Một số biện pháp tích hợp trò chơi vào các hoạt động ở trẻ MG 5-6 tuổi.
- Lý do chọn biện pháp:
Như chúng ta đã biết bất kỳ hoạt động học tập và hoạt động vui chơi nào cũng đòi hỏi trẻ lĩnh hội được kiến thức cơ bản .Chính vì vậy cần phải tìm tòi, sưu tầm nhiều trò chơi hấp dẫn để tạo hứng thú cho trẻ hăng say học tập và đạt kết quả tốt.
Thông qua các hoạt động đó nhằm phát triển cho trẻ về tư duy, trí tuệ, óc phán đoán, suy luận, khả năng quan sát nhanh, nhạy bén và ghi nhớ có chủ định. Mặt khác còn giúp trẻ phát triển về thể chất, sự nhanh nhẹn hoạt bát trong vận động; giúp trẻ có tinh thần đoàn kết và tính đồng đội cao, để phát huy khả năng chủ động sáng tạo của trẻ.
Chính vì thế mà trong quá trình chăm sóc -giáo dục trẻ. Tôi luôn tìm tòi và sưu tầm nhiều trò chơi khác nhau phù hợp với mọi chủ đề, chủ điểm để hấp hẫn và lôi cuốn trẻ, thông qua các trò chơi đó để nhằm củng cố kiến thức cho trẻ một cách hữu ích mang lại cho trẻ sảng khoái,thoải mái trong khi học cũng như vui chơi.Trong năm học 2014-2015 Tôi đã mạnh dạn đầu tư tìm tòi, nghiên cứu sưu tầm nhiều trò chơi mới lạ, phù hợp với lứa tuổi và áp dụng một số hình thức lồng ghép trò chơi vào quá trình giảng dạy cũng như vui chơi nhằm giúp trẻ lĩnh hội kiến thức một cách tốt nhất.
Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2018-2019 và không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ của nhà trường, chuyên môn nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên thường xuyên đưa các trò chơi vào trong các hoạt động của trẻ ở trường mầm non.
Là một giáo viên Mầm non, tôi đã nhận thấy việc giúp trẻ “học bằng chơi, chơi bằng học” vì vậy cách tốt nhất là lồng ghép, tích hợp các trò chơi nhằm giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.Tôi luôn suy nghĩ và cố gắng tìm tòi,sưu tầm, nghiên cứu nhiều trò chơi mới phù hợp với các chủ đề để áp dụng vào các hoạt động hàng ngày nhằm kích thích trẻ tự nguyện tham gia vào hoạt động một cách tích cực, nhẹ nhàng thoải mái nên tôi quyết định chon đề tài “Một số biện pháp tích hợp trò chơi vào các hoạt động ở trẻ MG 5-6 tuổi”
- Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp.
Để giúp trẻ học tốt trong quá trình học tập và vui chơi của trẻ. Tôi đã tìm tòi, sưu tầm, nghiên cứu, một số trò chơi phù hợp với các chủ để, để lồng ghép vào trong quá trình giảng dạy cũng như vui chơi, Sau đây là một số trò chơi Tôi đã tiến hành dạy thử nghiệm ở lớp lá 2 cũng như tham gia dự thị giáo viên dạy giỏi cấp trường.
* HOẠT ĐỘNG NGOÀI TRỜI :
Đối với lứa tuổi mẫu giáo trẻ “học mà chơi, chơi mà học”. Chính vì thế đòi hỏi cần rất nhiều trò chơi khác nhau và phù hợp với chủ đề, chủ điểm. Thông qua các trò chơi đó nhằm giúp trẻ lĩnh hội được kiến thức một cách tốt nhất. Nên Tôi đã tìm tòi, sưu tầm, nghiên cứu nhiều trò chơi vận động và trò chơi dân gian để giúp trẻ học tốt hơn như các trò chơi sau đây: “ Mèo bắt chuột”, “Lộn cầu vồng”, “Ôtô vào bến”, “ Mèo và chim sẻ”, “ Kéo cưa lừa xẻ”, “ Ôtô và chim sẻ”, “ Cướp cờ”, “ Nhảy bao bố”, “ Kéo co”, “Cáo và thỏ”, “ Chim sẻ và thợ săn”, “Sói và dê”, “Bánh xe quay”, “Đi như gấu bò như chuột”, “Rồng rắn lên mây”, “Thi xem tổ nào nhanh”, “Cá sấu lên bờ”, “Chuyền bóng”, “ Lạc lò cò”, “Ném còn”, “Chơi ù”, “Keng trái cây”, “ Bịt mắt bắt dê”, “Khiêng kiệu”, “ Nhảy dây quất”,”Thả đĩa ba ba”, “Đi tàu hỏa”, “Ném vòng”, “Nhảy cóc”, “Nhảy bao bố”, “Hò dô ta”, “Nhảy bước”, “Chim bay cò bay”, “Nhảy chõng cao”, …..Sau đây Tôi đưa ra một số trò chơi cụ thể :
* Trò chơi: Mèo bắt chuột ( Chủ đề: Thế giới động vật)
+ Mục đích yêu cầu: Rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo và khả năng phản xạ nhanh .
+ Chuẩn bị: Sân rộng rãi, sạch sẽ, mũ mèo,mũ chuột.
+ Luật chơi: Chuột chạy, mèo bắt. Nếu trong một khoảng thời gian nhất định mèo không bắt được chuột thì mèo thua.
+ Cách chơi: Các trẻ còn lại xếp thành vòng tròn rộng và giơ tay lên cao để làm hang. Chọn hai trẻ, một trẻ đóng vai mèo, một trẻ đóng vai chuột đứng ép lưng vào nhau. Khi có hiệu lệnh “Đuổi bắt” thì chuột chạy luồn lách qua các ngách hang để trốn mèo, mèo phải chạy nhanh chân đúng các ngách chuột chạy để rượt đuổi và chạm vào chuột để bắt.
* Trò chơi: Cá sấu lên bờ ( Chủ đề: Thế giới động vật)
+ Mục đích yêu cầu: Trò chơi mang đến tiếng cười và rèn thể lực bền bỉ cho các cháu
+ Chuẩn bị: Sân rộng rãi, sạch sẽ, hai vạch làm bờ
+ Luật chơi: Người nào nhảy lên không kịp bị cá sấu bắt được phải thay làm cá sấu. Nếu cá sấu bắt được cùng lúc hai người trở lên thì những người bị bắt phải oẳn tù tì để xác định người thua. Nếu cá sấu không bắt được người thay thế thì bị làm cá sấu đến lúc “chảy nước mắt cá sấu” hoặc mệt quá thì thôi. Trò chơi bắt đầu lại bằng cách oẳn tù tì để tìm con cá sấu khác.
+ Cách chơi: Vạch 2 đường vạch cách nhau khoảng 3m để làm bờ. Sau khi oẳn tù tì, người thua sẽ làm cá sấu đi lại giữa hai vạch đó tìm bắt người nào ở dưới nước hoặc có một chân dưới nước (tức nhảy ra khỏi vạch hoặc thò một chân qua khỏi vạch). Những người còn lại chia nhau đứng trên bờ (nghĩa là đứng ngoài hai bên vạch) chọc tức cá sấu bằng cách đợi cá sấu ở xa thì thò một chân xuống nước hoặc nhảy xuống nước và vỗ tay hát “Cá sấu, cá sấu lên bờ”. Khi nào cá sấu quay lại thì nhảy ngay lên bờ.
* Trò chơi: Lộn cầu vồng ( Chủ đề: Gia đình)
+ Mục đích yêu cầu: Rèn luyện sự nhịp nhàng trong khi chơi và luyện ngôn ngữ cho trẻ.
+ Chuẩn bị: Sân rộng rãi, sạch sẽ
+ Luật chơi: – Khi đọc hết câu của bài thơ nếu đôi nào chưa lộn xong, thì thua cuộc.
– Chưa đọc đến từ “vồng” đôi nào lộn trước, thì thua cuộc.
– Đôi nào rời tay trong khi lộn, thì thua cuộc.
– Đội thua cuộc chịu phạt.
+ Cách chơi:
– Chia số người chơi thành từng cặp (từng đôi) đứng đối diện nhau, hai tay cầm vào nhau
– Khi chơi tất cả cùng đọc “ lộn cầu vồng” đồng thời tay đung đưa qua lại.
– Khi đọc đến từ “vồng” cô giáo hoặc bạn quản trò đếm 1,2,3,4,5 các đôi vẫn phải nắm tay nhau và lộn 1 vòng ( xoay lưng vào nhau rồi lại xoay mặt vào nhau).
Lời ca:
Lộn cầu vồng
Qua sông nước chảy
Có cô mười bảy
Có chị mười ba
Hai chị em ta
Cùng lộn cầu vồng
* Trò chơi: Rồng rắn lên mây ( Chủ đề: Ngành nghề )
Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Có nhà hiển vinh
Hỏi thăm : Thầy thuốc có nhà hay không ?…
+ Mục đích yêu cầu: Trẻ thuộc lời ca kết hợp lời đọc nhịp nhàng, vui nhộn, biết phối hợp chơi cùng nhau. Rèn luyện sự khéo léo, nhanh nhẹn, tinh thần đoàn kết, gắn bó với nhau.
+ Chuẩn bị: Sân rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát, 2-3 nhóm chơi, mỗi nhóm 7-10 trẻ
+ Cách chơi: Một trẻ làm thầy thuốc đứng tại vị trí “ Nhà thầy thuốc ”
Số trẻ còn lại đứng thành hàng dọc phía trước nhà thầy thuốc. Một cháu đứng đầu làm “đầu rồng”, các cháu còn lại đứng nối đuôi nhau phía sau, cháu nọ túm áo cháu kia thành “một con rồng” và có thể đi theo vòng tròn hoặc lượn đi lượn lại, vừa đi vừa đọc lời ca. Đọc tới câu “ Thầy thuốc có nhà hay không ” thì “đầu rồng ”dừng lại trước nhà thầy thuốc và đồng thanh hỏi: Thầy thuốc có nhà hay không ?
Nếu thầy thuốc nói “ thầy thuốc không có ở nhà’’ thì rồng lại đi tiếp. Nếu thầy thuốc nói “Thầy thuốc có ở nhà !” thì thầy thuốc hỏi tiếp: Rồng rắn đi đâu ? Hỏi thầy làm gì ?
Rồng : Rồng rắn đi lấy thuốc cho con
Thầy thuốc : Con lên mấy ?
Rồng : Con lên một
Thầy thuốc : Thuốc chẳng hay
Rồng : Con lên hai
Thầy thuốc : Thuốc chẳng hay
Rồng : Con lên ba
……..
Rồng : Con lên mười
Thầy thuốc : Thuốc hay vậy
Rồng : Xin thầy tí lửa
Thầy thuốc : Lửa làm gì ?
Rồng : Lửa kho cá
Thầy thuốc : Cá mấy khúc ?
Rồng : Cá ba khúc
Thầy thuốc : Xin khúc đầu
Rồng : Cục xương ,cục xẩu
Thầy thuốc : Xin khúc giữa .
Rồng : Cục máu cục me.
Thầy thuốc : Xin khúc đuôi.
Rồng :Tha hồ thầy đuổi !
Rồng chạy – người đứng đầu dang hai tay chắn đường thầy thuốc chạy, ngăn không cho thầy bắt được “đuôi”. Đằng sau lựa thế để chạy theo kiểu uấn lượn rồng rắn để thầy thuốc không bắt được “đuôi rồng ”.
Khi thầy thuốc bắt được “đuôi ” thì người đứng ở đuôi rồng lại đổi làm thầy thuốc và trò chơi lại tiếp tục.
* Trò chơi dân: Kéo cưa lừa xe ( Chủ đề : Ngành nghề )
+ Mục đích yêu cầu: Rèn luyện sự khéo léo ,nhịp nhành và củng cố ngôn ngữ cho trẻ
+ Chuẩn bị: Sân rộng rãi, sạch sẽ, mũ mèo,mũ chuột.
+ Cách chơi: Hai trẻ ngồi đối diện nhau hoặc đứng , cầm tay nhau hoặc cầm cưa . Vừa hát vừa kéo và đẩy, như đang cưa một khúc gỗ ở giữa hai người. Mỗi lần hát một từ thì kéo hoặc đẩy về một lần .
Lời ca
Kéo cưa lừa xe
Ông thợ nào khỏe
Về ăn cơm vua
Ông thợ nào thu
Về bú tí mẹ
Hoặc
Kéo cưa lửa kít
Làm ít ăn nhiều
Nằm đâu ngủ đấy
Nó lấy mất cưa
Lấy gì mà kéo
* Trò chơi: Kéo co
+ Mục đích yêu cầu: Rèn luyện sức bền bỉ,tính đồng đội
+ Chuẩn bị: Sân rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát.
+ Luật chơi: – Đội nào kéo được qua vạch quy định, thắng cuộc.
– Đội bị đứt đoạn, bị ngã, thì thua cuộc.
+ Cách chơi:
– Cách 1: Cô giáo chia các bạn chơi thành 2 đội có số người bằng nhau, đứng đối diện nhau. Cách đứng như sau: hai bạn đứng đầu của 2 đội đan 2 bàn tay vào nhau rồi lồng vào nhau, các bạn còn lại ôm bụng bạn đứng trước, các đội đứng ở vạch của đội mình. Khi có lệnh cho 2 đội tìm cách kéo đội bạn qua vạch của mình
– Cách 2: Dùng 1 dây dài cho 2 đội nắm vào dây. Khi có lệnh chơi, các đội tìm cách kéo đội bạn qua được vạch quy định.
* Trò chơi : Ô tô vào bến ( Chủ đề : Phương tiện giao thông)
+ Mục đích yêu cầu: Củng cố nhận biết chữ cái hoặc chữ số đã học theo hiệu lệnh của cô
+ Chuẩn bị:
-5-6 tấm bìa cứng hình tròn (vuông) có viết chữ cái hoặc chữ số, tượng trưng cho “bến xe” (có cán để cắm).
– Mỗi cháu một tấm bìa cứng hình tròn, có gắng chữ cái giống như chữ cái ở biển cắm làm “bến xe”, giả làm “vô lăng”.
+ Luật chơi: Ô tô vào đúng bến của mình. Ai đi nhầm phải ra ngoài một lần chơi.
+ Cách chơi: Cô cắm các biển vào một chỗ để quy định là “bến xe”. Cô phát cho mỗi cháu một cái “vô lăng”, làm “tài xế”.
Trước khi chơi, cô nhắc các trẻ phải đi đúng luật giao thông, không chen lấn, xô đẩy nhau, ai đến trước thì đứng trước, ai đến sau thì đứng sau.
Khi nào cô nói: “Xe chạy” các cháu làm “tài xế” cầm “vô lăng” làm động tác lái xe chạy xung quanh sân chơi, vừa chạy vừa kêu”pin, pin…” khi nghe hiệu lệnh của cô: “Về bến” trẻ sẽ chạy đến đúng “bến xe” của mình (Chữ cái hoặc chữ số trên “vô lăng” giống với chữ cái hoặc chữ số của “bến xe” – một trẻ sẽ không có bến xe.
* HOẠT ĐỘNG CÓ CHỦ ĐÍCH
Đối với trẻ mẫu giáo, sự tập trung chú ý của trẻ chưa cao, thời gian trẻ tiếp thu kiến thức bị hạn chế do trẻ chưa có ý thức cao về việc học, nên đòi hỏi mỗi giáo viên thường xuyên đổi mới hình thức dạy học và tìm tòi nhiều trò chơi hấp dẫn, khác nhau để thu hút trẻ vào các hoạt động nhằm đạt kết quả tốt. Thông qua các trò chơi đó để giúp trẻ hoạt động một cách tích cực, chính vì thế tôi đã tìm tòi, sưu tầm nhiều trò chơi phù hợp với các chủ đề nhằm giúp trẻ học tốt hơn như trò chơi: “ Rềnh rềnh ràng ràng “, “ Xúc xắc xúc xẻ”, “Cái gối cười”, “ Thỏ nghe hát nhảy vào chuồng”, “Chuông reo ở đâu”, “Ở đâu có màu này”, “Gà mái đẻ trứng”, “Hoa nào quả nấy”, “Bạn có gì khác”, “Mẹ và con”, “Hát đếm”, “Xếp que, hột, hạt”, “Đố biết con gì”, “ Gíup cô tìm bạn về đúng nhà”, “ Đoán thời gian”, “Cửa hàng quần áo”, “ Ô cửa bí mật”, ” Bắt chước tiếng kêu”, “Tìm lá cho hoa”, “Lựa đậu”, “Giọng hát to – giọng hát nhỏ”, “ Nghe tiết táu, tìm đồ vật”, “ Ai đoán đúng”, “ Bao nhiêu bạn hát”, “ Tìm chữ cái theo hiệu lệnh của cô”, “Về đúng nhà” …… Sau đây Tôi đưa ra một số trò chơi cụ thể là:
* Trò chơi: Cái gối cười ( Chủ đề: Bản thân)
+ Mục đích yêu cầu: Rèn luyện tinh thần đoàn kết, vui chơi trong nhóm bạn bè. Phát triển khả năng diễn đạt ngôn ngữ biểu cảm.
+ Chuẩn bị: Sàn nhà sạch, một số câu chuyện gây cười cho trẻ.
+ Cách chơi: Chia lớp thành hai nhóm, nhóm bạn trai và nhóm bạn gái.Tổ chức cho trẻ hát bài “Tìm bạn ” và từng nhóm cứ hai bạn tìm nhau thành một đôi. Cho trẻ nằm xuống sàn nhà. Nhóm nam riêng, nhóm nữ riêng.Từng cặp bạn nằm bên nhau, một bạn “làm gối ”, một bạn gối đầu lên bụng bạn kia .Cô giáo cù cho trẻ cười hoặc kể chuyện cười, hoặc tổ chức cho trẻ cười thật to, cô giáo đặt câu hỏi cho trẻ “làm gối ” và trẻ gối đầu lên bụng bạn nói về cảm giác của trẻ khi gối đầu lên bụng bạn và cuời thì thấy như thế nào? ( Bụng bạn rung rung, gối đầu rất êm, rất thích thú…; Cái đầu bạn nặng nặng, lắc lắc, rung rung khi cười vv…). Sau đó đổi lại bạn “làm gối” đổi cho bạn gối đầu, trò chơi lại tiếp tục
Chủ đề: Thế giới thực vật
Chủ đề nhánh: Một số loại rau
* Trò chơi: Rềnh rềnh ràng ràng
+ Mục đích yêu cầu: Rèn cho trẻ khả năng nhận biết một số loại rau, khả năng kết hợp tư duy ngôn ngữ và đồ dùng trực quan một cách nhanh nhẹn
+ Chuẩn bị:
– Một số loại rau có tên trong lời ca, một số loại rau khác nhau để lẫn vào nhau.
– Một số lô tô về các loài rau trên.
– Rổ để đựng rau.
+ Cách chơi : Cho trẻ đứng cạnh bàn xếp các loại rau, cả lớp cùng đọc lời ca. Lần lượt từng bạn một lên bàn rau, đọc đến lời ca nào thì chọn rau theo tên đọc trong lời ca đó bỏ vào rổ. Những rau nào không có tên trong lời ca thì trẻ tự nói theo yêu cầu của cô giáo hoặc các bạn. Sau mỗi lần một bạn chọn rau, cả lớp cùng kiểm tra theo tên rau có trong bài, nếu bạn hoặc nhóm nào chọn sai mỗi loại rau phải nhảy lò cò một vòng, sau đó trò chơi lại tiếp tục
Lời ca ( ST)
Rềnh rềnh ràng ràng
Đi chợ mua hàng
Có các loại rau
Nấu có vị ngọt
Là anh rau ngót
Có thêm tí bọt
Là bác rau đay
Đi chợ cho hay
Là anh rau má
Nấu Với tôm cá
Là bác cải xanh
Nấu canh rất lành
Là lá mồng tơi
Tinh mắt ai ơi
Chọn rau cho đúng.
* Trò chơi: Xếp que, hột, hạt
+ Mục đích yêu cầu: Rèn luyện sự khéo léo và khả năng quan sát, óc sáng tạo của trẻ.
+ Chuẩn bị: Que tính dài, ngắn khắc nhau, các loại hạt ( Na, gấc, đậu, bắc …) hình vẽ các con gà, đồ vật, cây cối, nhà,…
+ Luật chơi: Xếp theo mẫu hoặc theo yêu cầu của cô
+ Cách chơi: Cô cho trẻ xem hình mẫu, dùng các vật liệu kể trên xếp thành hình mẫu. Có thể cất mẫu đi, cho trẻ tự nhớ lại để xếp hình, nếu trẻ đã biết xếp thành thạo thì để trẻ xếp theo ý trẻ tự nghị ra. Khi trẻ xếp xong, cô hỏi trẻ xem trẻ xếp hình gì ? Bằng vật liệu gì ? Màu gì ?.
Chủ đề: Thế giới thực vật
Chủ đề nhánh: Cây lương thực
* Trò chơi: Xúc xắc xúc xẻ
+ Mục đích yêu cầu:
– Trẻ nhận biết tên các loại đậu .
– Luyện khả năng nói kết hợp hành động. Rèn luyện tính sáng tạo
+ Chuẩn bị: Các loại đậu đỗ thật, lô tô đậu đỗ các loại. Rổđựng.
+ Cách chơi: Cả lớp cùng đọc lời ca, lần lượt từng cặp hai bạn một lên bàn nơi để đậu đỗ, đọc đến lời ca nào thì từng bạn chọn quả đậu, đỗ đó theo tên đọc trong lời ca bỏ vào rổ đựng riêng của mình. Những loại đậu đỗ nào không có tên trong lời ca thì trẻ tự chọn giơ lên và nói tên theo yêu cầu của cô giáo hoặc các bạn.
Sau mỗi lần một bạn chọn quả đậu, đỗ, cả lớp cùng kiểm tra theo tên có trong bài . Nếu bạn nào chọn sai, mỗi loại đậu, đỗ thì phải nhảy lò cò một vòng hoặc hát một câu hát tự chọn, tự sáng tác …về đậu đỗ, sau đó trò chơi lại tiếp tục.
Lời ca
Xúc xắc xúc xẻ
Ai khoẻ hơn ai
Cùng nhau đua tài
Chọn nhanh đậu đỗ
Nấu canh rất mát
Là bác đậu xanh
Ăn chè lớn nhanh
Nhà anh đậu đỏ
Cho ly sữa nhỏ
Nhà cô đậu nành
Tất cả đều Lành
Cho ta lớn nhanh
Là nhà họ đậu
Chủ đề: Thế giới động vật
* Trò chơi âm nhạc: Thỏ nghe hát nhảy vào chuồng
+ Mục đích yêu cầu: Rèn luyện sự nhanh nhẹn, khả năng phán đoán
+ Chuẩn bị: Mũ thỏ, vòng thể dục
+ Cách chơi:
– Cách chơi 1:Trên sàn của lớp các vòng tròn ( vòng thể dục hoặc vẽ bằng phấn).Số trẻ tham gia chơi nhiều hơn số vòng. Trẻ nghe cô hát và đi xung quanh chỗ để vòng; Cô hát nhanh, trẻ đi nhanh. Cô hát chậm, trẻ đi chậm, cô dừng hát trẻ nhanh chân nhảy vào vòng. Mỗi vòng 1 người, bạn nào không chiếm được vòng là thua phải nhảy lò cò xung quanh lớp.Trong khi bạn nhảy lò cò, cả lớp đọc hoặc hát phụ họa một bài…
– Cách chơi 2: Cô không hát to, nhỏ, nhanh, chậm mà hát bình thường nhưng đến câu hát cô đã định trước thì nhảy vào chuồng.
Ví dụ như :Cô định trước câu “Rất ham ăn với lại ham chơi” trong bài “Chú voi con”, đến từ “Ham chơi” thì hảy vào chuồng (vòng).
Lưư ý: Trẻ chỉ thực hiện chơi với những bài hát thuộc vào mỗi chủ đề và bài hát trẻ đã thuộc
* HOẠT ĐỘNG ĐÓN TRẺ , HOẠT ĐỘNG GÓC ,HOẠT ĐỘNG CHIỀU
Trẻ đến trường,đến lớp được học tập và vui chơi cùng cô cùng bạn, để giúp trẻ chơi mạnh dạn, tự tin và hòa đồng trong lớp. Thông qua các trò chơi đó để giúp trẻ hoạt động tích cực hơn, chủ động, sáng tạo. Chính vì thế tôi đã tìm tòi, sưu tầm nhiều trò chơi nhằm giúp trẻ hoạt động tích cực hơn như trò chơi: “ Chi chi chành chanh “, “ Trồng nụ trồng hoa”, “Trốn tìm”, “ oẳn tù tì”, “Nu na nu nống”, “Tạo dáng”, “ Kết bạn”, “Cặp cua” “Ô ăn quan”,.
, “ Chơi chuyền”, “ Nặn tò he”, ….. Sau đây Tôi đưa ra một số trò chơi cụ thể là:
* Trò chơi: Cặp cua ( Chủ đề : Thế giới động vật)
+ Mục đích yêu cầu: – Củng cố kiến thức về các nhóm thực phẩm.
– Rèn luyện cơ tay, giáo dục cháu tính khéo léo và tính trung thực trong quá trình chơi.
+ Chuẩn bị: Các hình con vật bằng bìa, kích thước 3 – 4cm có dạng vuông, tròn, tam giác…
+ Luật chơi: Hai tay trẻ nắm lại, đan các ngón vào nhau, hai ngón tay trỏ duỗi ra làm càng cua cắp đúng con vật mình cần cắp. Khi cắp phải khéo léo, không để cho ngón tay chạm vào hình bên, nếu bị chạm sẽ nhường quyền cắp cho bạn kế tiếp. Ai cắp hết hình con vật của mình trước là thắng cuộc.
+ Cách chơi: Trẻ vừa đọc vừa chỉ tay vào từng bạn chơi. Các từ “con gà, con vịt, con tôm, con cá” rơi vào ai thì trong suốt lượt chơi, trẻ chỉ được cắp con vật đó. Sau khi đã xác định được con vật mình sẽ cắp, cả nhóm oẳn tù tì để xếp thứ tự đi. Trẻ đi trước bốc hết hình và tung ra, hai tay nắm lại, đan các ngón tay vào nhau, hai ngón trỏ duỗi ra làm càng cua cắp từng hình ra chỗ mình, khi cắp phải khéo léo không để cho ngón tay chạm vào hình bên. Nếu bị chạm sẽ nhường quyền cắp cho bạn đi kế tiếp. Cứ như thế, lần lượt cho từng trẻ cắp loại hình của mình. Ai cắp hết loại hình của mình trước sẽ thắng cuộc.
Đồng dao
Cua cua cắp cắp
Đi khắp thế gian
Tìm con tìm cái
Con gà, con vịt
Con tôm, con cá…
Con nào con nấy,
Cho ta chất đạm
Mau mau cắp về.
* Trò chơi: Trồng nụ trồng hoa
+ Mục đích yêu cầu: Rèn luyện sự vận động khéo léo và óc quan sát
+ Chuẩn bị: Mỗi nhóm 4 trẻ có thể cả nam và nữ hoặc nam chơi riêng ,nữ riêng
+ Cách chơi: Hai bạn ngồi bệt xuống đất, đối diện nhau. Chồng các bàn chân rồi đến các bàn tay, lần lượt nắm,rồi xòe ra để giả vờ làm “nụ”, “hoa”, số người còn lại nhảy qua. Khi nào đủ bốn chân bốn tay xòe mà người nhảy không bị chạm vào “nụ, hoa” thì người nhảy được quyền chơi tiếp ván khác cho đến khi chạm chân thì mất lượt, phải ngồi vào thay thế.
- Kết quả thu được qua khảo nghiệm, giá trị khoa học của các vấn đề nghiên cứu.
Trong qua trình nghiên cứu, tìm tòi, sưu tầm và thử nghiệm, riển khai các trò chơi khác nhau phù hợp với chủ đề, chủ điểm nhằm hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý, mạnh dạn, tự tin, khả năng sáng tạo, tính đoàn kết của trẻ vào trong hoạt động hàng ngày.
Bản thân Tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm qua các tiết dạy, qua giờ chơi, giờ hoạt động của trẻ để tìm tòi, sưu tầm nhiều trò chơi hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu “ Học mà chơi, chơi mà học” của trẻ .
* Kết quả của trẻ:
– Thái độ:
+ Trẻ hứng thú tham gia vào các hoạt động chung của lớp.
+ Trẻ hăng hái tham gia vào các trò chơi.
+ Trẻ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp.
+ Trẻ không còn thụ động trong các giờ hoạt động
+ Trẻ có nề nếp, thói quen học tập cũng như vui chơi tốt và giữ trật tự trong các hoạt động
– Về cảm xúc tình cảm:
+ Trẻ hảo hứng lĩnh hội kiến thức một cách thoải mái
+ Trẻ thể được sự đoàn kết ,giúp đỡ nhau một cách tích cực .
– Về ý thức :
+ Trẻ tập trung vào nội dung cô cung cấp cho trẻ
+ Thời trẻ tập trung chú ý cao hơn và ghi nhớ có chủ định .
– Kết quả cụ thể:
+ Trẻ hào hứng,tập trung chú ý chiếm 95 %
+ Trẻ mạnh dạn ,tự tin , hồn nhiên chiếm 95 %
+ Trẻ hăng hái vào các hoạt động 97 %
III.1. Kết luận:
Việc tìm tòi, sưu tầm nhiều trò chơi hấp dẫn phù hợp với chủ đề, chủ điểm là rất cần thiết để giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, trẻ sẽ thể hiện hết khả năng sáng tạo, tích cực tham gia vào các hoạt động học tập cũng như vui chơi . Đạt quả cao trong việc tiếp thu kiến thức cơ bản một cách tốt nhất, bên cạnh đó thu hút trẻ hăng hái đến trường , tạo sự mạnh dạn, tự tin và củng cố ngôn ngữ cho trẻ .