Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động kể chuyện cho trẻ mầm non.
- Lý do chọn biện pháp:
Ở lứa tuổi mầm non nhân cách của trẻ đang được hình thành và phát triển. Sự phát triển theo chiều hướng nào? Tốt hay xấu? điều đó phụ thuộc vào quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, vì vậy thông qua hoạt động dạy và học dưới nhiều hình thức như: Hoạt động làm quen với toán, làm quen với môi trường xung quanh, làm quen với chữ cái…nhưng chương trình chuyện, thơ là chương trình chiếm ưu thế hơn so với những môn học khác trong việc giáo dục nhân cách cho trẻ.
Tình cảm của trẻ đang mở rộng, trẻ rất nhạy cảm với các tác phẩm văn học, do đó việc cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học góp phần làm cho tâm hồn, cảm xúc của trẻ thêm phong phú, trẻ biết rung động trước những hình ảnh, tình cảm đẹp. Văn học giúp trẻ nhận thức, mở rộng những kiến thức, những hiểu biết của mình về thiên nhiện, xã hội và con người, đặc biệt là qua những câu chuyện kể, trẻ được cảm nhận những câu chuyện kể như được hoà mình vào “thế giói muôn màu sắc lung linh, huyền ảo”, nó nuôi dưỡng đời sống tinh thần trẻ thơ, dẫn dắt vào cái thiện, cái đẹp, cái nhân đạo… của cuộc sống.
Từ những mục đích trên tôi thấy cần phải giúp trẻ yêu thích và rung động trước những tác phẩm văn học, giúp trẻ thích nghe cô đọc thơ, thích được nghe kể chuyện và biết bộc lộ thái độ, tình cảm của mình trước một tác phẩm.
Xác định được như vậy nên trong quá trình giảng dạy tôi luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi, học tập nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tay nghề nhất là phát triển ngôn ngữ cho trẻ đó là hoạt động cho trẻ làm quen với văn học và đặc biệt qua các hoạt động kể chuyện. Nhằm thoả mãn nhu cầu giải trí đơn giản mà hấp dẫn, hơn nữa thông qua hoạt động kể chuyện giúp trẻ nhận thức về thế giói xung quanh, giúp trẻ cảm nhận được những vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh mình bằng trí tưởng tượng, sáng tạo về nghệ thuật, và một yếu tố quan trọng nữa mà tác phẩm văn học nói chung và hoạt động kể chuyện nói riêng đã góp phần to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non. Vì vậy thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với tác phẩm văn học là hết sức quan trọng và cần thiết. Do đó tôi đã chọn đề tài “Một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động kể chuyện cho trẻ mầm non”
2. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp.
* Về nội dung – Đồ dùng trực quan phải sinh động hấp dẫn đảm bảo tính thẩm mỹ
Yêu cầu nội dung phải đảm bảo tính khoa học, tính vừa sức và nguyên tắc đồng tâm phát triển từ dễ đến khó; đảm bảo tính liên thông giữa các độ tuổi, giữa nhà trẻ, mẫu giáo và cấp tiểu học; thống nhất giữa nội dung giáo dục với cuộc sống hiện thực, gắn với cuộc sống và kinh nghiệm của trẻ, chuẩn bị cho trẻ từng bước hoà nhập vào cuộc sống. Yêu cầu phù hợp với sự phát triển tâm lý của trẻ em, hài hoà giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục; giúp trẻ em phát triển cơ thể cân đối, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn; cung cấp kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi; giúp trẻ em biết kính trọng, yêu mến, lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo; yêu quý anh, chị, em, bạn bè; thật thà, mạnh dạn, tự tin và hồn nhiên, yêu thích cái đẹp; ham hiểu biết, thích đi học.
Vạn vật trong mắt trẻ thơ đều là “Kính vạn hoa”, có như vậy thơ mới hấp dẫn, lôi cuốn trẻ tham gia hoạt động. Vì thế để dùng trực quan sinh động đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của tiết học. Hiều được tâm lý của trẻ cái gì cũng thích đẹp, ngộ nghĩnh, màu sắc, nên tôi đã tìm tòi sáng tạo làm ra đồ dùng đò chơi phục vụ cho mỗi câu chuyện, mỗi chủ điểm phong phú và đa dạng về chủng loại cũng như về chất liệu.
Là lớp mẫu giáo lá thực hiện chương trình đổi mới nên mỗi câu chuyện đều phù hợp với chủ đề.
Ví dụ: ở chủ đề “Gia đình” tôi sử dụng nhữ quả bóng bằng vải len để làm những con rối: rối anh rối em (Hai anh em); thỏ anh, thỏ em (ai đáng khen nhiều hơn). Hay tôi dùng chai nước khoáng làm trình tưới cho người anh trên bình tôi trang trí những văn hoa ngộ nghĩnh.
Dựa vào nội dung câu chuyện và phương pháp phù hợp mà tôi vẽ tranh minh họa chỉ từng đoạn chuyện, từng câu chuyện sáng tạo không rập khuôn máy móc theo tranh truyện của Bộ Giáo Dục ban hành. Dưới những bức tranh tôi viết những lời nói trọng tâm của nhân vật bằng chữ to rõ ràng giúp trẻ sao chép từ trong khi nghe Cô kể chuyện và còn khắc sâu kiến thức nội dung câu chuyện kể cho trẻ.
Ví dụ: Khi kể chuyện “Ba cô gái” tôi sử dụng sân khấu là một bức tranh to có vẽ một ngôi nhà, một bà mẹ bị ốm đang nằm trên giường làm nền và tôi vẽ ba bức tranh về các cảnh:
Tranh 1: vẽ cô cả đang cọ chậu bên cạnh là một con rùa.
Tranh 2: vẽ cô hai đang kéo sợi bên cạnh là một con rùa.
Tranh 3: vẽ cô út đang đem cháo cho mẹ.
Khi kể đến đoạn nào tôi đưa bức tranh tương ứng với từng đoạn chuyện để minh họa theo nội dung câu chuyện.
Chính sự sáng tạo, sinh động, linh hoạt của tôi trong cách làm và cách sửa dụng đồ dùng đã giúp trẻ hứng thú lên trong giờ kể chuyện.
Không những thế mà tôi còn sử dụng đồ dùng trực quan sinh động để giới thiệu bài, để minh họa cho lời kể, để giảng giải từ khó hay để giúp trẻ kể lại tác phẩm như: Giúp trẻ kể lại truyện theo trình tự nội dung câu truyện thông qua bức tranh. Tôi treo các bức tranh theo thứ tự đầu câu truyện đến cuối câu truyện lên bảng. Trẻ nhìn lên tranh kể theo từng bức tranh (nhìn tranh chỉ vào hình ảnh trong tranh và lời kể tương ứng với nội dung trong tranh).
Chính vì vậy tôi sử dụng những nguyên vật liệu mở như: Muỗng gỗ, thanh tre, ly nhựa, nắp thiếc, hộp sữa, lõi giấy vệ sinh…để làm những con rối xinh xắn. Trẻ cũng có thể sử dụng được để kể chuyện theo ý thích.
Ví dụ: Từ lõi giấy vệ sinh tôi kết hợp với quả bóng làm phần đầu con rối, tóc làm bằng đất nặn, miếng xốp trái cây bọc ra ngoài lõi giấy làm áo đầm và chú ý trang trí đa dạng màu sắc để thu hút trẻ. Cũng có thể hướng dẫn để cháu cùng làm với cô.
Hoặc để làm trang phục cho trẻ tôi dùng vải vụn, mút bittis, giấy, lá cây tạo nhiều trang phục lạ mắt.
Trong quá trình truyền tải nội dung câu chuyện cho trẻ tôi còn sử dụng nhiều đồ dùng trực quan như rối, tranh truyện chữ to, tranh kể theo nội dung….
Sử dụng mô hình sinh động hấp dẫn để cuốn hút trẻ tham gia vào hoạt động, ví dụ như kể câu chuyện Tích Chu tôi đã làm làm mô hình:
* Phương pháp thể hiện của cô phải hấp dẫn để lôi cuốn trẻ tham gia tiết học:
Trước tiên cần chú trọng giao tiếp thường xuyên, thể hiện sự yêu thương và tạo sự gắn bó của người lớn với trẻ; chú ý đặc điểm cá nhân trẻ để lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp, tạo cho trẻ cảm giác an toàn về thể chất và tinh thần; tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tích cực hoạt động giao lưu cảm xúc, hoạt động với đồ vật và vui chơi, kích thích sự phát triển các giác quan và các chức năng tâm – sinh lý; tạo môi trường giáo dục gần gũi với khung cảnh gia đình; phải tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm “ chơi mà học, học bằng chơi”. Chú trọng đổi mới tổ chức môi trường giáo dục nhằm kích thích và tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, thử nghiệm và sáng tạo ở các khu vực hoạt động một cách vui vẻ. Kết hợp hài hoà giữa giáo dục trẻ trong nhóm bạn với giáo dục cá nhân, chú ý đặc điểm riêng của từng trẻ để có phương phấp phù hợp. Tổ chức hợp lý các hình thức hoạt động cá nhân, theo nhóm nhỏ và cả lớp, phù hợp với độ tuổi của nhóm/lớp, với khả năng của từng trẻ, với nhu cầu và hứng thú của trẻ với điều kiện thực tế.
Tổ chức cho trẻ làm quen với bộ môn “Văn học” nói chung là cho trẻ làm quen với hoạt động kể chuyện nói riêng là giúp trẻ hiểu và ghi nhớ nội dung câu chuyện. Đồng thời thông qua nội dung câu chuyện trẻ được lĩnh hội những chuẩn mực về tính cách, hành động lời nói của nhân vật, trẻ cảm nhận những hình ảnh đẹp, những tình cảm tốt đẹp, sự yêu thương giúp đỡ lẫn nhau hay sự hiền lành, dịu dàng của các nhân vật trong câu chuyện.
Để gây hứng thú trẻ vào câu chuyện tôi luôn tìm cách sinh động để thu hút sự chú ý của trẻ, có thể là: trò chuyện cùng trẻ, chơi trò chơi, giải câu đố hay tổ chức cho trẻ đi tham quan những nơi phù hợp với chủ để, phù với nội dung câu chuyện sắp kể.
Ví dụ: Khi kể câu chuyện “Ai đáng khen nhiều hơn” ở chủ đề “Giao thông” tôi cho trẻ chơi trò chơi “ Trời nắng, trời mưa”. Sau khi chơi xong tôi hỏi trẻ.
Hôm nay trời nắng đẹp cô đã cho các chú thỏ đi đâu nào?
Khi đi chơi các chú thỏ đi như thế nào? Vì sao các chú thỏ phải đi như vậy?
À chú thỏ nào cũng giỏi, cũng ngoan, vì các chú thỏ đi rất đúng phần đường của mình, chấp hành đúng luật lệ giao thông đường bộ. Không những vậy mà các chú thỏ còn biết giúp đỡ người khác khi đi trên đường đấy, và các con có muốn biết các chú thỏ giúp đõ ai, và giúp như thế nào không? Chuyện gì sẽ xẩy ra với các chú thỏ không nào? … Từ đó tôi dẫn dắt trẻ vào câu chuyện “Ai đánh khen nhiều hơn” một các nhẹ nhàng mang tính tò mò của trẻ.
Với chủ đểm “ Các ngành nghề” khi dạy với đề tài xây dựng. Kể chuyện “ Ba chú lợn nhỏ”, tôi sử dụng rối để gây sự hứng thú của trẻ.
Hay khi kể câu chuyện “Cây tre trăm đốt” tôi tổ chức cho trẻ đi thăm quan những rặng tre ở gần trường. gợi ý cho trẻ nhận xét về cây tre. Sau đó cô cho trẻ biết cây tre đã chính cây trẻ đã giúp những người nghèo khổ, thật thà đã chiến thắng những tên địa chủ độc ác không giữ lời hứa. Từ đó sẽ tăng thêm trí tò mò của trẻ vào diễn biến câu truyện, trẻ sẽ đặt ra câu hỏi: Cây tre giúp mọi người như thế nào? Giúp bằng cách nào? Như vậy trẻ sẽ hứng thú khám phá câu truyện kể hơn.
Bên cạnh đó thì lời kể, điệu bộ và hành động của cô giáo cũng không dám kém phần phần hấp dẫn trẻ cho tiết kể chuyện. Bản thân tôi trước khi tổ chức hoạt động cũng phải tự luyện giọng kể, cách sử dụng tranh, rối, mô hình… nhằm giúp trẻ cảm thụ được câu chuyện một cách tốt nhất.
Khi kể cô giáo phải chú ý đến nét mặt cử chỉ bao quát trẻ, sức truyền cảm của giọng kể đến sự cảm thụ của chuyện đối với trẻ. Để làm tốt điều đó cô giáo phải dày công tập luyện từng cử chỉ hành động cho đến giọng điện của từng nhân vật.
Ví dụ: Từ điệu cười nhạt nhẽo, xảo trá của lão địa chủ trong câu chuyện “Cây tre trăm đốt”; Giọng nói chua ngoa của mụ gì ghẻ trong truyện “Tấm Cám”; Điệu bộ ủ rũ, lười biếng của người em trong chuyện “Hai anh em”; Giọng nói gay gắt của cô cả, cô hai. Giọng nói hiền lành, dịu dàng, yêu thương của cô út trong chuyện “Ba cô gái”.
Ngoài ra tôi còn sưu tầm, sử dụng băng kể chuyện để mở cho trẻ nghe, tôi giúp trẻ tập luyện với những con rối để khi tiến hành giờ kể chuyện cô cùng trẻ tham gia diễn rối, đóng kịch trên sân khấu giúp giờ kể chuyện thêm sinh động.
Cho trẻ kể chuyện theo tranh, cô viết nội dung câu chuyện dưới bức tranh để trẻ kể theo ngôn ngữ của trẻ để khắc sâu qua tranh vẽ.
Giúp trẻ nhớ lại trình tự câu chuyện có thể trẻ thể hiện bằng ngôn ngữ vì đóng kịch là một hình thức để phát triển ngôn ngữ, phát triển trí nhớ và giáo dục tinh thần tập thể.
Qua đóng kịch trẻ truyền lại được nội dung chuyện làm sống lại tâm trạng hành động ngôn ngữ của các nhân vật trong chuyện đồng thời thể hiện tình cảm và sự đánh giá của trẻ đối với các nhân vật. Với trò chơi đóng kịch bao gồm việc thay đổi quần áo, mũ và đồ dùng sân khấu. Việc thay đổi như là một tác nhân kích thích cho các cảnh trong vở kịch của trẻ. Thông qua loại trò chơi tưởng tượng này, trẻ được cảm nhận tất cả những gì liên quan đến nhân vật mà trẻ nhập vai.
Đẩy mạnh trò chơi giả bộ: Khuyến khích trẻ sử dụng khả năng tưởng tượng của mình để mô phỏng lại những hình ảnh kỳ lạ xung quanh hay tính cách của nhân vật mà trẻ đóng vai.
Cho trẻ cùng cô làm tranh chuyện, cắt dán tranh để trẻ nhớ lại trình tự nội dung câu chuyện. Nên tuyên dương trẻ thể hiện tốt kịp thời để khuyến khích trẻ học tốt hơn, tuyệt đối không chê trẻ.
Việc cho trẻ làm quen với những câu chuyện kể không chỉ được tiến hành riêng trong giờ kể chuyện mà nó còn được dạy thông qua các giờ học khác như: tạo hình, tìm hiểu môi trường xung quanh, âm nhạc… Cô giáo có thể sử dụng hay tích hợp, lồng ghép, củng cố những kiến thức về những câu chuyện qua các hoạt động đó.
Ví dụ: Ở hoạt động tạo hình tôi cho trẻ vẽ, nặn thỏ anh, thỏ em (Ai đáng khen hơn nào); nặn những chiếc bánh chưng, bánh giày (Sự tích bánh chưng bánh giày); vẽ nhân vật trong chuyện cổ tích.
Hay ở hoạt động góc: Tôi chuẩn bị cho trẻ nhiều nguyên vật liệu như bìa, xốp pitít, len, vải, bút màu… và hướng dẫn trẻ làm rối dệt lồng vào các ngón tay. Khi trẻ tập kể chuyện ở các nhóm hoặc nhập vai các nhân vật trong chuyện thì trẻ nào cũng thích mình đóng một nhân vật nào đó để được đeo những con rối vào tay. Từ đó trẻ mạnh dạn tự tin hơn trong tiết kể chuyện.
Ngoài ra tôi tổ chức dạy trẻ, cho trẻ làm quen với mọi lúc, mọi nơi, trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Ví dụ: Qua hoạt động đón, trả trẻ: Cô đọc cho trẻ nghe hay cho trẻ kể chuyện cùng cô, xem tranh về các câu chuyện kể, chuyện sáng tạo.
Vào các ngày lễ hội cho trẻ đóng kịch, tổ chức cho trẻ thi tài như thi gói bánh chưng, nhào bột, làm lá,… ở chủ đề “Tết và mùa xuân”,…
Hay cho trẻ quan sát mô hình “Sự tích Hồ Gươm” để trẻ được cảm nhận khung cảnh của Hồ Gươm, mở rộng kiến thức hiểu biết cho trẻ về Thủ Đô Hà Nội có Lăng Bác, Chùa Một Cột, Tháp Rùa, Cầu Thê Húc, Hồ Gươm,.. qua đó góp phần giáo dục tình cảm cho trẻ.
* Kích thích sự sáng tạo của trẻ:
Hệ Thống câu hỏi của cô phải kích thích sự sáng tạo của trẻ cô giáo phải đặt những câu hỏi mở khi đàm thoại về nội dung câu chuyện, nhằm giúp trẻ hiểu và nhớ nội dung câu chuyện theo trí tưởng tượng. Với phương pháp này phát huy được tính tích cực của trẻ, làm tăng vốn từ của trẻ. Trong quá trình trả lời dần dần sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ mạch lạc, lô gích hơn. Khi trẻ tự trả lời những câu hỏi trẻ sẽ tự tin hơn, hứng thú tham gia hoạt động hơn, trẻ nhớ được nội dung câu chuyện hơn, hứng thú tham gia hoạt động hơn, biết cách sắp xếp từ để trả lời, những câu hỏi mở khi đàm thoại sẽ kích thích sự sáng tạo của trẻ.
Ví dụ: Trong câu chuyện “Hai anh em” tôi đặt câu hỏi:
Vì sao các con biết người em lười biếng?
Những chi tiết nào nói lên người anh siêng năng?
Hay chuyện “Sự tích bánh chưng bánh giày” tôi đã đặt câu hỏi:
Lang Liêu đã làm gì để có lễ vật dâng vua?
Lang Liêu đã nói ý nghĩa của hai thứ bánh đó như thế nào?
Tôi cho trẻ chơi “Bắt chước giọng nói” của các nhân vật như:
-Ai đã cho Lê Lợi mượn gươm thần? Cho trẻ bắt trước giọng nói của “Long Quân – người lính- Rùa vàng” cùng với hệ thống câu hỏi ở câu chuyện “Sự tích hồ gươm”.
-Khi mọi người chuyền tay nhau xem thanh gươm, một người trong số họ nói gì?
-Bỗng từ dưới mặt sông vọng lên câu nói gì? Và của ai?
Sau khi nghe cô hỏi trẻ phải suy nghĩ để trả lời, trả lời theo nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng phải dùng nói lên được câu hỏi mà cô đặt ra. Đó là cơ sở để khắc sâu nội dung câu chuyện và nắm vững được diễn biến cốt truyện.
Hay qua câu chuyện “Quả bầu tiên” với giọng trìu mến, thân mật, gần gũi đầy yêu thương của câu nói:” Én nhỏ cứ bay đi theo đàn kẻo mùa đông lạnh lắm, đến mùa xuân ấm áp, én lại trở về đây với anh” và tôi hỏi trẻ: “Giọng nói đó của ai các con có biết không nào? Và có trong câu chuyện gì?” Sau đó cho trẻ kể các nhân vật trong câu chuyện mà trẻ biết, cho trẻ bắt chước giọng điệu của các nhân vật như giọng của chú bé, tên địa chủ độc ác, sau đó cô dùng trẻ kể lại câu chuyện và đặt những câu hỏi gợi mở cho trẻ hệ thống lại trình tự tình tiết câu chuyện.
– Ai đã cứu chim én? Chim én được ai chăm sóc?
– Chú bé chăm sóc chim én như thế nào?
– Mùa đông đến chú bé nói gì với chim én?
– Khi màu xuân đến chim én tặng chú bé cái gì?
– Lão địa chủ như thế nào?
– Quả bầu tiên của lão địa chủ có những gì?
– Vì sao quả bầu tiên của chú bé khác với quả bầu tiên của lão địa chủ?
Trong quá trình đàm thoại hệ thống câu hỏi bắt trẻ phải suy nghĩ để trả lời, đó là cơ sở để trẻ khắc sâu nội dung câu chuyện, từ đó phát huy được tính tích cực của trẻ.
Với hệ thống câu hỏi tôi luôn kích thích sự sáng tạo của trẻ luôn dùng các hình thứ động viên, khuyến khích để điều khiển trẻ hoạt động. Hệ thống câu hỏi tùy thuộc vào trình độ nhận thức của trẻ, đối với từng truyện và hứng thú ở mỗi câu chuyện mà tôi sử dụng những câu hỏi phù hợp, logic, câu hỏi đều mang tính chất truyền thống, câu hỏi tái tạo từng phần của câu chuyện giúp trẻ nhớ tên nhân vật, nhớ lâu và hình dung ra tới cảnh không gian thời gian diễn ra câu chuyện đó. Sử dụng loại câu hỏi hướng đến sự sắp đặt cho trẻ những quan hể tình cảm đối với các nhân vật trong truyện.
* Môi trường cho trẻ học:
– Tôi luôn tận dụng diện tích phòng học, chú ý xắp xếp các học cụ, đội hình để tạo môi trường học được thoải mái. Ví dụ: Khi thực hiện hoạt động dạy trẻ kể chuyện sáng tạo thì tôi luôn tận dụng không gian lớp học để bày dụng cụ kể chuyện, khung sân khấu, sắp đặt tranh và các con rối sao cho trẻ dễ sử dụng, kích thích trẻ hoạt động tích cực hơn.
– Làm quen với văn học mọi lúc mọi nơi: Vào buổi sáng đón trẻ, giờ hoạt động ngoài trời, ngoài công việc nhắc nhở trẻ chào cha mẹ, giữ vệ sinh tôi thường trò chuyện với trẻ theo chủ đề của chương trình, cho trẻ thi kể về các nhân vật trong một số câu chuyện.
– Cần kết hợp với các hoạt động khác, theo phương pháp dạy tích hợp tôi đã thường xuyên lồng ghép kết hợp với các hoạt động khác nhằm giúp cho không những hoạt động kể chuyện thêm sinh động mà các hoạt động khác cũng sinh động hấp dẫn hơn.
Ví dụ: Với câu chuyện “ Cây táo thần” tôi cho trẻ hát vận động bài “ Gieo hạt trồng cây” để tích hợp âm nhạc. Với câu chuyện “ Nhổ củ cải” tôi cho trẻ vận động bài “ Củ cải trắng”
Với môn môi trường xung quanh, chủ đề động vật nuôi trong gia đình, tôi kể câu chuyện “ Gà trống, mèo con và cún con” qua đây trẻ biết được tên, đặc điểm, nơi sống của các con vật này
Hay với hoạt động làm quen với toán: Tôi kể câu chuyện “ Cây khế” trẻ sẽ áp dụng so sánh “ Cao hơn – thấp hơn” qua rối anh và rối em.
– Tổ chức tốt cho trẻ thông qua ngày hội – ngày lễ, qua hội thi. Đây là một biện pháp khá hấp dẫn và đạt kết quả cao. Cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học theo các chủ đề, gắn liền với viêc tổ chức các ngày lễ, ngày hội vào những dịp kỷ niệm ngày 8/3; 20/11; 22/12;… cô giáo tổ chức cho trẻ trong lớp, trong trường, liên hoan, biểu diễn văn nghệ trong đó có đọc thơ, kể chuyện, đóng kịch, múa rối theo các tác phẩm văn học, qua các câu chuyện kể. Với biện pháp này, sẽ gây được lòng ham muốn, hứng thú thích tham gia đối với một số trẻ còn e ngại, nhút nhát, chưa yêu mến bộ môn văn học nói chung và qua tiết kể chuyện nói riêng (Vì nó có tác dụng động viên cổ vũ các cháu giỏi đồng thời cũng khuyến khích các cháu nhút nhát tham gia cào hoạt động nghệ thuật).
Ví dụ: Tổ chức ngày 20/10 có thể tổ chức hội thi “Gia đình và bé” qua những phần thi của những gia đình tí hon trong lớp. Cho trẻ lập thành nhóm, tạo thành một gia đình tí hon cùng nhau chung sức trải qua các phần thi đóng kịch, múa rối, kể chuyện theo ý thích, phù hợp với chủ đề: Ở chủ đề “Giao thông”, tổ chức hội thi : Bé với an toàn giao thông” qua các câu chuyện “Ai đáng khen nhiều hơn”, “Qua đường”, … trẻ đóng kịch, kể chuyện dưới sự tập luyện của cô giáo. Thông qua đó trẻ được hiểu biết về phương tiện và luật lệ giao thông từ những tình huống diễn xuất hay lời kể của nhân vật trong chuyện được trẻ thể hiện mạch lạc, diễn xuất hấp dẫn.
Qua những buổi tập luyện hay từ các hội thi, liên hoan bé yêu văn học đã gây hứng thú cho những trẻ còn nhút nhát chưa mạnh dạn, tạo lòng ham muốn, cẩm hứng về kể chuyện. Trẻ kể hay hơn ngôn từ mạch lạc hơn, diễn xuất giỏi hơn, … từ những con rối, vai diễn đã đưa trẻ vào thế giới “cổ tích” một cách nhẹ nhàng khoan khoái như một bản nhạc “nhớ quê hương” được vang lên êm ái trong lòng trẻ thơ.
*Cô giáo phối kết hợp với phụ huynh để tạo môi trường cho trẻ đến với chuyện kể có hiệu quả.
Với các giải pháp trên cũng chưa đủ để dạy trẻ học tốt bộ môn văn học qua tiết kể chuyện. Mà còn phải tuyên truyền cho phụ huynh biết được ích lợi của môn văn học nói chung cũng như tiết kể chuyện nói riêng và phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bậc phụ huynh, sưu tầm nguyên vật liệu để làm đồ dùng, đồ chơi, gặp gỡ trao đổi với phụ huynh trẻ để có nội dung phong phú bồi dưỡng cho trẻ có năng khiếu kể chuyện.
Tôi khuyến khích động viên phụ huynh đóng góp nguyên vật liệu cho cô giáo làm đồ dùng, đồ chơi dạy học cho các cháu. Từ những con ốc, con sò ở biển tôi làm thành những cái chuông gió, hay từ những thanh tre, nứa tôi làm thành cái nhà sàn xinh xắn. Hay vào những ngày nghỉ tôi viết câu chuyện mà trẻ đã học dán lên góc tuyên truyền trong lớp và không quên phần ghi chú: “Phụ huynh tạo điều kiện giúp trẻ kể tốt câu chuyện…”
Ngoài ra tôi đã vận động phụ huynh là “góc sách” mang nội dung về văn học phù hợp với từng chủ đề.
Ví dụ: Ở chủ đề “Thế giới động vật” tôi trang bị một số câu chuyện “Mèo con cảm nắng”, “Nghé con thông minh”, “Thở nâu ban nhìn thấy gì?”, … giúp trẻ sáng tạo.
Hay ở chủ đề “Một sô nghề” có những câu chuyện “Bác sỹ cừ khôi”, “Ngôi nhà xinh xắn”, “Thành phố xanh”,…
Chính nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với phụ huynh mà lớp tôi làm được rất nhiều đồ dùng, đồ chơi phong phú, hấp dẫn trẻ từ những nguồn nguyên vật liệu của phụ huynh đóng góp. Đó là điều kiện tốt nhất kích thích trẻ tham gia kể chuyện sáng tạo. Sau đây là một số tranh do cha mẹ học sinh ủng hộ:
* Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kể chuyện:
– Sử dụng máy tính để tạo các slide về câu chuyện kể cho trẻ nghe nhằm tạo sự sinh động, kích thích tình tò mò của trẻ, tạo các trò chơi. Ví dụ: Với câu chuyện Hai anh em. Tôi tạo các slide từng cảnh một tương ứng với nội dung câu chuyện (hai anh em chia tay nhau, cảnh cánh đồng lúa, cánh đồng bông, rộng bí ngô, ông tiên…); Tôi làm các ô cửa trong đó có hình ảnh kèm theo câu hỏi để hỏi trẻ về nội dung câu chuyện…
– Tạo những tiếng kêu, những hình ảnh ngộ nghĩnh giúp trẻ hứng thú tham gia hoạt động.
* Cần chú ý rèn nề nếp, rèn kỹ năng và kích thích sự sáng tạo của trẻ:
– Trẻ biết chia nhóm kể chuyện tạo cho trẻ cảm giác tự tin, mạnh dạn, nhanh nhẹn và linh hoạt qua việc trẻ biểu diễn hoặc đóng kịch.
– Tạo điều kiện cho trẻ tự thoả thuận và tự chọn vai kể hteo ý thích về sự sáng tạo của trẻ. Có thể dùng lời để khuyến khích, động viên trẻ thể hiện các vai diễn sáng tạo.
- Kết quả thu được qua nghiên cứu.
Khi chưa áp dụng các giải pháp trên thì chất lượng của các giờ học có nhiều hạn chế, một số trẻ chưa mạnh dạn tự tin, một số trẻ diễn đạt ngôn từ chưa mạch lạc, chưa khắc sâu được nội dung một số câu chuyện ở trẻ. Sau khi áp dụng các giải pháp trên để dạy trẻ tôi thấy chất lượng được nâng lên rõ rệt, đạt những kết quả sau:
Lớp tôi đã làm được rất nhiều loại đồ dùng, đồ chơi, tranh ảnh hấp dẫn. Đồ dùng trực quan ở lớp ngày càng phong phú sinh động. Những đồ dùng được thay đổi theo từng chủ đề phù hợp.
Qua nhiều năm thực hiện chuyên đề làm quen với văn học, tôi đã sưu tầm được 15 bức tranh về chủ đề, vẽ thêm được 1 số bức tranh sinh động để kể chuyện trích dẫn, vẽ và viết được 10 bức tranh truyện chữ to, làm được 4 bộ rối,… Ngoài ra, tôi còn đầu tư để làm những mô hình kể chuyện và sưu tầm được nhiều loại vật liệu khác nhau cho trẻ sử dụng làm đồ dùng kể chuyện sáng tạo.
Bảng so sánh kết quả đạt được trước khi thực hiện và sau khi thực hiện:
Kỹ năng hình thành ở trẻ
|
Trước khi thực hiện | Sau khi thực hiện |
Kỹ năng cảm thụ tốt các câu chuyện | 67% | 93% |
Kỹ năng vận dụng vào thực tế | 60% | 85% |
Kỹ năng tái hiện lại các câu chuyện | 73% | 92% |
Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ mạch lạc | 77% | 91% |
Kỹ năng hứng thú tham gia vào giờ học | 80% | 95% |
Trẻ biết kể chuyện sáng tạo dưới nhiều hình thức | 63% | 90% |
4. Kết luận:
Nhận thức được nền văn học có vai trò quan trọng đối với mọi người nói chung và trẻ thơ ở tuổi mần non nói riêng. Bản thân tôi là một giáo viên phụ trách giảng dạy trẻ nhiều năm tôi đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu qua thực tế.
- Để dạy tốt bộ môn văn học nói chung và tiết kể chuyện nói riêng đòi hòi giáo viên phải có một năng khiếu thực sự biết sử dụng những thủ pháp nghệ thuật trong khi kể từ ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ đều phải hết sức truyền cảm. Trong hội họa người ta dùng đường nét, màu sắc để mô tả cái đẹp thì trong văn học người ta sử dụng “ngôn ngữ” để nói lên cái đẹp, cái hay, cái cao cả, cái nhân đạo,… để diễn tả một tác phẩm, một câu chuyện kể. Vì thế cô giáo phải biết tích hợp, lồng ghép, xen kẽ giữa động và tĩnh trong khi kể chuyện.
- Cô giáo phải biết chịu khó tìm tòi, tìm ra những giải pháp tốt nhất để truyền đạt cho trẻ.
- Đa dạng hóa các hình thức để đưa trẻ đến với những câu chuyện kể hấp dẫn, sinh động, dẫn dắt trẻ vào “thế giới cổ tích” một cách nhẹ nhàng, êm ái, khoan khoái tâm hồn.
- Biết phối hộp chặt chẽ giữa “Gia đình – nhà trường – xã hội.” để có thêm nguyên vật liệu, tranh ảnh phong phú phục vụ cho làm đồ dùng, đồ chơi và trang trí chủ đề.
- Phối kết hợp nhiều loại hình kể chuyện: Kể diễn cảm bằng lời, kể bằng tranh, tranh chữ to, dùng băng, đĩa, rối…