Một số biện pháp rèn luyện kỹ năng làm văn tả cảnh cho học sinh lớp 6

Một số biện pháp rèn luyện kỹ năng làm văn tả cảnh cho học sinh lớp 6.

1/ Lí do chọn biện pháp

      M.Goóc- ki nói : “Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý”. Phải chăng Văn học chính là đôi cánh để các em đến với mọi thời đại văn minh, với mọi nền văn hoá, xây dựng trong các em niềm tin vào cuộc sống, vào con người, trang bị cho các em vốn sống, hướng các em tới đỉnh cao của chân, thiện, mỹ. Bởi vậy, người giáo viên dạy Văn chúng ta chính là người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giúp các em hiểu được, thấy được cái hay, cái đẹp của Văn học, kích thích được sự hứng thú học môn Văn cho học sinh. Vì lẽ đó, mà người giáo viên cùng toàn xã hội phải có trách nhiệm gieo trồng những hạt giống tốt để thu hoạch hoa thơm trái ngọt về cả tri thức và đạo đức. Với môn Ngữ văn thì hạt giống tốt đó không chỉ riêng nội dung ý nghĩa sâu sắc từ mỗi bài học hay một khái niệm Tiếng Việt nào đó mà học sinh cần phải có được những kỹ năng tốt để làm một bài văn một cách thành thạo.

    Làm văn là công việc mà nhiều học sinh bây giờ vừa cảm thấy khó vừa không có hứng thú nhưng vẫn không thể trốn tránh mỗi khi đến kì kiểm tra và thi. Thực chất thì việc làm văn có khó khăn và tẻ nhạt đến mức như vậy không?

Tôi nghĩ rằng nếu biết cách thì bất cứ học sinh nào cũng có thể làm được những bài văn từ đạt yêu cầu đến đạt yêu cầu cao chỉ cần các em có ý thức rèn luyện kĩ năng. Do vậy, là một giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn ngoài việc cung cấp nội dung bài dạy theo hướng dẫn sách giáo khoa, sách giáo viên và chuẩn kiến thức, kĩ năng tôi rất quan tâm đến phương pháp rèn kĩ năng hành văn cho học sinh. Đặc biệt là đối tượng học sinh lớp 6. Việc rền luyện kĩ năng làm văn tả cảnh rất thiết thực cho phần làm văn trong chương trình Ngữ văn lớp 6 – học kì II. Việc rèn luyện kĩ năng làm văn tả cảnh không chỉ giúp các em làm được một bài văn miêu tả đúng và hay mà theo tôi còn là việc tháo gỡ những vướng mắc, xóa đi mặc cảm ngại học Văn của một số học sinh hiện nay.

 Vì vậy, với đề tài này, tôi muốn một phần nâng cao chất lượng bộ môn Ngữ văn đồng thời, qua đó xây dựng và phát triển tình yêu với môn Văn trong nhà trường cho học sinh. Giúp các em có được tình yêu với những cảnh vật bình thường như: dòng sông, cánh đồng, mái trường,…Rộng hơn là tình yêu quê hương, tình yêu đất nước. Lý do trên đây khiến tôi mạnh dạn chọn đề tài:  “Một số biện pháp rèn luyện kỹ năng làm văn tả cảnh cho học sinh lớp 6

2/ Nội dung và cách thức thực hiện:

   Thứ nhất: xác định đúng yêu cầu của đề bài để có hướng làm bài tốt nhất

Việc đầu tiên tôi luôn hướng học sinh tới việc làm rất quan trọng là cách xác định dúng yêu cầu của đề bài.Việc xác định đúng yêu cầu của đề bài là một việc làm rất quan trọng. Vậy muốn làm được điều này học sinh phải làm như thế nào? Trước hết giúp học sinh hiểu: đề tài, chủ đề của bài văn sẽ quyết định cách quan sát, tìm ý, sắp xếp ý và cách diễn đạt của bài văn. Nếu không nắm vững yêu cầu của đề ra thì bài văn các em viết sẽ đi chệch hướng và sẽ không đạt yêu cầu.Thực tế nhiều học sinh làm bài lạc đề, xa đề là vì lẽ đó. Vì thế việc giáo viên cần làm đầu tiên là rèn luyện cho học sinh cách tìm hiểu đề để xác định đúng yêu cầu của đề. Các yêu cầu của đề đều nằm trong toàn bộ “lời văn” của đề ra. Vậy đầu tiên là tìm những từ ngữ thể hiện yêu cầu của đề bằng cách trả lời các câu hỏi:

– Tả cái gì? (xác định đối tượng).

– Tả như thế nào?( xác định đặc điểm, tính chất của đối tượng).

– Tả lúc nào? Ở đâu? (xác định thời gian, không gian)

– Tả để làm gì? (  xác định mục đích miêu tả)

Khi trả lời được các câu hỏi này các em sẽ định hướng được bộ xương, cái khung của bài văn.

* Ví dụ: Đề ra: Em hãy miêu tả cảnh buổi sáng đẹp trời trên quê hương em.

    Với đề bài trên giáo viên cần cho học sinh biết đây là một dạng đề miêu tả cảnh tổng hợp. Vậy thế nào là cảnh tổng hợp? Giáo viên phải chỉ rõ cho học sinh thấy cần xác định cảnh tổng hợp nhờ những từ ngữ nào? Đề yêu cầu tả cảnh tổng hợp thường chứa đựng những từ ngữ như: “ một vùng quê,quê hương em hay cảnh nơi em ở…” Cảnh tổng hợp là cảnh như thế nào? Là cảnh gồm nhiều cảnh nhỏ, cảnh lẻ, cảnh có cả hình ảnh con người…Những cảnh nhỏ của quê hương thường là: Cánh đồng, dòng sông, con đường, khu vườn…Tiếp sau đó là giúp học sinh xác định, hình dung được cụ thể là cảnh cần miêu tả ở thời gian nào? ( mùa nào,lúc nào..), không gian nào? Cảnh đố như thế nào?…

Xác định được đúng yêu cầu của đề như ví dụ trên tôi tin chác rằng sẽ giúp các em rất nhiều trong việc định hình được đối tượng miêu tả.

Thứ hai: Cách quan sát đối tượng.

   Việc quan sát đối tượng là một việc làm không thể thiếu trong văn miêu tả, đặc biệt là văn tả cảnh.Nhưng quan sát như thế nào? Quan sát bằng cách nao? Vì sao phải quan sát? Đó là những câu hỏi đầu tiên đặt ra bắt buộc học sinh phải trả lời được và sau đó thực hiện theo câu trả lời.

Như vậy, theo tôi quan sát thì có thể hướng học sinh quan sát bằng hai cách thực tế nhất đó là:

– quan sát trực tiếp

– quan sát gián tiếp

Còn quan sát như thế nào? Thì thông thường ta chỉ nhận thấy được từ những bài làm cụ thể của học sinh là các em hầu như chỉ biết quan sát bằng thị giác vì các em chỉ hiểu quan sát thì chỉ là nhìn thấy mà thôi. Các em đâu có hiểu được rằng để viết được bài văn miêu tả hay thì ngoài quan sát bằng thị giác đòi hỏi còn phải quan sát bằng tất cả các giác quan khác như: thính giác, khứu gác, vị giác, xúc giác…Ví dụ: khi miêu tả cảnh buổi sáng đẹp trời trên quê hương em. Thì đâu phải em chỉ nhìn thấy những chú chim đang đậu trên những cành cây kia mà em còn nghe thấy tiếng hót líu lo của chúng nữa cơ mà. Hay em không chỉ nhìn thấy hoa cà phê nở bạt ngàn trắng xóa mà em còn ngửi thấy hương thơm dịu nhẹ của nó nữa. Hơn nữa em còn cảm nhận được cả hương vị thơm ngon của nó…Quan sát là như vậy, các em phải biết quan sát bằng tát cả các giác quan rồi cùng với cảm xúc, trí tưởng tượng của mình học sinh sẽ liên tưởng, tưởng tượng ví von so sánh vẽ lên được những bức tranh thiên nhiên kì thú bằng ngôn ngữ làm chúng hiện lên trước mắt người đọc, người nghe một cách cụ thể, sinh động, hấp dẫn.

Như vậy nếu không quan sát thì ta sẽ không nhìn,nghe,cảm nhận được…

Thứ ba: Cách tìm ý cho bài văn tả cảnh

    Bao giờ cũng vậy, sau khi học sinh đã xác định đúng yêu cầu của đề, xác định chính xác đối tượng cần miêu tả chắc chắn học sinh vẫn chưa có thể định hình được hướng đi cho bài viết. Vậy để làm được việc này tôi đã hướng dẫn học sinh bước tìm ý cho bài văn tả cảnh như sau:

– Bao giờ cũng vậy,thường tuân theo một trình tự đó là: Tìm ý bao quát không gian của cảnh chung sẽ tả, sau đó đi đến cụ thể (sẽ có những cảnh nào? Cảnh như thế nào?)

– Như ta đã biết miêu tả là phải vẽ lên bức tranh bằng ngôn ngữ. Vậy bao quát không gan cảnh được coi là một thao tác rất quan trọng trong việc định hình tâm thế cũng như nhãn thế cho người thưởng thức bức tranh cảnh bằng ngôn từ. Như thế, học sinh cần phải nắm được cách viết phần bao quát không gian của cảnh.Trong thực tế tôi thấy không chỉ học sinh lớp 6 mà cả học sinh lớp 9 tôi chỉ thấy các em thường viết một cách khô khan, cộc lốc, cụt lủn có khi chỉ viết được một đến hai câu cho phần tả bao quát. Nên dù không phải là lĩnh vực tự nhiên nhưng tôi đã  đưa ra như một công thức dễ nhớ nhất cho học sinh như sau:

Để tả bao quát:

+ Trước hết phải có câu xác định vị trí miêu tả khái quát. Thường là một vị trí cao hơn, xa cảnh trung tâm hơn để có thể chụp được toàn cảnh miêu tả vào nhãn quan của người quan sát một cách tương đối trọn vẹn.

+ Sau câu văn giúp được người đọc biết được vị trí của người quan sát là những lời nhận xét đánh giá khái quát đầy nghệ thuật về cảnh chung đó.Lời văn  nhận xét đánh giá khái quát đầy nghệ thuật là những lời văn như thế nào? Đó là những lời văn sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ sao cho cảnh được tả nổi lên cụ thể, sống động, tự nhiên,hồn hậu, trong sáng…nhưng phải sát hợp với yêu cầu của đề.

*Ví dụ: Tả cảnh quê hương em vào một buổi sáng mùa xuân: “Đứng giữa ngọn đồi cao su bạt ngàn giang rộng cánh tay cảm nhận về quê hương . Ôi! Quê hương tôi đẹp như một nàng tiên đang mỉm cười trước nhân gian. Quê hương Dắc Lắc thân yêu thật ấp áp, thanh bình tràn đầy sức  sống,..”.

Tiếp đó học sinh cần phải nắm ý cốt yếu nhất của một dàn bài văn miêu tả cảnh là còn cụ thể những cảnh nào? ( Nếu là đề tổng hợp thì cảnh sẽ chia thành nhiều cảnh đơn và cảnh đơn thì lại phải xác định cảnh đơn sẽ có những điểm nổi bật gì? Như thế nao? Muốn như thế thì người viết phải biết quan sát và dẫn ra được những hình ảnh cụ thể,tiêu biểu. Nhưng học sinh đa số thường sa vào kiểu găp đâu viết đó mà không hề xác định được rằng là mình đang tả cảnh có mục đích là làm nổi lên diện mạo cảnh như thế nào, có làm nổi lên được tư tưởng, chủ đề mà mình đã xác định ở yêu cầu đề bài không? Giúp học sinh khắc phục được tình trạng đó, tôi đã luyện kĩ năng xác định, lựa chọn những đặc điểm tiêu biểu của cảnh sẽ tả cho học sinh.

* Ví dụ: Cảnh khu vườn nhà em vào buổi sáng mùa xuân có những đặc điểm gì nổi bật? Ban đầu giáo viên cho học xác định chủ đề của cảnh sẽ dựng là cảnh khu vườn như thế nao?( Cây cối tươi tốt, đầy hoa thơm, trái ngọt, tiếng chim hót…rất thanh bình, dân giã mang được vẻ đẹp trù phú của quê hương yêu dấu. Đặc biệt cảnh mang được dánh dấp của thời gian không gian mà đề quy định (có đặc trưng của mùa xuân). Sau đó, cho học sinh tái hiện vẽ lên từng  hình ảnh của khu vườn theo trí tưởng tượng nhưng phải sát với hiện thực.

*Ví dụ: đoạn văn:

“ Tôi ngẫm lại lời của một bài hát thiếu nhi về mùa xuân.Nhìn qua khung cửa sổ tôi thấy khu vườn nhà tôi đang bước vào xuân. Ôi, mùa xuân xinh đẹp đã về với khu vườn nhà tôi. Toàn khu vườn như được phủ một lớp khăn voan trắng bởi vì mưa xuân như rây bột trên cành cây kẽ lá hơn nữa là sắc trắng của những cánh hoa cà phê trải bạt ngàn khắp khu vườn. Trong cái tiết trời xuân ấp áp cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc, đơm hoa khoe sắc. Mới sáng, ra vườn tôi đã thấy rộn rã tiếng chim. Tiếng lích tích của mấy chú chim sâu đang thoăn thoắt chuyền cành. Tiếng ri ri của mấy chú sẻ đang vui vẻ cùng nhau đón chào một ngày mới,…”

Với cách làm như trên tôi đã cho học sinh luyện tập tìm đặc điểm cho nhiều cảnh khác nhau với những thời gian, không gian đa dạng. Các em được luyện tập dưới hình thức thi nhau tìm đặc điểm. Còn giáo viên hệ thống và giúp các em lựa chọn những đặc điểm tiêu biểu nhất của mỗi cảnh. Như thế tôi cho rằng sẽ tạo được hứng thú cho học sinh với cảnh sẽ tả.

Thứ tư: Cách rèn luyện kĩ năng diễn đạt trong văn tả cảnh

    Chúng ta biết trong thực tế hiện nay hầu như phần lớn học sinh viết văn ở tất cả các khối lớp nói chung và học sinh khối lớp 6 nói riêng các em đều rất kém trong khâu diễn đạt, có thể các em hiểu ý nhưng không diễn đạt được thành văn. Với thực trạng trên, là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy bộ môn Ngữ văn lớp 6 tôi đã đưa ra cách rèn luyện kĩ năng diễn đạt cụ thể của phần văn miêu tả cảnh.

Như trên tìm được đặc điểm tiêu biểu của cảnh sẽ tả đã là một bước quan trọng song chưa phải là đã tả cảnh. Miêu tả cảnh là dựng lại được cảnh một cách sống động, chân thực và có tính nghệ thuật. Vậy những đặc điểm đã tìm được sẽ được diễn đạt như thế nào? Đó là điều giáo viên chúng ta phải quan tâm.Thực tế là qua nhiều năm giảng dạy và chấm bài cho học sinh. Tôi thấy một điều đáng buồn là vốn ngôn từ của các em rất nghèo nàn, diễn đạt rất lủng củng, hiện tượng bí từ, dùng từ sai nghĩa, lặp từ, lặp ý…Như vậy để giúp các em viết được một bài văn diễn đạt trong sáng, hấp dẫn tôi nghĩ rằng không còn cách nào khác và thực tế hơn đó là trau dồi ngôn ngữ nghệ thuật cho các em. Nhưng với học sinh lớp 6 để các em tự giác làm điều này là rất khó mà nên để học sinh tự làm sau khi giáo viên đã tạo được trong lòng các em sự yêu thích, đam mê ngôn từ. Dựa vào tâm lí lứa tuổi tôi đã thử gieo niềm yêu thích này qua việc cung cấp và phân tích một số tư liệu mà tôi đã chọn lọc trích trong các tác phẩm của các nhà văn.

*Ví dụ: đoạn trích miêu tả cảnh trong vườn dưới nắng chiều sau đây:

“ Chiều buông ánh mặt trời trở nên vàng sậm hơn. Ánh chiều vàng trải lên cành lá mái nhà một màu vàng ong nom đẹp lạ. Vườn cây nhà tôi cũng như vậy. Giàn bầu nậm xanh tươi, lá non màu xanh nhạt, lá già thì xanh thẫm. ánh nắng chiều chiếu xuống giàn bầu, bí, cái cốt lá xanh ngắt lọc qua một lượt hắt một màu xanh ngọc bích xuống vườn. Nhãn, bưởi, mít và các loại cây khác nữa tất cả đều xanh um tùm nom như chiếc ô khổng lồ. Đó là màu xanh no nắng, no gió và no thức nuôi cây. Vườn cây lao xao gió thoảng đâu đây mùi hương quả chín, hương hoa ngọt lim…”

Giáo viên cần lưu ý với học sinh rằng để vẽ lên một bức tranh sinh động bằng ngôn ngữ là một yêu cầu cao đối với văn miêu tả. Do đó hệ thống từ ngữ thường được dùng để tả cảnh thường là những tính từ, từ láy bởi đây là lớp từ có giá trị gợi tả cao. Sau mỗi đoạn văn như thế giáo viên phân tích những hình ảnh ngôn từ nghệ thuật sáng giá sao cho tạo được hứng thú ở học sinh kích thích các em thích tìm và viết những lời văn hay.

Có lẽ rèn kĩ năng điễn đạt là một phương pháp đòi hỏi kì công  mới làm được nó cần phải mất một quá trình rèn luyện qua nhiều bước. Việc này tôi đã thực hiện như sau:

Sau khi tạo hứng thú cho học sinh qua tiếp xúc với các tư liệu chọn lọc tôi mới cho các em tập diễn đạt bằng hình thức cô đưa ra một loạt hình ảnh yêu cầu học sinh dùng lời văn kết hợp biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, từ láy gợi hình, gợi âm để diễn đạt.

*Ví dụ: hình ảnh những giọt sương buổi sáng bình minh: “ Những giọt sương đọng lại trong vòm lá xanh như những hạt ngọc li ti lấp lánh đang điểm tô cho nàng tiên bình minh thêm đẹp và lộng lẫy.”

Hay hình ảnh  mặt trời chẳng hạn: “ Ông mặt trời nở nụ cười tươi tỏa xuống trần gian muôn ngàn giọt nắng, rót tràn cả đường phố rặng cây.”

Hoặc tiếng chim ngoài vườn:Cuối vườn cây cối xanh um, một màu lá xanh mướt của lá chuối xen lẫn lá cà. Lại có tiếng chim lúc bay vút lên cao thả vào không trung nghe mát lành, lúc lại khoan thai dìu dặt như ngón tay thon thả búng vào dây đàn thập lục,nẩy lên tiếng đồng hồ,tiếng thép lúc đầu vang to sau nhỏ dần, nhỏ dần rồi tắt lịm…”

Một lưu ý rất cần nhấn mạnh cho học sinh đó là sử dụng nhiều phép so sánh trong văn miêu tả. Vì có thể coi so sánh là để tạo những nốt luyến cho những bản nhạc ngôn từ,những nét đậm của bức tranh ngôn từ.Chính vì vậy tôi đã tập chung chú ý vào việc luyện cách dùng nhiều từ so sánh khác nhau cho học sinh sao cho phong phú, đa dạng và gợi cảm.

* Ví dụ:

– Trăng về khuya cứ ngỡ là con thuyền đang trôi trên dòng sông Ngân.

– Bầu trời cao vời vợi, trong veo như một dòng sông xanh và mỗi gợn mây là một chú cá tung tăng bơi lội giữa dòng sông êm ả đó.

–  Cây cối rì rào, lao xao, lá cây lay động lấp lánh tựa hàng triệu con mắt lá răm sáng trưng nắng hè…..

Với cách này tôi cho học sinh luyện tập thường xuyên trong các tiết học trở thành những thao tác nhuần nhuyễn. Tuy thế, một việc làm không thể thiếu ở học sinh là các em phải biết kết hợp học hỏi tìm tòi đọc tư liệu để có vốn ngôn ngữ giàu có, sinh động và hấp dẫn.

Thứ năm: Cách rèn kĩ năng dựng đoạn văn tả cảnh.

   Để thực hiện được cách này, trước hết giáo viên cần xác định cho học sinh hiểu. Dựng được một đoạn văn tả cảnh là phải làm như thế nào? Thực tế thông thường chúng ta thấy học sinh rất lúng túng trong thao tác này. Các em không biết tả cảnh cụ thể là cảnh gì? Tả như thế nào? Theo trình tự từ đâu? Các em thường hay sa vào kể lể hay liệt kê cảnh một cách tràn lan không nổi lên được cái đặc trưng tiêu biểu của cảnh. Vì thế, không tạo được ấn tượng cho người đọc, người nghe.

Với khó khăn trên giáo viên chúng ta phải làm thế nào? Để trả lời câu hỏi này tôi đã làm như sau:

Tôi hướng cho học sinh mỗi một cảnh nhỏ sẽ viết thành một đoạn văn trọn vẹn. Xác đinh viết đoạn văn sẽ đi từ khái quát đến cụ thể. Câu đầu đoạn bao giờ cũng là câu miêu tả khái quát về cảnh. Sau câu miêu tả khái quát là một loạt câu miêu tả theo trình tự từ gần đến xa theo tầm mắt.

* Ví dụ: đoạn văn miêu tả khái quát cảnh dòng sông: “ Dưới chân em là dòng sông hiền hòa chảy như một tấm lụa trải dài xa tít. Mùa này nước sông lưng chừng, nước sông trong xanh in bóng mây trời sâu thẳm. Mái chèo khuấy động, lăn rung rinh cả những cây tóc tiên dưới đáy.Trên mặt sông điểm xuyến những lá trúc vàng bé tẻo teo như những chiếc thuyền tí hon dập dềnh trên sóng nước bao la.Những con sóng lăn tăn như những con rắn vẩy vàng, vẩy bạc đang nô đùa. Sóng vỗ nhẹ hai bên bờ lóc bóc nghe thật vui tai. Trời chiều, trên sông những con thuyền hối hả cập bến. Tiếng người lao xao trong tiếng hạ buồm cót két bên bờ sông quê….”

Giáo viên lưu ý trong quá trình miêu tả cụ thể cho học sinh phải miêu tả theo một trình tự cho phù hợp với vị trí quan sát kết hợp với lời văn so sánh, lời văn nhận xét, đánh giá và sự liên tưởng phong phú.

Chú ý:

–  ý của câu trước với câu sau phải có sự lo gic với nhau để tạo được độ kết về mặt nghĩa.

– Những câu ở cuối đoạn thường là những câu có ý nghĩa sâu sắc làm đậm nét cho bức tranh.

– Vì thế giáo viên cần hướng cho học sinh biết dành những lời văn trội hơn vào cuối đoạn.

Như vậy, cứ theo cách hướng dẫn trên giáo viên cho học sinh luyện viết thường xuyên, viết thành nhiều đoạn văn cho nhiều cảnh khác nhau.

Thứ sáu: Cách rèn luyện cho học sinh lời văn chuyển cảnh để liên kết các câu văn trong một đoạn văn tả cảnh.

    Sau khi học sinh đã biết xây dụng được đoạn văn. Nhưng để đoạn văn có sự liên kết lô gíc, chặt chẽ thì phải làm như thế nào? Đó là một câu hỏi mà giáo viên cần phải giúp học sinh trả lời và thực hiện. Giáo viên cần cho học sinh biết rằng lời văn chuyển cảnh không nhiều lắm nhưng nó có tác dụng rất lớn trong việc liên kết, liên hoàn mạch văn, nó đánh giá trình độ khéo léo của cây bút miêu tả. Vì thế, tôi đã đưa ra một số cách luyện lời chuyển cảnh để liên kết câu trong đoạn văn như sau:

– Chuyển cảnh bằng cách nối âm thanh với không gian:

*Ví dụ:  Nối âm thanh của sự vật bên bờ sông với không gian vắng của bến sông ( lấy động làm tĩnh): “ “Sóng vỗ nhẹ hai bên bờ lóc bóc nghe thật vui tai. Trên sông giờ đây những con thuyền hối hả cập bến, chất đầy cau tươi, xoài thơm từ các miền đất lạ mang về.Tiếng người lao xao trong tiếng hạ buồm cót két bên bờ sông quê…”

– Chuyển cảnh theo gam màu:

Ví dụ: “ Sáng nay ra trông thấy màu trời có vàng hơn mọi khi. Màu lúa chín dưới đồng vàng suôm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn lắc lư những quả xoan vàng lịm…”

– Chuyển các cảnh nhỏ nối tiếp nhau một cách tự nhiên theo mô típ liên cảnh:

Ví dụ: “ Con đường dài hun hút đã dẫn tới đầu làng. Đập vào mắt em lúc này là nhữn rặng tre làng bạt ngàn ôm lấy ngôi làng nhỏ.Những gốc đa cổ thụ đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống xung quanh như có ý muốn tâm sự điều gì với quê hương….”

– Chuyển cảnh bằng cách liên tưởng theo sự quan sát của các giác quan:

*Ví dụ:Vườn cây lao xao,gió thoảng đâu đây mùi hương quả chín, hương hoa thơm ngọt lịm.Tiếng chim líu lo như đem hương thơm ấy bay cao, cao mãi…”

 – Ngoài ra giáo viên lưu ý học sinh không phải miêu tả cảnh là chỉ có hình ảnh thiên nhiên, chỉ miêu tả thiên nhiên mà tùy thuộc vào yêu cầu của đề bài mà xác định trong cảnh phải có hình ảnh con người.Trong cảnh thường có vật, có người. Khi tả cảnh thiên nhiên cần điểm xuyến hoạt động và con người và vật. Vì thế, tả cảnh vật là cách gội quen thuộc của dạng bài tả cảnh.

*Ví dụ: đoạn văn tả cảnh buổi sáng trên quê hương em có hình ảnh con người: “…phía xa xa, những đồi cà phê, cao su trải dài bạt ngàn như tỏa hương thơm nồng nàn say đắm.Dọc theo những đồi cà phê, cao su đó là những con đường dài hun hút đưa chân những cô cậu học sinh tung tăng cắp sách  đi đến trường…Cùng với chút nắng, chút gió với hương cà phê ngào ngạt cùng những cánh rừng cao su bạt ngàn quyện cùng ánh nắng vàng  tươi của buổi sáng ban mai đã tạo nên một bức tranh bình minh đẹp tinh khôi, trong sáng trên mảnh đất quê hương Đắc Lắc thân yêu.”

Trên đây, là một số cách  và đó cũng là một số  kinh nghiệm nhỏ của bản thân để rèn luyện kĩ năng làm văn miêu tả cảnh cho học sinh lớp 6. Tôi đã và đang áp dụng thực hiện trong giảng dạy của mình và đã có được kết quả khá khả quan.

4/ Kết quả thu được qua áp dụng sáng kiến trong giảng dạy:

   Qua một số năm học, sau khi tôi nghiên cứu và trực tiếp áp dụng một số biện pháp trên vào giảng dạy ở  khối lớp mình được phân công.Tôi đã nhận thấy được những thay đổi khá rõ ở học sinh mình trực tiếp giảng dạy. Điều đó được thể hiện cụ thể là: các em đã có thái độ học tập tốt hơn, mạnh dạn hơn trong việc phát biểu xây dựng bài trên lớp, tự tin, nhiệt tình hơn trong học tập, biết lo lắng và có sự chuẩn bị chu đáo cho môn học nhiều hơn. Ít e ngại hơn khi cô yêu cầu làm một bài tập làm văn miêu tả nói chung và làm bài văn tả cảnh nói riêng, chất lượng dạy học văn miêu tả ở lớp 6 đã được nâng cao rõ rệt. Chính vì lẽ đó mà kết quả học tập của các em đã có sự thay đổi khá rõ rệt.

Cụ thể một số năm học vừa qua ỏ những lớp tôi giảng dạy trực tiếp là:

      Giỏi:13%                                                     

      Khá: 35%                                                     

      Tb:  50%                                                

        Yếu: 2%                           

Trên đây là kết quả tôi đã thu được từ việc áp dụng sáng kiến kinh nghiệm của mình trong những năm học gần đây nhất mặc dù chỉ là những ứng dụng ban đầu nhưng tôi thấy rất khả quan.

Qua kết quả đạt được đó cho thấy rằng các em đã ý thức được tầm quan trọng của môn Văn, biết làm văn tả cảnh. Ở phương diện là một giáo viên trực tiếp đứng lớp tôi thấy mình tự tin, say mê hơn với nghề.  

4/ Kết luận:

     Ai đó đã từng nói rằng: “Nghiệp văn là nghiệp khổ” nhưng tôi lại thấy ngược lại, tôi cảm thấy mình sung sướng, hạnh phúc vì được cống hiến góp sức mình làm đẹp cho đời. Điều đó lại càng có ý nghĩa hơn vì có lẽ trong nhà trường sẽ không có môn học nào có thể thay thế được môn Văn.Vì thế niềm vui của mỗi giáo viên Ngữ văn đứng lớp đâu chỉ là chất lượng của mỗi năm học mà chính là những ánh mắt long lanh vì đã hiểu bài, những bàn tay tự viết ra những lời văn óng ánh, những nụ cười thiện cảm với môn văn từ phía học sinh. Để đạt đươc những điều vô cùng quý giá đó mỗi giáo viên chúng ta đâu chỉ có say mê nhiệt tình với công tác giảng dạy mà cần phải tìm tòi hướng đi hiệu quả nhất. Đó cũng chính là  những gì của nội dung  sáng kiến mà tôi nói ở trên. Tuy đây chỉ là một số biện pháp nhỏ của bản thân suy nghĩ. Tôi rất mong được sự đóng góp chỉ bảo của lãnh đạo chuyên môn và của các anh, chị, em đồng nghiệp để sáng kiến kinh nghiệm của tôi được hoàn thiện hơn có hiệu quả hơn.

Bấm vào đây tải file Word

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng