Một số giải pháp nâng cao chất lượng cho trẻ 3-4 tuổi làm quen với toán

*/ Xác định được nội dung và nhiệm vụ trong từng nội dung cụ thể giúp trẻ mẫu giáo Bé làm với các biểu tượng ban đầu về toán:

 a.1) Tập hợp – số lượng và chữ số – phép đếm :

   – Dạy trẻ biết đếm đến 3 để nhận biết số lượng các phần tử của nhóm đồ vật trong phạm vi , trả lời câu hỏi: bao nhiêu? có số lượng là mấy?

   – Dạy trẻ so sánh số lượng của 2 nhóm và đếm để nhận biết mối quan hệ, trả lời các câu hỏi số lượng nào nhiều hơn? nhiều hơn mấy? Thực hiện một số phép biển đổi đơn giản như thêm bớt một số lượng vào nhóm đồ vật cụ thể:

   

– Dạy trẻ sử dụng và nhận biết các số từ 1- 5 để chỉ số lượng các phần tử của nhóm đồ vật.

    Ví dụ: Chủ đề bản thân . Cho trẻ xếp số lượng Búp Bê xuống sàn nhà, cho trẻ đếm số lượng, Cô hỏi 1 con Búp Bê tương ứng chữ số mấy? cho trẻ đặt số tương ứng 1-1, tương tự cho trẻ xếp số lượng tương ứng với chữ số từ 1-5. Sau đó cô tổ chức cho trẻ chơi: Hãy về đúng chỗ của mình. Bạn có chữ số 1 về ngồi đầu hàng, bạn có chữ số 2 về đúng cạnh bạn số 1 tương tự và cho trẻ ngồi theo hàng ngang từ số 1 đến số 5. Cô thay đổi các hình thức cho trẻ chơi số lẽ chạy về ngồi trước (1,3,5), số chẵn về sau.

–  Chia các nhóm đồ vật cụ thể có số lượng trong phạm vi 4 thành 2 phần.                                  

 Ví dụ: tổ chức cho trẻ ngồi theo nhóm, 1 nhóm chia theo ý thích, 1 nhóm chia theo yêu cầu và ngược lại. Để cho trẻ có hình thức thi đua.

 a.2) Kích thước

– Dạy trẻ biết thực hiện về kích thước so sánh “to hơn – nhỏ hơn”, cao hơn – thấp hơn, để nhận biết kích thước và mối quan hệ kích thước giữa các đối tượng.

  Ví dụ: Khi dạy trẻ về kích thước “To hơn – nhỏ hơn”. Chủ đề thế giới động vật, tôi kể cho trẻ nghe một câu chuyện về hai anh em Gấu con cùng chơi trò chơi bò chui qua 1 chiếc cổng và đưa ra tình huống: Gấu em nhỏ hơn nên Gấu anh nhường cho Gấu em chui qua cổng trước, Gấu em thì chui qua rất dễ dàng còn Gấu anh chui sau nhưng cứ loay hoay mãi mà vẫn không chui qua cổng được. Để trẻ suy nghĩ vì sao Gấu anh không chui qua cổng được? Còn Gấu em lại chui dễ dàng? Như vậy nội dung bài dạy được đưa ra rất tự nhiên và trẻ rất hào hứng tìm cách giải quyết. Sau đó tôi lại cho 2 con gấu cùng ngồi cạnh với nhau để cho trẻ tiếp tục nhận xét và đặt ra câu trả lời.

  Ví dụ: “Cao hơn – thấp hơn” Chủ đề gia đình.

   Tôi giới thiệu sắp tới có hội thi “Người mẫu thanh lịch” hai anh em sinh đôi ban Kim Đan cũng đăng kí đi thi đấy các con ạ, hôm nay cô tổ chức đo chiều cao nếu bạn nào đủ kích thước mới được tham gia , khi đo cho 2 trẻ lên gần bờ tường đo, đo xong cô đánh dấu dùng thước đo cho trẻ đếm số đo, cô gắn số tương ứng, cho trẻ so sánh 2 bạn (Hai bạn bằng nhau). Bạn Duy cũng tham gia dự thi cô tiếp tục đo và ghi số tương ứng, cho trẻ so sánh số đo, hỏi trẻ bạn nào cao hơn? Có số là mấy? bạn nào thấp hơn có số đo là mấy? lúc này cho 3 trẻ đứng cạnh nhau. Thế bạn nào đủ chiều cao đi thi… Với cách làm này trẻ rất hứng thú học và tham gia vào các hoạt động và cũng biết được số đo của mình, biết mình thấp hơn phải cố gắng ăn, uống… Giải pháp này không chỉ giúp trẻ học tốt phép đo mà còn biết chăm sóc sức khỏe nữa. Cô đo 1 vài trẻ sau đó cho từng trẻ lên đo cho bạn.

  a.3) Hình dạng:    

  –  Dạy trẻ nhận biết, gọi tên các khối: khối tam giác, khối vuông, khối chữ nhật. Nhận biết đặc điểm  rõ nét của các khối như: Số mặt, hình dạng các mặt của từng loại khối.

   – Cho trẻ chọn hình theo mẫu của cô, trẻ nói tên hình đã chọn.

   – Phân biệt các hình qua những dấu hiệu bề ngoài rõ nét như: Hình tròn lăn được do tính chất của đường bao quanh, hình vuông với hình chữ nhật giống nhau ở chỗ là đều có 4 cạnh, nhưng khác nhau ở chỗ là hình vuông có 4 cạnh dài bằng nhau còn hình chữ nhật thì có 2 cạnh dài hơn.

  –  Qua đó phát hiện sự giống nhau và khác nhau giữa các khối.

  Ví dụ: Khi cho trẻ ôn nhận biết các hình: Hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật. Tôi kể cho trẻ nghe câu chuyện sáng tạo về vương quốc các hình, hình học. Với các nhân vật là các hình ai cũng cho mình là đẹp nhất và tôi đã lồng đặc điểm các hình qua lời thoại của các nhân vật: “Hình vuông nói: Tôi đẹp nhất vì tôi có các cạnh bằng nhau, hình tròn nói tôi đẹp nhất vì tôi có đường tròn bao quanh,….” Với cách làm này tôi nhận thấy trẻ rất thích thú nghe chuyện và kiến thức tôi cung cấp cho trẻ cũng rất tự nhiên không gò ép.

  a.4) Định hướng trong không gian:

     Dạy trẻ biết xác định vị trí đồ vật so với các hướng cơ bản của bạn khác hay của đối tượng khác: Phía trên – Phía dưới, phía trước – phía sau, tay phải – tay trái.

     Ví dụ 1: Xác định phía trên – phía dưới, phía trước – phía sau, tay phải – tay trái của bản thân bằng cách cho trẻ ngẩng đầu lên hay cúi đầu xuống để có thể nhìn thấy vật ở vị trí nào đó; phía trước – phía sau được xác định trẻ có nhìn thấy vật đó ở trước mặt hay không? Tiếp tục cho trẻ xác định bằng cách khó hơn như cho trẻ đội mũ, chân đi dép, phía trước có bông hoa, sau lưng cho trẻ mang cặp và lần lượt hỏi các phía. Khi trẻ đã xác định được các phía tôi tiếp tục cho trẻ xác định đối tượng khác.

  a.5) Xác định về thời gian:

      Biểu tượng này được dạy ở mọi lúc, mọi nơi và các môn học khác.

   – Qua các thời điểm sinh hoạt trong ngày, qua cách trò chuyện, thảo luận… để giúp trẻ nhận biết ngày – đêm.

      Ví dụ: Cô và trẻ trò chuyện về một ngày của bé như: Ban ngày bé đi đến trường mẫu giáo để được học, để ăn cơm, đi chơi công viên. Bố mẹ, cô giáo đi làm…Ban đêm bé đi ngủ.

     – Cho trẻ xem các bức tranh vẽ về cảnh sinh hoạt của gia đình vào ban ngày, ban đêm; nghe các câu chuyện nói về ban ngày, ban đêm.

 */ Tạo môi trường cho trẻ hoạt động.

     – Môi trường tổ chức các hoạt động học tập (hoạt động tạo hình, âm nhạc, vận động…) Môi trường tổ chức vui chơi… phù hợp theo từng chủ đề.

     – Giáo viên phải xác định rõ mục đích của mỗi loại tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi…,để giúp trẻ tích cực khai thác, tìm tòi, nghĩ ra nhiều cách chơi đáp ứng việc cung cấp và cũng cố kiến thức, kỹ năng cho trẻ.

     Ví dụ: Tranh mảng tường có thể sử dụng để giới thiệu chủ đề, cung cấp kiến thức, kinh nghiệm cho trẻ hoạt động. Khi làm đồ dùng, đồ chơi giáo viên gợi ý cho trẻ tìm ra những dấu hiệu để trẻ củng cố các kiến thức như: Về số lượng, hình dạng, kích thước.v.v.   

 – Giáo viên phải lên kế hoạch sử dụng từng loại đồ dùng, đồ chơi vào các bước

mở chủ đề, khám phá chủ đề và kết thúc chủ đề. Xác định rõ từng loại đồ chơi để đưa vào hoạt động học.

 Ví dụ: Chủ đề động vật: Cho trẻ tham quan góc sách, hỏi trẻ trên giá sách hôm nay có gì đổi mới? có bao nhiêu con vật? Cô cháu mình cùng đếm, đọc chữ số, các con vật này sống ở đâu? Thế con Voi và con Lợn con nào cao hơn, con nào thấp hơn. Quyển sách hình gì?, tìm xem có cái gì có hình khối? (hộp đất nặn),.v..v..

*/  Phát huy tối đa, tính tích cực chủ động sáng tạo của trẻ.

    – Để phát huy tối đa tính tích cực chủ động sáng tạo của trẻ tôi đã lựa chọn nội dung hoạt động phù hợp với yêu cầu giáo dục, hứng thú và kinh nghiệm của trẻ. Trước khi bắt đầu cho trẻ làm quen với kiến thức mới giáo viên tổ chức cho trẻ hoạt động ngoài giờ để trẻ được trao đổi, trò chuyện, thảo luận tự thể hiện và đưa ra ý kiến cho mình, qua đó giáo viên quan sát, theo dõi, trò chuyện, lắng nghe ý kiến, nắm bắt ý tưởng, nhu cầu, nguyện vọng của trẻ, khảo sát xem trẻ đã biết những gì, hạn chế những mặt nào, trẻ đang hứng thú với cái gì và có thể làm được gì?…Từ đó giáo viên đưa vào hoạt động những vấn đề trẻ đang quan tâm, mong muốn được khám phá.

   Ví dụ: Để chuẩn bị cho bài học về phép đo, trong buổi chơi tự do ngoài sân giáo viên đưa ra gợi ý: Cô đố các con trong 2 cái ghế băng này cái ghế nào dài hơn? Bằng cách nào mà con biết được?…..

   Trong quá trình tổ chức cho trẻ hoạt động LQVT giáo viên luôn quan sát, theo dõi, nắm bắt kịp thời xem trẻ đã hiểu được đến đâu, còn hứng thú hay không, nếu các nội dung cô đưa ra không còn hứng thú với trẻ thì nghĩ ngay đến phương án kết thúc và chuẩn bị kế hoạch một nội dung khác lạ hơn, dễ hấp dẫn hơn. Điều quan trọng là với mỗi nội dung mới được khám phá, tìm hiểu cô giáo phải chú ý khêu gợi cảm  xúc, hình thành mối quan hệ thái độ đúng đắn và mong muốn hiểu biết của trẻ.

    Ví dụ: Khi cho trẻ tìm hiểu cách so sánh chiều dài của 2 cái ghế, nếu thấy trẻ đã biết và chán không thích nữa thì giáo viên gợi ý tiếp. Các con xem ngoài việc xem cáí ghế nào dài hơn, cái ghế nào ngắn hơn thì chúng ta có thể đo chiều nào nữa không? (Đo chân của ghế nữa ạ), đo chân của ghế thế thì ta biết được điều gì? (Biết được cái ghế nào cao hơn, cái ghế nào thấp hơn). Như vậy là ta đã đo được chiều cao của ghế rồi đấy.

       Trong quá trình dạy trẻ học toán giáo viên chú ý gắn nội dung kiến thức với môi trường sống xung quanh trẻ vào những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống để giúp trẻ dễ nhớ và khắc sâu kiến thức hơn. Ngoài ra cô giáo yêu cầu trẻ về nhà quan sát, tìm hiểu, sưu tầm, thu thập tranh ảnh, hiện vật sau đó đưa đến lớp để mô tả, trưng bày, thảo luận cùng chia sẻ kinh nghiệm.

   Ví dụ: Qua tiết học về phép đo ở trên giáo viên có thể hỏi trẻ tại sao 2 cái ghế băng lại làm cái dài, cái ngắn, cái cao, cái thấp…(Cái cao để cho các anh chị ở lớp mẫu giáo lớn sử dụng, còn cái thấp để con, các em nhỏ hơn mới có thể tự ngồi lên ghế được).

      Sau các tiết học về hình khối cho trẻ liên hệ xem trong lớp, ở gia đình các con có đồ vật gì có dạng khối tam giác, khối vuông, khối chữ nhật (Quả bóng dạng khối cầu, hộp sữa ông thọ, hộp sữa em bé ăn dạng khối trụ, hộp sữa dây cô gái Hà lan có dạng khối chữ nhật, hộp sữa đậu nành Fami có dạng khối vuông…)

      Đối với tiết dạy về số lượng cô giáo yêu cầu trẻ về nhà gom các tờ lịch được bóc ra sau mỗi ngày tập hợp lại để mỗi cháu có một ngân hàng các chữ số. Tất cả các tiết học cô giáo đều đưa ra phần liên hệ thực tế và giao nhiệm vụ cho trẻ một cách cụ thể.

 */ Tạo ra tình huống có vấn đề để kích thích trẻ suy nghĩ và tìm hiểu phương thức.

      Trong khi tổ chức cho trẻ hoạt động giáo viên chú ý đưa ra câu hỏi để trẻ dùng kinh nghiệm của bản thân trao đổi với nhau, tiếp đó tôi nêu ra vấn đề mà tất cả trẻ đều đang muốn biết để nhằm tập trung sự chú ý, gây sự tò mò, kích thích nhu cầu muốn tìm hiểu của trẻ.

     Thông thường khi tạo tình huống có vấn đề tôi áp dụng cách đưa dần từ đơn giản đến phức tạp, từ những câu hỏi dễ đến những câu hỏi khó, để nâng dần yêu cầu lên đồng thời tôi dành thời gian để khuyến khích trẻ trả lời câu hỏi và đưa ra các tình huống có vấn đề.

   Ví dụ:  Khi dạy trẻ chia nhóm đồ vật có số lượng 4 thành 2 phần (Sử dụng đồ vật – Chủ điểm thế giới thực vật) cô đặt câu đố giới thiệu để gây sự chú ý tò mò của trẻ: “Quả gì nhiều mắt; khi chín nứt ra; Ruột trắng nõn nà; Hạt đen nhanh nhánh” khi trẻ trả lời cô cho trẻ xem quả na, hỏi trẻ các con đã được ăn quả na chưa, khi ăn quả na ta phải làm gì? (Nhả hạt)….. Đúng rồi ăn quả na không chỉ ngon và còn có nhiều chất bổ mà hạt quả na còn làm đồ chơi nữa đấy? cô cũng ăn quả na và cô cũng góp được rất nhiều hạt, hôm nay cô cùng các con làm gì từ những hạt na này nhé? Các con sẽ làm gì nào? Đếm xem có bao nhiêu hạt na? Có bao nhiêu cách chia số lượng 4 hạt na thành 2 phần?

     Tôi động viên trẻ suy nghĩ cùng tham gia xây dựng, bàn bạc đưa ra phương án tìm câu trả lời, tìm cách giải quyết các vấn đề, bằng cách tôi không trả lời hết các câu hỏi đã đưa ra mà tôi động viên trẻ tự suy nghĩ và tìm câu trả lời. Trường hợp trẻ không tìm ra câu trả lời tôi gợi ý với câu hỏi dễ hơn để trẻ có thể trả lời được mới thôi.

   Ví dụ: Chủ điểm thế giới động vật: Chia 4 đối tượng thành 2 phần theo các cách sau: 1 và 3, 2 và 2.

     Để gây sự hứng thú và nâng dần kiến thức cho trẻ trước hết tôi yêu cầu trẻ chia theo ý thích, sau đó chia theo yêu cầu của cô, thực hiện qua nhiều lần chia để trẻ rút ra được là 4 đối tượng thì có 2 cách chia (Tức là đã giúp trẻ khái quát hóa tri thức rút ra kết luận).

  */ Tổ chức tốt các hoạt động khám phá, thực hành trải nghiệm để trẻ tự giải quyết vấn đề.

    Đây là biện pháp có ý nghĩa lớn đối với quá trình nhận thức của trẻ, vì nó phù hợp với đặc điểm nhận thức của trẻ và là cốt lõi của đối mới phương pháp dạy học, trẻ là trung tâm của chủ thể của quá trình nhận thức, trẻ phải được thực hành được làm các phép thử sai, được trải nghiệm để đi đến nhận thức, các bài học toán đều phải cho trẻ luyện tập và phải luyện tập nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau, luyện tập cũng phải từ dễ đến khó.

    Ví dụ: Dạy trẻ về phép đo trước hết cho trẻ chọn đơn vị đo, dùng một đơn vị đo để đo các đối tượng kích thước bằng nhau để trẻ nhận thấy chúng cùng có số đo (Kết quả giống nhau).

       Sau đó cho trẻ dùng một đơn vị để đo các vật có độ dài khác nhau để trẻ nhận thấy chúng có số đo khác nhau, vật nào dài hơn thì đo được nhiều lần hơn, rồi cho trẻ đo các vật có độ dài bằng các đơn vị đo khác nhau để trẻ nhận thấy độ dài bằng nhau nhưng thước đo khác nhau thì có số đo khác nhau (Kết quả khác nhau).

      Để hoạt động khám phá, trải nghiệm của trẻ diễn ra đưa lại kết quả cao, tôi đặc biệt quan tâm đến điều kiện như: Thời gian cho trẻ được tự hoạt động, không gian hoạt động (Trong phòng học phải có chỗ đủ rộng để trẻ hoạt động), đồ dùng để thực hiện (Các học liệu để trẻ học toán phải đủ cho tất cả các cháu, phong phú về chủng loại, hấp dẫn về màu sắc).

      Để gây hứng thú  kích thích sự tò mò, hồi hộp chờ đợi của trẻ đối với hoạt động khám phá, tôi thường thấy tiến hành trò chuyện thu hút sự tham gia của tất cả các trẻ. Trên cơ sở kích thích kinh nghiệm sống của trẻ, lần lượt đưa ra các câu hỏi như: Điều gì xảy ra khi ? cháu nghỉ gì? làm thế nào để biết được điều đó? cháu sẽ làm như thế nào? có cách nào khác nữa không?

        Ngoài ra tôi còn kích thích trẻ đặt ra các câu hỏi giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, trẻ được suy nghĩ , tìm tòi các câu hỏi do mình nghĩ ra.

      Ví dụ: Sau khi trẻ đã tìm hiểu về khối chữ nhật, tôi cho trẻ quan sát khối chữ nhật đó và đưa ra một lời đề nghị như: các con hãy suy nghĩ và hỏi bạn một câu hỏi về khối chữ nhật này. (Khối chữ nhật có mấy mặt ? các mặt là hình gì?). Và kích thích trẻ khác đặt ra câu hỏi không giống với trẻ trước. Tôi còn sử dụng các câu hỏi như: “con có hỏi gì thêm nữa không? con có hỏi bạn điều gì nữa không” .v..v..?.Và sau mỗi lần trẻ nêu câu hỏi cô giáo khen ngợi trẻ như: “câu hỏi của con rất hay”, “một câu hỏi rất thông minh…”

 */ Tổ chức cho trẻ tham  gia các hoạt động sáng tạo:

   –  Cho trẻ tham gia vào các trò chơi đòi hỏi sự thông minh, nhanh trí như “thi đua xem ai có phản đoán chính xác hơn, ai nghĩ ra được nhiều cách hơn, ai có thể làm tốt hơn, nhanh hơn”.

  –  Các loại đồ dùng đồ chơi cũng sử dụng nhiều cách khác nhau, tạo cho trẻ nhiều lựa chọn, nhiều cơ hội để khám phá, thỉnh thoảng tôi lại thay đổi nguyên vật liệu, chủng loại đồ dùng đồ chơi, thay đổi cách sắp xếp để tạo ra sự bất ngờ và khuyến khích trẻ sử dụng ….

      Ví dụ: Đố trẻ tìm hiểu chữ số trên lịch treo tường, các chữ số trên biển xe máy, hay hỏi trẻ: nhà nào cao hơn? con vật nào to hơn?.v.v ..

      Khi trẻ đã thực hiện được tôi luôn chú ý khâu động viên, khen ngợi để trẻ thích thú và có sự tự tin khi bày tỏ ý kiến của mình trước tập thể và cô giáo.

  –   Để phục vụ cho các tiết học về số lượng, tôi tổ chức cho trẻ vẽ các đồ vật, con vật, đối tượng theo chủ điểm, sau đó tôi sẽ lưu lại một số tranh đẹp, cắt gián các chi tiết cần thiết rồi dán lên bìa cứng để trẻ sử dụng trong tiết học.

  –   Để trẻ dễ liên hệ giữa số lượng và các khối đã học tôi đã tận dụng các ngày sinh nhật của trẻ, cho trẻ gói quà tặng nhau bằng các khối do tôi làm từ bìa để trẻ quan sát và nhận xét (Số lượng các khối bằng tháng sinh của trẻ).

  –  Trong bài tập đo độ dài bằng các đồ dùng khác nhau, tôi và trẻ làm một số đồ dùng để đo như: Vẽ, tô màu và cắt theo hình bông hoa, bàn tay, bàn chân…Rồi dùng các đồ dùng này làm thước đo chiều dài các đối tượng.

 */ Tăng cường sử dụng trò chơi trong dạy trẻ làm quen với toán.

   – Trẻ lứa tuổi mầm non là “Chơi mà học, học mà chơi”. Vì thế hoạt động vui chơi luôn tạo không khí vui vẻ, thoái mái và trẻ học được nhiều điều mà chúng ta không nhìn được trực tiếp bằng mắt, qua chơi trẻ học được cách thức giao tiếp và hành vi ứng xử với những người xung quanh, phát triển lời nói và nhận thức, rèn luyện các kỹ năng sử dụng và bảo vệ các đồ dùng xung quanh, học cách nhường nhịn, chia sẻ với bạn bè, rèn luyện ý chí và sự chú ý trong khi chơi.

– Để hoạt động chơi có ý nghĩa trong việc học toán của trẻ 3 – 4 tuổi, tôi phải xác

định rõ mục đích, nội dung kiến thức về toán cần đưa đến với trẻ rồi mới lựa chọn trò chơi hoặc sáng tác, cải tiến thành một trò chơi mới, trò chơi đó phải đảm bảo cả 2 yếu tố: Là trẻ được chơi và trẻ học toán qua trò chơi đó, phát huy được tính chủ động, tự lực và sáng tạo của trẻ.

  – Các trò chơi phải đảm bảo luyện các bài tập từ dễ đến khó, xen kẽ các trò chơi đơn lẽ của cả nhân, trò chơi tập thể, trò chơi cho từng nhóm, xen kẽ các trò chơi tĩnh là trò chơi động, tạo cho trẻ cảm giác thoái mái đảm bảo nguyên lý  “Học mà chơi, chơi mà học”.

   – Các trò chơi có thể sử dụng trong khi tổ chức các hoạt động chung (tiết học hoặc tổ chức khi cho trẻ hoạt động ở các góc, hay tổ chức ôn luyện ở mọi lúc mọi nơi). Trong quá trình dạy trẻ tôi đã sử dụng rất nhiều trò chơi cho trẻ học toán.

   Ví dụ 1 :Cho trẻ chơi trò chơi “Tập đếm” để dạy trẻ đếm thành thạo trong phạm vi 5, bằng cách cho trẻ đứng liên tiếp từ 1 – 5 trẻ đứng thứ nhất đếm 1, trẻ đứng thứ 2 đếm 2…Tương tự hình thức đếm số xong lượt cho trẻ thay đổi vị trí và đếm lại.              

   Ví dụ 2:  Để cho trẻ biết được khái niệm số đứng trước, số đứng sau, số liền kề tôi đã sử dụng hình thức câu hỏi gợi ý: Bạn đứng trước bạn Duy (số 3) là bạn nào? (bạn Trúc Linh). Bạn Trúc Linh có chữ số mấy? (Số 2) bạn đứng kề sau bạn Duy là bạn nào? có chữ số mấy? (Là bạn Khoa có số 4). Từ chỗ được cô gợi ý mà trẻ có thể nhận biết được số liền kề trước số 3 là số 2, số liền kề sau số 3 là số 4..v.v.

   Ví dụ 3:  Cho trẻ chơi trò chơi “Tìm giúp bạn”. Sử dụng khi dạy đề tài “Xác định phía phải, phía trái của bạn khác, của các đối tượng khác có sự định hướng”. Tiến hành tôi chuẩn bị cho mỗi trẻ 1 bức tranh có các bạn nhỏ đang cầm gang tay, tất chân (Mỗi bạn ở mỗi loại còn thiếu một chiếc) ở hàng dưới vẽ chiếc thiếu còn lại yêu cầu trẻ tìm và nối đúng chiếc còn thiếu cho mỗi bạn.

   Ví dụ 4: Trò chơi “Đôi bạn về đúng nhà” dạy ôn về phép đếm, thêm bớt, hình dạng: Tôi làm các quân lô tô bằng các hình vuông, chữ nhật, tam giác, hình tròn, mặt lô tô là các hình ảnh tùy thuộc vào chủ điểm (Thực hiện ở chủ điểm nào thì tôi làm các biểu tượng trong chủ điểm đó, có thể là những bông hoa, quả, đồ dùng ngành nghề, phương tiện giao thông…) Nhưng số lượng các biểu tượng đó là phép chia từ số lượng của một nhóm đối tượng mà mình đang dạy (Tính theo cặp, dạy số lượng 4) 1 quân lô tô có 1 quả xoài, quân kia có 3 quả, cặp còn lại mỗi quân có 2 quả. Khi chơi yêu cầu trẻ phải chọn được bạn theo cặp đủ số lượng 4 quả xoài để về cây xoài hay đủ số lượng 4 quả gấc để về vườn gấc…áp dụng dạy ở chủ điểm PTGT thì thay thế các biểu tượng và đổi tên trò chơi là về đúng bến…

      Nhằm gây hứng thú và kích thích trẻ hoạt động đồng thời làm cho hoạt động thêm vui nhộn hấp dẫn tôi đặc biệt chú ý sử dụng yếu tố thi đua giữa các nhóm, tổ, cá nhân với nhau. Đối với yếu tố này cũng phải chú ý sự hợp lý chứ không quá lạm dụng, nếu lạm dụng thì trẻ chỉ chú ý đến thắng thua của tổ, nhóm mình mà lơ là đến kiến thức toán.

     – Trò chơi “Thi ai nhanh” sử dụng khi dạy về hình dạng từ các hình tròn, hình vuông, chữ nhật, tam giác tôi gắn các hình vào bàn cờ sau đó tôi cho trẻ đi quanh bàn cờ vừa đi vừa hát khi có hiệu lệnh thì trẻ chạy về phía hình mà tôi yêu cầu. Mỗi lần chơi 3- 4 trẻ. Tiếp tục tôi đổi cách chơi, cho trẻ đứng xung quanh bàn cờ khi cô xoay bàn cờ kim chỉ vào hình nào thì trẻ đọc tên hình đó, cô tiếp tục cho trẻ ôn luyện các chữ số tương ứng 1-1 khi kim chỉ vào hình vuông cô hỏi có bao nhiêu hình vuông tương ứng chữ số mấy? Với cách chơi này trẻ rất hứng thú và không nhàm chán.                                           

*/ Sưu tầm các trò chơi với toán trên phần mềm KIDSMART và khai thác các hình ảnh, tư liệu trên mạng.

      – Trong phần mềm kidsmart trò chơi tôi thấy ứng dụng được nhiều và hiệu quả nhất trong việc cho trẻ hình thành các biểu tượng ban đầu về toán đó là “Ngôi nhà toán học của Milli” với các phần chơi:

   +) Máy đếm số: Trên màn hình có máy đếm số hiến thị các chữ số từ 1-5, Tùy theo ta lựa chọn chế độ khi ta nhấp chuột vào số nào máy sẽ đọc to tên số đó và lần lượt hiện các con vật để trẻ đếm số lượng tương ứng với chữ số trẻ đã chọn, trò chơi này rất phù hợp với giờ học về số đếm  (Tiết 1).

   Ví dụ:  Số 5: Đếm đến 5. Nhận biết các nhóm có 5 đối tượng. Nhận biết số 5.

   +) Cùng với máy đếm số còn có trò chơi “Xưởng làm bánh”, “Hãy làm 1 con bọ” cũng rất hữu hiệu trong việc cho trẻ luyện tập đếm và làm quen chữ số.

   +) Với “Chú vịt Donald ngộ nghĩnh”, trẻ cũng nâng cao kỹ năng đếm và làm quen chữ số nhưng trò chơi này còn ứng dụng được cả trong tiết rèn luyện kỹ năng thêm bớt cho trẻ.

   Ví dụ:  Tiết nhận biết mối quan hệ hơn kém về số lượng trong phạm vi 3.

   +) Ngôi nhà toán học của Milli còn giúp trẻ hình thành các biểu tượng về hình khối, sự liên kết giữa các hình khối với nhau. Trò chơi “Hãy xây dựng ngôi nhà chuột” củng cố biểu tượng về kích thước to, nhỏ với việc cho trẻ lựa chọn các đôi dày cho bé xíu – bé vừa – bé bự.

     Qua các trò chơi trên CNTT phần mềm Kidsmart rất hấp dẫn, thu hút trẻ bởi những câu nói, tên nhân vật ngộ nghĩnh kích thích trẻ hào hứng tham gia trò chơi. Trẻ được thử nghiệm và tích lũy kiến thức qua các trò chơi bởi tính ưu việt của trò chơi đó là trò chơi nào cũng có 2 chế độ khảo sát và yêu cầu.

     Các trò chơi này có thể ứng dụng để cung cấp kiến thức cho trẻ trong giờ hoạt động góc, sau tiết học ôn kiến thức cô vừa cung cấp.

     Mạng Internet là một thư viện khổng lồ về mọi thông tin, tư liệu, hình ảnh …Tuy nhiên trang Web tôi thường truy cập để lấy thông tin về chuyên môn, cập nhập các giáo án điện tử hay những SKKN có tính ứng dụng cao đó là: Để tìm kiếm các hình ảnh động ngộ nghĩnh tôi thường truy cập các trang Web của một số hãng điện thoại như Mobicity, Vinaphone…Cùng với các trang Web về giáo dục, địa chỉ tôi thường xuyên vào đó để tìm kiếm hình ảnh về mọi lĩnh vực đó là Google là lực lượng trợ giúp đắc lực cho việc khai thác tìm hiểu tư liệu, hình ảnh…Các trò chơi này phần mềm KIDSMART trường tôi cũng đã được cài đặt nên cũng rất tiện dụng vào công tác giảng dạy đặc biệt là bộ môn LQVT.

 */ Nghiên cứu nội dung bài dạy để làm ra đồ dùng phù hợp.

   – Như chúng ta đã biết đặc trưng của môn học LQVT là tính chính xác và khoa học, mỗi tiết học cung cấp cho trẻ một kiến thức khác nhau và đòi hỏi phải có đồ dùng, đồ chơi khác nhau, phù hợp với nội dung và hình thức tổ chức tiết học.

  – Bên cạnh đó trên lớp học tôi xây dựng góc tuyên truyền các bậc cha mẹ có đầy

đủ các nội dung cần trao đổi trong ngày (như tên bài học), trong tuần, trong tháng về các nội dung thông báo sức khoẻ, động viên phụ huynh thu gom phế liệu để làm đồ chơi, mua đồ dùng học tập cho trẻ. Sau khi phụ huynh đã gom phế liệu chúng tôi đã làm và trưng bày đồ dùng và giới thiệu cho phụ huynh biết ý nghĩa của từng loại đồ dùng và phục vụ cho mỗi tiết học. Từ từ phụ huynh không ngần ngại khi gom phế liệu và cũng từ đó mối quan hệ giữa cô giáo và phụ huynh trở nên gần gũi, hiểu nhau hơn, quan tâm đến việc học của con mình hơn.                  

                           

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng