– Muốn tổ chức hoạt động tạo hình thành công, tạo sự ham muốn và hứng thú cho trẻ, trước hết giáo viên phải biết cách tìm các biện pháp, các hình thức để cung cấp kiến thức cho trẻ mọi lúc mọi nơi, tạo sự hứng thú giúp trẻ có mong muốn thể hiện các sản phẩm tạo hình.
– Bên cạnh đó vật liệu tạo hình cũng rất quan trọng, sự phong phú của vật liệu sẽ làm cho vật mẫu sinh động hơn.
– Đối với bản thân tôi ngoài những vật liệu quen thuộc như đất nặn, giấy màu, sáp màu phục vụ hoạt động tạo hình, tôi luôn để ý tìm các vật liệu để tạo ra sản phẩm như lá cây khô, giấy bóng màu, vỏ các loại quả (chôm chôm, cam…) và các vật liệu xung quanh như vỏ động vật (Trai, ốc, hến, sò biển)…
– Trong hoạt động tạo hình tôi luôn lồng ghép tích hợp các môn học, cho trẻ xem tranh, hình ảnh được tạo ra từ các vật liệu khác nhau tùy thuộc vào chủ đề và đề tài mà giáo viên muốn cung cấp cho trẻ.
– Lồng ghép tích hợp vào các hoạt động.
Ví dụ: Trong chủ đề “Thực vật” muốn cho trẻ thực hiện hoạt động xé dán các loại hoa, tôi tranh thủ trong giờ đón trẻ cung cấp cho trẻ xem tranh vẽ, xé dán các loại hoa, trò chuyện về các loại hoa, tìm hiểu các vật liệu để xé dán các loại hoa khác nhau.
Chuyển sang hoạt động ngoài trời tiếp tục cho trẻ quan sát các loại hoa xung quanh sân trường và cùng trò chuyện về những loại hoa mà trẻ biết, sang phần chơi tự do tôi cho trẻ xếp hột hạt các loại hoa tùy theo sở thích của trẻ. Bên cạnh đó kết hợp cho trẻ xem cách xé dán các loại hoa từ những nguyên vật liệu mà cô đã chuẩn bị như giấy màu, lá cây khô, lá bàng rụng… tạo ra những bức tranh về các loại hoa rất dễ thương và ngộ nghĩnh, những lúc như thế trẻ rất hứng thú và muốn làm theo cô, cho dù số trẻ làm được như cô rất ít, nhưng qua đó tạo cho trẻ tính tò mò, muốn khám phá, ngoài ra trong hoạt động góc tôi còn cho trẻ cùng tham gia làm hoa từ những tờ giấy màu, giấy nhăn nhiều màu…Trong giờ sinh hoạt chiều nếu có thời gian tôi cũng cho trẻ làm các loại hoa thông qua các trò chơi học tập, vận động, nhưng để tránh sự nhàm chán cho trẻ giáo viên phải sáng tạo trong từng hoạt động muốn trẻ thực hiện cô phải lồng ghép tích hợp vào nội dung của một câu chuyện hay một trò chơi hấp dẫn trẻ hoặc một cuộc thi nào đó do cô nghĩ ra, và vật liệu làm hoa cũng phải thay đổi phù hợp với nội dung câu chuyện hoặc trò chơi mà cô tổ chức.
– Ví dụ: chủ đề “Động vật” lồng ghép vào các hoạt động như đón trẻ, hoạt động ngoài trời, hoạt động góc cho trẻ làm các con vật từ lá cây như con trâu từ lá mít, con nhím từ vỏ quả chôm chôm, con rùa từ vỏ quả cam…kết hợp các hột hạt để làm các bộ phận của con vật…Chủ đề “Phương tiện giao thông” ngoài việc cho trẻ xếp hình, vẽ, nặn, xé dán, tìm cắt các loại phương tiện giao thông trên họa báo, trong các giờ trò chuyện cùng trẻ tôi gợi ý cho trẻ tìm cách thể hiện làm các phương tiện giao thông bằng lá, cành cây khô, muốn trẻ thực hiện được các sản phẩm từ các nguyên vật liệu này thì giáo viên phải chịu khó tìm tòi, chuẩn bị nguyên liệu phù hợp lá cây khô phải tìm lá mới rụng, có màu đẹp như màu vàng, xám…cành cây nhỏ dai, nhiều màu.
– Yêu cầu các vật liệu phải đảm bảo vệ sinh, dễ sử dụng, phù hợp và không gây nguy hiểm cho trẻ, trước khi thực hiện cô cung cấp cho trẻ về tác dụng của các vật liệu, cho trẻ nói lên ý tưởng các sản phẩm mà trẻ muốn tạo ra từ những vật liệu đó.
– Giáo viên cho trẻ biết ý nghĩa của việc sử dụng các nguyên vật liệu, sự kết hợp nhiều vật liệu khác nhau sẽ làm cho sản phẩm tạo hình thêm sinh động. Tuy nhiên bước đầu số trẻ làm đẹp chưa nhiều nhưng trong quá trình thực hiện đa số trẻ đã tạo ra các sản phẩm rất ngộ nghĩnh mà bản thân giáo viên cũng rất bất ngờ bởi sự sáng tạo của trẻ. Trong quá trình trẻ làm giáo viên gợi ý tạo không khí trò chuyện vui vẻ giúp trẻ mạnh dạn nói lên những tưởng tượng của trẻ, nó sẽ giúp giáo viên có thêm ý tưởng, trong những giờ hoạt động như thế trẻ rất say sưa và thích thú.
– Tùy vào từng chủ đề, từng nội dung bài dạy mà giáo viên chuẩn bị các nguyên vật liệu, vật mẫu và cách thay đổi hình thức tổ chức, có những đề tài giáo viên có thể thực hiện dưới dạng một câu chuyện kể, yêu cầu nội dung câu chuyện phải phù hợp với nội dung bài dạy, phù hợp với chủ đề và xuyên suốt từ phần ổn định tổ chức đến phần kết thúc bài. Tổ chức hoạt động tạo hình dưới dạng trò chơi, yêu cầu tên trò chơi phù hợp với chủ đề, đề tài nội dung các trò chơi phải lô rích, tạo cho trẻ cảm giác thoải mái khi được tham gia trò chơi. Trong quá trình tổ chức trò chơi yêu cầu giáo viên phải đưa ra được luật chơi để trẻ thi đua nhưng vẫn đảm bảo được nội dung theo yêu cầu bài dạy. Trong quá trình tổ chức cho trẻ thực hiện giáo viên có thể lồng ghép mở các đoạn nhạc không lời phù hợp với nội dung, ví dụ những đề tài về chủ đề “Mùa xuân” thì mở nhạc vui vẻ, rộn ràng, những đề tài về chủ đề “Gia đình” thì mở nhạc có tính chất dịu dàng, tha thiết hay chủ đề “Quê hương – đất nước” thì chọn những bài nhạc về quê hương…Trong quá trình mở nhạc giáo viên phải chú ý để tiếng nhạc không quá to, phù hợp với tình hình của lớp mà vẫn đảm bảo được sự bao quát, gợi ý của cô.
– Tổ chức hoạt động quan trọng nhất vẫn là tạo không khí học tập cho trẻ, giáo viên luôn tạo ra những tình huống bất ngờ một cách vui vẻ, nhẹ nhàng giúp trẻ chú ý và hứng thú hơn. Giáo viên không nên chú trọng quá nhiều vào việc bắt trẻ tạo ra sản phẩm giống cô mà chủ yếu là giúp trẻ tưởng tượng và tạo ra các sản phẩm theo yêu cầu nhưng vẫn bộc lộ được sự sáng tạo theo trí tưởng tượng của trẻ và nếu giáo viên chú ý chúng ta sẽ thấy được các cá tính khác nhau của từng trẻ được thể hiện trong các sản phẩm như cách dùng nguyên liệu, và thể hiện các đường nét, bố cục…
– Ví dụ: Khi thực hiện hoạt động tạo hình chủ đề “Thực vật” đề tài “Dán các loại hoa” lớp chồi.
Tôi tổ chức dưới dạng kể một câu chuyện về ngày hội của các loại hoa, khi thực hiện các phần như ổn định, gây hứng thú, giới thiệu bài cô kể về ngày hội các loài hoa đua nhau thi tài, mỗi loài hoa có một thế mạnh riêng song ai cũng muốn mình được khán giả và ban giám khảo bình chọn, cho nên các loài đã thể hiện mình dưới nhiều hình thức “Hoa hồng” thì nhờ họa sĩ tài ba thể hiện sự khéo léo qua các đường nét xé dán từ những tờ giấy nhăn nhiều màu tạo thành những cánh hoa tròn chụm vào nhau, kết hợp nhụy hoa, cành hoa, cuống hoa và lá hoa, giáo viên phân tích cách xé, màu sắc…, đến tranh hoa đồng tiền cô tiếp tục kể, vì không muốn thua kém bạn hoa hồng, hoa đồng tiền cũng nhờ các họa sĩ tái hiện lại vẻ đẹp của mình bằng những vật liệu hết sức gần gũi với nông dân đó là những lá lúa khô với màu vàng óng và phân tích tranh đi kèm lời kể chuyện hay hoa cúc được xé từ những tờ giấy màu quen thuộc, hoa thược dược được xé từ những chiếc lá khô mỏng manh, vàng óng…, những bức tranh xé dán giáo viên trang trí thêm cho đẹp và hướng dẫn trẻ, sau mỗi lần chuyển sang cho trẻ xem tranh các loại hoa khác tôi sẽ cho trẻ đoán nội dung theo ý trẻ và kết hợp với nội dung câu chuyện, vì vậy nội dung câu chuyện giáo viên phải luôn tùy vào tình hình để kể cho phù hợp với đề tài và gây được sự tò mò của trẻ, cô luôn phải đặt ra những tình tiết có tính hấp dẫn, phải chú ý về nội dung câu chuyện đảm bảo trẻ không đoán trước được và phải có sự đối thoại dễ thương của từng nhân vật do giáo viên tự nghĩ ra, mỗi bức tranh trong câu chuyện khi cho trẻ xem cô để trẻ tự nói được hình dạng, màu sắc, nguyên vật liệu, bố cục bức tranh để tạo sự hứng thú và bất ngờ cho trẻ. Chuyển sang phần trẻ thực hiện tùy vào tình hình của lớp nhưng vẫn gắn vào nội dung câu chuyện để giáo viên cho trẻ thực hiện đề tài cô yêu cầu một cách hào hứng. Cô nói phần trình diễn và giới thiệu về các loại hoa đã kết thúc bây giờ các loại hoa rất nóng lòng để chờ kết quả bình chọn từ phía khán giả, loài hoa nào được khán giả yêu thích nhất thì sẽ thể hiện qua sản phẩm của mình nhiều nhất, đẹp nhất. Bây giờ các loài hoa muốn ẩn mình để thử tài khán giả, xem ai là người ấn tượng nhiều nhất về các loài hoa. Trong khi thể hiện sự bình chọn của mình đối với các loài hoa yêu cầu khán giả sử dụng các nguyên vật liệu có sẵn để dán các loại hoa theo ý tưởng của mình. Khi dán phải xếp hình, bôi hồ như thế nào? Cho trẻ nói. Tiếp theo thời gian thực hiện khi có tiếng nhạc đến khi tiếng nhạc kết thúc khán giả phải hoàn thành xong phần thể hiện bình chọn của mình, cô mở nhạc (không mở quá to) vừa đủ nghe nhạc không lời nhẹ nhàng, vui tươi tạo không khí hứng thú cho trẻ, muốn mở nhạc phù hợp đòi hỏi giáo viên phải chịu khó tìm hiểu và lựa chọn để tìm loại nhạc phù hợp với chủ đề và nội dung bài dạy. Trong khi trẻ thực hiện giáo viên quan sát nếu cảm thấy trẻ hào hứng, say sưa làm thì giáo viên để trẻ hoàn thiện bức tranh không nhất thiết phải xen trò chơi vào giữa nhưng khi thấy trẻ mệt mỏi thì phải linh động xen vào các trò chơi ngắn, vui nhộn tạo sự thoải mái cho trẻ, ví dụ cô cố thể tắt nhạc và nói “Ồ sắp có tín hiệu mới, muốn biết đó là tín hiệu gì chúng ta cùng chú ý nào”, khi đó cô có thể làm động tác tay để tạo thành bông hoa, cho trẻ đoán cô đang làm gì, cho trẻ làm theo, kết hợp lời nói “Tôi là nụ, tôi muốn thành hoa, tôi phải lớn lên, lớn lên và nở, những câu cuối cô nói to hơn, vui hơn thể hiện sự lớn lên muốn nở rộ ra, sau câu nói cô tạo thành bông hoa nở thật to, vài lần cho trẻ cười thoải mái trong khi chơi. Khi trẻ vui vẻ lại thì giáo viên lại cho trẻ tiếp tục. Giáo viên muốn trẻ dừng tay thì phải có tín hiệu khi tắt nhạc để hướng trẻ vào nội dung mới của câu chuyện như các con ơi cô thấy sau một thời gian ẩn mình bây giờ các loài hoa rất tò mò muốn ra xem sản phẩm của các con thể hiện như thế nào, các con có đồng ý không nào. Sau đó cô cho trẻ trưng bày sản phẩm lên giá cô đã chuẩn bị, trước khi cho trẻ lên nhận xét cô nói bây giờ là phần công bố kết quả bình chọn của khán giả đối với các loại hoa bằng tất cả tình cảm, khả năng sáng tạo của mình xin mời khán giả có ý kiến nhận xét, cho trẻ nhận xét giáo viên phải tuyệt đối tôn trọng sự lựa chọn của trẻ, khi kết thúc phần nhận xét giáo lồng vào nội dung câu chuyện, xin chúng ta cùng cho một tràng pháo tay tặng tập thể lớp và ban giám khảo là cô sẽ công bố loài hoa được khán giả thể hiện đẹp nhất là thắng cuộc, lễ hội các loài hoa kết thúc và hoa được thể hiện đẹp nhất sẽ nhận danh hiệu “nữ hoàng” trong một năm. Để chúc mừng hoa (tên hoa mà trẻ dán đẹp nhất) chúng ta sẽ hát múa để chúc mừng cô chuyển hoạt động và kết thúc bài dạy.
– Trong khi thực hiện các hoạt động tạo hình tùy vào chủ đề, nội dung chủ đề nhánh và trọng tâm loại tiết cũng như tình hình của lớp mà hình thức và phương pháp dạy tôi phải thay đổi hình thức, phương pháp lồng ghép tích hợp để lôi cuốn trẻ, không nhất thiết phải thực hiện theo từng nội dung như giáo án, mà giáo viên có thể linh động, thay đổi nhưng vẫn phải gữ lại phần trọng tâm để thực hiện theo yêu cầu bài dạy.
– Hình thức nhận xét sản phẩm cũng luôn được thay đổi như nếu trẻ đã thực hiện quá nhiều lần việc lên nhận xét bài của bạn thì giáo viên nên thay đổi cho trẻ tự cầm sản phẩm của mình đứng (ngôi) thành vòng tròn để cả lớp cùng quan sát hết sản phẩm của bạn và nói lên ý tưởng và cảm nhận của bản thân khi thể hiện sản phẩm nhưng muốn gây sự hứng thú toải mái cho trẻ thì cô phải xen vào nội dung trò chơi ngắn mà cô nghĩ ra hoặc một tình huống nào đó để lôi cuốn trẻ, qua nhiều lần tôi đã rút ra kinh nghiệm là nếu giáo viên muốn có hiệu quả cao thì tiết học bao giờ cũng phải vui nhộn, gây được sự tập trung của trẻ bằng những tình huống, câu đố, hoặc chỉ cần một động tác bí mật, một lời nói gây ấn tượng của cô để lôi cuốn trẻ, thì trẻ sẽ tập trung và hiệu quả sẽ cao hơn, quan trọng hơn nữa là nếu giáo viên luôn chịu khó tìm tòi, sáng tạo thì sẽ tạo sự hứng thú, ham muốn khám phá cho trẻ khi tham gia vào hoạt động mà cô yêu cầu.