Open this in UX Builder to add and edit content

Một số giải pháp rèn chữ viết cho học sinh lớp một

Một số giải pháp rèn chữ viết cho học sinh lớp một

I.1.Lí do chọn đề tài:

          Chương trình giáo dục ở bậc tiểu học được hội tụ nhiều môn học nhưng môn Tiếng Việt chiếm một thời lượng rất lớn trong phân phối chương trình. Đặc biệt Tiếng Việt lại rất quan trọng đối với các em mới bước vào học lớp một. Để dạy tốt  Tiếng Việt lớp một, người giáo viên phải sáng tạo và linh hoạt trong các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhằm giúp học sinh tiếp thu bài một cách chủ động. Dạy Tiếng Việt cho lớp một bên cạnh dạy đọc thì dạy cho học sinh biết viết, viêt đúng và viết đẹp lại càng cần thiết, bởi vì:

       Như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng  nói: “Nét chữ – nết người”. Thật vậy, nét chữ không những thể hiện được một phần nào đó về tính cách của con người mà chữ viết còn là công cụ học tập và lao động cho mọi người nói chung và mỗi học sinh nói riêng.

     Với học sinh lớp một, chữ viết là nền móng của cả bậc Tiểu học. Dạy Tiếng Việt cho học sinh lớp một có nhiệm vụ vô cùng quan trọng, trao cho các em cái chìa khóa để mở cánh cửa tri thức. Giúp các em biết đọc, biết viết, có đọc đúng thì mới viết đúng, viết đẹp. Đọc thông, viết thạo luôn luôn gắn bó mật thiết với nhau, không thể tách rời nhau được. Chữ viết của học sinh lớp một được thể hiện qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là viết chữ nhở, chiếm quỹ thời gian hơn một học kỳ. Giai đoạn sau là viết chữ nhỏ. Đây là bước ngoặt khó khăn nhất trong giai đoạn đầu để rèn cho các em biết viết, viết đúng, viết cẩn thận. Viết đẹp là góp phần rèn luyện tính cẩn thận và lòng tự trọng, đối với bản thân cũng như đối với người đọc.

    Xuất phát từ yêu cầu về dạy chữ viết cho học sinh lớp một, đồng thời qua thực tế giảng dạy trên lớp, đúc rút cho mình một số kinh nghiệm cũng như cùng trao đổi với một số đồng nghiệp. Tôi nhận thấy chữ viết của các em viết chưa đúng, nhiều em chưa biết viết, còn viết ngược, một số em biết viết nhưng lại không đúng mẫu, tốc độ còn chậm. Để giúp các em có những kĩ năng viết cơ bản, viết đúng mẫu, tiến tới viết đẹp, đúng quy trình. Đó chính là lý do tôi chọn đề tài:  “Một số giải pháp rèn chữ viết cho học sinh lớp một” nhằm nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh lớp một.

  1. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp

    *  Giải pháp thứ nhất: Nắm vững cấu tạo của mẫu chữ viết theo quy định

       Trước hết, giáo viên phải là người nắm vững nội dung chương trình của môn Tiếng Việt lớp một, đặc biệt là tiết Học vần và Tập viết, nắm vững cấu tạo của mẫu chữ quy định để dạy học sinh. Có như vậy khi hướng dẫn học sinh mới lưu loát, thành thạo, giúp học sinh tiếp cận một cách dễ dàng và hiệu quả. Cụ thể:

+ Về mẫu chữ :

Nắm vững cấu tạo của  mẫu chữ cái viết thường, đó là:

Các chữ cái được viết với độ cao 2,5 đơn vị , tức là độ cao 5 ô li: b, l , h, k, g, y

Các chữ cái được viết với độ cao 2 đơn vị,  tức là độ cao 4 ô li: d, đ, p, q

Các chữ cái được viết với độ cao 1,5 đơn vị , tức là độ cao 3 ô li: t

Các chữ cái được viết với độ cao 1,25 đơn vị, tức là độ cao 2,5 ô li  : r, s

Các chữ còn lại được viết với độ cao 1 đơn vị, tức là độ cao 2 ô li: c,  o, ô, ơ, a, ă, â, u, ư, i, e, ê, m, n

+ Các dấu thanh được viết trong phạm vi 1 ô vuông có cạnh 0,5 đơn vị.

+ Các chữ số được viết với độ cao 2 ô li .

+ Các chữ cái viết hoa được viết với độ cao 2,5 đơn vị, tức là độ cao 5 ô li, riêng hai chữ cái được viết hoa với độ cao 4 đơn vị , tức là độ cao 8 ô li  là G và Y

+ Nắm được các nét cơ bản như nét khuyết trên, khuyết dưới, nét thắt, nét móc ngược, nét móc hai đầu.

   Để học sinh nhớ được tốt cấu tạo và cách viết các chữ trên, tôi viết một bảng phụ viết các chữ in, chữ viết thường và chữ viết hoa treo ở góc phòng học để hàng ngày các em quan sát và ghi nhớ.

Giải pháp thứ hai: Hướng dẫn học sinh tư thế  ngồi viết và cách cầm bút đúng.

       Giáo viên phải tập cho học sinh có tư thế ngồi viết đúng. Trước khi viết môn Tập viết, giáo viên phải nhắc học sinh ngồi đúng tư thế. Hai chân đặt song song vuông góc với mặt đất, lưng phải thẳng, ngực không áp vào bàn, đầu hơi cúi để cách mắt với vở khoảng từ 20 – 30 cm.(Chỉ cho học sinh cách ước lượng khoảng cách).Tay phải cầm bút, tay trái giữ mép vở. Tay cầm bút phải bằng ba ngón, ngón cái và ngón trỏ đặt ở phía trên, ngón giữa đặt ở phía dưới đỡ đầu bút và cách đầu bút khoảng một đốt ngón tay, cầm bút nghiêng về phía cổ tay, đưa bút nhẹ nhàng, không ấn mạnh.( Giáo viên làm mẫu cho học sinh quan sát trong những tiết tập viết đầu tiên và hằng ngày trong các tiết học). Sau đó các tiết học sau giáo viên cũng phải nhắc: “Các em trước khi viết phải ngồi đúng tư thế và cầm bút đúng, tránh cong vẹo cột sống và các tật về mắt ”. Đồng thời, trong khi học sinh viết, giáo viên xuống lớp giúp đỡ thêm những học sinh viết được một lúc lại thay đổi tư thế ngồi thì giáo viên kịp thời uốn nắn nhắc nhở để các em có thói quen ngồi đúng tư thế.

Giải pháp thứ ba: Nắm vững quy trình và phương pháp dạy Học vần; Tập viết và Chính tả ở lớp một.

     Để rèn chữ viết cho học sinh lớp một, trước hết phải chú trọng nhất vào trong các tiết dạy Học vần và Tập viết cho học sinh. Vì vậy, mỗi bài học, tiết học, giáo viên phải thiết kế bài dạy thật chu đáo, tìm ra các phương pháp hay phù hợp với các đối tượng học sinh trong một lớp. Khi dạy Tập viết, tôi đều thực hiện đầy đủ quy trình dạy Tập viết cho học sinh. Đó là:

– Hướng dẫn học sinh quan sát, nhận xét chữ mẫu.

    Khi hướng dẫn học sinh quan sát, giáo viên phải dẫn dắt để học sinh phân tích được hình dáng, kích thước, cấu tạo và cách viết từng con chữ. Mẫu chữ phải đẹp và đủ kích thước để cả lớp đều nhìn rõ.

– Giáo viên viết mẫu và giảng giải.

   Viết mẫu phải kết hợp với giảng giải để các em hiểu. Muốn vậy lời giảng giải phải thật sự súc tích, ngắn gọn nhưng lại bao quát được nội dung truyền đạt.

Ví dụ: Khi dạy tiết học vần, bài 20: K- Kh

      Trước hết giáo viên cho học sinh quan sát mẫu chữ K- Kh, nắm được độ cao, độ rộng của con chữ, điểm đặt và dừng bút qua hệ thống các câu hỏi mà giáo viên dẫn dắt, như: Chữ K gồm có mấy nét? Đó là những nét nào? Cao mấy ô li? Điểm đặt bút và dừng bút ở dòng kẻ thứ mấy? Sau đó, giáo viên viết mẫu và giảng giải: chữ K gồm có ba nét: nét khuyết trên cao 5 ô li kết hợp với nét thắt và nét móc hai đầu, điểm đặt bút ở dòng kẻ thứ hai, ô li thứ nhất, điểm dừng bút là ở dòng kẻ thứ hai. 

      Khi hướng dẫn học sinh viết  chữ Kh, viết chữ K như đã hướng dẫn. Nối liền nét  chữ K với chữ h cao 5 ô li gồm một nét khuyết trên và một nét móc hai đầu, điểm dừng bút cũng ở dòng kẻ thứ hai.

– Học sinh tập viết bảng con: 

      Đối với lớp một, thực hành viết trên bảng con là bước cần làm kĩ để giáo viên thấy được mức độ viết chữ của các em đến đâu trước khi cho học sinh thực hành viết vào vở Tập viết. Vì vậy, khi học sinh viết vào bảng con, tôi thường nhắc học sinh các thao tác

như lấy bảng, đặt bảng trên bàn, xóa chữ viết trên bảng, phải nhanh, gọn, nhẹ nhàng và khoa học. Hướng dẫn các em cách giơ bảng không quá cao để che mất khuôn mặt của mình, khi giơ bảng hai tay cầm ở hai góc bảng và hai khuỷu tay đặt trên bàn, khi xoay bảng chéo hai cánh tay, hạ bảng để xóa phải đặt từ từ tránh ồn ào mất trật tự của lớp học.             Đối với nhận xét bảng con, phải lựa một hoặc hai  bài viết tốt và một bài viết chưa tốt để các em quan sát và có sự so sánh bài viết của mình so với các bạn. Các em được xem những bài viết chưa đúng, chưa đẹp để rút kinh nghiệm .Giáo viên cùng học sinh nhận xét bài viết của học sinh, sửa những nét chưa đúng cho các em đồng thời cho các em xem chữ viết của bạn viết đẹp.

– Học sinh thực hành viết vào vở.

     Trước khi học sinh viết vào vở, giáo viên dặn học sinh ngồi đúng tư thế. Trong quá trình học sinh thực hành viết vào vở, tôi thường xuống dưới lớp để giúp đỡ những học sinh viết chưa đúng, chưa đẹp, viết còn cẩu thả. Có em mới đầu vào học, chưa biết cầm bút và đưa bút viết, tôi phải cầm tay đưa viết mới viết được đúng chữ. Những trường hợp như vậy giáo viên thường xuyên phải nhắc nhở, uốn nắn cách viết cho học sinh kịp thời . 

– Nhận xét và chữa bài cho học sinh:

    Tiếng Việt lớp một ở giai đoạn đầu mỗi buổi có 2 tiết học vần, tiết 1 hướng dẫn học sinh viết bảng con và tiết 2 học sinh thực hành viết vào vở Tập viết. Vì vậy việc nhận xét và chữa bài cho học sinh giáo viên cũng phải để ý sắp xếp cho hợp lí. Thường là để ý nhận xét, chữa bài cho những em hay mắc lỗi để các em nhận ra được những lỗi của mình từ đó để viết tốt hơn. Đồng thời dành thời gian động viên khuyến khích những em viết tốt để các em hứng thú hơn trong luyện chữ.

    Ngoài các tiết Học vần có phần hướng dẫn và viết cùng với tiết Tập viết là chủ đạo trong quá trình rèn chữ cho học sinh lớp một, tôi còn coi trọng các tiết Chính tả Tập chép và Chính tả Nghe- viết ở học kì hai. Đây là giai đoạn học sinh chuyển từ chữ viết nhở sang chữ viết cỡ nhỏ nên có nhiều em khó tiếp cận. Vì vậy, khi dạy các loại bài này, tôi phải hướng dẫn tỉ mỉ nhưng rõ ràng cô đọng cho học sinh.

*Giải pháp thứ tư: Giáo viên phải là người có chữ viết mẫu mực, viết đúng và viết đẹp.

     Đối với lớp một giáo viên không những hướng dẫn chữ viết cho học sinh mà giáo viên còn phải viết mẫu ở bảng, ở vở cho các em viết theo. Vì vậy, giáo viên phải là người viết đúng, viết đẹp. Bởi chữ của giáo viên là biểu tượng trực quan cho học sinh trong suốt quá trình dạy học. Các em tiếp thu hình ảnh chữ viết qua mắt nhìn . Đồng thời trong tiết Tập viết, giáo viên vừa hướng dẫn viết vừa giảng giải, vừa viết mẫu nên phải làm phối hợp thật nhịp nhàng, chữ viết phải đúng, mềm mại, đẹp mới lôi cuốn được sự chú ý của học sinh nhiều hơn. Trình bày bảng lớp đẹp gây cho học sinh sự thích thú, yêu quý chữ viết hơn. Khi giáo viên nhận xét, chữa bài cho học sinh cũng phải tỉ mỉ, cẩn thận từ  các lời phê, lời nhận xét cần ngắn gọn nhưng đầy đủ, giúp học sinh phát huy tính tích cực, khắc phục được hạn chế. Đồng thời chữ viết của giáo viên ở lời nhận xét phải đúng, đẹp, rõ ràng để học sinh đọc được. Khi các em được quan sát chữ đẹp của giáo viên, các em thường nảy ra ý định bắt chước viết ngay để được chữ như vậy. Ngoài chữ mẫu của giáo viên, tôi sử dụng các bài viết đúng và đẹp của học sinh trong lớp để các em khác học tập, đồng thời động viên tuyên dương những học sinh viết tốt đó để các em có thêm niềm tin và động lực trong quá trình nâng cao chất lượng chữ viết của mình. Vì vậy, muốn học sinh mình viết đẹp thì trước hết giáo viên phải viết được đúng và đẹp để học sinh noi theo. Do đó người giáo viên không ngừng học hỏi rèn chữ viết để dạy viết cho học sinh được tốt.

(Đây là tiết Chính tả tập chép, bài thơ “Tặng cháu”  mà giáo viên viết lên bảng  để học sinh nhìn viết)

Giải pháp thứ năm: Phối hợp với các môn học khác trong chương trình để rèn kỹ năng về chữ viết cho học sinh

      Cùng với môn Tiếng Việt, tôi còn phối hợp với các môn học khác để rèn chữ viết cho các em lớp một. Thực trạng một số giáo viên chỉ chú trọng vào tiết Học vần; tiết Tập viết và Chính tả đề rèn chữ viết cho học sinh mà không coi trọng các môn học khác nên học sinh chỉ lo viết, trình bày cho đẹp vở của các môn học này. Còn các môn học khác học sinh chỉ viết nguệch ngoạc, không đều, không đẹp nên chất lượng vở sạch chữ đẹp của lớp chưa cao. Với tôi, chữ viết của học sinh ở hầu hết các môn học đều được tôi quan tâm, thường xuyên nhắc nhở các em trình bày cho  khoa học, sạch sẽ, chữ viết phải đúng đều nét và đẹp ở tất cả các môn học. Nhất là môn Toán, ở giai đoạn từ giữa tháng thứ hai của năm học trở đi, tôi hướng dẫn cho học sinh làm quen viết tên bài học và có nhiều em trình bày viết đúng và đẹp. Sang học kì hai, các em học toán giải có lời văn nên thường phải viết nhiều. Vì vậy, nếu giáo viên không chú trọng đến chữ viết thì các em sẽ trình bày qua loa, cẩu thả, lâu ngày thành thói quen sau này rất khó hình thành. Do đó, khi bắt đầu dạy toán có lời văn, tôi đặc biệt chú ý chữ viết và trình bày bài giải, dành cho học sinh trình bày bài giải một quỹ thời gian nhiều hơn và dặn các em phải viết như  tiết Chính tả. Khi  nhận xét bài làm toán, ngoài nhận xét về kiến thức tôi còn chú ý nhận xét cách trình bày và chữ viết cho học sinh. Nhiều lần như vậy học sinh sẽ sửa được các khuyết điểm của mình. Cùng với môn Toán việc hình thành thói quen viết chữ cẩn thận ở tất cả các môn học là một việc cần quan tâm và thực hiện khi các em mới bước đầu vào học lớp một để các em có kĩ năng viết chữ trong các lớp học tiếp theo.

Giải pháp thứ sáu: Phát động phong trào “ Đôi bạn cùng tiến” để luyện chữ viết cho học sinh

      Trong lớp, tôi thường bố trí một học sinh viết tốt ngồi cạnh một học sinh viết chưa được tốt để các em có cơ hội viết theo nhau. Với môn Toán, việc học sinh nhìn bài của nhau để viết kết quả thành bài của mình là không được. Tuy nhiên với chữ viết thì lại khác, viết chữ coi trọng yếu tố thực hành. Vì vậy khi thấy bạn viết đẹp thì bản thân em ngồi bên cạnh sẽ cố gắng hơn. Đồng thời em viết tốt thường viết xong trước em viết chưa tốt nên các em sẽ nhắc nhở nhau khi viết.

       Ngoài ra, tôi thường xếp các em ngồi cạnh nhau vào mỗi nhóm hai em để các em giúp đỡ và thi đua với nhau. Ví dụ: Các em sẽ đổi bài viết cho nhau để quan sát, kiểm tra. Từ đó các em sẽ có những nhận xét cho nhau theo gợi ý của giáo viên.

Giải pháp thứ bảy: Phối hợp với phụ huynh để nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh

      Trước hết, trong buổi họp phụ huynh lớp đầu năm, tôi giúp phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của chữ viết đối với các em học sinh lớp một. Để từ đó phụ huynh có cái nhìn đúng về chữ viết của con em mình trong năm học đầu cấp. Nhắc nhở phụ huynh mua sắm đồ dùng học tập đầy đủ cho con em mình. Nhất là bảng con và các đồ dùng học tập khác như bút chì 2B, tẩy, thước… Đối với bảng con hướng dẫn phụ huynh mua loại bảng A, B, C hạng Thiên Long vì loại bảng này dễ viết, không trơn và dễ viết được chữ đẹp. Sang học kì II, học sinh đã bắt đầu viết bằng bút mực nên quy định màu mực cho học sinh, thường là màu xanh để thống nhất màu mực trong lớp. Nhắc phụ huynh thường xuyên kiểm tra vở viết cho con em mình ở nhà, nhắc nhở cách giữ gìn sách, vở, tạo cho các em có một không gian học tập ở nhà đảm bảo như ánh sáng, bàn ghế, phòng học,… đảm bảo để cùng với giáo viên nâng chất lượng chữ viết cho học sinh.

III.1. Kết luận:

    Để thực hiện thành công đề tài:“Một số giải pháp rèn chữ viết cho học sinh lớp một ”, trước hết người giáo viên phải thật sự nhiệt huyết với nghề, quan tâm chia sẻ những khó khăn của học sinh trong học tập cũng như trong cuộc sống, cần nhẹ nhàng nhắc nhở khi học sinh của mình viết chưa đúng, chưa đẹp. Đồng thời không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm dạy học, soạn giảng chu đáo trước khi lên lớp. Linh hoạt trong phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để phù hợp với các đối tượng  học sinh.

   Giúp học sinh nắm vững cấu tạo chữ viết của các con chữ trong Tiếng Việt, có kĩ năng viết đúng, viết đẹp kịp tốc độ tạo nền tảng cho các em học tốt môn Tiếng Việt nói riêng và các môn học khác nói chung.

   Thông qua rèn chữ viết đẹp để hình thành nhân cách, đức tính cẩn thận, tác phong gọn gàng, nhanh nhẹn cho học sinh. Từ đó các em biết vận dụng trong học tập và kĩ năng sống hàng ngày .

      Các giải pháp rèn chữ viết cho học sinh lớp một được nêu trong đề tài này dễ vận dụng và dễ áp dụng cho nhiều đối tượng học sinh trong một lớp.

Bấm vào đây để tải về

 

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng