Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy vẽ cho trẻ mầm non

Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy vẽ cho trẻ mầm non.

  1. Lý do chọn biện pháp:

     Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai. Trẻ em là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Việc bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của xã hội và của mỗi gia đình. Đối với việc giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ thì ngay từ lứa tuổi mầm non, hoạt động tạo hình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển về mọi mặt như: thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ, thể lực và lao động.  Hoạt động tạo hình là một hoạt động học tập mang tính nghệ thuật, giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh và phản ánh thế giới thông qua các hình tượng nghệ thuật, trong các hình thức hoạt động mang tính nghệ thuật. Ở trường mầm non có rất nhiều các họat động, nhiều môn học phát triển toàn diện cho trẻ mẫu giáo, là cơ sở ban đầu, là nền móng đầu tiên để phát triển nhân cách con người mới.        Trẻ biết sáng tạo, lao động trong tương lai. Chính vì vậy việc thực hiện tốt các hoạt động tạo hình trong trường mầm non sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục nhằm phát triển toàn diện cho trẻ. Những sản phẩm trẻ tạo ra rất đơn giản, ngộ nghĩnh sinh động. Trẻ biết đánh giá khái quát cao, trẻ phản ánh ấn tượng của bản thân không phụ thuộc vào thực tế. Trẻ rất thích sử dụng mầu sắc sặc sỡ mang tính chất phản ánh biểu tượng. Mỗi sản phẩm của trẻ mang một nội dung, một tên gọi khác nhau. Trẻ tham gia vào hoạt đông tạo hình đã giúp trẻ hình thành các đức tính tốt như: yêu cái đẹp và mong muốn tạo ra cái đẹp. Trong thực tế việc tổ chức các hoạt động tạo hình ở trường mầm non  đã mang lại hiệu quả rất cao trong việc phát triển toàn diện cho trẻ nói chung đặc biệt môn vẽ nói riêng. Song việc dạy trẻ vẽ ở trường mầm non đã sử dụng một số phương pháp chưa thực sự đáp ứng và phát huy hết khả năng sáng tạo tư duy của trẻ, Các phương pháp đó lâu nay đang được sử dụng còn mang tính áp đặt, dập khuôn theo mẫu, sao chép chưa phát huy hết khả năng sáng tạo và sự linh hoạt của người giáo viên khi tổ chức hoạt động dạy vẽ cho trẻ. Song phần đa các bậc phụ huynh cũng còn coi nhẹ môn học này mà chủ yếu chỉ muốn cho con em mình học môn toán và tập viết, còn chưa coi trọng môn tạo hình nói chung và môn học vẽ nói riêng.

    Nhận thức rõ vai trò trách nhiệm to lớn của giáo viên mầm non trong giai đoạn phát triển hiện nay. Như NQ hội nghị lần thứ hai BCH TW Đảng (Khoá VIII) đã nêu: “Giáo viên mầm non là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh, giáo viên phải có đủ đức, đủ tài”.

   Vậy là một người giáo viên bản thân tôi thiết nghĩ phải làm gì, làm như thế nào để trẻ có thể tạo  ra những sản phẩm đẹp, đạt yêu cầu như mong muốn của môn học đã đề ra. Chính vì vậy mà tôi quyết định nghiên cứu và chọn đề tài “Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy vẽ cho trẻ mầm non

  1. Nội dung và cách thức thực hiện biện pháp, giải pháp.

 Phải dựa vào 3 hình thức chính đó là:

        –  Trong tiết học.

        –  Ngoài tiết học.

        – Thông qua trò chơi.

 * Trong tiết học

       Trong khi dạy trẻ  một đề tài nào đó trước hết phải chuẩn bị đầy đủ bàn ghế cũng như chố ngồi cho trẻ và đồng thời hiểu được nội dung cần vẽ cái gì là chính, và sự sáng tạo trong bức tranh đó là gì? Ví dụ khi dạy về chủ đề thế giới thực vật qua tiết dạy vẽ   “vẽ vườn hoa” Cô có thể sử dụng vật thật mô hình vườn hoa  trong đó có nhiều loại hoa, màu sắc khác nhau bên cạnh đó cô cũng chuẩn bị một số tranh, ảnh, về một số vườn hoa khác nhau, cô cho trẻ trực tiếp quan sát mô hình vườn hoa mà cô đã chuẩn bị sau đó cho trẻ quan sát các bức tranh  Trong lúc quan sát cô có thể lồng ghép trò chơi hoặc đọc thơ về một số loài hoa cô có thể tổ chức cho trẻ dưới hình thức hội thi “Bé khéo tay”, kết thúc tiết học cô  cho trẻ chơi trò chơi trồng hoa, từ những vật mẫu thật sẽ hấp dẫn và gây hứng thú cho trẻ, tổ chức tiết học như vậy trẻ sẽ được vận động nhiều, trẻ cũng thoải mái hào hứng, tiết học sẽ không còn khô cứng, và trẻ mạnh dạn tự tin khi được làm quen với môn học này. Trong tiết dạy vẽ đòi hỏi cô giáo phải đầu tư về tranh ảnh, vật thật phong phú, đa dạng, đẹp đảm bảo tính thẩm mỹ, và tổ chức dưới hình thức trò chơi hoặc hội thi thì kết quả của tiết dạy mang lại kết quả cao.                  

      Khi trẻ thực hiện xong bài vẽ của mình cô có thể cho trẻ mang sản phẩm của mình lên và tổ chức cho trẻ đi xem triển lãm tranh như vậy trẻ rất hào hứng phấn khởi được khoe bức tranh của mình, và thích được giới thiệu tranh của mình cho mọi người xem.

* Ngoài  tiết học: 

      Trong tiết dạy vẽ cô có thể tiến hành cho trẻ quan sát ở mọi lúc mọi nơi, khi dạo chơi tham quan, cô có thể cùng trẻ quan sát đàm thoại, và khi về lớp cô hỏi trẻ xem trẻ nhớ được những gì và nhắc lại để trẻ nhớ lâu khi thực hiện bài học trẻ sẽ tưởng tượng ra thì kết quả đem lại cũng rất cao. Ví dụ: muốn cho trẻ thực hiện tiết vẽ về biển đảo, khi cho trẻ dạo chơi ngoài trời cô cho trẻ quan sát mô hình biển đảo và đàm thoại cùng trẻ về đặc điểm nổi bật của đảo, đồng thời cho trẻ quan sát tranh biển đảo hoặc khi muốn cho  trẻ vẽ “đàn gà nhà bé” thì cô cho trẻ quan sát đàn gà thật, Cho trẻ sờ, cầm con gà lên quan sát và đàm thoại cùng trẻ về đàn gà, gà mẹ to hay nhỏ, còn gà con thì sao? Lông gà màu gì? Mỏ gà ra sao? Chân gà như thế nào? …và có thể kết hợp cho trẻ đọc bài thơ “ đàn gà con”. Trong giờ hoạt động vui chơi cô cho trẻ về góc xem tranh truyện, cho trẻ tập vẽ theo ý tưởng của mình và đặt tên cho đề tài đó  qua đó phát huy được tính sáng tạo tưởng tượng tư duy phát triển, sự khéo léo của đôi bàn tay.

    Cô nên tận dụng mọi lúc, mọi nơi để cho trẻ làm quen tiếp cận với tiết học vẽ đến góc “Bé khéo tay” cô cho trẻ quan sát các bức tranh ảnh, để  trẻ có điều kiện làm quen với tạo hình, từ đó sẽ hình thành tư duy, sáng tạo tưởng tượng, trí nhớ có chủ định ban đầu cho trẻ, sự khéo léo nhanh nhẹn của trẻ ngày càng phát triển phong phú và đa dạng hơn.

 * Thông qua trò chơi:

       Ví dụ: Cô tổ chức cho trẻ chơi trò chơi  “Cây này thiếu gì” chủ đề thế giới thực vật, trò chơi này nhằm mục đích củng cố biểu tượng của trẻ về các bộ phận của cây và rèn kỹ năng vẽ và tô màu cho trẻ. Trước hết cô chuẩn bị các bức tranh vẽ mô hình cây thiếu một hoặc một số bộ phận và bút sáp màu cho trẻ, cho trẻ chơi theo nhóm.

       Cô cho từng nhóm trẻ quan sát tranh vẽ cây còn thiếu các bộ phận. Trẻ quan sát, phát hiện bộ phận còn thiếu của cây, trẻ sẽ vẽ thêm các bộ phận còn thiếu, tô màu và vẽ thêm các chi tiết khác để tạo ra bức tranh đẹp. Thông qua đó sẽ hình thành sự nhanh nhẹn, khéo léo, và làm giàu trí tưởng tượng, óc sáng tạo đồng thời tư duy của trẻ cũng phát triển hơn. Hoặc cô tổ chức cho trẻ chơi trò chơi về chủ đề động vật trò chơi “Còn thiếu cái gì” trò chơi này mục đích củng cố những biểu tượng của trẻ về cấu tạo cơ thể và những đặc điểm đặc trưng của các con vật và trò chơi này cũng rèn kĩ năng vẽ hoặc cắt dán, cô cũng chuẩn bị các bức tranh vẽ các con vật còn thiếu một hoặc một số bộ phận và yêu cầu trẻ nhận ra bộ phận còn thiếu, phải vẽ thêm cho đủ các bộ phận và các chi tiết khác cho bức tranh thêm sinh động để mang đi triển lãm tranh.

     Thông qua trò chơi trẻ được trao đổi, đối thoại qua lại giữa trẻ với trẻ và trao đổi qua lại giữa các nhóm chơi với nhau, thông qua trò chơi trẻ dùng ngôn ngữ để giao tiếp được thực hành  để nói ra ý nghĩ của mình, thể hiện kết quả trên sản phẩm mà trẻ tạo ra.

      3. Kết quả thu được qua khảo nghiệm.

      Sau một thời gian nghiên cứu, tôi cùng các đồng nghiệp trong trường trao đổi, bàn luận, thống nhất các giải pháp mới về phương pháp dạy vẽ thông qua bộ môn tạo hình nhằm phát triển tư duy, sáng tạo, sự khéo léo và ham muốn cái đẹp cho trẻ theo hướng phát huy tích cực của trẻ. Qua quá trình vận dụng các giải pháp mới vào dạy học, tôi nhận thấy kết quả học tập của trẻ thu được như sau:

* Chất lượng của lớp học kì II:

       Kết quả Số lượng trẻ Khi chưa áp dụng hình thức đổi mới Sau khi áp dụng hình thức đổi mới
– Thực hiện bài vẽ  

45

50% – 60%     80% – 85%
– Sử dụng gam màu 45 55% – 65%     80% – 90%
– Mưu tả đặc điểm hình dáng, đường nét, 45 60% – 65%     85% – 90%

      So với trước đây thì chất lượng học tập của trẻ được nâng lên rõ rệt, từ những kĩ năng quan sát, trí tưởng tượng, óc sáng tạo, sự khéo léo của đôi bàn tay khá hoàn hảo về hình thức và nghệ thuật. Không còn trẻ học yếu, tiếp thu chậm. Tỉ lệ trẻ đạt khá, giỏi tăng lên nhiều.

       4. Kết luận.

      Giáo dục mầm non là ngành học đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đào tạo trồng người, làm quen với tạo hình là một hoạt động quan trọng ở trường mầm non và đặc biệt là tiết học vẽ thông qua nghệ thuật vẽ của cô hoạt động này nhằm dẫn dắt hướng trẻ cảm nhận những giá trị nội dung về cái đẹp, nghệ thuật phong phú, khơi gợi ở trẻ sự rung động, hứng thú đối với cái đẹp, có ấn tượng về hình tượng nghệ thuật, cái hay cái đẹp của tranh vẽ sự quan sát về thiên nhiên và môi trường xung quanh trẻ giúp trẻ cảm nhận thông qua các hoạt động mang tính chất nghệ thuật như: vẽ, cắt, xé, nặn…. Cao hơn nữa là tiến tới sáng tạo ra những bức tranh theo trí tưởng tượng của mình. Góp phần hình thành và phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ. Chính vì vậy là một giáo viên mầm non, luôn cần có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, trau dồi kiến thức, rèn luyện kĩ năng dạy vẽ chuẩn cho trẻ đóng một vị trí rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của trẻ. Giúp trẻ có thêm kho tàng kiến thức và chuẩn bị cho trẻ vào học phổ thông. Mỗi hình thức tổ chức dạy học, mỗi phương pháp dạy học đều có một ưu thế riêng do vậy giáo viên cần lựa chọn đúng và phối hợp nhịp nhàng các phương pháp dạy trẻ vẽ đạt hiệu quả cao hơn.    

Bấm vào đây tải file Word

 

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng