 có nhiều bài mà tên nhân vật và tên địa danh là tiếng nước ngoài được phiên âm sang Tiếng Việt những tiếng này cũng gây cho học sinh khó đọc.

Ví dụ: Bài tập đọc Những con sếu bằng giấy (Tiếng Việt 5 – Tập 1 – trang 36) hay bài Một chuyên gia máy xúc (Tiếng Việt 5 – Tập 1 – trang 45) khi đọc học sinh sẽ bắt gặp những từ phiên âm từ tiếng nước ngoài như:

     + Hi-rô-si-ma

     + Na-ga-da-ki

     + Xa-da-cô Xa-xa-ki

     + A-lếch-xây

   Những từ ngữ này khi đọc đúng có thể các em đọc được nhưng khi yêu cầu đọc lưu loát và diễn cảm các em hay bị vấp. Đối với đối tượng những em học sinh dân tộc ít người lại khó hơn. Vì vậy khi hướng dẫn đọc giáo viên nên đọc mẫu từ trước và yêu cầu học sinh luyện đọc các từ này nhiều lần, đọc đúng từng từ, đọc theo đoạn và theo cả bài.

 Thứ tư: khi đọc, một số học sinh vẫn còn chịu sự phát âm theo vùng miền mà điển hình là tr thành ch, dấu hỏi (?) và dấu ngã (~) lẫn lội.

  Ví dụ: – trăn trở thành chăn chở ( khi phát âm các em thường không uốn lưỡi ).

             – lời ngỏ thành lời ngõ ( khi phát âm không phân biệt được tiếng mang thanh hỏi (?) với thanh ngã (~)).

   Ở trường hợp này ngoài việc thường xuyên luyện cho học sinh đọc, giáo viên nên giúp học sinh khắc phục lỗi phát âm sai bằng cách trong các tiết dạy tập đọc cho các em luyện đọc theo nhóm, các em đọc cho nhau nghe, từ đó phát hiện lỗi cho nhau cũng như qua giọng đọc của bạn các em tự sửa lỗi cho mình. Thực tế đây là biện pháp rất có hiệu quả.

* Về kĩ năng viết:

   Một là khi đọc học sinh hay mắc lỗi phát âm và hạn chế khi đọc diễn cảm thì ở kĩ

năng viết cũng vậy các em hay mắc những lỗi xem ra rất sơ đẳng. Thường đối với các em, đọc như thế nào thì viết như thế ấy bởi vì trong Tiếng Việt của chúng ta phát âm thế nào thì chữ ghi vậy. Điều này yêu cầu giáo viên muốn sữa lỗi cho học sinh thì cần chú ý tới vấn đề rèn luyện cách phát âm đúng, hướng học sinh tới đọc đúng rõ ràng từ đó các em nhận biết và phân biệt các âm tiết, cấu tạo các âm tiết như âm đầu – vần hay âm đầu – âm đệm – âm chính – âm cuối việc phát âm đúng giúp các em điều tiết khi viết tránh được viết sai. Theo quan điểm tích hợp thì luyện đọc đúng phải thực hiện kết hợp ở tất cả các môn học mới có hiệu quả và phải thường xuyên liên tục.

Hai là qua các tiết học Chính tả giáo viên giúp học sinh nắm vững một số luật chính tả Tiếng Việt như sau:

* Phân biệt k với c:

– Âm đầu là k thì thường đi với các nguyên âm là e, ê, i hay nguyên âm đôi ia, iê còn âm đầu c thì đi với các nguyên âm còn lại.

     Ví dụ: ki bo, ê ke,  xem kìa…

               cá rô, cần câu, cứ thế….

* Phân biệt gh với g:

– Âm đầu là gh thường đi với nguyên âm i, e, ê còn g đi với các nguyên âm còn lại.

     Ví dụ: ghi nhớ, ghe thuyền, ghê gớm…..

                gà con, gây gổ, gần gũi…..

* Phân biệt ngh với ng:

– Âm đầu là ngh thường đi với nguyên âm i, e, ê, ia, iê còn ng đi với các nguyên âm còn lại.

    Ví dụ:  nghĩ suy, nghề nghiệp, nghiêng nghiêng……

                ngân nga, trong ngoài, nguy hiểm………

* Phân biệt s với x

  Sự nhầm lẫn giữa âm đầu là s với x cũng hay xảy ra. Đối với phân biệt s hay x thường không có quy luật trong từ đơn và từ ghép nên yêu cầu học sinh cần đọc nhiều, viết nhiều để khắc phục lỗi nhưng trong phần từ láy giáo viên có thể hướng dẫn học sinh ở những từ láy phụ âm đầu  thì cả hai tiếng cùng s hoặc cùng x như: say sưa, xôn xao…..

 * Phân biệt dấu ? với dấu ~

  Đối với một số học sinh bắc miền Trung hay mắc lỗi về dấu thanh  như ?/~  bởi quy luật viết dấu thanh ?/~ các em nắm chưa vững và do phát âm sao các em viết vậy nên dẫn đến lỗi này. Vậy khi sửa lỗi cho học sinh giáo viên cần hướng dẫn các em một số quy luật như:

 – Ở quy luật hài thanh trong từ láy thì nếu như một trong hai tiếng mang thanh sắc hay thanh ngang thì tiếng còn lại sẽ mang thanh hỏi và một trong hai tiếng mang thanh nặng hay thanh huyền thì tiếng còn lại sẽ mang thanh ngã. Được thể hiện ở hai nhóm đó là: thanh huyền – thanh ngã – thanh nặng và  thanh ngang – thanh sắc – thanh hỏi. Dựa vào quy luật này để các em có thể phân biệt thanh hỏi – thanh ngã

 Ví dụ: nghĩ ngợi, mỡ màng, vất vả, mong mỏi ….

* Phân biệt r với d với gi.

  Tiếng mang âm đầu rgi phần vần không có âm đệm ( trừ trường hợp cu – roa) như: giúp đỡ, giữ gìn, giống nhau, ra vào, ríu rít, rầm rập….còn tiếng mang phụ âm đầu là d thì phần vần luôn có âm đệm như: kinh doanh, đe dọa, duyên dáng…

 * Phân biệt n với l.

Đối với n thì không đứng trước âm đệm còn l thì có thể đứng trước âm đệm, trừ trường hợp từ noãn ( noãn sào, noãn cầu).

   Ví dụ: –  quả na, năng động, níu kéo….

       –  cái loa, quần loe, sáng lóe….

 * Phân biệt tr với ch.

Ở các từ Hán Việt thì tiếng có thanh huyền và thanh nặng chỉ đi với tr mà không đi

với ch.

  Ví dụ:   –  trạm xá chứ không chạm xá.

               –  vũ trụ chứ không vũ chụ.

               – trần thế chứ không chần thế.

               – phong trào chứ không phong chào.

* Nhận biết cách viết hoa các tiếng phiên âm từ tiếng nước ngoài.

  Nên hướng dẫn cho học sinh khi viết thì tên người và tên địa lí nước ngoài  được

viết hoa chữ cái đầu của tiếng đầu ở bộ phận đó, giữa các tiếng trong một bộ phận có

dấu gạch nối như: Hi-rô-si-ma, Na-ga-da-ki, Xa-da-cô Xa-xa-ki,  A-lếch-xây…..

  Trên là những cách để khắc phục lỗi cho học sinh. Bên cạnh đó mỗi em học sinh có thể chuẩn bị bài ở nhà, các em liệt kê ra những lỗi mình mắc phải ở những tiếng hay từ nào khi tới lớp trình bày với giáo viên khi đó giáo viên có phương án giúp đỡ để sửa lỗi. Đây là hình thức đỡ mất thời gian của giáo viên.

1/ Kết luận.

 Kĩ năng đọc đúng, lưu loát và đọc diễn cảm cũng như kĩ năng viết đúng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình học tập môn Tiếng Việt cũng như học ở các môn học khác, có thể nói nó là cơ sở và nền tảng trong việc học tập của học sinh.

 Đọc đúng, lưu loát, diễn cảm và viết đúng Tiếng Việt giúp các em nhận thức được cái hay, cái đẹp trong Tiếng Việt và từ đó góp phần xây dựng nên nhân cách của mỗi em học sinh sau này. Để giúp các em có được kĩ năng đọc đúng, lưu loát, đọc diễn cảm và viết đúng Tiếng Việt thì giáo viên phải áp dụng được những biện pháp dạy kĩ năng đọc, viết cho học sinh hợp lí. Khi rèn đọc và rèn viết cho học sinh yêu cầu giáo viên phải kiên trì, thường xuyên và liên tục. Giọng đọc, chữ viết của học sinh tiến bộ phải có thời gian, có thể sau một vài tháng hay một học kì. Một điều quan trọng là giáo viên trong quá trình giảng dạy phải phát âm chuẩn, đọc chuẩn, viết chuẩn. Muốn vậy người giáo viên phải luôn có ý thức cập nhật và trang bị cho mình một lượng kiến thức cơ bản và chuẩn về ngữ âm Tiếng Việt, chuẩn về chữ viết Tiếng Việt. Giáo viên phải linh hoạt khi áp dụng, vận dụng phương pháp dạy học, dạy học theo phương châm lấy học sinh làm trung tâm, tập trung rèn luyện cho học sinh có thói quen phát âm đúng, nói đúng, đọc đúng, đọc hay và viết đúng, viết đẹp.

Bấm vào đây để tải về

 

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng